Mô Phật! Mỗi người đều có một thời điểm giác ngộ của riêng mình. Nhưng thông thường, tại sao phải tới khi đau khổ tận cùng hoặc phải trải qua một biến cố nào đó, việc nào đó để phải đau đớn thì người ta mới biết quay về với đạo ạ? Khi nhìn những người xung quanh con làm những việc không tốt, con biết là họ sẽ phải chịu đau khổ sau này bởi nhân quả, nhưng không thể khuyên ngăn họ được vì nếu nói ra, có thể họ sẽ không tin và phỉ báng Tam Bảo. Nhưng khi thấy họ khổ, con cũng đau lòng. Xin Thầy khai thị để con được nhẹ lòng ạ!
Trả lời: Mô Phật! Hồi nhỏ Bảo Thành và các bạn thường như vầy. Người lớn nói “con đừng có đi tới chỗ đó, chỗ đó là đoạn đường cụt, ngõ hẻm cụt tối tăm và có thể là bìa rừng hoặc có thể là chân núi té xuống chết”. Nhưng mà trên con đường đi tuổi trẻ không có thích, bởi ta nghĩ rằng ta có sức khỏe, ta có sức mạnh cho nên ta cứ đi để khám phá. Cho tới khi tới đó rồi, ta mới nhận ra người lớn nói đúng, ta quay đầu lại. Thật ra cũng không sao, nhà Phật không có vội vàng cho những con người thích thử thách, đi tới cái đích cuối cùng thấy rằng không có lợi mà quay đầu trở lại, đó gọi là “hồi đầu thị ngạn”.
Trong nhà Phật, có câu “kiến phiền não” tức là nhìn thấu phiền não để lập cái tâm bồ đề trở lại để bắt đầu tu, nhìn thấu phiền não để tu. Mà muốn nhìn thấu phiền não thì phải đi vào phiền não để thấu thôi, còn cứ nghe nghe thì chưa thấu đâu. Tình sầu, tình muộn, tình đau…nghe vậy chứ không hiểu, mà đi vào cuộc tình thấy đau, thấy muộn, thấy sầu, thấy chết nửa con tim, lê thê cả cuộc đời. Có đê mê đó, rồi có chết ngây chết ngất rồi lại có đau, có những cái đoạn trường, đó là sự trải nghiệm có phiền não. Và có đi vào phiền não như vậy, người ta mới nhìn thấu. Có một bài hát, hình như là bài “Thói đời”, “trong thói đời cười ra nước mắt… ai chưa qua chưa phải là người”, đúng vậy, trong cuộc đời, ai chưa can qua những thăng trầm, phiền não, đau khổ một cách tuyệt vọng, cùng cực thì chẳng có cơ hội nếm được cái mùi vị đó mà biết dừng lại đâu. Cho nên cái câu mà cổ nhân thường nói “kiến phiền não thành bồ đề”, tức là nhìn thấu mọi đau khổ phiền não sẽ bắt đầu là một sự khởi đầu để tu.
Không cần thiết phải khuyên bảo, bởi có những người tuổi còn trẻ, sức còn mạnh, họ muốn đi qua cái vùng lửa cháy để bị bỏng, bị đau, bị thiêu đốt rồi biết dừng lại. Nhưng cái quan trọng, lời khuyên chân thành nhất mà Đức Phật thường nhắc nhở mỗi người chúng ta là gì, hãy tự lực tu để có đầy đủ và dư dả năng lượng yêu thương, hồi hướng lan tỏa đến cho mọi người. Chúng ta thường ít tu lắm mà cứ thích đi sửa người, đi khuyên người, phải tu các bạn ạ. “Hữu xạ tự nhiên hương” – cái hương đức hạnh, cái hương công hạnh của ta tu nó tỏa ra, và người trong phiền não đau khổ sẽ ngửi thấy được. Và đúng, vì đau khổ phiền não cùng cực, người ta mới bắt đầu tới chùa để tu. Cửa chùa thiền môn luôn mở rộng và những cái phút tận cùng đau đớn của đời người đó chính là “kiến phiền não”, họ đã thấy được phiền não rồi, là cái điểm hồi để trở về trong cái sự tu.
Chúng sanh vốn sinh ra là như vậy, chẳng thể trái được với cái quy luật đó, ngoại trừ có những con người có những cái phước báu đặc biệt đã từng trải qua vô lượng kiếp đau khổ và nhận ra, đã tu rồi, thì kiếp này họ tiếp tục tu từ cái chỗ không cần phải bước qua sự trải nghiệm của phiền não mà họ tiếp bước trên con đường tu công hạnh, bởi họ nghe qua họ có tín tâm họ tu ngay. Như Lục Tổ Huệ Năng, Ngài là một người sống ở trong rừng, Ngài không biết chữ, không biết đọc, không biết kinh đâu, và Ngài có một người mẹ già. Ngài đi vô rừng, còn nhỏ đốn củi về bán để nuôi mẹ. Thì khi giao củi cho một người khách thì nghe được ông ta tụng kinh “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì ông ta hỏi người đó là kinh gì, vị kia nói đây là kinh Kim Cang, ông ta khởi cái tín tâm ngay. Và hỏi ở đâu, thì người kia nói là ở Lĩnh Nam có Ngũ Tổ, thì Ngài liền đi tới Ngũ Tổ để học liền và sau này trở thành Lục Tổ Huệ Năng. Chúng ta thấy chỉ một câu kinh được nghe đã phát tâm rồi, có nghĩa rằng từ vô lượng kiếp Ngài đã tu, không cần phải trải nghiệm qua sự đau khổ phiền não mà đi tu đâu. Cho nên trong cuộc đời có những người chưa can qua, chưa dừng bước, chưa nhìn thấy phiền não, họ cần phải nhìn thấu phiền não. Chúng ta ở ngoài không nhất thiết phải nhảy vô cản họ, bởi khi họ đang ở trong tình huống đó thật khó cản. Nhưng chúng ta hãy như người khách kia, hãy tụng kinh đi, hãy tu đi, nhất định cái người kia sẽ có nhân duyên nghe một câu kinh, một câu kệ, thừa hưởng cái năng lượng yêu thương ta hồi hướng cho họ mà sẽ gặng hỏi ta đó là gì và ngay lúc đó chính là lúc người ta sẽ tìm về cội nguồn của sự tu để chuyển hóa phiền não của tự thân. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 14, https://youtu.be/UZdwpKKfENE