Trần Công Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, quý Phật tử, các bạn đồng tu.
Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện xin chư Phật truyền ban lễ quán đẳng đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn cho chúng con, để chúng con biết khơi nguồn Từ Bi, thắp sáng đuốc tuệ, nhận rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho sự hòa bình của thế giới và xin chư Phật gia trì cho các vị lãnh đạo các quốc gia, biết dùng sức mạnh trí tuệ và quyền lực của mình để chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật tác đại chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy cùng nhau trở về với chánh niệm hơi thở, thiền quán tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Hãy cùng nhau chúng ta đón nhận luồng mật điển mà chư Phật ban rải xuống cho mỗi người chúng ta.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay thứ Hai đầu tuần, ta đi vào chủ đề các bạn gửi về “Kiểm Tâm Mỗi Ngày”. Mỗi ngày chúng ta đều phải kiểm tâm của mình để nhận ra tâm của chúng ta hoạt động như thế nào? Có lẽ đây là chủ đề chúng ta phải suy nghĩ.
Các bạn thân mến! Từ xưa cho tới bây giờ khi nói đến Phật giáo chúng ta liền nghĩ rằng trực thuộc vào những vị xuất gia. Còn Phật tử tại gia người sống ở trong đời có lẽ tới đó để ăn ké mà thôi. Còn các vị sư kìa, cạo đầu từ bỏ cuộc đời, mặc áo nâu sòng thì họ mới là người thật sự tu để kiểm tâm mỗi ngày. Còn chúng ta những người bận rộn nơi chợ búa, gia đình và đời sống này, kiếm tiền còn không có để mà kiểm tiền hàng ngày, thiếu hụt đủ thứ về kinh tế, lấy đâu để có thời gian kiểm lại tâm. Tâm trong đời loạn hết rồi, kiểm làm chi nữa, thôi để cho các nhà sư. Ta cứ nghĩ kiểm tâm và tu đạo Phật không phải của ta, không thuộc về ta, chỉ của người xuất gia và thuộc người xuất gia mà thôi. Đây là một sự mặc định ngẫu nhiên hay hiển nhiên trong đời sống, suy nghĩ cho kỹ có nhiều điều về Phật giáo chúng ta đã hiểu lầm, lệch lạc và sai trái. Pháp tu của nhà Phật, sự kiểm tâm không phải là nhồi sọ vào tất cả chiều dày của 45 năm trời kinh điển Phật dạy. Ta cứ nghĩ người học Phật là phải đọc kinh Phương Quãng, Liễu Nghĩa, Đại Thừa, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, A Hàm, Tăng Chi Bộ,.. tất cả các bộ kinh dày cộm ngay cả các nhà sư cả cuộc đời mần mò cũng không đọc hết được. Nhớ thì có lẽ chỉ chủ chốt những điều phù hợp với căn cơ, ngoại trừ có anh google nhớ hết bởi chúng ta bỏ lên trên đó. Còn người đời thường làm sao có thêm một ông Anan thứ hai để mà nhớ toàn bộ kinh sách của chư Phật. Từ đó người Phật tử cảm thấy khó khăn, rồi chẳng khi nào nghĩ rằng Phật giáo là con đường chúng ta, người Phật tử tại gia có thể tu, kinh nhớ không được, đọc khó hiểu tu sao đây?
Cuộc đời cứ dần trôi qua, chúng ta đi theo Phật giáo chỉ là ăn ké, chỉ là tìm tòi sự cầu mong xin xỏ, chẳng thực sự bước vào con đường tu, ngõ hầu chứng đắc thành tựu như Phật dạy. Bởi khi nghĩ tới các nhà sư là chúng ta bị gắn mác các vị ấy là những bậc đại học sĩ uyên thâm, là những nhà nho học, Phật học, là những nhà Hán học, Tạng học. Ngày nay không chỉ có nho học, Hán học, Tạng học mà còn có Ấn Độ học, Miến Điện học, Srilanka học, tức là Phật giáo đã mở rộng để cho các vị sư thầy hay sư cô có cơ hội du học ở các nước Phật giáo khác. Dĩ nhiên các bạn thấy rồi tới các nước đó chúng ta phải học Phật giáo dưới ngôn ngữ của họ. Hồi xưa chúng ta học Phật giáo dưới ngôn ngữ của ông cha ta gọi là nho học hay là tiếng nôm, sâu hơn một bước hiểu được tiếng Hán thì ta học Phật học qua Hán học, rồi nhiều người nghiên cứu có cơ hội học được Phật giáo của Tây Tạng gọi là Tạng học. Nay có biết bao nhiêu những vị tiến sĩ trẻ Phật học Ấn Độ, Miến Điện, Srilanka, ở bên Nhật nữa, đủ hết. Và nó càng rối thêm bởi nhiều người khi đi du học hoặc có nhân duyên học được Phật giáo ở các nền ngôn ngữ khác biệt, quốc gia khác biệt. Kiến thức được mở rộng và được đọc thêm rộng phần những điều ta chưa thấy, từ những bản dịch bằng tiếng Việt, tiếng Nho, tiếng Hán của chúng ta. Từ đó ta thấy rằng hình như nền Phật học của Việt Nam không đúng, ngôn ngữ thôi. Thế nhưng ở đời ta vẫn thần tượng hóa con người, cá nhân, sách vở, ngôn ngữ và những nềntư duy, suy nghĩ, triết học, Phật học, nói đúng hơn là những nền kiến thức khác biệt. Khi học thêm một chút là ta thấy rộng, hiểu xa và cảm thấy như những điều xưa ta biết quá nhỏ, thiếu thốn và dần dần hình như không đúng. Phật giáo mở quá rộng ngày nay ai cũng tiếp cận được với Phật giáo và mỗi người chúng ta bắt đầu lầm lạc tưởng chừng rằng chúng ta không có khả năng học Phật, chỉ dành cho các vị sư từ bỏ cuộc đời, từ bỏ tất cả mới gọi là học Phật. Nhưng các bạn, Phật giáo không phải là từ bỏ mà là buông bỏ, hiểu để buông chứ không có từ, không tiêu diệt, không chạy trốn, buông, thấy rõ, biết, buông, không vướng, chẳng chấp.
“Kiểm tâm mỗi ngày” thực ra không có khó và chẳng thuộc về tôn giáo, được gọi Phật giáo mà là con đường đi đến sự nhận rõ để buông, hiểu rõ để buông. Người xuất gia hay người tại gia chúng ta đều có khả năng nhìn rõ mọi vấn đề để buông. Thế giới mở rộng chúng ta có cơ hội tiếp cận nhiều với các vị sư, chúng ta cũng nhìn thấy biết bao nhiêu những ngôi chùa nơi thành phố, nơi thành thị, nơi thôn quê. Ngày nay ta nhận diện thật là rõ các sư cũng hoạt động trong xã hội dưới mọi hình thức, chẳng còn từ bỏ cuộc đời, lánh xa thế trần ẩn dật nơi sơn lâm, không còn nữa. Bởi hóa độ chúng sanh mà trốn trong rừng, trong hang, trong ổ, làm sao hóa độ, hóa độ chúng sanh mà dùng những thể loại ngôn ngữ cách xa hàng vô lượng kiếp mới có thể hiểu, làm sao ứng dụng vào cuộc đời hiện tại. Đó chẳng phải là hóa độ, ngôn ngữ xa hằng hà vô lượng kiếp mới có thể hiểu được thì không gọi là hóa độ, mà gọi là hóa rồ rồi. Cho nên chúng ta những người học Phật chẳng muốn theo bởi thấy nó xa quá. Phật giáo đã xa chúng ta rồi, nó thuộc về ngày hôm qua, nó thuộc về quá khứ bởi toàn là cổ ngữ một thời, giới trẻ ngày nay đọc thấy cái đầu cũng lậm chẳng biết hiểu như thế nào. Có phải những điều Đức Phật dạy, có phải những điều bậc giác ngộ dạy nó lỗi thời và nó thuộc về quá khứ, nó thuộc về ngày hôm qua, ngày đã xa, xa vô tận chẳng thể ứng dụng trong đời sống Phật giáo đời thường của những người Phật tử chúng ta, có phải vậy không các bạn?
Thời xưa thời Đức Phật, có một ông đại đệ tử Đức Phật nhận làm đệ tử đấy. Có lẽ ông ta có đầu óc chậm chạp, không có nhớ được bài, chẳng hiểu được gì hết. Ông ta có tên tiếng Hán dịch ra tiếng Việt là Châu Lợi Bàn Đặc. Ông Châu Lợi Bàn Đặc không có lanh lẹ như các đệ tử khác, những câu cú, câu kinh, câu kệ, lời giảng của đức Phật chẳng hiểu, chẳng nhớ. Cũng như chúng ta vậy đó mà, Phật tử tại gia có nhiều câu kinh của Phật dài quá chẳng nhớ, chẳng hiểu mà lại tụng bằng những âm nghe sao mà nó xa xa khó hiểu, thôi bỏ, bỏ đi không tu nữa, Phật tử tại gia không tu Phật bởi khó hiểu. Ông Châu Lợi Bàn Đặc cũng như thế, được Đức Phật nhận làm tỳ kheo học một thời gian chẳng hiểu, chẳng nhớ, y như chúng ta, buồn quá bỏ đi, không xuất gia nữa bỏ về nhà. Bởi vì lời của Phật chỉ để cho những người cao siêu thôi, có học hành cao, có trí nhớ phân tích, còn đối với ông nhớ không được, phân tích không ra, thôi đi về nhà.
Buổi sớm hôm ông ta về nhà, từ bỏ tăng đoàn đi về, Đức Phật gặp được và hỏi ông ta: “Ông đi đâu?”
Ông ta nói: “Thưa Phật! Con học không nhớ, không biết gì, con tủi, con thấy hình như chỗ này không thuộc về con, nên con muốn từ bỏ và đi về.”
Các bạn nghe cho kĩ Đức Phật nói, Đức Phật nói: “Này ông! Ta đã nhận ông làm đệ tử, ta đã nhận ông làm đệ tử, trước khi ông ra đi ít nhất cũng phải cho ta biết, chứ không thể lầm lủi, trốn lủi như vậy mà từ bỏ ra đi.”
Ông Châu Lợi Bàn Đặc thấy xấu hổ bởi vì mình không đúng phép, Phật nhận làm đệ tử, khi từ bỏ trốn chạy chẳng cho Phật hay. Nhưng Phật chỉ nhắc nhở ông ta và nói với ông ta rằng: “Không có việc gì phải từ bỏ ra đi, không nhớ kinh, không thấu nghĩa có vấn đề gì đâu, bởi lời của ta dạy chẳng phải là nằm trọn trong những ngôn từ, chữ nghĩa, văn tự, ngôn ngữ”.
Nói đúng hơn nếu mà rộng ra cho ngày nay lời của Đức Phật không tàng ẩn ý nghĩa giác ngộ để ta phải học thuộc các tạng kinh dưới các ngôn ngữ ta thích như tiếng Nho, tiếng Hán, tiếng Tây Tạng, tiếng Ấn Độ, tiếng Miến Điện, Srilanka, Pali hoặc là tiếng Phạn, Sanskrit. Chúng ta cứ lòe nhau bởi học được dăm ba câu chữ Phật từ ngôn ngữ này, ngôn ngữ kia, để từ đó phỉ báng chê bai những người khác, Phật không nằm trong ngôn ngữ. Có một số người học được một chút tiếng Nho thì mang nho chùm nho trái ra khoe. Có người học Phật qua tiếng Hán thì thôi không biết đâu mà kể. Lại có người học được Phật pháp qua tiếng Tây Tạng, họ nhảy múa điên loạn, coi thường những ngôn ngữ khác, chê bai Phật giáo khác. Có người học được Phật qua tiếng Ấn Độ, tiếng Pali, tiếng Phạn, tiếng Miến Điện, tiếng Srilanka họ tự hào, được thôi. Nếu chúng ta có phước báu về trí nhớ và có nhân duyên tiếp cận Phật giáo, để mở rộng bằng các thể loại ngôn ngữ của các dân tộc khác có nền Phật giáo đang được hoằng pháp, điều đó là đại phước, nhưng không phải là cứu cánh đâu các bạn.
Ông Châu Lợi Bàn Đặc đã được Phật nhắc nhở và nói rằng: “Con ơi! Thôi đừng học kinh nữa, đừng chạy theo, đeo đuổi rồi cảm thấy buồn theo khi không nhớ được kinh, không nhớ được kệ, thua kém bạn bè hoặc các sư huynh đệ khác. Con nghe lời của ta dạy đây: mỗi một sáng khi mặt trời mọc lên con hãy mang một cái khăn trắng, đầu tiên là lau chùi mặt và toàn thân thể bằng chiếc khăn đó, rồi mang chiếc khăn trắng đó soi lên mặt trời, nhìn vào đó. Chỉ vậy thôi con à, đừng thuộc, đừng nhớ, cứ làm như vậy, mặt trời tức là bình minh vừa ló dạng, vừa mọc lên sáng lắm, lấy tấm khăn trắng lau mặt và lâu toàn thân, cầm giơ lên trước mặt trời nhìn vào đó.”
Ông ta, ông Châu Lợi Bàn Đặc đã làm theo và bất chợt ông ta nhận ra trời ơi nguyên chiếc khăn trắng như vậy lau vào người, đưa lên trước ánh sáng của mặt trời thấy nó dơ, nó bẩn, nó không còn trắng tinh tuyền nữa mà nó nhuộm màu đất. Ông ta ngộ ra mặt và thân ông ấy quá dơ bẩn, đã làm cho chiếc khăn trắng chẳng còn tinh khiết nữa, ông ta ngộ ra một phần lời dạy của Đức Phật. Khi tới với Đức Phật ông ta trình phát, tức là thưa với Phật đó: “Phật à! Con đã nhận ra thân của con dơ bẩn quá, quá dơ bẩn, nếu không nhờ ánh sáng của mặt trời con chẳng nhận ra, nếu không nhờ cái khăn trắng lau vào thân con chẳng nhận ra.”
Phật nói: “Bụi dính trên mặt, bụi dính ở trên thân lau nó có thể sạch, đưa lên mặt trời có thể nhận ra. Nhưng đó chẳng phải là cái mà ta nhắc, cái ở trong tâm kìa, tâm sân, tâm tham, tâm si mới là những thứ bụi nguy hại chồng chất nhiều đời, che lấp cả mặt trời và tấm khăn trắng của Phật tánh vốn có nơi con, hãy mang tâm soi rọi trước ánh sáng của trí tuệ nhìn thẳng vào đó sẽ thấy”.
Nghe qua ông Châu Lợi Bàn Đặc liền giác ngộ bởi vì ông ta đã nhìn vào tâm và soi tâm dưới ánh sáng trí tuệ của Đức Bổn Sư. Nương vào ánh sáng trí tuệ của Đức Bổn Sư soi tâm mình mà thấy bụi của tham sân si đầy hết và ông ta hiểu ra tấm khăn lau thân mặt kia sẽ làm cho thân và mặt được sạch. Thì nay nhiệm vụ của ông ta là phải nhìn vào tâm khi nương vào ánh sáng trí tuệ của Phật, để mà lau chùi bụi của vô lượng kiếp, bụi truyền kiếp tham sân si nhiều đời ở trong tâm. Hiểu được điều đó ông ta vận hành, ông ta nhìn vào tâm, ông ta kiểm tâm mỗi ngày, mỗi giây, mỗi sát na và ông ta đã giác ngộ đi đến sự thần thông vi diệu là có thể dùng ý để hóa thân nọi nơi.
Đó là về ông Châu Lợi Bàn Đặc, bài học kiểm tâm mỗi ngày Đức Phật truyền trao cho ông ta. Chúng ta không nhớ nhiều kinh sách, không thuộc những kinh kệ lễ nghi của Phật giáo, nhưng không phải vì vậy mà ta phải chạy trốn cửa thiền môn, cửa chùa. Phật đã nhận ông Châu Lợi Bàn Đặc và Phật đã nhận chúng ta là đệ tử và chúng ta ngược lại cũng đã nhận Phật làm Thầy, thôi gọi là đồng môn của ông Châu Lợi Bàn Đặc được không? Bảo Thành và các bạn là đồng môn của ông Châu Lợi Bàn Đặc, trí tuệ mụ mẩm không có thông minh, kinh kệ chẳng nhớ được. Ta kiểm tâm từng giây phút trong cuộc đời được các bạn, ta nương vào ánh trí tuệ mật điển tha lực vi diệu của Phật để đi vào trong tâm, quán chiếu soi rọi lau chùi những bụi bặm truyền kiếp tham sân si, chỉ vậy là đủ. Làm sao trong mật thiền song tu ta thể nhập vào chánh niệm hơi thở. Ta nương vào Phật điển siêu thế từ bi Mu A Mu Sa, ta lấy nước Cam Lồ Tịnh Thủy, nước tình thương mà chư Phật rải xuống cuộc đời của chúng ta, chúng ta gội rửa những bụi bặm của tham sân si nhiều đời kết tụ lại. Ta lại thắp sáng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để nhìn vào trong tấm thân vô thường sanh diệt, trong tâm vô ngã muôn sự khổ đang xảy ra. Và cũng vận dụng năng lượng nước từ bi mà đại diện cho chư Phật là Mẹ Hiền Quán Âm đã rải qua cành dương liễu vào cuộc đời của chúng ta, ta gội rửa mọi uế trượt tham sân si, mọi bụi bặm bẩn thỉu đấy. Đó gọi là kiểm tâm mỗi ngày, từng tạo tác trong cuộc sống, từng lời nói, từng suy nghĩ ta nương vào tình thương của Phật. Phật đã nhận ta làm đệ tử, ta là Phật tử tức là ta là người theo Phật, nhận Phật làm Thầy và Phật đã chấp nhận. Phật là mặt trời của trí tuệ, quán tưởng đến Phật nhận năng lượng tình thương của Phật để soi rọi cái khăn tức là tâm của chúng ta khi lau chùi những bụi bặm của tham sân si. Chỉ vậy thôi, chỉ nhìn và cứ thế lau chùi dưới ánh sáng minh tuệ của Đức Bổn Tôn Thích Ca, bậc Thầy của chúng ta. Phật điển tha lực siêu thế, mật điển chiếu soi giúp cho chúng ta có tâm tỉnh giác nhận rõ, chỉ vậy là đủ. Bạn không nhớ kinh, bạn không thuộc kinh, không sao, đó chỉ là nguyên tắc của truyền thống Phật giáo, chẳng phải ai cũng phải đi qua để giác ngộ, giác ngộ hay không là phải ngay nơi tâm của chúng ta.
Chữ kiểm ở đây chẳng phải là kiểm tra, chẳng phải là điều tra, chữ kiểm ở đây tức là nhìn tâm để nhận rõ. Trong tương tác hằng ngày các bạn sử dụng cái gì nhiều nhất? Ngôn ngữ đó các bạn, tâm tham sân si, bụi tham sân si theo miệng mà tuôn ra. Nếu bạn có thể nhìn vào ngôn ngữ ứng dụng hàng ngày trong giao tiếp với ông bà cha mẹ, với vợ chồng, con cái, với xã hội và mọi người, nhìn bằng tâm từ bi, nhìn bằng tâm trí tuệ và tỉnh giác. Để những thể loại ngôn ngữ gian dối, thêu dệt, đâm thọc, thô ác ta không sử dụng, ta không sử dụng những thể loại ngôn ngữ đó là ta đã ngừng tạo nghiệp rồi. Ta đã ngừng bắt tay với tâm tham sân si. Ta đã không để cho tham sân si làm chủ hành hạ chúng ta nữa. Ta sẽ nhẹ nhàng, sẽ an vui và hạnh phúc. Huống hồ chi từ miệng của chúng ta thể nhập vào tự tánh tỉnh giác của Phật, nương vào tình yêu thương của Phật và trí tuệ của Phật để có thể ứng dụng những ngôn ngữ tuyệt vời hơn là ngôn ngữ chân thật, ngôn ngữ dễ thương, ngôn ngữ mang lại sự đoàn kết, đùm bọc và san sẻ, ngôn ngữ mà gắn kết mọi người lại để có thể hiến thân phục vụ cho nhau, thì các bạn tạo được phước vô số. Mỗi một ngôn ngữ ta ứng dụng hàng ngày nếu chúng ta biết nhìn và quán chiếu bằng tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê. Thì từng lời của chúng ta là châu ngọc tuôn ra, từ miệng của chúng ta phun ra châu ngọc làm sáng cuộc đời, làm sạch xã hội và làm an vui tại gia đình. Còn nếu chúng ta không hiểu được điều đó, không chánh niệm hơi thở nhìn vào đó bằng tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác mà để cho tâm tham, tâm si và tâm si mê nó làm chủ, nó ràng buộc, thì nó sẽ tuôn ra những nọc độc của rắn hổ mang giết chết và hại hằng hà sa số người. Chúng ta có quyền lựa chọn, Phật đã nhận ta làm đệ tử và ta là Phật tử thì chúng ta nhất định phải từ môi miệng của chúng ta tuôn ra ngọc ngà châu báu, tuôn ra châu sa để đời nhẹ đi gánh lo âu và phiền não. Để cuộc sống thêm chút hương vị của hạnh phúc và bình an, thì từ miệng thôi chánh niệm hơi thở nhìn vào đó để có được chánh ngữ, đã lợi lạc vô số. Chẳng phải tới chùa, tới đình, tới am, tới thất, chẳng phải nhận các bậc thầy gọi là tái sanh ở cõi trời xuống, những vị Bồ Tát, những vị Phật tái sanh, những vị đạo sư, các Ngài cao quý. Không, 45 năm trời Đức Phật dạy, Đức Phật khai thị và hướng dẫn cho tất cả những vị đại trí có trí tuệ, những vị không có trí tuệ như ông Châu Lợi Bàn Đặc, những người cao quý như vua, quan, những bậc xuất sĩ Bà La Môn. Mà Ngài cũng còn dạy cho những người bình thường, những kẻ không có trí tuệ, hà tiện, bần tiện trong xã hội nửa. Bất cứ một tầng lớp nào trong xã hội Phật đều quan tâm bởi Phật thấy trong họ đều có đau khổ và phiền não. Phật dạy cho họ ứng dụng mọi phương tiện khác biệt để mỗi một người khác nhân duyên đều có thể đón nhận được sự giới thiệu khai thị truyền dạy của Phật, ứng dụng phù hợp để chứng đắc. Bằng chứng ông Châu Lợi Bàn Đặc có trí tuệ nhớ kinh kệ đâu, chỉ một thao tác bình thường lấy khăn lau mặt lau thân soi lên mặt trời, nhận ra sự dơ bẩn từ mặt từ thân. Từ đó ngài đã được Phật khai thị pháp quán chiếu tâm, tâm tham, tâm sân và tâm si, quán chiếu tham sân si ở nơi tâm đã đưa ông ta chứng đắc thần thông, dùng ý để hóa thân mọi nơi. Chúng ta có khả năng thần thông vi diệu như ông Châu Lợi Bàn Đặc, dùng ý để hóa thân mọi nơi đó. Bảo Thành có khả năng đó, thần thông đó các bạn, dùng ý của Bảo Thành, Bảo Thành có thể dùng ý hóa thân mọi nơi, mọi chỗ. Hồi xưa không được, bây giờ được rồi, gọi là hóa phép hóa thân mọi nơi hết. Các bạn cũng đã làm được điều đó với Bảo Thành, Bảo Thành không có đơn độc một mình. Các bạn đồng tu chúng ta chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán mà ngài Quan Âm Bồ Tát đã trao truyền, đã dạy, đã thực tập và chứng đắc, ta đã thực tập. Chúng ta các bạn có nhân duyên tu mật thiền đều có khả năng thần thông hóa hiện mọi nơi. Nhưng hóa hiện thần thông này chẳng phải biến ra nhiều thân rồi chỗ nào cũng nhảy lung tung, rồi ngồi cà phê, quán cóc để mà ăn, không phải. Hóa thân ở đây Bảo Thành muốn nói tới tức là chúng ta biết điều thân của mình, hiện hóa hay nói đúng hơn biết đối xử phù hợp ở bất cứ nơi chốn nào, hoàn cảnh nào, môi trường nào, khung thời gian nào, khi chúng ta tiếp cận đều biết cách tiếp xúc thật là tốt bằng chánh niệm. Để nhìn rõ tâm tham sân si trong từng thời, từng khắc, từng phút giây, từng nơi, từng chỗ, khi ta đang sinh hoạt trong kiếp sống làm người, đó gọi là thần thông.
Nếu bạn nói chuyện ở chợ, ở nhà, ở đền, ở chùa, nói chuyện trên phone hoặc nói chuyện trực tiếp mặt với mặt, trong mọi sự tương tác, nói chuyện, hành động và suy nghĩ đều luôn luôn có tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Nhìn vào mọi thao tác, mọi tạo tác, mọi ngôn ngữ, mọi suy nghĩ, nhìn để chúng ta không làm nô lệ cho tâm tham sân si, dẫn đầu bắt hại chúng ta. Mà chúng ta mang tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác khế nhập hài hòa, bởi đó tới từ tha lực Phật điển, từ mật điển siêu thế Đức Bổn Tôn trao truyền cho chúng ta và trong chánh niệm hơi thở của mật thiền chính là kiểm tâm mỗi ngày đó các bạn.
Chúng ta sẽ có cơ hội hiểu được Phật pháp như ông Châu Lợi Bàn Đặc khi chỉ nhìn vào cái khăn lau qua thân và mặt, rọi vào ánh mặt trời để thấy được cái dơ của thân. Sau đó được Phật khai thị ông ta đã soi tâm dưới ánh nắng trí tuệ, dưới ánh sáng trí tuệ để thấy được bụi của tham sân si. Chúng ta trong mật thiền song tu, chánh niệm hơi thở mang tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác rọi vào miền tăm tối, u mê của tâm tham sân si, đó chính là tu mọi nơi, mọi lúc và khả năng chứng đắc của chúng ta có thể đạt được sự thần thông hóa hiện như ông Châu Lợi Bàn Đặc. Chứng tỏ các bạn ngày nay sau khi tu tập mật thiền đã có khả năng giao tiếp, đã có khả năng khởi lên những tư tưởng thiện lương, đã có khả năng làm từ thiện, phóng sanh, bố thí, cúng dường, sám hối. Toàn là những điều thiện hảo chúng ta đã làm được khởi lên từ thân ngữ ý do chánh niệm hơi thở mật thiền quán chiếu bằng tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, đó là thần thông vi diệu. Sự ứng hóa từ ý đã được làm chủ, từ ý đã được tự chủ. Ông Châu Lợi Bàn Đặc từ ý mà ứng hóa thân ra nhiều, nay ý của chúng ta được làm chủ bằng ý thiện lành và từ ý được làm chủ đó mà ta làm chủ ngôn ngữ để có chánh ngữ, ta làm chủ mọi hành động để có chánh hành động, thần thông vô cùng. Đừng nghĩ rằng kiểm tâm mỗi ngày là phải ngồi cả tiếng như tượng Phật gọi là thiền, tôi thiền, tôi thiền, tôi thiền, tôi kiểm tâm, không phải. Các bạn, trong mọi tạo tác đều là thiền, nếu các bạn luôn mang tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác đồng hành với chánh niệm qua hơi thở trong mọi tạo tác của cuộc sống. Thì như Bảo Thành đã nói ngôn ngữ của các bạn sẽ là châu ngọc tuôn ra, hành động của các bạn sẽ là pháp bảo mang lại sự yêu thương và suy nghĩ của các bạn sẽ là những tinh tú diệu vời soi sáng thế gian này.
Các bạn, chúng ta hãy trở về với chánh niệm hơi thở mật thiền từ bi, trí tuệ, tỉnh giác để nhìn tâm của chúng ta. Thấy rõ tâm tham sân si để lau chùi cho sạch khi nương vào tha lực Phật điển của chư Phật gia trì cho chúng ta.
Thưa Phật! Xin Ngài hãy gia trì cho chúng con để chúng con biết lấy khăn chánh niệm hơi thở mật thiền song tu, lau chùi thân ngữ ý cho sạch khỏi mọi bụi tham sân si. Và nguyện xin Ngài gia trì cho chúng con biết ứng hóa đúng với tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác ở mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc, mọi tạo tác sinh hoạt trong cuộc đời, ngõ hầu chúng con và muôn người luôn luôn an trú trong bình an và hạnh phúc.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới.
Xin chư Phật chứng minh!