Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi và các kênh truyền thông mà các bạn đã chia sẻ. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thưa Phật! Chúng con một lòng thành kính nguyện xin Đức bổn tôn Thích Ca Mâu Ni truyền trao lễ quán đảnh Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn cho chúng con, để chúng con thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, khơi nguồn Từ Bi yêu thương và thắp sáng đuốc Tuệ, quán chiếu trong Chánh niệm thấu rõ vạn pháp Vô thường sanh diệt, Khổ và Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện xin chư Phật gia hộ cho các vị lãnh tụ trên thế giới đưa ra quyết định dõng mãnh chấm dứt chiến tranh và thành lập nền hòa bình cho thế giới. Xin Chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải và lòng bàn tay trái, chúng ta hãy cùng với nhau trở về với cội nguồn của chân tâm Phật tánh thanh tịnh, thắp sáng đuốc Tuệ, trải lòng yêu thương, gắn kết mật thiết với mười phương chư Phật, đón nhận mật điển tha lực siêu thế vào thân tâm của chúng ta.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật!
Trước hết, Bảo Thành xin cảm ơn tất cả các bạn đồng tu trong những ngày tháng qua trong khi đồng tu với Bảo Thành trực tiếp đã hoan hỉ chia sẻ trên Facebook, YouTube, Zalo, các trang mạng, ngõ hầu tạo nhân duyên cho các bạn khác có cơ hội nghe qua, tìm hiểu về pháp môn phương tiện Mật Thiền song tu.
Có một số bạn hỏi rằng: “Năng lượng Mu A Mu Sa là gì?
Kính thưa các bạn, Mu A Mu Sa là mật ngôn, là chân ngôn. Mật ngôn này khi kết hợp với Chánh niệm hơi thở trì tụng, chúng ta đầu tiên ai ai cũng sẽ lãnh nhận được năng lượng. Năng lượng gì? Năng lượng Từ Bi mà Bảo Thành chuyển ngữ thành cách nói bình thường là “Năng lượng tình thương”. Mu A Mu Sa là năng lượng tình thương của Chư Phật ban rải xuống cho chúng ta. Trong Chánh niệm đồng tu Mu A Mu Sa, ai trong chúng ta cũng đón nhận được thật nhiều năng lượng Từ Bi yêu thương của Phật để xóa tan mọi hận thù, để chuyển hóa mọi đau khổ, để đoạn diệt mọi phiền não, thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc, bình an cho ta, cho người, cho muôn loài. Còn mật ngôn Trí Tuệ là mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Cũng Chánh niệm hơi thở, tâm trí của chúng ta sẽ thể nhập vào với cái Trí Tuệ của ba ngôi Tam Bảo, nương vào đó mà chúng ta nhận biết các pháp Vô thường sanh diệt, Khổ và Vô ngã. Mật ngôn ta mới tập mới tu Ma Sa Ốp Uê là mật ngôn có nguồn năng lượng Tỉnh Giác.
Trong Chánh niệm hơi thở ta tu tập mỗi ngày là tu tập năng lượng quán chiếu với cái tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Sự quán chiếu trong Chánh niệm hơi thở của tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác sẽ giúp cho mỗi người chúng ta đón nhận được thật nhiều năng lượng từ Phật, nuôi dưỡng thân tâm của chúng ta trong Chánh pháp. Năng lượng tình thương, Trí Tuệ và Tỉnh Giác sẽ làm cho chúng ta thành tựu được Chánh kiến, ứng dụng được cái Chánh tư duy vào cuộc đời để sử dụng Chánh ngữ nhìn rõ cái Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Đây là con đường thành tựu Bát Chánh Đạo một cách đơn giản rất dễ tu tập mà hàng Phật tử tại gia của chúng ta đang sống trong bất cứ một hoàn cảnh nào đều có cơ hội thực tập. Dễ lắm bởi nó không tách rời khỏi những cái sinh hoạt đời thường. Ta thấy con đường đạo của Đức Phật ngay trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, trong mọi sinh hoạt, mọi thao tác, mọi môi trường thời gian, rất thuận lợi. Chúng ta tu mỗi một ngày đón nhận được năng lượng yêu thương, Trí Tuệ, Tỉnh Giác của Phật rải xuống cho chúng ta nơi thân và tâm. Và mỗi người chúng ta đều có sự cảm ứng linh màu, bởi luồng Phật điển, bởi luồng mật điển mà ta lãnh nhận được khai thị cho chúng ta chứng ngộ thấy hóa thân, ứng hóa thân của Phật, của Bồ Tát hiện hữu trong đời thường khi tương tác trong sinh hoạt hằng ngày. Đây là điều nhiệm màu khó có thể nghĩ bàn mà chỉ có ai thuận đủ nhân duyên thực tập sẽ đón nhận, gọi là chứng ngộ, đặc biệt lắm!
Chủ đề hôm nay các bạn gửi về nghe giống giống như ở trong giang hồ kiếm hiệp: “Tà không thể thắng Chánh”. Các bạn thường thích coi những phim hành động hoặc những phim kiếm hiệp, ta luôn luôn nghe cái câu: “Tà không thể thắng Chánh”. Bởi những người tà hung ác, dã man, đàn áp những người hiền lương, nhưng cuối cùng họ cũng bị thất bại nặng nề. Và cái kết của cuộc đời trải qua kinh nghiệm nhiều ngàn năm của ông cha chúng ta để lại luôn luôn đứng vững đó là: “Tà không thể thắng Chánh”. “Tà” có nghĩa là chướng ngại, nếu các bạn tạo ra chướng ngại quá nhiều thì các bạn sẽ gặp trở ngại. Còn “Chánh” là con đường thuận duyên phù hợp. Mà đúng vậy! Ta nghiên cứu đi. Ta thấy ở đời chướng ngại mặc dù nó tới với chúng ta cả cuộc đời nhưng không có nhiều, bởi con đường thuận buồm xuôi gió vẫn luôn luôn hiện diện trong cuộc đời. Nếu bạn ngồi mà suy nghĩ suốt cái dòng tiểu sử cá nhân, biết bao nhiêu gập ghềnh, thử thách ta đã từng trải qua ta gọi là chướng ngại, thì chướng ngại đó do những bất thiện nghiệp của Tà pháp ta tạo. Tuy nhiên, chúng cũng không bao giờ tồn tại mãi, có tới rồi chúng cũng phải ra đi. Và cái thời gian, những điều kiện thuận lợi hay gọi là những Thiện pháp ta tạo ra do Chánh tâm, Chánh pháp vẫn thường xuyên hiện hữu dài lâu trong cuộc đời.
Các bạn suy nghĩ đi! Các bạn sẽ thấy cuộc đời của các bạn vẫn luôn luôn gọi là may mắn. Tạm gọi là như vậy bởi các bạn có nhiều cái sự thuận buồm xuôi gió, có nghĩa là có nhiều điều tốt lành xảy ra tới với các bạn hơn là những chướng ngại. Ta nói như vậy để thấy rằng “Tà” là chướng ngại do bất thiện nghiệp tạo ra, “Chánh” là những cái thuận duyên do những thiện nghiệp ta tác thành, nếu cái “Tà” là chướng ngại ta tạo ra bởi Bất thiện nghiệp đó quá nhiều nó chiến thắng thì các bạn và Bảo Thành không bao giờ có cơ hội trong kiếp này học hỏi Phật Pháp, có được một đời sống tương đối bình an, có một thân xác tương đối lành lặn, đầy đủ các giác quan, có một gia đình bình yên trong môi trường sống. Dù biết bao nhiêu khó khăn nhọc nhằn đã xảy, đang xảy, và sẽ xảy ra, nhưng nhìn lại chúng ta vẫn tận hưởng những sự may mắn. Đó là câu nói ở đời, nghĩa chúng ta vẫn còn đầy đủ phước báu để có được sự suy nghĩ, tư duy chín chắn, chọn lựa cho mình một cách sống lành mạnh, an vui. Và đặc biệt là lựa chọn con đường đồng tu Mật Thiền.
Trong Mật Thiền song tu Chánh niệm, mỗi người chúng ta đều lãnh nhận được thật nhiều Phật điển của Chư Phật. Và từng người từng người có cơ hội cảm ứng, chứng ngộ được hóa thân của Phật và Bồ Tát tới với mỗi người chúng ta. Các bạn để Bảo Thành kể về một câu chuyện thực sự xảy ra với Đức bổn tôn Thích Ca Mâu Ni về một hiện tượng thật là tà. Dĩ nhiên “tà” là chướng ngại xảy ra cho Phật, “tà” là những cái tâm tà, tâm ác của ai đó làm việc, hành động, suy nghĩ, lời nói sát hại nhiều người để mưu thành những điều mình mong ước. Nghe qua câu chuyện Bảo Thành sắp kể đây, các bạn sẽ hiểu cái Tà rất nguy hiểm, tuy nhiên không bao giờ thắng Chánh, cái kết các bạn sẽ thấy.
Vào thời Đức Phật, ông vua Ba-Tư-Nặc sinh ra một người con có tên là Lưu Ly. Ông vua Ba-Tư-Nặc thì đúng ra được gả một người trong dòng tộc của vua Tịnh Phạn (tức là vua cha của Phật) và là công chúa quý tộc. Nhưng nhân duyên nghiệp chướng nhiều đời trái ngang, bên vua Tịnh Phạn đã ngầm gả một tỳ nữ cho ông vua Ba-Tư-Nặc trá hình dưới hình thức một nàng công chúa. Vua Ba-Tư-Nặc, sau khi đã cưới vợ là một vị tỳ nữ nhưng không bao giờ biết, sinh ra thái tử Lưu Ly và một người anh. Trong một dịp đi chơi về quê ngoại là nơi vua Tịnh Phạn, lúc còn là Thái tử ông Lưu Ly vô tình cũng là do nhân duyên phát hiện ra cái chuyện tày trời mình là con của tỳ nữ chứ không phải con của một vị công chúa, từ đó mang lòng hận thù. Khi về trở lại quốc độ của mình, ông ta có một người hầu kề cận, thân cận, cứ xiển nịnh, xúi giục và lòng sân hận kia lớn lên. Thái tử Lưu Ly đã tìm kế giết chết cha của mình là vua Ba-Tư-Nặc và người anh của mình để lên ngôi vua. Sau đó, vua Lưu Ly đã mang quân qua để tàn sát dòng dõi họ Thích tức là vua Tịnh Phạn.
Đức Phật nghe qua biết được con đường của Lưu Ly sẽ đi tới, nên ngồi ở đó lần thứ nhất khuyên răn vua Lưu Ly. Vua Lưu Ly đã dừng và trở về. Lần thứ hai cũng như vậy, nhưng lần thứ ba, Đức Phật khuyên ông vua Lưu Ly không nghe. Đức Phật thấy nghiệp chướng nhiều đời đã trổ quả khó tránh nên đã nhường bước. Vua Lưu Ly đã đưa quân qua tàn sát hầu hết dòng họ của vua Tịnh Phạn thời đó. Sau khi tàn sát nhiều như vậy thì trở về quốc độ của mình, Đức Phật quán chiếu và thấy rằng cái thọ mạng của vua Lưu Ly này chỉ còn sống được bảy ngày, và sẽ bị lửa thiêu đốt mà chết, nên sai người tới nói cho vua Lưu Ly biết để chuẩn bị sám hối, sống cho tốt lại đi. Người đầy tớ của vua Lưu Ly cùng với vua Lưu Ly nghe qua, ai ai cũng hoảng sợ bởi thấy cái ngày chết cận kề. Người đầy tớ mới nói với vua Lưu Ly rằng: “Tại sao phải sợ? Nếu chết vì lửa thì thôi chúng ta lấy một cái thuyền, chúng ta ra khơi, ngoài kia nước không à, làm sao có lửa đốt cháy chúng ta được? Sau bảy ngày chúng ta trở về đất liền an toàn”. Vua Lưu Ly nghe qua thấy phù hợp nên lên thuyền lớn cùng với người đầy tớ kia và biết bao nhiêu cung nữ đồ ăn uống đàng hoàng đi ra khơi, tạm lánh trong bảy ngày. Từng ngày trôi qua ông ta rất sợ, hàng tùy tùng cũng rất sợ, bởi Đức Phật là đấng chân thật giác ngộ, nói lời luôn ứng nghiệm. Nhưng mỗi ngày trôi qua lửa lại không cháy.
