Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và tất các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Đã tới giờ đồng tu rồi, chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Và gia trì cho chúng con biết tinh tấn tu học, tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ qua sự công phu Mật Thiền Chánh niệm hơi thở, quán chiếu để thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con thể nhập vào tâm Tỉnh Giác và ngưỡng cầu lên Tam Bảo với một lòng thành kính nguyện siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Và nguyện an cho tất cả hàng Phật tử chúng con luôn tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Và nguyện cho Thế giới này được hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Các bạn thân mến, Đức Phật đã dạy cho chúng ta phải: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Trong Mật Thiền song tu, mật ngôn thứ nhất: Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn số hai: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ. Mật ngôn số ba: Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán là ba mật ngôn có năng lượng siêu thế mà mỗi người chúng ta đều đón nhận được tha lực mật điển vi diệu từ Chư Phật, Chư Bồ Tát tới với thân tâm, tăng trưởng định lực để chúng ta vững chãi trên con đường tu.
Chúng ta hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, trong Mật Thiền song tu, các bạn mới vào sẽ hỏi: đồng tu mà ngồi hít thở, trì những mật ngôn: Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là gì và công dụng của sự đồng tu này như thế nào? Các bạn, chỉ hít thở thôi, vận công cho đúng, giữ tâm Chánh niệm, lấy hơi thở vào ra làm đề mục để quán chiếu, chúng ta mọi người đã có được Chánh niệm. Chánh niệm là từng giây từng phút ta luôn tưởng nhớ, ta luôn ghi nhớ, ta luôn suy nghĩ, ta luôn hòa nhập. Có nghĩa là chúng ta dùng năm cái uẩn của mình: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức bằng cái tâm thật sáng trong Chánh niệm để nhận thức năm uẩn đó. Những cái cảm xúc, cảm giác đi qua mà không hề có một cái tâm dính mắc, bởi nó được sàng lọc bằng sự nhận thức thật rõ ràng ngay trong hiện tại. Đồng thời chúng ta lại còn tổng trì mật ngôn:
Mu A Mu Sa,
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Đây là một cách tu với một phương tiện mật thiền khác, phù hợp với những ai có nhân duyên. Nhân duyên phù hợp, sự Chánh niệm hơi thở và tổng trì mật ngôn, chúng ta sẽ đón nhận được tha lực vi diệu, mật điển của Chư Phật, Chư Bồ Tát tới với thân tâm. Qua sự đón nhận được mật điển đó, ứng hóa thân của Chư Phật mười phương sẽ thể nhập vào trong tâm của chúng ta một luồng năng lượng vi diệu siêu thế, ta sẽ cảm ứng được từng giây phút và chuyển hóa vào trong tư tưởng, ngôn lời, hành vi. Chúng ta luôn luôn tịch tĩnh, tâm sáng để nhận định được các pháp ác để từ bỏ, hiểu rõ được các pháp thiện mà tinh tấn hành, tăng trưởng phước báu công đức. Về mặt thân, thì hơi thở Chánh niệm và sự tổng trì quán chiếu năng được chuyển thể trong tâm, trong thân, giúp cho thân thể cường tráng và giúp cho thân của chúng ta có thể chuyển hóa được những căn bệnh vì thời tiết, vì khí hậu hoặc những loại vi khuẩn, hoặc những do chính nghiệp thức của chúng ta tạo ra. Sự rung chuyển của toàn thân bởi mật điển tác động vào và hơi thở trầm xuống đan điền khí hải, dẫn dần dần theo các luân xa xoay chuyển trong thân tâm ta, giúp cho chúng ta phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Các bạn thân mến! Do vậy mà Mật Thiền song tu có cái công dụng tịnh hóa thân và tâm, làm cho chúng ta có một tinh thần lành mạnh, có một Trí Tuệ sáng suốt, và có một thân thể cường tráng trên con đường hành đạo. Do vậy sự đồng tu của chúng ta là một sự liên kết của những hạt nước thật nhỏ rơi từ trời cao xuống để cùng một dòng chảy như pháp vũ, như dòng sông về biển Đông. Mỗi khi ta đồng tu với nhau, chúng ta dù chưa gặp nhau, ở rất xa, với cái tâm định ở trong hơi thở Chánh niệm trong mật ngôn, ta liên kết với nhau thành một khối năng lượng siêu thế hùng mạnh. Đồng thời cùng đón nhận được năng lượng của Phật, chúng ta hồi hướng, luân chuyển, vần xoay để chuyển hóa tất cả nghiệp thức chung cho nhau, gọi là đồng tu. Thay vì chúng ta tu xong rồi chúng ta mới hồi hướng cho nhau, chúng ta mới hồi hướng công đức phước báu cho tất cả mọi chúng sanh, thì khi chúng ta đồng tu là sự hồi hướng chung cho nhau một cách rất thực tế. Bằng sự liên kết hài hòa trong Chánh niệm, trong hơi thở, trong các mật ngôn vi diệu của Phật, sự hồi hướng công đức này là sự tự nguyện với chí nguyện thanh cao tìm đường giải thoát nơi chân lý Đức Phật khai ngộ. Rất hay! Rất tuyệt vời! Bởi còn sống, chúng ta dù xa nhau vẫn chủ động đồng tu để hồi hướng cho nhau, chủ động đứng dậy với cái tự lực Chánh niệm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác phối hợp với tha lực mật điển vi diệu của mật ngôn thành một cái động lực tổng trì thật lớn để giữ cho tâm của chúng ta thăng bằng trong cuộc sống này. Sự đồng tu có công năng vi diệu vượt trội lên tất cả, vì sự tu mà chỉ có một mình rất cần sự nỗ lực. Mà cuộc đời thì quá nhiều thử thách, chúng ta thường bị dập vùi sau một thời gian và rồi thất thối Bồ Đề tâm không còn tu. Đồng tu có bạn có bè, có Thầy, có Thiện Trí thức, có người thương yêu thì dĩ nhiên chúng ta sẽ được liên kết thành một khối thật mạnh.
Chủ đề các bạn gửi về hôm nay trong buổi đồng tu là: “Động Lòng Sai Chỗ”. Rất thực tế! Ai cũng thật nhiều lần bị động lòng sai chỗ. Có những cái chỗ mà sai khi động lòng, ta nhận ra chỉ một thời gian ngắn. Nhưng cũng có nhiều chỗ ta động lòng chắc ẩn thương yêu sai chỗ mà cả cuộc đời người mới nhận ra được. Lúc đó đau đớn quá, nhưng đã muộn rồi bởi cả cuộc đời đã trôi qua. Vốn trong chúng ta khi sinh ra đã được nuôi dưỡng bằng tình thương, nên luôn luôn động lòng bởi ta có tình thương đối với mọi người. Bởi ta được dưỡng, nuôi và trưởng thành bằng tình thương. Nhớ cái thuở ầu ơ mẹ ẵm ta ở trên cái vòng tay yêu thương, mẹ luôn mớm cho chúng ta ánh mắt của tình thương, mẹ luôn mớm cho chúng ta những ngôn lời của tình thương, những nghĩa cử ôm ấp vỗ về khi khóc, khi đói, khi buồn, tất cả, những cảm xúc vu vơ rất trong trắng như thiên thần của tuổi thơ. Đến khi lớn rồi va chạm nhiều trong cảm xúc của đời người, chỉ có mẹ mà thôi và mẹ là cội nguồn của tình thương, đã làm cho cõi lòng đau đớn của chúng ta dần dần vơi đi. Và chúng ta trở thành mạnh mẽ hơn mỗi ngày vì mẹ luôn bên đời.
Nhìn vào đó để thấy rằng vốn chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng tình thương và trái tim của chúng ta luôn luôn biết thông cảm, biết động lòng trắc ẩn, và luôn luôn biết đoái thương đến những mảnh đời, những con người ai đó khi họ chạm vào cái tâm cảm của chúng ta. Thật là nhiều cái hoàn cảnh “động lòng sai chỗ”. Ai cũng vậy mà, có sẵn tình thương rồi, tình thương lớn và chúng ta sẽ đau lòng thật nhiều khi ai đó đã biết khai thác cái tình thương của chúng ta, đã làm cho chúng ta động lòng để chúng ta có thể mang biết bao nhiêu tiền của giúp đỡ đưa cho họ, và rồi cuối cùng họ đã lừa gạt ta. Vì động lòng trắc ẩn đối với những con người gặp khó khăn mà chúng ta sẵn sàng trao đi tiền bạc, chúng ta sẵn sàng trao đi cả về tình, thân xác, trao đi tất cả đó các bạn. Mãi tới mai sau, hoặc một thời gian sau, ngỡ ngàng quá, ta đã động lòng sai chỗ. Bạn nghĩ đi, bạn có động lòng sai chỗ chưa?. Ngay cả có những trường hợp chúng ta đi làm từ thiện thôi, nhiều người cũng biết khai thác cái tình thương, đã làm cho chúng ta động lòng, vì sự việc mà dấn thân từ thiện, để khi chúng ta làm từ thiện giúp đỡ một thời gian sau mới nhận thức ra ta đã làm sai chỗ rồi. Chuyện này luôn luôn có, cẩn thận tới đâu cũng thường bị. Trong cái thời loạn ly của những tâm thần không còn tự chủ mà ma chướng thử thách quá nhiều, thực giả lẫn lộn, khó hiểu, khó thấy, khó phân biệt. Nhiều khi những sự gian dối được phủ lấp bằng những cái màu sắc rất thánh thiện, xong rồi mới ngỡ đã sai, ta đã lầm. Vốn ta thương người như thể thương thân, họ biết khai thác và ta cứ bị như vậy thôi.
Nhiều cảnh như vậy đã được quay để lại trên những đoạn YouTube, trên các kênh, hoặc đã được ghi chép phản ánh thật nhiều. Và cuối cùng chúng ta sợ hãi làm từ thiện, bởi dễ bị lừa gạt. Cái tâm trong trắng muốn thông cảm và san sẻ đã bị ức chế trở thành sân giận, khó chịu và chúng ta đã ngừng. Cái điều này không tốt đâu. Ta có lòng thiện mà để cho một vài người nào đó sai, không đúng mà ta động lòng để rồi tâm từ thiện đã bị chướng ngại. Trong cuộc sống giữa tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa nhân loại con người, đôi khi xảy ra nhiều sự việc ta mới thấu rằng ta đã động lòng sai chỗ. Bảo Thành không đi vào những sự sai chỗ trong tình cảm, trong từ thiện, hoặc là trong những sự tương tác đâu. Bởi sự sai chỗ đó dần dần mỗi người sẽ nhận thức và ngừng, có thể sớm có thể muộn. Nhưng có một chỗ “động lòng sai chỗ” từ kiếp này qua kiếp sau ta biết sai, ta biết ta đã động lòng sai, nhưng ta không bao giờ chủ động để ngừng. Ta biết sai hoàn toàn toàn diện nhưng không chủ động để ngừng khi ta động lòng sai chỗ. Rồi từ đó chúng ta đánh mất đi sự cao quý vốn có nơi ta.
Các bạn nhìn đi! Biết bao nhiêu những điều sai trái, hình như ở trong ta, cái tưởng thức của chúng ta nó vang vọng những cái lời thật hay, thật ngọt, thật dịu dàng. Nó dụ dỗ, nó chài mồi, nó lừa gạt. Ta hiểu đó nhưng mà ta vẫn động lòng. Đó là sự động lòng sai chỗ, bởi nơi tưởng thức luôn luôn có những sự chấp trược, tham ái, tham dục nó quyến rũ ta, ta thấu, ta biết là sai nhưng không dừng. Không phải là không thể dừng nhưng chúng ta không muốn dừng. Ta động lòng sai chỗ, biết mà cứ động lòng. Có nhiều lúc Bảo Thành và các bạn thấy chúng ta đã sai rồi, nhưng ở trong tâm tưởng nó lại thôi thúc một cái âm thanh: Sai có chút xíu có sao đâu? Sai thêm xíu nữa cho vui mà. Và thế là ta cứ sai, y như người uống rượu say, say một chút có sao đâu, uống đi, uống thêm đi. Và rồi sẽ thôi thúc ở trong tâm, hứng thú quá, ta uống thêm say, rồi té lăn quay giữa trời đất, chẳng biết gì, khi tỉnh dậy mình đã làm băng hoại cái thanh danh của mình. Và cái say ở đây, uống cho say chẳng phải qua rượu đâu, nó qua những cuộc say của những cuộc tình, say của những tài vật, say của những quyền lực, say của những sự ham hố, thi thố, tranh luận, tranh tài, tranh quyền, tranh danh, tranh tình. Và chúng ta lúc nào cũng luôn luôn bị động lòng sai chỗ, bởi tâm tưởng luôn luôn cám dỗ chúng ta.
Cái tưởng của chúng ta là một kho tàng chứa thật nhiều những âm thanh của năng lượng tham dục, tham ái, tham quyền. Chúng luôn luôn chuyển ngữ dưới mọi hình thức, thúc đẩy, cám dỗ, dụ dỗ và kéo chúng ta đi về những cái hướng sai. Và không biết tại sao Bảo Thành và các bạn cứ động lòng với những lời thì thầm cám dỗ nguy hại tới từ chính tâm tưởng của mình? Biết sai mà không ngừng. Biết động lòng sai chỗ mà không ngừng. Các bạn đừng coi thường các bạn ơi! Người đời lừa gạt chúng ta, ta động lòng sai một lần, ta có thể từ bỏ chấm dứt. Nhưng những cái nghiệp lực thô ác, những cái nghiệp lực của ái dục, những cái nghiệp lực của tham dục, những cái nghiệp lực mà ta đã tạo ra nhiều đời ta còn mang tới kiếp này, chúng có một cái sức mạnh thật ghê gớm. Chúng luôn cám dỗ chúng ta. Chúng luôn mò ra, biến tướng dưới mọi hình thức, lôi kéo mồi chài, cột chặt ta vào đó. Ta nhận biết ra sai nhưng ta cứ động lòng mãi thôi. Một người bạn rủ đi nhậu biết sai đấy nhưng chúng ta lại động lòng bởi những lời tỉ tê, để rồi ta đã bước ra một cách oai hùng khi vợ với con trố mắt lên nhìn, khuyên ta ở nhà ăn bữa tối cùng với gia đình. Khó cưỡng, khó cưỡng! Đó là một trong những điển hình thường xảy ra.
Thật nhiều những điển hình khác, chúng ta thấy, của bản thân mình chứ không nói bản thân của ông chồng hoặc của vợ hoặc người thân. Bản thân của chúng ta đã nhiều lần vượt hàng rào, trèo tường để phá đi cái ranh giới giữa Thiện – Ác mà làm bậy. Thấu được nhân quả Thiện – Ác nhưng cái lực của nghiệp thức trong tâm tưởng vẫn là những âm thanh, những nốt nhạc trầm bổng lôi cuốn và hấp dẫn. Dù vẫn biết ta sẽ lao đầu vào nơi bất thiện tạo nghiệp, nhưng không dừng được. Động lòng sai chỗ ở những cái nghiệp ác như vậy vẫn xảy ra từ kiếp này qua kiếp sau, ta khó làm chủ. Chính vì động lòng sai chỗ nơi những cái nghiệp lực bất thiện, những năng lượng tiêu cực nó thúc đẩy, mà đã nhiều năm qua thật nhiều người trong chúng ta không thể thay đổi cái chỗ đứng của mình, không thể thay đổi cách sống của mình. Và cứ như vậy lầm lạc trong vô minh, tạo khổ cho bản thân, cho vợ, cho chồng, cho người thân. Có! Đức Phật thấy con người cứ khư khư ôm một khối năng lượng tiêu cực nhiều đời và cứ tái sanh trong luân hồi đau khổ. Ngài đã mang sự giác ngộ của Ngài tới tận mỗi người chúng ta, hướng dẫn tận tụy để chúng ta nhìn thấy và nhận ra. Ngài rất cần chúng ta có một sự chủ động tự lực bước vào. Do vậy, Ngài không ngừng nghỉ rao giảng những chân lý đó và gieo mầm yêu thương tới với chúng ta.
Nếu biết động lòng sai chỗ thì chúng ta phải dừng lại. Đừng lập lờ với nhau bằng cái câu: Từ Bi mà không có Trí Tuệ. Động lòng sai chỗ là Từ Bi không có Trí Tuệ. Cái đó không phải là Từ Bi không có Trí Tuệ, mà cái đó là do cái ái dục thôi thúc ta bị động lòng. Đó chẳng qua là ái tình của con người mà thôi. Còn khi dùng hai cái chữ Từ Bi, các bạn nên nhớ, trong nhà Phật, hai chữ “Từ Bi” tự thân của nó đã là Trí Tuệ. Người không có Trí Tuệ chẳng thể phát triển được tâm Từ Bi. Người đã có Từ Bi nhất định đã có Trí Tuệ. Ngoại trừ chúng ta chỉ chạy đuổi theo những cảm xúc của phàm phu, nhưng chúng ta lập lờ đó là Trí Tuệ để than trách mình có Từ Bi mà thiếu Trí Tuệ. Câu nói này hình như sai sai, bởi Từ Bi và Trí Tuệ, Tỉnh Giác là một, không khác đâu, không khác, nó là một. Như ánh sáng của mặt trời có bẩy màu, bảy màu sắc của cầu vồng chúng ta thấy đó là ánh sáng mặt trời. Trong Từ Bi của ánh sáng của Trí Tuệ, có ánh sáng của sự Tỉnh Giác. Cho nên người đã có tâm Từ Bi rồi thì không thể động lòng sai chỗ. Người động lòng sai chỗ là người chỉ đi theo những cảm xúc nên dễ bị dụ dỗ mà sai.
Chúng ta nếu thực hiện và thực tập lời của Phật, thì ta có thể thăng hoa làm thay đổi những cái cảm xúc tình thương của phàm phu, thăng tiến lên cái cung bậc thật cao, đó chính là cung Từ Bi, Trí Tuệ để không còn hối hận với lòng của mình đã động sai chỗ. Ở ngoài biển khơi kia đâu phải là chỗ để người ta đổ rác rưởi, nước đục, nước xấu xa, nước từ những cái lọ xí uế đó. Không! Biển cũng chẳng nói gì và đón nhận, bởi nơi biển cả mênh mông vô tận có sự sàng lọc và trong suốt. Trong hư không, muôn rác rưởi đều thảy vào trong đó. Nhưng hư không thì vô tận và Từ Bi là mênh mông bất tận. Thể nhập vào cái tâm Từ Bi là cái tâm rộng lớn như biển trời, như hư không. Và trong cái tâm Từ Bi đó, Trí Tuệ bao trùm tất cả. Còn cái động lòng trắc ẩn yêu thương chỉ là một mảnh vụn của những tinh tú đã chết, lạc lõng rơi vào trong cõi vô minh nhưng vẫn muốn vươn mình, vươn hình hài để mà che lấp cả bầu trời. Từ đó mà ta luôn luôn động lòng sai chỗ.
Hãy luôn luôn nhắc mình, Đức Phật tới để dắt dìu chúng ta đi từ vô minh tới sự giác ngộ, đi từ phiền não tới an lạc, đi từ đau khổ tới hạnh phúc. Đoạn đường đó thấy rõ được cái điểm chúng ta xuất phát và rõ được cái điểm chúng ta đi tới. Chỉ cần rất tinh tấn thì ta sẽ chuyển hóa được cái tình thương hay bị động lòng sai chỗ thành lòng Từ Bi để không bao giờ có chỗ sai, thành tâm Từ Bi để không bao giờ có chỗ sai, để ta bị hối hận, để ta bị ngẩn ngơ đứng giữa chợ đời và người ta cứ thế lợi dụng lòng tình thương. Không có! Ta thương như trời như biển, Từ Bi mênh mông vô tận. Chúng ta thấy, đã bao nhiêu lần chúng ta hứa với Bồ Tát Quan Thế Âm, bao nhiêu lần chúng ta hứa với Trời, Phật là như vậy như kia, chúng ta đâu có làm theo. Các Ngài vẫn thương, các Ngài là đấng Đại Từ Đại Bi vẫn dắt dìu, vẫn che chở và vẫn phóng quang Trí Tuệ, tiếp dẫn cho từng bước chân từ vô minh lần mò ra ánh sáng. Phải đi mới có thể tới, phải tự lực đứng dậy mới có thể thành tựu được. Đồng tu sẽ giúp cho chúng ta sách tấn nhau tiếp tục đứng dậy nơi chính ta bị sa ngã, bị vấp té để đi trên con đường chánh trở về với Phật. Nhiều lần động lòng sai chỗ nhưng chính vì động lòng đó mà ta có thể đánh thức cái tâm để chúng ta có thể động tâm Từ Bi.
Một trong bốn cái tinh thần mà Đức Phật dạy Từ, Bi, Hỷ, Xả. Trong kinh thường nói: Nếu một đời người mà có cơ hội về thăm Tứ Động Tâm, là nơi Đức Phật đản sanh ở Ấn Độ, là nơi Đức Phật giác ngộ cũng ở Ấn Độ, là nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên cũng ở Ấn Độ, và nơi Đức Phật tịch diệt, người ta gọi là Tứ Động Tâm thì người đó sẽ sanh về cõi Thiên. Nhưng cái Tứ Động Tâm đó chỉ là dấu tích lịch sử của Đức Phật sinh ra đời, giác ngộ, giảng dạy, và vãng sanh. Không nhất thiết phải đặt chân trên con đường lịch sử để đi tới Tứ Động Tâm đó. Nhưng nhất thiết chúng ta phải đi tới cái Tứ Động Tâm khác ở trong lòng. Tứ Động Tâm đó là: Tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả. Mà trong Phật giáo thường gọi là Tứ Đại Tâm. Còn Bảo Thành dịch nó khác, gọi là Tứ Động Tâm. Nếu chúng ta làm cho tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả có cái sự tác động vào cuộc sống thiết thực hằng ngày, thì ta đã đi vào Tứ Động Tâm. Mà nếu ta đi vào được Tứ Động Tâm của Từ, Bi, Hỷ, Xả rồi, bạn sẽ luôn bình an và hạnh phúc. Nếu các bạn đã đi vào Tứ Động Tâm của Từ, Bi, Hỷ, Xả rồi, những cảnh giới lưu lạc trong đau khổ của luân hồi sanh tử chẳng thể có một cái lực lớn hơn để kéo các bạn vào. Bởi khi Tứ Động Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả đã được khai mở và hành trì một cách thực tế qua những suy nghĩ, lời nói và hành vi tương tác hằng ngày, bạn là ánh sáng, bạn là tình thương, bạn là đuốc tuệ soi đường cho chính bạn vượt qua tăm tối để trở về miền đất an lạc nơi Tứ Động Tâm. Bạn cứ mơ ước đi tới Tứ Động Tâm bên Ấn Độ mà sát cạnh ở trong lòng của ta có Tứ Động Tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả, ta không bước vào viếng thăm, thể nhập, an trú ở trong đó. Chính vì bạn quên, chúng ta cứ vòi theo những cái phong trào đi đây đi đó, để rồi chẳng biết trở vào trong Tứ Động Tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Do vậy mà cứ bị động lòng trắc ẩn sai chỗ về tình, về tiền, về quyền lực, về sự xử thế trong đời để hối hận, than trách, kêu van.
Các bạn thân mến! Hôm nay chúng ta nhắc với nhau về Tứ Động Tâm của Từ, Bi, Hỷ, Xả. Trở vào an trú nơi đó qua Chánh niệm hơi thở của Mật Thiền, quán chiếu năng lượng Từ Bi, cái năng lượng vi diệu siêu thế của Trí Tuệ, cái năng lượng Tỉnh Giác để không còn u mê trên những nhịp cầu sai trái của ác nghiệp, để chúng ta cắt đứt cái cầu đó đi, không bước trên chiếc cầu u mê của ác nghiệp nữa. Không bước trên cái cầu của những sự động lòng về tình, về quyền lực, về danh vọng, về những vật dụng, về những phương tiện sống ở trần gian nữa. Mà chúng ta sẽ bay vào trong cả một bầu trời mênh mông vô tận ở nơi trái tim của chúng ta để đứng vững nơi Tứ Động Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả vốn có nơi mình. Để một lần nữa trong kiếp đời nhỏ bé mong manh dễ vỡ này, Bảo Thành và các bạn luôn luôn an lạc và hạnh phúc. Và để cho người trong gia đình của chúng ta, trong thân tộc của chúng ta, bạn bè của chúng ta, xã hội nơi ta sống có dư giả năng lượng tích cực hơn để thay đổi cuộc sống, không còn vướng vào những sự động lòng sai chỗ để rồi than trách, than phiền. Mà chúng ta thực sự bước vào bằng tinh thần thật vui là bước vào Tứ Động Tâm để động tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, khai mở cánh cửa, bước ra khỏi vô minh, thể nhập vào ánh sáng Trí Tuệ, Từ Bi, Tỉnh Giác, để hết phiền hết não, hết khổ, hết đau, để được an lạc hạnh phúc và bình an.
Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Chúng con là thân phận của phàm phu thường động lòng sai chỗ, để rồi từ đó tạo khổ cho bản thân, khó thoát ra được. Nay hiểu có một chỗ cần động đó là Tứ Động Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Cần phải động được cái tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả để thay đổi cuộc sống, để thay đổi con đường ác đã tạo. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật ngôn, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.