Search

Bài 3045. Bạc Trắng Tình Đời | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Và gia trì cho chúng con biết Chánh niệm hơi thở, tăng trưởng Trí Tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Đồng nguyện xin Chư Phật gia trì cho thế giới này được hoà bình chấm dứt chiến tranh. Cho những ai lâm bệnh có đầy đủ phước báu, gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Nguyện cho những ai vừa quá vãng nương theo thiện nghiệp được vãng sanh về cảnh giới thiện lành. Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ tâm thanh tịnh quy ngưỡng về Phật. Trong Mật Thiền Chánh niệm hơi thở thiền Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác, chúng ta khế hợp phương tiện của hơi thở Chánh niệm với ba mật ngôn trì tụng, hòa hợp đón nhận mật điển.

Mật ngôn thứ nhất: Mu A Mu Sa, có ý nghĩa rằng Từ Bi. Mật ngôn thứ hai: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, có nghĩa là quán Trí Tuệ, để thấu rõ được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Mật ngôn số ba: Ma Sa Ốp Uê là thỉnh Phật trụ thế, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, có nghĩa quán tâm Tỉnh Giác. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Hôm nay hôm nay và bây giờ Bảo Thành đang ngồi tại Chánh điện chùa Xá Lợi ở tiểu bang Pennsylvania và nhìn lên trên màn ảnh thấy chủ đề các bạn gửi về đây để Bảo Thành chia sẻ cùng với các bạn trong buổi đồng tu Mật Thiền Chánh niệm hơi thở Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác.

Chủ đề: “Bạc Trắng Tình Đời” nghe thấy thê thảm. Cuộc đời bạc trắng vậy sao, để cho năm tháng hận thù triền miên? Các bạn, Đức Phật dạy cho chúng ta sự cao quý nhất trong đời người và luôn luôn tồn tại không mất đó chính là Trí Tuệ, Từ Bi. Người có tâm Từ Bi và Trí Tuệ sẽ luôn sống cuộc đời Tỉnh Giác và thể nhập vào trong Chánh niệm tăng trưởng sự an lạc phước báu công đức, sống bình an sống rất vui và tự tại. Dù ở bất cứ phương trời nào, cảnh giới nào, lúc nào, chỗ nào, môi trường nào, chúng ta cũng đều hoan hỉ an vui, hòa nhập, đồng hành, lắng nghe, thông cảm, san sẻ và tự tại. Chúng ta phải nhớ lời Đức Phật dạy: Tu Trí Tuệ, tu Từ Bi, tu Tỉnh Giác. Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp đi đến sự giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Lấy sự Tỉnh giác để nhận xét, để viết, để thấu, để buông, để xả.

“Bạc trắng tình đời” là một trong những mặt của cuộc sống có chung thủy, có bội bạc. Khi gặp ai đó bạc trắng như vôi trong cái tình đời mong manh vô thường này, là con người, ta sẽ đau, đau lắm, ai mà không đau khi gặp người yêu bạc trắng như vôi. Khi đầy đủ sung túc, họ quấn quýt yêu thương thề hẹn. Khi thất bại đau khổ, họ bỏ đi mất rồi. Người yêu như vợ như chồng cũng xảy ra như vậy. Anh em ruột thịt cũng như thế. Bà con cô bác không khác gì đâu. Thân bằng quyến thuộc bạn bè xa gần cũng chung một cái màu bạc trắng. Con người nói đến tình trong cuộc đời thường bạc trắng. Một chủ đề ngậm ngùi và nghe đâu đó văng vẳng một khúc hát của ai đó sáng tác “tình đời bạc trắng như vôi…”. Chẳng biết chủ đề bài hát là gì nhạc sĩ nào sáng tác nhưng Bảo Thành nghe hình như có cái câu “tình đời bạc trắng như vôi ….”mà ai không đi qua chưa thể làm người được đâu.

Có một câu chuyện cổ thời xưa tại ở trong thành Ba La Nại, thời ông vua A Xà Thế cai quản thời Đức Phật. Có một cặp vợ chồng phú hội giàu có nhất tỉnh thành thời ấy. Nhưng ở lâu với nhau không có con. Hai vợ chồng này đi cúng kiếng để sinh con, làm đủ mọi việc thiện, làm đủ mọi lễ nghi. Các bậc đạo sư ở đâu nghe tiếng, họ đều tới đảnh lễ cúng dường rồi nghe lời khai thị bố thí, từ thiện, hồi hướng để có được một mụn con. Thế rồi một ngày kia họ sinh được một người con trai trắng đẹp, tướng hảo ai nhìn qua cũng thích. Đặc biệt hai bàn tay nơi 5 đầu ngón tay đều phát hào quang. Thấy những ngón tay phát ra ánh sáng như vậy sáng lắm thì hai vợ chồng liền đặt tên cho đứa con của mình là: Đăng Chỉ – chỉ là ngón tay. Đăng là đèn, ngón tay phát sáng như đèn. Đăng Chỉ khi hạ xanh xong, hai vợ chồng liền thỉnh các vị thầy tướng số, thầy bói, cũng như các vị thầy chiêm tinh tới coi tướng con mình. Có một vị thầy tướng nói rằng; “Em ơi bé Đăng Chỉ này sau này sẽ trở thành một thánh nhân.

Cuộc sống cứ như vậy trôi qua, sống trong một gia đình đầy đủ vật chất, rồi lại sinh con đẹp có tướng hảo hay, vợ chồng tri ân trời đất nên mở cửa làm từ thiện 7 ngày đêm liên tục bố thí từ thiện. Tiếng lành đồn thật là xa, tới tai vua, vua mới đưa quân tới nói với gia đình phú ông này rằng: muốn nhìn tận mặt em bé Đăng Chỉ kia. Ông bà vội vội vàng vàng mang con tới kinh thành để cho nhà vua nhìn bởi lệnh vua không thể cãi. Khi mang tới kinh thành vua đón mời vào, từ các ngón tay em bé phát ra hào quang sáng. Vua ẵm em bé ở trong lòng thấy hân hoan vui vẻ và nói với mọi người rằng, em bé này chắc chắn đời trước đã làm những việc thiện việc tốt cho nên kiếp này mới có tướng hảo thông minh, dễ thương, đẹp và hào quang phát sáng từ các ngón tay. Rồi nhà vua khẳng định rằng đây chính là chân lý Đức Phật đã dạy, nhân quả hẳn là không bao giờ sai được. Vui mừng tặng cho ông bà này nhiều trân châu bảo ngọc rồi để cho em bé được cha mẹ ẵm về nhà. Gia đình phú ông đó nhà giàu. Câu xưa nói như vầy “tiền muôn bạc triệu” tức là đại gia tỷ phú đó, nhiều lắm, giàu lắm, nuôi nấng cái anh Đăng Chỉ này lớn lên cho tới 20 tuổi để tìm một người môn đăng hộ đối, người con gái đẹp giầu có tương ưng gả cho làm vợ chồng.

Cậu thanh niên Đăng Chỉ này có vợ, nhà giàu quá, ăn chơi xả láng, được nuông chiều, chẳng bao giờ học hỏi, chăm sóc làm ăn. Cuộc đời ai ai cũng phải trải qua những phút thăng trầm, có thành thì mới có bại, có vui phải có khổ, có khen phải có chê. Chúng ta nhìn thấy thật là rõ thì có nhiều cảm xúc như phiền não, vui buồn, sướng khổ, thành bại, khen chê luôn xảy ra trong cuộc đời. Cha mẹ của Đăng Chỉ già rồi cũng từ từ theo nhau chết, ra đi. Cậu Đăng Chỉ lớn chẳng bao giờ học làm ăn, lại có tánh khí ăn chơi đua đòi xả láng. Tiền cứ từ từ đi chẳng trở về. Của cải cứ từ từ đi mất chẳng trở về. Rồi một hôm, anh Đăng Chỉ này đi hội họp đình đám ăn chơi nhảy nhót, tiệc tùng lớn cùng với những tay nhà giàu. Ở nhà, người vợ thấy chồng ăn chơi tiền bạc đã hết rồi nên vơ vét một số vàng bạc còn lại rồi lẩn đi mất. “Bạc trắng tình đời”. Vợ bỏ, giai nhân tùy tùng nhiều lắm thấy không có chủ, vắng mặt, bà chủ cũng đã bỏ đi, mỗi người thi nhau lấy hết của cải rồi chuồn đi mất. Khuya lắm Đăng Chỉ mới về, nhà cửa trống trơn, vợ chẳng còn, giai nhân đi mất. Giữa căn nhà trống trơn như thế Đăng Chỉ buồn lắm! Buồn vô cùng. Lúc khó khăn, lúc thất bại, vợ cũng bạc tình bỏ đi, giai nhân cũng bạc tình lấy của bỏ đi. Bà con cô bác lìa xa, bạn bè chẳng ghé thăm, còn lại căn nhà trống, buồn bã. Đồ ăn không còn, tiền chẳng có, nhà cửa trống trơn và thế là anh ta thất thểu đi ăn xin, đi làm việc. Chẳng ai cho, chẳng ai nhận làm việc, vì sự sống mưu sinh để tồn tại. Đăng Chỉ cuối cùng mới nhận ra sự phát sáng trên đầu ngón tay theo bao nhiêu năm tháng ăn chơi đã tắt lịm, chẳng còn.

Tướng hảo cũng tiều tụy chẳng ai nhận làm việc. Ăn xin người ta còn không cho, buồn quá, mà khổ. Cuối cùng Đăng Chỉ tìm tới một cái công việc mà thời đó tệ lắm cũng phải làm, tức là vác tử thi mang đi chôn hoặc mang đi quẳng xuống sông. Cái việc tệ nhất thời đó để có miếng cơm, miếng cháo nuôi thân. Vào một hôm, anh ta cõng cái tử thi ra bờ sông để quăng đi. Nhưng cái tử thi đó không hiểu sao cứ bám chặt vào người anh ta, chết rồi mà hai cái bàn tay bàn chân khi anh ta cõng cứ ôm chặt, quặp chặt anh ta gỡ không được, nó không chịu buông. Anh ta sợ và anh ta chạy lung tung. Vô gặp các thanh niên nhờ gỡ ra, gỡ hoài không được, anh ta tán loạn chạy và rồi bị người ta xua đuổi, đánh đập, chửi bới vì thấy anh này khùng, anh này điên, vác xác chết chạy lung tung. Chứ đâu ai hiểu rằng cái xác chết anh ta cõng không hiểu sao nó dính chặt, nó bám chặt không chịu buông. Vừa bị xua đuổi, bị đánh đập rồi chửi bới, anh ta không biết phải làm sao, cuối cùng chạy về căn nhà trống năm xưa bụi bẩn, dơ dáy. Về tới nhà thì cái xác chết nó buông tay, rớt xuống dưới đất. Trên nền nhà, anh ta nhìn thấy trong bàn tay của xác chết có một cục vàng. Anh ta nạy ra để lấy, nhưng khi lấy được cục vàng đó thì bàn tay lại hoá thêm cục vàng khác. Anh ta cứ nạy nạy như vậy thì đầy cả một kho vàng. Cuộc sống có vàng, vợ lại tìm về, giai nhân lại tìm tới, thôn xóm bạn bè, bà con cô bác đầy hết. Thế mới nói ở đời có câu: Giầu sang phú quý sống ở trong rừng sâu núi thẳm, vợ vợ con con, giai nhân dập dìu, người xa kẻ lạ đều kéo tới. Nhưng mà nghèo nghèo chẳng còn cái gì, nghèo mạt, rồi đến nghèo hèn, thì nhà ngay thành phố chẳng ai tới thăm. Đúng với cái câu: “Bạc trắng tình đời”.

Tiền muôn bạc triệu, giầu có một thời, đến khi hết phải cõng tử thi. Nay có tiền người ta lại tới, khi thất bại chẳng ai hỏi, bỏ hết – bạc trắng. Ngẫm nghĩ về cuộc đời như thế, Đăng Chỉ thấy nhàm chán cái đồng tiền đồng bạc, thấy nhàm chán cái cuộc sống hoan lạc của ngũ dục, liền bỏ hết mang toàn bộ vàng bạc đó bố thí, từ thiện, xong rồi tới gặp Đức Phật xin thọ giới, xuất gia làm tì kheo. Khi được Đức Phật nhận làm đệ tử khai thị truyền giới và dạy dỗ, một thời gian sau Đăng Chỉ chứng đắc quả A la hán. Mười ngón tay lại phát quang trở lại.

Các bạn thân mến! Đây là một câu chuyện cổ thời xưa nói về anh Đăng Chỉ đã trải qua sự thăng trầm của cuộc đời để nhận rõ trong cuộc sống của con người muôn sự Vô Thường. Và trong sự Vô Thường đó khi trải qua, ta sẽ chứng kiến được những cái cảm xúc của bốn câu như chủ đề: “Bạc trắng tình đời”. Khi có của có bạc, có danh, có quyền, có lợi, người ta sẽ tới. Hình như còn nhớ câu của một thi sĩ ngày xưa là Tú Xương nói: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết tiền hết bạc hết ông tôi”. “Bạc trắng tình đời” xảy ra từ ngàn xưa, thời nay vẫn thấy nhan nhản trong cuộc sống. Người ta đối xử với mình bạc trắng, nhưng miễn là mình đừng đối xử với bản thân bạc bẽo. Anh Đăng Chỉ không phải là không đối xử với bản thân bạc bẽo đâu. Chính vì anh ta đối xử với bản thân quá thậm tệ để mười ngón tay phát sáng đã tắt lịm, vì anh ta sống trong hoan lạc, quên mất chính bản thân mình. Ăn chơi, đàng điếm, chẳng chịu có cái trách nhiệm với bản thân, với cha mẹ. Đến khi các đấng ấy ra đi, anh ta rơi vào khủng hoảng đắm mình trong ăn chơi chẳng còn gì. Cái điều mà không quan tâm đến chính mình, bạc trắng với chính mình, bạc bẽo với chính mình thì còn ai quan tâm đâu?

Chúng ta dù chuyện gì có xảy ra hãy nhớ rằng: Đừng đối xử với bản thân một cách bạc bẽo. Tiền muôn bạc triệu, giàu có một thời mà không biết giữ gìn thì cũng mất. Phước báu muôn thuở muôn kiếp tích lũy nay được làm người, được biết Phật, Pháp, Tăng, được sinh ra với các đấng sinh thành là cha mẹ, giáo dưỡng, dạy dỗ, đưa ta vào đời đầy đủ kiến thức thành nhân thành tài. Nhưng nếu như chúng ta không nhận ra được cái công ơn đó, biết tri ân học cách bảo vệ chúng để cho tổn phước, tổn công đức, tay trắng vẫn trắng tay như Đăng Chỉ kia thì chỉ còn có cái cách cõng xác chết đi dọc các thôn xóm thành thị mà thôi. Cái xác chết mà anh ta mang đi quăng trong thời mạt rệp, nghèo, nó bám chặt, nó đeo đuổi, nó không chịu buông. Chỉ có khi nào trở về nhà của chính mình, diện kiến cái xác chết đó mới thấy được cái cục vàng trong bàn tay của tử thi. Ý nghĩa vô cùng! Nếu bạn bị bạc trắng như vôi, nếu bạn gặp cái tình huống “Bạc trắng Tình đời” Bạn thất thểu như một xác chết, thì bạn hãy mang cái tử thi chết thối của chính bạn trở về cái ngôi nhà xưa đó chính là cái “Tâm” đó các bạn. Hãy trở về với tâm của mình để cho cái xác chết thối rữa nhiều kiếp có thể buông ta ra rớt xuống trên cái thềm chân tâm tỉnh thức. Nhất định dù là xác chết nhiều đời vô lượng kiếp vẫn có một cục vàng trong bàn tay, bàn tay năm ngón tỏa sáng, bàn tay của năm giới.

Các bạn! Thân này có thể là xác chết đã bám theo ta nhiều đời nhiều kiếp. Nhưng nếu các bạn biết trở về ngôi nhà chân tâm thì cái xác chết này sẽ buông bạn ra. Và từ cái xác chết phương tiện này biết hành đúng năm giới, bạn sẽ tìm trở lại kho bạc, kho phước báu muôn đời xài không hết. Luôn luôn có hai mặt trong cuộc sống, chỉ có khi nào bạn thấy bạc trắng như vôi, bạc trắng tình đời, nhìn lại bản thân, trở về ngôi nhà Chân Như của tự tánh, thì chẳng cần phải quăng cái xác chết đắm chìm trong dục lạc đâu. Trở về với Chân Tâm thì thân xác rã rời, thối rữa bao nhiêu kiếp ta bám vào sẽ rớt ra. Ta không còn chấp vào nó nữa. Nơi cái thân xác đó sẽ có vàng, bởi nó là phương tiện vi diệu để cho chúng ta thành tựu pháp an lạc. Khi anh Đăng Chỉ biết trở về với cái tâm niệm như thế, trở về nhà của mình, xác chết tự đổ ra trên cái sàn nhà và anh ta tìm thấy vàng ở trong tay. Hiểu rõ được sự “Bạc trắng Tình đời” đã bỏ hết làm từ thiện và theo Phật tu chứng đắc quả A la hán.

Chúng ta cũng như thế, trải qua thăng trầm của cuộc đời thành bại, khen chê, vui buồn sướng khổ, ta đĩnh đạc hơn, ta trưởng thành hơn, ta thấu rõ được hai chữ “Bạc trắng”. Và cao hơn nữa là ta nhìn thấu được sự Vô Thường trong thành – bại, trong có – mất. Vô Thường rất quan trọng, chỉ có một cái thường hằng là cái cục vàng trong nắm tay của xác chết cạy ra rồi nó lại nhả ra cục vàng khác. Chỉ có cái thường hằng trong thân xác phương tiện vi diệu này mà thôi. Có cái thể tánh của biết, nói đúng hơn có Trí Tuệ, có Từ Bi, có Tỉnh Giác. Đây là kim cương, là hột xoàn, là vàng là phước báu, là công đức cạy ở trong nắm tay có năm ngón tỏa sáng bằng năm giới. Nếu các bạn giữ được năm giới, năm ngón tay của bạn sẽ tỏa ra hào quang. Thân xác này là phương tiện sẽ tỏa ra ánh sáng. Trí Tuệ sẽ dẫn đường cho bạn vượt cạn của muôn sự khổ tới được bờ giác. Về với Phật, tới với Phật ngày nay có ý nghĩa là trở về với tâm Phật, với tâm chân thật với Trí Tuệ với Từ Bi, với Tỉnh Giác vốn có nơi cái thân xác của chúng ta. Thân xác là phương tiện vi diệu để ứng dụng Trí Tuệ, Từ Bi, Tỉnh Giác tìm lại kho bạc năm xưa ta đã phung phí.

Các bạn! Đời có thể bỏ ta nhưng ta không thể bỏ chính bản thân của mình. Hãy quan tâm đến chính mình, hãy thương chính bản thân của mình và hãy nhớ những điều gì ta còn đang có phải biết trân quý. Đừng như Đăng Chỉ chẳng biết thương cha, thương mẹ, thừa hưởng cái gia tài, chẳng chịu học, chẳng biết trân quý cha mẹ để khi hai đấng đó đã ra đi muôn sự để lại của cha mẹ dần dần cũng chạy mất. Vợ còn bỏ, giai nhân cũng trốn, bà con cô bác gần xa có ai mà thèm tới nữa đâu? Phải đi làm một công việc gọi là bần tiện nhất, hà tiện nhất, xấu xa nhất là cõng xác chết giùm, cõng tử thi giùm. Các bạn có thấy Bảo Thành và các bạn đã cõng cái tử thi của thân xác này nhiều đời không? Cùng một ý nghĩa cho các bạn chúng ta ôm ấp cái xác chết của mình nhiều đời nhiều kiếp rồi thối rữa mà không hay. Xác chết kia không bỏ, còn riêng chúng ta thì không chịu buông bỏ xác chết, chấp vào cái thân này là có thật không bao giờ chịu buông. Xác chết kia nó bám chặt vào anh Đăng Chỉ, khi về tới nhà của anh ta nó đổ ra sân nhà đó, nó còn nhả ra cục vàng. Còn chúng ta? Chúng ta bám chặt vào cái tử thi thân người này đời đời kiếp kiếp qua không chịu buông, cột chặt nó vào cho rằng thân này là thật, ta là thật. Ôm xác chết, sống với xác chết mà không hay nên cả cuộc đời ta đã trở thành tội nhân thiên cổ, bạc trắng tình đời với chính mình.

Các bạn! hôm nay chủ đề: “ Bạc trắng Tình đời” là sự thật thường xảy ra trong kiếp người. Ta không dừng lại ở chỗ con người đối xử với ta như thế nào, bởi đó cũng chính là nghiệp quả của ta mà thôi. Ta đối xử thậm tệ với bản thân thì ai thương mà đối xử tốt với ta đâu? Cái mà chúng ta mượn câu chuyện cổ xưa mà chủ đề này trong cái công hạnh Mật Thiền song tu nói tới là cõng tử thi đó các bạn. Anh Đăng Chỉ ít nhất cũng cõng tử thi để quăng đi. Còn ta ôm tử thi cái thân này chẳng muốn buông. Nếu bạn nhận rõ được thì bạn có được một cục vàng là Trí Tuệ, một cục kim cương là Từ Bi, một viên dạ minh châu là sự Tỉnh giác, giàu có lắm. Hãy về với Phật, chúng ta là Phật tử tại gia. Hãy về với Phật đúng nghĩa buông cái tử thi ra, buông cái tôi ra, buông cái bản ngã ra thì từ cái tử thi, cái tôi, cái bản ngã kia sẽ nhả ra Trí Tuệ, Từ Bi và Tỉnh giác – kim cương, hột xoàn và dạ minh châu. Và rồi biết ứng dụng Trí Tuệ, Từ Bi và Tỉnh Giác này với cái công hạnh bố thí, từ thiện, sám hối và cúng dường, nhất định các bạn sẽ gặp được Phật trong ngay đời sống của mình và chứng đắc đạo quả của sự an lạc, hạnh phúc, bình yên.

Đạo Phật không xa rời thực tế của cuộc đời chúng ta. Đừng cõng cái thân xác của cái tôi, cái bản ngã hôi thối, thối rữa này chạy ngược chạy xuôi để khoe khoang. Đăng Chỉ, anh ta đã cõng tử thi đi. Nó không buông anh ta kìa, về tới nhà nó mới chịu buông. Khi chúng ta trở về với ngôi nhà chân tâm của Trí Tuệ, Tỉnh Giác, chúng ta sẽ nhẹ buông cái tôi để tỏa sáng như kim cương. Khi chúng ta trở về ngôi nhà của chân tâm Tỉnh Giác ta sẽ nhẹ buông cái bản ngã để tình yêu được liên kết gắn liền với mọi người có nhân duyên đi vào cuộc đời của chúng ta. Và khi chúng ta biết trở về với cái tâm chân thật thì chúng ta sẽ tự buông được cái bản ngã cống cao, cái thân xác hôi thối này để luôn luôn Tỉnh Giác, Chánh niệm trong từng hơi thở. Hay lắm! Ta sẽ vui, Ta sẽ có Phật, ta sẽ có tất cả. Khi anh Đăng Chỉ có được vàng trở lại thì vợ trở về, thân bằng quyến thuộc trở về mọi người tới thăm. Khi chúng ta biết từ bỏ cái tôi của mình bản ngã của mình, ta sẽ tìm được kho báu của Trí Tuệ, Từ Bi, Tỉnh Giác. Chư Phật chư Bồ Tát, Long thần, Hộ pháp, chư Thiên sẽ cận kề với chúng ta, bởi chúng ta là người biết chăm sóc cho chính mình, biết xả bỏ cái tử thi hôi thối nhiều đời của cái tôi cái, cái ngã ta đã ôm chặt trong ác nghiệp.

“Bạc trắng Tình đời” ai không qua chưa thể làm người. Tình người bạc trắng như vôi chỉ là một phần thôi, nhưng cũng có thể nương vào cái phần sự thật của cuộc đời ta sẽ trưởng thành đĩnh đạc. Và nếu chúng ta biết trở về với sự thật của Tâm Phật ta sẽ chứng đắc sự an lạc và hạnh phúc.

Các bạn! mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Anh Đăng Chỉ xưa đã phải cõng tử thi đi quăng nhưng tử thi đã ôm chặt không buông anh ta. Còn chúng con cũng ôm chặt tử thi, cái thân xác hôi thối, cái bản ngã, cái tôi nhiều đời nhiều kiếp qua. Nguyện một lòng trở về với Phật tánh, buông bỏ cái tử thi của bản ngã, của cái tôi, của cái thân này để chúng con tìm lại châu báu kim cương của Trí Tuệ, Từ Bi của Tỉnh Giác để chúng con biết tới gặp Phật diện kiến Phật và đồng hành với Phật trên con đường Mật Thiền tỉnh giác an vui hạnh phúc. Xin chư Phật gia trì.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu nếu được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn