Bảo Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con một lòng thành kính đảnh lễ Thế Tôn và xin nguyện Thế Tôn trao truyền lễ quán đảnh Trí Tuệ, an lạc, viên mãn để chúng con khơi nguồn yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ đứng dậy quán chiếu trong chánh niệm, thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Một lòng thành kính nguyện xin Chư Phật gia trì cho các vị lãnh tụ các quốc gia trên thế giới có lòng dũng cảm bằng trí tuệ sáng suốt, biết dừng chiến tranh và thành lập nền hòa bình cho thế giới. Xin Chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt lòng bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.
Trong từng giây phút của chánh niệm hơi thở, pháp môn phương tiện Mật Thiền song tu Thất Bảo Huyền Môn sẽ đưa chúng ta gắn kết mật thiết với Chư Phật mười phương, đón nhận thật nhiều Mật điển, Phật điển tha lực siêu thế vào thân tâm. Chúng ta hãy cùng nhau quán chiếu và đón nhận.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa! Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 biến)
Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu trên Facebook, Youtube. Các bạn thân mến, vào với chủ đề gửi về hôm nay, Bảo Thành đang suy nghĩ và sự suy nghĩ này đã đưa tới một cái nhìn mượn hình ảnh của một loài sinh vật để thấy rằng chúng ta không khác gì loài sinh vật ấy. Chủ đề “Kết Kén Giam Thân Mình”, chắc chắn người Việt Nam chúng ta quen thuộc với cái kén. Bởi ví dụ như, nổi tiếng một vùng ở miền Bắc (Bảo Thành nghe thôi), là cái làng gì đó mà không biết ai có còn nhớ tên đó hay không, Bảo Thành nghe qua mấy lần đang suy nghĩ thử xem tên làng đó là gì, nhưng có sự gắn kết với áo lụa, và hình như là Hà Đông, phải không? Áo lụa Hà Đông, nếu sai các bạn thông cảm! Nói đến lụa là nói đến tơ tằm. Con tằm kết cái kén, nó giam thân của nó vào bên trong. Khi sinh ra nó nhỏ, nó là con nhộng, nó là con sâu, sâu bướm. Nó yếu dữ lắm các bạn ơi! Và trong thời gian đó, nó dễ bị tổn thương, dễ bị sát hại bởi những sinh vật khác, nhưng nó có một sức mạnh tự thể để bảo vệ, để nó nhả ra tơ và nó kết thành cái kén bao bọc toàn thân của nó. Nó không nhìn, không nghe, không cảm xúc với thế giới bên ngoài một thời gian thật dài. Nó sống với nội lực, cái bên trong, nó cứ nhả tơ kết thành kén dày lắm. Và trong bóng tối của cái kén nó được che chở, được bảo vệ, rồi dần dần tới ngày đã đủ sức nó cắn kén chui ra, rùng mình thật mạnh, mọc thêm đôi cánh bay lên trên trời, thong dong, tự tại tận hưởng sự tinh khiết, tinh túy là mật của các loài hoa. Hình ảnh đó thật gần gũi với chúng ta, con sâu bướm tự kết kén nhả tơ, giam thân mình là để bảo vệ, chứ không giam thân mình để giết chết mình. Cái kén tơ của con nhộng bướm, của con tằm đó các bạn, nó còn mang lại lợi ích cho con người, bởi tơ thật đẹp. Người ta kéo tơ của chúng và dệt thành những vải lụa tuyệt đẹp, mát, bền, óng ánh. Đó là cái nhìn đẹp, một cái nhìn mà ta hiểu được cái dục của con sâu tự dệt kén bảo vệ, tăng trưởng nội lực ở bên trong, sống với cái ở bên trong, tồn tại với cái ở bên trong, trưởng thành với cái ở bên trong và nuôi dưỡng bởi cái ở bên trong. Đến khi đủ sức thì vượt qua mà bay lên trời. Rất đẹp! Quan sát về đời sống của những con sâu, con nhộng ở trong kén, ta thấy tuyệt vời.
Chúng ta không khác gì con nhộng kia khi sinh ra ở đời. Con nhộng tự nhả tơ và khi sinh ra ở đời này chúng ta yếu đuối dữ lắm. Khi cất tiếng khóc chào đời đã bắt đầu nhả tơ, tơ của con nhộng có thể dệt thành lụa, nhưng tơ truyền kiếp của chúng ta là những sợi tơ được dệt bằng ngũ dục, của tâm tham–sân–si.
Các bạn, tham–sân–si, cái tơ ngũ dục tham–sân–si này nó tự kết, nó kết thành cái kén bao bọc, giam hãm cuộc đời của chúng ta ngay từ thuở sinh ra, bởi đó là cái nhân của tiền kiếp trổ quả trong hiện kiếp. Từ nhở, tấm bé, biết bao nhiêu tập khí là tơ ngũ dục tham–sân–si, cứ thế đan xen từ thuở đầu đôi mắt ngây thơ mở ra nhìn cuộc đời. Từ thuở đầu, lỗ tai có thể nghe được âm thanh của mẹ kêu, mẹ nhắc. Từ thuở đầu mà miệng có thể nếm được hương vị của mẹ mớm cho chúng ta, đến những sự xúc chạm yêu thương của cha mẹ. Tập khí nhiều đời cũng nương vào đó phát triển không bao giờ ngừng, chúng tự kết lại thành cái kén, giam hãm thân của chúng ta mãi mãi.
Con nhộng nó còn dùng nội lực sống dệt kén để bảo vệ và cắn kén chui ra thành bướm. Còn chúng ta, cái kén của tơ ngũ dục, của tham–sân–si, nó cột quá chặt bằng các tập khí, thói quen, bất thiện nghiệp nhiều đời. Mà chúng ta lại không dùng nội lực ở bên trong vốn có là tự tánh tỉnh giác, tánh Phật để cắn nó mà chui ra. Chúng ta lại vươn ra cái bên ngoài, nhào lộn ở trong những sự lộn xộn của cảnh trần gian, quên đi cái kén của tơ ngũ dục. Vậy là chúng ta cứ bị giam thân của mình vào ở đó, lẩn quẩn, loanh quanh trong kiếp luân hồi nhiều lắm, không thoát được, chết ở trong đó mà không thể thoát. Muốn bay lên tận trời cao, ngắm nhìn hằng hà tinh tú diệu vời, muốn bay chập chờn trong cảnh đời gian khó để hưởng tinh túy, kết lại gọi là mật nơi các loài hoa. Nhất định phải cắn kén chui ra. Chúng ta có thực sự muốn cắn cái kén của ngũ dục, của những thói quen bất thiện, của những sự nuông chiều, nuôi dưỡng bằng những cảm xúc sa đọa nơi thân xác vô thường này hay không? Hình như chúng ta cứ chạy theo, ít khi nào để ý, lắng nghe, tư duy và hỏi như thế. Bởi người hỏi như thế dễ bị những người khác cho là khùng. Sinh ra làm người, quy luật sống và tận hưởng nhưng đó là sự áp chế đặt ra của người ta. Còn nếu suy nghĩ kỹ, không phải sinh ra làm người là để vui sống, tận hưởng mà là để tiến lên.
Chúng ta phải nên nhớ, những ham muốn trong cuộc đời, những sợi tơ đó tuy đơn giản nhưng chúng ta thật khó thoát. Không dễ gì thoát khỏi nó đâu! Chúng ta coi thường thì chúng ta càng bị nhốt vào trong cái kén được dệt bằng sợi tơ của tham–sân–si, sợi tơ của ngũ dục, khó thoát lắm! Nói dễ nhưng để thoát thật khó! Chúng ta không tập trung nội lực tu tập, khó hòng mà thoát được. Người phàm phu thật khó thoát nếu không cận kề bậc thiện tri thức được nhắc nhở, nếu không gần gũi với kinh sách của Phật, các bậc Tôn Túc hướng dẫn, tự lực tu học, thật khó!
Một câu chuyện tiền kiếp của Phật kể rằng, hồi xưa ở dãy núi Hy Mã Lạp Sơn có một vị cư sĩ xuất trần vào trong núi tuyết để tu. Ông ta tu ở trên núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn, dĩ nhiên là phải bỏ hết tất cả để vào đó, lạnh lắm. Chỉ có những người có tâm dũng mãnh vô song mới có thể đi vào dãy Hy Mã Lạp Sơn để tu. Dãy núi này chạy dài từ Ấn Độ, Nepal, Butan, Miến Điện, Srilanka, Trung Quốc, Tây Tạng, một dãy núi thật dài. Trên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn thật lạnh, thường có các bậc cao nhân, hay những con người đi tìm đời sống tâm linh xuất trần vào trong núi để tu. Vị này tu ở đó cũng lâu lắm rồi, thì một hôm chợt trời mưa, gợi nhớ cho ông ta rằng ở nhà vẫn còn một bịch đậu (hạt đậu) và một cái cuốc. Và tâm ông ta nghĩ rằng nếu như trời mưa đẹp như vầy, lấy cái cuốc mà cuốc đất gieo những hạt đậu kia xuống, nhất định chúng sẽ mọc lên. Ông ta liền trở về nhà, lấy cái cuốc cuốc đất và gieo những hạt đậu kia xuống. Nó mọc lên và có thêm nhiều hạt đậu, ông ta gặt, ông ta ăn một phần còn một phần lại nhét vô trong một cái bịch treo lên trên bếp. Rồi lẩn quẩn, cuộc đời ở nhà chán quá lại vào trong núi tu. Vào trong núi một thời gian, mưa lại đổ xuống lại nhớ về cái cuốc và hạt đậu, lại trở về cuốc đất trồng đậu.
Đi đi về về như vậy đến 07 lần các bạn, tu có cái gì đâu? Chỉ có cái cuốc, bịch hạt đậu còn ở nhà vậy mà cứ nhớ rồi lại phải bỏ núi về để trồng trọt, gặt, rồi vô núi tu. Lần thứ 07 ông ta tu, Phật thấy trong sự quán chiếu rằng, tại sao chỉ có cái cuốc và bịch hạt đậu đó mà làm cho điên đảo như thế. Ông ta quyết định từ bỏ, lấy cái cuốc và bịch hạt đậu đi tới dòng sông, ông ta bịt mắt lại và quay nhiều vòng để ném cái cuốc và bịch đậu kia xuống sông. Tại sao bịt mắt? Có ý rằng không muốn nhìn thấy để nuối tiếc cái cuốc và bịch hạt đậu. Khi ông ta quăng xuống, ông ta la lên thật to rằng: “Ta đã chiến thắng”. Ngay lúc ấy, có một vị vua ở trong thành Ba-Na-Lại, cũng vừa đưa quân đi chiến thắng các quân khác, các vua khác ở các nước lân cận trở về. Ông ta ngạc nhiên, ông ta thấy mình mới là người vừa chiến thắng, tại sao người đứng bên sông kia lại la rằng anh ta vừa chiến thắng, đã chiến thắng. Ông vua thành Ba-Na-Lại mới hỏi người đó rằng:
- Ta là người vừa tiêu diệt được các nước bên cạnh trở về, ta là người chiến thắng, ông có gì đâu để chiến thắng?
Ông ta nói rằng:
- Ông chiến thắng bằng sức mạnh, chiến thắng của ông ngày hôm nay có thể bị đánh bại bởi những đất nước khác đứng dậy trở lại. Còn chiến thắng của tôi là chiến thắng khỏi tham dục.
Và ngay lúc đó, ông nhà tu kia quán chiếu dòng nước tự nhiên của dòng sông, và quán chiếu sự chiến thắng của tham dục, ông ta bay lên trên trời. Bài giảng ngắn gọn, nhẹ nhàng đó thôi, ông vua thành Ba-Na-Lại đã nghe, hiểu thấu nghĩa liền buông bỏ mà đi tu. Ông vua bên cạnh vừa thất bại, dồn quân đánh ngược lại thì khi qua nước này thấy thành bỏ trống và thấy ông vua thành Ba-Na-Lại đã đi tu, ông ta cũng chiêm nghiệm và hiểu thấu liền đi tu. Liên tục như vậy, 07 vị vua trong thành đó đều đi tu.
Lúc ấy, Đức Phật nói rằng ông mà tu ở Hy Mã Lạp Sơn có tên là Kudana tức là người chiến thắng, hay dịch ra gọi là ông thần cuốc, bởi ông ấy có cái cuốc với bịch hạt đậu thôi. Đức Phật nói tiền kiếp của ta là ông Kudana, chỉ vì cái cuốc và hạt đậu, đơn giản như vậy mà đắm đuối, cái đó gọi là tham dục đó các bạn. Nó đã kết thành những tập khí, những năng lượng bất tịnh xấu ngủ ngầm, khi đúng mùa, trời mưa xuống nó gợi nhớ và rồi từ bỏ hạnh tủ để trở về. Chúng ta cũng như vậy, tập khí nhiều đời còn những thói quen bất thiện, nó như những sợi tơ chằng chịt, là tơ ngũ dục các bạn ơi. Nó ngầm ở trong thân ta khi sinh ra làm người, và rồi khi mang thân người, nó tìm cái lỗ nó chui ra, nó kết lại thành cái kén – kén ngũ dục. Nó giam chúng ta từ ngày này qua ngày kia bằng tham–sân–si, thật khó thoát! Chỉ một cơn mưa nhẹ gợi nhớ về cái cuốc, ông ta đã trở về, bỏ tu đến 07 lần mới ngộ ra. Còn chúng ta không phải là 07 lần, không phải là 07 kiếp mà đã đời đời kiếp kiếp. Ngũ dục ở trong tâm, chúng ngủ ngầm, dụ dỗ, cám dỗ, chúng dẫn đưa chúng ta miệt mài đâm bổ đầu vào trong bóng tối của vô minh. Và cứ lấy tơ ngũ dục đó kết thành nhà tù chứ không phải cái kén, không bao giờ thoát ra được. Nếu chúng ta kết kén nhả tơ, tơ lụa đó các bạn để bảo vệ rồi cắn kén thành bướm thì đó là một hành động tốt. Còn nếu lấy tơ ngũ dục để dùng tâm tham–sân–si kết thành cái kén nhà tù của cái thân bất tình này, giam, nhốt, hãm hại tự thân của mình thì thật càng không nên.
Các bạn, có bao nhiêu chuyện các bạn đi tới chùa tụng kinh, tiếng chuông tiếng mõ đã cất lên, ngõ hầu tiếng chuông tiếng mõ, tiếng kinh sẽ đưa chúng ta thoát khỏi công việc, sự phiền não, suy nghĩ hằng ngày? Nhưng đâu, vừa cóc cóc, boong boong, Nam Mô A Di Đà Phật thì chuyện nhà nó tuôn ra, chuyện hàng xóm nó trôi nổi ở trong đầu. Các bạn để ý, tụng kinh gõ mõ, ngồi thiền, trì chú, tâm loạn hết. Vị cư sĩ tu ở trong Hy Mã Lạp Sơn quyết định dõng mãnh dữ lắm, chỉ có cái cuốc và bịch hạt đậu thôi mà còn phải bỏ tu đến 07 lần về để trồng đậu để ăn. Chúng ta chỉ ngồi trong nhà chùa, nghe kinh, gặp Phật thì chúng ta đã bỏ các Ngài rồi, bỏ chùa trở về với cuộc đời. Có biết bao nhiêu tham dục, cám dỗ, cái cuốc cứ đào cứ bới, cứ bơi, trồng trọt, chăm sóc, chăm bẵm um tùm, trổ gai để đâm xả vào tâm từ, làm cho phiền não đau khổ quá, mà đâu khi nào suy nghĩ đâu. Vu, vị cư sĩ kia suy nghĩ, hiểu và cuối cùng bịt mắt quăng xuống dòng sông. Cuộc đời là một dòng sông chất chứa biết bao nhiêu những cái khổ. Ta không bịt mắt để vứt tất cả tham ái vào đó cho nó trôi đi, mà ta mở mắt nhảy xuống dòng sông khổ của cuộc đời, lặn xuống tận đáy mò mẫm những quá khứ đã hết, những quá khứ đã chết. Cứ mân mê như người tìm được ngọc trai, vuốt ve, kêu lên sướng quá mà nào ngờ đang đau khổ không thể kể xiết.
Các bạn, chúng ta đã kết kén ngũ dục giam cuộc đời vào cái thân bất tịnh, khổ, khổ, khổ muôn đời khó thoát. Nếu kết kén phải là kén tơ của nhộng, ít nhất khi thành bướm thì tơ kia cũng mang lại lợi ích cho con người dệt thành lụa. Kết thúc cuộc đời, rời khỏi thân xác, khi hơi thở cuối thở ra mà chẳng vào, ta còn để lại cho cuộc đời cái kén có tơ để dệt lụa hay không? Hay là một mớ bùi nhùi, rối rắm, biết bao nhiêu bất thiện, tham dục, tà khí, tiêu cực, còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội. Là người Phật tử tại gia hôm nay, Bảo Thành giới thiệu cho các bạn một chất liệu vốn có từ bên trong mà Đức Phật đã dạy, đó chính là gì các bạn biết không? Đó chính là tự tánh tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê – tâm tỉnh giác để thoát mê, và nước Từ Bi – Mu A Mu Sa, đèn Trí Tuệ – Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang. Chúng ta hãy cùng nhau kết kén, nhưng không phải bằng ngũ dục mà bằng mây ngũ sắc, mây kiết tường, kiết tường vân, bằng chỉ ngũ sắc, tuyệt vời lắm, đó chính là ngũ giới. Ngũ giới là chỉ ngũ sắc, ở đời người ta lấy chỉ ngũ sắc tượng trưng cho may mắn. Mây ngũ sắc gọi là kiết tường vân tượng trưng cho may mắn. Đến với các nhà Sư, thường đeo vào tay ta một sợi chỉ năm màu ngũ sắc tượng trưng cho ngũ giới bền vững, tượng trưng cho ngũ uẩn giai không, tượng trưng cho sự làm chủ được các giác quan.
Các bạn, ngũ giới là tơ ngũ sắc. Tơ này đẹp hơn tơ cái kén của con nhộng các bạn. Tơ kén của nhộng dệt thành lụa, mặc một thời gian mà thôi, nhưng tơ ngũ sắc được dệt bằng ngũ giới trở thành pháp y muôn đời không bao giờ hư. Để ta có cái kén ngũ giới này bảo vệ, hộ mạng, che chở cho chúng ta khỏi mọi sự xâm hại của những pháp bất thiện ở bên ngoài. Từ đó mà ngay ở bên trong ta nhả tơ thanh tịnh – tâm thanh tịnh, ta nhả tơ từ bi, ta nhả tơ trí tuệ, kết thành cuộc đời trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi, nhỏ bé này. Dĩ nhiên, cái kén của những sợi tơ ngũ giới, của mây kiết tường được thêu dệt, nhả ra từ tâm tỉnh giác, tâm từ bi và trí tuệ, sẽ có lợi ích vô cùng cho biết bao nhiêu chúng sanh. Phải suy nghĩ các bạn, cũng chỉ là một kiếp người trong cõi đời ô trược này. Vị ẩn sĩ trên Hy Mã Lạp Sơn, 07 lần trở về nhà dùng cuốc trồng đậu, tư duy, cuối cùng mới có thể giác ngộ. Ông Kudana, tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Còn thân xác ngày nay là tiền thân của nghiệp chướng nhiều đời ta đã tạo, gọi là ông này bà kia, tên tuổi đặt cho sang, nhưng thật ra ta là tiền thân của bất thiện nghiệp. Nếu như chúng ta không khéo nhìn rõ cái cuốc, hạt đậu, còn nhớ trở về, thì những tham dục nó cám giỗ và nó dụ dỗ ta dễ rơi vào những sự mê đắm, khó thoát.
Những sợi dây thừng của ngũ dục, nó kết thành nhà tù kìm hãm chúng ta, ta sẽ chết. Hãy một lần như con nhộng, con nhộng ở đây biết kết kén bằng mây ngũ sắc, bằng kiết tường vân, bằng ngũ giới để hộ mạng cho chúng ta, để phòng hộ cho 06 căn của ta không bị những tên giặc của tham–sân–si, của ngũ dục lần chiếm, bắt hại. Ta được an toàn, ta được phòng hộ bởi ngũ giới. Từ đó mà tịch tĩnh trong cõi đời nổi trôi, bồng bềnh của biết bao nhiêu những bất thiện nghiệp nhiều đời. Ngũ giới dệt nên một lâu đài tỏa hương ngũ sắc và từ đó chúng ta được biết bao nhiêu chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền, Long Thần, Hộ Pháp đến che chở, phòng hộ cho chúng ta. Ta có cơ hội nhìn thẳng vào bên trong để thấy rằng tự tánh thanh tịnh vốn có, tự tánh từ bi, thiện lương vốn có, tự tánh của sự sáng suốt, trí tuệ vốn có. Ứng dụng những điều vốn có đó để dệt nên cuộc đời một cái kén mà sau đó ta có thể vươn lên trên tất cả những bùn lầy hôi thối của cuộc đời, để bay bổng lên ngàn sao tinh tú diệu vời. Ta làm được điều đó! Bởi chính Đức Phật đã thọ ký, đã truyền dạy, đã khai thị, đã hướng dẫn và đã giới thiệu cho chúng ta.
Con nhộng bướm cắn kén chui ra, rùng mình tạo thành cánh bay lên trời, thong dong đây đó, hưởng tinh túy từ mật của các loài hoa, tự tại, đẹp. Các bạn cứ nhìn loài bướm, thấy đẹp không? Chúng ta có tự tánh thanh tịnh, có năng lượng từ bi, có trí tuệ thật sáng. Chúng ta có thể bay lên cả một khung trời cao rộng, không dính mắc trong tham dục. Nếu biết dùng ngũ giới, gọi vân hoa mà Bảo Thành nói tức là mây kiết tường, kiết tường vân, mây ngũ sắc tức là chỉ ngũ sắc, dùng tâm thanh tịnh, từ bi, trí tuệ kết nó thành cái kén để phòng hộ cho cuộc đời của ta, của người yêu thương. Cái kén này không cần phải cắn, bởi nó luôn luôn phòng hộ cho chúng ta từ ý vận hành ngũ giới hộ mạng cho mình. Cũng từ ý thanh tịnh, từ bi, trí tuệ mà ta có thể bay bổng lên cõi trời. Ông Kudana khi giác ngộ, hiểu được, quăng bỏ cái cuốc và bịch hạt đậu xuống dòng sông Hằng, nhập vào dòng lưu của sông Hằng đang chảy đó, hiểu rõ nghĩa mà có thể bay bổng lên trời, thoát khỏi tham dục. Và một lời khai thị của ông ta, 07 vị vua liên tiếp đã từ bỏ ngôi báu để xuất gia. Nhớ, ông Kudana là tiền thân của Phật Thích Ca, tiền thân của Phật Thích Ca là Bồ Tát thời đó, mà còn dính mắc ở trong cái cuộc, bịch hạt đật, còn kẹt ở trong cái tham dục nhỏ bé.
Chúng ta mắc kẹt quá nhiều bởi biết bao nhiêu những cái núi của tham dục, nó chồng chất đè bẹp, làm sao thoát được? Câu chuyện đời thường kể và ta thường nghe thuở nhỏ là Tề Thiên Đại Thánh, bị nhốt ở dưới Ngũ Hành Sơn làm sao thoát? Nếu như không gặp Bồ Tát Quan Thế Âm cứu để khiển ngài Tam Tạng – Đường Tăng tới, thì sao mà thoát được? Làm sao chúng ta có thể thoát ra được cái kén của ngũ dục giam thân mình vô lượng kiếp qua? Được! Bởi ta không cần phải có Đường Tăng, ta đã có Phật Thích Ca Mâu Ni, ta đã có Quan Thế Âm Bồ Tát đưa bàn tay từ bi nâng và đưa ta thoát ra khỏi biết bao nhiêu kiếp trầm luân nhiều đời gian khổ. Mu A Mu Sa là năng lượng tình thân của Phật, đã đổ tràn đầy xuống cho chúng ta trong từng hơi thở của chánh niệm. Ánh sáng trí tuệ của Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang của Đức Phật đã được thắp sáng để đưa chúng ta nhìn thấy thật rõ mọi hiện tượng đều vô thường sanh diệt. Từ đó, dõng lên tiếng khánh vang vọng mãi trong tâm Ma Sa Ốp Uê, để ta có thể thể nhập vào tâm tỉnh giác của Phật, lãnh nhận đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc viên mãn. Mà kết lên cái kén của kiết tường vân, áng mây ngũ sắc, được dệt bằng năm giới, phòng hộ cặn kẽ các căn không bị ô nhiễm bởi các trần, thanh tịnh tuyệt đối.
Các bạn, kết kén giam thân mình là bằng ngũ dục, kén đó cần phải phá vỡ nhưng có thể kết cái kén thanh tịnh bằng ngũ giới. Để mang tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác ứng vào từng hành động trong cuộc sống, giải thoát mình khỏi vô minh, thể nhập vào sự tự tại và an vui trong chánh niệm hơi thở. Cái kén của ngũ dục cần phải phá vỡ, nhưng cái kén của ngũ giới cần phải được dựng lên để hộ mạng cho chúng ta. Năm giới của nhà Phật là kiết tường vân các bạn, là chỉ ngũ sắc, là tơ giải thoát. Kết lên bao bọc xung quanh sẽ phòng hộ, hộ mạng, che chở cho chúng ta trên từng dấu chân của cuộc đời. Để không còn khập khễnh té nhào xuống hố sâu, vực sâu tăm tối cuồn cuộn, những vùng xoáy của khổ nữa. Ngũ giới rất quan trọng trong đời sống Phật tử tại gia, hãy kết lên cái kén giải thoát để phòng hộ bản thân bằng năm sợi chỉ óng ánh những màu sắc giác ngộ của ngũ giới. Kén này là kén giải thoát, không phải là kén của ngũ giục giam thân mình trong vô minh, đau khổ và phiền não.
Đức Phật đã tặng cho chúng ta năm sợi chỉ ngũ sắc của ngũ giới, đẹp lắm, vững bền lắm! Kén giải thoát bằng kiết tường vân ngũ giới. Hãnh diện, vui lên đi, bởi 07 vị vua kia chỉ nghe một bài pháp của vị Bồ Tát là chiến thắng khỏi tham dục mà bỏ cung điện, ngọc ngà, quyền lực để đi tu. Thân mạng này có cái gì, nó là thân bất tịnh, sao không dám bỏ? Ta không bỏ chính là bởi vì ngũ dục đã kết thành kén giam thân của ta vào trong đó, nhưng rất may ta đã gặp được Phật. Các vị vua kia gặp Bồ Tát Kudana để khai thị, còn ta gặp Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài truyền trao năm sợi chỉ ngũ sắc được dệt, được kết bằng kiết tường vân. Năm giới đó các bạn, hãy đan cái kén cho thật hay, để phòng hộ, hộ mạng cho mình, cho ông bà, cha mẹ, cho vợ chồng con cái, cho cháu chắt của chúng ta, cho những người yêu thương của ta. Phương pháp hộ mạng cao quý nhất chính là hãy kết thành cái kén bởi năm giới. Trong cái kén năm giới đó, ta luôn được hộ mạng, được phòng vệ, ta luôn được che chở, và ta được nằm ở trong vùng an toàn để sống hạnh phúc, bình an, cho tới khi ta có thể bay lên cung trời cao rộng của sự giải thoát toàn diện sau này, khi có thể từ bỏ được tham dục trong cuộc đời.
Các bạn, mời các bạn trở về với tâm ý thanh tịnh thể nhập vào hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Cái kén của ngũ dục đã giam hãm cuộc đời của chúng con trong đau khổ và phiền não bao nhiêu kiếp qua. Nay thấu rõ, nguyện một lòng thành kính đón nhận mây kiết tường, chỉ ngũ sắc từ năm giới, gia công bồi đức, tạo phước để kết thành cái kén hộ mạng của Long Thần, Hộ Pháp, Chư Thiên. Để vượt qua, bay vào cung trời cao rộng của sự giác ngộ và buông bỏ tham dục. Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa! Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta cùng hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.