Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Giờ tu đã tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con để chúng con biết tự lực tinh tấn đứng dậy, miên mật tu tập Mật thiền Chánh niệm hơi thở để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện chư Phật gia trì và tiếp dẫn chư vị hương linh Cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Và đồng nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho Thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy ngồi xuống với tư thế phù hợp với thân thể, trở về với hơi thở của Chánh niệm, nhớ lời Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Trong Mật Thiền, quán chiếu mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi; quán chiếu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, Vô Thường, Khổ, Vô Ngã; quán mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán là pháp phương tiện vi diệu cho những ai có nhân duyên đồng hành trong Chánh niệm hơi thở nhìn rõ bản thể của chính mình.
Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho mọi loài chúng sanh.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến! Trong Mật thiền, chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi và năng lượng Từ Bi của chư Phật, chư Bồ Tát sẽ ban rải xuống cho chúng ta. Trong cuộc đời này, các đấng giác ngộ, phàm phu và mọi chúng sanh luôn luôn rải tới cho nhau nguồn năng lượng yêu thương. Những ai biết đón nhận năng lượng Từ Bi của chư Phật, chư Bồ Tát hẳn là đời sống sẽ có nhiều cơ hội để nhìn thấu kiếp người và chữa lành những sự đau đớn, những vết thương. Không những thế, năng lượng của tình thương qua mật ngôn Mu A Mu Sa còn giúp cho chúng ta tiếp được cái nguồn nhiên liệu để thắp sáng Trí Tuệ, nhìn rõ vào bản thể của quy luật Nhân quả, thấu rõ được các pháp Vô Thường sanh diệt, và hiểu được cái nguyên nhân tạo ra Khổ và chuyển đi cái sự cống cao ngã mạn, phá đi cái Ngã tướng, chủ ngã. Qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Trí Tuệ thắp sáng luôn là những điều rất cần trong Mật thiền và trong sự tu chứng của mọi người. Bởi nếu Trí Tuệ không được thắp sáng, quán chiếu các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, chúng ta thường bám víu dần vào những cái sự mạnh ở bên ngoài, và từ đó chúng ta trở thành mê tín dị đoan. Nếu không có Trí Tuệ, ta thường rơi vào trạng thái đó. Đồng hành với Từ Bi, Trí Tuệ, thì chúng ta thấy ngay, ai có Trí Tuệ và năng lượng Từ Bi được lan tỏa từ tự thân và đón nhận được từ chư Phật, người ấy sẽ có cái nhìn rõ. Và ai nhìn được rõ, được thấu thì thẩm nhập vào được cái tâm Tỉnh Giác, người đó có thể được gọi là sống một đời tỉnh thức. Chữ “Tỉnh thức” đó được gọi gọn hơn là “Chánh niệm tỉnh thức” hay “Chánh niệm tỉnh giác”. Đối với Mật Thiền, hiện tại ta đang tu là tu Từ Bi, Trí Tuệ, Chánh tâm của chúng ta. Tu đúng với cái Chánh tâm, Chánh tâm đó giúp cho chúng ta Tỉnh Giác trong Chánh niệm. Cho nên gọi là Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác Chánh niệm.
Đồng tu mang lại lợi lạc vô cùng, bởi chúng ta không rời rạc lìa xa nhau nơi cái tâm. Vẫn biết hiện thời ngay lúc này, các bạn có thể ở những phương xa, ở tư gia, hay một góc nhỏ linh thiêng nơi được gọi là “Bàn thờ Phật” tại nhà, nơi cái góc linh thiêng đó và cũng như Bảo Thành ngồi tại Tổ đình chùa Xá Lợi, chúng ta, các bạn đồng tu gắn kết qua cái tâm chí thành, thành kính, chân thật hướng về Phật. Từ tâm điểm Trí Tuệ là Phật – Đức Bổn Sư, vị Bổn Tôn của chúng ta, chúng ta gặp gỡ nhau trong năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Con người rất yếu đuối, tạo nhiều nghiệp ác, nhưng chúng ta vẫn luôn luôn muốn vươn lên như loài sen. Biết bao nhiêu bùn lầy hôi thối trong cuộc đời và người ta ở bên ngoài vẫn thường ném vào cuộc đời, ta cứ trốn tránh thì ta sẽ mệt thôi, ta cứ than khổ thì ta cũng sẽ mệt. Đức Phật dạy Nhân quả: những điều xảy ra cho ta do sự tác động bởi nghiệp ác ta đã tạo liên quan đến mọi người, mọi chúng sinh nhiều đời để kiếp này. Nếu nghiệp nó trổ quả, quả thiện thì chính ta sẽ hưởng được từ phước báu tích lũy, mọi người, người dưng có thể mang tới cho ta những điều thiện lành an vui. Còn nếu nghiệp ác nó trổ thì đâu đó gặp được, họ thường tạo chướng ngại đau khổ. Nhận diện được điều đó thì khi người ta ném bùn, ném đất, sỉ vả, chê bai, chửi bới, làm dữ, sai khiến, đầy đọa, ta phải quán tưởng đến tâm Mu A Mu Sa, tâm Từ Bi lan tỏa và trân quý những cái điều đó bởi sen mọc lên nhờ bùn. Với cái Trí Tuệ quán được, nhận ra được, lấy tình thương để gội rửa sự hận thù, nghiệp ác ta tạo. Trong sự Tỉnh Giác, ta nhận ra vạn pháp đều Vô Thường tới lui, mang tâm yêu thương, mang Trí Tuệ soi dẫn, ta hấp thụ tất cả những sự rác rưởi bùn nhơ của người đang quăng vào ta để nương vào đó gieo cái mầm sen, chủng tử Bồ Đề trên công hạnh của người tu tại gia hoặc trên con đường xuất gia.
Không có một nơi nào trên thế gian này gọi là hoàn hảo để cho ta đi tới mà hưởng phước. Không có một nơi nào trên thế gian này mà ta tới không có chướng ngại. Cái phước ta có để chuyển hóa chướng ngại đều phải do ta lập lên, do những công hạnh thiện lành khởi từ tâm thiện. Những chướng ngại trổ quả, những bất hạnh, người lãnh nhận cái quả trổ, dù là tai họa, chướng ngại, phỉ báng, gièm pha, chê bai, đầy đọa, khinh bỉ, lừa gạt đều do ta. Và nếu gặt hái hoặc hưởng được những cái phước ngược lại cũng đều do ta. Phật đã chỉ cho ta thấy rõ khi Ngài giác ngộ. Chúng ta tu theo Phật để trở thành làm chủ cuộc đời của mình. Cho nên các bạn đồng tu thân mến, nếu ai đó đang gặp trăn trở đi tới một nơi nào gặp sự khó khăn, bạn dù có bỏ đi, có chạy trốn, thì bạn chẳng thể chạy trốn được những cái nhân bất thiện bạn đã tạo ra. Cho nên, dù ở nơi đây hay ở bất cứ nơi nào bạn đi, những cái nhân ác nay nó trổ quả, bạn đi tới đâu nó cũng trổ. Luật Đức Phật dạy: Dù trốn lên trên trời, chui vào trong hang động, rừng sâu núi thẳm, hoặc chui xuống bể sâu, hoặc lặn ra ngoài chợ… ở đâu cũng vậy, quả đã trổ thì chỗ nào nó cũng trổ. Nếu những cái nhân ác của bạn gây ra tạo sự phân rẽ, tạo ra sự hận thù, tạo cho người ta mỉa mai chê bai, tạo cho người ta ghét bỏ, đầy đọa bạn, coi thường bạn, hoặc lừa gạt bạn, gian dối với bạn, tước đoạt quyền tự do của bạn hoặc lấy đi tiền, tình, tài, danh vọng địa vị…, những cái quả đó đều do nhân bạn gieo ra. Bạn đi đằng Đông, nó cũng trổ. Bạn đi Đông, Tây, Nam, Bắc, trên trời, dưới đất, chỗ nào cũng không trốn được. Do vậy mà Đức Phật dạy và Bảo Thành cũng bằng lời Phật khuyên các bạn: “Đừng chạy trốn khi gặp nghịch cảnh.” Đừng chạy trốn. Không có nơi nào là chốn dung thân tốt đẹp nhất. Chỉ có một nơi duy nhất đó là nơi “Chánh niệm”, nơi cái tâm an trú bằng Chánh niệm, bằng Từ Bi, Trí Tuệ và bằng Tỉnh Giác.
Vì sao? Lấy Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, ta an trú trong Chánh niệm, mỗi một sát na, mỗi một giây phút, chúng ta đều tạo ra vô lượng phước báu trong cái Chánh định tịch tỉnh thinh lặng của tâm an lạc Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Và phước báu công hạnh đó sẽ chuyển hóa được dần dần những cái nhân ác nhiều đời ta đã tạo. Rồi thì bạn ở đâu cũng xuôi buồm thuận gió. Đã phát nguyện, gặp chướng ngại là gió, bạn cứ căng buồm mà đi. Các bạn, nếu bạn là những người phát nguyện tu xuất gia, gặp chướng ngại là sóng để bạn lướt sóng ngồi trên ván mà tới được mục đích. Đừng chạy trốn, đừng nghĩ quẩn để cho tâm tư của bạn rơi vào cái trạng thái bị những cảm xúc vui buồn lấn chiếm làm chủ bạn. Để rồi từ đó, biết bao nhiêu nghiệp ác, những cái năng lượng bất tịnh có cơ hội xen kẽ, tạo nên những cái tư tưởng không tốt, gây hại cho sức khỏe của bản thân và làm cho tinh thần dần dần bị suy sụp, không hay. Người đã học Phật trong tinh thần của Mật thiền phải có cái sức mạnh nương vào Tam Bảo, phải có cái tín tâm tuyệt đối tin vào Phật, Pháp, Tăng, pháp môn mình tu, giữ giới, hành thập thiện, luôn luôn phát triển tâm thiện lành, gạt bỏ những cái tâm ác, tâm sẽ thanh tịnh. Và người tu như vậy, người ấy luôn có sức mạnh của nội tâm để vượt qua tất cả. Chạy đâu cho thoát? Chi bằng nhìn thẳng vào tâm quán chiếu, quán thẳng vào phiền não, nhìn thẳng vào những chướng ngại, mang tâm yêu thương lan tỏa, gội rửa, mang Trí Tuệ thắp sáng, giữ tâm cho Tỉnh Thức, ta sẽ nhìn thấu.
Âu cũng là nghiệp của chúng ta. Chẳng phải đang nhiên họ đầy đọa, chê bai, gièm pha, chính vì ta đã tạo nghiệp. Nhìn như vậy là nhìn theo đúng Chánh Pháp. Và nếu nhìn theo cái góc độ tà pháp, ta luôn đổ thừa: Ở nơi đây khó, ở nơi đây đày đoạ ta, ở nơi đây không phù hợp. Nơi nào là nơi phù hợp? Không có nơi ấy. Phật dạy: “Nơi phù hợp nhất là hãy luôn luôn Tỉnh Giác trong Chánh niệm”. Mọi thời, mọi lúc, đi đâu, chỗ nào, khung trời nào, phương trời nào, khung thời gian không gian nào, ở chỗ nào, bạn cũng luôn an nhiên và tự tại. Ta tu là nơi tâm và thân. Thân của ta là ngôi chùa vô giá. Tâm của ta là ánh sáng Trí Tuệ của Từ Bi, Tỉnh Giác. Hãy trở về quán chiếu thân tâm trong Mật thiền mỗi một giây phút, ta sẽ dần dần có sự chứng đắc và gạn lọc được mọi đau khổ để lìa xa cái sự dựa dẫm vào sức mạnh của Thần, của Thánh, của Tiên.
Như chủ đề nói: “Phàm Nhân Thờ Thánh”, chúng ta không nói tới Thánh, Thần, Tiên là những vị có cái quyền năng để ta cầu mà họ ban cho ta. Những tư tưởng đó theo Phật là sai bởi đoạn đầu Bảo Thành đã nói: đều theo Nhân quả, không ai ban cho ta, không ai giáng họa cho ta, không ai trừng phạt ta. Những điều xảy ra cho ta đều là do nghiệp của ta mà thôi. Nhưng chữ “Thánh” ở đây đi nói tới một cái nghĩa cử thật đẹp, thật tốt, thật đạo đức, thật thanh cao. Từ ngàn xưa, từ ngàn ngàn năm xưa, tổ tiên của nhân loại đã biết thờ Thần, thờ Thánh, thờ Tiên, chư Thiên dưới cái ý nghĩa rằng: Những bậc đó là những bậc đức hạnh, những vị cổ đức luôn dạy cho chúng ta những điều tốt đẹp để tồn sinh trong cõi trần mà không gặp nguy hiểm tai họa. Người Việt Nam từ cổ xưa vẫn có một cái tôn giáo gọi là thờ ông bà, hay nói cho văn hoa hơn gọi là “Đạo gia tiên”. Bởi từ cái câu chuyện: “Con Rồng cháu Tiên” mà chúng ta thường thờ gia tiên. Hay có lẽ đây là một cái tôn giáo rất nhân văn của người Việt Nam luôn nhớ về cội nguồn, gắn kết với tổ tiên ông bà chẳng phải bằng xương, bằng thịt, bằng thân xác, vì tổ tiên ông bà đã ra đi rồi. Nhưng gắn kết qua cái bàn thờ gia tiên cúng kiếng, quy ngưỡng tâm mình về và gắn kết với phần tâm linh, gắn kết với phần đạo đức với cái đức hạnh với những điều đẹp đẽ nhất mà Cửu huyền thất tổ, gia tiên ông bà nhiều đời, nhiều kiếp như mạng mạch, như nguồn suối an lạc dẫn dắt ta vào trong đời.
Thờ gia tiên là thờ cái đức hạnh, cái đạo đức của người xưa. Thờ ông bà cũng như thế. Mỗi một gia đình đều có, mỗi một thôn làng đều có, mỗi một dân tộc, mỗi một quốc gia, mỗi một chủng tộc đều có cách riêng biệt thờ Thần, thờ Thánh, thờ Thiên, thờ trời. Khi tất cả các tôn giáo chưa được hệ thống hóa một cách tinh vi phù hợp theo triết học tôn giáo, thì ngõ hầu để nương vào khi yếu đuối, để có chỗ dựa cho tâm linh, loài người nói chung luôn luôn nương vào Thần thánh. Chúng ta thờ Thánh? Có! Trong Thiên chúa giáo thờ Đức Chúa trời có Thánh là Thánh thần, và sau này có các vị Thánh được hội Thánh họ phong dựa trên nền tảng đạo đức của những vị đó khi còn sống đã hy sinh vì đạo, đã cống hiến cả cuộc đời, mang tất cả xương máu của mình, trí tuệ của mình dâng hiến, phụng sự cho tha nhân. Những đạo đức tốt đẹp, những điều những vị đó đã làm tốt đẹp và để lại những cái năng lượng vi diệu có thể chữa lành bệnh, hoặc mang lại sự bình an cho ai đó khi hòa nhập vào với năng lượng của các thánh thì những vị đó dần dần được chứng Thánh và phong Thánh. Có những câu chuyện nói về “phong Thần”. Rõ hơn ở trong chế độ phong kiến, các vị vua thường phong các vị Thần, “Thần Hoàng”. Việt Nam chúng ta, trên Thế giới cũng vậy, nương vào sức mạnh để tồn sinh là chuyện rất bình thường và là dĩ nhiên thôi. Khi ta chưa nhìn thấu, nương vào đó cũng là một nền tảng vững chắc để ta quy ngưỡng tâm mình về để hướng thiện, diệt ác.
Việt Nam là một vùng lúa nước thời xa xưa gọi là lâu lắm rồi, thời xưa khi dân tộc hình thành cái quốc tổ gọi là Việt, sống theo làng mạc đùm bọc, nâng đỡ nhau, thường có những vị Thánh, vị Thần ta thờ. Rồi các vua chúa nhiều đời thấy các vị anh hùng liệt quốc, những vị đã hy sinh nên phong thành “Thần Hoàng”. Bởi khi sống những vị đó đã bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước, bảo vệ thôn làng, khi mất đi, vua phong cho chức làm “Thần Hoàng” như một vị thần trấn giữ vùng đó. Đó là cách nhìn của người xưa. Và đúng, những vị đó vẫn còn để lại cái năng lượng thanh tịnh để hộ mệnh, để bảo vệ cho những ai có sự gắn kết, có sự gắn kết mật thiết qua nhân duyên kết nối được. Điều đó có. Phật giáo đi vào thời ly lâu của người Việt. Biết bao nhiêu những nhà sư phương xa đã tới nước Việt để dạy, hòa mình vào những cái tín ngưỡng dân gian. Thí dụ như ở ngoài Bắc có đạo Tứ pháp: thờ Pháp Vũ, pháp Vân, Pháp Lôi, pháp Điện để nói đến mây, mưa, sấm, chớp. Đó là hiện tượng thiên nhiên của vùng nước vùng lúa. Khi chưa hiểu thấu được điều gì xảy ra nghĩ như vậy, cái sức mạnh đó vẫn nằm ngoài tầm tay, con người quy ngưỡng về cái sức mạnh của tâm linh và đặt tên để rồi nương vào đó để khi hạn hán cầu mây, cầu mưa. Cầu mưa thì có sấm và chớp cho nên có Pháp Vân, Pháp Vũ rồi có Pháp Lôi, Pháp Điện. Đó là Tứ pháp. Nhưng người Việt Nam quý trọng những người mẹ cho nên Phật giáo khi đi vào đã mang cái hình hài của những vị thánh mẫu để trở thành những vị Phật bà của đất phương Bắc, rồi đất phương Nam, rồi miền Trung. Chúng ta mỗi một nơi đều có những phong tục thờ thần, thờ thánh dưới mọi dạng.
Dần dần Thiên chúa giáo, trước đó nữa là Khổng giáo, Lão giáo, rồi Thiên chúa giáo, Thần giáo, Thánh giáo, đến Phật giáo, hệ thống được một cái nền triết học tôn giáo đó đi vào Việt Nam hòa nhập vào tôn giáo bản địa và ngày nay chúng ta không khỏi gọi là “phàm nhân” mà bất cứ nơi nào cũng có thờ các vị thánh. Có một vị thánh mà người Việt chẳng phân biệt là tôn giáo nào, Thiên chúa hay Phật giáo, bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam đều tôn vinh vị đó là một vị thánh đó là Đức Thánh Trần. Bởi vì Ngài Hưng Đạo Vương – Đức Thánh Trần, ngài đã hy sinh vì nước quên đi thù nhà. Cho nên, gương của ngài được tôn thờ gọi là Đức Thánh Trần. Cái dũng khí, cái đạo đức, cái sự anh minh tuấn kiệt của ngài, cái sự trung kiên, nghĩa khí của ngài làm gương cho hậu thế, cho con cháu noi để học. Chúng ta thờ Thánh, đúng nghĩa hơn là tôn thờ đức hạnh những tấm gương của những vị đó đã hy sinh, thời còn sống khi sinh tiền đã mang toàn bộ cái đức hạnh dũng khí đó bảo vệ quê hương quốc độ, bảo vệ gia đình, làng xóm. Cho nên đối với Bảo Thành, các vị thánh đều là những vị đức hạnh, những vị có nền đạo đức, có cái tâm cần phải được phục và kính ngưỡng. Thờ Thánh thờ theo ý nghĩa đó là một cách thờ cao cả, thờ các vị anh hùng. Thờ Thánh không phải là tôn thờ để các vị đó ban phước, mà thờ là ghi nhớ công ơn, tưởng nhớ đến cái đức hạnh của những vị đó ta noi theo ta học. Còn trên nền tảng của Phật pháp, chúng ta vẫn luôn luôn tôn kính các vị ấy bởi Đức Phật nói: “Ta là Phật, tất cả mọi chúng sanh là Phật sẽ thành”. Ta lại nghe theo Ngài Phổ Hiền: Điều thứ nhất là: “Lễ kính chư Phật”, lễ kính tất cả các chư Phật hiện tiền, quá khứ, vị lai. Cho nên các vị thánh là các vị đã chứng đắc ở những cái phẩm hạnh đạo đức nào đó, thì nhất định một lúc nào đó cũng sẽ thành Phật. Ta kính ngưỡng các Ngài, ta tôn thờ cái đạo đức của các Ngài là đúng, rất đúng, rất nhân văn, rất nhân bản, rất tốt đẹp.
Cây có cội nước có nguồn, nhớ về cội nguồn tổ tiên ông bà, thánh nhân, những vị đã hy sinh để lại nền đạo đức và đã cống hiến tất cả cho chúng ta có được những gì như ngày hôm nay. Thờ các Ngài theo tinh thần là thờ cái đức hạnh, nhớ và noi theo thì cách thờ đó là đúng. Nhưng cái thờ các Ngài mà biến các Ngài thành những vị có thể ban bố, cứu rỗi ta thì cách thờ đó là sai trên tinh thần của nhà Phật. Tuy nhiên, trên con đường học đạo, hình thành được cái trí tuệ, chúng ta vẫn phải bước qua những cái giai đoạn mà vẫn tôn thờ các Ngài như những vị thần thánh có quyền năng ban bố cho ta. Để rồi, ta tạo phước từ từ, tạo phước từ từ và có được nhân duyên gặp được Phật, Pháp, Tăng, ta tu, hiểu thấu được luật Nhân quả Đức Phật dạy. Và từ đó, ta càng kính ngưỡng các vị Thần thánh đó theo ý nghĩa hiểu thông bằng trí tuệ rằng: Các Ngài có đức hạnh, ta thờ các Ngài là ta noi theo gương đức hạnh của các Ngài. Cũng như ta thờ Phật, ta noi theo đức hạnh của Phật, chân lý của Phật dạy để ta thoát khổ. Phật cũng chẳng ban, chẳng trừng phạt thì các vị Thánh cũng chẳng trừng phạt, chẳng ban. Đạo đức của các Ngài để lại cho ta học, chân lý của Phật truyền lại để khai thông trí tuệ. Cũng là sự học nhưng học chân lý của Phật ta hiểu thấu để cởi trói, để cởi bỏ, để lìa xa những cái tâm trạng khi chưa có trí tuệ mà ta bị rơi vào mê tín dị đoan. Ta thanh tịnh hóa thân tâm và ta có một cái nhìn đúng đắn hơn trong sự thờ phượng các vị Thánh, vị Thần như Bảo Thành đã nói.
Ta vẫn thờ Phật nhưng chẳng phải thờ Phật để Phật ban phước. Nhưng ta thờ Phật là thờ với giáo lý, thờ cái đức hạnh của Ngài, và tới với Ngài để học. Ta thờ các vị Thánh theo tinh thần đó cũng đều tốt đẹp, bởi mỗi một vị Thánh, mỗi một vị Thần đều có cái gương đức hạnh. Cho nên trong Phật giáo, ngoài Đức Phật ta học ta thờ, ta còn thờ các chư vị Bồ Tát, các Chư Tổ. Bởi các chư Tổ, chư vị Bồ Tát đều có những cái đức hạnh có những cái phẩm hạnh cao quý mà người phàm chúng ta cần phải noi theo, cần phải học. Phàm nhân cần phải học. Thế nhưng, nếu những ai chưa hiểu thấu, thì phàm nhân đôi khi vỗ ngực xưng tên, điều mây khiển gió, sai khiến Phật trời, Thần thánh, chư Thiên làm việc phục dịch cho mình. Cho nên, coi mình như ông trời, coi như đấng cao nhất, ngồi xuống nhắm mắt lim dim sai khiến thần linh đủ mọi loại. Cái đó là cái mù loà của trí tuệ, mà ngày nay giới trẻ thường nói là “người không có não”, người thiếu não.
Ta phải tránh đi những cách nhìn như thế. Phải trở thành khiêm tốn và cần phải nghiên cứu học hỏi nhiều, để từ từ chuyển hóa. Đúng như Ngài Phổ Hiền dạy “Lễ kính các chư Phật”. Các vị Thánh cũng sẽ là Phật. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có Ngài Bồ Tát Thường Bất Khinh, Ngài đi đâu Ngài cũng nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, bởi các Ngài sẽ là Phật”. Bởi vì vị Bồ Tát này nhìn thấy mọi chúng sanh đều là Phật, không dám khinh ai cả. Ngày nay, có nhiều người khinh Phật, khinh Thần, khinh Thánh, khinh trời, khinh đất. Chỉ là con cóc thôi, kêu lên vài tiếng rồi lấy búa, lấy dao, lấy gậy, đập tượng phá những nơi tôn thờ. Coi như mình có quyền, muốn ra lệnh cho trời, cho Phật, cho Thiên, cho Thánh đi, đứng, ở, nằm, ngủ, cần thì gọi tới, không cần thì mời đi, đuổi đi, lệnh cho họ phải đi. Mình là ai? Là con cóc. Mình là ai? Là hạt sương mai. Là ai? Là hạt bụi vần quay. Chỉ là hạt bụi vần quay trong cái kiếp luân hồi sinh tử. Thế mà rống cho to, khiển trời khiển đất, ra lệnh cho trời đất, ra lệnh cho Phật, ra lệnh cho mọi người phải tuân thủ theo họ, bởi vì họ nghĩ, họ có quyền năng.
Chúng ta ngày nay phương tiện quá lớn. Chúng ta vẫn có thể tiếp cận được những phần mềm qua YouTube, qua những kênh Facebook và những cảnh xã hội thấy được những đoạn phim mà ai đó ở đất nước mình, ở trên thế giới, ở đâu đó… thật là cống cao ngã mạn. Đi tới đâu cũng muốn lệnh cho ông Phật, ông trời, ông Thần, ông Thánh, mang theo cái búa đập cho bể tan tất cả các tượng đó đi, rồi mang theo trái bom nổ cho cho nó banh xác từ cái miệng. Nổ mình là người này người kia. Sinh con thì gọi con mình là Thái tử. Có vợ thì gọi vợ như là vợ Ngọc hoàng thượng đế muốn làm gì cũng được. Đó là cái sự u mê. Nhà Phật gọi là “vọng tưởng”, “vọng thức”, đi đến “vọng động”, “vọng ngữ”. Bởi vì sao? Cái tâm chưa được làm chủ gọi là “vọng tâm”. Nói nôm na ở đời người ta gọi là điên, khùng, là bơ bơ. Nói theo võ thuật hay cái ngôn ngữ thông dụng người ta gọi là “Tẩu hỏa nhập ma”.
Các bạn đồng tu thân mến, phàm nhân thờ Thánh là thờ cái đạo đức của các vị, một thuở khi còn sinh thời đã hy sinh, đã cống hiến có đạo đức. Ta thờ là thờ cái đạo đức của các Ngài, ta tôn kính sự công hiến của các Ngài. Nhưng nhớ, theo Phật thì đừng bao giờ cưỡng cầu nơi các vị Thánh, các vị Thần đó ban bố phước lành. Nếu bạn còn tâm tưởng như vậy thì bạn thì bạn chưa thấu được Nhân quả. Bạn thực sự chưa đi vào cái Trí Tuệ của nhà Phật quán chiếu vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã nên bạn vẫn bám vào một cái trụ ngã, một trụ nhân ông, một đấng gọi là Thần thánh, trời để ban cho bạn. Vậy bạn sẽ luôn luôn gặp những chướng ngại.
Hãy nhớ Phật tới như một vị thầy. Ngài đã thông đường đi nước bước, giúp cho ta giải tỏa những u mê, thắp sáng được ánh sáng của trí tuệ, nhìn thấu và nhìn rõ để được hạnh phúc và bình an và thành Phật như Ngài. Hãy nhớ lấy điều này để chúng ta tu đúng pháp. “Phàm nhân thờ Thánh” là thờ đạo đức của các Ngài một thuở đã giúp thôn, giúp làng, giúp định hình, giúp đất nước xây dựng, có công lập quốc và có đức hạnh nên ta thờ. Thờ ở đây là kính ngưỡng những điều tốt đẹp của các Ngài và học theo đó để trở thành người hữu dụng cho xã hội.
Các bạn! Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Ngài đã dạy trong lục đạo luân hồi chúng sanh từ địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh – người – A tu la và chư Thiên, mỗi một cảnh trong luân hồi đều có phước báu khác nhau. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con biết đối xử với tất cả mọi chúng sanh trong vòng luân hồi được lập lên bởi những danh từ chế định một cách rất bình đẳng trong lòng tôn kính và khiêm tốn.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho nhau:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Thưa Phật! Công đức và phước báu nếu có được chút nào trong sự đồng tu hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.