Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook mà các bạn chia sẻ. Đã tới giờ đồng tu, kính mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu luyện Mật Thiền Chánh niệm hơi thở để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện siêu cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Và cầu an cho tất cả hàng Phật tử chúng con bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Nguyện cho Thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Chúng con xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ địa của mình, buông thư toàn thân nhè nhẹ trở về với hơi thở của Chánh niệm, nhất tâm tổng trì mật ngôn. Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ. Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Với Chánh niệm hơi thở thiền quán tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác sẽ giúp cho chúng ta thư giãn nhẹ nhàng, gắn kết với mười phương Chư Phật và đón nhận được thật nhiều mật điển, thắp sáng Trí Tuệ, tỉnh thức trong từng giây, nhận rõ được các pháp đều Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho nhau:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Bảo Thành chào tất cả các bạn đồng tu. Các bạn thân mến! Cuộc đời này tuy ngắn nhưng chúng ta vẫn có thật nhiều cơ duyên và phước báu để gặp gỡ nhau trong đời. Có mấy ai trong chúng ta cô đơn toàn diện? Không! Chúng ta vẫn có người thân ở trong gia đình. Chúng ta vẫn có bạn bè, làng xóm. Và phương tiện ngày hôm nay đã đưa chúng ta có những mối quan hệ vượt ngoài đại dương, vượt xa biên giới, tới tận những quốc gia mà chúng ta chưa thể đặt chân tới nhưng đã có bạn ở nơi đó. Sự đồng tu của chúng ta trong mấy năm qua đã đưa chúng ta thật gần gũi trong cái tâm tình của người con Phật, để trở về với cái tánh thật hiền hòa, lương thiện, tìm lại kho báu mà Đức Phật khai thị đó là sự an lạc và hạnh phúc trong chính cuộc đời này. Chúng ta chẳng quản ngại thời gian, bận rộn biết bao nhưng vẫn dành cho nhau ngồi xuống ở những khung trời thời gian khác, nhưng đồng một cái tâm, trên màn ảnh thật nhỏ ở cái phone (điện thoại) thôi để tu, để nghe nhau chia sẻ pháp thoại.
Mỗi khi các bạn đồng tu với Bảo Thành, cái phương tiện đơn giản, gọn mà Bảo Thành sử dụng từ thuở bắt đầu cho đến ngày hôm nay chỉ là một cái điện thoại nhỏ và một cái cây gậy để giữ điện thoại cố định. Bảo Thành vươn tới bấm vào cái nút bắt đầu và rồi cứ như vậy tự tại ngồi nơi chỗ đã chọn, gặp gỡ các bạn đồng tu, tổng trì mật ngôn, nhìn vào hơi thở, chia sẻ. Khi xong thì cũng với người tới tắt đi. Chẳng rườm rà, chẳng cần ban bệ, chẳng cần những người có cái khả năng riêng biệt về ngành quay phim lắp ráp, ghép hình chọn lọc. Cứ thực tế, cứ chân thật như điều kiện cho phép ở nơi Bảo Thành đi, nơi Bảo Thành tới, nơi Bảo Thành ngồi. Và cũng chân thật trong sự chia sẻ những cái cảm nhận sâu sắc qua hơi thở Chánh niệm, đón nhận mật điển, năng lượng siêu thế của Phật trong sự tự lực đồng tu cùng với các bạn, để chia sẻ những cảm nghĩ của mình là làm sao mang được những gì Đức Phật dạy ứng dụng vào trong đời sống của chính mình và đời sống của tất cả các bạn đồng tu.
Phước báu này tuyệt vời quá! Ta được gần nhau thực sự lắm. Và cũng chính đó nó đã tạo thành những nhịp cầu để Bảo Thành quen biết thêm thật nhiều các bạn đồng tu, quý Phật tử đồng tôn giáo hay khác tôn giáo. Họ thường xuyên nhắn tin chia sẻ về sự thành tựu trên con đường tu tập của riêng họ, và chia sẻ những thắc mắc trong đời sống hiện tại khi ứng dụng lời Phật vào chuyển hóa những cái chướng ngại và tạo ra nhiều phước báu thuận duyên trong cuộc sống. Các bạn! Đây là một sự lợi ích vô cùng để khẳng định rằng, dù sao đi nữa chúng ta không bao giờ cô đơn trơ trọi trên một hành tinh không có bóng người. Ta luôn luôn có cơ hội tiếp cận. Và chẳng cần phải ngồi đó để nhìn lên trời cao mông lung với cái tư tưởng thả hồn vào những cái lâu đài, những cái thế giới quốc độ xa xôi trong những câu chuyện thuở nhỏ ta thường nghe.
Vâng! Các bạn! Chủ đề hôm nay: “Cổ Tích Cho Người Lớn”. Một chủ đề không biết nó tới từ đâu và từ ai. Theo kinh nghiệm riêng của Bảo Thành, những chuyện cổ tích thường cho trẻ thơ, trẻ nhỏ. Những câu chuyện cổ tích mà trẻ thơ trẻ nhỏ được nghe chắp cánh để dệt mơ mộng, hướng các em tới những điều đẹp đẹp trong cuộc sống. Tuổi thơ là mơ, và cổ tích là những câu chuyện rất mơ rất mộng, rất đẹp, có tính cách giáo dục. Còn cổ tích cho người lớn Bảo Thành chưa một lần nghe qua. Lớn rồi, ta không đọc truyện cổ tích nữa bởi thấy nhàm chán, bởi biết nó không có thật. Lớn thích đọc những chuyện về khoa học, về trinh thám, về y học, xã hội học, tâm lý học, nhiều những môn học khác ta thích đọc. Và những cái chuyện như vậy giúp cho chúng ta tăng trưởng kiến thức trong đời sống. Còn cổ tích cho người lớn? Không biết là các bạn có đọc qua những chuyện cổ tích cho người lớn chưa? Nếu có, kể cho Bảo Thành nghe cái thể loại cổ tích cho người lớn là như thế nào? Nhưng đến tuổi này, Bảo Thành chưa bao giờ nghe nói câu cổ tích cho người lớn và chưa bao giờ đọc qua truyện cổ tích cho người lớn đâu.
Hầu hết là thuở nhỏ Bảo Thành cũng đọc qua một vài câu chuyện cổ tích thuở nhỏ, hầu hết là những chuyện huyền thoại mơ mộng hay. Bảo Thành thích nhất là cái chuyện cổ tích có ông Tiên hiện ra bên đứa nhỏ ở bên đường đói bụng không tìm được gì nên khóc. Ông Tiên hiện ra cho củ khoai. Đứa nhỏ nhận được củ khoai sướng thấy mồ, ăn vào hết đói bụng. Chỉ có vậy, thích câu chuyện này bởi vì thuở nhỏ thường hay đói vặt, hay ăn vặt, nhưng chẳng bao giờ được ai cho củ khoai. Cũng bắt chước ngồi khóc ở trong xó, ở bên bụi cây hoặc bên những vách đá, nhưng không bao giờ có cơ hội như cái chuyện cổ tích về ông tiên hiện ra cho củ khoai khi đứa nhỏ khóc. Bảo Thành khóc hoài khi đói bụng, thuở nhỏ nghèo chẳng bao giờ được khoai. Cho nên cứ nghĩ ở trong đầu chuyện cổ tích không bao giờ là chuyện thật, nhưng vẫn tin cứ khóc để được khoai.
Hôm nay, chúng ta là những người đồng tu Mật Thiền Chánh niệm hơi thở quán chiếu thân tâm qua ba mật ngôn vi diệu Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán để tìm hiểu thấu rõ về tự thể vốn có nơi chúng ta. Liên quan gì đến “Cổ tích cho người lớn”? Về cái phương diện Phật học ta đang tu thì có đó. Bảo Thành suy nghĩ thấy có. Thế kỷ này rồi, phương tiện thật là nhiều, cơ hội chúng ta tiếp cận với Phật học, giáo lý của nhà Phật, kinh điển của nhà Phật thật nhiều. Nhưng hầu hết mọi người lớn trong chúng ta vẫn nghĩ Đức Phật, các chư vị Bồ Tát, các chư vị Tổ sư thời xưa như những nhân vật cổ tích huyền sử không có thật. Thật nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ Đức Phật chỉ là một câu chuyện, để khi buồn, khi khổ, khi phiền não, khi chướng duyên, ta cầu nguyện, ta than khóc, ta xin để được ban ơn. Y như cổ tích ông Tiên hiện ra cho củ khoai mà hồi nhỏ nghèo quá, Bảo Thành thường khóc để chờ ông Tiên tới cho củ khoai mà không được. Chúng ta đã coi Phật như một ông Tiên trong cổ tích, như một ông Bụt trong truyện cổ tích. Để khi khổ quá, sầu não bi ai, ta ngồi dưới gốc cây vất vưởng bên lề đường, chui vào trong hang động, tới những tịnh thất, chùa chiền, ta khóc, ta than với cái tâm tánh chờ rằng ông Bụt, Phật Thích Ca hiện ra cho chút ân sủng để thoát khỏi cái khổ. Bạn nghĩ lại coi có đúng không? Bạn vẫn nghĩ, chúng ta vẫn nghĩ Phật như một nhân vật huyền thoại cổ tích không có thật, nhưng vẫn mường tượng nhân vật ấy, Bụt Thích Ca Mâu Ni là ông Bụt, ông Tiên, ông Thần, ông Thánh có khả năng trao ban khi đời khổ, đời đói, đời sầu, đời muộn. Có khác gì như sự suy nghĩ của Bảo Thành thuở nhỏ, đọc được truyện ông Bụt hiện ra cho củ khoai, cứ mần mò theo tư tưởng đó, giả đò khóc để được khoai nhưng không được? Có phải chăng các bạn đang giả đò, nhập vai diễn viên nào đó đóng tuồng cho hay để Bụt Thích Ca hiện ra trao tặng cho những thứ ta cầu mong, ước muốn?
Nhiều người trong chúng ta vẫn coi Phật là một nhân vật không thực. Hình như Phật ở cõi trời cao trong hư không tận pháp giới. Hình như đối với chúng ta Phật có quyền năng, có sức mạnh, có thần thông cái thế, hiện hình muôn nơi để đáp ứng những nhu cầu của cái đời sống con người khi khát, khi đói, khi rách rưới, khi đau khổ, khi phiền não. Ta tới với một vị Phật cổ tích huyền thoại để dệt mộng mơ. Vậy nên mấy ai trong chúng ta thực sự hiểu được Phật, biết được Phật và gần gũi với Phật, vì Phật đối với chúng ta chỉ là một nhân vật cổ tích thôi. Không phải tất cả, mà người lớn chúng ta ngày nay khi tới với Phật cũng chưa xác định, xác minh được Phật là một con người thực sự như chúng ta. Vẫn luôn luôn nghĩ Phật là một nhân vật huyền bí như trong truyện cổ tích mà ai đó đã nghe được thấy được thuở còn rất thơ, rất trẻ và rất nhỏ. Chúng ta là người lớn rồi, đâu phải là trẻ thơ, sao cứ coi Phật như nhân vật trong cổ tích? Hầu hết những nhân vật trong cổ tích thường là huyền thoại, nhưng thuở nhỏ nghe thấy mê, lớn rồi lại biến Phật thành nhân vật cổ tích để tự mê hoặc mình. Nếu chúng ta có được những cảm nhận, tư tưởng, nghĩ ngợi như thế là ta đang tự mê hoặc mình rồi. Nó không có thật các bạn, cách suy nghĩ đó không thật – sai.
Đặc biệt là chỉ có Phật giáo, Đức Phật của chúng ta, đấng mà chúng ta nhận làm Thầy là có thật, bởi Ngài là một con người như chúng ta. Ngài không từ trời giáng xuống, Ngài không phải là một vị thần linh tái sanh hiện thân người. Mà Ngài là một con người từng trải qua nhiều kiếp người như chúng ta, tư duy, học hỏi, nghiên cứu, trải nghiệm, thực tập và đi đến sự thấu liễu mọi điều, giác ngộ giải thoát. Ta phải tới với Phật bằng cái tâm tình: Phật là một con người, bằng sự hiểu biết thật rõ lịch sử của Đức Phật là chân thật, là sự thật, là con người thật. Đừng ghép, đừng đẩy Phật và biến Phật thành nhân vật cổ tích, rồi biến Phật giáo thành một tôn giáo thờ lạy. Đức Phật là người, không khác gì chúng ta. Ngài cũng đói, cũng khát, cũng lạnh, cũng đau, cũng bệnh. Ngài cũng chịu sự chi phối của hoàn cảnh, của xã hội, của môi trường, của khen chê, của thành bại. Và trong sự tương tác với những điều như chúng ta đã trải qua, Ngài đã đi tìm một con đường để làm sao thoát ra khỏi và Ngài giác ngộ.
Chúng ta học Phật cần phải thấu rõ được Đức Phật là một con người thực sự, không phải thần linh hoặc ông Trời như chuyện cổ tích hiện ra khi cầu. Để rồi những người trong chúng ta cứ mơ mơ màng màng nói rằng thấy Phật trong giấc mơ, y như chuyện cổ tích có vị Bụt, vị Thần hiện ra báo mộng hoặc báo cho chúng ta, hoặc hướng dẫn cho chúng ta. Phật không nhập mộng để tạo mơ cho mỗi người mà Phật nhập thế để chuyển xoay sự hiểu biết của chúng sanh qua một nền giáo dục dạy dỗ để tăng trưởng kiến thức về tâm linh, nhìn thấu rõ, thực hành để thoát ra u mê của những đoạn kiến, tri kiến, biên kiến kiến thức tầm thường nơi con người. Cho nên, mỗi người chúng ta đã lớn trên con đường học đạo, nhất định không thể nhồi nhét cái tư tưởng để biến Phật thành một nhân vật cổ tích, mà phải trải lòng, mở rộng tâm trí, đón nhận Đức Phật là một con người thực sự. Ngài có trình độ và kiến thức, có trí tuệ và có đủ năng lực để hướng dẫn chúng ta thực tập những điều Ngài dạy để thoát ra những đau khổ phiền não, cởi trói cho sự ràng buộc và rồi được tự do tự tại, hạnh phúc và an lạc.
Bạn có nghĩ rằng bạn đang nghĩ Phật là một nhân vật cổ tích hay không? Nếu bạn đi theo Phật mà chỉ tin để cầu để xin như thuở nhỏ Bảo Thành khóc để xin ông Bụt củ khoai đó, thì bạn thực sự dù không nhưng đã nghĩ Phật là một nhân vật cổ tích rồi. Và nếu Phật mà các bạn nhận ra trong đời với sự hiểu biết rộng do nghiên cứu và đặt mình vào cái tư thế là một cậu học trò, một cô học trò nghiên cứu, được dạy dỗ để có kiến thức hiểu: Phật không phải là một nhân vật cổ tích, nhưng là con người, là bậc giáo dục, là bậc mô phạm, là một vị sư phạm tài ba, thì chúng ta sẽ học lời của Phật dạy. Chúng ta sẽ nghiên cứu lời của Phật dạy và chúng ta sẽ tự thực hành lời của Phật dạy mang lại lợi ích cho chúng ta. Bởi Phật không phải là thần thông như nhân vật cổ tích.
Phật là bậc Thầy, một vị sư phạm, mô phạm toàn diện hoàn hảo. Tới với Phật là được nghe, được dạy, được hướng dẫn. Và tới với Phật bằng tinh thần tự lực nghiên cứu học hỏi, ta tự sửa, tự chuyển hóa và tự thay đổi cuộc đời để có và thành tựu được những điều ta mong muốn. Không huyễn hoặc, huyền thoại như những nhân vật cổ tích. Bởi nếu ta cứ nghĩ Phật là nhân vật cổ tích thì sự chờ mong những thành quả qua sự cầu nguyện cúng kính, van xin nhân vật cổ tích Bụt Thích Ca Mâu Ni, suốt cuộc đời và từ kiếp này qua kiếp sau ta chẳng được gì hết, bởi huyền thoại trong cổ tích là những chuyện huyễn giả không thật. Ta đã nhận Phật theo phương pháp đó chính là ta đã sai. Cần phải thay đổi quan niệm bằng cách nghiên cứu. Phương tiện ngày nay quá rộng, ai cũng có cơ hội học hỏi và nhận biết Đức Phật là một nhân vật lịch sử thực sự. Và Ngài là một con người không khác gì Bảo Thành và các bạn.
Trong Mật Thiền song tu, chúng ta tới với Phật không qua những cổ tích cho người lớn huyễn hoặc bản thân, qua sự thần thoại hóa nhân vật gọi là Bụt Thích Ca Mâu Ni, hay Phật Bổn Sư Thích Ca, hay một vị nào đó có thần thông. Mà chúng ta đón nhận lời dạy của Phật mang vào ứng dụng thực tế trong cuộc sống. Như Đức Phật dạy quán tâm Từ Bi, một trong những vị mà ta có thể noi gương học quán tâm Từ Bi đó chính là Đức Quán Thế Âm. Ngài quán tâm Từ Bi để rồi Ngài có đầy đủ năng lượng Từ Bi để tầm thinh cứu độ mọi loài chúng sanh trong đau khổ. Nếu các bạn khổ, khổ vì cuộc đời không như ý, khổ vì tiền tài, danh vọng, địa vị bị hư hao mất mát, khổ vì những người thân ra đi vĩnh viễn chẳng bao giờ gặp lại họ, khổ… trăm điều khổ bạn đương đầu. Nếu bạn tới với Phật như một chuyện cổ tích cầu mong, khổ, khổ của bạn tích lũy thành núi, đè bẹp cuộc đời kiếp này qua kiếp sau. Nhưng hiểu rõ lời Đức Phật dạy, một nhân vật lịch sử đã giác ngộ qua sự tu tập truyền lại cho chúng ta, quán tâm Từ Bi theo phẩm hạnh của Ngài Quán Âm, chúng ta sẽ có đầy đủ năng lượng tình thương khởi nguồn từ tâm Phật, tâm tánh thiện lành nơi ta và tiếp thêm được năng lượng tình thương của Chư Phật mười phương để chuyển hóa mọi vết thương, mọi đau khổ nơi chúng ta. Những ai tu Mật Thiền quán chiếu tâm Từ Bi đều tự chữa được mọi vết thương của thống khổ, của não phiền, của đau đớn, và xóa tan đi được mọi hận thù ai oán. Người ấy luôn sống đĩnh đạc, tràn đầy năng lượng, cuộc đời luôn tươi, muôn sự phước báu được chuyển hóa, đưa tới để thành tựu những ước mơ họ mong muốn về thân cũng như về tâm.
Đừng nghĩ Phật là một nhân vật cổ tích và phải học để nhận thấy Phật là một bậc mô phạm trong thế gian, là một vị sư phạm tài ba trong thế gian. Lời dạy của Ngài chẳng phải huyễn hoặc, nhưng là chân thật qua sự trải nghiệm thực tế của cuộc đời Ngài. Nếu tới với Phật mà còn coi Ngài là Bụt, là Thần, là Thánh, là Tiên là chúng ta đang sống với huyền thoại cổ tích cho người lớn. Đồng tu, các bạn phải nhận rõ ta tới với Phật là đặt để mình trong cái ngôi thứ của một người học trò, ta là trò, Phật là thầy. Trò tới với Thầy để được dạy dỗ, được hấp thụ một nền giáo dục tâm linh cao hơn mà chính Ngài là bậc giáo sư đã trải nghiệm nghiên cứu thực tế. Vị thầy Thích Ca sẽ dạy cho chúng ta và người học trò như chúng ta sẽ phải cố gắng tận lực học hỏi, nghiên cứu lời Phật dạy, áp dụng vào đời sống.
Quán tâm Từ Bi là một bài học cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi quốc gia, mọi thời đại. Bởi thiếu Từ Bi thì cuộc đời sẽ biến thành biển lửa, thiếu Từ Bi thì chúng ta tự đổ dầu vào thiêu đốt bản thân và đốt cháy lẫn nhau. Khổ lắm! Chỉ có Từ Bi mới là năng lượng vi diệu để cho Thế giới này được hòa bình được an lạc, để cho gia đình được hạnh phúc và bình yên, và để cho mỗi người sống với cuộc đời an vui. Tới với Phật là học, học để khai mở tâm Từ Bi nơi ta, học để tiếp dẫn bằng năng lượng Từ Bi, học để sống Từ Bi. Hai chữ “Từ Bi” phiên dịch đơn giản là “Tình thương”. Nói vậy nhưng nếu không thực tập, không tu luyện, ta nhất định không thể có được tình thương đâu. Và nhất định ta cũng không thể sống trong tình thương chính nơi mình vốn có, và san sẻ tình thương tới những ai đang đau khổ. Nghe thì dễ nhưng không thực tập, không tu, ta không làm được.
“Cổ tích cho người lớn”, một chủ đề mà Bảo Thành không miên man vào những cái chuyện của những câu chuyện của sự sáng tác nơi con người nói về kiếp nhân sinh giữa phận làm con, hoặc giữa phận vợ chồng, hoặc giữa thân phận của một ai đó trong lòng đời này. Bảo Thành đưa vào cái cơn bệnh truyền kiếp mà chúng ta luôn hiểu sai về Phật. Vì ta cứ gán ghép cho Phật là nhân vật cổ tích trong huyền thoại ta đã nghe, mà không bao giờ chấp nhận Đức Phật là một nhân vật lịch sử thật sự đã can qua trong những thăng trầm của đời người như ta. Và chẳng bao giờ đón nhận Phật là một vị giáo sư tài ba, một vị mô phạm toàn giác, một vị sư phạm có đủ khả năng hướng dẫn và dạy dỗ cho chúng ta. Để rồi ta theo Phật, ta chỉ tin, tin một cách mù quáng như thuở nhỏ Bảo Thành giả vờ khóc để được khoai khi ông Bụt hiện ra.
Chúng ta đã tu, tu giả vờ. Có khi nào bạn nghĩ rằng bạn đang tu giả vờ hay không? Có đó! Phải nhận ra rằng ta đang đóng vai, ta đang đóng tuồng, ta giả điên giả khùng, và cứ nghĩ mình giả, nhưng không! Mình thực sự là khờ khạo, điên cuồng, khùng điên. Ta nghĩ ta cứ đóng vai, ta giả vậy thôi chứ nhưng ta tỉnh. Không! Các bạn thực sự là điên, là khùng, là tửng, chứ không phải giả đâu. Bảo Thành cũng như thế, bởi ta cứ mơ mơ màng màng bước vào trong những huyền thoại của những nhân vật cổ tích và biến Phật thành những vị ấy để cầu để xin. Bỏ đi những tư tưởng như vậy, trở về với một sự thật. Kinh điển của nhà Phật ngày nay quá nhiều được in ấn, được giới thiệu, được giảng dạy, và lịch sử về nhân vật giác ngộ là Đức Phật còn ghi thật rõ, không có một cuốn kinh nào, một giáo lý nào, một thông tin nào nói là Phật không phải là người như chúng ta. Phật là con người, cũng sinh ra có cha có mẹ, có anh chị em, có thôn xóm, ở trong một cái xã hội của một lịch sử thời mà Ngài sinh ra, cũng trải qua biết bao nhiêu điều như chúng ta.
Phải thay đổi suy nghĩ, đừng gượng ép Phật là nhân vật cổ tích. Mà đón nhận Phật là một vị giáo sư toàn giác, một vị mô phạm đã giác ngộ, một vị sư phạm đủ nhân cách và có đủ phương pháp dạy dỗ chúng ta. Và đặt mình vào một cái cương vị là một người học trò tới lớp, đón nhận Phật như một vị thầy để dạy dỗ. Lắng nghe Ngài dạy từng bước, từng bước. Những bài học phù hợp với chúng ta trong hiện thời của kiếp này, thực tập đi! Và không cần biết bạn là ai, theo tông phái nào, thì hãy tu cái pháp môn quán tâm Từ Bi hay ngược lại gọi là Từ Bi quán, Trí Tuệ quán, Tỉnh Giác quán mà Mật Thiền song tu Bảo Thành và các bạn đồng tu. Chúng ta tu Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán là pháp phương tiện để dẫn đưa chúng ta trở về chiêm nghiệm và thực hành để hiểu rõ: năng lượng tình thương và năng lượng Trí Tuệ trong sự Tỉnh Giác rất quan trọng, sẽ làm thay đổi cuộc đời của mỗi người chúng ta, thoát ra khỏi mọi phiền não đau khổ và nếm được pháp vị của sự an lạc, hạnh phúc trong chính cuộc đời này.
Hãy bỏ đi tư tưởng Phật là một nhân vật cổ tích cho người lớn mà hãy nhận thức rằng Phật là một con người thật. Đối với Bảo Thành, luôn luôn kính trọng với tâm chân thành, thành kính, để khẳng định Phật là một nhà mô phạm, một vị giáo sư toàn giác, và là một vị thầy rất mực yêu thương học trò. Tới với Phật và học Phật với tâm tình như thế, bạn sẽ trở thành một cậu học trò giỏi và khi đi thi sẽ đỗ đạt trong sự an lạc và hạnh phúc, không ở lại lớp trong tam đồ khổ của luân hồi sanh tử nữa.
Các bạn! Xin hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Chúng con từ lâu cứ nghĩ Phật là một nhân vật cổ tích để chỉ tin và cầu xin. Nhưng hôm nay chúng con đã khẳng định lại, Phật là một nhân vật thực tế, là một vị mô phạm, một vị giáo sư, một bậc thầy toàn giác. Xin thầy hãy dạy dỗ cho những người học trò như chúng con. Và chúng con nguyện sẽ là học trò giỏi, nghe, thực tập và nghiên cứu, thực hành, ứng dụng lời của Thầy vào đời sống cho bớt khổ, bớt phiền não, cho thêm an lạc và hạnh phúc. Nguyện cho tất cả mọi người đều phát tâm như thế.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có tới mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo. Xin Chư Phật Từ Bi chứng minh.