Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, tinh tấn tu tập, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống buông thư, giữ lưng cho thẳng, nhớ về lời Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương”. Từng hơi thở vào ra quán chiếu, quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê.
Chúng ta hãy hít vào đưa xuống dưới bụng, phình bụng ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Chào các bạn! Chủ đề gửi về để chia sẻ hôm nay: “Tu Hành Nửa Vời” .
Người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung ảnh hưởng của cả một cái nền phong kiến thuở xưa bị bức bách, đàn áp, rồi trong ngành giáo dục từ gia đình, bởi hồi xưa trường học không có, ông bà, cha mẹ dạy dỗ con cháu. Tới khi có trường, có thầy, dù cái nền giáo dục đó là truyền dạy kiến thức nhưng vẫn luôn luôn bị đặt dưới cái phong tục, luật lệ của cái nhìn bị ngăn ngại bởi những cái lễ nghi của ngày xưa. Đưa tới bất cứ việc gì ở trên đời dù tu hay sống bình thường, chúng ta cũng chỉ nửa vời mà thôi.
Cứ nghĩ tu là phải xuống tóc. Cái chữ “Tu” nếu mình hiểu đơn giản, đừng đặt vào khuôn mẫu của tôn giáo, người ta gọi là “Tu học”, mang ý nghĩa bình dân là chúng ta nâng cấp kiến thức, trong sự chuyên chú tu học. Làm ruộng cũng gọi là tu học để làm ruộng đó. Ta chuyên chú học hỏi về ngành nông nghiệp ông bà, cha mẹ truyền lại để có kiến thức tổng hợp biết về “Tứ thời bát tiết” – mưa nắng, mà người xưa thường gọi là: “Nhất giống, nhì phân, tam cần, tứ nước” là những cái thứ mà ông bà để lại cho ta biết đó mà. Đơn giản, học được, nghiên cứu được, đó là tu học. Kiến thức nào ông bà truyền lại cũng gọi là tu học. Tu học là một sự tập trung, học cho rành rõi những kiến thức người xưa truyền lại để ứng dụng vào đời sống làm cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, đầy đủ hơn và biết chăm sóc cho mình và gia đình. Đó gọi là “Tu học”. Cũng có thể gọi là “Tu hành”. Nhưng ngày nay, chữ “Tu” chỉ dành cho tôn giáo mà thôi. Nhưng trong học đường cũng có chuyên tu, học cao hơn chuyên tu là học chuyên môn.
Tu hành nửa vời là như thế nào? Người Việt Nam có cái phong cách sống nhẹ nhẹ mà ngày nay gọi là 50-50, rồi câu “hên xui”. Hên xui là 50-50, là không có dứt khoát.
Hỏi: Mai bạn đi uống cà phê với mình không?
Trả lời: Hên xui!
Cái câu đó hình như chúng ta cũng trả lời “nửa vời” mà nghe rất thường xuyên.
Hỏi: Ngày mai, mình có chuyến du lịch, bạn có đi với mình vào nhóm không?
Trả lời: Hên xui!
Mà hỏi thật, khi các bạn nói chuyện với ai đó về bất cứ một chủ đề nào mà họ trả lời: “Hên xui!” hoặc “50-50”, các bạn nghĩ sao? Các bạn có thích câu trả lời như vậy không? Có câu người ta nói như vầy: “Người khôn ăn nói nửa chừng. Làm cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Họ thích lắm! Chứng tỏ cái khôn của mình chỉ nói nửa chừng thôi, nửa chừng là nhẹ nhàng đó. Mà sửa lại một chút là ăn nói nửa vời, năm ăn năm thua, hên xui, để cho những người dại khờ họ mừng họ lo, họ không biết gì. Mà càng ăn nói như vậy càng thích, càng chứng tỏ mình là khôn ngoan.
Nhưng không thể sống với cách như vậy để ứng dụng vào đời tu. Chính vì cái nửa vời như vậy trong sự tu hành mà bao nhiêu kiếp qua chúng ta không chứng đắc được cái Trí Tuệ viên mãn. Tới nhà chùa cúng kính lễ nghi, tu tập cũng nửa vời nửa chừng, cũng năm ăn năm thua, cũng 50-50, cũng nửa nạc nửa mỡ, không dứt khoát. Người cứ nửa vời, không dứt khoát, không hẳn chỉ có trên con đường tu, trên con đường đời, người ấy không bao giờ thành công. Có chăng cũng chỉ thủ lợi cho mình. Có chăng cũng chỉ lấp liếm tìm cách làm cho mình có đầy đủ mà vượt lên trên nền đạo đức nhân nghĩa, chẳng coi trọng đến nhân mạng, đến tình thương, đến đạo đức, đến tình huynh đệ, cha mẹ, ông bà. Người đó nhất định những việc gian trá họ cũng sẽ sẵn sàng đi vào. Bởi cuộc đời của họ thường hay có câu: “Sống ở trên đời này ai rồi cũng chết, có gì phải lo, xả láng đi”. Đó là cách sống nửa vời. Quý vị có nghe câu: “Ai rồi cũng chết” không? Và câu kế tiếp sau câu ấy thường là một câu rất tiêu cực để chúng ta không phải lo lắng gì, không phải suy nghĩ gì.
Chúng ta cứ nửa vời vậy thôi, thiếu trách nhiệm. Người sống nửa vời thiếu trách nhiệm với bản thân. Và cách sống nửa vời, cách nói nửa chừng đó cũng sợ người khác mất lòng. Vì sợ người khác mất lòng mà đôi khi thấy sai, thấy đúng, ta không dám nói. Sợ người khác mất lòng không sao, mà sợ luôn mất lòng với chính mình, nên mình cũng nửa chừng xuân. Chuyện gì làm cứ lừng sừng, nửa chừng không tới đâu vào đâu. Không được. Ta lại sợ mình nữa, sợ nhìn ra những lỗi lầm của chính mình, sợ nhìn ra những sai trái của chính mình nên cứ năm ăn, năm thua, nửa chừng, 50-50, hên xui. Và cứ như là ta khôn lắm, ăn nói nửa chừng để cho chính mình – là kẻ dại đó nửa mừng nửa lo.
Các bạn có khi nào rớt vào tâm trạng như vậy không? Có lừng sừng không? Để rồi khi chuyện nó qua đi rồi hối hận. Có khi mười năm rồi còn tiếc khi một cơ hội bị mất. Các bạn có bị mất một cơ hội nào lâu lắm rồi mà bây giờ còn tiếc nuối không? Rất nhiều! Ai trong chúng ta cũng đã từng để tuột mất cái cơ hội, chính vì không có sự quyết đoán, nửa vời, nửa chừng xuân, cứ dùng dằng để làm tuột mất khỏi tầm tay biết bao nhiêu những cơ hội. Và nhất định trên con đường tu hành, chúng ta không thể để mất cơ hội. Bởi Đức Phật nói: “Nhân duyên được làm người thật hiếm, thật khó” mà nhân duyên được làm người trong kiếp này gặp được Phật, Pháp, Tăng, gặp được bạn đồng tu, các vị thiện trí thức hợp căn cơ, hợp tánh tình, ngồi chung để tu thật khó. Tu vô lượng kiếp mới có được công đức như ngày hôm nay để đồng tu. Ta không thể để mất cơ hội này. Đừng tu nửa vời chi cho mệt, ở đời cái học hỏi nửa vời không bao giờ thành công.
Mà người tu nửa vời không phải không thành công đâu mà còn tổn phước, mất thời gian. Tại sao tổn phước? Tu nửa vời không tới đâu mà về nhà vợ chồng con cái, ông bà, cha mẹ, người thân cứ cắn đắn mình, than phiền “Đi tu hoài mà cứ vậy”. Ấy là bởi vì ta tu nửa vời, ta tu nửa chừng, làm cho không phải kẻ dại mà là cho người nhà mình cứ nửa mừng, mừng vì nghĩ mình tu mình tốt, nhưng mình không tốt được như sự mong ước nên họ lo, họ lo mình tu không đúng chỗ. Là bởi vì ta tu, ta không chịu nghe bằng Trí Tuệ để hiểu để thấu, để buông, để xả. Ta càng tu ta về nhà ta càng chấp với chồng với vợ, với cha mẹ, với con cái, với hàng xóm. Nhiều người họ đồn, người tu còn biết chửi khéo kinh khủng luôn. Họ chửi đổng, họ chửi khéo, họ chửi đủ thứ hết. Cho nên người nhà lo lắm. Không biết người thân của mình tu đúng pháp môn không? Đúng Chánh Pháp không? Mà từ thuở tu đó hình như tính tình không có bình thường? Chính là bởi vì chúng ta tu nửa vời. Chúng ta không nghe cho khéo, chúng ta không khéo thực hành. Chúng ta không cặn kẽ hỏi để biết được những cái điều khúc mắc, thắc mắc để được hướng dẫn, để tu đi tới chỗ cứ nửa vời như một cái phong trào. Khi đến cái cao trào chạy theo, không dùng tâm quán chiếu nhìn thấu nhìn rõ để chuyển ác thành thiện, để hỷ xả những cái hỉ, nộ, ái, ố, những sân si giận hờn, những sự khó chịu của chúng ta. Mà chúng ta chỉ tu bằng cách bám víu, như thấy con sóng lớn không muốn lên trên cái thuyền mà chỉ bám vào cái mạn thuyền mà thôi, để rồi dìm mình dưới nước, làm cho biết bao nhiêu người lo lắng, sợ hãi. Và nếu như người nhà mình lo lắng vì cái sự tu của mình đó thì dĩ nhiên mình phải hiểu vì sao? Vì ta đang tu hành nửa vời. Đúng cái câu ta chứng tỏ ta khôn, ta khôn ta nói nửa chừng, để cho ông bà, cha mẹ, chồng vợ họ nửa mừng nửa lo.
Cho nên ta làm việc phải có sự dứt khoát. Và Đức Phật dạy cho chúng ta: Việc ác là phải dứt khoát từ bỏ, việc thiện là phải có sự quyết tâm kiên định thực hành. Đừng nửa vời, đừng năm ăn năm thua, đừng 50-50, đừng lừng sừng, đừng đi theo. Đức Phật không muốn chúng ta đi theo. Đức Phật không muốn chúng ta ăn đợ ở nhờ cái pháp của nhà Phật, mà nhiều người thường dùng cái câu đến với quý thầy, quý sư cô, các bậc Thiện Trí thức: “Con xin ăn mày cửa Phật”. Mình có con cái, mình có muốn con cái mình nó trở về nhà với cha mẹ, rồi nói rằng: Con ăn mày cha mẹ không? Mình có muốn con của mình trở thành người ăn mày, kẻ ăn mày không? Nhất định chúng ta không muốn con cái của mình, người thân của mình trở thành người ăn mày, kẻ ăn mày. Vậy thì chúng ta nghĩ thử, Đức Phật có muốn chúng ta trở thành người ăn mày cửa Phật không? Những người ăn mày cửa Phật là những người tu nửa vời, là những người hên xui, không có tín tâm vào Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, không có niềm tin, không có đức tin vào Giáo Pháp của Phật dạy, nửa ngờ. Nhiều khi làm tôi hai, ba, bốn, năm, sáu chủ. Có nghĩa là tới với Phật rồi quy y: Thưa Phật con quy y Phật, không quy y quỷ, thần, tiên, vật. Như vậy chúng ta quy y Phật là nhận Phật làm thầy, là nương vào Phật để học nơi Phật. Chúng ta phát nguyện nơi Phật rồi mà có khi nào chúng ta tới với cửa Thánh, cửa Thần, cửa Tiên, cửa miếu, cửa chùa, cửa này, cửa kia xin xăm, xin này kia không? Như vậy thì ta không có đức tin vào vị thầy là Phật ta đã nương khi ta quy y. Nếu có những hành động, suy nghĩ như vậy tức có nghĩa ta tu nửa vời, ta chưa có cái đức tin, ta chưa có niềm tin vào lời Phật dạy. Bởi ta theo Phật chỉ tin mù quáng, không dùng Trí Tuệ tư duy, suy nghĩ, tìm hiểu, mà chỉ theo cái thói quen của tục lệ, của phong trào, của tôn giáo, của tín ngưỡng, của niềm tin do người khác nói, dẫn dắt. Chứ không phải đức tin do làm việc thiện lành, suy nghĩ, tư duy, trải nghiệm để hiểu lời Phật dạy là đúng. Cho nên ta vẫn đang “Tu nửa vời”.
Và tu nửa vời như vậy là ta đang lừa gạt chính mình. Chúng ta đang lừa gạt chính mình. Chính vì không hiểu mà mình không tu không hỏi mình chỉ mù mờ thôi. Đức Phật luôn luôn hỏi chúng đệ tử rằng: “Các đệ tử ơi, có điều gì hỏi không?”. Ngài luôn luôn nhắc. Quý Thầy dạy, bất cứ một nơi đâu dạy luôn luôn hướng dẫn cho mình hỏi để thông, nhưng chúng ta tu không ai chịu hỏi hết. Rồi chúng ta nói là bởi vì mình hiểu không rõ. Học phải hỏi, hỏi để hiểu. Học phải hành, hành rồi hỏi để hành cho đúng hơn. Cho nên cứ học mà ta tới chỉ nghe thôi đó là chuyện xưa rồi. Còn ngày nay ta học thì ta phải hành. Hành xong. nếu ta thấy không đúng hoặc thấy điều gì không tiến bộ hỏi để hành cho đúng. Nếu như mình học nấu cơm rồi cơm bị cháy mình hỏi: “Mẹ ơi tại sao cơm cháy?” Bởi vì cơm cháy ăn không được. Mình tu mình không chuyển hóa được khổ, mình còn phiền não, mình còn xui, mình chưa có đủ phước báu chính là cơm cháy đó. Có bạn nào tu mà không thấy bình an không? Mình tu mà mình còn tham, sân, si, còn nóng tính, còn vội vàng, còn ăn nói không có chừng mực, còn không tư duy để nói lời ái ngữ, không làm việc thiện lành đó là cơm cháy toàn tập. Nhưng mà tại sao cơm cháy mình ngửi mùi mình dừng mình hỏi mẹ, mẹ dạy cho cách nấu? Mà ta thấy tu hoài không được phước, tu hoài không tăng trưởng được điều thiện, không sống bình an, không khỏe mạnh, không an nhiên tự tại, ta không ngửi thấy cái mùi khét của tham, sân, si?
Rất là nhiều cái chúng ta học cần phải hỏi. Và ứng dụng Phật pháp như thế nào? Ta tu tâm Từ Bi – hạnh của mẹ Quan Âm Mu A Mu Sa, ta không hỏi, ta không ứng dụng thì làm sao năng lượng tình thương của Phật tới với mình được? Ngày nào cũng nguyện năng lượng tình thương của Phật ban rải xuống cho con mà về nhà ta cứ quạu cọ, sân với người thân? Đó là bởi chúng ta không ứng dụng, ta tu bằng miệng, bằng sự cầu nguyện, mà chúng ta không tu để ứng dụng vào. Chúng ta tu từ xưa đến giờ là chỉ để đáp ứng cái nhu cầu của vật chất, của đau khổ, của phiền não. Chúng ta chưa tu để ứng dụng chuyển hóa những sai trái của mình. Chúng ta tu là cầu nguyện để bù đắp những điều thiếu thốn, những điều mất mát, những điều đau khổ phiền não, ta theo Phật ta tu. Ta không tu để hiểu, khai thông Trí Tuệ, ứng dụng chuyển hóa những sai lầm, những lầm chấp, những điều tạo ra phiền não đau khổ cho mình và người khác. Ta tu để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Chứ không tu để chuyển hóa những lầm chấp, sai phạm của mình. Ta tu theo niềm tin, ta chưa tu bằng Trí Tuệ. Ta chưa tu bằng tình thương, ta chưa tu bằng sự Tỉnh Giác.
Hôm nay nói đến “Tu hành nửa vời” để nhắc nhở mỗi người chúng ta. Tu hành không hẳn chỉ có trên con đường tâm linh, chuyển hóa khổ đau phiền não tự thân qua sự nghiên cứu, tư duy bằng Chánh kiến, nhìn thẳng học lời của Phật để hành mà chuyển hóa cuộc đời. Mà tu hành ở đây còn nói đến sự nâng cấp kiến thức, ứng dụng trong xử thế, chuyên môn của ngành nghề và của xã hội, của khoa học, của tâm lý, của y học, của mọi ngành trong cuộc sống này. Tu hành là chuyên tu, là học hỏi. Học về con đường tâm linh, học về Giáo pháp của Phật cũng là một môn học để trang điểm cho đời sống tâm linh bằng cách chuyển hóa những nghiệp ác, những sai phạm, nhưng không bằng cách thêu dệt sắc tướng treo cho đầy nhà. Học Phật là mang vào trang điểm cho đời sống bằng sự thực hành để ngừng những điều sai trái, tăng trưởng phước báu, sống hạnh phúc. Học Phật không phải là mang bằng cấp, sắc tướng để trang điểm phòng ốc và đời sống của ta, để cho mọi người biết rằng: Ta là người học Phật, ta là người tu. Cho nên đừng tu nửa vời, đừng nói nửa chừng. Đừng hên xui, đừng nói 50 – 50. Bởi vì có biết bao nhiêu chuyện trong cuộc đời này ta đã đánh cược bằng hai chữ hên – xui, 50 – 50. Đó là cách nửa vời của cuộc đời.
Còn nếu quyết định được thì mình phải có sự quyết đoán để dõng mãnh, suy nghĩ kỹ và quyết định, đừng hên – xui. Từ nay xoá sổ chữ “hên xui”. Nhà Phật dạy cho chúng ta phải dõng mãnh, cắt đứt mọi phiền não bằng cách đứng dậy nhìn rõ, hiểu thấu để buông, xả. Cho nên chúng ta phải có cái “Dũng” Từ Bi. Người ta nói Trí Dũng đúng không? Người có Trí là người có Dũng. Đừng tu nửa vời. Hãy tinh tấn, nỗ lực tột bực mới có thể mang lời Phật ứng dụng tu hành để giải thoát mình. Còn không, mình đang thiêu cháy cuộc đời bằng sự nửa vời, bằng sự nửa chừng mà được trang điểm bằng hai từ: “Người khôn”, “Người khôn ăn nói nửa chừng, làm cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Có muốn làm người khôn đó không? Không thì chúng ta đừng làm người khôn nửa vời đó nữa. Và đừng bao giờ tu nửa vời, đừng bao giờ sống nửa vời, đừng bao giờ ăn nói nửa vời. Phải có sự quyết đoán bằng Chánh kiến, suy nghĩ cho rõ, tư duy cho rõ và đưa tới sự hành động và sự quyết định cho sáng suốt.
Chúng ta trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Bao nhiêu kiếp qua rồi, chúng con vẫn tu nửa vời, đóng vai người khôn nhưng thực ra rất là dại, là khờ. Phước thì tổn mà nghiệp ác thì nhiều. Nay chúng con hiểu thấu, nguyện xin Chư Phật, Chư Bồ tát gia trì cho chúng con đủ nghị lực, có sự tinh tấn vượt qua mọi chướng ngại, tu cho tới nơi tới chốn, không nửa vời nữa.
Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)