Search

Bài 3123. Tâm An Nhìn Đâu Cũng Thấy An

Bảo Minh đánh máy

Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Và gia trì cho chúng con biết tự lực tinh tấn đứng dậy tu tập Mật thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng trí tuệ, thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã. Chúng con cũng nguyện cho cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, những người thương yêu đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Và cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống an nhiên tự tại, giữ lưng cho thẳng, buông lỏng toàn thân. Như lời Đức Phật dạy, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi để lan tỏa tình yêu thương. Trong hơi thở chánh niệm vào ra, chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi – Mu A Mu Sa; tâm Trí Tuệ – NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang; tâm Tỉnh Giác – Ma Sa Ốp Uê. Với 3 Mật Ngôn Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác, chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng Mật điển siêu thế từ Chư Phật. Và trong những giây phút này, chúng ta hãy trở về với hơi thở để bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì Mật Ngôn đón nhận Mật Điển, hồi hướng cho tất cả.

Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 biến)

Các bạn thân mến! Hôm nay là ngày Thứ 2, Bảo Thành đang cư trú tại Chùa Long Bình, ở Sông Cầu, Phú yên. Mà thực sự nơi đây, nơi Phú Yên mình ở mình thấy lòng thật bình yên. Hai chữ “bình yên” ai trong cuộc đời cũng mơ ước sau những ngày tháng chất chồng biết bao nhiêu những lo âu phiền muộn, những sự suy nghĩ về cuộc đời của chính mỗi người và gia đình. Thật nhiều lúc gánh nặng đó là một áp lực dồn nén đẩy chúng ta vào trong sự khủng hoảng và sợ hãi. Trong bóng tối của sự sợ hãi, mỗi người chúng ta mong cầu sự bình yên. Nơi đây Phú Yên, vốn cái tên đã thể hiện sự yên bình rồi, không khí trong lành, nằm giữa cái eo của miền Bắc và miền Nam. Có núi, có biển thật hài hoà! Làm cho con người khi tới đây hưởng được không khí thanh bình, nhẹ nhàng, tâm hồn thấy bình yên vô tận. Với chủ đề cũng tương đồng với chữ “Yên” – Tâm An Nhìn Đâu Cũng Thấy An. Và Phú Yên là nơi bình yên rồi, thì dù các bạn ở đâu tới cũng sẽ tới được chỗ bình an của đời mình.

Các bạn, ai trong chúng ta mà không đi tìm sự bình an, ai trong chúng ta mà không muốn đạt tới tâm an, để có cơ hội như chủ đề “Nhìn đâu cũng thấy an”. Hầu hết, cuộc sống quanh co phức tạp, và chúng ta lại thích tạo ra những sự rối rắm phức tạp cho nhau. Tâm của mình bất an, từ đó đi tới bất cứ chỗ nào tâm của chúng ta cũng chẳng nhìn thấy sự bình an ở nơi đó. Có một câu kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp” hoặc là “Ý dẫn đầu các pháp; Ý làm chủ ý tạo; với ý thanh tịnh nói lên hay hành động sự an lạc sẽ kéo theo sau như hình liền với bóng”. Câu này nói rằng với Ý thanh tịnh, nếu với Ý thanh tịnh nói lên hay hành động thì an lạc kéo theo sau như hình liền với bóng. Nếu với ý thanh tịnh thì nhất định ta sẽ có sự an lạc liền liền trong cuộc sống. Câu hỏi, Bảo Thành và các bạn sẽ nói với nhau làm sao để có được ý căn thanh tịnh? Đó mới là mấu chốt! Đức Phật đã dạy cho chúng ta thật nhiều phương pháp để luyện ý của chúng ta, để ý của chúng ta được thanh tịnh mà từ đó sự an lạc nơi đâu cũng hiện diện trong cuộc đời. Tâm an nhìn đâu cũng thấy an! Và để tâm an, ý phải thanh tịnh. Cũng quanh đi quẩn lại, một câu khác Đức Phật dạy: “Hãy làm việc thiện, buông bỏ việc ác, tâm ý sẽ thanh tịnh”. Đó là lời Phật dạy, thì câu này đã bổ túc cho câu trên, nếu với ý thanh tịnh và để có ý thanh tịnh ta buông bỏ những điều ác và ta phải hành những điều thiện. Chìa khoá để có tâm an lạc ngay chỗ đó.

Chúng ta cứ thử nghĩ, những điều ác phải ghê gớm, phải hại người bằng tay, tức là phải tương tác để đánh cho người ta đau, hại cho người ta mất việc, mất nhà mất của; hoặc đôi khi hại đến mạng sống của họ mới cho là việc ác. Đức Phật dạy không những chỉ có hành động mà lời nói cũng thủ ác được. Hầu hết, ý ác – có, nhưng nó vẫn còn ở đó chưa tăng tốc đến độ không thể làm chủ. Nhưng nếu chúng ta tìm những phương pháp Đức Phật dạy để ngăn chặn cái miệng của mình đừng luông tuồn, tuôn ra những chiêu thức nguy hại cho người khác để thủ ác thì nhất định bạn đang kiềm chế được cái miệng, và chuyển hoá được cái thân. Một ví dụ điển hình trong cuộc sống, mấy ai để ý mỗi khi ta tiếp xúc với mọi người, hầu hết trong chúng ta thường phạm vào giới nói dối. Ta cứ nghĩ rằng, nói dối cho vui, cho mọi người cười thoải mái, nhưng Đức Phật dạy khi ta nói dối, là đã tạo ra nghiệp rồi, ý đã mất đi sự thanh tịnh, nói thêm bớt, nói thêu dệt đâm thọc, nói thô ác. Hầu hết là cái miệng tạo ra nghiệp thật nhiều, từ đó mà mỗi người chúng ta luôn luôn bị cái năng lượng tiêu cực bất tịnh phong toả, tâm chẳng thể an, đi tới đâu với năng lượng bất tịnh đó nó ô nhiễm môi trường, làm cho người ở đó, địa phương ấy họ cũng cảm thấy sợ hãi, tránh xa.

Các bạn, một ví dụ rất cụ thể đối với Bảo Thành, tại chùa Long Bình, Sông Cầu Phú Yên, Bảo Thành ra đây bởi có hai người đệ tử của mình gửi gắm xuất gia tại đây. Từ xa mình về đây tới chùa ngay để thăm đệ tử của mình, để kính lễ các vị Sư Phụ ở đây đã mang tấm lòng Từ Bi biến thành hành động cụ thể giáo dưỡng, hướng dẫn cho đệ tử của mình, và đặc biệt lễ kính Chư Phật hiện tiền nơi ngôi Tam Bảo này. Hai người đệ tử từ trong Sài Gòn và từ Biên Hoà tới Phú yên – địa phương khác biệt, thổ nhưỡng khác biệt. Trong những ngày đầu tâm bất an, bởi hoàn cảnh sống khác biệt, đặc biệt hơn phải xa nhà, xa cha mẹ, xa những người thương yêu. Và phải ngừng những thói quen mà mấy mươi năm đã quá thuần thục rồi, bước vào một đời sống trang nghiêm, đạo hạnh, oai nghi của cửa Phật. Bước vào đời sống Tăng thân tập thể với tinh thần lục hòa, hỷ xả, cần phải thực tập nhiều mới có thể tạo ra năng lượng dung thông với các bậc Sư Phụ, với quý Sư Cô và các Chú Tiểu ở đây, cũng như Phật tử tại địa phương này. Thuở đầu ấy, hai người đệ tử thật bối rối, tâm bất an, thấy cái gì cũng lo lắng, lo lắng từ những sự hành xử hàng ngày, ăn uống ngủ nghỉ, rồi làm việc ở trong chùa; cộng thêm ngôn ngữ địa phương Phú Yên, phải lắng tai nghe dữ lắm mới hiểu, cho nên tâm bất an, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bảo Thành sách tấn thật nhiều, và cũng gửi gắm cho hai vị Sư Phụ ở đây, ứng dụng thật nhiều những phương pháp và mang phương tiện diệu dụng để sách tấn hai người đệ tử. Nay thấy tương đối an, ánh mắt đã sáng, khuôn mặt cũng sáng, tướng đi đã bắt đầu thấy oai nghi, hiện tướng của người xuất gia rồi. Đó cũng là nhờ công phu tu tập và sự giáo dưỡng của các vị Sư Phụ một cách tỉ mỉ để luyện tâm. nơi Thiền Môn, nơi Phật môn luôn luôn đào tạo cho chúng ta một cách ứng dụng lời Phật thật kỹ lưỡng để làm chủ cái ý của mình. Từ khi cái ý làm chủ, hiểu thấu và ý thức được phải buông bỏ những việc ác, sự buông bỏ đó được thể hiện qua sự tu tập trong những tương tập hàng ngày của sự va chạm bất như ý và ứng dụng như lời Phật dạy để rồi buông. Hai người đệ tử đó nay tiến bộ nhiều, Bảo Thành ra đây thấy như vậy trong lòng rất hân hoan. Hai vị Sư Phụ ở đây cũng hướng dẫn cho hai người đệ tử của mình bằng quyền uy và bằng trái tim bao dung và tha thứ. Đúng như vậy, chỉ có tình yêu thương, chỉ có lòng từ bi và bao dung, tha thứ những sự khác biệt đều từ từ sẽ tìm đúng chỗ và vị trí để thuận buồm xuôi gió. Và từ đó tâm sẽ có được sự an lạc, và nhìn nơi đâu cũng thấy an.

