Search

Bài 3135. Lương Duyên Tiền Định

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho hàng đệ tử chúng con dõng mãnh tự lực đứng dậy, miên mật tu tập để thắp sáng Trí Tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Hồi hướng cho song thân phụ mẫu hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ thân tâm thanh tịnh, lưng cho ngay ngắn. Trở về với hơi thở của chánh niệm, khi chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng dưới, dưới rốn được gọi là đan điền khí hải thì phình bụng ra, sau đó thở từ từ trì mật ngôn và hóp bụng lại. Có ba mật ngôn chúng ta tổng trì và quán chiếu, mật ngôn thứ nhất Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn thứ hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, để thấu rõ các pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, mật ngôn số ba Ma Sa Ốp Uê có nghĩa quán tâm Tỉnh Giác. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác quán là phẩm hạnh của bậc trượng sĩ Quan Âm Bồ Tát, chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, Bảo Thành đang ngồi tại nơi thờ Tổ, điện Tổ của sư cô Phương Vân ở trên núi cùng với một số bạn đồng tu. Không khí ở đây thật mát trong lành, núi yên tịnh, rừng cây xanh, thích hợp cho những ai muốn trở về với cội nguồn của chân tâm, an trú trong chánh niệm, sống đời hạnh phúc. Hạnh phúc ở cuộc đời này có nhiều định nghĩa khác nhau, có thể người thật giàu kiếm nhiều tiền được gọi là hạnh phúc, cũng có người chỉ một chút xíu nằm ở bên vệ đường cũng hạnh phúc rồi. Không ai có thể thống nhất sự định nghĩa hạnh phúc là gì? Rắc rối hơn là duyên vợ chồng trong cuộc đời.

Một bạn trẻ gửi về chủ đề “Lương Duyên Tiền Định”. Hai chữ lương duyên làm rối đầu cho những người xuất gia. Nhưng không phải người xuất gia là không hiểu được chữ duyên, không phải người xuất gia không có lương duyên, tình cảm với một người hoặc nhiều người. Nhưng lương duyên của người xuất gia là duyên thương yêu muôn loài chúng sanh. Chẳng thế mà sư cô ở đây có thật nhiều những chúng sinh khác được cô chăm sóc, khi những người thợ săn, thợ rừng bắt về như chó, mèo, công, trĩ,.. nhiều lắm. Tình thương san sẻ thật đẹp, cho những chúng sanh đang đi vào con đường bị tận diệt do sự đói khát của người khác.

Nói đến duyên của vợ chồng Đức Phật cũng thường nói trong kinh, bởi chính Ngài cũng đã có gia đình, có vợ, có con. Ngài hiểu được cuộc sống của hôn nhân, Ngài luôn luôn dạy cho những Phật tử tại gia giữa vợ và chồng phải sống sao cho trọn đạo vợ chồng. Nếu cứ mang kinh điển để lý giải lương duyên chúng ta dễ bị kẹt. Người ta định nghĩa rằng lương duyên có nghĩa là tình nghĩa vợ chồng hợp với nhau, về tất cả mọi mặt đều tốt, đều thuận. Để rồi người vợ và người chồng đó gắn bó yêu thương, trải qua mọi khoảnh khắc, chặng đường gian khổ, thành công, thất bại, vui sướng đều gắn bó với nhau. Nhưng nhìn vào lịch sử của nhân loại hiếm, hình như chỉ nói trong văn chương, chữ nghĩa, thơ phú, chứ chưa có một cặp vợ chồng nào có thể sống hạnh phúc từ ngày gặp nhau trong tiếng sét ái tình của lương duyên, cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ông bà cha mẹ, những cặp vợ chồng trên thế gian từ ngàn xưa cho tới nay vẫn luôn luôn có những giây phút thật bình yên êm ấm, và luôn luôn có những giây phút cuồng phong bão tố tạo ra đau khổ cho nhau.

Người ta cứ dùng ngôn ngữ để phân biệt lương duyên là ám chỉ cho cặp vợ chồng tốt tới với nhau hoặc là nghiệp duyên là ám chỉ cho cặp vợ chồng tới đánh đập, chửi bới, đày đọa. Con người thích phân tích nhưng không tu, chữ duyên tiền định là duyên của kiếp trước ấn định cho kiếp này phải gặp nhau. Nhiều người còn tạo ra những giai thoại về tình yêu, duyên tiền định trốn đâu cũng không được. Những nhà văn, những nhà thơ, những họa sĩ ngôn ngữ thường cứ vẽ vời để cho lớp trẻ mới bắt đầu hiểu về tình yêu, lượm lặt gán ghép, sống vội. Nhưng tìm đâu ra chữ lương duyên và nghiệp duyên, bởi con người tới với nhau dù không phải vợ chồng thì cũng vì một chữ duyên.

Cốt lõi của Đức Phật dạy không phải là một định mệnh của thượng đế, hay một cái duyên của kiếp trước đã định, để rồi kiếp này ta hoàn toàn bó tay chịu trận đi theo sự định hướng đó, không thể thay đổi. Dĩ nhiên trong Phật giáo nói về nhân quả tất cả những sự hiện hữu trong cuộc đời, những hiện tượng, những mối tương giao đối với chúng ta, người với người, với trong thân tộc, gia đình, xã hội hoặc trong tình yêu, đều khởi từ chữ duyên. Nếu gạt bỏ chữ nghiệp và chữ lương ra thì chỉ còn chữ duyên, tới gặp nhau hợp hoặc không hợp. Đừng phân tích bởi cái hợp hay không hợp đó là quá khứ của một thời nhiều kiếp trước, đưa chúng ta gặp nhau trong kiếp này. Ngay tại đây, chỗ này và kiếp này Đức Phật luôn nhắn nhủ chúng ta trong kiếp người mang thân người thật khó, như rùa mù ngàn năm trồi lên mặt nước, chui vào bọng cây.

Vậy thì đừng để tiền định của nghiệp chướng kiếp trước dẫn dắt, nhận chìm nữa, mà cần phải tu tập để tâm được làm chủ. Từ đó nhìn rõ duyên kiếp trước giữa ta và người, khởi tâm bồ đề yêu thương, thiện lành để chuyển hướng đi, cùng nhau vượt qua thành tựu sự an lạc. Phật dạy chúng ta có khả năng đó, có nghĩa Ngài đã minh định thật rõ có lương duyên, có nghiệp duyên, có duyên tiền định của kiếp trước để gặp. Nhưng duyên đó không làm chủ chúng ta, cái làm chủ là chính cái tâm. Mà con người thường đổ lỗi cho lương duyên, cưới nhau một thời chẳng hợp thì lại dẫn qua nghiệp duyên. Phật dạy đó là sự thiếu trách nhiệm của mỗi một người không biết hướng thiện. Chúng ta dù là lương duyên hay nghiệp duyên, thì duyên gặp gỡ nhau đòi hỏi hai con người, nhiều con người phải nhìn thật rõ và cần phải tu tập để tâm làm chủ, định hướng cuộc đời theo pháp thiện Phật đã dạy. Để chuyển hóa những chướng duyên đời trước, những ác nghiệp đời trước mà hai người, hay một tập thể đã tạo ra, cộng hưởng, cộng nghiệp với nhau, ta chuyển được điều đó. Đây là một thông điệp kỳ diệu bởi chúng ta không bị ràng buộc do duyên tiền định, mà có cơ hội thăng hoa, có cơ hội làm cho duyên tiền định đi tới đỉnh điểm cao thượng hơn.

Đạo Phật là đạo giải thoát, con đường Đức Phật dạy là con đường dẫn đưa chúng ta giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc do nghiệp và duyên. Cho nên những ai lạm dụng chữ lương duyên, cưỡng cầu bản thân sống cho tốt với người khác, rồi khi xảy ra những chuyện cãi cọ, tranh chấp giữa vợ và chồng thì lại đổ thừa cho chữ nghiệp duyên khắc khẩu, khắc tuổi, khắc ngày, khắc giờ, khắc năm sinh tháng đẻ, khắc đủ mọi thứ. Và rồi trên bức tường của chân tâm đã bị nhiều dấu khắc, khắc gì? Khắc khoải của sự đau đớn, dày vò do hai người không hiểu rõ chân lý giải thoát của Phật, mà chỉ vịn vào những ngôn từ của bói toán, của tướng số, của mê tín, của dị đoan hoặc của những sự giải thích mông lung huyễn hoặc không đúng chân lý. Do vậy mà tự làm đau lòng nhau, để cho chính vách tường chân tâm của mỗi người chẳng còn những phép nhiệm màu của lòng thiện, sự kính trọng yêu thương, mà chỉ là những vết hằn. Mà đâu đó người ta còn đặt theo văn chương gọi là vết hằn trên lưng ngựa hoang. Chúng ta đã đi hoang để tìm những lương duyên kết lại sống đời, có đâu, sai rồi!

Trở về “Lương Duyên Tiền Định”, lời khuyên chân chánh mà Đức Phật thường dạy cho các cư sĩ tại gia, đặc biệt với các bạn trẻ sống trong một thế giới kinh tế và sự phát triển của khoa học quá nhanh, nhiều bạn chới với đặc biệt trong tình yêu. Từ đó chúng ta thường cứ mơ mộng, ngồi một chỗ mà hảo huyền, rồi ngồi một chỗ tạo ra những ảo vọng, ngồi một chỗ để rồi ảo tưởng sức mạnh là đâu đó có một đức lang quân như một vị có lương duyên từ tiền kiếp, xuất hiện trong cuộc đời như một hoàng tử, đưa ta về chỗ gọi là túp lều của tình yêu, đó là hoang tưởng các bạn. Rồi có nhiều bạn khi tới với nhau chúng ta chẳng hiểu được đạo lý vợ chồng là kính trọng, chia sẻ, san sẻ, nâng đỡ, yêu thương, đùm bọc, cùng học để xây dựng, thì chúng ta cứ mang cái tôi của mình để đè ép lên người bạn đời. Từ đó mà cãi cọ, đánh đập thậm chí sát hại nhau, để đổ lỗi cho chữ Nghiệp – Duyên.

Hai chữ này chúng ta người học Phật đã lạm dụng quá mức và rồi loan truyền cho người khác theo kiểu tiếp thị không cần phải trả tiền, rồi những kẻ hoặc những người bạn hiền khi chưa vững, nghe thấy dễ lung lay, sống trôi nổi theo hai chữ lương duyên và nghiệp duyên. Thuận gọi là lương duyên, nghịch thì gọi là nghiệp duyên. Cứ như vậy chẳng làm chủ tâm trên tinh thần xây dựng mà Đức Phật dạy trong kinh, tâm làm chủ mọi hiện tượng, làm chủ mọi pháp, làm chủ mọi định hướng của cuộc đời. Nếu đã là con người có đầy đủ phước báu, sinh ra, học được giáo lý của Phật, tu tập pháp môn giải thoát của Phật. Mỗi người chúng ta phải biết có chánh kiến, tức là cái nhìn chín chắn rõ ràng theo nhân quả và tư duy – chánh tư duy, tư duy cho phù hợp. Nhân quả của Phật luôn luôn là đúng, không ai thoát khỏi nhân quả. Mà nếu tâm được làm chủ thì ta có thể vận hành nhân quả theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Khi Bảo Thành tới nơi điện Tổ của sư cô Phương Vân trên núi này, cô trồng thật là nhiều cây ăn trái. Đối với người khác người ta có thể nói cô hơi rộng tay để trồng cây, nhưng đối với Bảo Thành cô rộng tâm, bởi cây nào cô trồng cũng không phải là thứ lượm lặt bình thường, tuyển những cây tốt, ra trái tốt. Bảo Thành đã thấy những cây này đã có trái, đã có hoa, đâm chồi nảy lộc, kết trái. Hồi chiều Bảo Thành được cô giới thiệu hai cây nho thân gỗ ăn thử rất ngon, toàn là cây ăn trái thôi. Làm cho Bảo Thành nhớ thuở nhỏ cùng với cha khi ông thân còn sống, nhỏ lắm, vác cuốc chưa đủ, ông thân dắt ra vườn ruộng. Hồi xưa ông cụ có vài thửa ruộng trồng chuối, trồng xoài, trồng mít, hồi nhỏ hỏi “Cha ơi! Trồng mấy cây mít, cây xoài này nghe nói đến 10 năm, 6, 7 năm mới ăn được”

Cha nói “Đúng!”

Rồi lại trồng thêm chuối, rau. Lại hỏi “Cha ơi! Những cây này có lâu không?”

Cha nói “Không! Chuối thì ngắn hạn, rau cỏ có thể ăn liền, mít, xoài, các loại khác lâu lắm, lấy cái ngắn để nuôi dưỡng cái dài và như vậy quanh năm đều có chuối, có rau ăn trước, đợi vài năm sau có xoài, có mận, có những thứ khác”

Ngày nay chúng ta mất lập trường, trồng cây ăn quả cứ vội vàng. Trên con đường học Phật ta trồng cây bồ đề, tức là gieo trồng những chủng tử thiện lành, ta quá vội vàng như mì ăn liền để rồi bị dẫn dắt vào mê tín dị đoan. Trồng cây có hạt giống trồng vài ngày, vài tháng, có hạt giống trồng vài năm, nhiều năm. Công hạnh tu của người theo Phật là phải biết những hạt giống nào chúng ta có thể làm và trổ quả phước báu ngay lập tức, hạt giống nào chúng ta trồng vào sự thực tu, kết quả sẽ dài hơi nhưng khi trổ rồi thì ta ăn mãi.

Vườn cây trái cây nơi đây của sư cô Phương Vân là một sự công phu lựa chọn, tuyển chọn và trồng đúng theo phương pháp để có cây, có trái và đẹp cho cảnh của chùa Ngôi Già Lam. Chúng ta tu cứ tìm trái mà không làm cho nó đẹp cảnh tâm hồn, thì chúng ta chỉ lo cho sức sống của thân xác, tâm hồn cũng cần các món ăn. Do vậy sự tu của chúng ta phải nhớ lời Đức Phật dạy, nghĩa là những việc có thể tạo được phước ngay chính là chỗ ta có thể trở về với chánh niệm của hơi thở, khi trở về với hơi thở nhẹ nhàng, đưa tâm vào hơi thở của chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, hay đọc ngược lại gọi là Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh Giác quán Của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, để làm gì? Để chuyển hóa tận cội nguồn những nghiệp ác gây ra đau khổ và tăng trưởng phước báu cho chúng ta. Ta cứ nghĩ tu là ghê gớm, phải làm việc động trời di sơn dời hải. Nhưng tu chỉ cần đưa tâm, chuyển tâm về với hơi thở chánh niệm. Mang tâm Từ bi tưới tẩm suy nghĩ, ngôn ngữ và hành động. Mang ánh sáng Trí tuệ thắp sáng trong tâm để nhìn cho rõ mà tư duy. Mang sự tỉnh giác để đối xử với nhau, từ đó thoát vô minh.

Các bạn, trong 10 thiện nghiệp và trong các pháp thiện Phật dạy tóm lại trong câu Kinh Pháp Cú hãy làm việc thiện, bỏ việc ác, tâm thanh tịnh. Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác quán giúp cho chúng ta biết phân biệt đâu là Thiện – Ác rõ ràng, để từ đó bỏ ác hành thiện, tâm được thanh tịnh. Khi tâm bạn được thanh tịnh bạn làm chủ đời sống của bạn, từ đó mang sự tự chủ do tâm được tu luyện, được rèn luyện kia đối xử trong cuộc sống của gia đình giữa vợ chồng, rộng hơn nữa là đối với ông bà cha mẹ, người thân, xã hội, cộng đồng, nhân sinh, không hẳn chỉ có vợ chồng đâu. Duyên của nhà Phật ngoài duyên vợ chồng còn duyên cha, duyên mẹ, duyên anh chị em, duyên bạn đồng tu, duyên thầy trò, duyên quốc gia xã hội, con người chúng sanh.

Nhưng chữ lương duyên tiền định thường ám chỉ cho những cặp vợ chồng hòa thuận với nhau. Nhưng trên đời này với tuổi đời tuy còn rất ngắn, nhưng đọc về lịch sử của nhân loại Bảo Thành chưa thấy một cặp vợ chồng nào mà cả cuộc đời hòa thuận đâu. Cứ hỏi ông bà đi, cha mẹ, cứ tìm về những lịch sử nhân loại trong cuộc sống hôn nhân đi. Có những lúc thật đẹp như sao trời, như tinh tú lung linh, nhưng cũng có những lúc cuồng phong bão tố, gầm thét hãi hùng, sợ hãi. Do vậy để biến tất cả các cảnh duyên, nghiệp duyên, trần duyên trong đời tới với nhau qua đời sống hôn phối, ta đừng dựa dẫm vào chữ lương duyên để tìm cầu một người hợp với ta. Ta cũng đừng giận dữ những người không hợp gọi là nghiệp duyên do khắc khẩu hay khắc gì đó. Sự khắc gì cũng không bằng những giây phút khắc khoải của đời người khi sống chung mà không hiểu ý, sống chung mà không sự làm chủ, để từ đó tới với nhau chỉ là những mũi dao đâm vào trái tim cho rỉ máu, đau đớn suốt đời. Đặc biệt với các cư sĩ, các Phật tử tại gia còn trẻ, chưa, đã hoặc sẽ có gia đình, chúng ta hãy nhớ đạo Phật không lệ thuộc vào một tiền định nào của lương duyên, của nghiệp duyên. Mà đạo Phật là đạo giải thoát khỏi những sự tiền định ràng buộc của nghiệp chứa nhiều đời.

Cho nên khi tới với nhau không cần phải xét có hợp hay không hợp, theo tuổi, theo năm, theo tháng, theo lương duyên hay nghiệp duyên. Mà chỉ cần hai bạn trẻ, hai người nhìn rõ chân lý của Phật là kết với nhau trong duyên hiện tiền gặp gỡ, tinh tấn tu học, hướng thượng, bỏ ác hành thiện, trân trọng, nâng đỡ, đùm bọc cho mọi khoảnh khắc thăng trầm của cuộc đời. Quý kính người thân trong gia đình, biết đối xử tốt với ông bà cha mẹ, người thân hai bên, với bạn bè, với xã hội và luôn luôn nâng cao kiến thức hôn phối, sống trân trọng trong mọi thời đại, thì nhất định bạn được làm chủ tâm. Như thế chữ lương duyên tiền định chẳng phải là một sự mặc định ràng buộc của nghiệp chướng kiếp trước hoặc những duyên thiện để trở thành vợ chồng, mà là một sự quyết định hiện thời của những ai có trí tuệ. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đạo không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều gì.

Do vậy trong chủ đề hôm nay Bảo Thành muốn khuyên tất cả các bạn trẻ, tất cả những ai dù trẻ hay đã có tuổi, đang có gia đình. Chúng ta đừng để cho hai chữ lương duyên hay nghiệp duyên, chướng duyên hay ác duyên. Các bạn chưa biết đâu, nhiều người nói nghiệp duyên còn nặng hơn là oan gia trái chủ.

“Tôi cưới cô ấy đúng là oan gia, ngày nào cô cũng cãi”.

“Tôi cưới ông ấy đúng là oan gia, ông cứ say xỉn, nhậu nhẹt”

Rồi đủ thứ, không! Chúng ta đã dựa vào chữ oan gia trái chủ, ta dựa vào chữ nghiệp duyên và lương duyên để rồi sống mất tự chủ. Người mất tự chủ là người đã bán sổ đỏ đất của mình rồi, đất gì các bạn biết không? Mình đi cầm sổ đỏ đất của mình rồi, sổ đỏ đó là sổ đỏ của miền đất chân tâm, cho xã hội đen, cho ma quỷ, cho chướng duyên, cho những tà kiến. Nếu mình có đất mà bạn phải đi cầm sổ đỏ coi như bạn xong đời rồi, làm ăn thất bại rồi.

Bây giờ chỉ có một miền đất tâm thiện lành mà Phật đã nói thọ kí cho ta, nay ta lại đi cầm sổ đỏ đó cho những tà kiến suy nghĩ sai, để không làm chủ được mảnh đất của mình nữa, mà những người khác giày vò trên mảnh đất tâm của chúng ta thì ta đâu phải học Phật. Các bạn nghe kịp Bảo Thành nói không? Ta có một miền đất hương quả nhiều đời do chính ta tạo ra, đó là đất tâm, có sổ đỏ toàn diện, làm chủ lãnh thổ đất tâm của ta Phật dạy như vậy. Đừng mang sổ đỏ đó đi cầm cho những người tà pháp, tà kiến, nghĩ không chuẩn để rồi ta cứ phải vịn vào chữ oan gia trái chủ, lương duyên, nghiệp duyên đày đọa mình và mọi người. Hãy nghĩ theo lời Phật dạy tâm phải được làm chủ trong chánh niệm, quán chiếu bằng Trí tuệ, thấu rõ được lòng Từ bi của nhau và luôn luôn sống đời Tỉnh giác. Để được Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác mỗi người chúng ta cần phải thực tập. Như sư cô Phương Vân phải san núi ra, phải đục gạch để có một miếng đất đẹp, bằng phẳng, một thửa đất bằng phẳng ngay trên núi, một thế đất thật đẹp và trồng cây lập chùa.

Chúng ta trên miền đất gò sâu thẳm, hầm hố, đau khổ của tâm, miền đất tâm hoặc nó gồ ghề xấu xí đi nữa, chỉ cần gia công thôi là bạn có thể san bằng một thớt đất trong tâm để lập nên sự an định trong các pháp thiện. Sư cô Phương Vân có thể làm được trên ngọn núi này. Đức Phật dạy cho chúng ta bằng tâm làm chủ ta sẽ san bằng mọi hầm hố, sự gồ ghề của ác nghiệp, của sự đổ thừa, tà kiến, hiểu sai. Để từ đó tái tạo lại một đời sống mới hướng thiện bằng pháp thiện lành. Đời sống vợ chồng nếu các bạn trẻ đang nghĩ tới để kết hôn với một ai đó. Hãy nhớ lương duyên hay nghiệp duyên không phải là tiền định mãi mãi, mặc định sống tốt hay sống không tốt với nhau, mà là chỗ ta có duyên gặp người và ta khởi duyên lành để song đôi với nhau bằng Chánh kiến, Chánh tư duy. Hành đúng pháp thiện của nhà Phật, sống trong sự hiểu biết, nâng đỡ qua mọi thăng trầm khoảnh khắc của cuộc đời, kính trọng, yêu thương, san sẻ và luôn luôn biết kính trọng người thân trong gia đình của hai bên, ông bà cha mẹ và biết thương những người thân của vợ hoặc chồng. Thì nhất định các bạn là những người đang làm chủ đời sống hôn phối của các bạn.

Các bạn, đừng sống dựa dẫm trên những quan niệm đời thường để dẫn dắt bạn xa chân lý của nhà Phật, rồi bị vùi vào những tà kiến của thế gian. Đạo Phật rất khoa học trong sự tư duy một cách chân chính, trong chánh kiến nhìn thấu rõ nhân quả. Ta làm chủ được nhân quả. Hãy nhớ nhân quả kiếp này ta đang đón là do kiếp trước tạo thành, nhưng ngay kiếp này chánh niệm hơi thở, chánh niệm đời sống là ta bắt đầu học pháp hành để làm chủ nhân quả của ta trong kiếp này, để tái tạo nhân quả tốt đẹp hơn trong kiếp sau và hưởng ngay phước đó trong chánh niệm. Phước ngắn gọn nhất như chuối và rau ông cụ ngày xưa trồng, đó là gì? Là hãy sống thiện lành trong chánh niệm. Bạn có phước đầy đủ ngay trong từng giây phút, bạn sẽ sống hạnh phúc và đối với người hôn phối của mình không còn phải dùng chữ oan gia trái chủ, chữ nghiệp duyên, lương duyên để gượng ép cho nhau nữa. Mà chỉ còn một chữ khởi duyên lành, hứa hẹn sống đúng chánh niệm lời Phật dạy, để hai người có thể song đôi với nhau qua từng chặng đường cao thấp, thăng trầm của cuộc đời mà vẫn kính trọng yêu thương nhau. Cám ơn các bạn đã nghe, chúng ta hãy trở về với hơi thở chánh niệm.

Thưa Phật! Phật dạy chúng con làm chủ được tâm, tâm làm chủ các pháp, làm chủ mọi tạo tác, không để cho những từ ngữ dẫn dắt như lương duyên, nghiệp duyên, oan gia trái chủ. Mà chúng con để cho chân lý của Phật khai thị, thực hành cho rõ để cùng hứa hẹn với nhau chuyển đổi mọi ác nghiệp ngay trong kiếp này, để thực hiện những nghiệp lành, sống hạnh phúc, trân quý, yêu thương nhau.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu chúng con tạo được chút phước nào ngày hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn