Công Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.
Giờ đồng tu tới rồi, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền chánh niệm hơi thở, thắp sáng Trí Tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho chư vị hương linh Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Cho cha mẹ tại tiền, song thân phụ mẫu tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới được hòa bình chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống buông thư nhẹ nhàng. Mọi người cùng nhớ về lời Đức Phật dạy, luôn luôn lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong Thiền quán của Mật Thiền hơi thở chánh niệm, an trú tâm nơi đó, quán chiếu Mu A Mu Sa – tâm Từ Bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – tâm Trí Tuệ, Ma Sa Ốp Uê – tâm Tỉnh Giác. Từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán để nhìn thấu được các pháp hiển bày trong từng giây phút, từng khoảnh khắc của đời sống và đặc biệt gắn kết mật thiết với ba ngôi Tam Bảo, mạng mạch của sự giải thoát. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển. Hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Đức Phật còn lưu lại cho chúng ta thật nhiều các pháp môn phương tiện, để tùy vào căn cơ nghiệp thức của từng người, chúng ta lấy pháp phương tiện Phật dạy nương vào đó để thanh tịnh hóa thân tâm, tìm lại sức sống của kiếp người trong những thăng trầm đau khổ biến động của cuộc đời. Mỗi một ngày chúng ta tương tác thật nhiều với công việc, với con người, với môi trường, mọi tương tác, mọi hiện tượng đều có sự giao thoa năng lượng của đôi bên. Nếu như sự giao thoa năng lượng thanh tịnh tích cực, thẩm thấu vào được trong tâm hồn của mỗi người, ta sống hạnh phúc, bình an. Còn nếu như ngày ấy ta bị chiêu cảm bởi những năng lượng tiêu cực, bất tịnh, nó ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người, thân của chúng ta sẽ uể oải, tinh thần mù mờ, làm cho chán nản, khó chịu, bực bội, không thấy chút ánh sáng nào nơi gương mặt. Bởi vậy mà các bạn cùng với Bảo Thành trong kiếp người này có những lúc mặt tươi đẹp, hớn hở, hạnh phúc, có những lúc mặt buồn quá, nhăn nhó, khó chịu. Những người tinh tế họ nhận biết ra chúng ta vui hay buồn khi gặp mặt, và ta cũng có khả năng nhận ra được ai đó khi mình tiếp xúc họ vui hay họ buồn, tâm họ tịnh hay bất tịnh. Mọi thứ uống, thứ ăn, sự tương tác tiếp xúc trong sự sống đều có năng lượng tiếp ứng cho nhau và hình như xã hội hiện thời khoa học phát triển, các phương pháp dưỡng sinh, tu tập tâm cho thanh tịnh, thể dục thể thao, thiền định cho sức khỏe để an thần và làm cho không bị rơi vào trầm cảm hoặc hưng phấn. Lao động năng suất cao hơn đã được quan tâm thật nhiều, đặc biệt là về sức khỏe của tinh thần và thể chất. Từ đó mà chúng ta hình như chẳng còn tự cột chặt mình vào sự ràng buộc của những điều cài đặt qua các truyền thống, mà thật can đảm dùng trí tuệ suy nghĩ, tìm hiểu, nghiên cứu và chọn cho mình những thứ mình yêu thích, học hỏi nâng cao đời sống về mọi mặt.
Ngày xa xưa ở một lứa tuổi nào đó, luật của xã hội thời ấy không cho phép chúng ta học hỏi thêm. Bảo Thành nhớ học xong lớp 12, khi thi mà không vào được Đại học, Cao đẳng hoặc cấp lớp kế tiếp thì thôi rồi, một là đi lính hai là về quê làm ruộng, hoặc làm về nghề nghiệp chân tay mà thôi. Cũng có những vị lớn tuổi muốn học hỏi thêm ngại dữ lắm, phải lủi thủi ở trong thư phòng của mình mà học, không dám ra bên ngoài cho mọi người biết chúng ta đang học hỏi. Nhưng bây giờ hết rồi, người ta đã hiểu được giá trị nâng cao kiến thức ở đời qua các môn học, ở bất cứ một lứa tuổi nào cũng sẵn tâm, sẵn lòng để học hỏi, học bổ túc, học mở rộng, học để tăng trưởng kiến thức. Chẳng phải học có bằng cấp để treo lên trên tường, mà học để mở rộng tầm nhìn và mang kiến thức học rộng đó phục vụ cho đời sống của chính mình và mọi người. Do vậy mà các khóa đào tạo Đại học mở rộng, lứa tuổi nào cũng học được. Các ngành nghề cũng mở rộng cho chúng ta học, bởi công nghệ kỹ thuật khoa học phát triển quá nhanh, nếu chúng ta không học thêm rất khó có sự hiểu biết để vận hành những kỹ thuật khoa học mới. Các ngành nghề ở thế giới ngày nay mỗi một năm ngay cả bác sĩ, những nhà khoa học gia cũng vậy, cũng cần phải nghiên cứu, học hỏi thêm để cập nhật hóa những kiến thức mới. Do đó mà học thêm, học chuyên sâu, học rộng hơn là chuyện được mọi người yêu thích và sách tấn. Ở nước Mỹ có những cụ già về hưu rồi, 70 mấy tuổi vẫn cắp sách tới trường học và đôi khi có những người học, học hoài mà thôi, họ thích học. Và xã hội, nhà nước, luật pháp, gia đình luôn luôn tạo điều kiện cho những người hiếu học nghiên cứu, ngồi ở trong trường học, ghế nhà trường để mài dùi kinh sử.
Chữ như chủ đề “Tu Lại Từ Đầu”, không phải là một khái niệm tốt đâu. Bởi người ta ngày nay sẵn sàng học lại từ đầu những điều người ta chưa biết, dù họ là những người uyên thâm kiến thức về một môn nào đó. Các bạn, chúng ta ghi nhớ rằng chẳng ai ở trên đời biết tất cả, biết cũng chỉ ngành nghề kiến thức mình học thôi. Cho nên học lại từ đầu những môn chưa hiểu, chưa biết là điều rất cần, rất tốt. Tu lại từ đầu cũng như vậy. Thói thường các bạn biết không, khi chúng ta tu con đường giải thoát của Phật, nhân duyên của mỗi người Phật tử khác nhau, ta tiếp xúc được với Phật giáo từ truyền thống gia đình, hay từ một nhân duyên đặc biệt nào đó. Có Thầy hoặc không có Thầy, nghiên cứu kinh điển trên mạng, trên sách, thư viện hoặc các kinh sách ấn tống ngày nay thỉnh về ta nghiên cứu bởi ta có kiến thức, ta học được. Tuy nhiên khi nó hợp với ta, những điều ta đã đọc, đã học, đã biết, rồi khi nghe tới một pháp môn, một phương thức nào khác, phương tiện nào khác cũng khai thị cho chúng ta về chân lý để giải thoát, ta không có thích. Bởi không lẽ ta lại bỏ cái đã thuộc về ta, kiến thức của ta, trí tuệ của ta mang tiếng tu lại từ đầu hay sao. Do vậy khi nghe về pháp môn khác khi tiếp xúc với các bậc tôn túc, thiện tri thức hoặc bạn bè đồng tu, nếu chia sẻ về các pháp môn khác biệt đôi khi ta thấy nó phù hợp, nó hay, nhưng trong lòng vẫn không chấp nhận, bởi ái ngại rằng ta tu lại từ đầu. Đâu được, bỏ đi những bằng cấp, những vai vế, những kiến thức đã học hay sao? Và cứ như thế ta thủ chấp, gọi là chấp thủ đó các bạn, ta chấp vào kiến thức của mình, sự lý luận giải thích của mình, những giới luật của mình và cứ khư khư ôm lấy chẳng bao giờ trải lòng để tu học thêm cho mở rộng. Cho nên chữ tu lại từ đầu nó làm cho chúng ta cứ dừng chân tại chỗ và tăng trưởng bản ngã. Nếu như bạn gặp một ai đó nói rằng bạn phải tu lại từ đầu bạn không thích đâu, chướng ngại tới với mọi người từ chỗ bị mặc cảm bởi tu lại từ đầu. Đôi khi chúng ta là những bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, Phật tử tại gia, những người nghiên cứu Phật học cũng bị vướng mắc ở chỗ tu lại từ đầu. Cho nên cứ ngồi đó, ngồi trên đống kiến thức của mình và cảm thấy tốt rồi, đẹp rồi, hài lòng rồi, an phận với kiến thức đó. Đức Phật Ngài làm gương cho chúng ta, Ngài không bao giờ chấp nhận những điều gì đã học nếu như chưa đưa tới sự giải thoát. Tu lại từ đầu đối với Phật không là vấn đề, Ngài luôn luôn tu. Vậy nên Ngài đã tầm thầy, tầm sư học đạo và rồi vẫn tiếp tục học hỏi cho tới khi giác ngộ, thay đổi các thầy nhiều, phương pháp nhiều lắm.
Một trong những tấm gương nhìn lại các đệ tử của Phật để thấy rằng: tất cả các đại đệ tử của Phật đều là những đấng bậc luôn luôn sẵn tâm tu lại từ đầu để đạt đến sự giác ngộ, không bao giờ thủ chấp cái điều đã học. Các Ngài học cao, có giai cấp lớn, đôi khi là giáo chủ cả một tông phái, đứng đầu cả một giáo phái, nhưng vẫn sẵn tâm học lại từ đầu bởi tâm nguyện của các Ngài là giải thoát. Năm anh em Kiều Trần Như là đệ tử đầu tiên của Phật, họ cũng tu khổ hạnh cùng với Phật. Hồi xưa Đức Phật cũng tu với họ khi chưa giác ngộ là Thái tử, khi Phật giác ngộ tới khai thị cho người ta, anh em Kiều Trần Như cũng không có tin, cũng có đôi chút khinh thường bởi gần quá, quen quá mà, biết Thái tử mấy năm trời tu khổ hạnh. Nên khi đắc đạo thành Phật Ngài về giảng cho họ, họ còn e ngại thăm dò. Thông thường chúng ta hay bị mặc cảm của:
Gần chùa gọi Bụt bằng anh,
Buồn buồn mình quăng ông Bụt xuống sông mình dìm.
Nghĩa rằng người thân quen thật khó hướng dẫn cho nhau những điều mới mẻ. Nhưng Đức Phật với tâm từ bi, năng lượng thanh tịnh yêu thương, trí tuệ thắp sáng, khai thị cho năm anh em Kiều Trần Như và dĩ nhiên có sự chống kình đó, nhưng vẫn có hạt giống cầu đạo giác ngộ, nên khi thấm vào năm anh em Kiều Trần Như đã chứng đắc. Điều này chứng tỏ họ không ngại phải tu lại từ đầu, nếu như nhận thức ra sai và mình thấy một con đường mới tốt đẹp, sẵn sàng buông bỏ học lại, tu lại, vậy nên họ chứng đắc. Và cứ từ từ Đức Phật đã tiếp cận tới biết bao nhiêu đệ tử khác, toàn là những bậc đại đệ tử của Phật, nhưng trước đó họ không phải dạng vừa đâu.
Nếu các bạn nhìn rõ Ngài Ca Diếp, đại đệ tử của Phật, không phải dạng vừa nha các bạn. Ngài là một người lớn tuổi hơn Phật, trí tuệ, thông minh, học giỏi trong vòng Bà La Môn ở nước Ma Kiệt Đà. Thuở ấy nước Ma Kiệt Đà có sự giao thông mở rộng về văn hóa kiến thức và Ngài Ca Diếp học về Bà La Môn, cũng đã trưởng thành rồi, đứng đầu một tông phái thờ lửa và dưới trướng của Ngài có đến 500 đệ tử. Ngài có 500 đệ tử, Ngài học giỏi thông thạo pháp môn thờ lửa. Nếu các bạn như ông Ca Diếp làm trưởng tộc, làm trưởng môn, đứng đầu của một tông phái, dưới trướng có 500 đệ tử chắc chắn các bạn và Bảo Thành không bao giờ muốn bỏ, cái danh đó quá lớn, chức vị đó quá lớn, có tầm cỡ. Thế nhưng khi gặp Đức Phật, thật ra Đức Phật trẻ hơn mấy mươi tuổi so với ông Ca Diếp, thì ông Ca Diếp vẫn nhìn Đức Phật với một ánh mắt e ngại rằng “Người thanh niên trẻ này làm gì bằng ta, ta là giáo chủ của một tông phái, có đệ tử đông”. Chưa kể Ngài còn có hai người anh em, dưới trướng của hai người anh em đó cũng có đến 250 đệ tử đông lắm. Do vậy để giữ thể diện và chứng tỏ tài cao học rộng, trưởng môn nhân của tông phái thờ lửa thời ấy, Ngài Ca Diếp lúc đầu không chịu học của Phật, nhưng Đức Phật đã chủ động tới với ông, ở trọ nhà ông ta. Với tâm từ bi và trí tuệ Ngài đã từ từ thắp sáng dần dần và cảm hóa được ông Ca Diếp. Tuy là học rộng, có chức vụ cao quyền lực, trưởng môn của một tông phái lớn với nhiều đệ tử, nhưng khi nhận ra giá trị của một chân lý mới, một con đường mới mà Đức Phật trao truyền khai thị, Ngài Ca Diếp sẵn sàng phủ phục xuống xin Đức Phật nhận làm Thầy và sẵn sàng tu lại từ đầu. Một tấm gương tuyệt vời, Ngài lớn tuổi hơn Đức Phật, lớn hơn Đức Phật phải tới 20 tuổi, tuổi đạo về Bà La Môn lớn, có đệ tử. Nhưng Ngài chẳng ngại bị người ta miệt thị rằng lớn tuổi, học giỏi, trưởng môn nhân, nay lại từ bỏ theo một người trẻ hay sao? Chân lý ở chỗ này, khi thấy rõ con đường giải thoát, những bậc thánh, những bậc học rộng có kiến thức sẵn sàng từ bỏ và đón nhận để học lại từ đầu, để tu lại từ đầu. Và các bạn biết không, 500 đệ tử của ngài Ca Diếp cũng đã cạo đầu theo Ngài bởi nhận Phật làm Thầy, hai người anh em của Ngài Ca Diếp có 250 đệ tử cũng noi gương đó xuống tóc cạo đầu và nhận Phật làm Thầy. Để rôi các bạn ngày nay, nói đến Ngài Ca Diếp ta phải nhớ ơn Ngài, bởi Ngài đã thay mặt Đức Phật sau khi Đức Phật viên tịch, để kết tập kinh đầu tiên sau khi Đức Phật viên tịch được 20 năm. Nếu không có sự kết tập kinh đó thì ngày nay chúng ta chắc thiếu thốn kinh của nhà Phật và Ngài Ca Diếp cũng được Đức Phật trao truyền bông sen Liên Hoa Niêm Tiếu trong Thiền tông.
Các bạn có 500 đệ tử không? Hay các bạn đang ôm một số kiến thức mà cho rằng nó là tối u thượng thừa, để rồi không mở con mắt chấp trược nhìn những lời khai thị của Phật để đặt mình vào chỗ tu lại từ đầu. Thưa các bạn, ông Ca Diếp không tu lại từ đầu và chắc chắn các bạn sẽ không phải tu lại từ đầu, bởi những gì các bạn đã tu, các bạn đã học, không cần biết nó là thuộc tôn giáo nào, hệ phái nào, tông phái nào, tín ngưỡng nào. Chính nhờ những sự học đó mà bạn có cơ hội nhận ra những cái mới hợp lý. Vậy những điều bạn học là nền tảng để xây dựng kiến thức mới, nâng cao tầm cỡ cho sự hiểu biết trên con đường giải thoát. Những gì bạn đã học luôn luôn giúp cho bạn thông thạo hơn những cái mới, đừng mặc cảm phải tu lại từ đầu nghĩa là bỏ. Hãy hạnh phúc lên, tu lại từ đầu tức là ta nâng cấp những điều ta đã học. Bà La Môn giáo, trưởng phái của thờ Thần lửa, Ngài Ca Diếp đã theo Phật và dựa trên những kiến thức của mình đã học, nghe lời Phật dạy thẩm định lại và từ đó sàng lọc cho mình một pháp môn, một phương pháp, một con đường tốt đẹp hơn, hoàn hảo bản thân đưa đến sự giác ngộ. 500 đệ tử của Ngài, anh em của Ngài, đệ tử anh em của Ngài cũng như vậy.
Ta lại đi tới Ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên là hai người thanh niên trẻ cũng đứng đầu, nếu mà bằng cấp thì có thể gọi các Ngài đều là tiến sĩ Bà La Môn thời đó, học rộng lắm. Nhưng các Ngài không bao giờ ngừng nghỉ ở cái chỗ cho rằng kiến thức của mình uyên thâm không cần học, mà hai anh em đồng môn Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên luôn nhắc nhở nhau nếu huynh và đệ ai gặp được những bậc thầy cao hơn, học thì nhớ giới thiệu, cùng mời để hai người cùng học. Và đúng vậy một trong hai người họ đã gặp Phật và rồi mời nhau cùng tới để nhận Phật làm Thầy. Họ sẵn sàng tu lại từ đầu, họ chẳng ngại ngùng đâu. Vậy nên ngày nay ta tụng kinh thường có tên của ông Xá Lợi Phất và trong tháng này ta vẫn kỷ niệm ngày lễ Vu Lan, Ngài Mục Kiền Liên đó.
Điểm sơ qua thôi mỗi một đệ tử của Phật đều là những người có tiếng tăm, có chức vị, có chân đứng vững chãi trong xã hội thời ấy của Bà La Môn giáo. Nhưng sau khi Đức Phật tới, họ có kiến thức họ chẳng sợ hãi phải tu lại từ đầu, bởi họ biết họ chẳng tu lại từ đầu mà họ nâng cấp kiến thức của họ. Do vậy họ đi tới sự giác ngộ sau khi gặp Phật, sau khi nhận Phật làm Thầy và vào các lớp nâng cao trình độ kiến thức giải thoát. Bảo Thành và các bạn còn ngại ngùng gì nữa mà e ngại cụm từ tu lại từ đầu, không! Ở trên đời không có gì phải tu lại từ đầu, mà chúng ta phải nói rằng ta sẽ được nâng cao kiến thức dựa trên nền tảng mà ta đã hấp thụ được, học hỏi được, nghiên cứu được, thực hành được. Và đây chính là sự chính xác để cho các bạn và Bảo Thành phấn khởi hơn, hạnh phúc hơn rằng chúng ta nếu học thêm những điều gì đó thấy hay chính là đã noi gương Đức Phật, noi gương năm anh em Kiều Trần Như, noi gương Ngài Ca Diếp, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Phú Lâu La và tất cả các bậc đại đệ tử của chư Phật. Nếu nói tới ngày nay thì tất cả các bậc Tổ cũng đã từng có những kiến thức uyên thâm về các tôn giáo, lão giáo, khổng giáo, nho giáo, tiên giáo, thần giáo, thánh giáo, nhưng khi được học về Phật giáo, các bậc Tổ ấy cũng chẳng sợ chữ tu lại từ đầu mà vẫn mài dùi kinh sách, nghiên cứu và tăng trưởng, mở rộng. Nên các chư vị Tổ Sư, Minh Sư như mặt trời trí tuệ hiển lộ giữa không gian của vô minh đen tối, tâm thức của chúng ta, dẫn đường cho chúng ta. Bạn đừng để cho cụm từ tu lại từ đầu cột chặt mình vào góc tối của sự hạn hẹp kiến thức nha các bạn. Học, học, học mãi mà thôi, thế giới ngày nay mọi môn học đều đã mở rộng để cho những ai yêu chuộng sự học hỏi, sự tu tập, ở bất cứ một khung thời gian nào, không gian nào, xã hội nào, ý thức hệ kiến thức nào, chúng ta đều có cơ hội học để mở rộng kiến thức. Người học mở rộng kiến thức luôn luôn là người có tâm khiêm tốn và thực hiện được hạnh nhẫn nhục. Bảo Thành và các bạn quá e ngại trong sự học cứ bị chữ tu lại từ đầu ràng buộc, cột chặt. Thủ chấp những điều mình đã học, đã biết, thủ đắc những điều đó chẳng buông bỏ. Vậy nên đã trở thành một khối nặng như đá tròng vào cổ, chìm mãi trong mê thức của sự tự hào, kiến thức hạn hẹp nhỏ bé của mình chẳng có cơ hội mở rộng kiến thức, phá vỡ đi sự chướng ngại của tu lại từ đầu, mà đặt vào chỗ đó một ngôn từ hay hơn là mở rộng kiến thức thì ta dễ dàng lắm. Bạn đã sẵn sàng cùng với Bảo Thành mở rộng kiến thức chưa? Mở rộng là không bỏ một thứ gì hết, nhưng nghiên cứu mang tất cả những tinh hoa, tư duy, quán chiếu bằng chánh kiến, bằng trí tuệ nhìn thấu, gạn lọc và lấy phương tiện pháp môn nào đó phù hợp với căn cơ ta tu, để có được hạnh phúc an lạc trong đời thường nếu là Phật tử tại gia, và trong đời tu nếu là những vị xuất gia.
Một vòng ngao du trong cách nói này chúng ta chắc chắn chẳng còn ái ngại trong cụm từ tu lại từ đầu nửa. Bởi ta là những người đồng hành trên con đường giác ngộ cùng với Phật, với Bồ Tát, với chư vị Tổ để mở rộng kiến thức, gỡ bỏ, phá tan đi vô minh, tự do thong dong. Nhất định mỗi người chúng ta đã từng học được của các bậc Thầy, bậc Thầy lớn, của những bậc thiện giả, thiện tri thức, thức giả, nhưng khi tiếp cận với những phương tiện khác thấy hài hòa, dùng chánh kiến trong sự chánh tư duy, phối hợp hài hòa mở rộng kiến thức. Các bạn nhớ thời đại mới rồi là thời đại mà người ta hay dùng từ ngày nay là 4 chấm, 5 chấm gì đó, đừng chấm đầy ở trên đầu để cho mình là đẳng cấp cao rồi không chịu học. Những cái chấm ở trên đầu chỉ tạo cho tóc mọc dài, che khuất đi tầm kiến thức mới ta chưa hiểu. Những nét chấm phá trong cuộc đời đưa chúng ta tới ngưỡng cửa thênh thang tận hư không, mở rộng kiến thức uyên thâm hơn để có thể bước vào vùng đất tự tại, an nhiên trong từng giây phút khoảnh khắc của cuộc đời mang kiếp người mong manh nhỏ bé, ngắn ngủi này. Thời gian trôi qua sẽ không bao giờ dừng lại, kiến thức vô tận luôn luôn phải học. Pháp môn vô tận chúng ta phải thề nguyện học, Phật đạo vô thượng thề nguyện thành. Pháp môn thì nhiều lắm ta phải học, Phật đạo thì vô thượng phải thành tựu. Vậy tại sao chúng ta cứ chê bai, dèm pha, chà đạp những pháp môn khác. Mỗi người chúng ta có một nhân duyên khác biệt để cầu pháp, thọ pháp, học pháp, hành pháp, đắc pháp phương tiện phù hợp. Hãy hoan hỷ đón nhận và hãy luôn luôn noi gương của Phật, của các đại đệ tử chư Phật thời xưa, các bậc Tổ, sẵn lòng tu lại từ đầu để mở rộng kiến thức, ngõ hậu đưa đến sự giải thoát toàn diện. Đây là một ý tưởng tuyệt vời phù hợp mà ngàn năm xưa Phật đã ứng dụng, các chư Tổ đã ứng dụng. Ngàn năm sau phận con cháu như chúng ta không thể bỏ qua, phải học thôi. Chủ đề tu lại từ đầu là một sự nhắc nhở tinh tế cho tất cả quý Phật tử tại gia, đừng có đấu pháp, đừng mang pháp của nhà Phật ra đấu trường tranh chấp, miệt thị, chê bai, dèm pha. Đừng mang các giáo phái, các tông phái, các tôn giáo lên đấu đài để so găng hơn thua, đừng! Chiến thắng gây hận thù, thất bại gây khổ đau, ở ngoài vòng thắng bại các bạn sẽ được an vui. Học là mở rộng kiến thức chẳng phải tu lại từ đầu, chẳng cần phải tranh đấu, trải lòng mở tâm, lùi một bước trời cao đất rộng, học thêm một chút mở rộng kiến thức ta sẽ uyên thâm hơn nhiều lắm.
Các bạn ơi! Xin hãy trở về với hơi thở của Chánh Niệm.
Thưa Phật! Chúng con đã hiểu và sẵn lòng noi gương Phật và các bậc Thầy Tổ đại đệ tử của Ngài, luôn luôn sẵn lòng học để mở rộng kiến thức, không bao giờ để cho cụm từ tu lại từ đầu gây ra chướng ngại trên con đường đồng hành với Phật, với chư vị Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng.
Xin chư Phật luôn gia trì cho chúng con!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển và chúng ta hãy cùng hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Nếu chúng con tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thàn