Bảo Thiện đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên các kênh YouTube và Facebook.
Giờ đồng tu đã tới kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loại chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn tu học, tự đứng dậy thắp đuốc tuệ trong chánh niệm hơi thở, quán chiếu thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, để thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Thành kính hồi siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Đồng nguyện cầu cho thế giới có được sự hòa bình và chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn chúng ta cùng ngồi xuống, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta cùng nhớ về lời Đức Phật dạy, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mật Thiền song tu chánh niệm hơi thở cùng với các mật ngôn, mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, thấu rõ vô thường, khổ vô ngã, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê quán chiếu tâm Tỉnh Giác. Khi hít vào thở ra chúng ta quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác và đón nhận mật điển từ mười phương chư Phật ban rải xuống cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta cùng hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, chủ đề ngày hôm nay các bạn gửi về nặng về những cảm xúc của thế nhân, là con người ai cũng luôn luôn có những cảm xúc như chủ đề ngày hôm nay. Chủ đề “Cất Tan Vỡ Trong Lòng”. Cuộc sống có lúc chúng ta rất vui và hạnh phúc, nhưng thật nhiều những tan vỡ trong cuộc đời, mỗi người chúng ta phải cất giấu ở trong lòng. Tuổi nào mà chúng ta bắt đầu bị xô xát, bị chà xát vào những cảm xúc làm cho tan vỡ con tim, tan vỡ tinh thần.
Nếu hồi nhớ về một chút nhất định là ở những lứa tuổi ta bắt đầu trưởng thành, và từ lứa tuổi trưởng thành đó cho suốt tới khi nhắm mắt là những lúc mà chúng ta luôn luôn phải va chạm, phải xô xát trong cuộc đời, để biết bao nhiêu những tan vỡ, vỡ vụn chúng ta cất ở trong lòng. Nhỏ nhỏ khi trái tim biết rung động, rung động đầu đời, tình yêu đôi lứa ta cũng bị tan vỡ trong những cảm xúc của sự rung động rất người, rất thường và rất đời. Lớn dần trong học đường va chạm đủ thứ ta cũng tan vỡ. Trưởng thành vào đời công danh sự nghiệp ta cũng tan vỡ. Trong gia đình, tình yêu đôi lứa như vợ chồng cũng phải tan vỡ, cũng đụng chạm. Tình cảm đối với ông bà, cha mẹ, người thân, bạn bè, với xã hội, chỗ nào có đụng chạm, chỗ nào có va chạm là có xô xát, là có tan vỡ. Bởi mỗi một chúng ta đều có những chiều hướng tăng trưởng cảm xúc cho riêng mình khác biệt, khó ai có thể chiều chuộng được. Tan bao nhiêu, vỡ bao nhiêu ta đều ôm cất vào trong lòng, để rồi trong lòng của mỗi người toàn là những đổ vỡ, tan nát. Vậy mà cứ ôm, cứ trầm tư, trầm mặc, suy nghĩ, không biết là từ chúng ta ôm vào trong lòng hay những sự tan vỡ của cuộc đời chẳng thể đẩy lui. Nói theo cảm nhận của mỗi người thì chắc chắn chẳng ai muốn ôm những sự tan vỡ, đổ nát ở trong lòng, ai cũng muốn quẳng nó đi, bỏ nó đi. Nhưng rất tiếc trái tim vẫn rỉ máu, tâm hồn vẫn đau đớn. Nếu nói buông bỏ, quẳng đi để tan vỡ không còn ở trong lòng, để lập lại đời sống, để vui, nó dễ thì ai cũng muốn làm, chẳng ai muốn tan nát cõi lòng của mình mãi mãi.
