Trần Công Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi
Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con một lòng thành kính nguyện xin chư Phật trao truyền lễ quán đẳng đại trí tuệ thủ ấn viên mãn an lạc. Để chúng con khởi nguồn yêu thương và thắp sáng đuốc tuệ, quán chiếu vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện xin chư Phật gia trì cho thế giới có được sự hòa bình và các vị lãnh tụ biết ngồi lại họp và chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy nhất tâm và một lòng thành kính thể nhập vào chánh niệm của hơi thở, gắn kết với mười phương chư Phật, đón nhận hồng ân Tam Bảo, tha lực Phật điển để quán chiếu cho thật rõ thân tâm của mình.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn. Trước khi chia sẻ chủ đề các bạn đang nhìn thấy trên màn ảnh. Bảo Thành xin nhắc lại pháp môn phương tiện mật thiền song tu, khế hợp hài hòa giữa mật ngôn vi diệu và chánh niệm hơi thở để quán chiếu thân tâm của chúng ta. Hơi thở chánh niệm và các mật chú là những đề mục để chúng ta quán chiếu. Ngoài được gọi là đề mục thì mật ngôn còn có sự linh diệu là mang chúng ta gắn kết mật thiết với chư Phật, đón nhận được năng lượng siêu thế, tha lực Phật điển để chúng ta hòa nhập vào với tự lực ngồi thiền, cầu đạo giác ngộ, rất là hay.
Mu A Mu Sa có nghĩa là tâm từ bi, chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm từ bi, đề mục này ta xuyên suốt trong một năm, ít nhiều gì mỗi người chúng ta cũng đã thấm nhuần. Nếu như các bạn mới bắt đầu ngày hôm nay cũng sẽ từ từ đi vào sự thẩm nhập của tâm từ bi nơi ta và Phật.
Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là tâm trí tuệ, để quán chiếu nhận ra các pháp vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã, ta cũng đã luyện một năm qua.
Năm nay ta tu tập tâm tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê, khi thể nhập vào Ma Sa Ốp Uê quán chiếu tâm tỉnh giác, chúng ta đón nhận được đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn qua sự quán đẳng của Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni. Ba mật ngôn này giúp cho chúng ta phòng hộ sáu căn, sáu giác quan cho thanh tịnh lúc nào cũng tỉnh giác, quán chiếu để nhận rõ mỗi một giây phút chánh niệm hơi thở trì ba mật ngôn trên chúng ta đón nhận được thật nhiều tha lực, mà các bạn đều cảm ứng được qua thân tâm. Sự đồng tu của chúng ta luôn bắt đầu bằng bảy biển của ba mật ngôn và kết thúc cũng như vậy để đón nhận tha lực Phật điển. Đồng thời chia sẻ về những chủ đề các bạn gửi về liên quan tới đời sống của mỗi người chúng ta, Phật tử tại gia.
Chủ đề hôm nay có lẽ quen thuộc, bởi chúng ta vô tình hay cố tình thường hay dùng hai chữ “Tổ Trác”. Tổ trác là phiên âm của tiếng hán tức là tiếng Tàu, ghép chữ tổ vào chữ trác, tổ là ông tổ, trác là phá vỡ, không thành công, thất bại, nhiều ý nghĩa, hai chữ tổ trác có nghĩa là không được tổ ưu đãi mà bị tổ phá làm cho hư. Chủ đề “Bị Tổ Trác” có lẽ đã được sử dụng trong dân gian lâu lắm rồi. Mà thế hệ trẻ cũng chẳng cần phải tìm tòi, chỉ hiểu được ý nghĩa tổ trác có nghĩa là bị tổ phá hư, dịch ra một chút xíu nữa cho nó huyền bí là bị tổ trừng phạt, bị ông tổ phạt. Chúng ta thấy chữ này được sử dụng nhiều ở trong các ngành nghề và rồi lan rộng ở trong dân gian. Người thường thôi làm việc gì không thành cũng thường nói đùa hoặc nói thật với nhau rằng tổ trác rồi, tổ phá rồi, không có thành công. Bất cứ một ngành nghề nào họ cũng có ngày giỗ tổ, hình như nó đã đi vào truyền thống rồi, ý nghĩa cao đẹp mà, một ngày nhớ về các vị tổ của ngành nghề, nhớ về các vị tổ của gia tộc, vị tổ của những trường phái tâm linh đều là những ngày tốt đẹp để tri ân, để nhớ và nhắc nhở nhau hướng đến chân thiện mỹ. Các bạn thấy các nghệ sĩ họ cũng có ngày giỗ tổ của họ và rồi tập trung vào để làm những lễ giỗ tổ linh đình, lớn lắm, cúng kiến rầm rộ. Nghe đâu ở Việt Nam chúng ta có một nghệ sĩ nào đó bỏ thật là nhiều tiền xây một nhà tổ thật là lớn, lớn như nhà tổ rộng rãi, có những sinh hoạt mà người thường khó có thể hiểu được. Bởi gọi là nhà tổ nhưng những sinh hoạt đó thuần túy chỉ theo những sở thích riêng của nhóm người sinh hoạt dưới nhà tổ đó mà thôi. Rồi có những vị tổ nghề, nghề gì cũng có tổ, môn gì cũng có tổ và thường tập trung tạo thành những nhóm, tổ chức một lễ tổ để nhớ. Nếu như năm ấy lễ tổ, cầu xin, tổ ban ơn cho mọi chuyện hanh thông người ta còn gọi là tổ đãi, tức là tổ ban ơn, tổ phò cho chúng ta, tổ đãi. Còn nếu thất bại nói ngay tổ trác có nghĩa là tổ trừng phạt rồi, chắc có chuyện gì đây.
Trong dân gian ta cũng cứ quen miệng sử dụng khi làm một việc gì thành công, không biết là việc gì lớn nhỏ linh tinh, thành công thì gọi là tổ đãi, mà không thành gọi là tổ trác, tổ phá. Nếu như ông tổ mà có thể nhận biết được những lời ta nói, hiểu thấu chắc buồn lắm, rất là buồn. Bởi vì tất cả các vị tổ của tâm linh hay tổ trong ngành nghề, những người khai sáng môn ấy mục đích là lưu truyền kiến thức để cho đời sau học hỏi, đưa vào ứng dụng trong cuộc đời mang đến thành công. Nhiều người trong chúng ta chẳng được học hỏi, chẳng hiểu được thâm ý của các vị tổ, cứ làm bừa làm bãi, chẳng nghiên cứu kiến thức, học hỏi tăng trưởng những nghề nghiệp cho đúng. Khi làm việc thất bại đổ thừa cho ông tổ ổng phạt, ông tổ buồn lắm, rất là buồn. Không những tổ nghề, tổ của các tông phái tâm linh, tổ của gia tộc của ta cũng buồn nữa, buồn lây với nhau, bởi vì các tổ có lẽ nếu nghe và nhận ra, hiểu biết lời ta nói, ta trách móc chắc các Ngài cũng ngồi họp với nhau bàn tán “dân gian thật là rộn ràng, toàn là đổ thừa trách cứ cho chúng ta”. Làm tổ rất là khổ bởi thành công gọi là tổ đãi, tổ ban thì dân gian có tặng gì đâu, nhưng mà nếu thất bại thì mang tổ ra để chửi, để nguyền rủa, trách cứ đủ thứ. Ta có thể nói như vậy và bắt đầu đi vào con đường tu tập của Phật tử tại gia. Người đời nói sao cũng được bởi họ chưa nghe về Phật pháp, còn chúng ta đã học về Phật pháp rồi không thể bất cứ một việc gì thất bại, cứ tự nhiên hồn nhiên như người không biết gì để rồi tuột ra câu “tổ trác”, nghĩa là trách ông tổ đã trừng phạt. Các chư vị tổ sáng lập ra các ngành nghề hoặc các pháp phương tiện dẫn độ chúng ta tu tập, mong chúng ta nghiên cứu và học hỏi. Chẳng phải mong chúng ta tới thờ cúng, thờ lạy, tôn vinh, cầu xin để được thì khen một tiếng, mà không được thì chê, thì chửi, thì trách móc. Không, người Phật tử hiểu rõ được mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời của chúng ta, thành bại, tốt xấu, khen chê, được mất. Những cái đó là lẽ tự nhiên đều bị chi phối bởi nghiệp lực ác và thiện, là nhân quả của các tạo tác ta gây ra hoặc kiến lập được từ tư tưởng, lời nói và hành vi, chẳng phải do ai. Thế mà chúng ta khi thất bại thật là nhanh đổ thừa ngay cho ông tổ, tổ trác rồi. Cứ như thế, cứ như thế ta chẳng khác gì người đã đổ thừa, đã ghép tội, đã đổ lỗi cho tổ hết, còn chúng ta hoàn toàn vô tội chẳng có làm gì nên tội. Chuyện hư hỏng đó, thất bại đó do ông tổ ổng phạt, ổng không ưa, ổng không thích, ổng phạt. Đây là một cách cũng tạo nghiệp, nếu dựa trên nền tảng giáo lý của Phật, đổ thừa, mà dịch cho nó trắng trợn ra là nói dối, không có chánh kiến, lỗi tại mình làm không thành đổ thừa cho ông tổ, nói dối, có tội, có nghiệp. Cho nên ai dùng chữ tổ trác là đang phạm giới thứ tư tạo ra nghiệp, tổn phước không hay, thành bại trong đời đều do ta hết mà Phật dạy như thế. Có lẽ chúng ta cứ vô tình sử dụng những từ này nhưng các bạn biết không, bất cứ một niệm nào dù tốt hay xấu, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần sẽ thẩm nhập, tạo thành những vết đen hoặc có thể khởi lên những điểm sáng trong cuộc đời. Ông bà mình nói gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, có ý nghĩa rằng chúng ta kề cận những người hiền lương, trí thức, những điều tốt thì tâm trí ta được sáng ra. Còn chúng ta cứ chui đầu vào trong bóng tối, tiếp xúc với những người gian ác không tốt, thì cuộc đời sẽ đen thui.
Kinh Pháp Cú Phật khuyên chúng ta phải thường xuyên về cận những bậc thiện trí thức, cũng mang ý nghĩa như ông bà mình nói gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Nếu chúng ta cứ gần tư tưởng đổ thừa, tiêm nhiễm rằng tổ ban ơn, tổ ban phước nếu hợp ý Ngài, còn trái ý Ngài tổ sẽ trừng phạt, tổ sẽ làm cho chúng ta hư. Thuật ngữ tư tưởng này dần dần đưa chúng ta mặc định rằng ông tổ như ông trời ban ơn, giáng họa, còn chúng ta chỉ là kẻ vô tội, điều này nghiệp chướng nhiều lắm. Người Phật tử tại gia không nên sử dụng từ tổ trác. Đức Phật dạy muôn sự ở đời xảy ra do nghiệp, chẳng phải do tổ, do ông bà cha mẹ, chẳng phải do bất cứ một người nào. Nếu nghề nghiệp đó ta làm việc mà không thành chính là bởi vì chúng ta chưa học hỏi nghiên cứu, tăng trưởng kiến thức cho hay để ứng dụng ngành nghề mà vị tổ đó sáng lập ra, sáng tạo ra, cho nên ta thất bại, chẳng phải tổ. Ta nhớ đến tổ tức là ta phải tu tập những gì tổ đã sáng tạo ra dựa trên nền tảng của sự học tập và nâng cao kiến thức. Để mang kiến thức của tổ hài hòa với kiến thức của chúng ta, phù hợp với thời đại hiện thời để phát triển, đưa đến sự thành công. Còn nếu như thành công ta tri ân các chư tổ để lại những vốn kiến thức như vậy để chúng ta học hỏi và rồi ứng dụng thành công, tri ân là điều tốt nhưng trách cứ là điều sai. Nếu cứ như vậy, tin tưởng điều đó, thẩm nhập vào điều đó, sử dụng ngôn ngữ tổ trác hoặc là tổ đãi, chúng ta sẽ dần dần làm mê hoặc sự suy nghĩ của mình, hiểu sai chân lý nhân quả. Các bạn nhiều khi cũng đã lầm tưởng như vậy và rồi trong hàng Phật tử của chúng ta việc gì không thành công nghĩ Phật trừng phạt, bởi tổ trác là tổ trừng phạt, không ban ơn. Nay trên con đường tu Phật chuyện thành công “Ờ Phật độ, Phật thương, Phật đãi”, mà nếu như không thành công thì chúng ta lại đổ thừa Phật không ban ơn. Cũng từ chỗ đó mà tinh thần Phật giáo thay vì học hỏi kiến thức giác ngộ Phật truyền lại cho chúng ta để sống một cuộc đời hạnh phúc, an vui. Dần dần ta đã biến Phật là bậc thầy dạy dỗ thành một ông tổ ban ơn, giáng họa, để cầu xin. Từ cái tâm có cung có cầu đó mỗi người cứ cầu mong như thế, dần dần tâm lý dựa trên yếu điểm đó, yếu điểm của tâm lý cầu cạnh đó mà các môn cầu xin, mê tín dị đoan, mê hoặc lòng người được sáng tạo ra, để dẫn dụ. Dần dần chúng ta xa rời chân lý nhân quả, chẳng muốn học Phật nữa bởi Phật nay chẳng còn là Thầy, mà là ông tổ để mà ban ơn, ban phước. Cho nên tới với Phật chẳng còn tới với tâm thái của người đệ tử cầu mong được học, được thọ truyền kiến thức giác ngộ. Mà tới với Phật để cầu xin, sợ hãi, làm cho đúng, cúng kiến cho hay. Thiên hạ bày vẽ đủ các lễ nghi cúng kiến, Phật này phải cúng như thế này, Phật kia phải cúng như thế kia, cúng đèn, cúng hoa trái, tạo tác thật nhiều các quy chế cúng kiến, cúng đèn được trí tuệ, cúng hoa thì được sắc đẹp, được hương thơm. Người ta cứ lần mò trong cái mớ ngớ ngẩn của cuộc đời, áp chế những ý nghĩa thật là tầm thường vào bậc giác ngộ, rồi cứ lưu truyền những truyền thống rất mê tín dị đoan. Trong khi Đức Phật là bậc giác ngộ tới dạy cho chúng ta, khai thị, khai truyền và hướng dẫn ta hiểu biết để ứng dụng. Nay ta biến Phật thành một vị thần để cầu xin, được thì gọi là Phật đãi, Phật độ, không được thì gọi là Phật không ban ơn. Nhiều khi còn gọi là Phật trác, tổ trác, trừng phạt, ban thưởng ghép như vậy không hay đâu, hiểu sai rồi, nhưng ở trên đời vẫn còn những chuyện như thế.
“Bị Tổ Trác” là một đề mục cần quán chiếu, như tiêu đề ngày hôm nay chúng ta phải phá vỡ tư tưởng không có vị tổ nào trác chúng ta, có nghĩa là phá chúng ta, làm cho chúng ta thất bại hết. Phải khẳng định thật rõ sự thành bại ở trong đời của mỗi người chúng ta đều dựa trên những yếu tố. Thứ nhất là về kiến thức. Thứ hai là về phương pháp ứng dụng. Thứ ba là môi trường tiếp cận trong đời sống. Chẳng ai lên trên núi, sống ở miền rừng núi mà bán thuyền hết các bạn. Chẳng ai xuống biển khơi mà đi bán cưa, bán đục để cắt cây, đào núi, phá rừng. Chẳng ai lên trên núi mà dạy bơi, xuống biển mà dạy trèo núi hết, sai môi trường. Mọi sự thành công của cuộc đời luôn luôn phải dựa trên kiến thức, phương pháp ứng dụng và môi trường sinh hoạt. Không ai đi vô trong rừng sâu, núi thẳm, hoang vắng, nơi không có dấu chân người để mở một nhà hàng lớn, ai vô đó mà ăn. Chúng ta hiểu rõ được điều đấy nhưng mấy ai tăng trưởng kiến thức như vậy đâu, đặt cuộc đời vào canh bạc của sự hên xui, tổ trác hoặc là tổ đãi. Dù học Phật là Phật tử tại gia, chúng ta vẫn mù mờ trong các suy nghĩ này, lầm lạc thật xa với chân lý của Phật, dần đi vào mê tín và dị đoan, hoang tưởng. Vậy nên mỗi người phước cứ tổn hoài thôi, công đức thì chẳng còn, xui xẻo cứ tới, tai họa thì liền liền. Chữ tổ trác cứ tuột ra từ miệng, theo Phật mà cứ nói tổ trác là sai, nói chơi nói giỡn cũng tạo nghiệp các bạn. Bởi trong mười đều gọi là để hành thiện Phật dạy về ngôn ngữ đó, không nói thêu dệt, không nói thêm bớt, không nói giả dối, không nói thô ác. Tổ trác là nói thêu dệt, nói thêm bớt, nói dối, nói thô ác, bởi vì ta đang phê phán ông tổ, ta chê bai ông tổ, ta ghép tội cho ông tổ là ác. Mà ta đâu biết chắc ông tổ có ban ơn hay không, mà ta nói thêm, nói bớt, nói dối. Có đấy, cái đó tạo khẩu nghiệp nhiều lắm. Phải suy cho kỹ như vậy mới thấy rằng khi chúng ta cứ dùng chữ tổ trác là đang tạo nghiệp, không nên, phải ngừng ngay. Mọi sự thành bại trong cuộc đời không dùng chữ tổ trác nữa mà chiêm nghiệm thật sâu về nhân quả, để thấu rõ những nghiệp ác ta đã tạo gây ra chướng ngại, hành thiện thì tạo ra được phước báu, hành ác cái nhân của ác tạo ra là tai họa, xui xẻo, thất bại, rõ ràng, hay chúng ta gọi là không có phước, tổn phước.
Các bạn thân mến! Hầu bất cứ một việc gì trên đời cũng cần phải tu tập, nâng cao kiến thức. Mật thiền song tu chúng ta cần phải nâng cao kiến thức bằng sự hành trì, bằng sự thọ trì, thọ có nghĩa là đón nhận, trì là thực tập. Ta đón nhận pháp môn đó ta mang vào sự thực tập, sự tu tập hàng ngày, hành trì cũng mang ý nghĩa như vậy, không phải chỉ thuộc, chỉ nhớ, chỉ nhìn, chỉ biết, nhưng phải đón nhận với một lòng thành kính, mang vào thực tập, tu tập để có một sự trải nghiệm, đi đến sự chứng nhận rõ ràng, hiểu thấu và gỡ rối mọi sự u mê, thiếu hiểu biết của chúng ta.
Mật thiền, mật ngôn số 3 Ma Sa Ốp Uê quán tâm tỉnh giác để đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn. Rất hay! Bởi chúng ta thể nhập vào sự tỉnh giác nơi Phật, để thấu rõ được nhân quả thiện ác, mọi việc đang xảy ra cho chúng ta, thành hoặc là bại, được hoặc là mất, tốt hoặc là xấu, khen hoặc là chê, để những điều xảy ra trong cuộc đời không làm cho chúng ta điên đảo, sợ hãi. Mà khi chúng xảy ra dù thuận hay nghịch ta đều có cơ hội chiêm nghiệm, thể nghiệm, để chứng nghiệm nhân quả thiện ác mà ta đã tạo. Để chuyển hóa, để tăng trưởng và để làm cho cuộc đời mỗi một ngày trôi qua đều có những bài học quý giá, nhìn rõ vào những điều ta đã hành, đã làm, đã tạo, để thay đổi.
Xưa cho tới bây giờ Bảo Thành và các bạn đã quá vội vàng đổ thừa, đổ lỗi cho người khác, chạy tội đó các bạn, có tội làm sai không nhận, chạy tội. Từ chữ chạy tội trong cuộc đời là đổ thừa cho tổ, tổ phạt. Đi tới khi phạm lỗi ta bắt đầu chạy tội bằng phương thức hối lộ, đối với thần linh ta hối lộ bằng quà dâng, cúng quà cáp đó các bạn, mua bông, mua trái cúng dường, đó là một cách hối lộ đó. Dần dần mà muốn cho lễ hối lộ cho nó to hơn, không đủ tiền thì biến hàng thật thành hàng giả, thay vì mua được một đĩa trái cây ngũ quả chân thành thôi mà tiền ít quá, biến hàng thật đó thành hàng giả, mua hàng giả cho nó rẻ, cho nó nhiều. Nó lại tạo ra ngành vàng mã, tạo đồ giả, cúng cho Phật, cúng cho tổ, ông bà cha mẹ cũng cúng đồ giả. Cái giả đó nó ảnh hưởng từ đời sống tâm linh, sự lừa dối chính bản thân của mình, lừa gạt cả thần linh, lừa gạt chính bản thân, làm ta u mê, đắm chìm trong vô minh. Dần dần lây lan đến sinh hoạt của cuộc sống, nó thành phong tục gọi là hối lộ tâm linh hay hối lộ trong cuộc đời để chạy tội cho mỗi người, điều đó có. Phật dạy ai tạo ra nghiệp chẳng thể chạy tội được đâu, chẳng hối lộ, đút tiền, đút của, mang quà cáp biếu mà thoát tội được. Đã tạo nghiệp rồi thì trốn lên trên trời, vào hang động, xuống dưới biển, dưới núi,.. nghiệp đó khi nó trổ quả là quả ác ta sẽ phải chịu, là quả thiện không nhận nó cũng sẽ tới. Đừng biến đời sống tâm linh thành đời sống tầm thường, phàm phu, biếu xén, cúng kiến, hối lộ, chạy tội, rồi cứ nói tổ trác. Ông tổ nào trừng phạt chúng ta, nói như vậy ta đã chê bai, phỉ báng các vị tổ của gia tộc, tổ của ngành nghề, các vị chư tổ, minh tổ, Thầy tổ. Nói cho xuyên suốt hơn nếu trên con đường học Phật thì ta đang chửi Phật đó, phỉ báng Phật. Phật nói Phật đâu có trừng phạt mà ta ghép tội cho Phật, ta đang phỉ báng chân lý của Đức Phật truyền dạy cho chúng ta. Phải suy nghĩ cho rốt ráo như thế để chúng ta thấy rằng mọi tạo tác từ tư tưởng khởi lên, ngôn ngữ ta tiếp ứng, ta tiếp xúc, ta đối xử hàng ngày và những hành vi tương tác đều tạo ra nghiệp để ta cẩn thận, còn không ta tạo nghiệp tổn phước. Cho nên cứ tu hoài mà không thấy được những điều lành thiện, tu hoài mà cứ thấy bất an, đau khổ, chính là bởi vì chúng ta không để ý mà thôi.
Từ chữ tổ trác, bị tổ trác ta hiểu được lời của Đức Phật, để không trách cứ, đổ thừa cho bất cứ một ai. Phải nhìn nhận những lầm lỗi, những tội lỗi, những nghiệp chướng ta tạo ra đều do chính chúng ta. Từ đó nương vào sự dạy dỗ của Phật, kiến thức giác ngộ của Phật trao truyền, mang vào ứng dụng thực hành, để như trong lời kinh Đức Phật dạy tự thắp đuốc lên mà đi. Đuốc tuệ của Đức Phật chính là kiến thức giác ngộ của Phật lưu truyền qua các pháp môn để chúng ta mang vào ứng dụng, tu tập hàng ngày. Đó chính là đuốc, chẳng phải là thắp một ngọn đèn, 100 ngọn đèn, 100 ngàn ngọn đèn cầy, đèn sáp, đèn bơ, đèn này, đèn kia, cúng dường như vậy cho Phật để có trí tuệ, không có. Vấn đề cúng đèn đó cũng chỉ là phong tục ngày xưa không có đèn điện, không có đèn dầu, chỉ có đèn bơ, đèn sáp. Và các nơi từ đường, chùa chiền hoặc những nơi thờ phượng ngày xưa không có ánh sáng đủ cho nên thường khuyến khích các thiện nam, tín nữ hoặc là những người theo tôn giáo đó tới cúng dường dầu hoặc là đèn, đèn cầy đó các bạn. Rồi từ đó với tâm cúng dường là tạo phước, nhưng chẳng phải vật cúng dường đó là tạo phước, người ta cứ dịch dần, dịch dần. Ngày nay trong kinh sách được đặt thêm vào hoặc các bậc thầy vẫn xiển dương cúng đèn bơ, đèn sáp, đặc biệt là loại đèn này, đèn kia, ta có trí tuệ, có ánh sáng. Không, nếu mà như vậy thì những nhà giàu họ mua biết bao nhiêu những đèn bơ, đèn sáp họ cúng dường, họ sẽ có trí tuệ hết và như vậy chẳng bao giờ bị tổ trác, tổ phạt, bởi vì họ cúng dường quá nhiều, có trí tuệ mà, không đâu. Thiếu gì những kẻ giàu thất bại, tổ cũng trác ầm ầm. Như vậy sự thành bại trong cuộc đời chúng ta phải hiểu rằng đó là kết quả của kiến thức nơi mỗi người, kiến thức về công việc, sự việc và kiến thức về con đường tu giữa thiện và ác, nhân quả của nhà Phật ứng dụng cho đúng ta sẽ đưa đến sự thành công. Giữa kiến thức phàm phu phối hợp với kiến thức Phật học để tạo ra phước đức và công đức. Cùng với những hành vi, tạo tác đúng chuẩn mực, phù hợp thời gian, môi trường sống sẽ đưa đến sự thành công cho chúng ta.
Ngày nay hiểu được như vậy Bảo Thành khuyên các bạn đừng dùng chữ tổ trác một cách quá ưu đãi cho mình ở mọi nơi, mọi lúc, tạo nghiệp, không những tạo nghiệp mà dần dần dẫn chúng ta vào mê lầm. Cứ tưởng rằng những vị tổ ban ơn, giáng họa, dần dần lại lầm lẫn qua Phật cũng ban ơn, giáng họa, biến Phật thành thần để cầu, để xin mà mất đi ý nghĩa để hiểu thấu rằng Phật là bậc Thầy dạy dỗ chúng ta, dẫn đường, giáo dưỡng dắt dìu trên con đường thực nghiệm, thực tế, để tự giải thoát. Như người tự đứng dậy thắp đuốc mà đi, thì nay ta lại thọt mù hai con mắt, mò mẫm trong rừng sâu, núi thẳm để cọp beo của ác nghiệp nhiều đời và hiện tại nó xé xác cuộc đời chúng ta, quăng vào hố sâu của luân hồi sanh tử. Hãy hiểu thấu hai chữ tổ trác, không nên để nó thấm vào trong tư tưởng mặc định có ban ơn, giáng họa của bất cứ ai. Đức Phật dạy cuộc đời của chúng ta chẳng có ai ban ơn và giáng họa hết, mà chính chúng ta là người ban ơn giáng họa cho chính mình. Còn các bậc thầy, bậc tổ, những bậc thiện tri thức, chư Phật, chư Bồ Tát thánh hiền là những vị thầy tới để dạy, khai mở trí tuệ, truyền trao kiến thức. Chúng ta tới để học mà ứng dụng, chẳng phải các Ngài thương thì ban, ghét thì phạt. Phật, các bậc giác ngộ và các bậc tổ đã không còn kẹt vào giữa Thương và Ghét, bởi vì chẳng còn có ngã tướng. Với trí tuệ của bậc đại giác, đại ngộ, đại từ, đại bi sao có thể kẹt ở trong đó. Đừng hạ thấp bản thân, đừng hạ giá các bậc thánh, các bậc tổ, Bồ Tát, chư Phật, có như vậy ta mới nâng cao phẩm cách giác ngộ của chính mình, bởi hiểu đúng chân lý của Phật. Đừng trách cứ ai, đừng đổ thừa cho ai, đừng đổ lỗi cho ai, đừng chạy tội, đừng đắm chìm vào trong sự cúng kiến cũng như các phong tục dân gian nhiều đời truyền lại, giữa hình thức này hình thức kia. Đó chỉ là của con người bày vẽ ra mà thôi, còn Đức Phật không bày vẽ mà chỉ đường cho chúng ta đi. Hãy tới với Phật như một người chỉ đường để ta đi theo con đường Phật dạy bằng chính đôi chân của mình, để chúng ta cởi trói, giải thoát bản thân khỏi luân hồi sanh tử.
Mời các bạn trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Phật đã dạy không ai ban ơn và giáng họa. Chư Tổ, chư Thầy, chư Bồ Tát, chư Phật luôn luôn là những bậc mang kiến thức để truyền trao. Chúng con nguyện một lòng tu học ứng dụng kiến thức đó bằng sự tu tập miên mật.
Xin chư Phật gia trì cho chúng con!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới và cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.