Search

Bài 3072. Tâm Bất Biến Giữa Dòng Đời Vạn Biến

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ đồng tu đã tới kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và xin Phật gia trì cho chúng con luôn luôn tinh tấn dõng mãnh, biết tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ qua công hạnh thực tập mật thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấu rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện siêu cho chư vị hương linh, luôn luôn theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh thiện lành. Nguyện an cho tất cả hàng Phật tử chúng con có đầy đủ phước báu, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện cho thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn chúng ta đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy ngồi tĩnh tọa nhẹ nhàng buông thư. Bảo Thành xin nhắc lại trong Mật Thiền song tu, chúng ta lấy hơi thở chánh niệm để điều hòa chân khí, trụ tâm quán chiếu và đón nhận tha lực của chư Phật qua mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán Trí Tuệ, qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác quán, ba mật ngôn này có năng lượng siêu thế và mỗi người chúng ta khi chánh niệm tổng trì sẽ lãnh nhận được thật nhiều mật điển để quán chiếu tự thân, nhận rõ các pháp. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến. Ngày hôm qua đang ở tổ đình Chùa Xá Lợi tiểu bang Maryland, vì có Phật sự ở tiểu bang xa, giảng trước giờ và đồng tu trước giờ. Vội vội vàng vàng ra sân bay, bay qua đây Chùa Xá lợi tiểu bang Minnesota, rồi loay hoay quần quật ở bên ngoài trời nắng, bụi, bởi vì người ta đang đào hầm ở chùa. Không khí thay đổi quá nhanh mà người mình cũng đằng vân cái thế, bay bay ở trên cõi trời mây, ở trong máy bay các bạn không phải như Tề Thiên đâu. Môi trường khác chút cảm thấy hình như hơi bị cảm, lỗ mũi không chịu nghe lời, giọng nói hình như cũng hơi nghẹt nghẹt, nhưng tư tưởng chắc có lẽ vẫn thông các bạn.

Các bạn! Chủ đề rất văn chương, rất chữ nghĩa, rất thơ “Tâm Bất Biến Giữa Dòng Đời Vạn Biến”. Nghe hay, ai mình cũng muốn sống được như vậy, cứ muốn tâm của mình bất biến không có bao giờ thay đổi, dù dòng đời vạn biến thay đổi liên tục nhưng ta không thay đổi, điều này ai cũng ước mơ. Trong cuộc sống nếu như tâm của mọi người không thay đổi, dù cho ngày hôm trước mình tới với nhau hoặc mãi mãi ngàn sau ta từ biệt nhau, tâm trước sau như một, không thay đổi là điều quý. Ở đời có ai đạt được tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến chưa? Nó vẫn là những chuỗi ngọc bồng bềnh trên mặt nước, khi trời mưa đó các bạn nước mái hiên nhà rớt xuống nổi bong bóng nhìn thấy đẹp và những bọt nước bồng bềnh ta xâu chuỗi lại thành những ước mơ như chuỗi ngọc, nhưng trôi chừng vài giây nó nổ tung mất. Ước mơ mà tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến chẳng tồn tại, nó chỉ là cái gì đó mình ca ngợi cho phê một chút nhưng không thực tế. Bởi bạn nhìn đi có ai mà không thay đổi, đời thì luôn luôn thay đổi rồi nhưng cũng có người ta không thay đổi và có luôn thay đổi. Câu trong dân gian nói giang sơn dễ thay đổi, lòng người khó thay. Lòng là tâm, bụng dạ của con người thật khó thay đổi, thật khó thay đổi nhưng không phải là bất biến, không phải là không bao giờ thay đổi. Họ vẫn thay đổi tâm, thay lòng của họ như thay áo đó các bạn. Cho nên đời khổ dữ lắm, khổ dữ lắm, người chung quanh chúng ta cứ thay đổi thôi, họ thay đổi đến chóng mặt. Đời vạn biến là thiên biến vạn hóa, thay đổi từng khắc từng giây, mà lòng của họ lại đổi thay từng giây từng khắc, làm cho biết bao nhiêu con người ngỡ ngàng, làm cho biết bao nhiêu con người sầu muộn, bi ai, khổ lụy. Chúng ta nhìn vào thực tế cuộc đời của chính mình và nhận ra ai cũng thay đổi, ta cũng đổi thay đó các bạn ơi.

Chữ bất biến là không bao giờ thay đổi, chữ vạn biến là liên tục đổi thay. Câu này xuất hiện trong văn chương ai đó đã đặt để văn tự cho hay, trong những ngôn từ của thơ văn đó Bảo Thành cũng không rõ, nhưng thường hay xài một số người. Bảo Thành cũng ít biết câu này, Bảo thành chỉ biết rằng thời xưa khi Thầy Tổ còn, khi ông bà còn sống, người xưa thường dạy “Bây đó nha, còn nhỏ thì phải nhớ câu trước sau như một, ở đời đừng có thay đổi, đừng có đổi thay”. Và câu đó Bảo Thành nhớ lắm, trước sau như một, trước sao sau vậy, sống đời đừng đổi thay, đừng thay lòng đổi dạ. Thầy Tổ dạy như vậy để cho Bảo Thành, ông bà dạy như vậy để cho chúng ta sống ở đời phải có tâm, phải có tâm luôn luôn đứng vững. Đừng để cái cảnh bên ngoài, người bên ngoài, đừng để mọi hiện tượng, mọi sự việc nó xảy ra mà ta bị thay đổi. Câu này Bảo Thành thích lắm “Trước sau như một”, đời mà thay đổi nhiều quá chóng mặt lắm, người ta mà cứ thay đổi liên tục mệt lắm. Đó là nói đến người bên ngoài các bạn. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến nghe cũng văn tự hay.

Bảo Thành nhớ Đức Phật cũng dạy câu như vậy ngắn gọn hơn, triết lý cao siêu nhiệm mầu hơn, không hoa lá văn hòe, đơn giản lắm. Câu vạn biến mà Đức Phật dạy đó là vô thường đó các bạn, chữ vạn biến nếu mà nói về số nó chỉ có vạn là 1.000 sự biến hóa thôi, còn chữ vô thường là hằng hà sa sự thay đổi trong từng sát na. Mà chữ vô thường đó không phải là chỉ cảnh ở bên ngoài, người ở bên ngoài – Hữu Vi, mà còn nói đến Vô Vi, nói đến bên trong, nói đến tâm, tâm ta cũng vô thường, nó rõ như vậy đó. Chữ Vô thường là nói đến các pháp Hữu vi, các pháp Vô vi, các hiện tượng và nói đến cả tâm của ta. Nếu đúng theo lời của Phật dạy vạn pháp vô thường, quán tâm vô thường. Làm sao chúng ta lại đi bắt chước câu văn chương tâm bất biến, tâm mà bất biến là sai. Nếu chúng ta tin vào tâm bất biến tức là tâm không thay đổi, chúng ta đã phủ nhận lời của Phật dạy là tâm vô thường, quán tâm vô thường. Suy nghĩ chút xíu có phải chăng tâm bất biến của nhà văn nào đó hoặc của ai đó kết tụ lại, trên cái gọi là tinh hoa của ngôn ngữ, nhưng chỉ là rác rưởi của cuộc đời các bạn, bởi nó không có thật. Tinh hoa ngôn ngữ nhưng rác rưởi của cuộc đời, chẳng phải là chân lý. Không có tâm nào là bất biến, không có tâm nào là bất biến Phật dạy tâm là vô thường. Bây giờ bạn học Phật cùng với Bảo Thành, chúng ta có duyên học Phật, chúng ta tin tưởng vào Phật là bậc Thầy dạy để quán chiếu tâm là vô thường. Thấu được vạn pháp vô thường để đừng đi tìm tâm bất biến nữa, hay các bạn lại tin theo dòng bút mực của văn chương chữ nghĩa, tinh hoa của ngôn ngữ nhưng chẳng phải là chân lý, đối với Bảo Thành đó là rác rưởi thôi, người ta lượm rác thêu dệt thành hoa
Nhìn qua mê mẩn tâm thần ngày đêm.
Ngửi vào mới biết nó hôi.
Nhận ra thì trễ cả đời rồi em ơi!

Tâm không có bất biến các bạn, mà đời cũng không có vạn biến đâu, nó hằng hà sa biến hóa, tâm ta cũng biến hằng hà sa các pháp. Tâm như họa sĩ vẽ muôn màu muôn sắc, các bạn thấy chưa, muôn hết, muôn muôn màu sắc không bất biến. Tâm ở trạng thái vô thường sanh diệt từng sát na, từng giây. Nếu Phật đã nói tâm là vô thường sanh diệt liên tục, bạn đừng cố chấp đi tìm tâm bất biến để bạn chuốc khổ vào thân. Nếu Phật đã nói tâm là vô thường sanh diệt thì tâm ấy, tâm của ta đó nó thay đổi lúc tốt, lúc xấu là chuyện thường, lúc vui, lúc buồn là chuyện rất thường, lúc hạnh phúc, lúc đau khổ là chuyện rất thường. Các bạn thấy đi và tâm của người, người nào? Người yêu, người bạn bè, người là cha mẹ, đấng sinh thành, người là chòm xóm, người là người quen, người bên đường, người ở chợ, người ở đời, người ở chùa,… họ có thay đổi. Thì Phật nói đúng rồi, tâm vô thường, có chi để Bảo Thành và bạn bè và tất cả mọi người phải luống cuống, chê trách, khiển người thay đổi quá. Phật nói đúng mà, chân lý rồi, sao chúng ta lại ràng buộc nhau để cột giữ nhau, không muốn họ thay đổi, phải không các bạn? Phải suy nghĩ mới thấy chúng ta đi ngược lại lời Phật và chúng ta thật là tếu, chúng ta thật là kỳ cục. Học Phật một đằng nhưng ứng dụng vào đời lại khác, rồi khổ não bất an tới, than trách “Trời ơi! Đi tu không đạt được gì”. Bởi ta tu ngược, ta tu nghịch, ta tu không đúng lời Phật. Đồng tu với mật thiền cùng với Bảo Thành mấy năm rồi ta quán chiếu về mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để học về Tam pháp ấn là Vô Thường – Khổ – Vô Ngã, ta quán chiếu vạn pháp vô thường, tâm vô thường, muôn sự ở đời vô thường biến đổi.

Ngày nay chẳng biết bạn nào đề cao chủ đề trong câu thơ “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Nếu bạn đi tìm tâm bất biến của ai đó hoặc cố gượng ép tâm bất biến của bạn, tâm không thay đổi, bạn chắc sẽ khổ. Bạn ơi người ta tâm đó là vô thường, bạn à người ta tâm đó là luôn luôn biến động, giữa dòng đời vạn biến tâm đó còn biến hằng hà sa nhiều vạn biến chứ không phải chỉ có một vạn biến đâu. Đừng trông đợi, đừng mong cầu, đừng ngưỡng vọng tâm của ai đó phải đối xử với mình trước sau như một, chung thủy. Thủy triều kia còn có lúc lên lúc xuống, không thể chiều được lòng người, huống chi là tâm cảm của người ta. Tâm của ta cũng thay đổi thường xuyên ấy, thì làm gì phải ràng buộc kẻ kia, người kia phải nhất nhất giữ đúng cái tâm mình mong muốn. Coi chừng mình là những người độc tài tư tưởng, tâm mình thì đổi thay quá cuống cuồng như người điên, mà cứ bắt kẻ khác chung thủy, người ta theo không kịp sự thay đổi của mình nhưng mà mình cứ nằng nặc nói rằng họ thay đổi thôi, rồi ta buồn lắm.

Trở về lời Phật dạy vạn pháp là vô thường các bạn, tâm là vô thường, vạn pháp vô thường, muôn sự ở đời là vô thường. Nghĩa trắng luôn là muôn sự ở đời, tâm ta, tư tưởng ta, thân xác này, muôn sự, người và ta luôn thay đổi, luôn thay đổi, dù bạn có chánh niệm thì muôn sự vẫn thay đổi. Các bạn nhìn cho kỹ dù ta có chánh niệm thì muôn sự, muôn pháp vẫn luôn thay đổi. Trong chánh niệm hơi thở không phải là giữ mọi sự không thay đổi, mà là giữ tâm nhìn rõ muôn sự thay đổi kia, để tâm không bị sự thay đổi đó biến dạng. Tâm mà luôn thay đổi là tâm phàm phu, tâm mong cầu, tâm tham ái, tâm tham dục, tâm đó thay đổi. Có một cái tâm mà bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm, là tâm không hề thay đổi, đúng! Có! Tâm đó gọi là tâm Phật, tâm không vướng mắc, tâm không chấp. Khi bạn không chấp, thực tập được hạnh buông xả, tâm Phật có cơ hội hiển lộ, có cơ hội hiển lộ không bao giờ thay đổi. Nhà Phật dạy cho chúng ta chánh niệm để nhận ra tâm luôn thay đổi, luôn biến đổi để ta xả, để ta không chấp. Người chấp là người lập khuôn, là người cứng cổ, cứng đầu, là người độc tài, là người không có cơ hội để tiếp cận với trí tuệ của nhà Phật. Người chấp thường khó tính, thường sân và người chấp thường đẩy lùi mình vào với quá khứ, sống không thực tế, thường tạo khổ cho muôn người và cho chính mình. Người chấp đọa đày mình trong lục đạo luân hồi, đau khổ dữ lắm. Người chấp người ấy khó có thể an lạc trong cuộc sống.

Các bạn! Phật dạy cho chúng ta như vậy để quán chiếu trong chánh niệm, thể nhập vào tâm tỉnh giác. Kinh nghiệm ở cuộc đời ta thường gặp và thường rầu rĩ, đau khổ vì đi tới đâu ta cũng áp dụng câu “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, nhưng tâm bạn không có bất biến được. Có một số và hầu hết chúng ta, không phải một số đâu, khi đi tới một nơi nào chơi, một nơi nào thăm viếng thấy cảnh thơ mộng, nó đẹp là mơ mơ, mơ cả ngày đến đêm, rồi cả đời cứ nhắc đi nhắc lại chuyến đi đó, đẹp lắm. Lòng mình thích, đối cảnh tức là thấy cảnh đẹp mình mê, còn đối cảnh không như ý buồn, buồn rồi vu vơ, nói vớ vẫn, không biết hôm nay tại sao tôi buồn, có gì đâu, buồn là bởi vì cảnh đó không hợp, buồn là bởi vì nhân tình thế thái không hợp theo ý mình, buồn là bởi vì con người ở nơi ta tới chẳng như ta mong cầu, biết sao không biết, vớ vẫn thật. Trên đời này buồn mà không biết thì nghêu ngao không biết hôm nay tại sao ta buồn, biết. Ngẫm cho kỹ tất cả những nỗi buồn của ta có chủ ý tới để áp chế người khác, áp chế cảnh phải như ta, khi cảnh như ta, người như ta muốn, ta sung sướng. Mà câu vạn biến, câu vô thường của nhà Phật đâu có như ta, ta còn thay đổi người sao không đổi thay. Cho nên những người như vậy thường là những người bị thối chí, không giữ được chí nguyện, không giữ được ước mơ, không có lập trường, thay đổi đó.

“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, nhắc nhở cho chúng ta đừng đeo đuổi những châu ngọc ngôn ngữ người ta kết lại để ca ngợi, nó không thực tế, chẳng phải chân lý. Trở về lời Phật đi, tâm luôn luôn thay đổi, tâm gì? Tâm phàm phu, tâm gì? Tâm chấp trược, tâm tham ái, tham dục, tham tài, tham quyền, tâm đó luôn luôn thay đổi. Có ai giàu mà muốn ngừng đâu, hồi xưa đến mức giàu như vậy là đủ, nhưng giàu mãi. Có ai có tình với người này, có cảm với người kia, rồi ước nguyện như vậy chung thủy, không, họ thay đổi. Tình cảm thay đổi như thay quần thay áo các bạn ơi. Quyền lực cũng vậy, tiền tài cũng vậy, danh vọng, quyền lực, tiền tài, tình cảm, vật chất ở cuộc đời con người tham và lòng tham đó thay đổi. Để chuyển hóa được cái khổ và đi vào bất biến là tâm Phật, chúng ta phải tập chánh niệm, phải sống một đời sống chánh niệm để tâm đừng phóng túng, để tâm đừng phóng tâm, đừng vọng tâm, đừng chui vào vọng thức như bong bóng che mờ lý trí, để ta không còn ý chí để vượt lên trên nữa.

Con đường học Phật là một sự công phu đòi hỏi phải thực tập, sự thực tập sẽ đưa chúng ta đạt được và thành tựu được tâm Phật bất thối chuyển. Còn tâm phàm phu luôn thối chuyển, luôn thay đổi. Khi nhận ra ta đổi thay, người thay đổi, nhớ rằng ta và người đang sống với tâm phàm phu. Ta phải đạt được siêu phàm nhập thánh, siêu phàm nhập thánh không có gì là cao đâu. Siêu là siêu thoát, như ta cầu siêu đó các bạn, siêu phàm là tâm phải thoát ra khỏi tham ái, khỏi chấp trược. Nhập là đi vào, thể nhập đó các bạn, bước vào. Thánh là sự thanh tịnh, ta thoát ra sự vướng mắc của tham ái, tham dục để bước vào sự thanh tịnh, trong thanh tịnh của nhà Phật mật thiền thường nhắc tới để thành tựu, đó là phải bước vào Từ bi, phải bước vào ánh sáng của Trí tuệ, phải bước vào vòm trời của sự Tỉnh giác. Từ bi lấy tấm gương Của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, Trí tuệ lấy tấm gương của Đức Bổn Tôn Thích Ca, Tỉnh giác lấy tấm gương của tất cả các chư Phật, Bồ Tát mười phương, các Ngài luôn sống có sự tỉnh giác. Làm được điều đó bởi công phu, phải tu, phải luyện, còn bạn không tu, không luyện, bạn dễ bỏ cuộc. Bạn đang hời hợt với chính mình, bạn đang đeo đuổi những phương châm, những thành ngữ, những câu nói hay ở đời, chẳng thuộc chân lý, chỉ là rác rưởi. Bảo Thành không chê nhưng nói thật câu tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến chỉ là mang rác dệt thành hoa, thêu thành mộng không hay. Hay đối với đời nhưng không phải chân lý, câu của nhà Phật vô thường là chân lý, chánh niệm là chân lý, tâm Phật là chân lý hiện hữu có thật. Tâm phàm phu là chân lý luôn thay đổi vô thường có thật. Nhận được điều đó ta đi vào công phu, các bạn và Bảo Thành sẽ giữ được tâm an định, vượt qua muôn trùng sự khó khăn, có thể hòa nhập vào muôn sự đổi thay ở đời. Nhưng tâm chánh niệm của chúng ta vẫn có thể hòa nhập, vẫn có thể ứng hóa phù hợp, bởi ta có dư năng lượng từ bi yêu thương, bởi ta có dư ánh sáng của trí tuệ nhìn xuyên suốt, bởi ta có dư tỉnh thức trong tỉnh giác để nhận biết rõ ràng.

“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” chỉ là một sự lý luận rất thô sơ. Tâm biến động giữa muôn sự biến động, tâm vô thường giữa các pháp vô thường sanh diệt. Hiểu được câu này chúng ta phá được chấp, người phá được chấp, chấp ái, người ấy đang bước dần vào vùng trí tuệ của nhà Phật, người ấy đang tiếp cận được hương vị của thiền gia, người ấy an lạc hạnh phúc, người ấy đang cho mình cơ hội làm chủ mọi cảm xúc để vươn lên tự giải thoát mình. Bạn vẫn cứ khổ, Bảo Thành vẫn cứ khổ, chính là bởi vì ta cứ ôm mãi tư tưởng mọi người phải không được thay đổi, nhưng nhìn lại bản thân chúng ta quá thay đổi không nhận ra thôi. Hồi xưa cứ nói rằng mình có tâm an định, hồi xưa cứ nói rằng mình có tâm yêu thương, từ bi rộng lớn, hồi xưa mình cứ nghĩ rằng mình có trí tuệ hiểu biết yêu thương, mình có sự kiên nhẫn, mình hiểu sự đời. Đụng chuyện bây giờ mình mới thấy mình nhỏ bé quá, mình bon chen quá, mình hay giận quá, mình không biết thương người ta, có thương chăng chỉ là thương theo ý mình, chiều theo ý mình, đúng ý mình thương tới chết, không đúng rồi là đạp đổ luôn, ta phải hiểu được cuộc sống đó các bạn.

Phật dạy đúng lắm – vô thường đó các bạn, tâm phàm phu là tâm vô thường, tâm Phật là tâm bất sanh diệt, bất cấu tình, bất tăng giảm, tâm đó mới là tâm bất biến. Cho nên tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là đúng, nếu hiểu rằng tâm đó là tâm Phật. Còn câu tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là sai, nếu ta nghĩ rằng tâm ấy là tâm phàm phu. Tâm ấy là tấm lòng của mọi người không được thay đổi với tôi, thương tôi từ thuở đầu thì ngàn đời chết rồi cũng phải thương tôi, đối xử với tôi như thế nào lúc đó thì mãi mãi cũng phải như vậy thôi. Tâm đó là tâm phàm đó các bạn, bạn đang cố chấp hiểu sai lời Phật, tâm phàm thì luôn là vô thường sanh diệt. Chúng ta vì như vậy hiểu sai, dùng chữ tâm cứ cho là tất cả đều phải như thế, rồi đâm ra khổ, anh ấy thay đổi rồi, khổ không? Khổ! Cô ấy thay đổi rồi, khổ không? Khổ! Cha mẹ, ông bà, người thân, người sơ họ cũng thay đổi bởi tâm của họ và ta là vô thường. Sống ở trên đời hãy giúp nhau trở về tâm bất biến là tâm Phật, mà tâm Phật là tâm Từ bi, là tâm Trí tuệ, là tâm Tỉnh giác. Mà tâm Phật là tâm Mu A Mu Sa, tâm NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Ma Sa Ốp Uê. Tâm Phật đó phải dụng công, phải công phu, phải tập mới thành tựu được, còn sơ sơ, sài sài vỗ ngực xưng tên, tưởng ta vững vàng, đụng chuyện té cái rầm, mất hết phương hướng, chuyện này vẫn xảy ra cho ta và cho người. Nhưng Phật vẫn khuyên đã là phàm phu thì đừng sợ, bởi ai trong chúng ta cũng thật nhiều, thật nhiều lần phạm lỗi, vấp té, Phật đưa bàn tay ra Phật nói “Hãy vịn vào ta đi, đứng dậy ngay chỗ đó mà đi”. Vịn vào Phật không phải là vịn vào Phật giáo, vịn vào Phật tức là nương vào khoảng sự Tỉnh giác qua công phu tu tập, nương vào tâm Từ bi vốn có nơi ta, nương vào Trí tuệ trong công phu, nương vào ba sự châu báu là Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác để đi và Phật là Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, mà trong ta cũng có Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Những nhiên tố để thành Phật có rồi, tìm ở đâu nữa các bạn, chỉ cần đi vào mang ra ứng dụng, thực hành bằng công phu. Người tu là phải công phu, phải tu tập, không thể hời hợt nói, thuộc, nhớ, ghi, phải thực tập. Người ta, các bạn và Bảo Thành đối xử quá tệ với bản thân, thích sự hào nhoáng ở bên ngoài, cho nên theo Phật học vẫn gọi là đi với ma mặc áo giấy, đi với Phật mặc ác cà sa, ta may áo cà sa bằng rác rưởi cuộc đời đắp lên để phô trương ta học Phật, nhưng thật sự chỉ là hình thức bên ngoài. Ta không công phu, ngồi một giây một phút tê chân khóc rồi, đồng tu một chút là chán muốn bỏ cuộc rồi, tới thiền môn, tới chùa gặp chướng ngại chút xíu là đã phỉ báng Tam Bảo, các bậc tôn túc, là đã muốn bỏ cuộc đi rồi. Ước nguyện thì sao mà với không tới, chính là bởi vì lười, chính là bởi vì chúng ta ngồi mát ăn bát vàng, chẳng dụng công tu tập.

Bảo Thành thích cái câu người xưa nói là trầy vi tróc vẩy, trần ai khoai củ mới thành người. Trong thói đời cười ra nước mắt, ai không qua chưa phải là người. Chúng ta phải được va chạm trong cuộc đời, công phu là giúp cho chúng ta va chạm giữa tâm Phật và tâm phàm, để thấy tâm Phật khi chạm vào tâm phàm, tâm Phàm đó liền bể toang, tâm Phật vẫn vững chãi. Hãy cố gắng công phu, đừng vì một lý do gì để rồi chúng ta giải đãi, phá hủy chí nguyện thanh cao của mình. Nhớ tâm bất biến là tâm Phật chứ không phải tâm phàm phu, tâm phàm phu là tâm vô thường sanh diệt, quán tâm vô thường sanh diệt để nhận ra tâm phàm phu còn quá chấp. Và trong quán tâm vô thường đó ta nhận ra giá trị vi diệu luôn luôn tồn tại, vốn ta đã có đó là tâm Phật, tâm Phật được định nghĩa đơn giản là tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Nếu bạn công phu để thể nhập vào tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, bạn đã đang thường trú nơi tâm Phật. Vậy bạn sẽ ứng được câu tâm của bạn sẽ bất biến giữa dòng đời vạn biến, nghĩa là bạn luôn an vui và hạnh phúc giữa muôn muôn người đang đổi thay, giữa muôn muôn vật đang thay đổi, dù đời có ngược có xuôi, có thay có đổi, thì lòng mình vẫn an vui.

Các bạn! Xin hãy trở về Chánh Niệm hơi thở.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu sai nghĩ rằng tâm bất biến, nhưng đúng rồi Phật dạy tâm là vô thường, tâm phàm phu là vô thường và trong sự vô thường ấy Phật đã dạy cho con nhìn ra tâm Phật bất biến. Chúng con nguyện giữ một lòng trung kiên, công phu đúng thời, đúng khắc để thành tựu được trong sự thể nhập vào tâm Phật bất biến, tâm Trí tuệ, tâm Từ bi, tâm Tỉnh giác. Xin chư Phật luôn gia trì cho chúng con công phu và dụng công đúng để thành tựu được.

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, thể nhập vào tâm bất biến – tâm Phật.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu chúng con tu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn