Câu hỏi thứ 2 là một câu hỏi rất trăn trở. Thưa thầy! Con biết là con có rất nhiều lỗi chưa sửa được. Con nhận thấy con không xứng đáng để học Phật, bởi vì con biết lỗi của con, đó là tập khí xấu, mà nhiều lần con không sửa được. Bên cạnh đó nhờ học Phật mà con nhận ra, có lần con đã chiến thắng nó trong chánh niệm tỉnh giác, rất an lạc. Nhưng vì con đã không tinh tấn, dẫn đến việc phạm lỗi. Dạ thưa thầy! Con nguyện sẽ học Phật đời đời kiếp kiếp, nhưng những lỗi lầm tập khí xấu của con khiến con thấy con không xứng đáng vì con đã học không tốt. Nhưng dù thế nào thì con cũng vẫn học Phật. Dạ thưa Thầy nói rõ về trường hợp của con chưa sửa lỗi mà vẫn học Phật thì con có phạm vào lỗi cấm gì không ạ? Dạ Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Trong cuộc sống mỗi người chúng ta thường hay nói “tôi ở đời, tôi có tội nhiều, giới nào cũng phạm hết, cho nên chưa xứng đáng để học”, đó là cách nói sai, suy nghĩ hoàn toàn sai khởi lên từ tà kiến, tức là những sự suy nghĩ của chướng ngại cho bản thân. Chính vì ta đang sống ở cõi luân hồi là kiếp người luôn luôn có cả hai mặt tích cực và tiêu cực, tốt và xấu, tội lỗi và dễ bị cám dỗ cũng như có bản thể thanh tịnh của Phật tánh. Khi Phật giác ngộ khám phá ra trong một đống rác rưởi tội lỗi bất thiện nghiệp của chúng sanh, vẫn còn bản thể thanh tịnh của Phật tánh. Đây là mấu chốt để chúng ta thấy rằng ngoài tánh xấu, ta còn có tánh thiện. Ngoài tội lỗi, sai lầm, ta còn bản thể thanh tịnh. Gọi là chuyển hóa thì không thể một ngày, hai ngày mà có thể chuyển hóa hết được. Một nhà bếp nấu mà mười ngày không rửa không lau thì sự lau chùi nó cần có nhiều thời gian. Tốt nhất là ngày nào nấu nướng xong, phục vụ cho bữa ăn gia đình xong, mọi người cùng đồng rửa, lau chùi cho sạch ngày đó. Và tốt nhất là khi ta tu đạo Phật mà nhận ra lầm lỗi, ta sửa, ta lau, ta chùi từ từ. Ngày mai cũng nấu bếp nữa mà, rồi ngày mai cũng dơ nữa mà, rồi ta sẽ lau chùi nó lại sạch. Cái bếp có dơ nhưng phục vụ đồ ăn xong ta lau chùi nó sạch. Cuộc sống trôi qua từng giây phút, cũng giây phút dơ dáy của cái tâm, nhưng nhận biết lau chùi ngay rồi lại tiếp tục dơ, lại sạch. Cũng như ta chuyển hóa và tu là thấy dơ – chùi lau, lại thấy dơ – chùi lau cho tới khi nào ta có đủ nghị lực và sức mạnh làm chủ, không làm dơ nữa thì ta bớt chùi.
Cho nên đừng đợi khi sạch sẽ rồi mới tu, mà sự tu do Đức Phật dạy là giúp cho chúng ta nhận thức được sai lầm, cám dỗ, tội lỗi của mình trong từng sát na lặp đi lặp lại và chúng ta lập chí nguyện giải thoát khỏi lầm lỗi để khỏi đau khổ và xắn tay áo lên lau chùi nó từ từ. Hãy cho phép mình sai phạm trong những lỗi lầm thường nhật khó cưỡng để rồi soi nhìn cho rõ và sửa nó một cách từ từ cẩn thận để đừng quá sức tạo sự chán nản, bỏ cuộc. Bạn đã có một sự trải nghiệm đang tu, bạn đã tu Phật và bạn đã nhận thấy và thấy rõ lầm lỗi của bạn, bạn sửa nhưng bạn vẫn tái phạm, không sao. Quan trọng là bạn đừng bỏ cuộc, tiếp tục tu, cố gắng tinh tấn, kề cận với các bậc thiện tri thức, những bạn hiền đồng tu để khuyến khích sách tấn, để dìu dắt nhau vượt qua. Và đặc biệt là bản thân của bạn phải nhận thức ra rằng, đừng bao giờ bỏ cuộc trước những lầm lỗi của chính mình, bởi lầm lỗi nào cũng là những bài học đắt giá. Và trong bài học đắt giá, nếu nghiên cứu, sửa cho đúng thì thành những sự tích cực, những ưu điểm, những ưu tú của mình. Lầm lỗi không đáng sợ, sợ nhất lầm lỗi biết mà không sửa, bạn đã biết, bạn vẫn tiếp tục tu, bạn phát nguyện tu, bạn cố gắng sửa, bạn nhất định dần dần sẽ thuần hóa được những sự bất thiện của bạn, và đứng trước mọi cám dỗ của cuộc đời, bạn có đủ năng lượng để chuyển hóa.
Cho nên, những chuyện xảy ra đối với bạn là chuyện rất bình thường đối với tất cả mọi người. Những bậc xuất gia như Bảo Thành đây cũng thường xuyên đương đầu với thật nhiều cám dỗ, có những lúc cũng xiêu xiêu, tưởng rằng một cơn gió nhẹ thổi qua là té cái rụp rồi. Nhưng nhờ công phu tu tập thường xuyên, ta xiêu xiêu một vài phút, một vài giây, thậm chí một vài ngày, một vài tháng, một vài năm nhưng cuối cùng vẫn có thể vực dậy mà vượt qua. Chúc cho bạn đừng bao giờ đầu hàng trước mọi thử thách. Sự phát nguyện của bạn sẽ được chúc phúc bởi khi bạn cố gắng giữ giới, bạn giữ giới được thì dù có tội lỗi, cám dỗ tới với bạn, thì bạn luôn luôn có sự hộ trì của ba ngôi Tam Bảo – Phật Pháp Tăng, bạn luôn luôn có sự hộ trì của Long Thần Hộ Pháp, Chư Vị Thiện Thần. Chư Vị Thiền Thần đó luôn luôn gần gũi bạn để che chở bạn. Hãy giữ giới và năm giới đó bạn giữ được và thường xuyên hành mười điều thiện chánh niệm đời sống, nhìn rõ những vấp ngã, cám dỗ và tội lỗi, Chư Vị Thiện Thần luôn kề cận giúp đỡ bạn. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 13, https://youtu.be/mdV7ur831bA