Con người trong nhân thế là như vậy, Phật tử tại gia ta phải có một tầm nhìn xa hơn về lời Đức Phật dạy. Tất cả mọi tan vỡ trong cuộc đời từ những góc cạnh của tình cảm, của vật chất, của công danh sự nghiệp, của những mơ ước thành tựu, của những sự cầu mong, của những sự chia tay, phân ly, của những sự trái ý, ngược chiều, của sinh ra trong nhiều hoàn cảnh không thuận tiện, của những cơn bệnh kéo tới, của sự già nua và sự chết. Phải nhìn sâu nữa, sâu thật là sâu để chúng ta thấy rằng biết bao nhiêu những sự tan vỡ đó không phải ở trong kiếp này ta mới trực diện, ta mới đối diện, mà đã từ muôn thuở vô lượng kiếp qua chúng ta đã luôn luôn tạo điều kiện cho sự tan vỡ đó nối truyền không dứt. Âu cũng là vì chúng ta không nhận rõ, không thấy rõ, không hiểu rõ, mà Đức Phật gọi là chúng ta ở trạng thái mê, chưa có thức tỉnh. Phật không trách chúng ta còn ở trong mê, Phật không khiển trách chúng ta khi chưa thức tỉnh, bởi con người thì là mê, Phật là Giác. Bậc giác ngộ như Phật không khiển trách, không chê trách chúng sanh còn mê, mà Ngài yêu thương chúng sanh vô ngần. Bằng cách Ngài luôn luôn quán chiếu từng chúng sanh một, để thấy rõ nhân duyên mang đạo mầu vào để khai thị, hướng dẫn, dìu dắt, để những cơn mê của chúng sanh dần dần tan biến và để ánh sáng trí tuệ lóe lên, mang lại sự tỉnh thức thực sự.
Điều đó có làm được hay không còn lệ thuộc vào sự tinh tấn của mỗi người, sự dấn thân hy sinh để chuyển hóa cho chính chúng ta. Bằng cách tiến tới phía trước để được gần gũi với Phật, với lời giáo huấn của Phật, tiến tới phía trước một tâm thành kính để đón nhận những lời Đức Phật dạy, mang áp dụng vào cuộc đời. Nhất định biết bao nhiêu tan vỡ ở trong lòng của kiếp này và muôn muôn kiếp trước đều có thể chuyển hóa sạch sẽ, để tâm hồn của chúng ta nhẹ nhàng, để tinh thần của chúng ta trong sáng và để đời sống tâm linh của chúng ta có thật nhiều cơ hội thành tựu được phước báu và công đức. Chẳng sợ những tan vỡ của cuộc đời, chỉ sợ ta không biết cách, rồi những sự tan vỡ đó cứ tự động cất sâu vào trong lòng, để trong lòng của ta cứ đau, cứ khổ. Nếu như bao nhiêu tan vỡ chất chồng làm cho ta điên đảo, đau khổ, phiền não, làm cho chúng ta tâm trí không bình thường, chỉ cần một lần có đầy đủ sự sáng suốt, phân định để rồi đi tới sự quyết định dõng mãnh thay đổi cuộc đời. Thì sự chồng chất tan vỡ của kiếp này hay kiếp trước đều được thanh tịnh hóa, đều được chuyển hóa.
Không nói suông đâu, trở về với câu chuyện thời xưa có một ông vua ngỗ nghịch vô cùng, tàn ác khốc liệt, giết cha hại người, phỉ báng Phật, hại Phật. Ông ấy không ai xa lạ đâu, người Phật tử đều biết ông ta, ông vua ấy gọi là ông vua A Xà Thế. Bảo Thành rất thích nói chuyện về ông c
Vua A Xà Thế, bởi đây là một tấm gương có đầy đủ ác và thiện, yếu và mạnh, sự sợ hãi run rẩy và sự tinh tấn dõng mãnh. Một tấm gương ta nên nhìn để tránh xa những hành động bạo ác của ông ta, cũng là một tấm gương để ta nhìn thấu bản thân của mình và noi gương dõng mãnh của ông. Ông ta xấu ở chỗ nào? Chỗ là ông ta giết cha của mình để chiếm ngôi. Ông ta xấu ở chỗ nào? Ở chỗ chúng ta đã nhìn thấy ông ấy bị ông Đề Bà Đạt Đa lợi dụng thật nhiều, ông ta biết nhưng vẫn bắt tay với ông Đề Bà Đạt Đa để hại Phật. Ông ta xấu ở chỗ nào? Hại dân, hại nước, một vị vua tàn bạo chẳng sợ gì. Nhưng sự chuyển hóa chính ở chỗ khi ông ta nhận thức được sự đổ nát, tan vỡ của cõi lòng về tình cảm, khi sinh ra được một đứa con lúc lâm bệnh đau đớn tột cùng. Đương đầu với sự đau đớn của con, ông ta đã là một người cha, lúc ấy nhớ lại thuở xa xưa cha của mình được mẹ kể cũng thương mình vô ngần khi bị đau đớn. Từ đó ông ta mới thấy được tình cha như thế nào đối với con. Nhìn về đời sống đã hại cha của mình, giết cha của mình và nhìn vào đời sống hiện tại đương đầu với những căn bệnh trầm kha của con, ông ta đau lòng khôn xiết. Hình như ngôi Vương đế đã bị tan vỡ, sự sợ hãi đã tràn về, biết bao nhiêu những sự buồn phiền, ai oán trong tâm day dứt đến mức mà ông ta chịu không nổi, đầu óc loạn điên. Nghe theo biết bao nhiêu những vị đại thần, tìm đủ các vị thầy để cầu xin giải hạn, nhưng chẳng hết đâu. Cuối cùng thì được giới thiệu hãy mạnh dạn tới với Phật, đây chính là cái mà ta nhìn để noi gương, chẳng phải noi gương xấu giết cha, hại người, bắt tay với những người dua nịnh để hại những bậc minh sư. Mà ở chỗ ta noi gương khi đã phạm tội quá nhiều, nhiều sự tan vỡ, tan vỡ về tinh thần, tan vỡ về trí tuệ, về tâm linh, về bệnh tật, về đủ thứ, ông ấy vẫn còn rất sáng suốt, vẫn còn rất dõng mãnh. Khi được nghe giới thiệu về Phật, vẫn biết ông ta từng hại Phật, nhưng nhận ra Đức Phật là một vị minh sư, là một bậc giác ngộ và nhận rõ mình là người đã bị tan vỡ toàn diện, toàn tập, rất cần sự giúp đỡ. Do vậy mà ông ta đã dõng mãnh tới với Phật để thỉnh Phật gia trì và chuyển hóa. Tấm gương này ta cần phải học và đúng ông ta đã tới gặp Phật, và khi được Phật chuyển hóa ông vua A Xà Thế đã trở thành một vị Phật tử thuần hành tốt, quy y, chứng được sự an lạc ở trong lòng.
Còn đối với chúng ta, chúng ta đã tan vỡ quá nhiều, chúng ta đã chạy ngược chạy xuôi như ông Vua A Xà Thế, đi cúng, đi giải hạn, đi cầu xin, đủ mọi hình thức qua các tướng sắc mê tín dị đoan. Đến mức mà chúng ta đi hết rồi, cùng trời cuối đất cũng không giải được, hóa ra chai lì chẳng sợ, thách thức với trời đất và chúng ta đã tự chôn thân mình dưới đống đổ nát, tan vỡ của trùng trùng duyên khởi những nghiệp lực ác ta tạo ra. Nghe về Phật, nghe giới thiệu về Phật nhưng chúng ta lại thua ông Vua A Xà Thế, không dám bước tới để gặp Phật, không dám dấn thân tới để thỉnh Phật khai thị, trốn tránh, trốn tránh. Chúng ta thường thấy người ta sai, ta chê, ta trách, nhưng chúng ta hãy nhớ ai ở trên đời cũng sai, cũng có lỗi, cũng có tội. Nếu nhìn sâu thì những con người sai, tội lỗi, tan vỡ ở trong lòng kia vẫn có những con người có lòng dũng cảm, biết nhận diện ra và sẵn sàng bước tới để tiếp cận với ánh sáng trí tuệ của những bậc minh sư, ông vua A Xà Thế đã làm chuyện đó. Còn chúng ta, chúng ta nghe về Phật, chúng ta ở gần chùa, chúng ta tiếp cận được với các Phật từ ở trong Kinh, các vị Bồ Tát từ ở trong Kinh, tiếp cận được với các vị thiện tri thức hiện thân trong cuộc đời. Nhưng chúng ta đã xoay lưng, chẳng bước tới để muốn một lần thôi nghe lời khai thị với tâm thành kính, để chuyển hóa mọi sự tan vỡ ở trong lòng, ta không!
Mọi sự tan vỡ của chúng ta tới từ Thân – Ngữ – Ý Đức Phật nói thật rõ. Nhìn sâu sắc như thế ta mới hiểu rằng muôn sự tan vỡ ở trong lòng chẳng phải do ta cất nó ở trong đó, mà do lực ta tạo tác, gọi là nghiệp lực, nó tự dính, nó tự đi vào trong tâm thức, nó tự ẩn trú ở trong đó. Nếu không nhận thức rõ chúng ta thật khó tháo gỡ.những tan vỡ trong lòng của mình, đâu phải nói muốn cất là cất, muốn gỡ là gỡ. Đức Phật đã thấu được nhân quả, những nghiệp bất thiện, những nghiệp ác nó tự dính, nó tự nhào vô trong tâm, nó chui vào ở trong đó. Cho nên ta cứ tưởng lầm rằng ta cất tan vỡ vào trong lòng, không phải đâu, nó tự chui vào. Hiểu được nhân quả để thấu, nghiệp ác tự chui vào và nghiệp ác làm cho tan vỡ trong lòng, làm cho tan vỡ cuộc đời, làm cho cuộc đời vỡ vụn và dĩ nhiên phải đương đầu với biết bao nhiêu đau khổ, phiền não, ngang trái. Nếu nhìn lại sự trải nghiệm của mỗi người ta có sự trải nghiệm của ngang trái, của tan vỡ, của đổ nát, của phiền não, của đau khổ. Thì ta phải nhớ rằng chẳng phải lỗi người, mà chính vì ta đã nhìn sai, phạm nghiệp ác. Thấu như vậy không phải để chê trách ta, mà để ta gom sức mạnh vẫn còn trong cuộc đời, bước lên một bước nữa dõng mãnh nói với Phật: “Thưa Phật! Xin hãy khai thị cho con”.
Ông vua A Xà Thế đã tới với Phật và nói với Phật: “Thưa Ngài! Xin hãy gia trì và khai thị”. Sau đó ông ta đã tỉnh ngộ, hết khổ, mọi sự tan vỡ lìa xa, trong lòng liền được chữa lành tất cả mọi vết thương.
Các bạn! những ai trong chúng ta có thật nhiều những sự te tua, những vết thương đau lòng do sự tan vỡ của biết bao nhiêu những cuộc tình, của biết bao nhiêu những ác nghiệp tạo ra. Để rồi công danh, sự nghiệp, tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ, ông bà, người thân tan vỡ, đổ vỡ, để rồi cho con cái cũng như thế. Để rồi cho muôn sự ở đời luôn luôn là thất bại, để rồi cho muôn sự ở đời luôn luôn là nghịch ý trái chiều, luôn luôn chẳng như điều mong ước, luôn luôn là thiếu phước, thiếu đức. Chúng ta vẫn có cơ hội, vẫn có cơ hội chữa lành mọi tan vỡ, mọi vết thương ấy, chỉ cần mạnh dạn, dạn dĩ một chút, dõng mãnh một chút, nhận diện ra là ta đang cần sự giúp đỡ và sự giúp đỡ đó nhất định sẽ tới từ một vị minh sư. Vị minh sư đó là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài vẫn còn hiện diện trong đời sống của chúng ta qua kinh sách truyền lại, Ngài vẫn còn hiện diện trong đời sống của chúng ta qua các bậc thiện tri thức, qua ông bà cha mẹ và đặc biệt hơn là qua tâm thiện vốn còn nơi ta. Hàng ngàn kiếp qua gian ác, chúng ta vẫn còn tánh thiện ở trong lòng, mọi tan vỡ không cất mà nó đi vào thì chúng ta chỉ cần xiển dương tánh thiện, dõng mãnh tới với Phật, thực hiện lời Đức Phật dạy chúng ta sẽ có thể chuyển hóa, đẩy lùi mọi tan vỡ đó để tái tạo lại một cuộc đời mới, một cuộc đời mới có đầy đủ phước báu công đức.
Các bạn thân mến! Đức Phật dạy cho chúng ta không xa rời thực tế để biến thành một ông thần, có cánh bay lên trời cao, để mà đợi kiếp sau thành vị này, vị kia hoặc sanh vào những cõi có cảnh giới lành, cõi Phật tịnh độ. Mà Đức Phật nhìn vào thực tế trong cuộc đời nơi kiếp này ta đang khổ, chúng ta đang khổ, Bảo Thành và các bạn đang khổ bởi biết bao nhiêu những tan vỡ tự động nó cất vào trong lòng, đau đớn không biết giải quyết như thế nào. Đức Phật tới với cuộc đời là để dạy cho chúng ta giải quyết rốt ráo những tan vỡ trong lòng của mỗi người. Nếu trong lòng của các bạn và Bảo Thành không giải quyết được đống tan vỡ của những cảm xúc bởi ác nghiệp của những nghiệp lực bất thiện ta tạo ra, thì đừng chờ đến kiếp sau. Chẳng có thể nương nhờ vào Phật, Thần, Thánh hóa hiện cứu chúng ta, mà chúng ta chỉ có thể nương vào lời khai thị, dạy dỗ của các Ngài, đứng dậy tự lo cho bản thân, lau chùi sạch sẽ và tu sửa tâm tánh. Nhất định muôn sự tan vỡ trong lòng sẽ trở thành sạch sẽ và tâm ta sẽ trống rỗng, thinh lặng, an yên và tự tại. Ta cần phải nghĩ đến chính mình và phải tự lực đứng dậy, thành kính đón nhận tha lực qua những lời khai thị của Phật, mang vào ứng dụng để thay đổi cuộc đời. Đừng để cho đống tan vỡ, đổ nát của tất cả bao nhiêu ngày tháng qua chất chồng, đè các bạn xuống.
Hãy nhớ ông vua A Xà Thế kia mà còn có sức mạnh bước tới Phật, ông ta là một kẻ đại ác. Chúng ta chưa ác như ông ta, chúng ta vẫn còn tánh hiền lương, vẫn là con người hiền hậu, đầy đủ phúc hậu, tâm khí của chúng ta vẫn lành. Hãy tới với Phật các bạn, tới với Phật để được học, để được dạy, để được dắt dìu, tới với Phật để chúng ta một lần nữa trở thành một cậu học trò, một cô học trò ngoan ngoãn, biết nghe theo Thầy của mình là Đức Phật Bổn Sư. Mang lời của Ngài dạy suy nghĩ, tư duy làm bài tập và rồi trong sự thực hành ấy chúng ta sẽ trở nên thanh tịnh hơn, đẩy lùi mọi tan vỡ đau lòng, để chữa lành tất cả mọi vết thương trong cuộc đời còn in hằng trong trái tim, trong tâm thức của chúng ta. Cuộc sống tuy ngắn nhưng không thể cứ như vậy để cho biết bao nhiêu những sự tan vỡ dằn vặt lương tâm, lương tri, tinh thần và thân xác chúng ta. Chúng ta vẫn còn thật nhiều cơ hội để thay đổi, một sự thay đổi tuyệt vời mà Đức Phật luôn luôn dạy cho chúng ta là hãy trở về tắm gội mình trong biển Từ bi Đức Phật đã rải xuống trong cõi nhân sinh.
Các bạn! một trong những cách mà ta có thể lau chùi sạch sẽ thân tâm của mình là hãy trở về với Phật, nhảy xuống biển Từ bi của Ngài tắm gội, tẩy rửa sạch sẽ mọi uế trược trong tâm. Từ bi là năng lượng siêu thế nói theo ở đời gọi và vô địch, Từ bi là năng lượng vô địch, không có một lực nào có thể tồn tại được nếu mang năng lượng Từ bi gội rửa, thì muôn sự đổ vỡ, tan vỡ của cuộc đời, muôn bất thiện nghiệp, ác nghiệp ta đã tạo đều sạch hết. Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ bi, một công hạnh gần gũi trong đạo Phật của chúng ta mà người Phật tử tại gia luôn luôn nhớ và hiểu, đó là công hạnh của Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, Từ bi quán trong phẩm Phổ Môn. Mu A Mu Sa là Từ bi quán, khi quán chiếu Mu A Mu Sa ta đã để cho biển Từ bi của Đức Phật qua Mẹ Hiền Quan Âm lan tỏa vào trong cuộc đời mà ta đã chìm ở dưới đáy đống đổ nát, tan vỡ của ác nghiệp, được một lần nữa có thể ngoi lên trên những ác nghiệp đó để thấy ánh trí tuệ của chư Phật, để thấy được hương thơm Từ bi của Liên hoa, của hoa sen, để có thể thấy được sự tươi mát nơi nước Cam Lồ mà Ngài Quan Âm rải xuống cho cuộc đời của chúng ta, Cam Lồ Thanh Lương Tịnh Thủy.
Bạn có khổ không? Bạn có đau không? Bạn có tan vỡ nhiều không? Không cần biết, hãy trở về với Phật, qua bàn tay bao dung tha thứ, qua lòng từ bi vô lượng của Mẹ Hiền Quan Âm, qua ánh sáng trí tuệ của bậc minh sư tối thượng của trời người đó là Đức Bổn Sư và qua sự tỉnh giác để tự lực đứng dậy trên những đống đổ nát, tan vỡ của cuộc đời. Một lần nữa cho mình cơ hội về với Phật, hãy về đi, chúng ta hãy về với Phật như ông vua A Xà Thế, mọi sự tan vỡ, đau khổ sẽ được tháo gỡ. Quán chiếu trong Từ bi, năng lượng Từ bi vô địch kia sẽ xoay chuyển cuộc đời của chúng ta 360 độ, để chúng ta có thể đứng thẳng người, đứng ở trên mọi sự tan vỡ, đổ nát. Để một lần nữa chúng ta trở thành người con Phật thực sự, người con Phật là người biết nghe theo lời Phật, biết ứng dụng lời của Phật và thay đổi cuộc đời của chính mình. Không nương vào ai hết, chỉ nương vào sự khai thị của Phật, cho nên ta gọi là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ta nương vào trí tuệ của bậc giác ngộ là Phật và Phật là thầy của chúng ta. Ta nương vào giáo pháp của Ngài là sự khai thị. Ta nương vào sự hòa hợp của Tăng thân để Bảo Thành và các bạn sẽ đẩy lùi biết bao nhiêu những ngọn núi tan vỡ chồng chất mà ác nghiệp do chính mình đã tạo ra. Đừng bỏ phí cuộc đời khi ta vẫn còn Từ bi, đừng bỏ phí cuộc đời khi ta vẫn còn Trí tuệ, đừng bỏ phí chính mình khi ta vẫn còn một con đường để trở về với Phật. Ông vua A Xà Thế đã nhận ra như thế và ông ta đã tới gặp Phật. Các bạn hãy tới gặp Phật nơi tâm thiện lành của chúng ta, hãy trở về đón nhận lời khai thị của Phật, giáo lý của Phật và những gì Đức Phật dạy mang vào ứng dụng cặn kẽ từng ngày. Chúng ta sẽ chẳng còn sợ những tan vỡ gọi là cất trong lòng, bởi chúng sẽ phải xa ta, chúng sẽ phải biến mất và mỗi người chúng ta sẽ chữa lành tất cả những tan vỡ, những đau thương, những phiền não, những đau khổ, những vết thương lòng, những sự trắc ẩn và trái tim sẽ lành lặn trở lại, không còn rỉ máu, thao thức suốt đêm trường. Hãy về với Phật!
Các bạn! Mời các bạn trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Vì mê, nhiều đời chúng con đã để tâm ác làm chủ, tạo tác biết bao nhiêu tan vỡ ở trong lòng, nghiệp ác đó chúng con nay trở về với Phật, thành kính một lòng xin Ngài khai thị để chúng con được chuyển hóa và tìm lại được miền an lạc nơi tâm như ông Vua A Xà Thế xưa. Như ông vua A Xà Thế xưa đã trở về với Ngài xin Ngài khai thị, hôm nay chúng con xin Ngài khai thị cho chúng con thể nhập vào tâm Tỉnh Giác.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.