Search

Bài 3008. Làm Phước Trước Làm Giàu | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta với một lòng thành kính hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Đệ tử chúng con một lòng thành kính nguyện xin chư Phật trao truyền lễ quán đảnh Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn để chúng con khởi nguồn yêu thương, thắp sáng đuốc Tuệ, nhìn rõ Vô thường sanh diệt, Khổ, Vô ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới nhận biết chiến tranh mang lại sự đau khổ cho nhân loại để họ biết ngồi xuống nói chuyện và bàn thảo, thành lập nên nền hòa bình cho thế giới. Xin chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta nhớ lời Đức Phật dạy, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp để giải thoát và lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan toả tình yêu thương. Mật Thiền song tu gắn kết chúng ta với chư Phật để đón nhận năng lượng tình thương để khai mở Trí Tuệ và thể nhập vào tâm Tỉnh Giác. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn đồng tu. Các bạn thân mến, chủ đề ở trên màn ảnh sẽ nhắc nhở chúng ta thật nhiều về cuộc sống. Chủ đề các bạn gửi về “Làm Phước Trước Làm Giàu”. Là con người, tự nhiên thôi, hai chữ “làm giàu” luôn thôi thúc khi chúng ta đủ nhận thức. Xưa cho tới nay, ai trong chúng ta cũng mang ở trong lòng tâm ý làm giàu. Để làm giàu, chúng ta đã miệt mài đeo đuổi học hỏi, thu lượm kiến thức ở đời để ứng dụng vào làm giàu. Những người làm giàu đều phải có một cái vốn kiến thức nhất định, điều này là tự nhiên. Chúng ta làm giàu để làm gì? Mỗi người đều có những cái ước mơ được thêu dệt. “Tôi sẽ học thật nhiều, thật giỏi làm ăn buôn bán. Với cái vốn kiến thức như vậy tôi sẽ giàu. Và khi tôi giàu tôi sẽ làm những thứ như sau…”. Các bạn liệt kê thử, nếu như bạn giàu bạn sẽ làm gì? Chúng ta đã viết xuống ở trong tâm hoặc bằng những cái quyển sổ để ghi nhớ những điều mơ ước khi đã giàu. Rồi từ đó nhìn vào những điều mơ ước mà thêu dệt mà lăn xả vào sự lao nhọc của cuộc đời, chẳng còn nghĩ gì nữa, miễn là ta sẽ giàu, rồi làm được những điều yêu thích.

Các bạn, trong kinh Đức Phật dạy như vầy, những người giàu có, những người đã làm giàu, có được nhà cao, có được xe, có được tất cả các thể loại vật chất ở trong đời như vàng bạc, châu báu, ngọc ngà, kim cương, hột xoàn, nhà cao cửa rộng, phú quý phú quý… đi đâu cũng có người đưa kẻ rước, vào bếp đồ ăn đã sẵn, đi ngủ cũng được người nâng khăn sửa túi, đầy đủ như những vị công hầu bá tước, quan quyền vua chúa, đầy đủ hết… Tất cả những thứ đó ở trên đời này không mang theo được và dễ bị mất đi bởi người khác tước đoạt. Các bạn có thấy không, những câu chuyện thật đau lòng, có những người nhà giàu xây biệt thự, biệt phủ, tường rào xây cao kín cửa, chó bẹc-giê canh giữ từ những cái lâu đài hoặc là những biệt phủ dát vàng nhưng sợ mất của. Họ giàu, tường cao kín cổng, xa xa nhìn âm u như là âm phủ chứ còn đâu là biệt phủ, như là âm phủ chứ còn đâu là lâu đài? Bạn hãy thử tìm một cái nhà của những người đại gia giàu có khoe mẽ, bạn tới gần sao được? Chó dữ, nhân viên canh cổng, bảo vệ, rồi camera quay tối ngày, không vô được các bạn, nhìn như âm phủ ấy. Vậy mà cứ gọi là lâu đài biệt phủ, dát vàng cho dữ nhưng ai vô nhìn sờ được đâu, chỉ có ma mới vô được bởi vì các loài chó dữ và bảo vệ không nhìn thấy ma khi vô nhà cho nên biệt phủ được biến thành âm phủ lạnh lẽo.

Rồi các bạn thấy đi chuyện gì xảy ra? Đó chính là cái sự giàu có tột độ, đó là những miếng mồi hấp dẫn để lôi kéo những người tâm loạn, đào tường khoét hốc chui vào để kiếm tiền kiếm vàng, để ăn cướp và cuối cùng là có thể giết chết toàn gia đình. Chuyện này đã xảy ra, các bạn đã từng nghe qua, nhiều nhà giàu sáng dậy thấy có trộm cướp đi vào giết hết lấy đồ, dù đã có vệ sĩ, dù đã có chó săn, dù đã có hàng rào, có máy quay phim nhưng cái giàu đó cũng bị người ta cướp đi. Mà nếu như canh cho kỹ, nhiều người giàu có dữ lắm, cả cuộc đời chẳng bị cướp, chẳng bị ai lấy được thì cuối đời cũng bị tử thần cướp đi lấy mất. Họ có mang theo được gì đâu. Trong bài hát “Cát Bụi”, chúng ta vẫn thường nghe nào nhà lớn, nào nhà cao có nghĩa gì đâu? Đặc biệt trong cái tháng này, mùa này là mùa lễ lớn của các tôn giáo bạn, mùa nói về sự hy sinh của đấng tối cao vác thập tự hy sinh cho con người, nhắc nhở chúng ta về sự thương khó đó là người ơi, người ơi hãy nhớ mình là bụi tro. Tôn giáo nào cũng nhắc nhở chúng ta phải nhớ rằng ta chỉ là cát bụi mà thôi.

Vậy nếu như làm giàu để có được vật chất như vậy gọi là để có giàu về vật chất, vật chất đó dễ bị hư mất, vật chất đó dễ bị cướp đi, lấy đi và chúng ta chẳng thể mang theo được. Và có một thứ nữa cũng có mà không mang theo được, chẳng ai cướp, chẳng ai lấy nhưng chẳng mang theo được đó là sự giàu có về kiến thức, sự phủ phê về cái độ giàu của những cảm xúc khi thoả mãn thú vui của tinh thần, chẳng mang theo được các bạn, chết chẳng mang theo được. Kinh Đức Phật nói thật rõ như thế và Đức Phật cũng nhắn nhủ cho chúng ta có một thứ chẳng ai có thể cướp đi, chẳng ai có thể lấy đi, thần chết cũng phải bó tay không chạm vào được và chúng ta có thể mang theo từ đời này qua đời kia, đó chính là Phước báu! Rõ hơn chính là Nghiệp. Mà ý thức được tạo Phước để luôn có Thiện Nghiệp mà mang theo, chẳng ai đánh cướp được các bạn, chẳng ai lấy đi được. Nó không hư mất và chúng ta mang theo được. Từ đó mà trong kinh A Hàm Đức Phật nhắn nhủ cho chúng ta, chỉ có Phước mới có thể chuyển hoá được Nghiệp báo nhiều đời của chúng ta. Phước báu có được dựa trên nền tảng của pháp thiện lành, và thật rõ trong các pháp thiện mà Phật tử tại gia chúng ta ai ai cũng có thể làm được đó là từ thiện, là bố thí, đó là phóng sanh, đó là giúp đời san sẻ. Điều này thật rõ. San sẻ về vật chất, tinh thần, về trí tuệ, về kiến thức. Bố thí, san sẻ, phóng sanh, đó là những pháp thiện cụ thể ta làm được. Cái Phước đó đời đời, đời đời không bao giờ mất.

Thông thường, mỗi người chúng ta học đạo ai cũng dồn vào tu cái Trí Tuệ, và nghĩ rằng tu là sửa tội lỗi của mình và để cho Trí Tuệ bừng sáng là đủ rồi, nhưng điều đó không đúng. Lại có những người nói tu làm Phước, làm thiện là đủ rồi, không tu trí. Các bạn nhớ, trong pháp tu Đức Phật dạy gọi là Phước – Trí song tu, một cách gọi khác là Phước – Huệ song tu, tu cả Phước và Trí Tuệ. Thật ra người có Trí Tuệ phải biết tu Phước qua các hành động pháp thiện cụ thể từ tư tưởng, lời nói và sự tương tác hành động mỗi ngày như từ thiện, bố thí, cúng dường, phóng sanh, thật rõ. Các bạn có nhớ không? Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài có cái danh được trì tụng rằng là bậc Lưỡng Túc Tôn, tức là có cả hai mặt đầy đủ Phước và Trí. Lưỡng Túc Tôn là bậc thầy có đủ Phước và đủ Trí Tuệ, đầy đủ, dư dả Phước và Trí Tuệ. Nên ta thường tán tụng Ngài là bậc Lưỡng Túc Tôn, hàm ý Ngài tu Phước và tu Trí, cho nên khi giác ngộ, Ngài được ta ca tụng là bậc Lưỡng Túc Tôn. Đã gọi là tu, ta phải hiểu thấu để sự thành tựu tốt đẹp, còn nếu chúng ta chỉ lựa chọn trên cái khái niệm của cảm tính, của cảm xúc đôi khi thiếu mất một phần, sự thành tựu sẽ không hay.

Trong truyện cổ Phật giáo, vào đời Đức Phật Ca Diếp cổ có hai anh em tu, cũng có nhiều chuyện so đo suy nghĩ chọn lựa. Có người anh tu thông minh thì lựa tu Trí Tuệ, chuyên về thiền định, là mật thiền, là tịnh độ, là tụng kinh, là trì chú, là giữ giới, làm đủ thứ như vậy đó để có được trí tuệ. Người em thì lại chọn tu Phước, chẳng giữ giới, chẳng thiền định, chẳng trì tụng kinh nhưng luôn luôn làm việc thiện. Đây là câu chuyện cổ xưa của Phật giáo thời Đức Phật tại thế. Và cuối cùng hai vị đó tái sanh, thì vị có Trí Tuệ trở thành bậc A La Hán nhưng nghèo nàn đói khổ, còn vị kia thì hoá thân thành loài sung sướng nhưng không có đủ Trí Tuệ. Đó là những câu chuyện khuyến khích để sách tấn chúng ta trên con đường tu phải tu theo hạnh của bậc Lưỡng Túc Tôn, Phước – Trí song tu hay còn gọi là Phước – Huệ song tu. Nếu chúng ta làm giàu dựa trên kiến thức thì như lúc đầu Bảo Thành chia sẻ, tất cả sự giàu có đó chỉ là cát bụi của cuộc đời, chẳng mang theo được và dễ bị hư mất và cướp mất. Do vậy sự làm giàu của người Phật tử tại gia phải được xây dựng trên nền tảng của Phước báu bằng những công hạnh pháp thiện lành cụ thể trong cuộc đời.

Nói đúng hơn, trong Mật Thiền song tu, gọi là song tu đó chính là tu theo bậc Lưỡng Túc Tôn, tức là tu cả Phước và Huệ mà các bạn đã hai năm qua đồng hành với Bảo Thành tu. Tu Phước là quán chiếu tâm Từ Bi của mẹ hiền Quan Âm, là mắt thương nhìn cuộc đời, lấy vòng tay nhân ái san sẻ yêu thương. Chúng ta đã vận hành cả hai năm nay để khơi nguồn yêu thương, quán chiếu đến cái mật hạnh của ngài Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, để đôi mắt phàm phu của chúng ta bừng sáng bằng tình yêu thương thực sự, để vòng tay phàm phu của chúng ta rộng hơn, vươn dài hơn, biết ôm ấp che chở và san sẻ. Đây chính là tu Phước, bởi trong cái pháp quán Từ Bi đó mỗi người chúng ta luôn được nhắc nhở hành mười pháp thiện và luôn luôn làm việc thiện lành bố thí, từ thiện, phóng sanh, giữ giới. Vận hành từ những cái tư tưởng khởi lên trong tâm đến chuyển hoá qua ngôn từ sử dụng mỗi ngày và tác động vào cái hành động thật chân, thiện, mỹ và tạo được Phước. Chúng ta tu Phước từ trong gia đình, sự đối xử với ông bà cha mẹ, các đấng bậc sinh thành, các bậc thầy giáo dưỡng chúng ta, đến tôn kính, kính trọng bạn đời và thương yêu con cháu, bạn bè, gia quyến, thân quyến, gia tộc, nhân loại và chúng sanh. Từ Bi quán là tu Phước, song hành, chúng ta cũng tu Trí Tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để thấy rõ đời chỉ là cát bụi. Vì sao? Ta quán chiếu vạn pháp Vô thường sanh diệt. Và ta cũng tu, tu Phước bằng tâm Từ Bi trong cái sự quán chiếu Trí Tuệ tinh thần Vô ngã để khi làm phước, làm từ thiện, phóng sanh, bố thí, giữ giới, san sẻ tình yêu thương, chúng ta không kẹt vào cái tôi của mình nên phước báu thật nhiều. Đây gọi là Phước – Trí hay Phước – Huệ song tu, đúng như pháp của bậc Lưỡng Túc Tôn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni truyền dạy.

Mật Thiền song tu – Thất Bảo Huyền Môn giúp cho chúng ta xây dựng một nền tảng Trí Tuệ dựa trên những cái công hạnh thực tế bằng tu Phước. Và như vậy, chúng ta đã tu Phước hay nói đúng hơn là làm Phước, bởi trong nhóm đồng tu của chúng ta các bạn thường xuyên làm từ thiện, từ thiện từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, từ thiện và bố thí. Từ thiện là làm việc thiện bằng tâm Từ, đơn giản các bạn ha, không dịch phức tạp. Bằng cái tâm thiện, ta đối xử với nhau trong sự yêu thương kính trọng đối với đấng bậc sinh thành ông bà, đối với vợ chồng con cái, người thân và nhân loại, thể hiện qua sự tương tác hằng ngày, tôn kính, thông cảm, chia sẻ, hiểu biết. Đó là làm Phước, là từ thiện. Và chúng ta cũng tu làm Phước bằng cách thường xuyên san sẻ yêu thương với muôn người, với những mảnh đời bất hạnh. Các bạn đồng tu với Bảo Thành đã làm từ thiện nhiều năm qua, cúng dường, xây dựng chùa, đúc tượng, in ấn kinh, từ thiện san sẻ tịnh tài, tịnh vật, trí tuệ và sức lực, lời nói và hành động, ánh mắt và tình thương để san sẻ đến những mảnh đời bất hạnh một cách rất cụ thể nơi các trung tâm dưỡng lão, những người già neo đơn, những mảnh đời bất hạnh, những bé mồ côi, những người bệnh hoạn.

Đó chính là làm Phước trước làm giàu. Bởi vì người có Phước mặc sức mà ăn, giàu có vô tận, không bao giờ hư mất. Những người làm giàu mà quên làm Phước, dựa trên kiến thức của nhân loại để giàu thì cái giàu đó chẳng mang theo được, dễ bị cướp, dễ bị mất và chẳng có ý nghĩa gì, có chăng cũng chỉ là để khoe mẽ, để tạo danh, để cho có tiếng tăm. Chứ cuộc đời con người tóm gọn hình như ngày ba bữa ăn uống ngủ nghỉ, nào có hơn nhau ở chỗ đó, nhưng vẫn lao đầu vào làm giàu khoe mẽ, tranh chấp so đo. Khổ ơi là khổ! Chết có mang được đâu mà lại dễ để cho những người tạo tội như trộm cướp nó để ý, nó khoét tường đào vách, nó giết hại mình lấy đi. Mỗi một ngày các bạn đọc ở trên thông tin đại chúng, các bạn đều thấy những cái thông tin đây đó có người bị giết cướp của, có những nhà giàu bị trộm cướp chui vào lấy đồ, giết người. Trên thế giới nghe tin nào là những vị triệu/tỷ phú chết đi chui vào cái hòm nằm dưới lòng đất xương cốt trắng xoá, có mang gì theo được đâu.

Có một chuyện xảy ra ở New York chính nơi nước Mỹ Bảo Thành sinh sống, có một bà cụ giàu lắm nhưng chẳng có ai chăm sóc yêu thương. Bà ở trung tâm viện dưỡng lão, nhưng có chú mèo thường lui tới thăm, gần gũi dễ thương. Thế là toàn bộ gia tài 15 triệu đô của bà cụ khi mất đi di chúc đã để lại cho con mèo, cũng rất may con mèo có Phước báu tận hưởng được gia tài 15 triệu đô. Nhưng chúng ta cũng phải nói rằng ở trên đời có biết bao nhiêu triệu phú, tỷ phú chết đi chẳng kịp làm di chúc, tiền đó chẳng đến được tay ai, cuối cùng đóng thuế hoặc nhà nước thu hồi. Còn ở Việt Nam thì thôi, di chúc mà không có, tranh chấp đủ thứ, con cái đấu đá có thể gây ra sát hại lẫn nhau. Cả đời lần mò cho giàu, chết để lại cho mèo, được không sao, bởi mèo có Phước. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ hơn về cái pháp tu Phước của nhà Phật, sự ăn ở đời sử dụng cho cuộc sống có là bao. Nếu có đầy đủ Phước báu và kiến thức làm giàu thì nên dựa vào cái vấn đề tu Phước đồng hành với kiến thức để làm giàu, để khi có phước báu, có tài phú, có sự giàu có ta biết mang sự giàu có đó san sẻ, làm việc thiện, từ thiện yêu thương, chia sẻ với muôn mảnh đời bất hạnh để tạo thêm cái nhân của cái Phước mà có được Trí Tuệ trong công hạnh tu thiền, tu mật thiền, tu tịnh độ, đọc kinh, trì chú, giữ giới.

Chủ đề ngày hôm nay nhắc nhở cho chúng ta, tất cả mọi người phải nhớ, Phật không cấm chúng ta làm giàu. Một cái gương tuyệt vời của thời Đức Phật đó là ông Cấp Cô Độc. Cấp Cô Độc là tên của một bậc đại phú thời Đức Phật ở thành Vương Xá, Cấp Cô Độc là một vị tỷ phú nếu ở thời ngày nay, hay nói hơn chút nữa là đại gia bậc nhất thời đó. Ông ta giàu và càng giàu bởi vì sự giàu có của ông ta là đã học được nơi Đức Phật tu Phước song hành với sự làm giàu, tức là có Trí Tuệ nữa, Phước – Trí song tu. Sự giàu có dựa trên nền tảng của tu Phước và Trí Tuệ thì càng ngày càng phát triển và không bao giờ hư mất hay bị cướp đi. Vì của cải vật chất của ông ta không giữ ở trong kho mà mang biến thành biển Phước báu lênh láng tận trời mây là hiến cúng cho Phật, là hiến cúng cho những mảnh đời bất hạnh, xây đường, làm cầu, từ thiện, giúp đỡ những người nghèo đói. Ông ta xứng danh là một bậc đại gia đầy đủ Phước – Trí thời Đức Phật, ông Cấp Cô Độc. Người học Phật giáo không thể không biết về một vị cư sĩ được gọi là Cấp Cô Độc, tên Cấp Cô Độc. Và điều đó để ta thấy rằng Phật không cấm hàng Phật tử tại gia chúng ta làm giàu, nhưng Phật khuyến khích chúng ta nếu Phật tử tại gia làm giàu mà chỉ dựa trên nền tảng của kiến thức ở đời mà không tu Phước thì sự giàu có đó không đồng bộ đối với cái hạnh nguyện như con đường tu của ngài Cấp Cô Độc thì nhất định tịnh tài, nhà cửa và những cái kiến thức phàm phu kia cũng dễ bị cướp đi, lấy đi, mất đi và kết cục là chẳng mang đi được. Đừng để chết trên đống vàng, kim cương và hột xoàn. Đừng sống lao đầu làm giàu để khoe mẽ, có được gì đâu. Người ơi hãy nhớ mình là bụi tro, mình là cát bụi. Nhà lớn, nhà cao có nghĩa gì đâu. Thế mà chúng ta đã vội quên mất, những lời như vậy văng vẳng bên tai nhưng ta lại không bao giờ chịu hành theo.

Chủ đề hôm nay nhắc nhở, ngay cả trong kinh A Hàm và trong các thể loại kinh nói về Phước báu, Phật luôn nhắc nhở và sách tấn, khuyến khích chúng ta hãy làm Phước. Mà đúng, Phước báu và Trí Tuệ cần phải được song hành, thực tập rõ ràng trong cuộc đời của người Phật tử tại gia. Gọi là Phước – Trí song tu, Phước – Huệ song tu hay chuyển ngữ cho đúng với những điều mình đồng tu thì gọi là Mật Thiền song tu. Thiền là có Trí Tuệ, mật là mang Trí Tuệ cho nó trổ mầm yêu thương. Vậy nên cái mật ngôn đầu tiên bước vào con đường song tu của Mật Thiền là chuyên trú vào Từ Bi quán, tức là quán chiếu tâm Từ, hạnh nguyện của mẹ hiền Quan Âm để chúng ta làm một cuộc giải phẫu toàn diện. Đôi mắt phàm phu biến thành mắt thương nhìn cuộc đời, để chúng ta chặt gãy cái đôi tay của phàm phu vơ vét, ôm áp, sát hại lẫn nhau, gắn thành cái đôi bàn tay của mẹ Thiên Thủ Thiên Nhãn, đôi bàn tay biết bao dung, san sẻ và yêu thương.

Mu A Mu Sa là Từ Bi quán, quán chiếu tâm Từ Bi bằng các hành động cụ thể về tu Phước pháp thiện lành. Các bạn và Bảo Thành đã tu pháp này lâu rồi, chúng ta luôn luôn làm về từ thiện. Do đó mà khi nói đến Chùa Xá Lợi còn gọi là Hội Từ Thiện, tiếng Mỹ gọi là Xa Loi Charity hoặc các bạn đồng tu với Chùa Xá Lợi bên Mỹ là chúng ta biết ngay đến cái công hạnh từ thiện chung mà Bảo Thành luôn làm trong bao nhiêu năm qua và luôn luôn khuyến khích các bạn đồng tu hãy tu Phước bằng việc làm từ thiện. Từ thiện từ trong gia đình, thôn xóm, cộng đồng mình sống chung tới những nơi xa mà mình có nhân duyên biết được. Phải cụ thể các bạn, phải biết hiến tặng tịnh tài, tinh thần và vật chất dù rất nhỏ, rất ít. Không cần thiết phải quá lớn hoặc đợi đến khi giàu mới làm, mà hãy làm Phước trước làm giàu để sự giàu có của chúng ta bền vững bởi được đặt vào chính nơi cái kho Phước báu của pháp thiện. Trong đó có cái ánh sáng của Trí Tuệ, chẳng ai trộm cắp mang đi được. Và chúng ta đời đời kiếp kiếp cái Nghiệp thiện do Phước báu và cái Nghiệp thiện do Trí Tuệ tạo thành kia sẽ theo chúng ta mãi mãi muôn đời, không bao giờ hư mất.

Người Phật tử tại gia quy y theo bậc Lưỡng Túc Tôn tức là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, có nghĩa là bậc Phước – Huệ đầy đủ, Phước – Trí đầy đủ. Hai chữ “trí” và “huệ” tương đương cho nên có lúc ta gọi là Phước – Trí song tu hay Phước – Huệ song tu, và nhóm chúng ta gọi là Mật Thiền song tu, thì chỉ là ngôn ngữ nhưng bao hàm cái ý rằng chúng ta tu Phước bằng việc thiện lành, quán chiếu tâm Từ Bi và tu Trí Tuệ bằng cách quán chiếu vạn pháp Vô thường sanh diệt, Khổ, Vô ngã, Chánh niệm, Thiền định. Đây chính là Phước – Huệ hoặc Phước – Trí song tu hay còn gọi là Mật Thiền song tu. Đủ Phước và đủ Trí để hôm nay, để năm này chúng ta thể nhập vào tâm Tỉnh Giác. Để hôm nay, ngay bây giờ và mãi mãi về sau, chúng ta đón nhận lễ quán đảnh của Đức Lưỡng Túc Tôn Bổn Sư Thích Ca để có được Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn cho mình và cho người. Thật là tuyệt vời các bạn! Nếu các bạn suy nghĩ như vậy, các bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng. Bởi bây giờ, tại đây, hôm nay, trong kỷ nguyên mới này, chúng ta, các bạn đồng tu đã đủ Phước báu đón nhận hiểu biết và thực hành Mật Thiền song tu.

Trong Mật Thiền Song Tu ta làm Phước trước làm giàu, và các bạn nên nhớ sự giàu có của chúng ta về tịnh tài, về tài vật, về kiến thức dựa trên nền tảng của làm Phước sẽ không bao giờ hư mất, sẽ chẳng trở thành cát bụi. Mà sẽ trở thành năng lượng siêu thế của thiện nghiệp mà chúng ta đời đời kiếp kiếp vẫn mang theo được như một hành trang trên con đường chuyển hóa để thành tựu được Phật quả trong tương lai. “Làm Phước Trước Làm Giàu”, đó là chủ đề Bảo Thành chia sẻ hôm nay. Mời các bạn trở về với hơi thở Chánh niệm.

Thưa Phật, Ngài là bậc Lưỡng Túc Tôn, nay hội đủ nhân duyên, chúng con tu Mật Thiền song tu, tu phước, tu Phước, tu Trí Tuệ để thể nhập vào tự tánh Tỉnh Giác, đón nhận Đại Thủ Ấn Trí Tuệ Viên Mãn An Lạc. Xin gia trì cho chúng con thành tựu được pháp tu Phước – Trí, Phước – Huệ song tu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới. Xin chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn