Thu Hằng
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu.
Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy trở về với lời dạy của Phật lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương, trong từng hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi, tâm Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Các bạn thân mến, đi vào chủ đề hôm nay “Sống Lỗi”. Rất nhiều chuyện trong cuộc sống quá bận rộn, rồi mỗi người chúng ta không bao giờ để ý mình đã từ từ sống lỗi với chính bản thân qua những thói hư, những tật cố, những sai lầm dù rất nhỏ, nhưng đã được tự do lặp đi lặp lại tạo thành những thói quen mà chúng ta không thể cưỡng lại được, để rồi từ đó chúng ta là một bản lỗi của cuộc đời. Sống lỗi là một tội rất lớn đối với chính bản thân, sống lỗi là đang tự tiêu diệt chính mình, sống lỗi là đang chà đạp lên nhân phẩm của chúng ta, sống lỗi là đang tự hủy diệt những điều cao đẹp nhất mà ông bà, cha mẹ, các bậc Thầy Tổ, quý Thầy và những bậc thương yêu chúng ta đã quan tâm giáo dưỡng.
Ở bên Mỹ Bảo Thành thấy nhiều người thích đi mua những hàng lỗi, một số sản phẩm có tiếng tăm rất nổi tiếng, có tên tuổi nhưng được bán rất rẻ, bà con cứ cuối tuần đổ xô đi mua. Nhiều khi mình chỉ nhìn sơ qua những cái áo, cái quần, túi xách tay, vật dụng họ tiêu dùng tên tuổi lớn, tưởng có thể là đến năm, sáu ngàn đô, có những cái cả 10 ngàn đô, nhưng nhìn cho kỹ cái giá họ mua chỉ có mấy chục đô thôi, chúng ta thấy ngỡ ngàng. Thật ra đó là những sản phẩm bị loại bởi nó lỗi, trong các nhà máy sản xuất những mặt hàng có tên tuổi, có uy tín họ bán rất mắc, nhưng sự kiểm định hàng hóa rất kỹ lưỡng, không bao giờ một sản phẩm mang ra bán với giá trị cao mà mắc lỗi vì sợ mắc lỗi như vậy sẽ làm giảm uy tín, làm mất đi giá trị của thương hiệu. Cho nên các thương hiệu lớn, giá trị càng cao sự kiểm định càng gắt gao, nhưng không phải vì như vậy mà những mặt hàng lỗi bị loại trừ không lọt ra bên ngoài, vì một lý do nào đó vẫn luôn luôn lọt ra bên ngoài và được tiêu thụ trên thị trường. Đối với những ai yêu thích những thương hiệu nổi tiếng nhưng không có đủ tiền, họ đã mua những mặt hàng lỗi khoác lên người với vẻ mặt rất hãnh diện, rất vui, rất tươi, rất tỉnh, nhưng người chuyên nghiệp họ nhìn họ nhận ra.
Các bạn có khi nào là một sản phẩm lỗi của chính thương hiệu cá nhân ta đang sống hay không? Mình không thấy mình chính là một mặt hàng phế phẩm, phế thải, bị loại trừ trong xã hội vì những lầm lỗi của chính mình, đã đưa mình xuống chỗ thấp nhất mà bạn không thể vươn lên sống ở trên đời. Dù bạn có rất nhiều tiền bạn cũng sẽ không sống trọn vẹn trong hạnh phúc và an lạc, bạn có danh tiếng và quyền lực nhưng chẳng thể sống bình an và hạnh phúc. Sống lỗi đã đưa mình trở thành chính tội phạm của riêng mình. Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu bạn đã biến bạn thành một sản phẩm lỗi, bị loại trừ ra. Hãy nhìn thật sâu và kỹ, đừng để mình bị chìm đắm trong những thói quen dù rất nhỏ, rất bé mà lỗi. Tất cả mọi thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống. Những thói quen tốt dù rất nhỏ sẽ đưa chúng ta đến sự thành công. Những thói quen xấu dù rất bé sẽ đẩy chúng ta xuống hố sâu của sự thất bại. Không ai để ý cách sống lỗi như vậy đâu, ai cũng mơ ước thành công trong doanh nghiệp, thành công trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, vật chất, đủ hết,… nhưng chúng ta không thể thành công, chính là bởi vì ta không nhận ra ta là một bản lỗi trong cuộc hành trình đang sống nơi kiếp người. Các bạn nhìn lại coi mình có phải là bản lỗi không? Mình có kiểm định qua cả một quá trình sống và trải nghiệm mỗi ngày, hay chúng ta cứ thả mình trôi nổi theo những thói quen sai, những thói quen lỗi.
Một sản phẩm bị mắc lỗi khi kiểm định bị loại trừ, một con người sống lỗi tự động sẽ bị loại trừ ra. Đã bị loại trừ và tự loại trừ mình ra khỏi sự thành công trong cuộc sống. Bạn có muốn thành công không? Ai trong chúng ta cũng muốn thành công, làm vợ muốn thành công để được chồng yêu thương, gia đình ấm êm, con cái trưởng thành có đức độ, có được nền giáo dục. Làm chồng cũng như thế, làm cha mẹ, làm ông bà, là một con người bình thường thôi ai trong chúng ta cũng muốn thành công, là người tu cũng muốn thành công. Người bình thường thì muốn có một tinh thần thoải mái, một thể chất dõng mãnh, một sức mạnh. Là người tu muốn có một đời sống tâm linh trong sáng, trí tuệ từ bi. Thế nhưng chúng ta không đi vào sự kiểm định mỗi ngày mà chỉ buông tuồng sơ sài, để từ đó mỗi người đã tự mắc lỗi với bản thân và đã luôn luôn sống lỗi. Chúng ta phải nhận ra những dấu hiệu rất căn bản của cuộc sống nơi chính mình là một sản phẩm lỗi đó. Thứ nhất là luôn luôn đổ lỗi cho người khác và đặt để mình vào trạng thái là nạn nhân. Ở đây Bảo Thành và các bạn thường mắc vào lỗi lầm này, làm bất cứ một việc gì nếu không thành công, nếu gặp trở ngại, nếu đương đầu với nghịch cảnh ta tìm đối tượng khác để đổ lỗi cho họ. Trong cuộc sống vợ chồng, gia đình mất hạnh phúc chính là chỗ chồng luôn đổ lỗi cho vợ hoặc vợ đổ lỗi cho chồng, đối với cha mẹ chúng ta cũng đổ lỗi cho con cái. Chúng ta có thói quen đổ lỗi thật nhiều và luôn cho mình là nạn nhân trong những sự cố xảy ra cho đời mình, chắc chắn không ai tránh khỏi bản lỗi này. Nếu bạn nhìn rõ mình đang sống lỗi vì đổ lỗi cho người khác và luôn luôn đặt mình ở trong vị thế là một nạn nhân của cuộc đời do ai đó tạo ra, thì bạn đang triệt tiêu cuộc đời của mình, đang làm mất đi giá trị của chính bản thân.
Bảo Thành có một anh Phật tử quen ở bên Mỹ, có trí tuệ kiến thức, cũng học về Thiền, có trình độ, thành công trong kinh doanh. Cách đây khoảng chừng không lâu, độ một tháng về Việt Nam và anh ấy đã bị người ta lừa gạt tình tiền, tốn rất nhiều tiền, làm hư hỏng bản thân và đày đọa người vợ ở Mỹ, làm cho con cái xôn xao đau khổ. Không biết sao anh ta lại nghĩ ra được rằng anh ta không mắc lỗi, không có lỗi lầm, mà đổ lỗi cho những người ở bên này quen biết đã dùng chiêu trò ma thuật để lừa gạt anh ấy. Và anh ấy nói rằng anh ta là nạn nhân của cả một sự sắp đặt của một nhóm người, làm cho anh ấy không làm chủ được bản thân. Khi gặp Bảo Thành, Bảo Thành chia sẻ và dĩ nhiên trong đầu của anh ấy đã mặc định rằng anh ta không có lỗi, lỗi là của người ta, của nhóm người kia và đã mặc định thật sâu sắc rằng anh ta đã bị lừa gạt và là nạn nhân. Làm sao Bảo Thành có thể nói khác hơn được, nhưng Bảo Thành đã chiêm nghiệm suy nghĩ, tìm những phương tiện dẫn giải để anh ấy vượt qua và cuối cùng anh ấy đã chiến thắng, đã trở về với chính mình, dõng mãnh, mạnh mẽ hơn xưa, hiện giờ đã trở về Mỹ. Đây là hiện tượng thông thường lắm mà mấy ai chịu để ý đâu, các bạn và Bảo Thành cũng như anh ấy nhìn lại trong suốt thời gian chúng ta sống, biết bao nhiêu những lầm lỗi, những sự chướng ngại, những thất bại, những điều không như ý xảy ra, ta luôn đổ lỗi cho những người gần nhất là tại trong gia đình, xa là đến bạn bè và luôn luôn đặt mình là nạn nhân bị người ta chơi khăm, người ta đày đọa, người ta sắp đặt để hại mình. Chúng ta thật ra khi đổ lỗi cho người khác và đặt mình là nạn nhân, chính là chúng ta sống vô trách nhiệm với bản thân. Người sống không có trách nhiệm với chính mình, không chịu trách nhiệm dưới mọi hành động, hành vi, suy nghĩ lời nói, trong tương tác xử thế, trong đối tác với mọi người, chúng ta làm sao có thể thành công được và dĩ nhiên sự thất bại đầu tiên là đang phỉ báng mình và làm ô nhục đến gia môn, gia đình, cha mẹ, cao hơn nữa là các bậc thầy đã dạy dỗ chúng ta.
Đổ lỗi cho người khác là một tật xấu, đặt mình dưới hình thức là nạn nhân bị hại là một tội ác đối với chính mình các bạn ơi! Tội ác đối với chính mình, ta không nhận ra sự nguy hiểm đó, cứ quanh co đổ lỗi hoài, cứ lòng vòng nói mình là nạn nhân. Đức Phật dạy tất cả mọi chuyện xảy ra cho chúng ta đều do nghiệp quả và lỗi của chính ta. Đức Phật lại dạy nữa chúng ta không phải là nạn nhân của người khác, mà là nạn nhân của chính mình do những ác nghiệp, những tội lỗi, những điều xấu ta đã tạo ra. Thế vậy mà chúng ta cứ đổ lỗi suốt cả cuộc đời. Các bạn nghĩ coi mình có phải là một bản sao lầm lỗi bị chính mình loại trừ ra trong cuộc sống không? Đó chính là sống lỗi đó các bạn, khi ta sống lỗi như vậy ta có lỗi với cha mẹ, ông bà, với tổ tiên, với dòng tộc. Ta sống lỗi như vậy ta có lỗi với các bậc thầy, với những bậc đã dạy dỗ giáo dưỡng chúng ta. Ta có lỗi với xã hội và cộng đồng. Ta có lỗi với tất cả mọi người. Ta chính là một kẻ rất nguy hiểm cho xã hội. Phải nhận ra được điều đó để thấy rằng mình đang đưa mình vào tròng để nhốt vào trong tù tăm tối, bạn phải nhận ra rằng bạn đã có thói quen xấu đổ lỗi cho người và luôn cho mình là nạn nhân, đó là một trong những dấu hiệu rất tiêu biểu đặc thù của tất cả mọi người trong chúng ta. “Sống lỗi”, chúng ta là một bản lỗi bị kiểm định loại trừ bởi mọi người chung quanh, nhưng chỉ có bản thân là sản phẩm lỗi không nhận ra, vẫn đặt mình lên một cái giá rất cao để chảnh chọe với xã hội và những người chung quanh.
Bảo Thành và các bạn là một bản lỗi trường kỳ không biết ngưng, hãy dừng thôi để cuộc đời thêm đẹp, hãy dừng ngay bản lỗi này, sửa một chút xíu để có trách nhiệm với bản thân, nhìn sâu trong cuộc sống để đứng dậy chịu mọi trách nhiệm đối với mọi người. Ta sẽ trở thành một con người thành công dõng mãnh, có đầy đủ năng lượng để vượt qua mọi chướng ngại. Bạn nhất định với tư tưởng quán chiếu nhìn rõ như thế, bạn đã bắt đầu bước vào cung bậc của sự thành công để giao thoa với những âm hưởng tốt đẹp của cuộc đời. Một dấu hiệu khác bạn cần phải nhìn rõ về chính mình là sống lỗi, là một bản lỗi, là một sản phẩm trí tuệ bị loại trừ trong xã hội, đó chính là hay than phiền. Bạn nhìn lại đi bạn đã gặp biết bao nhiêu con người hở ra là than phiền, than từ sáng cho tới tối, than chồng, than vợ, than con, than cho thân phận hẩm hiu, than cho số phận bệnh tật, than đủ mọi thứ, cái gì cũng than phiền được hết, than đến mức chính mỗi người đã là một đám mây đen u ám che kín cả bầu trời, để cho mình lặn lội trong đêm tối không bao giờ thoát ra được. Bạn có than phiền không? Nhất định là có, không trốn tránh được đâu. Đừng đổ lỗi cho người khác, đừng đặt mình là một nạn nhân và đừng bao giờ than phiền. Bạn cứ than phiền hoài để rồi vợ cũng sợ, chồng cũng tránh xa, cha mẹ cũng không dám gần gũi, con cái không dám tiếp cận, bạn bè không bao giờ dám tới với bạn nữa. Bạn là đám mây đen mang rác rưởi đổ vào đầu và đời sống của người khác. Bạn đã không muốn trở thành một đống rác hôi thối giữa cuộc đời này, sao ta than phiền, mang rác rưởi dơ dáy kia đổ vào đầu và dồn hết vào đời sống của những người mà các bạn cho rằng bạn yêu thương họ. Hai từ ta cho là ta yêu họ, ta thương họ hoàn toàn đã biến thái, biến chất. Thật ra ta đã coi thường họ, ta đang hại họ. Than phiền là dấu chỉ của một bản lỗi khổng lồ của cuộc đời, nhất định trong chúng ta ai cũng đã từng và đang than phiền. Bạn đang nghe Bảo Thành nói, bạn cũng đã từng than phiền, từng đổ lỗi, từng đặt mình là nạn nhân trong những sự cố của cuộc đời. Bảo Thành không khác các bạn đâu, nhưng chúng ta không thể cứ để cho mình là một sản phẩm được kiểm định và bị loại ra. Đừng tự loại mình ra, đừng tự đặt mình là một sản phẩm mắc lỗi. Cửu huyền thất tổ, ông bà và cha mẹ, những bậc thầy đã dạy cho chúng ta luôn luôn có một cái nhìn bằng trí tuệ và tình thương, để chúng ta không là một sản phẩm lỗi. Nhưng tại sao chúng ta đã tự mình biến mình thành một sản phẩm lỗi trong cuộc đời. Vậy mà cứ tự xưng ta là vị này, ta là vị kia, với địa vị, với danh vọng, với tên tuổi, với quyền lực, với biết bao nhiêu thứ tự mặc định khoác vào, trang điểm cho cuộc sống nhưng thật ra ta là sản phẩm lỗi bị loại, một sản phẩm trí tuệ lộn xộn, đó không gọi là trí tuệ, đó không gọi là kiến thức, đó gọi là vô minh nhưng vẫn vỗ ngực tự hào xưng tên. Để rồi bạn không bao giờ thành công, bạn không bao giờ có được sức mạnh nội tại, vượt qua chướng ngại của cuộc đời. Bạn và Bảo Thành chúng ta đã tự loại mình ra khỏi tất cả.
Sự đau khổ luôn tới với bạn đấy, Đức Phật luôn dạy cho chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân, phải làm chủ bản thân và phải nhận diện thật rõ những sự sai trái và thưởng phạt để dừng. Không phải nói như vậy và suy nghĩ như vậy rồi chúng ta bỗng nhiên có thể dừng được, trên đời này những cái hư, cái xấu, những lầm lỗi mà ta đã trở thành sản phẩm sống lỗi là những thói quen được lặp đi lặp lại, thói quen xấu, thói quen hư, thói quen vô kỉ luật, thói quen không có trách nhiệm được lặp đi lặp lại quá nhiều. Thì bây giờ để tái tạo lại ta phải lặp đi lặp lại một thói quen mới, một thói quen có trách nhiệm với bản thân, một thói quen có kỷ luật, một thói quen tu tập để nhìn tâm làm chủ được mọi hành vi, mọi suy nghĩ, mọi ngôn từ. Mọi hành, vi suy nghĩ và ngôn từ của chúng ta phải được thực tập với một thói quen thăng hoa hành vi, ngôn ngữ và suy nghĩ để như hương hoa, để như những sản phẩm tuyệt vời nhất, vi diệu nhất để mang lại sự lợi lạc cho muôn người chúng ta đang sống và để đưa chúng ta trở thành một người thành công trong xã hội, trong gia đình, trong cộng đồng.
Các bạn! Có một phương pháp bạn có thể bắt đầu chuyển hóa những thói quen đó, trước khi đi vào phương pháp đó Bảo Thành muốn nói với các bạn còn một dấu hiệu nữa nó cũng là một sản phẩm lỗi, tự loại mình ra, đó là chúng ta đã đè nén cảm xúc của mình quá nhiều mà không chuyển hóa cảm xúc, chỉ đè thôi, chỉ nén thôi. Biết bao nhiêu người phụ nữ là mẹ, biết bao nhiêu người đàn ông là cha, biết bao nhiêu người trong chúng ta đã đè nén cảm xúc để rồi nó bộc phát, nó tạo ra sự đau khổ và có thể hóa rồ, hóa điên. Bạn có nhìn thấy chưa, bạn có nhận ra trong xã hội này, trong cuộc sống này có người bị đè nén cảm xúc, đã đi vào trạng thái của trầm cảm, của hoảng hốt, của sống ảo và đã bị tâm thần. Bạn có nhìn ra bản thân của bạn đã từng đè nén cảm xúc không? Để ức chế bản thân đưa đến sự hồi hộp đau tim, có thể gây ra đột quỵ nguy hiểm cho sức khỏe. Mọi cảm xúc của con người nếu biết chuyển hóa sẽ biến những cảm xúc đó thành năng lượng vi diệu, nội lực thâm hậu, kiên định trong cuộc sống. Cho nên có ba yếu tố bạn nên nhận ra bạn đang vấp phải để biến mình thành một bản sống lỗi, một sản phẩm bị loại trừ thành phế nhân. Thứ nhất là đổ lỗi và đặt mình là nạn nhân. Thứ hai là than phiền. Thứ ba là đè nén cảm xúc, không biết chuyển hóa. Mọi cảm xúc của bạn luôn luôn cần phải được chuyển hóa, đều có phương pháp. Chánh niệm hơi thở, theo dõi hơi thở là một phương pháp khí công, là một phương pháp Yoga, là một phương pháp thiền định vi diệu, ta gọi tên gì cũng được nhưng hơi thở vào ra trong chánh niệm là một phương tiện vi diệu Phật đã ứng dụng và dạy cho mọi đệ tử, mọi chúng sanh. Hãy nương vào phương tiện chánh niệm hơi thở để nhận diện ra tâm của chúng ta, để làm chủ tâm của chúng ta, để chuyển hóa cảm xúc của mình, thăng hoa đời sống để ngăn chặn sự than phiền làm u tối tâm thức, để ngăn chặn đặt mình là nạn nhân bị hại và để dừng ngay chuyện đổ lỗi cho mọi người. Không ai tự cứu mình được ngoại trừ chính mình. Đừng đổ lỗi và là nạn nhân. Đừng than phiền và đè nén cảm xúc. Nhưng hãy đi vào hơi thở nhẹ nhàng, tưới tẩm cuộc đời bằng năng lượng từ bi yêu thương, kích hoạt kho tàng yêu thương từ bi vốn có nơi ta. Đánh thức tiềm năng vi diệu của trí tuệ để nhìn thấu và đưa mình vào trạng thái tỉnh thức để sống một đời tỉnh thức, sống một giây tỉnh thức còn hơn sống ngàn năm trong u tối và u mê.
Bạn muốn gì trong cuộc sống này? Hai chữ thành công ai cũng có thể đạt được, hai chữ thành công ai cũng có thể thành tựu được. Đối với nhà Phật thành công là một đời sống an lạc hạnh phúc, một đời sống biết san sẻ yêu thương, một đời sống biết nâng tầm để mình trở thành hữu dụng, phục vụ quần sanh, sống tốt trong gia đạo, sống đẹp giữa cuộc đời, sống an nhiên giữa muôn vàn thử thách và chướng ngại. Đừng biến mình thành một bản sao sống lỗi. Đừng gạt mình ra trong sự kiểm định để biến mình thành một sản phẩm lỗi quá rẻ tiền. Đừng khoác vào những sản phẩm lỗi của cuộc đời, người ta tinh tế người ta nhận ra bạn ơi. Bạn mua một sản phẩm rẻ có lỗi, những con mắt tinh tế người ta nhận ra đó và bạn sống là một sản phẩm lỗi ai cũng rồi sẽ nhận ra. Bạn sẽ trở thành kẻ cô đơn trong thế giới đông người này, chết dần, chết chìm vào bóng tối của sự đè nén cảm xúc quá cỡ, không biết chuyển hóa, của sự tự cho mình là nạn nhân của muôn sự và cả cuộc đời chỉ đổ lỗi cho người khác. Hãy chánh nệm hơi thở, phương pháp này dễ lắm, chỉ hít vào thở ra thật nhẹ, hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra. Quán chiếu tình yêu thương qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí tuệ sáng ngời qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu sự Tỉnh giác để có đời tỉnh thức qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Bạn sẽ là người không bao giờ đổ lỗi nữa, không là nạn nhân nữa, không đè nén cảm xúc nhưng trở thành người làm chủ được tâm trong hơi thở chánh niệm và trở thành không phải là một bản sao, một bản lỗi trong cuộc đời, mà trở về nguyên vị là bản gốc thanh cao, rất thanh cao. Các bạn, đừng sống lỗi, hãy trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Chúng con đã tự loại trừ mình và đã trở thành một bản sống lỗi giữa cuộc đời, gây khổ cho muôn người và bản thân. Xin gia trì cho chúng con trở về với nguyên vị thanh cao của tâm tịch tĩnh yêu thương, Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)