Các bạn, Từ Bi và tình thương rất quan trọng để làm cho tâm an, làm cho ý được thanh tịnh và nhận thức rõ những pháp ác mà buông. Và nhìn thấu được những pháp thiện để miên mật thực hành thường xuyên trong cuộc đời. Trên chuyến máy bay ra đây, có một người đệ tử bé, mới tròn hai mươi tháng cũng đi theo. Trên chuyến bay hình như niềm hân hoan được khai khẩu, miệng nói luyên thuyên, chữ gì mình nói cũng lặp lại. Hình như ngày đó là ngày bé bắt đầu học nói thật nhiều. Bảo Thành để ý tại sao bé ấy lại tự tin, vì bé ấy rất thân thiện, Bảo Thành thương, gần gũi, bé đó có niệm tự tin. Rồi cộng thêm không phải chỉ một mình đi, mà bé còn được kèm bởi hai người rất đặc biệt, đó là bà nội và dì hai. Một cậu bé hai mươi tháng tuổi mà được tình thương của bà nội và dì hai chăm sóc, cùng với ông thầy là Bảo Thành gần gũi nữa, cộng lại là ba người. Tới chùa, bé chạy khắp nơi, quý Sư Phụ, quý Sư Cô và các Chú Tiểu ở đây cũng thương lắm. Và hình như mới qua ngày thứ hai bé nói đã thật nhiều, ngôi chùa hình như đã trở thành ngôi nhà của bé, tự tại thong dong, lúc nào cũng cười và bình an. Nhìn vào đó, Bảo Thành thấy sự an lạc, cái tâm an của mỗi người nó tới từ tình thương và sự bao dung qua sự quan tâm, chăm sóc rất cụ thể là người trong cuộc sống. Dì hai thương, mớm cơm chăm sóc, bà nội thương cũng chăm sóc mớm cơm, Bảo Thành cũng thương, đến ba người. Ba người đó các bạn!

Trong Mật Thiền song tu ta có tới ba câu Mật ngôn đang tu. Mỗi người chúng ta ý căn như một đứa trẻ thơ rất đẹp. Tuy nhiên, nếu không có đến ba người chăm sóc thì trẻ thơ sẽ bị bơ vơ, lạc đường, dễ lầm lỗi. Chúng ta – mỗi người hiện thời có đến ba vị chăm sóc cho chúng ta. Vị thứ nhất chính là Đức mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, vì sao? Vì qua Mật ngôn Mu A Mu Sa – Mật ngôn quán chiếu tâm đại Từ đại Bi, năng lượng siêu thế, Mật đế siêu việt từ mẹ hiền Quan Âm sẽ hiện tiền trong cuộc sống và ta bên đời có mẹ quan tâm. Đó là vị thứ nhất cận kề. Vị thứ hai, chính là Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni qua Mật ngôn NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang – quán tâm Trí Tuệ. Có Đức Phật hiển lộ giữa tâm trí soi sáng dẫn đường, để ta nhận thấu được các pháp vô thường, khổ, vô ngã. Và như vậy ta lại có thêm sự tỉnh giác của Ma Sa Ốp Uê, tức là Tam thiên Đại thiên thế giới của Chư Phật hiện tiền, chư bậc giác ngộ luôn luôn là những bậc tỉnh giác gần gũi. Từ Bi – Trí Tuệ và Tỉnh Giác là ba, luôn luôn gần gũi với chúng ta qua hơi thở của chánh niệm quán chiếu. Ta lấy Từ Bi lan tỏa khắp mọi nơi, lấy Trí Tuệ để chinh phục miền đất tâm tăm tối, và đánh thức bản thể tự tánh Phật của nơi ta. Qua hơi thở vào ra đó ta quán chiếu, ta sẽ đón nhận được năng lượng của Phật và tâm tất yếu sẽ có sự an lạc. Tâm ta sẽ an! Với tâm an qua Mật thiền với sự công phu tu tập mỗi ngày, với hơi thở thật nhẹ nhàng, chúng ta đi tới đâu thì nơi đó ta cũng thấy được sự bình an. Tâm an nhìn đâu cũng thấy an.

Bảo Thành đã thực tập pháp môn này lâu lắm rồi, tâm Bảo Thành rất an! Khi ra tới chùa Long Bình đây, chính cái tâm an đó Bảo Thành có được, nhìn thấy các vị Sư Phụ luôn luôn nhận ra tâm của các vị Sư Phụ cũng rất an. Nhìn thấy quý Sư Cô, Chú Tiểu cũng thấy họ rất an, nhìn thấy Phật tử ở nơi đây rất an. Có một số Phật tử tới khi Bảo Thành tiếp chuyện, ngôn ngữ địa phương Phú Yên, Bảo Thành lần đầu nghe, lắng tai nghe thật khó hiểu. Nhưng trong lòng rất an, Bảo Thành hỏi lại thật là nhiều lần, Phật tử ở đây cũng hoan hỷ cười và nói lại để Bảo Thành hiểu. Có một cô Phật tử tới chùa, tâm Bảo Thành an quá, nhìn thấy khuôn mặt của cô thấy cô cũng an lạc, nói vài câu biết cô biết đúc bánh xèo thật ngon. Hồi chiều này cô đổ bánh xèo, Bảo Thành đi ra đó, cô đúc thật là nhiều bánh xèo kiểu Phú Yên nhỏ nhỏ bằng bàn tay, ăn với bánh tráng của Phú Yên thật no. Đúng là tâm an nhìn đâu cũng thấy an, và khi nhìn đâu cũng thấy an ta sẽ gần gũi được với tất cả những người địa phương ta lui tới với họ. Và dĩ nhiên, trong những buổi giao tiếp với cái tâm an và nơi sự an lạc của họ, chúng ta sẽ được ưu đãi bằng sự yêu thương chân thật và luôn luôn sẵn sàng trao cho nhau những gì cao quý nhất. Đấy, Bảo Thành mới ra một ngày thôi, đã được đổ bánh xèo, đã được đúc bánh xèo (người địa phương ở đây gọi là đúc bánh xèo), ngon lắm! Cái ngon ta hưởng được chính là bởi vì tâm an.

Mật Thiền song tu là một pháp thực tập, rất cụ thể không mơ hồ. Miên mật mỗi một ngày, giữ cho tâm của chúng ta luôn luôn ở trạng thái tỉnh thức nhận rõ được các ác pháp, và luôn luôn hoan hỷ bởi năng lượng Từ Bi của Phật luôn tới với chúng ta.

Các bạn, trên con đường học đạo chúng ta cần phải thực tập, chúng ta cần phải tu. Chúng ta cần phải công phu và rất cần các bạn đồng tu cùng với nhau hiệp lực trên con đường học hỏi. Và luôn luôn phải hoan hỷ, tiếp cận gần gũi với các bậc thiện tri thức. Bởi các đấng đó luôn luôn có sự an lạc nơi tâm. Khi thực hiện Mật Thiền song tu và tiếp cận với các bậc thiện tri thức, tâm ý của chúng ta sẽ thanh tịnh. Và với ý thanh tịnh như thế, mọi lời nói, mọi hành động ta sẽ tạo ra sự an lạc cho chính mình như hình liền với bóng không rời xa. Tư lương đi vào cuộc đời, nếu là an lạc bất cứ chốn nào, nơi đâu bạn đến bạn đi, đều hưởng được sự an lạc, và nơi đó cũng thấy sự bình an tràn đầy. Biết bao nhiêu những âu lo trong cuộc đời, chúng ta rất cần sự bình an, rất cần! Sự bình an không ở trên trời rơi xuống, chẳng phải của một đấng nào ban cho, mà có được nơi sự thực tập. “Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động an lạc kéo theo sau, như hình liền với bóng”.  Để có sự lạc, ta chú, ta nương vào chánh niệm của hơi thở, và qua sự quán chiếu của Mật ngôn Từ Bi – Tri Tuệ – Tỉnh Giác, một pháp tu rất cụ thể, thực hành mỗi một ngày tâm ta dần dần sẽ an. Bạn mong muốn sự bình an nơi người nào đó đưa đến bạn, bạn không bao giờ có.

Có một câu chuyện thời Đức Phật, có một vị tu, vị ấy tu nhiều lắm mà tâm bất an. Cũng như hai người đệ tử của Bảo Thành tới chùa này thuở đầu tâm bất an dữ lắm. Và rồi vị thời xưa trong chuyện Phật cũng muốn hoàn tục, tức là cởi y áo để trở về đời thường. Hai người đệ tử của Bảo Thành cũng đi tới đỉnh điểm là muốn trở về nhà đó các bạn. Nhưng khi vị kia – thời Phật đến hỏi Phật, làm sao con có thể được an đây? Con tưởng tới đời sống xuất gia là an, nhưng mà vô đó con thấy mệt quá, bất an. Phật mới nói với ông ta rằng, không cần phải làm gì, chỉ làm được một việc thôi thì muôn sự sẽ đâu vào đó, một việc duy nhất ông có làm được không? Tưởng việc nhiều, nhiều việc chứ chỉ một việc thôi thì con dư sức. Hai người đệ tử của Bảo Thành ra đây thấy cũng nhiều việc, cũng sợ, cho nên muốn bỏ cuộc. Người đệ tử kia khi hỏi Phật như vậy, và Phật nói chỉ cần làm một việc thôi, làm được không? Ông ta nói: “được”. Và hỏi Phật việc gì Phật nói, việc đó duy nhất là làm chủ cái ý của mình. Làm chủ cái ý của mình nếu mà làm chủ được cái ý rồi, vạn sự không cần làm nó cũng đâu vào đó. Dĩ nhiên, lời khuyên của Bảo Thành cũng dạy trên sự dạy dỗ của Phật khi nói với hai đệ tử của mình, chỉ cần với ý thanh tịnh thì biết bao nhiêu những chuyện lung tung loạn xà ngầu kia sẽ yên ấm. Và để ý thanh tịnh, chúng ta luôn luôn phải công phu, quán chiếu, phải chánh niệm trong đời sống, từng bước chân ta phải chánh niệm, từng lời nói, từng suy nghĩ phải chánh niệm. Hơi thở chánh niệm là phương tiện vi diệu, quán chiếu qua Mật ngôn Từ Bi Mu A Mu Sa, Mật ngôn Trí Tuệ NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang, Mật ngôn Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê, sẽ tăng cường độ thanh tịnh nơi tâm thật nhanh, ta sẽ tiếp cận và gắn kết được với Phật. Hai người đệ tử của Bảo Thành nay hoan hỷ nhiều, đã bắt đầu gắn kết với các vị Sư Phụ, Sư Cô, Chú Tiểu ở đây và với những Phật tử địa phương nơi Phú Yên. Họ đã bắt đầu nếm được hương vị của an bình, của hoan hỷ và gánh vác các trách nhiệm là một người đệ tử làm những việc cần phải làm ở trong chùa. Và tu những chuyện cần phải tu, học những chuyện cần phải học, nỗ lực không sợ hãi. Tại sao làm được? Bởi theo lời Đức Phật dạy, họ phải ý thức giá trị của đời sống, sự ưu việt của giáo lý Phật dạy là sẽ được tâm an, bằng những hành động cụ thể qua công phu sớm chiều. Hai người đệ tử của Bảo Thành đã biết tụng kinh, âm thanh trong trẻo, tinh tấn trong các thời khoá, thấy oai nghi rồi. Bảo Thành rất là vui!

Các bạn, nếu các bạn dấn thân, dù là Cư sĩ, Phật tử tại gia, chỉ cần tu tập những cái pháp đơn giản, và chỉ cần làm được một thứ là gì? Là hít vào thở ra trong chánh niệm. Chỉ cần làm được một thứ là gì? Là trong chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi, thắp sáng đuốc tuệ của mình để có một đời sống tỉnh giác, thì nhất định tâm bạn sẽ an. Và khi tâm an nhìn đâu cũng thấy an, gia đình sẽ hạnh phúc.

Các bạn, xin hãy trở về hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con thường xuyên tu tập miên mật chẳng bỏ cuộc trong chánh niệm hơi thở của mình. Để thành tựu được tâm an lạc ngay trong cuộc sống này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì Mật ngôn đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 biến)

Hồi hướng:

Thưa Phật, nếu con cùng với các bạn đồng tu một chút phước nào nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn