Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.
Mời các bạn chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu tập Mật Thiền song tu để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu và thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống buông thư nhẹ nhàng. Nhớ về lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở vào ra giữ chánh niệm an trú nơi ấy, tổng rrì mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán tâm Trí Tuệ, Ma Sa Ốp Uê quán tâm Tỉnh Giác.
Chúng ta hãy bắt đầu hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến. Làm sao trong cuộc đời của mỗi người chúng ta có thể định tĩnh trước mọi đổi thay, thật khó. Cuộc đời luôn luôn thay đổi từ môi trường sống, hoàn cảnh sống và ngay cả những con người sống chung với chúng ta. Khi có sự đổi thay chúng ta thường rơi vào trạng thái đau đớn, phiền não, tức giận, căm thù và phẫn nộ. Để đón nhận sự đổi thay trong cuộc đời nếu không có sự chuẩn bị thật kỹ, chúng ta thật khó đương đầu. Có biết bao nhiêu sự đổi thay trong cuộc sống đã làm cho chúng ta bị phiền não và đau khổ, đổi thay do chính mình thay đổi, đổi thay do những người sống với chúng ta thay đổi. Không có một cuộc đổi thay nào mà không làm cho đầu óc của chúng ta phiền não, không có một cuộc đổi thay nào làm cho chúng ta có được sự an lạc. Có thể vì hoàn cảnh của cuộc đời một người phải rời xa quê hương, đi nơi thật xa để sinh sống, bao nhiêu năm sống ở nơi quê hương mình cùng với cha mẹ, người thân, nhưng rồi phải đi xa, từ bỏ hết. Sự đổi thay đó thường là những cú sốc thật lớn đối với những ai phải thay đổi môi trường sống. Bảo Thành đã tiếp xúc với thật nhiều quý Phật tử từ Việt Nam qua sinh sống ở Mỹ khi tuổi đã lớn, rất đau lòng, rất khổ. Con cái còn trẻ thì hớn hở, hòa nhập vào cuộc sống mới là một sự thử thách để vươn lên, các con thường thích thú, tuổi trẻ dư dả sức sống. Nhưng những ai đã lớn tuổi, thay đổi cuộc đời khi phải rời xa quê hương, tập tục và sự sinh hoạt hàng ngày mấy mươi năm qua thật khó có thể đón nhận cuộc sống mới một cách dễ dàng. Những người Bảo Thành từng tiếp xúc hay bị rơi vào trạng thái trầm cảm, nhớ nhung, cứ muốn trở về quê hương thôi, nhưng nếu như trải qua độ 3 năm trời sinh hoạt ở đó nơi nước Mỹ, những người ấy sẽ có một thói quen mới, hòa mình vào với đời sống mới. Đây chính là điểm mà mỗi người cần phải suy nghĩ. Chỉ cần chúng ta kiên nhẫn, chỉ cần chúng ta chịu đựng và vượt qua sự thử thách trong giai đoạn đầu, môi trường nào rồi cũng trở thành hòa hợp và quen thân mà thôi. Có những người khi mới qua đòi về nhưng ở ba năm thôi, về Việt Nam lại muốn trở lại nước Mỹ. Đó là nói qua sự thay đổi về cuộc sống đơn giản nhưng cần có thời gian.
Nếu nói về sự thay đổi giữa con người với con người là một chuyện khủng khiếp hơn. Đặc biệt trong tình bạn, trong tình yêu, trong tình người, ai đó đã thay lòng đổi dạ thì nhất định đối tượng còn lại sẽ phải đau khổ vô cùng. Đặc biệt là trong tình yêu, trong tình cảm của đôi lứa, gia đình. Thật nhiều bạn đồng tu cũng như người quen Bảo Thành đã tiếp xúc, có người bạn đời đã đổi thay toàn diện, chẳng còn như thuở xưa biết tôn trọng tình yêu đối với nhau, thế là người ở lại lòng đau như cắt, trái tim như bị xé nát và gào thét trong cay đắng, hận thù, bực bội, thì cuộc thế chẳng thể trở lại như xưa. Những lần đổi thay như vậy thật đau lòng cho những ai phải đương đầu, ai chưa một lần trải qua chẳng thể hiểu được cuộc đời đâu. Nhưng những sự thay đổi đó cũng là chuyện rất bình thường, bởi khi đêm dài ngày ngắn đã trôi qua thì nhất định chúng ta sẽ có một cuộc sống mới, vươn lên và trở lại mạnh mẽ hơn xưa. Sự thay đổi mà chúng ta thật khó định tĩnh nếu không tu tập, đó là sự thay đổi của chính bản thân mình. Qua năm tháng của vòng xoay luân hồi nơi thân xác của chúng ta như Đức Phật đã dạy là Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Mới hôm nào đó ta mới sinh ra còn rất trẻ, mà chỉ đôi chút, chỉ một vài năm thôi, một vòng xoay chưa kịp đến ta đã cảm nhận sự già đã tới với chúng ta, và biết bao nhiêu những căn bệnh như đau lưng, nhức đầu, mỏi gân, mỏi gối. Có những người còn nhận ra là sự tử sinh của mình cận kề, cái chết đang rình rập. Những sự thay đổi đó mới là kinh khủng, nó sẽ làm cho biết bao nhiêu người khủng hoảng, mất trí, sợ hãi, chẳng còn sự định tĩnh.
Chủ đề “Định Tĩnh Trước Mọi Đổi Thay”, nói lên một sự công phu, một sự tu tập rõ ràng. Không phải nói định tĩnh là định tĩnh, trước mọi sự đổi thay không ai có thể định tĩnh được nếu không tập luyện. Trong thế gian này có biết bao nhiêu phương pháp của những nhà tâm lý học đưa ra, để chúng ta ổn định tâm thần của mình khi phải trực diện với sự thay đổi của cuộc đời, thay lòng đổi dạ của những người yêu thương. Nhưng hầu hết kết quả là cũng sơ sài trong một giai đoạn ngắn, còn nỗi đau, niềm đau vẫn canh cánh ở trong lòng, khó có thể chuyển hóa toàn diện. Ai đã từng một lần trải qua khi phải đương đầu với người thương yêu mình thay đổi, cuộc sống người đó sẽ đảo lộn, người ở ngoài nói có thể dễ, nhưng người bên trong cuộc thực khó định tĩnh được.
Một trong nhiều phương pháp có thể được liệt kê theo tuần tự, mà nói ngắn gọn chỉ bốn bước nếu chúng ta thực tập rõ ràng theo lời Phật dạy qua công hạnh của Mật Thiền, chúng ta sẽ thực sự định tĩnh trước mọi đổi thay của cuộc đời. Dù đổi thay về quyền lực, về danh vọng, về nơi ăn chốn ở, về tiền bạc, về tình cảm, thì chúng ta cũng có đủ Chánh Định, nội lực để định tĩnh trước mọi đổi thay. Bước thứ nhất khi mỗi người chúng ta cần phải chuẩn bị là gì? Là phải cắt đứt mọi mối liên hệ với những sự thay đổi làm cho ta chóng mặt, khó đương đầu, cắt đứt sự liên hệ với sự thay đổi đó. Chúng ta cứ nhập nhằng khi người ta đã thay đổi, khi môi trường đã đổi thay ta không thể thay đổi họ trở lại nguyên vị như thuở xưa, phải biết dứt khoát, cắt đứt ngay, không liên hệ nữa. Tuy khó và đau lòng nhưng đây là việc rất cần, để đạt được điều đó chúng ta phải thực tập quán chiếu trong thiền định. Nhìn thẳng vào vấn đề mà Đức Phật đã gợi ý, dẫn dắt cho chúng ta thực hành trong các pháp quán chiếu, đó là sự vô thường luôn lui tới. Không ai mà cứ khư khư như thế suốt cuộc đời. Sự thay đổi có thể từ tiêu cực đến tích cực, từ xấu thành tốt, ngược lại cũng có thể từ tích cực thành tiêu cực, từ tốt đẹp thành xấu, dù xuôi hay ngược thì đó là sự vận hành của Vô Thường. Cắt đứt đi sự bám víu vào các pháp vô thường sanh diệt là bảo vệ toàn diện mọi cảm xúc được an trú trong chánh niệm, để rồi ta luôn luôn có được tâm định tĩnh an lạc.
Nếu các bạn thực tập sự quán chiếu như vậy, quán chiếu vô thường thường xuyên bạn sẽ có sức mạnh để biết dứt khoát với mọi vấn đề khi nó thay đổi. Bạn cứ thử đi bạn sẽ thấy rằng hóa ra cắt đứt tại chỗ khi nó đã xảy ra, không có thể cứu vãn nổi thì cắt đứt là một liệu trình rất khoa học, để tránh làm cho trái tim của chúng ta bị tổn thương một cách thảm bại, khó cứu vớt. Ai biết thương mình, ai biết thương đến chính mình, người ấy phải có một sự quyết định thật nhanh chóng và phải dứt khoát. Thực tập quán chiếu vô thường đưa tới một sự thành tựu vô song là ta có được sức mạnh quyết định thật nhanh và cắt đứt thật gọn gàng, những mối tương giao gây ra đau khổ khi nó thực sự thay đổi.
Cách thứ hai là phải biết thực tập hơi thở của chánh niệm, hít sâu thở chậm sẽ tăng trưởng nội khí thâm hậu, để ta định tĩnh trước mọi đổi thay của cuộc đời. Từ ngàn xưa bao nhiêu ngàn năm qua, ông cha ta, tổ tiên và qua những lời của Đức Phật đúc kết những phương pháp thực tập, thì hít sâu thở chậm, chậm rãi tăng trưởng được nội lực và giúp ta có định lực rất mạnh. Nội lực thâm hậu là một sự quyết định để thành tựu được nó, sẽ đưa chúng ta thoát ra khỏi mọi sự khủng hoảng khi cuộc đời phải đối diện với thay đổi. Khi các bạn hít vào thật chậm, đưa xuống đan điền khí hải, vùng sâu ngay rốn phình bụng ra và thở thật chậm rãi nhẹ nhàng hóp bụng vào, máu huyết của bạn sẽ lưu thông đầy đủ, năng lượng sẽ lan tỏa toàn châu thân và cơ thể được cung cấp đầy đủ oxy, làm cho phổi của chúng ta kích hoạt, đưa oxy thấm vào máu thật nhanh, cung cấp lên não bộ. Chính sự rất khoa học như thế trong đông y và tây y đều kiểm chứng được, hơi thở sâu, chậm, phình bụng và hóp bụng có công năng diệu dụng, tăng trưởng sức khỏe, làm cho thần kinh não bộ mạnh mẽ và luôn luôn là gì? Là có được tâm thái định tĩnh. Nói theo văn tự của nhà Phật là đạt được nội công thâm hậu, có được Chánh Định. Đây là điều tất yếu qua hơi thở chánh niệm, hít sâu thở chậm mà Đức Phật đã dạy, mọi người đã thực tập, các bậc cao nhân, các bậc tổ sư, các vị thánh tăng đã thực tập, đều thấy công hiệu ấy. Nếu bạn đang đương đầu với sự đổi thay vì một chuyện gì đó quá đau lòng, không hàn gắn được, cắt đứt ngay mối quan hệ tương giao với đối tượng kia, môi trường kia. Và hãy mang hơi thở sâu và chậm, thực tập bảy lần trong mỗi một giai đoạn cơ thể bực tức, sân giận vì sự thay đổi của người ta, bạn sẽ thấy cơ thể của bạn, bạn sẽ thấy tinh thần của bạn mạnh mẽ, trong sáng hơn và nhìn rõ được mọi vấn đề để đưa tới sự giải quyết tốt đẹp.
Một trong những phương pháp nữa là buông thư. Khi hít sâu, thở chậm với tâm thái của toàn thể tứ chi, toàn diện thân xác của mình buông thư, buông lỏng và chỉ nhìn vào trong hơi thở. Với cách như thế, thực tập như thế bạn sẽ tìm lại được nguồn năng lượng vi diệu vốn có nơi bạn. Hay hơn nữa là trong trạng thái đó bạn có khả năng kết nối với những nguồn năng lượng tích cực hơn từ các bậc giác ngộ. Các bạn thử đi, các bạn sẽ thấy, hít sâu, thở chậm, buông thư là những phương tiện diệu dụng, vi diệu và cho những ai đang thấy sự thay đổi của người nào đó, hoặc từ môi trường, hoặc kinh tế và đời sống. Thực tập những phương pháp như vậy sẽ có lợi ích vô cùng. Cái thứ ba đã nói như vậy thực hành bạn sẽ thấy hậu quả. Còn thứ tư là gì? Tập cho mình một thói quen mới tích cực hơn, thực tập cho mình một thói quen mới tích cực hơn. Rất nhiều những phương pháp nhưng bốn cách này là tiêu chuẩn, là dễ thực tập mà có công hiệu dài lâu, không những về tâm lý mà còn tăng trưởng đời sống tâm linh cao hơn. Trong Thiền Mật song tu hơi thở chánh niệm, hít thật sâu phình bụng, thở thật chậm hóp bụng sẽ giúp cho chúng ta đạt được trạng thái cân bằng của sức khỏe, giữ được sự trong sáng của tâm và làm cho thân tâm của ta gắn kết nên một, có sức mạnh nhìn rõ vấn đề để dứt khoát, dứt khoát với tất cả.
Phương pháp thực tập trong mật thiền hít thở như thế, dễ giúp cho chúng ta biết buông thư, biết buông lõng toàn thân và dẫn dắt chúng ta thực tập, khai triển những thói quen mới tích cực trong cuộc sống để tìm lại chính mình, không bị đày đọa trong những cảm xúc đau đớn. Các bạn, có một số bạn đồng tu cùng với Bảo Thành, hiện thời đang rơi vào trạng thái vì những người rất gần có thể là chồng, cũng có thể là vợ, đã và đang đổi thay thật nhiều. Rồi những người phải đương đầu như vậy rơi vào trạng thái đau đớn, bực tức, sân hận, căm phẫn và trả thù. Những sự phản ứng như vậy thật tiêu cực, hại cho sức khỏe và là tiền đề để gây tạo ra thật nhiều nghiệp chướng. Có thể đưa đến sự oan gia trái chủ nhiều đời tìm kiếm nhau để trả thù, gieo hận. Hãy nhớ lời Đức Phật dạy phải biết buông bỏ, phải biết dứt khoát, phải biết thực tập để mình rời xa những cách đối xử như thế, mới ngõ hầu tăng trưởng được phước báu, thay đổi được cuộc sống của chính mình. Lời khuyên mà Bảo Thành khuyên đối với các bạn đang ở trong tình trạng như vậy là hãy luôn luôn nhớ về lời Phật dạy, thực tập hơi thở của mật thiền chánh niệm, hít sâu thở chậm, buông thư nhẹ nhàng. Thực tập những thói quen tích cực và phải biết dứt khoát cắt đứt với mọi đối tác mà có lòng dạ thay đổi, thà một lần đau, thà một lần cắt, thà một lần dứt khoát mà còn giữ lại phần đời để tiếp diễn cuộc sống của mình trong bầu không khí và năng lượng tích cực hơn. Không phải cứ khư khư ôm mãi những điều đã không còn toàn vẹn nữa, để cả cuộc đời khối đau kia đè nặng lên vai của chúng ta. Cuộc sống tuy ngắn nhưng khi đau khổ và sầu hận thì nhất định dù chỉ một phút cũng dài bằng cả một thế kỷ lê thê. Nhưng cuộc sống tuy ngắn ta biết giữ được chánh niệm, buông thư và nhẹ nhàng dứt khoát với mọi sự đổi thay gây ra đau lòng, ta vẫn tận hưởng được những nguồn năng lượng tích cực và sống rất an lạc, hạnh phúc. Dù chỉ một giây, một giây sống trong an lạc và hạnh phúc còn hơn sống cả một thế kỷ trong sầu bi, ai oán, đau khổ và ô nhục.
Chúng ta ngày nay, cuộc đời và cuộc sống luôn luôn phải gặp những sự đổi thay, ngay cả trong tình nghĩa của vợ chồng, huynh đệ, người thân, môi trường sống, hoàn cảnh kinh tế, bởi sự sống quá nhanh, quay cuồng chụp giật, hơn thua, tranh giành. Không lẽ trên đời này ta cứ để những điều như vậy xoay vòng làm cho chúng ta chóng mặt, rối trí, rồi cuộc đời còn ý nghĩa gì nữa đâu. Thà sống một giây hay một ngày an lạc hạnh phúc, tin sâu nhân quả, thực hành được pháp thiện còn hơn sống cả trăm năm mà pháp ác ta cứ hành, đau khổ chất chồng, phiền não không vơi. Hãy sống trong sự thực tập và có một sự chuẩn bị rõ ràng, để khi chúng ta có được định lực và nội lực thâm hậu như thế, cái tối quan trọng mà Đức Phật dạy đó là đương đầu với sự đổi thay của mạng sống mình qua quy luật của vô thường, của Thành – Trụ – Hoại – Diệt, của Sinh – Lão – Bệnh – Tử, tâm ta vẫn luôn luôn sáng. Rất quan trọng, sự sáng của tâm qua sự công phu để nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh diệt, để nhìn thấu Thành – Trụ – Hoại – Không và để chứng kiến Sinh – Lão – Bệnh – Tử đang xảy ra cho chúng ta trong tâm thái tích cực, an lạc. Có được điều đó không khó, chỉ cần chúng ta hiểu thấu và thực tập công phu. Biết bao nhiêu các bậc tiền nhân đi trước đã thực tập và họ nhìn dòng đời vần xoay, họ đã chiêm ngắm Thành – Trụ – Hoại – Không, Sinh – Lão – Bệnh – Tử và vô thường hiển hiện. Nhưng vẫn tươi cười, vẫn mỉm cười, vẫn an nhiên, vẫn định tĩnh. Và đúng thật họ luôn định tĩnh trước mọi đổi thay của cuộc đời, bởi họ có tu luyện thật một cách rất thực tế. Lời Phật dạy không phải để chỉ nghe, chúng ta cứ thường tạo cho mình quá bận rộn trong cuộc đời, lo toan nhiều thứ hay hư mất, để rồi khi sự thay đổi ập tới chúng ta ngỡ ngàng, chơi vơi, chúng ta hoảng loạn và sợ hãi. Làm sao, làm sao phải sống cuộc đời như vậy? Chúng mình là người hiểu được Phật, biết Pháp của Phật, tin sâu vào Phật và đồng tu cùng với nhau, phải dứt khoát một lần đưa mình vào sự công phu miên mật, không thể giải đãi, phải luôn tinh tấn, tấn tu nhau.
Trong tuần trước Bảo Thành gặp một người Phật tử quen, học về lý thuyết rất vững, có trí tuệ, lý luận rất cao siêu. Nhưng rồi người đó đương đầu với thực tế của cuộc sống đã bị câu vào vòng xoáy của những sự phù phím hơn thua, thế là rơi vào trong vũng sình lầy vùng vẫy, càng vùng, càng vẫy, càng chìm, không thể thoát. Rất may người ấy đã gặp được một người huynh đệ và người huynh đệ đó đã dẫn dắt anh ta thoát ra khỏi vùng tăm tối ấy. Bảo Thành có cơ duyên gặp được người đó và người bạn của anh ta, trong một tuần trà ngồi uống, tâm sự và nhận ra mọi kiến thức nếu không đưa vào sự thực hành, khi đụng chuyện sẽ khó bề thoát ra. Chân lý của Đức Phật dạy cho ta nếu các bạn không tu, không thực tập mỗi ngày, khi đương đầu với sự thay đổi của Sinh – Lão – Bệnh – Tử ta chứng kiến, của những pháp vô thường hiển hiện trong cuộc đời, của Thành – Trụ – Hoại – Không, thì các bạn sẽ đau khổ vô cùng, kết quả là bạn sẽ bị đọa vào tam đồ khổ và sẽ sanh vào những cảnh giới không hay. Hãy chủ động sống, hãy chủ động tu tập, hãy chủ động công phu và luôn luôn tiếp cận với các bậc thiện tri thức ta có duyên để giải bày những tâm trạng rối rắm, tiêu cực của mình, hoàn cảnh của mình. Để được lắng nghe những lời chia sẻ chân thành, của sự hiểu thấu nơi những bậc thiện tri thức đã thực tập qua, hướng dẫn cho ta để rồi ta thoát khổ. Vậy nên Bảo Thành nhắc để có được sự định tĩnh trước mọi đổi thay, chúng ta phải biết dứt khoát lìa xa sự tương tác với những vấn đề hoặc con người gây đau khổ bởi đã thay đổi. Phải biết hít sâu thở chậm, phải biết buông thư nhẹ nhàng và phải biết thực tập những thói quen mới, tích cực và luôn luôn tiếp cận với các bậc thiện tri thức mà ta có căn duyên gần gũi, để được chia sẻ và hướng dẫn. Nắm vững được điều này bạn như những nụ hoa sẽ gặp đúng thời tiết và khí hậu để nở thật đẹp, còn không nụ hoa kia sẽ héo, sẽ úa và khổ tất yếu sẽ luôn đến với các bạn. Định tĩnh trước mọi đổi thay cần phải có một sự chuẩn bị thật chu đáo.
Các bạn! Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh Niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con để chúng con biết tinh tấn thực tập lời Phật dạy và phải biết công phu thật rõ ràng mỗi ngày, để đạt được Chánh Định mà định tĩnh trước mọi đổi thay của cuộc đời.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển và hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Nếu chúng con có được chút phước nào trong sự đồng tu hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.