Bảo Ngân đánh máy
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chuẩn bị đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con tinh tấn, biết đứng dậy tu tập Chánh niệm hơi thở, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác để có đủ Trí Tuệ quán chiếu thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng nương theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành. Hồi hướng công đức cho tất cả những ai đang lâm bệnh biết tỉnh giác, biết tu tập, nương vào bóng từ ân của chư Phật, Chánh niệm Từ Bi, đầy đủ phước báu, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và đồng cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chiến tranh chấm dứt. Xin chư Phật chứng minh.
Mời các bạn ngồi xuống, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Luôn luôn ghi nhớ ở trong lòng lời Đức Phật dạy cho chúng ta là lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương để có một đời sống tỉnh thức viên mãn. Mật thiền song tu trì mật ngôn Mu A Mu Sa nghĩa là quán Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán Trí Tuệ để nhìn rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Trong từng hơi thở vào ra, Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác quán sẽ giúp cho chúng ta đón nhận được mật điển của chư Phật ban rải xuống, tăng trưởng sức mạnh về thể chất và tinh thần và sự trong sáng của tâm linh. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến, chúng ta đi vào chủ đề ngày hôm nay, nhìn trên màn ảnh Bảo Thành thấy rùng rợn sợ hãi, bởi nhớ về thuở còn rất thơ chúng ta ai cũng từng nghe qua về ma. Mà hôm nay, trong chủ đề bạn nào đó gửi về, ma mà chúng ta bàn bạc nói tới không phải loại ma thường đâu, gọi là “Ma Đạo Tổ Sư”. Thuở còn rất thơ, tâm hồn của chúng ta trong trắng, thế vậy có thể là ông bà cha mẹ người lớn thường hù dọa cứ nói đến ma, làm cho chúng ta chẳng biết vì sao cái tâm tưởng thiện lành trong trắng như câu nói “nhân thơ sanh, tánh bổn thiện”, mới sanh tánh thiện còn mà đã mang ma ghi vào, nhét vào, nhồi vào nhốt vào trong tâm của những em bé. Hầu hết những em bé nào ngày xưa và ngày nay nói đến ma đều rùng rợn, sợ hãi. Khai thác cái chữ “ma” một cách triệt để như một thương hiệu để thể hiện mình biết rõ về ma, các nhà văn bắt đầu viết về những chuyện ma, nói về những chuyện ma. Các họa sĩ cũng trổ tài theo các nhà văn, vẽ nên hình hài của ma quỷ dữ tợn. Chạy theo các nhà văn, các họa sĩ, các người hoặc chư vị nào đó đi tu cũng muốn cho mình có cái tài văn hoa, nhưng không phải nhà văn để viết, không phải nhà họa sĩ để vẽ, mà nói cho ra vẻ ta đã thấy ma, gặp ma, biết ma và còn biết cả tổ sư của ma đạo. Các nhà thương gia lợi dụng chuyện đó để viết truyện ma, làm phim ma, cả game ma nữa, bán ầm ầm, tiền vô như nước. Nói ma, viết ma, đóng phim ma, họ trở nên giàu có.
Có lẽ ma đạo nó cũng đi sâu vào tâm tư của người Việt Nam, bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa của Trung Hoa. Người Trung Hoa họ giàu về văn chương, giàu về trí tưởng tượng. Họ vẽ lên biết bao nhiêu cảnh ma đạo, tiên đạo, thánh đạo, thần đạo, Phật đạo theo cái sự tưởng tượng của họ. Cho nên cái thế giới vô hình đối với người Trung Hoa thật là uyên thâm. Có thể nói người Trung Hoa nói một hiểu mười, từ đó họ có thể nhìn thấy một chút thôi nhưng họ có thể vẽ ra chín, mười tầng mây cao siêu nhiệm màu. Nhưng cái mây của họ nhìn thấy đều là mây đen chẳng phải là kiết tường vân, cho nên những điều diễn thuyết của họ nằm trong sự hoang tưởng mà thôi.
Ma mà còn có tổ sư, “Ma Đạo Tổ Sư” hình như là một cái chủ đề nặng ký, bán được nhiều tiền bởi truyện viết ra hoặc phim ảnh của những người ăn ké ăn theo cũng dùng chữ “ma đạo tổ sư” bòn mót được chút đỉnh tịnh tài. Đó là cách của con người, thấy cái gì nổi nổi một chút xíu là bám víu vào bởi ai cũng chết chìm trong cái sự thiếu hiểu biết nên nghe cái chuyện gì càng không biết, càng không rõ thì càng bám víu vào như người chết đuối gặp được cái phao bám chặt vào đu lên trên đó. Các bạn có thấy ma chưa? Nhiều trong các bạn đã kể như ma đè, thấy ma, và hỏi nhiều vị tu thì cũng nói ma có thật. Và Đức Phật khi chuẩn bị giác ngộ cũng bị ma ba tuần gọi là ma chúa, nói đúng hơn là ma đạo tổ sư, thiên ma, điạ ma, tâm ma, đủ thứ ma nó quấy nhiễu. Nhưng Phật lúc ấy định được tâm (nên mới gọi là Phật) thấy rằng tất cả những loại ma đó nó qua tâm tưởng mà hiển lộ biến hình, nếu định được tâm chẳng còn chỗ nào để ma đi vào. Đó là con đường đạo, còn trong dân gian, chữ “ma đạo” vẫn lan truyền nhiều lắm, ám chỉ cho những con đường bất thiện, cái cuộc sống vô hình, hay những ngôn từ vô hình để hù dọa, để giết hại, để chiếm đoạt, để tiếm quyền đoạt danh. Nó hình thành cả một hệ thống ma đạo, đi đến thờ ma, nuôi ma, chơi với ma, ngủ với ma, ở với ma và trong dân gian các dân tộc miền núi miền sơn cước hoặc ở trong thành thị cũng có những con người hiếu kỳ đi vào ma đạo. Ở bên Mỹ này, có phái thờ cả quỷ Satan. Con người mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Và ma đạo tổ sư là ai? Theo nhiều truyện viết về ma, có ma thì có thầy pháp trị ma, vẽ bùa trì chú, bắt ma nhốt vào cái bao, quẳng lên trên vai, đi một hồi ăn uống, thưởng cho mình cái công bắt ma, say bí tỷ lại quên cái túi. Rồi ai đó mở ra, ma lại phá mọi người. Và những cái chuyện như vậy lâu lắm rồi nó cứ thế theo cái lối mòn của sự tò mò nơi chúng ta đã tiếp sức cho người ta viết truyện, dựng phim, đồn thổi. Hoặc tiếp sức cho các thầy pháp, hoặc tiếp sức cho các vị gọi là chân tu thấy ma thấy quỷ xuống địa ngục, vẽ vời cảnh giới vô hình mà chẳng bao giờ thấy. Nếu nói cho ngay cái lòng người thì họ hoàn toàn là nói ra những điều để có lợi cho quyền lực, cho đồng tiền, cho danh tiếng của chính họ.
Mình là người tu Phật, là người Phật tử tại gia và là những chư vị xuất gia, nghĩ lại thử coi chúng ta có khi nào chúng ta nghĩ về ma chưa? Nghĩ lại thử coi chúng ta có khi nào nói chuyện về ma chưa? Nghĩ thử coi chúng ta có nghe gì về chuyện ma chưa? Có, đầy hết. Mục đích ta nói chuyện ma để làm gì, nghe truyện ma để làm gì? Tò mò hay hù dọa. Thôi, mỗi người có một cách trả lời. Nhưng nói về cái nguyên nhân chính mà Thái tử Tất Đạt Đa đi tìm con đường giải thoát để thành Phật và truyền dạy cho chúng ta một con đường, con đường ấy có nói về ma hay không và mục đích ban đầu là gì? Thưa, Ngài có nói về ma nhưng mục đích nói về ma của Ngài chẳng phải là tô điểm cho màu sắc như các họa sĩ. Bởi có thật nhiều họa sỹ nói vẽ ma dễ lắm bởi có ai thấy ma đâu, vẽ sao cũng được. Đúng, nói về ma thì ai nói chẳng được, cứ theo tưởng tượng mà diễn, mà nói, mà vẽ, mà viết, mà hù dọa. Còn chư Phật chẳng như thế. Mục đích tối hậu của Ngài khi còn trẻ là Thái tử là nhìn thấy con người một cách thực tế sanh – lão – bệnh – tử khổ và từ đó Ngài thấy không hẳn chỉ có con người mà tất cả mọi loài chúng sanh đều quay cuồng trong cái u mê, chẳng nhìn rõ được sanh – lão – bệnh – tử luôn luôn rình rập vô thường tới lui. Khổ lắm! Từ đó, Ngài đi tìm con đường giác ngộ và Ngài đã giác ngộ bởi sự tu luyện thành bậc chánh đẳng chánh giác gọi là Phật, là đấng tỉnh giác. Và khi Ngài tỉnh giác được gọi là Phật thì Ngài luôn luôn đi hướng dẫn cho chúng sanh nhận biết được cái cách làm sao để thoát ra khỏi cảnh luân hồi sinh tử. Và một trong những điều đưa chúng ta nhốt vào trong vòng sanh tử ấy chính là ma, ma đạo, mà ma đạo đó có nhiều con ma nhỏ, ma con, ma cháu, ma chắt. Nhưng đứng đầu các loại ma nhốt ta vào sanh tử ấy chính là tổ sư của ma đạo. Tay tổ sư này ghê gớm lắm, Phật còn phải khốn khổ với nó khi còn là Thái tử, tu tập dữ lắm mới thuần hóa, mới làm chủ được cái ông tổ sư của ma đạo. Và khi làm chủ được tổ sư ma đạo, thuần hóa được tổ sư ma đạo thì Ngài đã thành Phật.
Các bạn, tổ sư của ma đạo là ai? Trước khi nói đến tổ sư của ma đạo thì ngày xưa ở Việt Nam có một vị vua, đó là ngài Trần Nhân Tông, ngài muốn đi lên núi để tu. Một vị quân sư hỏi ngài rằng, ngài lên núi để làm gì? Ngài Trần Nhân Tông nói, tôi lên núi để đi tu, tôi lên núi để gặp Phật. Vị quân sư mới nói cho ngài thấy và biết rằng, trên núi chẳng có Phật, trên rừng chẳng có Phật, trong hang chẳng có Phật, trên hư không chẳng có Phật, ở dưới biển cũng chẳng có Phật. Phật ở đâu? Đức Phật ở nơi tâm. Ngài Trần Nhân Tông có ngộ tánh cao, nghe và hiểu. “Cầu Phật tại tâm” thật rõ, ai cũng đã từng nghe, nhưng mấy ai tu tập để trở về với Phật ở nơi tâm. Khi nói đến tổ sư của ma đạo cũng chẳng ở trên rừng, trên núi, nhà hoang, dưới biển, trên trời, dưới động, như người ta hù dọa ở cõi thiên ma nào đó chớp chớp sét đánh ầm ầm mây đen phủ kín xuất hiện ma, tổ sư của ma đạo hoành hành thế gian. Đó là câu chuyện, những mẩu chuyện đời thường theo trí tưởng tượng. Nếu Phật tại tâm thì tổ sư của ma đạo cũng tại tâm. Tâm ma hay tâm Phật đều ở trong chúng ta. Thành ma hay thành Phật cũng từ tâm mà ra, điều này phải rõ.
Nhưng cái điều gì gọi là tâm Phật? Tâm Phật là tánh thấy biết rõ ràng trong Chánh kiến. Còn tâm ma là những cái thấy nằm ngoài sự biết rõ ràng bằng Chánh kiến của ta, mà cái thấy đó gọi là vọng tưởng, vọng tâm. Tổ sư của ma đạo chính là vọng tâm, chính là vọng tưởng. Người mà có cái tâm vọng như thế gọi là vọng tưởng, vọng tâm nhiều, người ấy mẫn cảm, nghe chút chút là biết được nhiều thứ lắm mà dân gian thường hay nghịch ngợm nói “nghe một hiểu mười”. Họ nghe một câu họ nói đến mười câu, họ nghe một câu họ tưởng tượng đến mười câu. Và từ đó đã tạo thành một cái nền tảng vững chắc cho ma đạo tổ sư giáng vào tâm làm chủ chúng ta. Chuyện này có, từ tâm mà ra, vọng tưởng mà ra, ta nghe mà chẳng như nghe, ta dùng cái tâm dung liên tới tức là tưởng tượng và liên kết theo cái của mình (cái vọng tưởng có phần đó) để cái nghe như vậy chẳng nghe như vậy mà nghe như thế nào ấy.
Có vị thiền sư người ta tán tụng là đắc đạo. Có một chú tiểu bé bé tới làm thị giả cho ngài. Hôm ấy, chú tiểu làm cái gì sau bếp ngay góc núi, nói to lắm: “Sư phụ thiền sư ơi, ra đây đỡ cái này giùm con một chút”. Sư phụ thiền sư chạm lòng tự ái, đắc đạo nhưng hơi tự ái một chút, có đời nào đệ tử lại sai khiến sư phụ như vậy không? Ông ta để mặc vậy, lim dim đôi mắt đi vào nơi cõi thiền. Một lúc sau, chẳng nghe thấy chú tiểu đệ tử kêu nữa, thiền sư xả thiền đi ra phía sau nhà bếp, đến gần thì thấy chú tiểu đang bị tảng đá lớn đè. Cũng rất may là không bị sao, chỉ bị kẹt đè ở trong nên tìm đủ mọi cách đỡ đẩy cục đá để tiểu thoát ra. Chúng ta là như vậy.
Một người con dâu gặp mẹ nói: “Mẹ ơi, mẹ nấu giùm con chén trà”. Người mẹ mọc sừng ứng ngay: con dâu hỗn, không nấu trà dâng cho mẹ mà lại sai mẹ nấu trà. Từ cái nghe một nghĩ đến mười chứ không phải là hiểu mười, dệt thành câu chuyện từ đầu làng đến cuối làng: ôi đứa con dâu đó nhất định là đứa hư. Còn nếu nghe như nghe, có thể con dâu mệt, có thể con dâu bị cái gì đó mà cần một chén trà dâng cho cha, dâng cho ai đó, nhờ mẹ. Hoặc như chú tiểu vô tình hay hữu tình gì đó bị tảng đá đè, kêu sư phụ ơi đỡ giùm con, nếu chỉ nghe sư phụ ơi đỡ giùm con, chỉ nghe mẹ ơi nấu giùm con chén chè thì đơn giản quá, chạy ra sau đỡ tảng đá, nấu chén trà, chấm hết, vẫn yên vẫn vui, thể hiện được tình thương. Nhưng chúng ta đã đặt mình lên quá cao để cho cái chỗ đứng của ma đạo tổ sư hiển lộ, sân giận thật rõ, nghe một thấu đến trời cao chứ không phải là mười, thêu dệt cho lắm, tạo khổ cho nhau.
Có một vị sư cả ở một ngôi chùa thật nhỏ, trong một khu rừng. Có một Phật tử tới cúng cơm cho ngài. Hôm ấy cúng cơm, thấy quan quân ngồi kín ở trong cái chánh điện ngày hôm đó, nói chuyện với vị sư cả già kia. Người Phật tử đứng ở xa chẳng nghe thấy gì, nhưng thấy quan quân lễ phục nhìn ngài sư cả trang nghiêm lắm, người Phật tử nghĩ rằng: “Thôi, ta mang cơm đến cúng cho sư cả, nghe nói chỉ có sư ở đây một mình thôi, nghèo, nên đến cúng. Nay tới chùa mới thấy quan quân đầy ở trong đó. Nhà quan mà vàng thì thiếu gì, quân mà của thì dư giả. Cơm của dân thường như ta sư cả cần gì”, cho nên quay mặt đi về. Trên đường về người Phật tử nghĩ, ông sư này giàu lắm, quan quyền đều tới đây, vàng bạc thì thôi không biết sao, chắc có lẽ giấu đâu đó chẳng chịu xây chùa to, giấu đâu đó chẳng chịu ăn uống, cứ để người Phật tử cúng. Đi về tới nhà thì nghe hàng xóm xôn xao chỉ tay lên trên núi, trên cái chùa nhỏ của sư cả có chuyện. Người Phật tử này nói ngay, nói to lắm: “Ôi, tôi biết mà, tôi vừa ở trên đó về xong, tôi thấy quan quân đầy ở trên đó, ông sư cả đó giàu dữ lắm, vàng bạc nhiều, toàn là vua chúa tới lễ lạy, tiền thì thiếu gì. Tôi mà có cái chùa như vậy, hoặc tôi đi tu mà làm được cái chùa như vậy thì chắc là tôi giàu”. Và từ đó, anh ta kể đủ mọi thứ và liên tưởng cho tâm tánh của mình: thôi đi xuất gia, đi tu, tạo dựng cái chùa để quan quân tới, có tiền. Anh ta đi một vòng từ dưới địa ngục lên tới thiên đình biết bao nhiêu chuyện tưởng tượng ra: vàng bạc châu báu, đi tu thật là sướng. Nhưng dân nói: “Không phải, không phải, chuyện anh kể hoàn toàn không đúng đâu, chúng tôi vừa được nghe và biết chuyện, nhà sư đã bị quan và quân bắt đi mất rồi”. Anh ta không tin chuyện đó, ùn ùn theo người dân kéo lên trên núi, ngôi chùa hoang vắng, sư cả đã đi mất vì quan đã bắt đi do muốn điều khiển sư cả nhưng sư cả chẳng nghe.
Những cái câu chuyện nhỏ nhỏ thực tế tản mạn trong dân gian nói về việc chúng ta thường có cái vọng tưởng thêu dệt cho lắm. Vọng tưởng chính là ma đạo tổ sư, nó gây ra biết bao trở ngại trên con đường tu của chúng ta. Mục đích của Đức Phật dạy để chúng ta có được cái tâm Tỉnh Giác, có được cái Trí Tuệ nhìn thấu Vô Thường, Vô Ngã. Bao nhiêu lâu không nhìn thấu Vô Thường, Vô Ngã, bám vào cái cái ngã tướng, vào những cái sự hiện hữu tưởng là có trong tâm tưởng của vọng thức, ta sẽ khổ. Ta quên đi mục đích đó, ta vẽ vời thiên ma, địa ma, binh tướng nhà trời, địa binh, thiên binh, đủ mọi loại hết. Ta phóng tác, sáng tác, tạo ra những mẩu chuyện, nghe một hiểu mười. Thông minh à? Vọng tưởng đó, nghe được một câu, nhìn thấy một chút là thêu dệt lên biết bao nhiêu thứ, tâm đó là tâm vọng. Mà tâm vọng đó chính là ma đạo tổ sư, chính là tổ sư tạo ra chướng nghiệp và sinh sản ra biết bao nhiêu những loại ma con từ ý tưởng, từ lời nói, từ hành vi. Để rồi cái tâm chơn phương, chất phác, thiện lành, chân chính của ta đã bị ma đạo tổ sư tẩm mực tàu vẽ đen thui ngoằn nghèo, cái tâm chẳng còn ngay còn thẳng như thuở đầu.
Ý người Phật tử khi tới cúng cơm cho sư cả nhưng chẳng nhìn thấu, giận sư. Rồi ghép vào tâm tưởng của vọng thức, thêu dệt đủ thứ. Vị thiền sư lim dim con mắt mà cũng liên tưởng tới vị đệ tử hỗn, sai bảo sư phụ. Người mẹ chồng cũng thế, đặt mình lên cái oai phong, lẫm liệt của người mẹ chồng. Người con dâu nhờ một chút cũng đã nghĩ đủ thứ, đâu ngờ con dâu đang cấn thai đau đớn quá trời, làm sao nấu trà cho cha chồng được. Cuộc đời có biết bao nhiêu thứ, chúng ta cứ tưởng tượng ma trên rừng, trên núi, trong động, trong hang, trên trời, dưới đất, chẳng khi nào nghĩ ma đạo tổ sư nó hiện diện trong cái tâm vọng, vọng tưởng của chúng ta. Tới chùa sơ sơ, thắp nén nhang nhìn lên ông Phật, thấy Phật rồi, Phật chứng rồi. Ngày nay trong nhân gian biết bao nhiêu người vỗ ngực xưng tên rằng thấy Phật, thấy Bồ tát giáng xuống; Ta là Phật, Ta là Bồ tát giáng xuống mượn xác; Ta có linh căn trời đất xuống đây mượn xác cứu nhân độ thế. Những cái điều như vậy không nằm trong mục đích của Đức Phật dạy cho chúng ta. Và nếu thấy thì đó là tổ sư của ma đạo, tâm vọng tưởng.
Mục đích của Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta là làm sao thấu rõ được cái điều gì tạo ra khổ. Do vọng tưởng đấy, không nhìn thấu được Vô Thường sanh diệt, cái tâm có ngã tướng của mình nên khổ. Và đã luẩn quẩn đi vào cái vòng sanh tử, sinh – lão – bệnh – tử luân hồi triền miên. Ngài dạy cho chúng ta mang ánh sáng Trí Tuệ, mang năng lượng siêu thế Từ Bi, và giữ cái tâm Tỉnh Giác để can qua những lộ trình đen tối của vọng tưởng nhiều đời đã đan xen vào trong tâm của chúng ta. Bạn đừng để cho các nhà văn, họa sĩ, đừng để cho các nhà sư hoặc các cư sĩ hoặc người này vị kia nói về ma theo cách tưởng tượng huyễn giả của họ hấp dẫn. Âu cũng là vì thuở nhỏ, cha mẹ ông bà cứ nói ma và rồi từ đứa trẻ thơ ngây, chúng ta đã ngộ nhận ma là thật.
Có một cái thế giới, Phật nói về ma nhưng nói về ma là sự chướng ngại do vọng tưởng, vọng thức; Phật nói về ma, ma là sự chướng ngại của cái tâm không nhìn rõ Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Phật nói thật nhiều về những điều đó. Chúng ta phải nhớ, con người khổ là bởi vì trong tâm có vị tổ sư của ma đạo ngồi trên cái ngai của vọng tưởng để biến mình thành người siêu xuất, nói một hiểu nhiều, chẳng phải hiểu mười nữa, nhìn một điểm thôi mà nhìn thấy cả vũ trụ hư không, nghe một chữ thôi là thấy cả thiên la địa võng bao trùm hết, đi đâu cũng chứng tỏ. Thiếu gì những chuyện như vậy, người ta cứ vẽ vời để tạo khổ cho nhau, tạo nghiệp cho mình mà không biết.
Hãy tự hỏi, ta là Phật tử, ta tu theo Phật để làm gì? Câu trả lời phải chính xác là để chuyển hóa khổ đau và phiền não để thành tựu được hạnh phúc và an lạc ngay bây giờ, tại đây, lúc này. Và để thành tựu được hạnh phúc và an lạc, chuyển hóa khổ đau và phiền não, chúng ta cần phải có Trí tuệ, cần phải có Từ Bi và Tỉnh Giác qua công hạnh tu và luyện. Tu cái tâm, luyện cái miệng, sửa mọi hành động. Chỉ có vậy vọng tưởng sẽ biến mất, Chánh định sẽ có. Đừng để cho những câu chuyện ma thêu dệt ám ảnh, để rồi các bạn là cái miếu để cho tổ sư ma đạo đi vào cuộc đời của các bạn để xả rác vào thân tâm, tạo nghiệp cho chính mình.
Ma đạo tổ sư là những câu chuyện hấp dẫn giới trẻ và ngay cả những vị lớn tuổi bởi chúng ta học Phật không nghiên cứu, không nhìn rõ, những câu chuyện về ma vẫn hấp dẫn. Và chúng ta thật sự là tổ sư của ma đạo nghĩa là người luôn luôn tạo mọi chướng ngại cho chính mình và cho người. Nghe một mà nghĩ mười, nghĩ đến một trăm, nghĩ đến trời đến đất, đến thiên đến địa. Nghĩ lại một chút, nếu cái vị thiền sư kia có một chút lòng nhân ái, chẳng nghĩ đến cái chức vị đệ tử kêu, và nghĩ đơn giản chú tiểu đệ tử kia kêu sư phụ ơi đỡ giùm con và ra đỡ thì tảng đá kia nhất định sẽ không đè lên chú tiểu. Tại sao vị thiền sư kia cam tâm nhắm mắt du hồn vào trong cõi thiền, chẳng nghe tiếng kêu cứu của đệ tử chú tiểu nữa? Nếu người mẹ chồng thương con dâu nghĩ nấu trà thì nghĩ đơn giản nấu trà, thôi thương con dâu quá đi nấu trà. Nhưng lại nghe có một câu mà thông đến cả trăm câu: ôi con dâu tôi, con dâu tôi sai mẹ chồng, là cả một cái chuyện đầu làng đến cuối xóm đều biết về ôi con dâu, đâu hiểu nó đang cấn thai cháu nội của mình đấy. Còn nếu như người Phật tử đến cúng cơm cho sư cả của chùa kia, thấy quan quân bao bọc thì cũng hiểu rằng mình cúng cơm cho sư cả thì cúng đi. Nhưng không, thấy quan quân ngồi đó thì về thêu dệt chùa giàu, ông thầy giàu có tiền, thôi ta về ta làm thầy chùa đi vào hang cốc lấy tiền xài chơi, quan quân cúi gập mình xuống quỳ lên lạy lạy thưa ông đây này.
Chúng ta đều làm những chuyện như vậy thôi. Bảo Thành và các bạn cứ để vọng tưởng nó chạy như con đỉa nó bám vào trong tâm, như con rồng nó bay nó múa, thấy huy hoàng đẹp nhưng đó chỉ là tổ sư của ma đạo. Chẳng phải tổ sư thiền đâu các bạn, tổ sư của ma đạo đấy. Chúng ta phải khẳng định rằng Phật tử tại gia hay xuất gia theo Phật là để nhìn thấu vào vọng tưởng còn chấp vào cái Vô Thường, Vô Thường chẳng thấy Vô Thường, Vô Ngã chẳng thấy Vô Ngã, Vô Thường thì thấy thường hằng, Vô Ngã cho rằng có Ngã nên khổ. Thấu được điều đó bằng Trí Tuệ quán chiếu trong Chánh niệm và mang năng lượng siêu thế Từ Bi rải xuống cho chính ta và rải tới cho muôn người để ta được thức tỉnh, mọi người được tỉnh thức. Nhất định vọng tưởng sẽ tiêu tan và phiền não đau khổ đoạn diệt, hạnh phúc và an lạc sẽ đến với chúng ta. Đừng mơ ước nghe một hiểu mười theo kiểu của vọng tưởng, mà hãy làm theo lời Phật: nghe như nghe, thấy như thấy, biết như biết bằng Trí Tuệ, bằng Từ Bi, bằng sự Tỉnh Giác thì nhất định cuộc sống của chúng ta sẽ vui, và cuộc đời của chúng ta, kiếp người của chúng ta không biến thành cái miếu để thờ ma đạo, để tổ sư của ma đạo ngự ở trên đó, ngồi ở trên đó điều khiển chúng ta.
Mời các bạn trở về với hơi thở. Thưa Phật, chúng con học Phật đạo chứ không đi theo ma đạo tổ sư, sống trong vọng tưởng lầm chấp. Xin chư Phật gia trì cho chúng con biết Chánh niệm hơi thở, biết quán Trí Tuệ, Từ Bi, Tỉnh Giác để nhìn rõ vọng thức của chúng con, chuyển hóa chúng, để có một cái tánh nhìn viên dung thông suốt được cội nguồn của nghiệp thức.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta cùng hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con nếu có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.