Cho tới khi tối ngày thứ sáu, người tùy tùng thân cận kia mới nói với vua Lưu Ly rằng: “Hôm nay tối ngày thứ sáu, chỉ vài tiếng nữa là hết ngày thứ bảy rồi, lửa làm sao mà tới được biển? Ngoài đây nước không à, lửa làm sao cháy được chúng ta, chúng ta chống lại được. Lời Đức Phật nói dù có đúng nhưng chẳng thể lửa bốc lên tại đại dương thiêu cháy chúng ta”. Vua Lưu Ly nghe qua vui sướng vô cùng bởi cái ngày mà Đức Phật nói thọ mạng của mình đã tới – phải chết, sẽ không bao giờ hình thành bởi ta sống ở trên tàu lênh đênh trên biển nước đầy như thế kia lửa đâu mà cháy được. Và họ mở tiệc ăn mừng vui vẻ, hội hè ăn uống vui chơi. Một lúc trôi qua, bất chợt mưa to gió lớn, mây đen ùn ùn, gió bão thổi tới tấp, thổi cho con thuyền nghiêng ngả và những cánh buồm kia bị rách nát tả tơi, rớt xuống những cái đèn ở trên thuyền khi họ đang ăn tiệc. Lửa bén vào, thế là bốc cháy, ứng với lời của Đức Phật, con thuyền đó đã bị bốc cháy. Và vua Lưu Ly thực sự đã chết vì lửa cháy.
Đây là câu chuyện xảy ra thực sự đời Đức Phật đi thẳng vào ý nghĩa của cái Tà, hành động Tà, ngôn từ Tà, tư tưởng Tà mà ta gọi cho nó xuôi theo nhà Phật gọi là Tà tâm, Tà ngữ và Tà hành động (thân, ngữ, ý đó). Tà là làm ác. Những người có tính hung ác hại người, có tánh hung ác, sân giận, trả thù, ghen tuông, tức khí làm bậy, giết hại muôn người bằng tư tưởng, bằng lời nói, bằng hành động, rồi nghe theo những lời xiển nịnh, nịnh bợ để không còn giữ được sự bình tĩnh, cái hận khí trào tuôn đưa đến những hành động trả thù, mà chẳng bao giờ quán chiếu nhân duyên của nhân quả. Cái ác giết người như thế làm ta tổn tuổi thọ, cái thọ mạng của chúng ta. Bằng chứng là ông vua Lưu Ly khi giết hầu hết dòng họ Thích ca, thọ mạng chỉ còn bảy ngày và chết vì lửa thiêu cháy. Hình ảnh của lửa thiêu cháy cũng có thể được hiểu đó là sự thiêu đốt của lửa sân hận. Nếu các bạn có cái dã tâm luôn luôn muốn tiêu diệt người khác vì ghen tuông ở đời gọi là ghen ăn tức ở, vì so sánh, vì bất như ý, vì hận thù, vì quyền lợi về cái quyền danh, về tiền tài, về vật chất, về muôn mặt của cuộc đời, bạn cứ sân, cứ giận, hung ác, bạn sẽ làm giảm tuổi thọ.
Bằng chứng trên thế giới này lịch sử đã ghi, có những người giận quá hộc máu chết luôn tại chỗ. Có những người giận quá mà tóc bạc sau một đêm. Có người sân giận quá mà tức khí liệt toàn thân. Có những người sân giận quá mà khuôn mặt đẹp, tướng hảo tốt chỉ trong chốc lát biến thành hầm hố nhăn nheo. Nếu vô tình ta nhìn, ta thấy họ, ta thấy lửa sân hận phừng phực đỏ ngầu trong đôi mắt, mặt của họ dữ dằn sợ hãi. Mà khoa học chứng minh tâm càng sân càng giận, với cái tà khí sân giận, với cái ám khí hại người như thế sẽ làm cho máu huyết lưu thông không có tốt, tắc khí, năng lượng bất tịnh sẽ có cơ hội tuôn vào và đốt cháy cuộc đời của chúng ta. Bằng chứng ông Lưu Ly rửa được cái sự ghen tuông của mình bằng cách trút ra biết bao nhiêu sự sân giận, hại biết bao nhiêu những sinh linh trong dòng họ Thích, thọ mạng chỉ còn có bẩy ngày sau đó. Cứ tưởng chừng trốn ra ngoài biển khơi, lửa sao thiêu đốt? Bạn thấy mà. Khi nghiệp đã trổ quả trong Kinh Pháp Cú nói, trốn lên trên trời, chui vào trong động hay ngoài biển khơi như ông vua Lưu Ly đó, làm sao thoát được? Rõ ràng cái tâm “Tà”, cái tâm hại người, tà tâm, tà ngữ, tà hành động rất nguy hại. Bởi cái hậu quả của những cái “Tà” đó sẽ tiêu diệt phước báu một cách toàn diện. Rõ hơn là ai có những cái tâm tà như vậy thường hay bệnh hoạn, cái thân thường hay bệnh hoạn, công ăn việc làm khó có thành công, đôi khi thành công rồi sụp đổ trong chớp nhoáng, đi đâu cũng gây ra thù địch, cau có, giận hờn, bệnh tật, sống không bao giờ vui.
Chúng ta nhìn qua câu chuyện này không đi sâu phân tích về những cái “Tà” cho nó chi tiết hoặc những cái “Chánh” cho nó rõ ràng mà để nhận định rõ, nếu chúng ta trong cuộc đời là Phật tử tại gia, thường xuyên phải suy nghĩ và ứng dụng lời nói trong cuộc sống và tương tác với mọi người. Thể theo lời Phật và học theo câu chuyện thực sự xảy ra, dù bất cứ một chuyện gì đã xảy ra cho chúng ta không như ý muốn, đừng quá vội vàng để cho những người kề cận nịnh bợ, xiển nịnh, lôi kéo, nhận chìm chúng ta vào trong vô minh. Để từ đó, sân hận tạo lên cái tà tâm, tà ngữ, tà hành động sẽ làm tổn phước báu và làm cho thọ mạng của chúng ta giảm đi. Đời sống của con người rất quý, biết rằng nó Vô thường nhưng không thể phung phí để cho cái tà tâm, tà ngữ và tà hành động của chúng ta chiếm ngự, lộng hành, giết chết chúng ta. Ta phải biết nuôi dưỡng bằng Chánh pháp để cái thân người tùy theo mỗi duyên dù là Vô thường sanh diệt, ta vẫn tận dụng được để học hỏi, để thăng hoa, để thoát khổ.
Chủ đề hôm nay nhắc nhở cho chúng ta, mỗi một người Phật tử tại gia phải khẳng định thật rõ “Tà không thể thắng Chánh” và cái hậu quả tai hại vô cùng của tà tâm, tà ngữ, tà hành động là làm cho cuộc đời căng thẳng khó chịu, làm cho thân bệnh tật. Những ai bệnh tật nhiều phải sám hối thật nhiều, để có cơ hội nhìn thấu những pháp tà, pháp bất thiện ta đã tạo và phải phát tâm Từ Bi, khởi nguồn yêu thương bằng thể nhập vào mật ngôn Mu A Mu Sa, thực hiện nhiều những cái pháp phóng sanh, từ thiện, bố thí, cúng dường, sám hối. Đây là bốn cái pháp để chuyển cái nghiệp tà bất thiện nhiều đời ta đã tạo. Còn không, thọ mạng của chúng ta sẽ chẳng có dài và thân của chúng ta sẽ nhiều bệnh tật, tâm của chúng ta sẽ nhiều phiền não. Phật tử tại gia, Phật đã dạy, ai trong chúng ta cũng có thể áp dụng được bốn cái pháp này. Đầu tiên là phải sám hối để nhìn rõ cái quả ta thọ nhận hôm nay là do cái nhân của tà pháp ta đã tạo. Sám hối xong, ta phát tâm cúng dường Chư Phật, ta phát tâm làm từ thiện, phóng sanh. Nó rõ, nó thật là rõ những hành động cụ thể đó, các bạn làm được. Và nếu các bạn làm được như vậy tức là các bạn đang để cho cái diệu tánh linh màu thiện lành, ứng dụng cái Chánh pháp Phật dạy, tăng trưởng phước báu và công đức, đẩy lùi đi những cái bất thiện nghiệp, những cái năng lượng tiêu cực vốn có ở trong mỗi người chúng ta. Chúng ta đang thay đổi toàn diện cuộc đời của mình.
Bốn cái pháp này rất dễ các bạn ạ. Mà để thực hiện được dễ dàng hơn nữa. Trong Mật Thiền song tu với mật ngôn Mu A Mu Sa và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang vàmật ngôn Ma Sa Ốp Uê là quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác của Chư Phật, ta thể nhập vào, ta đi vào đó, ta nương vào cái tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác của Phật để ta nhìn thấu được mọi tà pháp ta đã tạo ra. Và trong sự nương nhờ này, ta có cái dũng lực đứng dậy để sám hối, để nhìn nhận, để nhận ra lỗi lầm của chính mình. Không đổ thừa, mà nhìn ra thực sự lỗi lầm ta đã tạo, ác nghiệp ta đã tạo. Và ứng dụng bốn phương pháp mà Phật dạy đó là cúng dường, phóng sanh và bố thí, từ thiện. Các bạn làm được những điều này khi các bạn sám hối thì mọi nghiệp chướng mới tan được. Còn nếu các bạn chỉ sám hối mà không bằng hành động cụ thể như cúng dường, từ thiện, phóng sanh, bố thí, ta không làm được gì hết, ta không tạo được phước. Cho nên từ xưa đến giờ tại sao các bạn sám hối mà cứ gặp những cái tà khí nó tới là bởi các bạn không biết cúng dường, không biết bố thí, không biết phóng sanh, không biết từ thiện. Chỉ sám hối lảm nhảm bằng cái miêng thôi cho nó có nghi có lễ chứ không bằng hành động cụ thể. Sám xong là ra ghen tuông, chửi bới, giận hờn, gièm pha, đâm thọc, thêu dệt, giả dối, sân si ngập trời. Các bạn để ý đi, nhiều người sám hối dữ lắm nhưng về đụng chuyện là chửi, đụng chuyện là thị phi, rầm trời hết, thêu dệt tới bao trùm cả Trái đất, khó thoát được. Sám hối chỉ là phương pháp để ta nhận ra những lầm lỗi mà thôi. Sửa được hay không và chuyển được hay không phải bằng những hành vi cụ thể đó là cúng dường, đó là bố thí, đó là phóng sanh, đó là từ thiện. Nếu các bạn đã làm những việc này thì chính là pháp sám hối tuyệt vời nhất để chuyển hóa mọi cái tà pháp mà bạn đã tạo ta.
Và dù cho đời đời kiếp kiếp bạn đã tạo biết bao nhiêu những cái tà, thì chỉ cần làm bốn cái việc đó đồng thời phải sám hối, Chánh pháp của Như Lai sẽ hiện hữu. Đơn giản lắm! Dù chỉ một giây thôi, một Chánh niệm thôi, thì “Chánh” kia sẽ thắng được “Tà” từ vô lượng kiếp các bạn đã tạo ra, “Tà không thể thắng Chánh”. Bởi tà làm giảm cái tuổi thọ của chúng ta, tà pháp làm cho chúng ta phiền não, bệnh hoạn, đau khổ. Khi có hành động tà, ta chết sớm, ta bệnh hoạn, ta phiền não, ta đau khổ. Nhưng rất may cái ý nghĩa “Tà không thắng Chánh” ở đây nó còn cao hơn nữa, là mỗi người chúng ta từ vô lượng kiếp qua tạo biết bao nhiêu những cái nghiệp Tà, cái pháp ác, nhưng vẫn thực hiện được pháp Chánh dù rất ít. Cái pháp Chánh đó cái Chánh pháp đó, cái Thiện pháp đó dù rất ít, cái năng lượng vẫn thật là nhiều. Ta cứ ví dụ Tà pháp như đống rác, Chánh pháp như viên kim cương tuy nhỏ nhưng giá trị nó nhiều hơn đống rác. Chỉ một lần các bạn biết cúng dường, chỉ một chút xíu các bạn biết bố thí và chỉ một lần các bạn đi phóng sanh hoặc làm từ thiện. Một lần thôi, ít thôi, nhỏ thôi, thì cái phước báu và công đức vô lượng sẽ chuyển hóa được hằng hà sa những nghiệp chướng bất thiện do Tà pháp ta đã tạo.
Điều đó chứng minh được trong cuộc đời của chúng ta. Từ vô lượng kiếp qua, Bảo Thành và các bạn đã tạo nên biết bao nhiêu những Tà pháp, những cái ác pháp, bất thiện quá nhiều. Còn cái điều thiện ta làm ít lắm, thế nhưng ta vẫn vui, vẫn hạnh phúc, vẫn có gia đình ông bà, cha mẹ, con cái, vẫn có vợ chồng, công ăn việc làm, gia đình, gia cảnh, quốc gia sinh sống vẫn tốt đẹp. Điều đó chứng tỏ dù ra làm cái Chánh pháp, ta hành cái Chánh pháp rất ít, nhưng cái năng lượng nó rất là mạnh, chuyển hóa được biết bao nhiêu những cái năng lượng tiêu cực của Tà pháp ta đã tạo ra. Một ít như vậy thôi đã đánh lùi đánh bạt được cái tà khí, tà pháp, tội lỗi, nghiệp quả rồi. Nếu chúng ta chịu đầu tư vào thêm một chút nữa, thêm một chút nữa và cứ thêm thêm mỗi một ngày đều đều nhẹ nhẹ thì nhất định chúng ta sẽ rất bền vững trong sự thành tựu pháp an lạc bình an cho ta, cho gia đình, cho mọi người.
Đức Phật dạy cho chúng ta cái pháp tu là để thành tựu, Đức Phật phân tích thật rõ cho ta thấy rằng cái năng lượng Chánh pháp ta tạo ra bởi những cái Thiện pháp dù rất ít nhưng rất lớn. Do đó mà Đức Phật dạy trong kinh: dù một việc thiện rất nhỏ, đừng bỏ qua, bởi công đức là vô lượng; dù chỉ là một niệm Phật “Nam Mô A Di Đà Phật”, hoặc là “Mô Phật”, hoặc là niệm đến tên các hồng danh của các chư vị Bồ tát, hoặc nghĩ về pháp Phật thôi, nghĩ về sự hòa hợp của tăng thân thôi thì đã vô lượng công đức rồi. Bởi trong một niệm đó, ta giữ được Chánh niệm tạo được công đức vô lượng, xóa tan và chuyển hóa được biết bao nhiêu những cái tà tâm, tà pháp ta đã tạo. Chủ đề này để thấy rằng chúng ta không bao giờ bị những cái hoàn cảnh, chướng ngại vùi dập, tiêu hủy chúng ta, nếu như chúng ta biết quay trở về với Chánh pháp dù chỉ là một thời. Ông vua Lưu Ly chết chính là bởi vì khi Đức Phật báo tin cho ông ta nhằm cho ông ta sám hối và quay trở về sau một cuộc binh chiến tàn sát tiêu diệt cả dòng họ Thích nhưng ông ta đã không nhận ra. Bởi vì ông ta không nghe theo Phật để sám hối mà nghe theo kẻ xiển nịnh nịnh bợ, mượn thuyền ra khơi để trốn lửa. Lửa củi, lửa động đất, lửa trên đất liền có thể trốn nhưng không thể tránh được lửa sân hận nên bão tố đã tới, ngọn đèn dầu thật nhỏ đã thiêu thân ông ta và toàn bộ chiếc thuyền ấy. Nhớ rằng tất cả những lời nhắc nhở của Phật là để sách tấn chúng ta trở về với Chánh pháp.
Ở trên đời ai cũng có tội, ai cũng có lỗi, ai cũng đã tạo ra biết bao nhiêu những cái pháp bất thiện sôi sục cái luồng tà khí ở trong đó cuồn cuộn thiêu cháy chúng ta nhiều đời rồi. Tuy nhiên, đừng vì thế mà phóng lao theo lao mà cứ như vậy mà tạo nghiệp hoặc là chạy trốn như vua Lưu Ly chẳng thoát được. Nếu chúng ta tu tập Mật Thiền, luồng mật điển của Như lai sẽ tới với chúng ta, ứng hóa thân của Phật và Bồ tát sẽ tới để khơi dậy cho chúng ta cái tâm biết sám hối thật nhiều. Các bạn tu Mật Thiền đã nhận ra cái lỗi lầm của mình và sám hối. Và thật nhiều các bạn tu Mật Thiền đã khởi tâm yêu thương, đã biết cúng dường chân thành, đã biết bố thí một cách thành kính và biết phóng sanh với cái tâm thiện lương và đã biết từ thiện với cái cõi lòng nhân ái. Cho nên bệnh tật của các bạn dần dần giảm và hết, sức khỏe của các bạn đã tăng trưởng, nụ cười đã tươi, khuôn mặt nhân hậu phúc hậu, gia đình hạnh phúc, đời sống bình an. Đây là kết quả của những cái pháp thiện tuy rất nhỏ bạn đã làm. Nếu bạn tiếp tục thể nhập vào Mật thiền đón nhận mật điển để được ứng hóa thân Phật, Bồ tát khai thị cho tâm thì nhất định hằng hà sa những Tà pháp, những bất thiện pháp bạn đã tạo cũng sẽ chuyển hóa được hết.
Nhớ rằng, Phật tới nhắc nhở để chúng ta sám hối, chứ đừng nghe như vậy rồi mưu kế, nghe theo sự xiển nịnh mà trốn ra biển khởi, lửa vẫn thiêu đốt như ông vua Lưu Ly. Bạn không thể tạo nghiệp mà không sám hối. Tu theo cái hạnh bố thí, từ thiện, cúng dường, phóng sanh để tạo phước, chuyển đó đi đâu nếu bạn không làm chuyện đó? Không thể được. Mà nếu bạn nghe theo những thầy tà, những bạn dữ, những kẻ xiển nịnh trốn lên trên cái thuyền đó, mà cái thuyền ngày nay chúng ta trốn lên trên bằng cái nghi thức giải nghiệp, giải tam tai đại nghiệp, cúng kiếng, xin xăm, cúng sao giải hạn, lên đồng lên bóng, nhập cốt cô đồng ông đồng, hầu đồng để giải nghiệp thì chẳng khác gì như ông vua Lưu Ly trốn lửa đó. Sẽ bị chết thôi, không trốn được đâu. Biết bao nhiêu những vị quan tai to mặt lớn làm ác, hầu đồng hầu cốt, cúng kiếng giải sao giải hạn, đủ thứ, như vua Lưu Ly đó mượn thuyền ra khơi nhưng rồi cũng bị bắt, cũng bị nhốt, cũng bị tai họa tới, thọ mạng thật ngắn, bệnh tật thì nhiều, hoảng hốt, sợ hãi, phiền não đầy hết.
Mật Thiền giúp cho chúng ta đón nhận mật điển, và trong mật điển chúng ta tiếp cận qua thân tâm qua ứng hóa thân Phật, Bồ tát nhắc nhở chúng ta sám hối, nhắc nhở chúng ta biết cúng dường, từ thiện, biết phóng sanh. Các bạn, chúng ta làm những việc đó dù rất ít chỉ trong một hơi thở của Chánh niệm thôi cũng đã tạo được công đức vô lượng. Hãy trở về với Chánh niệm hơi thở cùng với Bảo Thành để chúng ta đón nhận công đức vô lượng, phước báu vô lượng qua Chánh niệm hơi thở thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, Trí Tuệ, Từ Bi của Phật qua Mật Thiền song tu.
Thưa Phật, chúng con hiểu được ai cũng có tội có lỗi, tạo nhiều cái Tà pháp nhưng sẽ nghe theo lời Phật bởi nay đã thấu. Nguyện một lòng sám hối, thực hiện pháp cúng dường, bố thí, phóng sanh, từ thiện để tạo phước hồi hướng cho tất cả những người yêu thương có thọ mạng viên dung, ứng dụng cái thân người phương tiện để chuyển nghiệp, hưởng được sự an lạc ngay trong cõi trần hiện tại này.
Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta hồi hướng công đức. Thưa Phật, nếu chúng con đồng tu hôm nay tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho thế giới hòa bình và chúng sanh thành tựu được pháp Phật. Xin chư Phật chứng minh !