Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thưa Phật! Chúng con một lòng thành kính nguyện xin Chư Phật ban lễ quán đảnh Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn cho chúng con, để chúng con biết khởi nguồn yêu thương và thắp sáng đuốc Tuệ, quán chiếu trong Chánh niệm hơi thở, thấy rõ được vạn pháp Vô thường sanh diệt, Khổ, Vô ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho các nguyên thủ các quốc gia trên thế giới biết ngồi lại bàn thảo kế sách thành lập lên nền hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải và lòng bàn tay trái, buông thư nhẹ nhàng, nhớ về lời Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát. Lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Từng giây phút Chánh niệm hơi thở, chúng ta sẽ gắn kết với Chư Phật sẽ đón nhận được thật nhiều hồng ân Tam Bảo, năng lượng tình thương, tha lực Phật điển Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Hãy hồi hướng tới các đấng sinh thành, nguyện cho các ngài tăng long phước thọ. Hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học.
Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Các bạn thân mến! Trong từng hơi thở của Chánh niệm, chúng ta được tịch tĩnh, được buông thư nhẹ nhàng, cách ly toàn diện với tham, sân và si, gắn kết mật thiết với năng lượng tha lực Phật điển Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Từng mật ngôn:
Mật ngôn Từ Bi : Mu A Mu Sa.
Mật ngôn Trí Tuệ : NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
và Mật ngôn Tỉnh Giác : Ma Sa Ốp Uê.
Đó chính là ý nghĩa cao tột của sự đồng tu mà chúng ta thực hành mỗi một ngày. Chánh niệm để thể nhập vào cái tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, quán chiếu sâu sắc, nhìn rõ được sự Vô thường của các pháp sanh – diệt, thấu được sự bám víu vào đó, cho nó là trường tồn muôn thuở sẽ gây ra đau khổ, bám víu vào các pháp cho là thường, bám víu vào cái ta đây là có sẽ khổ. Nhận diện được điều này, công hạnh Mật Thiền song tu, Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán sẽ làm cho chúng ta nhận rõ được cuộc đời. Dĩ nhiên, khi nhìn thấu thấu được vạn pháp Vô thường sanh diệt, Khổ và Vô ngã – tam pháp ấn Đức Phật truyền dạy, chúng ta sẽ có một cuộc đời bình an, hạnh phúc, và đoạn diệt được phiền não, đau khổ, bệnh tật.
Sự đồng tu là điều tốt đẹp. Sống ở trên đời này biết bao nhiêu rác rưởi, phiền não, đau khổ, bệnh hoạn luôn ghé thăm. Ta đâu có mời, ta đâu có rước, nhưng chúng tới, chúng ở, chúng đã có vốn nơi ta khi sinh ra. Bởi từ vô lượng kiếp qua ta đã tạo ra, không thể trốn tránh, để rồi gọi là bịt mắt không thấy gì. Sự học Phật là mở to đôi mắt Tuệ, dùng cái Trí Tuệ quán chiếu để thấy được ta, cái ta bám víu là hư huyễn, là không thật, là Vô thường. Và cũng từ đó nhận diện ra các pháp Vô thường Phật dạy là đúng, nên tất cả những phiền não, đau khổ, các pháp ác ta đã tạo cũng chỉ là Vô thường. Còn tồn tại chăng chỉ là một cái lực, tác động vào cái lực đó bằng sự chủ động của Chánh niệm, của tự lực, của tha lực, của niệm lực, của nguyện lực, chúng ta sẽ giải tỏa và chuyển hóa toàn diện nghiệp lực ác đang tác động vào cuộc đời, để tăng trưởng cái thiện nghiệp lực, dắt dìu chúng ta đi về hướng có mặt trời Trí Tuệ ba ngôi Tam Bảo đang chiếu soi.
Các bạn gửi về chủ đề hôm nay: “Thờ Giới Luật Làm Thầy”, Bảo Thành hiểu được các bạn muốn nói gì, muốn gửi gắm gì. Và muốn Bảo Thành chia sẻ về giới luật của Phật giáo nói chung, của Tăng ni và Phật tử nói riêng. Trong Kinh Di Giáo hoặc trong Kinh Niết bàn, trước khi Đức Phật nhập tịch (Chữ “nhập tịch” tức là từ giã cuộc đời này, lìa bỏ thân xác tứ đại này), Ngài đã nhắc nhở: “Này các tỳ kheo, này tứ chúng, khi ta nhập Niết bàn, (nghĩa là viên tịch, nghĩa là ra đi) các con phải biết tôn kính và lấy giới luật làm đầu, làm thầy. Bởi giới luật còn, tăng đoàn còn. Tăng đoàn còn, Phật pháp còn”. Điều này đã được thực hiện trên 2560 mấy năm qua, từ Tăng đoàn cho tới hàng Phật tử tại gia, nghe theo lời Đức Phật, mỗi một người chúng ta phải lấy giới làm trọng, làm cứu cánh, làm nền tảng trên con đường tu. Người tu học Phật mà không giữ giới thì cái sự tu đó chẳng khác gì lấy cái vỏ sò mà tát cạn biển Đông. Các bạn đi tắm biển vớ được cái vỏ sò phát nguyện tát cạn biển bằng vỏ sò, đó là cái điều điên khùng, không thực! Làm sao chúng ta có thể lấy được cái vỏ sò đó mà tát cạn được biển Đông? Không đúng! Ý nghĩa rằng chúng ta nếu không giữ giới thì cái biển khổ mênh mông vô tận của ác nghiệp nhiều đời ta tạo, làm sao có thể lấy được vỏ sò của người không giữ giới mà tát cạn đi cái bể khổ kia? Sẽ khổ lắm! Chính vì điều đó mà Đức Phật luôn nói: “Phải lấy giới luật làm thầy”. Các bạn dùng chữ “thờ giới luật làm thầy”, chữ “thờ” ở đây có nghĩa tôn kính và hành trì. Chúng ta phải tôn kính và hành trì giới luật. Chúng ta phải biết kính trọng giới luật là chìa khóa, hành trì là tu tập. Tu tập giữ giới, dịch ra đơn giản là phải luôn luôn biết lấy giới làm trọng, giữ giới để tu tập. Người không giữ giới không thể tu tập, chỉ là đóng tuồng, không bao giờ thành công.
Trong những năm đầu khi Đức Phật giảng pháp, mười hai năm đầu tiên, lúc ấy các bậc đại đệ tử, tất cả những vị ấy đều đã đoạn diệt được và hiểu thấu phiền não, không còn những phiền não đời thường nữa. Cho nên Đức Phật hướng dẫn cho họ thiền định, tu, đi đến sự chứng đắc viên thông. Năm thứ mười ba, khi giảng pháp được mở rộng trong hàng tỳ kheo và tứ chúng tới nhiều nơi, và từ đó có những chư vị, có những vị căn cơ vẫn còn chứa đầy những phiền não, cho nên khi đồng hành con đường tu với Phật thường hay gây ra sự xáo trộn. Lúc đó, Đức Phật mới mang giới ra để hướng dẫn cho các đệ tử mỗi khi có chuyện xảy ra, với mục đích giới của Đức Phật là giữ cho Tăng đoàn thanh tịnh, đi đến sự tu chứng, giác ngộ giải thoát, và giúp cho Tăng đoàn hòa hợp, yêu thương, gắn bó. Đồng thời cũng giúp cho hàng Phật tử luôn nhìn về Tăng đoàn với một cái sự sáng suốt nhận định rõ và tăng trưởng niềm tin trên con đường học Phật. Điều này rất quan trọng. Chẳng phải đang nhiên Đức Phật đưa ra luật để cho chúng ta giữ. Nhưng giới luật của Phật được chế tác sẽ hỗ trợ cho mỗi một hành giả, Tăng ni hoặc Phật tử chúng ta chấm dứt tạo ra nghiệp, để cái công hạnh tu tập đó tạo được nhiều năng lượng chuyển hóa những ác nghiệp nhiều đời.
Hôm nay, chúng ta không nói đến cái giới luật của các bậc Tôn Túc xuất gia, luật của Tăng và luật của Ni, cũng như Sa di, các vị Sa môn, luật của Bồ Tát giới, chúng ta chỉ nói đến năm cái giới của hàng Phật tử tại gia. Các bạn nhớ, khi chưa có giới và Đức Phật đã nhìn thấy sự liên quan giữa cái giới và phiền não đau khổ, sự luân hồi trong sanh tử. Chúng sanh không bao giờ hiểu được sự đau khổ, phiền não và tiếp tục luân hồi trong sanh tử do đâu, vì đâu, nguyên do là gì. Đức Phật giác ngộ đã nhìn rõ được sự đau khổ và phiền não, bệnh tật và luân hồi sinh tử, nó tới từ thân, ngữ, ý bởi những tạo tác như sau:
Đó là sát sanh
Đó là trộm cắp
Đó là tà dâm
Đó là nói dối
Đó là uống và sử dụng các chất say và gây mê.
Năm cái điều này đã tạo nên cái nghiệp lực thật xấu, bất tịnh, gây ra biết bao nhiêu đau khổ phiền não và đầy đọa chúng ta trong luân hồi sanh tử. Năm cái giới hoặc là giới răn mà Đức Phật dạy chúng ta phải giữ, chẳng phải là cái luật bình thường, mà là những cái luật tự nhiên khi phạm vào chúng ta tự hại mình, tự giết mình, tự gây ra đau khổ. Quốc gia thì có cái luật của quốc gia. Trong gia đình thì có gia quy. Tất cả mọi luật của các quốc gia, các thôn xóm, của làng, của tỉnh, của thành phố được chế tác ra nhằm bảo vệ đời sống của con người. Trong gia đình đã chế ra những cái luật của gia đình, để giữ cho gia đình êm ấm, hạnh phúc và bình an, bảo vệ cuộc sống của gia đình. Còn Đức Phật truyền dạy năm giới cho chúng ta là để bảo vệ đời sống tâm linh, không bị đọa đày vào đau khổ, phiền não, bệnh tật và sanh tử luân hồi. Phật không ép chúng ta phải giữ giới. Phật giới thiệu, Phật khai thị, truyền dạy cho chúng ta, giữ hay không tùy mỗi người. Chữ “thọ trì” (tức là thờ cái giới luật) có nghĩa là hành trì, thực hành, thực tập với một lòng thành kính và hiểu thấu. Và nếu như chúng ta giữ được các giới như thế, chúng ta bảo vệ được đời sống tâm linh của chính mình và có được sự hạnh phúc và bình an.
Những ai gian ác, sát sinh
Thường hay trộm cắp, tính tình gian dâm,
Hung hăng, nói dối, làm càn,
Cuộc đời đau khổ, lầm than muôn đời.
Điều này thật đúng! Đó là một trong những ý nghĩa của Kinh Pháp Cú nói về năm giới. Các bạn Phật tử tại gia chúng ta, nếu các bạn chỉ tu hết pháp môn này đến pháp môn kia, pháp hội này đến pháp hội kia. Các bạn tu Tịnh độ niệm Phật liên tục. Các bạn tu Thiền, nhiều loại thiền khác nhau, tông phái pháp môn khác nhau. Các bạn tu Mật hoặc là Phước – Huệ song tu, Thiền Mật song tu. Nhiều các pháp môn tu lắm. Pháp môn nào cũng quảng cáo cho hay, nhưng nếu các bạn thực tập được pháp môn hay đó, được hướng dẫn pháp môn hay đó, mà các bạn không giữ năm giới sau khi quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, thì không khác nào các bạn lấy cái vỏ sò múc nước biển đổ vào thùng không đáy, để đợi cho biển cạn bước vào bờ bên kia. Chúng ta thực sự nếu không giữ giới sẽ hóa thành người điên rồ, người khùng, người mất trí, như kẻ cầm vỏ sò tát cạn biển Đông đổ vào trong cái thùng không đáy. Đó chính là những người không giữ giới mà ham thích tu Phật, học làm đủ thứ hết mà không giữ giới. Ngay cả các bạn thực hành các pháp thiện, từ thiện, phóng sanh, san sẻ yêu thương, sám hối… đủ hết Kinh kệ sớm tối, chuông mõ rình rang, chùa chiền nào cũng tới, miếu đình nào cũng lạy, thầy nào cũng tôn vinh làm thầy, Tăng ni nào mình cũng biết, Pháp môn nào mình cũng hay, mà không giữ giới thì những điều bạn đang làm đó không khác gì như một người họa sĩ không biết phối màu, gặp nước sơn nào cũng đổ và trộn vào với nhau rồi quét nên trên mặt tưởng là hay. Nhìn kỹ trên gương ta không thấy gì, nhưng người ngoài nhìn rõ ta chỉ là thằng hề.
Giới luật rất quan trọng, những điều quan trọng nhất mà Đức Phật truyền dạy cho chúng ta chính là những điều đầu tiên Đức Phật dạy, đó là “Tứ Thánh Đế”. Tứ Thánh Đế nói về cái khổ, nguyên nhân tạo khổ, nói về cái sự hạnh phúc và nguyên nhân đưa đến sự hạnh phúc đó. Đó là những lời đầu tiên Đức Phật dạy “Chuyển Pháp Luân”, bài pháp đầu tiên tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như. Và dĩ nhiên những giây phút cuối cùng của cuộc đời con người, những lời cuối cùng ấy rất quan trọng. Và trong lời cuối ấy, Đức Phật đã căn dặn các đệ tử phải biết giữ giới, phải biết lấy giới luật làm thầy. Bao nhiêu lâu còn giới luật thì pháp, luật còn trường tồn, con đường giải thoát còn ở đó. Dù rằng ta đã không hiện thân giữa đời nhưng giới luật là Pháp, giới luật là Phật. Nếu các bạn không giữ đúng năm giới thì Đức Phật các bạn đang theo qua các hình thức chỉ là hình tướng không thật. Nếu các bạn biết giữ năm giới chỉ là một câu niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thiện, các bạn đã thoát khỏi khổ rồi, an lạc lắm. Chứ còn nói sâu xa hơn, bạn mà giữ giới được và đồng hành trên con đường tu Chánh niệm hơi thở Mật Thiền song tu, quán chiếu và thể nhập vào trong cái tự tánh Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, chúng ta sẽ lãnh nhận được Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn, thể nhập vào tự tánh cùng với Phật. Và nơi cuộc đời này, lúc này, tại đây, mỗi người chúng ta sẽ cảm ứng được sự hiện diện của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền, của Long Thần, Hộ Pháp, Chư Thiên. Và cuộc đời của chúng ta chẳng cần phải đi xa cũng diện kiến được các bậc minh sư hóa thân của Chư Phật, Bồ Tát ghé ngang cuộc đời, chỉ đường, dắt dìu, che chở, chăm sóc cho chúng ta.
Giới luật làm thầy, đó là lời dạy của Thế Tôn, lời cuối của Đức Phật, tối quan trọng, ta có thể chuyển ý nghĩa lời cuối của Đức Phật là: “Các con hãy giữ giới và lấy giới luật làm thầy” thành một cái bản di chúc tuyệt vời mà mỗi ai được lãnh nhận cái di chúc này là có được cả cái gia tài an vui và hạnh phúc, Niết bàn tại thế. Các bạn có nhớ ở đời thường khi một ai mất đi, nhất là cha mẹ, những người thân, ngày xưa không có, nhưng ngày nay đau khổ, túng thiếu nhiều, các con cũng cứ ngóng và hóng rằng tên chúng ta có trong cái danh sách di chúc của cha mẹ, ông bà, để thừa hưởng cái gia tài nhỏ ít, lớn nhiều không biết nhưng ít nhất được thừa hưởng. Nếu chúng ta được thừa hưởng gia tài trong di chúc của ông bà, cha mẹ để lại, đó là diễm phúc của đời người. Từ ngàn xưa cho tới ngày nay, các bậc Thánh, Tăng, các chư Tổ, chư Thầy, các bậc xuất gia, và các bậc cư sĩ tại gia thanh tịnh đều cúi rạp mình xuống kính cẩn, tôn thờ cái di chúc mật truyền cuối cùng của Phật trong hơi thở Chánh niệm của Ngài. Kinh Đại Bát Niết bàn và Kinh Di Giáo nói thật rõ Phật dạy: “Các con hãy lấy giới luật làm thầy”. Trong thời gian qua, chúng ta tu “Văn, Tư, Tu; Giới, Định, Tuệ; Tín, Nguyện, Hạnh”, những từ ngữ thật hay, nhưng tóm lại cho thật gọn là phải giữ giới và thực hành các điều ta học, mới đưa đến sự thành công.
Mật Thiền sẽ đưa chúng ta thật gần gũi với Phật, đồng hành với Phật, bước vào con đường giải thoát. Nhưng nếu các bạn không giữ giới thì Mật Thiền cũng chỉ là một món trang trí trong cuộc đời khi chúng ta bàn luận về đời sống tâm linh mà thôi, không có tác dụng. Phật không bắt buộc chúng ta giữ giới, nhưng nếu chúng ta giữ giới của Phật thì tu mới có thể giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nếu chúng ta giữ giới của Phật dạy, chúng ta mới có thể đoạn diệt được khổ đau và phiền não. Bởi giới của Phật không thuộc về Phật giáo. Nó trở thành quy luật, giáo luật, giới luật của Phật giáo là bởi hình thành tôn giáo mà thôi. Còn năm giới Đức Phật dạy là năm điều bất cứ một chúng sanh nào, trực hệ bất cứ một tôn giáo niềm tin nào, nếu phạm vào đều tạo ra những ác nghiệp, những cái năng lượng tiêu cực gây ra đau khổ, phiền não, bệnh hoạn, chết chóc và luân hồi sanh tử. Tôn giáo nào cũng vậy, pháp môn nào cũng thế, bạn không giữ giới là bạn đang thủ ác gây nghiệp. Bạn sát sanh, bạn trộm cắp, bạn tà dâm, bạn nói dối, bạn chuốc vào người những chất độc hại say mê, bạn tạo nghiệp… Bạn đang hại cuộc đời của chính bạn. Bạn đang tự đào hố để chôn thân, đào mồ để lấy xương làm trang sức, rất khổ các bạn ạ.
Hãy lấy giới làm thầy và phải biết tôn kính giới. Người biết giữ giới, tâm thanh tịnh, có đời sống hòa hợp, được muôn người kính trọng. Không những vậy mà người giữ giới tâm thanh tịnh ấy biến thành những loài hương thơm ngát có thể cúng dường lên mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền. Người giữ giới với sự thanh tịnh như vậy luôn được cảm ứng cận kề với Phật, Bồ Tát, Thánh hiền, chư vị Hộ Pháp, Long Thiên, thanh tịnh lắm. Và luôn luôn được mọi người gần gũi thương yêu, đi tới đâu cũng củng cố được niềm tin và mang sự an lạc tới cho mọi người. Người biết giữ giới và hành trì Mật Thiền song tu, quán chiếu trong Chánh niệm hơi thở, thể nhập vào cái lòng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, người ấy toàn thân phát ra hào quang cho Long Thần, Hộ Pháp Chư Thiên, Ma Vương đều nhìn thấy ánh sáng đó, các vị đã khai mở Tuệ, và thiên nhãn đều nhìn thấy ánh sáng đấy. Đây là điều đúng. Mà các bạn giữ giới chưa nghiêm chưa đúng, các bạn thường được Chư Thiên hộ mệnh cận kề, bảo vệ.
Giới rất quan trọng! Rất may mắn hôm nay các bạn gửi về chủ đề này để nhắc nhở cho mọi người và cho chính Bảo Thành nhớ rằng: Trong Kinh Di Giáo, Kinh Niết bàn, lời phó chúc tuyệt vời, cái di chúc đặc biệt để trao tặng cho Bảo Thành và các bạn cái gia tài vô giá đó là hết khổ, hết phiền não, bệnh tật, thoát luân hồi sanh tử qua năm giới mà chúng ta giữ Phật đã truyền. Các bạn phải giữ giới trên con đường Mật Thiền mới có thể tạo được nhiều nhân duyên thể nhập vào mật ngôn để cảm ứng với hoá thân Chư Phật, để đón nhận được hóa thân Chư Phật tới với cuộc đời và làm cho chúng ta nhận ra sự linh diệu siêu thế của Pháp Phật nhiệm màu qua giữ giới.
Đừng sát sanh dưới mọi hình thức, bằng hành động, bằng ngôn ngữ, bằng suy nghĩ, bằng ánh mắt. Bạn có biết không? Con mắt của chúng ta cũng có thể sát sanh đấy. Người ta nói cái ánh mắt sắc như dao, nhìn một cái thốn tim nhiều người, để về nhà họ đau khổ suốt đời, ngàn năm tăm tối uất hận lên trời cao. Lời nói cũng giết người đó. Một lời nói thôi giết hằng hà sa số. Bởi vì có những cái câu, một câu nói đơn giản mang lại hòa bình cho thế giới, một lời thách thức kiêu ngạo gây ra chiến tranh và chết chóc, hàng vạn những sinh linh phải chết, phải đau khổ. Hành động có thể giết và sát sanh ít. Lời nói, ánh mắt, và tư tưởng giết nhiều hơn bởi đó là những loại vũ khí tàn khốc, tinh hoa của cái tâm sân và tham, si nó tạo thành, nguy hại vô cùng.
Cho nên chúng ta nhớ phải giữ giới năm giới:
Sát sanh
Trộm cắp
Tà dâm
Nói dối
Uống và sử dụng các chất say và độc hại.
Rất nguy hiểm! Đây là chân lý Phật nói rõ rõ ràng ràng. Không giữ giới là tạo nghiệp, hại mình thôi, Phật không ép. Phật không nói rằng không giữ giới sẽ bị Phật trừng phạt và giữ giới sẽ được Phật ban bố cái điều gì. Đây là quy luật của tất cả mọi loài sinh linh, phạm vào là tự tạo cho sự khổ đau của chính mình. Còn không tạo ra sự khổ đau thì phải giữ giới. Cho nên giữ giới được sẽ không tạo ra khổ đau. Chẳng phải Phật ban hạnh phúc hoặc Phật trừng phạt, mà đây là quy luật đối với tất cả mọi người. Ngay khi chưa giác ngộ, Phật cũng phải bị rằng buộc bởi cái quy luật thiện – ác. Nếu Ngài không giữ giới thì Ngài không thể thành tựu. Sự thành tựu của Ngài thoát khỏi luân hồi sanh tử, đau khổ và phiền não chính là bởi vì Ngài biết giữ giới. Chúng ta hãy học theo gương của Ngài để cuộc sống này mỗi người chúng ta thêm hạnh phúc, thêm bình an, thêm mạnh khỏe, bớt đi phiền não, đau khổ và bệnh tật. Cần lắm! Ý thức được điều này, nếu vẫn còn có cơ hội nhận diện và hiểu thấu, mỗi người chúng ta phải thực sự làm chủ mọi hành vi tạo tác, mọi lời nói và suy nghĩ và giữ năm giới để cho từ thân, ngữ, ý này chúng ta luôn tạo ra thiện nghiệp.
Bạn đồng tu với Bảo Thành trong Mật Thiền song tu thể nhập vào tự tánh Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, lãnh nhận Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn, bạn phải biết giữ giới. Nếu bạn không giữ giới, chẳng khác gì như “dã tràng xe cát biển Đông”, như người lấy vỏ sò, vỏ ốc, mà đòi tát cạn biển khi múc nước đổ vào cái thùng không có đáy. Rồi đâu lại vào đó, nghiệp ác vẫn tràn đầy, thủ ác vẫn liên miên thì làm sao thoát khổ.
Các bạn hãy cố gắng cùng với Bảo Thành đồng tu mỗi ngày, cùng nhau nhắc nhở miên mật hành trì. Nhất định năm cái giới kia là năm cầu thang để chúng ta bước lên đỉnh cao của Niết bàn an vui, là năm cái hàng rào bao bọc che chắn mọi phiền não đau khổ không thể tới, là năm vị Hộ Pháp Chư Tôn cận kề hộ mạng, là năm quý nhân luôn tặng cho chúng ta những điều tuyệt vời, là di chúc cao cả nhất Phật để lại cho chúng ta trong những giây phút cuối của cuộc đời của Ngài mà Kinh Di Giáo, Kinh Niết bàn đã nói thật rõ.
Các bạn chúng ta trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Di chúc mà Ngài phó chúc cho chúng con một cái gia tài vô giá để luôn sống hạnh phúc an vui, thoát khỏi sanh tử luân hồi, đó chính là “năm giới” của hàng Phật tử tại gia chúng con. Nguyện một lòng thành kính, lấy năm giới luật làm thầy để thực hành trên con đường tu. Xin Chư Phật gia trì.
Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới và cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.