Hồng Nghĩa đánh máy, Bảo Ngân biên tập Thăng trầm hiện hữu cạnh nhau Là đôi nhịp sống trước sau đi cùng Nhìn sâu quán rõ viên dung Bước qua phiền não đến vùng tịnh an
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát!
Hôm nay thứ bảy, trong chương trình Sống Trong Chánh Niệm, chúng con hòa cùng với nhau trong tâm ý thanh tịnh, nương vào đại hùng đại lực từ bi cứu độ của Chư Phật để đón nhận năng lượng Từ Bi thắp sáng đuốc tuệ, trì tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo, chia sẻ Phật pháp ngày hôm nay mong hầu tạo được chút phước đức. Nhân mùa Vu Lan hồi hướng lên cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thương yêu đã quá vãng và chư vị hương linh trong đại dịch vừa qua đã phải từ bỏ cõi trần này ra đi được nương bóng từ ân của Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư tái sanh cảnh Thiện Lành. Cũng đồng hồi hướng cho tất cả những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu thoát khỏi đại dịch, bệnh tật tiêu trừ. Hồi hướng cho tứ thân phụ mẫu, đấng bậc sinh thành và tất cả mọi gia đình, mọi chúng sanh, mọi con người đều tăng long phước thọ, hết phiền hết não, hết bệnh hết dịch, khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc. Chúng con xin Chư Phật chứng minh.
Mời tất cả các bạn cùng Bảo Thành và Tăng thân đồng trì hồng danh của Đức Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tỳ ca lan đế
A di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Mô Phật! Các bạn thân mến, cuộc sống của con người và muôn vật trên đời này đều phải bước qua những cung bậc thăng trầm trong cuộc sống.
Thăng và trầm hiện hữu cạnh bên nhau,
Là đôi nhịp sống trước sau đi cùng,
Nhìn sâu quán rõ viên dung,
Bước qua phiền não đến vùng tịnh an.
Đúng vậy, cuộc đời của con người như khúc sông, có khúc quanh, khúc thẳng, khúc dồn dập, khúc lắng đọng nhẹ nhàng êm ái. Thăng là đi lên mãi nhưng không bao giờ cứ mãi như vậy, bởi vì sau thăng là trầm, trầm xuống thật sâu rồi cũng lại thăng, đó là định luật của cuộc đời trong cõi vô thường. Sanh – diệt, thăng – trầm, là cặp đôi luôn luôn hiện hữu cùng với nhau, nó mãi mãi ở đó, không ai có khả năng diệt được hết cung thăng, mà loại trừ được tất cả mọi cung trầm, không ai mà cứ thế bay hẳn lên trên trời mà không một lần rớt xuống vực sâu. Đời người mấy ai ở trên đỉnh cao mãi mãi đâu và cũng mấy ai mãi mãi bị dìm sâu xuống vùng tăm tối bùn lầy của đau khổ.” Sông có khúc, người có lúc”, đó là cách nói của người Việt. Thăng trầm là 2 trạng thái luôn tồn tại song hành trong cuộc đời, mà dù trẻ hay lớn tuổi thì ai ai trong chúng ta cũng đã từng trải nghiệm qua sự thăng trầm. Nhưng không phải khúc thăng, khúc trầm nào của cuộc đời cũng làm cho chúng ta mãi mãi vui, và không phải thăng trầm trong cuộc sống chúng ta đều có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng. Có những cung bậc thăng trầm đến với cuộc đời đã làm chết luôn cả một kiếp người hoặc làm cho ta vất vưởng ngoài đường như kẻ ăn xin. Cũng có những khúc thăng trầm đến với một người để người đó có thêm nội lực vượt qua và rồi trưởng thành. Thất bại, gục ngã, vững chãi, trưởng thành, thành công trong những cung bậc thăng trầm của đời người còn rất lệ thuộc vào cách sống của mỗi người chúng ta.
Nói về cuộc đời trong kiếp nhân sinh này thì thăng trầm đa dạng vô cùng, có những thăng trầm về tiền tình tài danh vọng địa vị, về những cảm xúc đối xử tương tác, về trong công ăn việc làm, về trong quan hệ giữa người với người, sinh hoạt xã hội, chính trị, tôn giáo, bừa bộn những sự sinh hoạt của cuộc đời đó luôn luôn có thăng có trầm. Nhưng chúng ta là người học Phật, nếu đếm từng con người hiện hữu, đã hiện hữu và sẽ hiện hữu thì thăng trầm đa dạng. Học Phật, ta nhìn qua cuộc đời của Đức Bổn Sư Đức Thế Tôn xem Ngài có bước qua thăng trầm của đời người bình thường như chúng ta hay không, hay Ngài sanh ra đã có đầy đủ phước báu như trên trời giáng xuống chẳng bao giờ gặp thăng trầm. Có lẽ đọc trong kinh và ít có ai trong đời bận rộn này muốn nhìn qua cuộc đời lịch sử thực sự của Đức Phật để thấy Đức Phật là một con người bình thường như chúng ta, đã can qua muôn trạng thái thăng trầm của cuộc đời và tịnh tiến trên con đường nhận thức qua Trí Tuệ và Từ Bi để chứng đắc. Mà hầu hết chúng ta nghĩ rằng Phật như một vị thần, một đấng ở trên cao, hoàn hảo toàn diện, không bao giờ khổ đau và không bao giờ phải bước qua những cung bậc thăng trầm của cuộc đời. Để làm gì? Ngài là Phật mà. Hình như cách nói đó dần dần làm cho chúng ta xa lìa một Đức Phật lịch sử thực tế, một Đức Phật là một con người, mà đã biến Đức Phật thành một vị Thần, vị Thánh, một vị cao siêu không bao giờ phạm tội, không bao giờ khổ, không bao giờ phiền não, không bao giờ phải chịu cảnh thử thách, nghịch lý trong cuộc đời. Cách nhìn đó là cách nhìn mà chúng ta chưa chấp nhận sự thật mà chỉ phù phiếm trên những ngôn ngữ, niềm tin, khoác vào chiếc áo màu nhiệm cao cả của bậc giác ngộ.
Lịch sử của Đức Phật còn đó và Đức Phật là một Đức Phật lịch sử thực sự, Ngài là một con người, điều này khẳng định là không sai. Ngài sinh ra từ thuở nhỏ mặc dù có đầy đủ phước báu là một Thái tử con của Vua, sống trong cung đình, đầy đủ tất cả vật chất, sự chăm sóc, giáo dục về mọi phương diện, nhưng không phải từ thưở nhỏ đó mà Ngài chưa trải qua thăng trầm. Bước đầu tiên mà có lẽ ít người trong chúng ta mới phải đương đầu với cung bậc thăng trầm đau khổ ngay khi mới sinh ra, đó là mồ côi mẹ. Đức Phật mới sinh ra thì mẹ của Phật đã liền từ bỏ cuộc đời, chia tay với Phật, và như vậy Phật đã mồ côi khi thuở còn nhỏ. Đây là một nốt trầm đau khổ nhất trong kiếp người của mỗi chúng ta. Chưa xong, sống trong cung đình không phải êm ấm như chúng ta tưởng tượng, bao nhiêu sự tranh giành, tranh quyền đoạt lợi mà thậm chí có thể giết chết nhau trong từng giây phút. Ở bên cạnh những lời nói bóng bẩy ngọt ngào thì những mũi dao, mũi giáo, mũi gươm trực sẵn phía sau sẵn sàng đâm tới, kết liễu cuộc đời của Thái tử Tất Đạt Đa. Bằng chứng là có một người anh em bà con tên là Đề Bà Đạt Đa, ông này là anh em bà con gần gũi, sinh cùng thời với Đức Phật mà ngay từ thưở nhỏ đã tranh giành từng đồ chơi, cơm ăn, áo mặc, quyền lực, rồi muốn thay thế Đức Phật, tranh giành cả về tiền, về tình, về tài, về muôn mặt. Sự đối diện như vậy hiện hữu lắm, và Đức Phật là con người thật cũng từng trải qua như các bạn, phải tranh đấu trong cuộc đời để thành công, nhưng phải tranh đấu bằng Trí Tuệ và Từ Bi hay tranh đấu bằng những nguồn kiến thức gian trá và tâm ác độc, khác biệt ở chỗ đó.
Chúng ta thấy khi lớn lên, Đức Phật cũng như bao nhiêu con người, trai khôn phải lấy vợ, gái lớn phải gả chồng, điều đó tất yếu của kiếp người. Ngài là Thái Tử thời đó, đương thời sẽ lên làm Vua, cho nên nối truyền theo con đường của tổ tông, của ông bà để có con cháu sau này tiếp tục là chuyện rất thường. Nhưng Đức Phật là người căn cơ, nhìn thấy đau khổ của chúng sanh, muốn tìm con đường giải thoát. Tuy vậy Ngài cũng phải bước qua những cung bậc cuộc đời, và cuối cùng theo thông lệ Ngài cũng phải lấy vợ. Và Đề Bà Đạt Đa cũng tranh giành với Đức Phật trong những sinh hoạt rất đời thường đó. Đấu đá một cách kinh khủng mà không bao giờ nương tay, sẵn sàng triệt tiêu, sát phạt Đức Phật, tức là Thái Tử thời trẻ. Chúng ta đi tới đây đều thấy không phải Thái Tử không trải qua bốn bức thành của cung điện đầy đủ đồ ăn nước uống, tiền vàng bạc, mỹ nhân, dạ yến tiệc rần rần trong cuộc đời, Ngài vẫn nhìn thấy sinh – lão – bệnh – tử từ bốn cửa thành: người bệnh, người sanh ra thiếu thốn, đau khổ, mồ côi, bệnh hoạn, già nua chết đi. Và trong cái khổ của sinh – lão – bệnh – tử đó, Ngài đã nuôi chí nguyện tìm đường giải thoát. Rồi các bạn biết không, trong đêm mà La Hầu La được hạ sanh, Đức Phật có chí nguyện quá cao và Ngài muốn vượt thành đi tìm một con đường chân lý. Ngài nhìn qua cửa thấy được vợ đang nằm đó với con, muốn vào ôm con, muốn vào hôn vợ để nói lời giã từ ra đi nhưng không đặng, ông đã âm thầm cắn răng vượt qua thử thách tình cảm của đời người rất thường. Đây cũng là một nốt trầm thăng trong cuộc đời. Vượt qua thành, Ngài đi tìm đường cứu độ chúng sanh cũng chẳng êm ả gì mấy, gặp bao nhiêu thử thách trong cuộc đời. Từ thử thách về thời tiết, khí hậu, ăn uống, sự tu tập cùng với bạn đồng tu cùng các vị Thầy, sự tranh giành giữa các đồng môn đệ tử của Ngài. Rồi sự phải sống giữa những vị Vua mà luôn luôn tìm đủ mọi cách phối hợp với Đề Bà Đạt Đa để giết Phật, như Vua Tần-Bà-Xa-La hoặc Vua A-Xà-Thế. Rồi phải đương đầu với những người khác niềm tin, khác tôn giáo, luôn tìm cách vu khống hàm oan giết hại Phật. Thậm chí còn cho con voi điên uống rượu, uống bia say thả ra để giẫm nát thân Phật, thậm chí mà còn lăn cả đá ở trên núi xuống cho đè Phật chết đi. Người ta tìm đủ mọi cách chuốc độc Ngài, giết người rồi vu khống hàm oan, làm muôn chuyện mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Rồi trong hàng đệ tử của Phật lại có người quấy rối, phản bội, lúc nào cũng muốn hãm hại Phật, lúc nào cũng vu khống nói xấu Phật, chia rẽ Tăng thân, lúc nào cũng thủ thỉ thì thầm những lời độc ác để bức hại Phật. Đó là nốt trầm của cuộc đời mà Phật gặp dồn dập liên tục, nhưng không vì đó mà Ngài không thăng, tức là vượt qua những nốt trầm đau khổ đó. Ngài vẫn tịch tĩnh từ thưở chưa giác ngộ cho tới khi giác ngộ thành Phật thì Ngài vẫn phải đương đầu với những thăng trầm của cuộc đời.
Như vậy, trải qua sơ sơ hiểu rõ về lịch sử của Đức Phật lịch sử, ta thấy Ngài đã như chúng ta, phải đương đầu với biết bao nhiêu thăng trầm hiện hữu trong cuộc đời của Ngài. Sự thăng trầm đó là một cặp đôi trong nhịp sống, nó đi trước đi sau tùy thời, tùy phước báu nhân duyên của mỗi người. Và nếu chúng ta chỉ hời hợt, không quán chiếu sâu sắc để nhìn rõ một cách viên dung thì sự thăng trầm của cuộc đời sẽ như những đợt sóng thần dâng cao lên, nhấn chìm chúng ta xuống. Nhưng Đức Phật đã nhìn thấu từ thưở còn là Thái Tử để luôn luôn nhận diện những thăng trầm trong cuộc đời bằng tâm Trí Tuệ và Từ Bi, để khi Ngài thành Phật dù cho muôn sự xảy ra thì Ngài vẫn tịch tĩnh an vui và bước qua những cung bậc thăng trầm đó, để tận hưởng niềm vui trong sự an trú của Trí Tuệ và Từ Bi, mà mang mầm mống của sự sống gieo duyên khai thị tới cho muôn người.
Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta đang ở trong một sự thăng trầm của thời hiện đại, mà không chỉ các bạn mà trên toàn thế giới ai cũng đang phải đương đầu, đó là đại dịch. Chúng ta bây giờ chưa thể thoát đâu, không thể bỏ qua được bởi đây là một sự hiện hữu toàn dân trên thế giới đang phải đương đầu chống đối, không phải, không đương đầu để chống đối, không đương đầu để từ bỏ để đẩy lùi, mà đương đầu để chuyển hóa bởi nó đã tồn tại trên 2 năm. Và đã có biết bao nhiêu mạng sống của những người thân, những người ta không quen biết trên thế giới này đã nằm xuống vì đại dịch, sự thăng trầm này đã mang đến sự đau đớn tột cùng cho nhân loại nói chung và cho Việt Nam ngay bây giờ thời kì đại dịch khủng hoảng. Nhìn nẻo đường con phố, ta thấy đau tận trái tim, nhìn những khu tập trung như dồn vào đó chờ chết, ta thấy quặn đau ở trong lòng. Mọi sự bối rối không nhìn thấy đó, nếu mỗi người chúng ta không bình tĩnh để nghe theo lời Thế Tôn dạy thì càng làm cho rối rắm thêm, càng thêm đau khổ thêm mà thôi.
Do vậy thăng trầm trong cuộc đời, làm sao chúng ta có thể bước qua được? Nếu nói về âm nhạc thì có nốt thăng và nốt trầm, một bài nhạc không thể cứ thăng thăng hát hoài thì sẽ bị bể giọng không lên cao được, mà trầm trầm quá sẽ tịt ngòi không ra tiếng. Một nhạc sĩ giỏi là người biết khế hợp những nốt thăng, nốt trầm thành những giai điệu trầm bổng của những nốt nhạc để thể hiện tâm cảm, cảm xúc con người. Và rồi ai nữa, một người hòa âm là biết hòa những nốt thăng trầm đó trong những tiết tấu để đi vào lòng người, chúng ta không thể tránh cái trầm và cái thăng trong cuộc sống. Chúng ta phải học nghệ thuật trong đời sống tâm linh mà Đức Phật đã dạy, dùng Trí Tuệ và Từ Bi để trở thành một nhạc sĩ, biết sắp xếp những nốt thăng trầm trong cuộc đời để thành bài nhạc, để thể hiện tâm Trí Tuệ và Từ Bi của chúng ta, hòa âm phối khí một cách đặc biệt để thành những cung trầm bổng của cuộc đời. Bước qua thăng trầm theo lời Đức Phật thì chúng ta không thể quên 2 nốt nhạc: nốt nhạc của Trí Tuệ và nốt nhạc của Từ Bi. Hai nốt nhạc này thật đơn giản nếu các bạn biết khí âm nốt nhạc Trí Tuệ và nốt nhạc Từ Bi thì nhất định trong Chánh Niệm hơi thở, trong thiền quán chiếu hàng ngày hàng giây, các bạn và Bảo Thành sẽ bước qua thăng trầm của cuộc đời một cách an toàn viên dung, để từ đó chúng ta thành tựu được sự an lạc, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch khủng hoảng điên khùng, chớp nhoáng một con người có thể ra đi.
Đừng để cho những hiện tượng đó như những cột khói đen cao ngất cuộc đời này bao trùm thế giới tâm thức của ta, để quật ta xuống vực sâu của tăm tối đau khổ để than để khóc. Đừng bao giờ than các bạn ạ, đó là lời Đức Phật dạy. Luôn luôn phải nhìn tới những điểm tích cực ta vốn có trong cuộc đời. Những dấu đen vùng tối của cuộc đời ai cũng có, cuộc đời ai hoàn hảo đâu, ai cũng nhiều lần vấp ngã, ai cũng nhiều lần sa ngã vào cám dỗ. Ai cũng nhiều lần bị biết bao nhiêu cái sai trong cuộc đời hành hạ tâm thức. Nhưng hãy cố gắng thực tập Chánh Niệm hơi thở Từ Bi-Trí Tuệ Quán, chúng ta sẽ được Chư Phật khai thị để nhìn thấu các bạn ơi. Nhìn thấu và nhận ra bằng Trí Tuệ và Từ Bi để chúng ta biết hòa âm tạo thành một khúc nhạc của cuộc đời trong thăng trầm cay đắng ngọt bùi, thăng trầm trong đau khổ phiền não, hạnh phúc và an lạc. Cung bậc của cuộc đời nhất định sẽ bước qua, thật nhẹ nhàng trong những nốt thăng trầm hiện hữu, đặc biệt trong đại dịch này. Biết bao nhiêu những cảnh ngang trái, đau khổ xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới, và ở Việt Nam quê hương chúng ta càng đau khổ hơn, nhưng các bạn đừng để cho sự đen tối trong những cảm xúc của con người khi đối diện với những cảnh đó tạo ra làm cho tâm của chúng ta càng tối càng yếu đi. Mà chúng ta càng cần phải bình tĩnh hít thở trong Chánh Niệm, nhìn thật sâu thật rõ bởi nhận thấy:
Thăng trầm hiện hữu cạnh nhau,
Là đôi nhịp sống trước sau đi cùng.
Nhìn sâu quán rõ viên dung,
Bước qua phiền não đến vùng tịnh an.
Chỉ cần Chánh Niệm hơi thở Từ Bi và Trí Tuệ thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ tăng trưởng được nội lực và sức mạnh trong tánh nhìn viên dung thấu rõ, để đại dịch đang hoành hành trên thế giới đến tận cùng ngõ ngách nơi quê hương chúng ta, sẽ là cơ hội cho chúng ta nhìn thấu hơn về bản thể vô thường của cuộc đời, từ đó mà khởi nguồn cho Từ Bi và Trí Tuệ. Từ Bi của chúng ta phải như từng giọt nước châu ngọc trong trái tim tuôn ra để gội rửa mọi trần ai, mọi não phiền, mọi đau khổ. Trí Tuệ phải như ánh sáng của mặt trời thanh tịnh, chiếu khắp cùng nơi tăm tối, để mọi người nhìn thấy đường mà đi. Đại dịch bao trùm, màn đêm bao phủ tâm thức đen tối, nếu như chúng ta cứ than cứ khổ rồi chạy lung tung như người khùng người điên sẽ làm loạn hết tâm thần của mình và thế giới. Thay vào đó, mỗi người chúng ta hãy mượn thời kì này mà hít thở Chánh Niệm Từ Bi, làm đúng theo lời của Đức Phật để chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những thăng trầm trong đại dịch hiện tại.
Trong ngày sinh hoạt hôm nay, thứ 7, sống đời sống Chánh Niệm, trên kênh Facebook và kênh YouTube, chúng ta đồng trì Đại Bi Chú để nương vào Tâm Đại Bi của Đức Phật, nương vào sức mạnh hùng lực Từ Bi yêu thương tầm thinh cứu khổ của mẹ hiền Quan Thế Âm, để chúng ta cùng nhìn sâu và thấy rõ được những hiện tượng đang xảy ra ngay bây giờ trên thế giới và Việt Nam, để chúng ta có thể nhận ra kiếp người mong manh dễ vỡ, và đó chính là sự Vô Thường. Quán chiếu Vô Thường bằng Chánh Niệm hơi thở, ta quán chiếu thật sâu để chúng ta có được sức mạnh vượt qua tất cả thử thách trong cuộc đời. Chúng ta hãy cố gắng, chúng ta hãy cố gắng mượn thời gian này tịnh hóa thân tâm của mình bằng hơi thở, thắp sáng đuốc Tuệ, khơi nguồn Từ Bi. Hãy thường niệm hồng danh của Đức Phật, của mẹ hiền Quan Thế Âm: Nam mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm trong mọi lúc mọi nơi, mọi giây phút ta đang hít vào thở ra trong cuộc sống, để cùng nhau tăng trưởng nguồn an lạc, hạnh phúc và từ bi, thắp sáng đuốc tuệ và để đồng bước qua cuộc thăng trầm hiện tại đang xảy ra. Niềm tin sâu sắc vào mẹ hiền Quan Thế Âm, niềm tin bất thối vào Đức Thế Tôn sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấu quán chiếu rõ, giúp chúng ta quán chiếu sâu hơn để viên dung tâm thức của mình. Để rồi mỗi người tự tại, thong dong bước ra khỏi phiền não đến vùng tịnh an. Và các bạn, hãy tới với mẹ hiền Quan Thế Âm, nương bóng từ ân của Ngài để chúng ta tầm thinh cứu khổ nơi cuộc đời của mỗi chúng ta, để chúng ta nhìn rõ tánh Vô Thường hiện hữu thực sự ngay bây giờ. Hãy nương vào Đức Từ Bi Thế Tôn để Ngài khai trí cho chúng ta để chúng ta thấy rõ được mà vượt qua tất cả.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Cám ơn các bạn.
PHẦN GIAO LƯU:
Phật tử Bảo Nghy: Thưa Thầy, trong những cung trầm đôi khi có những nỗi đau quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của mỗi người, ngay cả bản thân con cũng vậy. Nỗi đau này làm người ta nửa tỉnh nửa mê, khó vượt qua bằng sức mạnh của mình. Trong trường hợp này, chúng con phải làm gì để nhanh chóng lấy lại sức mạnh về tinh thần để tiếp tục quán chiếu và tư duy Trí Tuệ ạ?
Thầy Bảo Thành: Ai trong chúng ta ở trên đời này cũng đều có mẹ và cha. Mượn hình ảnh của cha mẹ để thấy rằng Đức Phật còn hơn thế nữa. Cha mẹ thấy một người con khi bị trầm mê trong thử thách hoặc một điều gì đó thì cha mẹ không bao giờ bỏ, lúc nào cũng ôm ấp, yêu thương, chia sẻ và lúc nào cũng sẵn sàng tới bên cuộc đời của chúng ta để dìu dắt chúng ta vượt qua, cho tới khi chúng ta có thể tự chủ được. Cha mẹ sẵn sàng lót bước cho chúng ta bay bổng vào cuộc đời.
Đức Phật là Đấng đại Từ đại Bi. Các Chư Phật, các Đấng Bồ Tát, các chư Thiện Thần, Thiện Tri Thức đều có lòng Từ Bi, yêu thương chúng sanh như mẹ như cha. Các Ngài không bao giờ từ bỏ ta, nhất là khi ta rơi vào trạng thái mê toàn tập. Ngài vẫn đến vỗ về, đánh thức như mẹ của chúng ta, tìm mọi phương tiện để đánh thức, khuyến khích, sách tấn chúng ta tiếp tục vượt qua chướng ngại của cuộc đời. Dù là nhỏ tuổi hay khi ta đã có vợ, có chồng, có con, thậm chí khi chúng ta thành ông, thành bà mà còn mẹ còn cha thì mẹ cha vẫn thường nhắc nhở dìu dắt bằng nhiều phương tiện, khởi nguồn từ tình yêu không giới hạn của các đấng ấy. Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, các bậc Thiện Tri thức cũng như vậy, yêu thương chúng ta vô cùng, hóa hiện mọi thân tướng trong cuộc đời y như phẩm Phổ Môn đã dạy, cần thân tướng nào hóa thành thân tướng đó, để đồng hành cùng chúng sanh, nhắc nhở khi chúng ta rớt vào vùng mê toàn tập, hoàn toàn không biết gì. Và Phật luôn tới trong cuộc đời để nhắc nhở chúng ta. Điều mà Đức Phật nhắc nhở chúng ta và dùng phương tiện để đánh thức chúng ta, đó là Chánh Niệm hơi thở tỉnh giác. Ngài luôn nhắc, hãy Chánh Niệm hơi thở để có đời sống tỉnh giác.
Dĩ nhiên khi trầm mê như thế, hơi thở hít vào chẳng làm chủ thì làm sao Chánh Niệm để tỉnh giác. Chúng ta vẫn biết Chánh Niệm hơi thở tỉnh giác là phương tiện cao quý để thực tập, nhưng có thật nhiều lần Bảo Thành và các bạn rơi vào trạng thái không thể tự chủ và làm chủ, cứ rơi rơi mãi rơi xuống đến tận cùng đáy sâu của những nốt trầm trong cuộc đời đó, buông xuôi không còn sức nữa. Dù bạn có buông xuôi thì cha mẹ cũng không buông tay bỏ bạn. Bạn phải tư duy mới thấu được lòng cha mẹ. Đặc biệt trong mùa Vu Lan. Ngày mai Chùa Xá Lợi tổ chức Lễ Vu Lan, trên toàn thế giới chắc có lẽ cũng như vậy. Dù bạn có buông xuôi cuộc đời thì mẹ cũng không bao giờ buông tay bạn, dù bạn có buông xuôi số mệnh thì Phật cũng không bao giờ buông tay. Phật vẫn luôn luôn nắm chặt bàn tay của các bạn để kéo các bạn lên, như người mẹ hiền, như người cha đáng tôn kính không bao giờ bỏ rơi con của mình. Tình yêu của cha mẹ là như thế, và Đức Phật Chư Bồ Tát Thánh Hiền không buông tay khỏi chúng sanh. Khi chúng sanh đã bỏ rơi cuộc đời xuống hầm sâu của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì các Ngài dùng bàn tay Từ Bi yêu thương thể hiện qua tha lực. Tha lực là nguồn trợ lực bằng tình yêu từ bên ngoài chúng ta, và năng lượng yêu thương bằng mọi hành động của các Đấng ấy là tha lực trợ lực cho con cái vượt qua, thì Chư Phật Bồ Tát Thánh Hiền Thiện Tri thức cũng dùng tha lực tình yêu của đại Từ đại Bi và đại Trí Tuệ để cứu vớt chúng ta khi mà chúng ta đã buông xuôi, rớt xuống vực sâu của cuộc đời.
Để nhận được tha lực đó, cũng như nhận được tình yêu thương của cha mẹ thì ít nhất các bạn cũng phải nhìn hướng về cha mẹ. Các bạn chỉ cần nhìn và hướng tâm đến Phật bằng tâm thành kính chân thành, chỉ có vậy sẽ đón nhận được tha lực đại Từ đại Bi. Cho nên những ai đang rơi vào sự khủng hoảng và đang buông bỏ cuộc đời mình cho rơi xuống tận cùng đáy sâu, hãy quay về trong tư tưởng nhìn về Phật, hướng về Phật thì nhất định sẽ có tha lực đại Từ đại Bi cứu giúp chúng ta ngay. Và nếu các bạn thể hiện theo tinh thần của Phổ Môn nữa mà niệm hồng danh của mẹ Quan Thế Âm thì nhất định dù cho sóng thần, thú dữ, hầm lửa, hầm chông, hầm gai thì các bạn cũng nhờ hải triều âm đại Từ đại Bi của Mu A Mu Sa, lòng yêu thương của mẹ hiền Quan Âm, giúp cho bạn liền lên bờ bình an.
Quay trở lại trả lời ngắn gọn, khi bạn không làm chủ được, phải luôn luôn hướng về Phật về mẹ Quan Thế Âm, và một lòng thành kính nương vào tha lực của các Ngài, để các Ngài có thể cứu chúng ta cho tới khi chúng ta vững chân trở lại, để có nguồn tự lực khởi nguồn, để từ đó tự lực của ta sẽ trở thành ốc đảo của mình, vịn ngay chỗ té nương vào tha lực của Phật vực dậy mà đi. Cuộc sống của con người rất cần tha lực và tự lực, phối hợp song hành như cung bậc thăng trầm của cuộc đời. Hãy tin vào Phật, một niềm tin bất thối, hãy tin vào mẹ hiền Quan Âm và thường niệm hồng danh của Ngài. Dù trong bất cứ tình trạng nào của cuộc sống, nếu bạn đã buông xuôi rồi nhưng còn tin vào Phật và Bồ Tát thì các Ngài sẽ không bao giờ buông tay các bạn để các bạn rớt xuống hầm chông bể lửa đâu. Hãy thường niệm Nam mô Quan Thế Âm mẹ hiền đại Từ đại Bi Thiên Thủ Thiên Nhãn, hãy thường niệm hồng danh của Đức Bổn Sư, hãy thường niệm Mu A Mu Sa. Mô Phật!
Phật tử Bảo Thi: Thưa Thầy, những điều bất như ý trong cuộc đời xảy đến do chúng con tích phước nên nghiệp mới trổ hay là do nghiệp quá nặng đến ngày giờ thì nó phải trổ ạ?
Thầy Bảo Thành: Nhà Phật gọi là nhân duyên. Mọi nghiệp chướng của chúng ta dù nhỏ hay lớn khi hội đủ nhân duyên sẽ trổ quả. Khi quán chiếu thấy được quả trổ ta thấy rằng nhân duyên đó đã có để cho cái mầm của những ác nghiệp nhiều đời hoặc mầm của những thiện duyên nhiều đời trổ ra. Ta nhìn sâu để nhận ra nhân duyên tương tác đó là gì. Ví dụ một quả ác nó hiện ra chính do mầm ác nhiều đời ta đã gieo, ngay sau khi xảy ra quả ác đó, ta quán chiếu để xem sự tương tác với ta như thế nào. Ví dụ như mầm ác vốn có, nay đụng một người đi nhậu say đi loạng quạng, ta tông vào họ, ta cãi nhau với người say một hồi nhất định sẽ đánh nhau. Đó là nhân duyên tạo ra cho quả ác trổ mầm, nay đã thành quả. Nhận thấy được điều đó, lỡ quả ác đã trổ, nay ta tông vào người say thì chúng ta thấy rằng đừng khế hợp với nhân duyên đó để cho quả ác này tiếp tục trổ nhanh. Cho nên Phật nói, thấy điều ác dù rất nhỏ thì quán chiếu nhân duyên để ngừng ngay, đừng tác động vô.
Ngược lại, những quả trổ ra do mầm mống phước báu ta quán chiếu nhân duyên phù hợp. Ví dụ như ta đã có mầm mống học Phật, nay lại tiếp cận được các bậc Thiện Tri thức, những bậc Thầy, bạn bè đồng tu hữu duyên rồi sách tấn nhau tu, quán chiếu ta thấy đây là nhân duyên tốt, thì ta lại phải sách tấn bản thân bằng cách kề cận những bậc Thiện Tri thức, gần gũi những bạn đồng tu hiền, những bậc Tôn túc hướng dẫn cho chúng ta. Phật dạy những việc Thiện thật là nhỏ gặp đúng nhân duyên phù hợp thì chớ có tránh, hãy tương tác tích cực, phối hợp để mang nó trở thành thành tựu trong cuộc đời. Còn việc ác nhỏ phải bỏ qua. Cho nên quy lại, mọi việc ta làm đều nằm trong Luật Nhân Quả Thiện Ác, khi trổ quả nếu ác, quán chiếu thật rõ để chúng ta tách rời những nhân duyên tạo cho quả ác phát triển nhanh. Còn nếu là Thiện thì quán chiếu rõ, phối hợp với nhân duyên đó tăng trưởng. Trời đang mưa tốt hãy trồng cây, trời nắng hạn chớ trồng cây. Quả nào cũng vậy, tới thời nó sẽ mọc, nhưng đúng mùa trồng nó sẽ mọc lên, không đúng mùa nó sẽ chết. Quán chiếu rõ phối hợp, khế hợp, khế cơ, khế lý phù hợp thì nhất định sẽ đưa tới sự thành tựu.
PHẦN HỒI HƯỚNG:
Mô Phật! Ngày mai là lễ Vu Lan, từ hôm nay tới ngày mai cũng như trong suốt tuần này, Bảo Thành kêu gọi mọi người hãy làm việc thiện, và giữ giới, ăn chay để tạo phước đức hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ và tăng trưởng phước báu cho tự thân của mình vượt qua những chướng ngại, thăng trầm trong cuộc đời.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Xin Chư Phật chứng minh, chúng con thành tâm nguyện xin hồi hướng công đức đồng tu ngày hôm nay đến Cửu Huyền Thất Tổ, thân bằng quyến thuộc và chư vị hương linh đã từ giã cõi đời trong mùa đại dịch được nương bóng từ ân của Đức Phật A Di Đà tái sanh về cảnh giới thiện lành.
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát!