Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Phật tử, quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu.
Giờ đồng tu đã tới, kính mời mọi người chúng ta đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tinh tấn tự lực, đứng dậy tu tập chánh niệm hơi thở, để có trí tuệ thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu thấu rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện siêu cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng, nương bóng Từ Ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cho tất cả những ai đang lâm bệnh tinh tấn tu học, hành thiện tích phước để gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ghi nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Sự đồng tu của chúng ta là trở về với hơi thở của chánh niệm, quán chiếu mật ngôn Từ Bi Mu A Mu Sa, tâm Từ Bi ấy vốn có nơi ta, nơi Phật tánh viên mãn. Quán chiếu tâm Trí Tuệ để thấu được vạn pháp Vô Thường sanh diệt với lui, bám víu vào những điều đó tạo ra khổ và quán chiếu tinh thần vô ngã NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chúng ta cũng thể nhập vào tâm Tỉnh Giác của mật ngôn Ma Sa Ốp Uê để luôn luôn tỉnh giác, để thấu rõ vạn pháp là vô thường để lìa xa vô minh và u mê để hạnh phúc và an lạc. Trong hơi thở chánh niệm và trì mật ngôn này, mỗi người chúng ta với một lòng thành kính đều lãnh nhận được thật nhiều mật điển của chư Phật ban rải xuống để chuyển hóa thân tâm của mình. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, nhìn lên trên màn hình hôm nay, chủ đề của các bạn gửi về “Mây Đen Che Phủ Trời Tâm Thức”, chủ đề rất hay. Tâm thức của chúng ta mênh mông tận hư không, như bầu trời, như vũ trụ vô bờ vô bến. Tâm thức của chúng ta thật nhiều lúc như trời quang đãng, mây xanh, mây trắng, mây vàng, rất nhiều các loại mây đẹp lắm. Tại tổ đình chùa Xá Lợi, Bảo Thành rất thích chụp hình cảnh của chùa, trời xanh mây trắng ở trên trời, cây xanh đẹp của rừng ở chùa rất thích. Ở trên trời thì có mây, ở dưới có nước, có rừng, có cảnh vật, trời càng xanh lòng người nhìn lên cũng thấy nhẹ nhàng. Tuy nhiên cũng có những hôm vần vũ, mây đen bao phủ kín hết, lúc đó cứ tưởng rằng mây đen đã che phủ cả bầu trời. Nhưng mình lớn rồi các bạn, chúng ta đã lớn rồi không còn như trẻ thơ, khi thấy mây đen che cả bầu trời, chúng ta đã được đi học chúng ta hiểu nơi đây ta đang ở nhìn lên trên trời bầu trời đó, mây đen che phủ thì không thể che cả bầu trời được các bạn. Chỉ che được vùng trời ta đang ở mà thôi, nơi khác trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, vẫn thong dong, vẫn tự tại, vẫn tươi mát. Bảo Thành và các bạn phải khẳng định chỗ này là chân thật, là sự thật và là chân lý rõ dù có mây đen thì phải khẳng định không thể che phủ cả bầu trời được, chỉ che được vùng trời ta đang ở, đang thấy mà thôi.
Chủ đề này hay nhưng phải gạn lọc cho rõ để thấy mây đen che phủ vùng trời tâm thức thôi, một vùng nào đó thôi, không thể che cả trời tâm thức được các bạn, tâm thức lớn rộng. Nhận biết được điều này ta mới thấy lời Đức Phật dạy thật rõ và hay, tâm thức của chúng ta vốn không đen như mây trời, tâm thức và những đen tối nó che phủ là hai trạng thái khác nhau. Mặt trời luôn sáng không bao giờ đen, chỉ có mây đen che phủ một chút xíu nào đó, một vùng trời nào đó, để rồi ta cảm thấy âm u. Tâm thức mà Đức Phật dạy nơi chúng ta là tâm không bao giờ đen, luôn luôn sáng, sáng với những tia của từ bi, những tia của trí tuệ và những tia sáng của tỉnh giác. Tâm ấy là tâm tịnh quang, tâm vô lượng quang, vô lượng từ, vô lượng trí tuệ và tâm của chúng ta là tâm vô lượng từ, vô lượng trí tuệ, vô lượng quang. Nên ở trong bầu trời tâm thức vô lượng từ, vô lượng trí tuệ, vô lượng quang kia, ta luôn luôn tỉnh giác. Những đám mây đen do sự va chạm trong cuộc đời, tạo ra những cảm xúc u tối. Nó che kín một vùng tâm thức của chúng ta, mỗi ngày có điều đó và suốt cuộc đời mây đen của những cảm xúc bất thiện, những cảm xúc của sân giận, những cảm xúc của những điều không như ý. Những cảm xúc bởi sa lìa những người mình yêu thương. Những cảm xúc của ngày đẹp trời cũng như ngày xấu trời của thời tiết, của khí hậu, của vùng miền. Những cảm xúc mà đương đầu với những người trái ý, không thuận buồm, oan gia và trái chủ. Những cảm xúc mà thân ta bị bệnh, bị mệt, bị đau. Những cảm xúc mà nhìn thấy tuổi đã trôi qua quá nhanh. Những cảm xúc mà ta thấy rằng cuộc đời sinh ra có ý nghĩa gì hoặc những cảm xúc khi nhận biết thời kỳ cuối của kiếp người đang dần biến mất.
Mỗi một ngày chúng ta có biết bao nhiêu những cảm xúc, những cảm giác do va chạm với người, với cảnh, với vật do các giác quan của chúng ta tương tác, nhiều lắm không kể hết. Thật là nhiều những luồng tư tưởng nó xẹt qua như sao trời, tạo nên biết bao nhiêu những cảm xúc, cảm xúc đó ảnh hưởng đến cảm giác của ta. Để rồi có lúc những cảm xúc vui ta cười ha hả, có những cảm xúc buồn ta khóc sướt mướt như chiều mưa đổ, tạo thành lũ khó dừng, khóc mà không ngừng khóc. Ta như thế, con người như vậy, cảm xúc do những cảm giác tương tác chi phối thật nhiều trong cuộc sống. Nhưng phải nhớ rằng tâm thức của chúng ta là tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, vô lượng tịnh quang trí tuệ yêu thương. Không có một chút cảm giác nào, cảm xúc nào có thể che kín được hết, nó chỉ che kín một vùng nào đó, để cho giây phút đó ta bùi ngùi, ta tủi, ta đau, ta buồn, ta giận, ta sân. Nhưng các bạn chúng ta nhìn kỹ lại những cảm giác đó nó không tồn tại mãi được, nó như một áng mây đen phủ vậy thôi và sau cơn mưa trời lại sáng. Mây đen kia biến thành nước nó rơi xuống rồi, nó đổ xuống rồi trời lại sáng. Dĩ nhiên trong những cơn mây đang phủ kín tâm thức của ta, nó sẽ rơi xuống qua những hạt nước mắt, qua những giọt tủi buồn, rồi tâm trí của chúng ta lại trở về sự sáng của sự tỉnh giác, của tình yêu thương, của trí tuệ. Tất cả những cảm xúc u ám tới với chúng ta đều do những điều kiện va chạm đối với người, vật và cảnh trái ý với chúng ta nên ta giận ta buồn, không như ý chúng ta nên ta buồn, ta giận. Cho nên Đức Phật dạy cho chúng ta phải chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ bi.
Các bạn nghĩ khi ta ở nhà nếu chúng ta thương yêu cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em thật nhiều, những va chạm trong cuộc sống ta không bao giờ cảm thấy bực bội, bởi ta yêu thương đấng bậc sinh thành, huynh đệ, tỷ muội, vợ chồng, con cái nhiều quá nên ta không buồn, không giận, ta vẫn vui. Lỡ mà họ ăn miếng mà ta vừa nấu xong mình thích lắm, bởi vì họ yêu thương, họ muốn họ ăn những thứ mình nấu, những thứ thuộc về mình và lại thích hơn khi họ ăn họ khen ngon. Đồ dùng của ta họ xài mình cũng vui nữa, bởi vì họ xài đồ của mình, đồ mà mình chọn cho mình họ cũng lại thích. Mà người yêu thương xài đồ của mình, ăn đồ của mình, gần gũi với mình, mình thích lắm, mình yêu thương họ. Còn người xa lạ, người không phải là máu mủ, người ta không thương, không yêu, ta ghét hoặc không hợp mà đụng vào đồ của ta, đồ ăn, đồ uống, đồ sử dụng ta buồn lắm và ta cứ sân giận hoài, ta trách móc “Tại sao anh lại lấy đồ của tôi? Tại sao chị lại sử dụng đồ của tôi?”. Chúng ta theo Phật Đức Phật dạy tâm từ bi là tâm sáng, tâm ấy không có chấp trượt, tâm từ bi là luôn luôn yêu thương một cách bình đẳng đối với mọi người, mọi chúng sinh. Nhưng vốn chúng ta sinh ra được đào tạo, cha mẹ của tôi, anh chị em của tôi, vợ chồng con cái của tôi, bạn bè của tôi,.. Khi chữ tôi quá lớn, những người không thuộc về tôi, không là của tôi, chạm đến tôi là tôi nổi sân, nổi khùng. Phật hiểu thấu được Bảo Thành và các bạn sinh ra với những dòng nghiệp thức như thế, dễ nổi sân lắm và nghiệp thức đó đưa chúng ta sống trong sự tích lũy năng lượng tiêu cực của sự ích kỷ. Từ đó không bao giờ hài lòng đối với những người ta chưa thương yêu, tạo điều kiện cho tâm sân dễ trỗi dậy, rồi quên đi rằng ta, tâm thức của ta vốn trong sáng, vốn yêu thương, vốn trí tuệ, vốn luôn luôn tỉnh thức. Thế là ta mặc định mình là những cảm xúc, những cảm giác, vẫn biết bao nhiêu năm qua chúng ta tu hiểu thấu quá khứ qua chẳng còn, nhưng cứ giận, cứ bực mình, cứ khó chịu, cứ ôm ấp quá khứ đó làm cho day dứt trong lòng. Để rồi quên đi tâm của ta vốn vẫn sáng, vốn vẫn biết yêu thương mọi người, vốn vẫn biết tha thứ tỉnh giác, vốn biết trí tuệ, thấu được những điều tới lui là vô thường không tồn tại, vẫn biết trí tuệ của ta, hiểu được ta không tôi tôi, không có bản ngã. Nhưng chúng ta đã quên rõ tâm của mình là tâm tịnh quang, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng từ, vô lượng trí tuệ. Rồi sống bỏn xẻn, bủn xỉn, ích kỷ với tâm vụn vặt của cái sân, lấy một chút che kín mất con mắt tuệ, chẳng còn nhìn thấy trời cao đất rộng, chẳng còn nhận ra ta vốn chẳng phải là loại người như thế. Tâm ta vốn chẳng phải là tâm sân, tâm giận, tâm buồn, tâm tủi, tâm hay cãi cọ, hay mất lòng. Ta vốn là người biết yêu thương, yêu thương đến mức mà ta sẵn sàng cho đi tất cả những gì của ta, thuộc về ta, ta đã cho, ta đã tặng, đã hiến những cái lớn nhất trong cuộc đời rồi, trao đi cái lớn nhất trong cuộc đời rồi, trao tất cả trái tim, tình thương, trao đất đai nhà cửa, trao cả mạng sống cho tất cả rồi. Bởi ta là từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, ta học được từ Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ đạo đức, ta noi gương mẹ, noi gương cha, các vị thầy, ta noi gương Phật. Ta cho hết, ta chẳng còn có gì là ta, bởi ta quán chiếu tinh thần vô ngã. Thế nhưng khi chúng ta đụng chạm ở đời, tại gia đình hay nơi công cộng, sống tập thể, một đời sống chúng ta tu tại gia hay một đời sống tu xuất gia, luôn luôn sống chung với mọi người, ta lại quên đi, ta thâu tóm, ta cột chặt, ta làm nhỏ bé cái tâm, tầm nhìn của ta. Để rồi những chuyện thật bé, thật nhỏ không đáng ta buồn, ta sầu, ta muộn, ta cột chặt vào đó để đau khổ. Người tu là phải nhìn thấu được tâm thức của chúng ta mênh mông vô tận, tâm thức của chúng ta là biển trời yêu thương, là vô lượng vô lượng ánh sáng từ bi và trí tuệ, luôn luôn biết hy sinh tận hiến, biết yêu thương, biết tha thứ. Trong ta, tâm thức của chúng ta và tâm tánh của chúng ta vốn đã được học, được dạy, được truyền thụ để nhận ra tâm sân, tâm si, tâm tham, những tủi hận vớ vẩn để chúng ta sàng lọc, gội rửa, như người biết giặt áo dơ biết giặt, tâm ta biết lau chùi, thì ánh sáng của năng lượng yêu thương, của tình yêu, của trí tuệ, của sự tỉnh giác nó sẽ sáng thôi. Sau cơn mưa trời sẽ sáng, mây đen không thể che kín cả bầu trời, chỉ một vùng trời nhỏ bé, những cảm xúc va chạm trong cuộc đời chỉ tạo ra những đau đớn phiền não nhất thời rồi nó biến mất, bởi nơi ta vốn cái tâm luôn biết yêu thương và tha thứ.
Trong thiền mật song tu ta luôn quán chiếu tâm từ bi Mu A Mu Sa, bởi đây là nguồn năng lượng vi diệu. Đời người thiếu năng lượng của tình thương, của từ bi chúng ta sẽ tạo nghiệp nhiều, đánh mất giá trị cao quý nhất mà ông bà cha mẹ đã trao tặng cho chúng ta, qua cả một nền giáo dục đạo đức. Nếu chúng ta không nhìn rõ mà để cho những cảm xúc va chạm đời thường cau có, giận buồn, cãi cọ, khóc lóc, van xin, đau đớn bởi những chuyện thật nhỏ của những va chạm nơi lời ăn tiếng nói, đồ vật, ăn uống, những thứ ta sử dụng, cách ứng xử. Ta đã tự làm nhỏ bé bản thân của mình, hạ tầm quá thấp làm hổ danh cả một nền đạo đức ta được dạy dỗ và làm che mờ tâm vốn sáng của chúng ta. Các bạn! Các bạn và Bảo Thành đã được nhắc nhở chúng ta vốn là người hiền lương, người thánh thiện, người tốt, người có tâm sẵn sàng cho đi và cho đi tất cả. Tại sao chúng ta lại bị vướng vào những chuyện rất nhỏ, để rồi mây đen của những cảm xúc vất vưởng trong sự đối xử giữa người với người, tâm ta bị đen tối. Các bạn, trong giao tế nếu ai lấy đồ của ta dù là đồ ăn hay vật dụng sử dụng hàng ngày, ta phải vui, bởi ta có tâm từ bi, quán chiếu và nhận ra rằng người này quá thiếu thốn, không có được những thứ ấy. Ta rất may mắn có đủ phước, có được những thứ mà người ta thiếu, người ta cần, ta cúng dường hồi hướng. Đó cũng là một hạnh phóng sanh, bởi ta giải phóng tâm ích kỷ của mình để cho người khác thành tựu được những điều thiếu thốn, họ có được những giây phút hạnh phúc bởi cả đời có thể họ chưa bao giờ có những thứ ấy. Ta đã cho đi quá nhiều rồi thì những thứ kia có xá gì để cưu mang, giận hờn mà đau khổ. ta cho tất cả những thứ cao quý của đời người, những thứ có giá trị lớn của đời người, trao đi cho những mảnh đời bất hạnh, những trẻ mồ côi, những người thiếu thốn trong đời. Ta từng đi làm từ thiện, ta từng phóng sanh, thế mà ta lại không thoát ra được vùng lầy lội của một chút dơ dáy mà ta chấp bám vào để khổ. Hãy thay đổi cách nhìn khi người ta lấy đồ của mình, khi người ta lấy tiền của mình, khi người ta lấy đi những thứ sử dụng của mình. Chúng ta quán chiếu rằng những người đó quá thiếu, họ không có được những thứ đó, ta có, với tâm từ và tâm yêu thương, với trí tuệ nhìn thấu như vậy và ta nhìn theo hướng đó ta rất hạnh phúc.
Bảo Thành còn nhớ khi đi qua đất nước Mỹ này, thuở xưa mình đi bằng đôi bàn tay trắng không có gì đâu, người xứ này họ mang tất cả trao tặng, họ tạo điều kiện để tái lập lại cuộc sống mới. Họ nhìn tinh tế lắm họ thấy ta thiếu gì, muốn gì là họ tặng trong khả năng và như vậy những điều hiến tặng của họ đã làm cho bản thân của những người nhận những phẩm vật nhỏ bé đó, trở thành những người thanh cao cả đời. Cho nên Bảo Thành luôn luôn tri ân và luôn luôn tán thán, ca ngợi những ai biết cho đi, bởi Bảo Thành đã được nhận quá nhiều. Và từ khi hiểu được điều đó, những điều gì Bảo Thành nhận được khi người khác trao tới, Bảo Thành liền trao đi ngay không bao giờ giữ lại. Bởi trao đi là được nhận lại, cho đi là được nhận, cho tình yêu thương được tình yêu thương, cho trí tuệ được trí tuệ, cho gì được đó. Tâm càng rộng thì mây đen sẽ chẳng còn bao phủ tâm thức của mình. Giữa cuộc sống người với người, nơi gia đình xã hội, nơi tăng thân, nơi chùa chiền, mỗi một cá nhân chúng ta thường hay va chạm với nhiều người lắm. Phật dạy những điều tạo ra đau khổ và phiền não nhiều nhất là những điều bất như ý, bất như ý từ những tạo tác, từ những lời nói, bất như ý từ những lời ta trông đợi người khác phải như vậy. Có thể ta luôn trông đợi rằng khi tới với một ai người đó phải thánh thiện, phải hoàn hảo, phải tốt đẹp. Nhưng rồi khi tới đó ngỡ ngàng, họ không như điều ta mong muốn thì ta hiểu ngay Phật đã dạy rồi, do tâm của ta mong cầu quá đáng để rồi sự hẹp hòi nó lấn chiếm lòng lề đường, chiếm đất của người ta, chiếm hết cảm xúc của người ta, chiếm luôn tư tưởng của người ta và tạo ra đau khổ cho chính mình. Các bạn hãy nhớ lời Phật dạy, tâm thức của ta vốn là sự sáng, là tình thương, là tha thứ, là trí tuệ. Cho đi được hãy cho, cho đến không còn có gì để họ lấy, chỉ còn có trái tim bao dung và tình thương, thì ta đã giải thoát khỏi đau khổ rồi. Nói như vậy không phải ta mang tất cả để cho, nhưng đặc biệt người tu Phật ta phải quán chiếu, sẵn sàng cho đi đối với những ai họ thật sự thiếu thốn, đối với những ai họ thật sự không có. Vì sao? Vì ta tu câu số 2 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đã thấu được vạn pháp là vô thường, những điều bạn có đó nó cũng vô thường sanh diệt đi mất mà thôi, chẳng tồn tại mãi. Nếu hữu dụng, có ích cho người, người muốn lấy, người muốn tặng ta tặng, ta cho, ta trao cho họ.
Tu thật là dễ bởi Bảo Thành và các bạn có quá nhiều điều kiện để nhận ra tâm tham, tâm sân, sự khờ khạo của mình mỗi một ngày. Tại sao nói như vậy, gọi là tu dễ, là bởi vì ta có điều kiện nhận ra bản thân của mình ta đang sân, đang giận, đang buồn, đang khó chịu, đang ích kỷ, đang bực bội, đang tham. Mình nhận ra được điều đó bởi nó xảy ra liên tục, tiếp diễn liên tục, đó là sự may mắn ta nhận ra được, ta có những điều như vậy, ta gạt nó ra cho mặt trời tâm thức hiển lộ sáng hơn, để thấy rằng tất cả những cảm xúc đó không tồn tại được, vốn ta là biết dễ yêu, biết dễ thương, biết cho đi mà, biết tha thứ mà. Ta đã là như vậy, ta luôn là như vậy, chẳng qua những điều không như ý ta trông đợi quá đáng nơi người, nơi hoàn cảnh, nơi môi trường, để rồi ta làm cho bị đau đớn do những cảm xúc như vậy xảy ra.
Các bạn nhớ, mây đen không thể che phủ cả trời tâm thức, những cảm xúc như vậy không thể che mờ lý trí của các bạn, tình yêu thương, trí tuệ, sự tỉnh giác của các bạn. Làm sao lấy hai tay che được bầu trời, ta chỉ che được con mắt thôi và che mắt đi rồi ta không nhìn thấy trời. Những cảm xúc kia, vụn vặt kia không thể phủ kín tình yêu thương, trí tuệ, lòng bao dung tha thứ của ta, nó quá nhỏ, nó không làm ta buồn được, khổ được, sầu được đâu. Chẳng qua ta đã dán con mắt vào những cảm giác đó, để ta cảm thấy cô đơn trống vắng, ta cảm thấy bị hắt hủi, bị đọa đày. Ta cảm giác được rằng người ta coi thường, không, tâm thức của ta đã được cha mẹ dạy nền đạo đức, đã được ông bà truyền dạy nền đạo đức, biết hy sinh và cho đi. Có còn nhớ khi mẹ ta còn sống đã khuyến tu ta như thế nào? Đã kêu ta hãy cho đi tất cả như thế nào? Có còn nhớ khi cha ta còn sống, cha đã dạy ta những điều gì? Và có còn nhớ khi ta gặp gỡ các vị thiện tri thức, các vị Thầy, Sư Phụ của mình đã dạy ta điều gì? Và ta đã nhận ra ta đã làm được điều đó, ta sống ta đã biết cho, biết phụng hiến cho tha nhân, biết phóng sanh, biết từ thiện, biết san sẻ, biết nhận ra lỗi lầm và sám hối, biết cúng dường, biết làm biết bao nhiêu những pháp thiện rồi. Tại sao ta lại bị ngỡ ngàng trong những hoàn cảnh ta đã từng trải, chẳng qua là ta bị quên đi thôi, bị quên một chút. Ta có Phật, ta có Bồ Tát, ta có các bậc thiện tri thức, ta có các bạn đồng tu nhắc nhở để ta nhớ rằng trời tâm thức của chúng ta không bao giờ, vĩnh viễn không bao giờ bị một chút cảm giác nhỏ bé che phủ đâu. Ta là người biết yêu thương, biết cho đi, biết tha thứ. Mật thiền nhắc nhở Mu A Mu Sa để thấy rằng chúng ta vốn có năng lượng vi diệu nơi tâm, năng lượng đó là năng lượng yêu thương, chỉ có tình yêu thương, chỉ có từ bi, các bạn phải nhớ chỉ có tình yêu thương và từ bi, chỉ có năng lượng siêu thế đó mới có thể chữa lành tất cả mọi vết thương lòng đang xảy ra, đã xảy ra và sẽ xảy ra đối với bạn và Bảo Thành. Chỉ có trí tuệ mới có thể nhận ra rằng ta vốn là người có tâm từ bi thật lớn, chỉ có trí tuệ mới có thể giúp chúng ta nhìn rõ ràng được chúng ta vốn là người có tình thương, thương tất cả, thương mọi người như thể thương chính mình. Chỉ có trí tuệ ta mới nhìn thấy rằng Đức Phật thương yêu chúng ta thật nhiều, Ngài luôn ban rải năng lượng tình thương xuống cho chúng ta. Chỉ có trí tuệ chúng ta mới có thể nhìn thấu muôn sự ở đời, rắc rối xảy ra đều chẳng thể tồn tại mãi mãi, nó chỉ là một cụm mây đen che một chút xíu vùng trời tâm thức. Làm cho cảm giác hơi hơi xiêu xiêu vậy thôi, không sao, nó có xỉu một chút xíu, qua những cảm giác phiền não rắc rối kia, thì nhớ rằng ta luôn luôn là người Ma Sa Ốp Uê tỉnh thức và được chư Phật đồng hành với chúng ta. Ta sẽ đứng lại ngay chỗ ta xỉu, ta té, ta đau để vững chãi hơn, trưởng thành hơn, hùng dũng hơn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục đi về phía trước, không thể đi lùi. Ta đã rời chỗ ta đi thì chẳng thể trở về đó nữa, sẽ tạo thành tập khí quen mà ở đời hồi nhỏ người ta hay nói Bảo Thành nghe gọi “quen môi thì thấy mồi ăn mãi”. Ta quen tập khí của những cảm giác đó rồi, nhớ khi rời xa bến con đò kia phải đi mãi để cập bến mới, bến mới là bến gì? Là bờ giác ngộ, chứ đừng quay đầu trở lại bến cũ luân hồi sanh tử.
Trên con đường học Phật tại gia hoặc xuất gia, chúng ta đã rời xa thật nhiều những bến u tối của những cảm xúc, cảm giác không tốt rồi, đừng quay trở lại. Hãy nhớ chúng ta có cả một trời tâm thức tỉnh giác, yêu thương, từ bi, trí tuệ. Chúng ta có Phật ở trong tâm, chúng ta đã hấp thụ được một nền đạo đức thực vững chắc, không thể để cho những cảm xúc lăn tăn kia làm cho ta buồn, rầu rĩ, đau đớn. Ta có Phật, ta có chư Tổ, chư Thầy, ta có ông bà cha mẹ, ta có biết bao nhiêu những người yêu thương lúc nào cũng hướng tới ta. Đời phải nhận biết rằng từ bi có đầy hết ở tất cả mọi pháp giới, Đức Phật, các vị Bồ Tát, các Ngài là đấng đại từ đại bi. Ta đã có đủ nhân duyên sống trong biển trời yêu thương của Trời Phật, của ông bà cha mẹ, của các bậc thầy thiện tri thức và của các bạn đồng tu. Không có lý do gì để những cảm xúc vụn vặt trong tương tác hàng ngày làm cho ta đen tối, bực bội, khó chịu. Mây đen không thể che phủ trời tâm thức, những cảm xúc nhỏ kia không thể che phủ tâm thức của chúng ta. Tâm thức của chúng ta mênh mông tận hư không pháp giới, biến hiện hằng hà sa năng lượng siêu thế từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Từng hơi thở vào ra quán chiếu cho rõ ta sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách trong cuộc đời.
Các bạn! Mu A Mu Sa là biển trời từ bi. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là hằng hà sa ánh sáng trí tuệ và Ma Sa Ốp Uê là cả chư Phật mười phương Bồ Tát luôn luôn hiện diện trong tâm. Hãy nhớ ta đã từng và luôn biết yêu thương, biết cho đi, biết hi sinh, biết tha thứ, biết phụng hiến và ta, nơi ta luôn là một trời tâm thức của từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Ta có Phật, có Bồ Tát, ta có Thầy, có chư Tổ, ta có ông bà cha mẹ, ta có các bạn đồng tu và ta luôn dũng mãnh trực diện với tất cả mọi hiện tượng xảy ra, tạo nên những cảm xúc, cảm giác khi va chạm trong cuộc đời và nói với chính mình tất cả những cảm giác đó quá nhỏ, quá bé, chẳng thể làm cho tôi hư mất hoặc biến mất. Các bạn hãy nhớ và nói với chính mình, mây đen của những cảm xúc, những cảm giác va chạm trong đời không thể che kín tầm nhìn có trí tuệ, không thể đẩy lui năng lượng biết yêu thương và không thể đày đọa ta vào cõi u mê, ta luôn tỉnh giác. Nhớ rằng ta luôn luôn có sự gia trì của Phật, của Bồ Tát, của ông bà cha mẹ, ta luôn luôn có sự gia trì của chư Thầy Tổ, của các vị Thầy và luôn luôn có được sự hồi hướng của tất cả các bạn đồng tu, phải dũng mãnh lên.
Chúng ta hãy trở về hơi thở chánh niệm.
Thưa Phật! Những cảm giác và cảm xúc lăn tăn trong va chạm của đời thường, con nguyện trở về quán chiếu tâm từ bi, ánh sáng trí tuệ và sự tỉnh giác. Để sống rõ với bản nhiên Phật tánh của mình là biết cho đi, biết hy sinh, biết yêu thương và luôn luôn sáng mãi nơi lòng bao dung và tha thứ. Xin Ngài luôn gia trì cho chúng con trên mọi nẻo đường cầu đạo giác ngộ, để chúng con vững tâm đi theo chí nguyện giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Thanh tịnh hóa thân tâm.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Chúng con nguyện giữ chánh niệm hơi thở, trở về với bầu trời tâm thức của vô lượng quang, vô lượng từ bi, vô lượng trí tuệ và yêu thương tỉnh giác. Nếu sự đồng tu ngày hôm nay chúng con tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho tất cả những ai thiếu thốn, đau khổ phiền não, có đầy đủ có hạnh phúc, có an lạc và sau cùng chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.