Bảo Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook. Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con luôn tinh tấn, tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh giác qua Chánh niệm hơi thở để nhận rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng một lòng hồi siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Và một lòng hồi hướng công đức cho tất cả quý Phật tử đang lâm bệnh, có đầy đủ phước báu, dũng lực, trí lực để gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện cho thế giới được hòa bình.
Mời các bạn ngồi xuống trong tư thế thong dong và tự tại phù hợp với cơ thể. Đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta đồng nhớ về lời của Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Trong Mật Thiền song tu, phương tiện chúng ta ứng dụng là hơi thở của Chánh niệm và hiện thời là ba mật ngôn. Mật ngôn thứ nhất: Mu A Mu Sa, có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôi thứ hai là: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, thấu rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Mật ngôn số ba: Ma Sa Ốp Uê, có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Ba mật ngôn này có nghĩa chung là quán Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Với hơi thở Chánh niệm quán chiếu tâm như thế, chúng ta sẽ có cơ hội gắn kết mật thiết với mười phương Chư Phật và được các Ngài ban rải mật điển năng lượng siêu thế, ấn chứng cho chúng ta trên con đường tu. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến! Đức Phật nói rằng: “Chính Ngài cũng không thể độ được những ai không có duyên”. Trên thế giới này, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn trên 2560 mấy năm, các lời dạy của Ngài là những phương tiện lưu truyền phổ quát. Tùy vào quốc gia, dân tộc, phong tục tập quán, trí tuệ mà phương tiện lời dạy của Ngài được ứng dụng khác biệt. Đúng với lời Phật dạy, tất cả những gì bậc giác ngộ dạy đều là phương tiện, mục đích duy nhất là chuyển hóa khổ đau, phiền não, để dẫn đưa người thực tập đạt được sự hạnh phúc an vui, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Mỗi một người trong chúng ta, căn cơ, định nghiệp, biệt nghiệp, nói chung là nghiệp khác nhau, căn duyên khác nhau. Do đó, các pháp phương tiện cũng khác, mỗi người phù hợp với một pháp môn.
Nhưng ở trong đời, thông thường dù tu theo pháp môn nào, chúng ta cũng cứ đưa đẩy bản thân của mình về cái kiếp sau. “Kiếp này khổ lắm, cố gắng tu, kiếp sau được sướng. Kiếp này đọa đầy, gắng tu đi để kiếp sau sống ở cảnh giới cao, có thể nơi Tịnh độ Phật Di Đà hoặc cảnh giới thiện lành, tái sanh vào những nơi an bình hơn. Kiếp này chúng ta tội lỗi nhiều quá, ác nghiệp nhiều quá chẳng xứng đáng đâu, gắng kềm mình thui thủi một mình chỗ này chỗ kia tu đi để kiếp sau….” Hình như nó cũng ảnh hưởng từ câu hồi nhỏ cha mẹ thường dạy: “Các con ạ, cố gắng học để ngày sau được hưởng, cố gắng học để ngày sau…” Cái chữ “ngày sau” đó, bỏ cái chữ “ngày” thành cái “kiếp sau”, dễ mà, hoán đổi một xíu thôi. Cho nên quen miệng, “gắng học để ngày sau” thì thành “gắng tu để kiếp sau”, có xa xôi gì đâu, đó là một cái thói quen. Chúng ta thường thể ước với nhau: “Nếu kiếp sau…”, nghe rất là cải lương như một giọng hát, hình như chỉ là để ca nghe cho sướng thôi.
Cách đây khoảng hai tuần có một cô Phật tử tới chùa gặp Bảo Thành, nước mắt chảy dài, cô ấy nói: “Mẹ cô vừa mất”. Cô ấy kể rằng trong lúc chăm sóc cho mẹ bệnh hoạn, cô ấy đã nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi nếu có thể, con có thể giảm tuổi thọ để cho mẹ được sống lâu hơn” và “mẹ ơi nếu có kiếp sau, con nguyện sẽ làm con của mẹ tiếp tục”. Hình như cách nói này Bảo Thành nghe thật nhiều người nói: “Nếu có kiếp sau, em vẫn là vợ, anh vẫn là chồng, con vẫn là con, mẹ vẫn là mẹ, cha vẫn là cha”. Ta thường mang cái câu văn chương chữ nghĩa nói vậy cho suông. Có thể khi cảm xúc đau khổ, ta nói rất thật với lòng của ta. Nhưng cái thật của lòng ta là hẹn kiếp sau: “Nếu có kiếp sau, con vẫn là con của mẹ”, “Nếu có kiếp sau, mình vẫn là như thế”. Chắc chắn, các bạn và Bảo Thành hình như cũng thoáng thoáng qua tâm những lời hứa như thế với ai đó. Chúng ta đôi khi vẫn chạy theo cái cách văn tự, ăn nói hoặc viết sách cũng hay, thích rồi copy, mình nói một cách vô tình, nói suôn sẻ dữ lắm nhưng mà không hàm ý, tư duy cho rõ.
Người Phật tử của chúng ta phải nhận rõ rằng có kiếp sau, chắc chắn có kiếp sau. Không phải là “nếu có kiếp sau”. Nếu bạn học Phật, nếu chúng ta là Phật tử mà còn dùng chữ “Nếu có kiếp sau con nguyện làm con của mẹ, con nguyện làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ,…” làm đủ thứ, thì cái nếu kia chỉ là cái phòng hờ cho một điều ta chẳng quan tâm. Sao các bạn không nói: “Chắc chắn kiếp sau con sẽ làm con của mẹ tiếp”, mà phải dùng: “Nếu có kiếp sau”? Sao các bạn không dùng cái hứa hẹn: “Chắc chắn kiếp sau em, anh, sẽ là vợ là chồng, là cha là mẹ, là con cái, là thân bằng quyến thuộc” tiếp? Mà nếu có chữ “nếu” là hợp đồng không rõ ràng. Bởi vì ta có thể cãi vã, tranh luận khi dùng chính cái lưỡi miệng gọi là luật sư của ta, “Tôi nói nếu mà”. Xưa đến giờ, cái chữ “nếu” là chữ đảo ngược cuộc đời, gây rối loạn thần kinh, ức chế tinh thần. Không hay! Người học Phật phải biết chắc chắn và khẳng định theo lời Phật dạy khai thị: Chắc chắn có kiếp sau. Và biết chắc chắn có kiếp sau rồi thì ta hẹn gì ở kiếp sau, trong khi ta đang tu bây giờ là tu với cái cứu cánh giải thoát khỏi luân hồi sinh tử? Ta phát nguyện để được giải thoát, sao còn kèm theo một cái hợp đồng hờ hững bên hông là để được làm mẹ, làm chồng, làm con làm cái? Chúng ta thấy con người thường ký cái hợp đồng không xuyên suốt, hay có sự xiên xẹo kèm để phòng hờ.
Các bạn! Chủ đề các bạn gửi tới ngày hôm nay cũng bởi vì có chữ “kiếp sau”. Nhìn lên màn ảnh các bạn thấy: “Nguyện kiếp sau thân là sen”. Kiếp sau nha. Chữ sen, “thân là sen”, là ngôn từ của Tịnh Độ Tông, theo sự diễn giải của Kinh A Di Đà, của Kinh Vô Lượng Thọ, trong pháp môn Tịnh Độ, mỗi một người chúng ta tu, niệm niệm từng thời, từng khắc, từng giây, lúc nào cũng tưởng nhớ đến Đức Phật A Di Đà là đấng vô lượng Từ Bi, vô lượng Quán, vô lượng Thọ, thì chúng ta hình thành một cái thân sen, một đóa sen. Tùy theo phước đức công hạnh tu của chúng ta mà sen đó ở cảnh giới, thấp hay ở cảnh giới cao hơn. Cho nên “Nguyện kiếp sau thân là sen” là một từ rất mơ mộng, một từ rất văn chương. Đây là một đoạn ca từ cải lương nghe huyền ảo, rõ hơn là không thật. Nếu chúng ta học Phật, hiểu được lời Phật, thì “nguyện kiếp sau thân là sen” hình như còn thơ mộng quá. Chúng ta nguyện kiếp sau là con, là mẹ, là chồng, là vợ, là người này, là người kia, “Nguyện kiếp sau thân là sen” thì kiếp này là gì đây? Là trâu bò, là đau khổ và đầy đọa nhau sao? Kiếp này là gì? Nếu kiếp này là gì khẳng định được thì cái “ Là” của tương lai mới đặc biệt. Còn kiếp này không là cái thứ gì, thì kiếp sau làm sao là sen? Kiếp này đầy đọa nhau, sống chẳng đúng đạo hiếu của con với mẹ, thì nguyện kiếp sau nếu làm người tiếp tục làm con của mẹ có nghĩa lý gì đâu, sẽ là gánh nặng cho mẹ. Nếu kiếp này chẳng là gì thì nguyện kiếp sau làm sen sao được? Cho nên con đường tu của người Phật tử chẳng nghĩ về kiếp sau. Bởi ta biết chắc chắn ta có kiếp sau và kiếp sau hoàn toàn thành tựu được như thế nào là do cái công hạnh tu tập, tu sửa ngay tại kiếp này.
Người học Phật tại gia cũng như xuất gia là phải nguyện ngay bây giờ, chỗ này, tại đây trong Chánh niệm. Sửa ngay, tu sửa ngay. Tu sửa cái gì? Thân, Ngữ, Ý! Thân, Ngữ, Ý là gì? là những tư tưởng, suy nghĩ, ngôn từ ứng dụng hằng ngày và những hành vi tu sửa như thế, từ Thân, Ngữ, Ý như vậy, để ngay bây giờ, tại đây, trong Chánh niệm ta được thanh tịnh. Ta là sen ngay tại chỗ. Ta là con của mẹ. Ta là vợ là chồng, là người sống đúng chuẩn mực đạo đức của Thế Tôn đã dạy, của Cửu huyền thất tổ, của ông bà cha mẹ, của những nền đạo đức trong gia tộc hướng dẫn cho chúng ta. Tu sửa ngay thôi, là sen ngay thôi, là con, là mẹ, là chồng ngay thôi, là người có đạo đức ngay thôi. Đừng hẹn đến kiếp sau, đừng nguyện đến kiếp sau. Ta nguyện là nguyện giải thoát thành Phật. Nhưng ngay trong kiếp này ta cần phải tu sửa rõ ràng. Trong một câu Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy liên quan đến sen, câu Kinh đó như vậy:
Như giữa đống rác nhớp
Quẳng bỏ trên đường hoang
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm, sạch, đẹp ý người.
Trong cách học Phật, thật là nhiều người trong chúng ta tự phỉ báng bản thân của mình là tội nghiệp sâu dày, phước mỏng nghiệp dày, là bệnh hoạn, là tiêu cực, là ác nghiệp, là xấu xa, là tội lỗi, là không xứng đáng. Điều này đưa đến hai hướng: một là tiêu cực bỏ phí cuộc đời, chẳng cần gì, sống bất cần. Hai là cam chịu để đợi kiếp sau. Cũng như câu: “Nguyện kiếp sau thân là sen” cho thoải mái. Sống không chủ động.
Phật dạy: Không! Không! Đừng đợi kiếp sau, đừng đợi ngày mai, bởi đó là tương lai. Đừng ôm quá khứ, đừng vọng ngày đã qua, bởi đó là quá khứ. Hiện tại này sống đi, tu đi, là sen đi, là người đi, là con có hiếu đạo, là người sống có chuẩn mực đạo đức đi. Không cần biết các bạn và Bảo Thành tội lỗi như thế nào, nghiệp ác như thế nào, cái câu văn chương thường nói: “Phước mỏng nghiệp dày” đó nghe nó vần, xuôi tai, ám chỉ chúng ta các bạn và Bảo Thành nghiệp quá nhiều. Dù nghiệp có chất chồng nhiều đi nữa thì chúng ta cũng có thể như một đống rác nhớp bị quăng bỏ trên đường hoang của cuộc đời mà thôi. Dù sao đi nữa thì Bảo Thành và các bạn cũng như ở giữa cái đống rác nhớp nhúa, bẩn thỉu, hôi thối, bị quăng bỏ trên đường hoang các bạn ạ. Nhưng ngay giữa cái đống rác đó nhớp nhúa, hôi thối đó, bị bỏ quên trên đồng hoang đó, Phật lại nói: Ngay cái chỗ đấy hoa sen sẽ nở, thơm, sạch, đẹp ý người. Ngay cái chỗ cuộc đời của Bảo Thành, ngay cái chỗ cuộc đời của các bạn là một đống rác thật lớn, nhớp nhúa, dơ bẩn, bị bỏ hoang trên cái đường đời, luân hồi sanh tử nhiều kiếp qua. Nhưng đừng vì như thế mà bỏ chính sự rác rưởi của mình. Bởi sen, ngay chỗ rác rưởi ấy sẽ mọc, sẽ trổ bông sạch và đẹp. Bông sen nhờ bùn, mọc lên từ bùn lầy hôi tanh nhưng chẳng ô nhiễm hôi tanh mùi bùn, kinh Pháp cú Phật nói rõ. Từ đó mà chúng ta phải ý thức rằng: đừng nguyện kiếp sau là gì hết, mà phát nguyện ngay kiếp này.
Đừng tự kỷ ám thị mình rằng phước mỏng nghiệp dày, không thể làm gì để cam chịu phận nào đó, để mong chờ vào kiếp sau, để nương nhờ một vị thần linh, một vị Phật, một vị tái sanh, một đấng giác ngộ cứu mình. Cái “Cứu” trong nhà Phật có, nhưng phải hiểu cái cứu của Phật, của Bồ Tát, của những bậc giác ngộ là gì? Là dạy dỗ chúng ta chứ không phải biến chúng ta trở thành. Cho nên cần phải hiểu chữ “Cứu” của nhà Phật là tới cứu giúp chúng ta bằng cách truyền dạy, dạy dỗ như một vị thầy hướng dẫn cặn kẽ những điều mà các chư vị ấy đã áp dụng thành tựu. Đó là phương pháp cứu của Phật, của Bồ Tát, của những bậc giác ngộ là dạy dỗ. Chúng ta hiểu lầm để rồi kiếp này phước mỏng, nghiệp dày, không chịu tu sửa, không chịu học của thầy, của Phật để tự lực đứng dậy, mà cam chịu và cầu Phật, cầu Thần, Thánh, Bồ Tát cứu vớt mình, xót thương mình. Cái suy nghĩ như vậy ta đã bỏ phí ngay kiếp này và thường hứa hẹn nếu kiếp sau. Các bạn hãy nguyện luôn đi, nguyện kiếp này thân là sen. Và nếu chúng ta nguyện kiếp này thân là sen, nguyện kiếp này con là con, là mẹ, là chồng, là vợ. Nguyện kiếp này là người sống thiện lành đạo đức, bỏ ác hành thiện. Nguyện ngay, làm ngay, ngay tại chỗ. Dù phước mỏng nghiệp dày, thân kiếp này đầy ải luân hồi nhiều, mạng của chúng ta, đời của chúng ta có thể ví như ở giữa đống rác nhớp nhúa, dơ bẩn, bị quăng bỏ trên đường hoang của sanh tử, nhưng các bạn đừng sợ, chính nơi rác rưởi ấy, chỗ ấy hoa sen sẽ nở. Phật khai thị, thọ ký thật rõ. Và hoa sen ấy thơm, sạch, đẹp ý muôn loài.
Hãy làm sạch cuộc đời của mình dù sinh ra giữa biển đời trầm luân đau khổ, phước mỏng nghiệp dày. Chúng ta sinh ra làm người khác biệt, có người có sức khỏe, có người bệnh hoạn, có người tướng hảo đẹp, phúc hậu, đoan trang, có người tưởng hảo thiếu may mắn hơn, đủ mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù là ở bất cứ một cái thể loại rác rưởi nào, bị bỏ quên, bị muôn người khinh thường thì hãy nhớ câu Kinh Pháp Cú: chính ngay ở chỗ cuộc đời của ta, nơi phước mỏng nghiệp dày ấy, ta nếu làm đúng lời Phật dạy: Sửa ngay, tu ngay kiếp này tại đây, chỗ này, hiện tại thì sen sẽ nở thơm, sạch, đẹp lắm. Đừng nguyện tới kiếp sau để bỏ mặc cuộc đời. Phật nói: “Thân người là phương tiện vi diệu”. Dù bạn như thế nào của kiếp trước, nghiệp có như thế nào đi nữa, nay hiện tại chúng ta nhìn lại ta là người, chứng tỏ ta đó có đủ phước để thành người. Nói câu bình thường là ta đã đủ vốn để làm ăn để các bạn. Ta đủ vốn phước báu để sửa chữa, để tu sửa, để nâng cấp cuộc đời của mình trở thành sen ngay hiện tại. Đây là một ý nguyện chẳng phải táo bạo, mà là một sở nguyện viên dung của những ai nhìn rõ chân lý Phật đã dạy, để có một sự tinh tấn dũng mãnh, bất thối chuyển trước mọi hoàn cảnh của cuộc đời, của kinh tế, của nghiệp chướng, của sức khỏe, của tinh thần, của môi trường. Ta nguyện ngay bây giờ trong giây phút này thân là sen. Chúng ta phải nguyện ngay bây giờ là một búp sen dâng lên cho Phật. Nơi búp sen đó vươn lên từ sình lầy nhớp nhúa, rác rưởi bị quăng bỏ giữa đường hoang của luân hồi sinh tử. Bằng cách lấy cái nước mưa cam lồ tịnh thủy từ trời, từ Phật, từ Bồ Tát qua mật ngôn Mu A Mu Sa, khơi dậy cái năng lượng Từ Bi vốn có gắn kết với mười phương Chư Phật cho hồ sen của chúng ta đầy ắp nước. Và lấy những tia nắng Trí Tuệ: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang chiếu soi vào hồ sen hiện tại ngay thân người, ngay kiếp này. Nhất định cái mầm sen ngủ vùi, ngủ ngầm trong vô lượng kiếp qua sẽ lại tỉnh giấc ngàn thu, vươn mình trỗi dậy giữa ánh nắng Trí Tuệ và tỏa hương thơm ngát ngay bây giờ.
Chánh niệm hơi thở trong Mật Thiền song tu, Từ Bi quán, Trí Tuệ quán, Tỉnh Giác quán rất siêu mầu. Sự tu tập như vậy sẽ giúp cho chúng ta đón nhận được thật nhiều tha lực mật điển vi diệu, để phối hợp nhịp nhàng với sự tự lực cầu đạo giác ngộ thân là sen ngay trong hiện tại, chẳng nguyện đến kiếp sau. Nếu thân là sen ngay hiện tại kiếp này thì kiếp sau sẽ tiếp tục là sen. Và nếu ta chẳng là sen, chẳng là cái thớ gì của cuộc đời này, bỏ mặc, bỏ bê, sống tiêu cực vì cứ tự kỷ ám thị, phước mỏng nghiệp dày, ta ác, tội nghiệp nhiều, tự miệt thị bản thân thì ta đã quên cái tầm cao mà Phật đã thọ ký: chúng ta đều là Phật sẽ thành. Vậy thì hãy sống là Phật ngay kiếp này. Nói như vậy các bạn sợ? Không! Phật là giác mà giác là Ma Sa Ốp Uê, là Tỉnh Giác đó các bạn. Chúng ta cứ nghĩ chữ Phật là cao siêu, là hào quang phát ra như mặt trời, đi chân không đụng đất bay bay bay bay, cho nên ta không dám nhận ta là Phật. Phật là Ma Sa Ốp Uê, nên hãy sống là Phật ngay bây giờ, có nghĩa là Phật sẽ thành ngay bây giờ, là chúng ta sống đời Tỉnh Giác. Hãy sống tỉnh giác đi, tỉnh giác đừng tính độ dài của một tiếng, một ngày. Một giây, một sát na là đủ. Và kéo cái sự Tỉnh Giác đó, tưới tẩm sự Tỉnh Giác đó bằng năng lượng Từ Bi và quán chiếu soi rõ bằng Trí Tuệ, thì sự Tỉnh Giác đó nó sẽ “Bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm”. Hay lắm!
Đừng nguyện kiếp sau thân là sen, hãy là Phật ngay giây phút này. Bảo Thành và các bạn đang là Phật. Nhưng các bạn phải hiểu cái chữ Phật mà Bảo Thành muốn nói tới tức là Tỉnh Giác nha các bạn. Đừng nghe qua rồi kinh hãi: “Trời ơi! ông Bảo Thành này ông ấy kiêu ngạo quá! rồi ổng đưa mọi người khác lên tầng mây thứ chín thứ mười”. Không phải! Ta phải hiểu cái chữ Phật mà Bảo Thành đang nói, mà Đức Phật đang nói qua Kinh sách, tức là “Tỉnh Giác”. Phật là giác, chúng sanh là mê. Chúng ta là Phật sẽ thành thì cần phải tỉnh giác ngay bây giờ thì mới sẽ thành được. Còn cứ để kiếp sau, kiếp sau, thì không được đâu. Quen một người mà người ta cứ hứa kiếp sau, cứ hứa ngày sau, cứ hứa tháng sau, cứ hứa năm sau thì thôi đi, cứ hứa làm chi nữa? Cuộc đời cứ hứa hoài, gặp những người họ hứa khó chịu dữ lắm. Mà bây giờ ta lại tự hứa với mình kiếp sau nữa thì ta không khác gì đã đổi họ. Đừng đổi họ, đừng đổi tên, đừng cần phải hứa. Hãy là sự Tỉnh Giác qua thể nhập vào Ma Sa Ốp Uê. Là Từ Bi qua thể nhập vào Mu A Mu Sa. Là Trí Tuệ qua thể nhập vào NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác trong từng sát na, nghĩa là ta đã phát nguyện thân là sen ngay trong hiện tại, trỗi dậy mọc lên ngay từ giữa cái đống rác nhớp nhúa bẩn thỉu, quăng bỏ trên đường hoang của lục đạo luân hồi nhiều kiếp qua. Ngay chỗ ấy, phước mỏng nghiệp dày, dơ dáy bẩn thỉu, bất thiện có một hoa sen sẽ nở thơm, sạch, đẹp ý mọi người. Hoa sen đó nở chính là bởi vì trong từng giây phút ta không đắm mình nhúi mũi vào ngửi cái mùi hôi tanh của đấng rác rưởi nơi cuộc đời đầy tràn ác nghiệp, phước mỏng nghiệp dầy của chúng ta bị quẳng trên đồng hoang. Mà ta chú tâm đến cái hương sen thơm ngát từ Mu A Mu Sa, hương Từ Bi, hương Trí Tuệ, hương Tỉnh Giác. Ba thể loại hương này là sen ngay hiện tại.
Thân ta, thân xác này là phương tiện vi diệu. Chính cái chỗ vi diệu ấy nên ta phải mượn vào cái vi diệu để tu, để sửa và để là thân sen ngay trong hiện tại. Đừng đợi đến kiếp sau, đừng hẹn đến kiếp sau, đừng nguyện kiếp sau thân là gì, mà hãy nguyện ngay chỗ này, ngay kiếp này, ngay sát na này, con sẽ là sen mọc lên giữa cái đống rác nhớp nhúa, dơ bẩn, bị quăng bỏ ở giữa đồng hoang bởi Kinh Pháp Cú Đức Phật nói như thế. Lời Phật nói không bao giờ sai. Sai là bởi ta hiểu sai. Cái chữ Phật không dám nhận thì nhận cái gì? Nhận Phật? Nhận ta là Phật thì sợ, mà cái chữ Phật đơn giản là “Tỉnh giác”. Đơn giản như vậy, đừng thần thánh hóa quá để rồi cao vời, vượt khỏi tầm tay với không tới. Đơn giản thôi các bạn. Hãy hiểu chữ Phật là Tỉnh giác. Chúng sanh là mê. Ta là Phật, ta là người tỉnh giác. Mà muốn là người Tỉnh giác thì ta phải đứng dậy giữa cái đống rác nhớp nhúa, dơ bẩn của ta. Ta phải thể nhập vào tâm Tỉnh Giác: Ma Sa Ốp Uê. Ta phải thể nhập vào năng lượng Từ Bi Mu A Mu Sa. Ta phải mang ánh sáng Trí Tuệ: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang chiếu soi vào từng sát na của cuộc đời, để nhìn rõ các pháp đều là Vô Thường sanh diệt, đều là Khổ, đều là Vô Ngã. Cứ như vậy, cứ như vậy thì ngay giây phút này, chúng ta thực sự đã “Nguyện thân là sen”.
Đừng đợi kiếp sau, những người mà hứa hẹn kiếp sau, ngày sau, mai sau, năm sau toàn là hứa lèo, không thật, giả dối, vọng tưởng. Ngay bây giờ không biết là cái gì thì kiếp sau sẽ là gì đây? Đừng để người ta miệt thị bản thân, đừng để người ta đầy ải mình xuống và tự kỷ ám thị tự đọa đầy mình. Phật đã nâng tầm mình lên cao khi Ngài giác ngộ, Ngài phán một câu chưa ai dám phán: “Ta là Phật, các con là Phật sẽ thành”. Có nghĩa là Phật nói rằng ta đã tỉnh rồi các con chưa có tỉnh đâu. Vậy thì chúng ta nếu sống tỉnh thì ta đã là một phần của Phật rồi. Là Phật trong một giây phút cũng sướng mà. Một sát na là Phật cũng sướng mà. Có nghĩa là một sát na Tỉnh giác thôi cũng sướng lắm rồi. Các bạn ơi! Nghĩ đơn giản một chút tu cho nó dễ, nghĩ cầu kỳ hoa lá thành ra chúng ta tự lừa gạt bản thân. Đợi đến kiếp sau để rồi khi nghe những lời đồn đãi: ”Tu để kiếp sau, tu để kiếp sau”. Đồ ăn để ngày mai ăn không được. Kiếp sau mà cứ để dành kiếp sau, kiếp này làm gì? Tu đi!
Hôm nay Bảo Thành khuyên các bạn cùng với Bảo Thành nhận thức rõ: Tu ngay thôi đừng đợi ngày mai, đừng nguyện kiếp sau, đừng bắt chước văn chương lai láng: “Nếu có kiếp sau em nguyện là chồng là vợ, là cha là mẹ, là con” là này là kia. Đừng, đừng, đừng! Kiếp này đang có chứ đừng nói kiếp sau. Kiếp này ta đang có, hãy theo lời Phật và phát nguyện thưa Phật: “Con nguyện kiếp này, ngay trong bây giờ, tại đây, nơi hiện tại, thân con là sen và nở hoa sen giữa đống rác nhớp nhúa, bẩn thỉu, bị bỏ quên nhiều đời của chính con. Để từ đó hương sen thơm sạch đẹp ý mọi người, lan tỏa được hương giới, hương Từ Bi, hương Trí Tuệ và hương Tỉnh Giác.
Các bạn! Chúng ta hãy trở về hơi thở. Thưa Phật! Chúng con nguyện ngay trong Chánh niệm của hiện tại, thân là sen mọc lên ở giữa đống rác nhớp nhúa, bẩn thỉu, bị quăng bỏ trên đường hoang của lục đạo luân hồi. Và nguyện thân sen ấy sẽ nở thơm và sạch hương Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta cùng hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.