Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin Chư Phật truyền trao lễ quán đảnh đại thủ ấn Trí Tuệ an lạc viên mãn cho tất cả mọi loài chúng sanh. Để chúng con đón nhận được năng lượng tình thương và thắp sáng trí tuệ, hầu quán chiếu thấy rõ vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ và vô ngã.
Chúng con xin Chư Phật từ bi tác đại chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy lấy trí tuệ như ánh đuốc soi dẫn cuộc đời để vượt qua tăm tối, lấy tình yêu thương che chở và san sẻ cho nhau. Hãy một lòng với tâm thành kính đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ an lạc viên mãn. Từng hơi thở trong chánh niệm, chúng ta gắn kết mật thiết với mười phương Chư Phật, Bồ Tát. Hãy hiệp tâm rải năng lượng siêu thế này tới các lãnh tựu các quốc gia, để họ chấm dứt chiến tranh, thành lập nền hòa bình cho thế giới. Cũng hồi hướng cho song thân phụ mẫu – đấng bậc sinh thành, cho gia đình, cộng đồng, xã hội và muôn người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa – Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang – Ma Sa Ốp Uê (07 biến)
Các bạn thân mến, trong Thiền Mật song tu hoặc có thể gọi ngược lại là Mật Thiền song tu, mỗi người chúng ta đều có nhân duyên đặc biệt để tiếp cận gần gũi mật thiết với Chư Phật, Chư Bồ Tát. Trong 03 mật chú mà chúng ta đã thực hiện tu tập liên tục trong hai năm qua, năm nay bắt đầu mật chú số 03 – Ma Sa Ốp Uê. Khi nói đến mật chú, ta đều hiểu được ý nghĩa chẳng phải những ngôn từ vô nghĩa.
- Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Trong sự quán tâm Từ Bi – Mu A Mu Sa mang ý nghĩa quan trọng bởi mỗi người chúng ta trong chánh niệm hơi thở đều thể nhập vào Bồ Tát hạnh của mẹ hiền Quan Âm – tâm đại Từ đại Bi. Từ Bi quán để đón nhận năng lượng thực tế, năng lượng siêu thế yêu thương của Chư Phật. Cho nên Mu A Mu Sa nghĩa là Từ Bi quán để đón nhận năng lượng tình thương từ Chư Phật để tu Bồ Tát hạnh.
- Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang nghĩa là Trí Tuệ quán để nhìn rõ các pháp, nhìn rõ chân thật pháp là vô thường, là khổ, là vô ngã. Nói đúng hơn Trí Tuệ quán là quán vô thường, khổ và vô ngã – Tam pháp ấn.
- Mật ngôn thứ 03 bắt đầu thực tập trong mấy ngày qua đó là Ma Sa Ốp Uê. Có nghĩa là quán tâm tỉnh giác để đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn (nói đúng hơn là quán tâm tỉnh giác để lãnh nhận lễ quán đảnh đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn).
Cho nên 03 câu: Mu A Mu Sa – Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang – Ma Sa Ốp Uê được chuyển ngữ và tiếng Việt thực dụng dễ hiểu là chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng Trí Tuệ để chúng con thấy rõ các pháp là vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã. Và một lòng thành kính đón nhận lễ quán đảnh đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn để thể nhập vào tâm tỉnh giác của Như Lai. Đó là ý nghĩa của 03 câu Mật ngôn trên.
Trong chánh niệm hơi thở, khởi đầu của một ngày đồng tu và kết thúc, ta trì 07 biến cho mỗi một Mật chú. Cộng cả 03 là hai mươi mốt hơi thở, hai mươi mốt biến, lúc đầu và lúc sau khi kết thúc. Trong khoảng chừng tổng cộng tám phút thể nhập vào chánh niệm hơi thở mật thiền như thế, chúng ta, thân xác này, cái tâm hiển lộ trong cuộc đời này đều thấm được tràn đầy, dư dả, dồi dào năng lượng mà ta cảm nhận được. Sự trải nghiệm đó sẽ làm phong phú đời sống tu thiền của chúng ta, để nhìn và thấu rõ những lời Đức Phật truyền dạy. Những ai thực tập thường xuyên sẽ có được sự an lạc, hạnh phúc và dễ buông bỏ những thói hư tật xấu, có được sự gia trì, sự hộ mạng, sự che chở đặc biệt của Chư Phật, Chư Bồ Tát. Và mỗi khi ta nghĩ và hồi hướng đến ai thì người đó đều đồng nhận được những điều như ta.
Chủ đề hôm nay nói “Nếu Có Kiếp Sau”. Dân gian, văn thơ, ca nhạc và đời sống sinh hoạt thường nhật, ai ai cũng thường hay nói nếu có kiếp sau. Khi người ta khổ đau, người ta chia tay mãi mãi không gặp, có thể là vĩnh biệt ngàn thu hay chia tay, giã biệt một cuộc tình; hoặc tình bạn, tình người. Thói quen trong ngôn ngữ, thói quen tuột ra khỏi cửa miệng chẳng suy nghĩ gì. Nếu có kiếp sau anh, em, bạn, tôi sẽ nguyện là cái gì đó. Ôi, nó đẹp! Làm cho người ta điêu đứng, nghiêng ngả của những giây phút chia tay để mà đôi khi người đã chết nghe tới sự hứa hẹn nếu có kiếp sau anh hoặc em nguyện sẽ như vầy như kia, thân xác đó cũng chẳng mục rửa, nằm dưới lòng đất khư khư ôm lấy lời hứa của kiếp sau. Hình như nếu có kiếp sau nó trở thành một thương hiệu để người ta cứ mượn nó để che giấu sự phản bội của nhau. Nếu có kiếp sau còn là một thương hiệu của những ca từ, dòng nhạc nhưng cuộc đời của các bạn và Bảo Thành có khi nào sử dụng chữ nếu có kiếp sau chưa? Và nếu có sử dụng rồi thì các bạn có khi nào chắc chắn rằng chúng ta có kiếp sau hay không? Chắc là không chắc chắn đâu. Bất cứ một thành ngữ, một câu nói, một cách nói nào bắt đầu bằng chữ nếu đều là không có thật, đều là không tin, đều là không bao giờ xảy ra. Chữ “nếu” thường gắn liền với những ý nghĩa là không bao giờ xảy ra, không thực tế. Nếu dịch trắng trợn ra, chữ “nếu” là gắn liền với cái tâm đang lừa dối chính bản thân. Mỗi khi bạn thất bại, bạn luôn nói nếu có cơ hội trở lại tôi nhất định không thất bại, nếu có cơ hội như vậy lần nữa tôi sẽ thành công hơn. Chữ “nếu” – nếu dịch cho đúng nghĩa mà ta thường ứng dụng có nghĩa là gian dối, đang nói dối bản thân của mình; hoặc đang nói dối người khác mà thôi. Điều đó thuộc về giới thứ tư – không nói dối. Ta mà thường sử dụng chữ “nếu” nhiều là ta đang phạm giới thứ tư, đang nói dối. Các bạn nghĩ xem đúng không? “Nếu” nhiều lắm, ta cứ lặp đi lặp lại chữ nếu hoài. “Nếu” là nói dối các bạn ơi! Nghiên cứu xem kiếp sau có hay không, dù các bạn và Bảo Thành không chắc chắn nhưng ta có nhân duyên học được Phật và đã quy y Phật là nhận Phật làm Thầy thì chắc chắn những điều bậc Thầy Bổn Sư Thích Ca trao truyền phải là lời chân thật, phải là lời có thật và phải là sự thật.
Vậy Đức Phật có nói về kiếp sau hay không? Trong các truyện cổ Phật giáo thường có những câu chuyện nói về kiếp trước của Đức Phật. Có những kiếp trước Ngài đã là cây hoa sứ mọc giữa đường, cũng có kiếp Ngài chỉ là con nai và có nhiều kiếp Ngài là người đi buôn bán, có nhiều kiếp Ngài chỉ là một bé trai đứng ở bên bờ đường. Cũng trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói về một kiếp mà Đức Phật là người đi chơi trên bờ biển thấy một cái đầu xương cá, đá vào đó vậy mà Ngài sau này bị trả quả phải nhức đầu. Đó là nói về kiếp trước, nhiều kiếp trước của Phật và ngay kiếp mà khi thành Phật rồi thì Ngài đã không bị chi phối bởi Nhân Quả, Ngài giác ngộ không còn lăn trôi để có kiếp sau nữa. Hết kiếp sau rồi, chỉ có kiếp hiện tiền là Phật rồi thành Phật để ứng hóa thân tùy nơi tùy lúc, tùy hạnh nguyện nơi mỗi một quốc độ để hoằng truyền giáo pháp giác ngộ cho mọi chúng sanh. Phật nói về kiếp trước của Ngài tức là có nhiều kiếp sau, sau khi kiếp trước cho tới khi thành Phật. Và cũng trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Thọ Ký, Đức Phật nói về ông Bồ Tát Di Lặc, kiếp sau sẽ là Phật của tương lai. Và Ngài cũng thọ ký cho thật nhiều các vị đại đệ tử thời đó là kiếp sau, vô lượng kiếp, năm trăm kiếp sau, bao nhiêu kiếp sau đó sẽ thành Phật, sẽ chứng đắc. Và một câu thọ ký cho tất cả mọi chúng sanh rằng: “ta là Phật, các con sẽ là Phật”. Chữ sẽ là Phật tức là thì tương lai – kiếp sau. Ta là Phật là thì hiện tại. Đức Phật nói ta là Phật, hiện tại Ngài đang là Phật và chúng sanh trong tương lai sẽ thành Phật, phẩm Thọ Ký nói rõ lắm.
Như vậy, quy y Phật, tin vào lời Phật, Phật nói có kiếp trước và có kiếp sau. Chắc chắn rồi, không còn phải nếu nữa mà phải khẳng định rằng có kiếp sau.
Ngày nay trong thời đại khoa học và thông tin toàn địa cầu được mở rộng nhanh chóng. Nhiều thông tin thật về sự tái sanh ở các báo phương Tây cũng như ở trong nước, có hiện tượng các bé trở lại. Mới sinh một thời gian nhớ về những kiếp trước, nói rành rành. Có những em còn có thể nói nhiều thể loại ngôn ngữ khác nhau. Các nhà khoa học khi nghiên cứu, tìm về những lời các bé hoặc những người đó nói, đều chứng minh được lời nói của các em là có trong lịch sử thời xưa. Trong Mật Tông Tây Tạng, các vị thường luôn luôn tái sanh nói về kiếp sau. Họ đã ứng dụng cách nói này vào khoảng đầu thế kỷ thứ VIII (thế kỷ thứ 8) cho tới thế kỷ thứ X (thế kỷ thứ 10) mãi cho tới ngày nay. Nhưng không phải khi Tây Tạng người ta nói về sự tái sanh mới có sự tái sanh, người ta chỉ bắt đầu ứng dụng và mang vào sự dạy dỗ, nhắc nhở nhưng nó cũng muộn. Bởi vào thế kỷ thứ V (thế kỷ thứ 5) trước công nguyên, chính Đức Phật đã nói về kiếp sau rồi. Và trước hằng vô lượng kiếp trước, mỗi người chúng ta cũng đã tuần tự tái sanh, không phải chỉ có những vị Rinpoche Lạt Ma Tây Tạng hoặc tu theo phái Mật Tông của Tây Tạng mới tái sanh, mà tất cả mọi chúng sanh đã từng tái sanh. Nhưng tái sanh về đâu? Khi dùng chữ tái sanh là ám chỉ cho sự thăng tiến lên tốt đẹp hơn. Còn nếu như chẳng thăng tốt đẹp mà thấp xuống trong đau khổ thì gọi là luân hồi, nhưng sự tái sanh và luân hồi cũng đồng nghĩa không khác. Chỉ khác ở chỗ tái sanh ám chỉ cho cảnh giới cao, thiện lành, tốt đẹp, có những hạnh nguyện được tự chủ tái sanh. Còn luân hồi là không thể tự chủ tái sanh mà bị nghiệp lực nó kéo đi tái sanh. Các bạn nhận rõ hai chữ này! Kiếp sau của mỗi người chúng ta, mỗi chúng sanh có hai dạng:
- Dạng tái sanh là đi theo nguyện lực của công hạnh tu tập, làm chủ được và đi tái sanh về cảnh giới thiện lành để tiếp tục học đạo, tu tập.
- Còn luân hồi là không làm chủ được mà bị nghiệp lực kéo đi tái sanh.
Ta không đi sâu vào ý nghĩa của luân hồi hay tái sanh mà chỉ khẳng định rằng kiếp sau là có. Kiếp trước là nền móng cho kiếp này, kiếp hiện tại là nền tảng cho kiếp sau.
Trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật không nói đến chữ kiếp sau. Bát Chánh Đạo nghĩa là tám con đường tu tập đi đến sự giải thoát rốt ráo chứng đắc. Có một phương pháp tu tập đó chính là chánh niệm. Khi nói đến chánh niệm là hiện tại, nơi đây. Cho nên ta không cần phải nói nếu có kiếp sau để làm gì mà phải khẳng định ta đang có kiếp này, tại đây. Kiếp này ta đang làm người, có phước báu, có vốn để bắt đầu tăng trưởng rồi. Vốn đó là thân người quý hiếm, phương tiện vi diệu ta đang có. Người tu học Phật, đặc biệt đối với Mật Thiền song tu, kiếp hiện tại rất quan trọng. Kiếp hiện tại được đặt trên nền tảng của chánh niệm trong từng hơi thở, trong từng sát na, trong từng giây. Không phải một ngày, một năm, một trăm năm mà chỉ một hơi thở ta an trú ngay trong kiếp hiện tại của giây phút chánh niệm đó là ta có thể làm chủ được cuộc đời của ta. Tâm được tu luyện để làm chủ cái tâm. Khi tâm được làm chủ, ta sẽ làm chủ được sự tái sanh, có nghĩa không bị ác nghiệp kéo đi luân hồi mà có dư giả thiện nghiệp để làm chủ sự tái sanh của mình về những cảnh giới thiện lành cho tới khi rốt ráo giác ngộ thành Bồ Tát, thành Phật của tương lai.
Chúng ta đừng tự lừa gạt, giả dối bản thân bằng chữ “nếu có kiếp sau”. Đó chỉ là thể loại văn chương rẻ mạc, lừa gạt bản thân hoặc đánh lừa những người chết. Thường chúng ta khi chia tay vĩnh biệt một người yêu, một người thương mến, ta thường thì thầm ở trong đầu; hay nói to; hoặc gào lên cho lớn để mọi người đều biết nếu có kiếp sau con sẽ là con của mẹ, con sẽ là cái này là cái kia. Đó là hợp đồng giả dối, ghi trên những đồng tiền vàng mã, không hay đâu, ta không cần phải nói như vậy. Người ta mất hoặc đã mất hãy chúc phúc, hồi hướng sự thanh tịnh cho họ, để họ có thể sanh về cảnh giới thiện lành với phước báu hồi hướng chứ đừng kèm thêm chữ nếu như một lời giả dối đính kèm kim cương, hột xoàn, bằng những thứ vụn vặt, rác rưởi của bản thân. Ta phải định có kiếp sau bởi ta là đệ tử của Phật, Phật dạy như thế, ta hiểu như thế và phải tin tuyệt đối như vậy. Để làm gì? Để trong Mật Thiền song tu ta phải chánh niệm trong từng giây phút, để mỗi một giây, mỗi một sát na ta đang sống bằng hơi thở vào ra, kiến lập được những giá trị đỉnh cao của phước báu và công đức tương ưng với hơi thở chánh niệm. Mới có giá trị và kiếp sau chúng ta sẽ không hối hận về kiếp hiện tại như thế nào.
Trong cuộc sống hàng ngày, nó còn mang ý nghĩa cao cả hơn, bởi đạo và đời luôn song hành, chẳng có tách rời. Nếu người biết khẳng định có kiếp sau, sống trong chánh niệm là người luôn luôn có trách nhiệm với bản thân, gia đình, vợ chồng, cha mẹ, ông bà, xã hội, với thế giới này. Người đó luôn luôn biết phải làm gì để mang lại sự lợi lạc về đời sống tinh thần, đời sống vật chất và đời sống tâm linh cho tất cả. Người có trách nhiệm như thế là người có trí tuệ, là người có tâm từ bi, là người xứng đáng đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ, lễ quán đảnh an lạc, viên mãn. Mật Thiền song tu, chúng ta đang thể nhập vào Mật ngôn số 03, thọ lễ quán đảnh đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn. Bằng cách quán chiếu Trí Tuệ, nhìn rõ các pháp là vô thường, khổ, vô ngã bằng cách đón nhận và khơi nguồn từ bi yêu thương đến muôn loài. Bằng cách quán chiếu như vậy, mỗi ngày ta đồng tu là ta đang gội rửa tất cả rác rưởi, uế trược trong tâm mà nhiều đời đã kết lại bởi những tập khí ác. Và dần dần lìa xa vô minh để tiếp cận với mặt trời Trí Tuệ của các bậc giác ngộ.
Ngày nay, mỗi một người chúng ta luôn luôn phải quán chiếu, phải tu tập. Bởi càng phát triển ta càng nhận ra đời sống con người mong manh dễ vỡ. Biết bao nhiêu những cuộc chiến đang xảy ra, người với người hận thù ngút trời, mắt đã mờ bởi lửa sân giận, tim đã đầy những uế trược của tham, si. Tình thương chẳng còn, cái nhìn chân chánh về tình người đã mất hết. Người ta sẵn sàng làm giàu trên xác chết của những người yêu thương. Chúng ta cần phải luôn luôn thể nhập vào Mật ngôn số 03 – Ma Sa Ốp Uê. Thể nhập vào tâm tỉnh giác. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác, chúng ta phải luôn luôn sống một đời sống tỉnh thức để thấy rõ được cái ác và cái thiện. Ta đang là kiếp người vô minh, lặn ngụp trong vọng thức, trong mê thức, nghĩa là ta đang bị mê. Mật ngôn số 03 – Ma Sa Ốp Uê, chánh niệm hơi thở giúp cho ta tự đánh thức bản thân để không còn đắm chìm trong mê vọng. Phật dạy hãy tự đứng dậy thắp đuốc mà đi. Ma Sa Ốp Uê là tự thắp đuốc tuệ mà đi như ánh sáng được mồi vào ngọn đuốc tuệ của chúng ta tới từ Chư Phật và Bồ Tát. Như ngọn lửa cây đèn cầy của ta được mồi bởi ngọn lửa của đấng giác ngộ. Làm được điều đó, chiến tranh tức khắc nơi tự thân của mỗi người sẽ hết, nền hòa bình sẽ tái lập ngay trong trái tim của mỗi một con người.
Ngày nay, ngoài chiến tranh còn có tranh giành, còn có thủ đoạn, hận thù, hơn thua, tranh chấp. Ở trong đời, ở trong đạo, mọi nơi, mọi chỗ đều thấy sặc mùi tranh chấp, hơn thua, đấu đá, dèm pha, sát hại nhau. Dù không thiếu các tôn giáo, tông phái, Pháp môn; dù chúng ta không thiếu kiến thức của các tôn giáo, các pháp môn ta đang học nhưng chẳng bao giờ thực hành cho rõ. Bởi không tin có kiếp sau, người không tin có kiếp sau sẽ không tin vào nhân quả. Người không tin vào nhân quả không có việc ác gì họ không làm. Và người làm những việc ác như vậy là người không chân thật. Chúng ta tin có kiếp sau bởi là Phật tử, Phật đã dạy có kiếp sau. Và Ngài đã thọ ký cho mỗi người chúng ta là kiếp sau, kiếp tương lai sẽ thành Phật, chứ Ngài đâu nói kiếp sau ta thành ma, thành quỷ, thành địa ngục. Phật không bao giờ hù dọa để nói rằng chúng ta sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi gì đó đau khổ đâu. Mà trong sự thọ ký của Ngài, Ngài nói rõ kiếp sau của tất cả các bạn và Bảo Thành sẽ thành Phật. Phật sánh tấn như thế, ta tin Phật, ta tin có kiếp sau nghĩa là ta tin vào Nhân Quả thiện ác và ta biết sợ những ác nghiệp ta tạo ra.
Mật Thiền song tu, Mật ngôn số 03 – Ma Sa Ốp Uê, thể nhập trong sự tu tập của chánh niệm, ta thành kính đón nhận lễ quán đảnh đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn. Ta tự thọ lễ quán đảnh từ Chư Phật và ta được thọ đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn qua công hạnh chánh niệm thực tu của chúng ta, nó rõ nét dần dần và ta sẽ có được cảm ứng đạo giao. Chứng được hóa thân của Đức Bổn Tôn Như Lai hiện hữu trong cuộc đời, qua tất cả mọi thân tướng ta có cơ hội gặp trong cuộc sống. Đúng và ứng với lời của Ngài Phổ Hiền – Nhất giả lễ kính Như Lai. “Nhất giả lễ kính Chư Phật, Nhị giả tán thán Như Lai”, câu số 01 và câu số 02, đi đâu ta cũng thấy Như Lai và ta biết kính trọng Phật ở mọi nơi bởi hóa thân Phật hiện hữu trong mọi người. Phật và Như Lai luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê sẽ khai mở con mắt tuệ giác để ta thể nhập vào tâm tỉnh giác, đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn. Và có cơ hội nhận ra được Phật và Như Lai trong cuộc sống của ta, rất tuyệt vời! Cảm ứng đạo giao nan tư nghì, Mật Thiền là như vậy. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê cao siêu, siêu thế, khó nghĩ bàn. Nếu các bạn tu các bạn sẽ chứng được. Mong rằng mỗi người chúng ta đừng uổng phí thời gian, cứ tự lừa gạt giả dối mình bằng chữ “nếu”. Phải một lần ngồi tĩnh tọa và khẳng định rằng tôi có duyên học Phật, tôi tuyệt đối tin tưởng lời Đức Phật dạy là có kiếp sau. Và Đức Phật đã thọ ký cho tôi là sẽ thành Phật trong kiếp sau. Tin như vậy để củng cố niềm tin vào Tam Bảo, củng cố niềm tin sâu vào Nhân Quả thiện ác để biết sợ ác mà hành thiện. Phải sống chân thật! Chỉ có như thế đã đủ để ta xây dựng tòa sen thường lạc ở trong tâm, qua từng hơi thở chánh niệm vào ra của từng giây, từng sát na ta đang sống. Hãy xóa sổ chữ “nếu có kiếp sau”, đừng in vào trong tâm để lặp đi lặp lại những lời giả dối với bản thân; hoặc với những ai ta yêu quý. Hãy nói thẳng với chính mình khi nhìn vào gương là tôi có kiếp sau bởi Phật đã dạy. Và tôi tin sâu vào Nhân Quả thiện ác, tôi thật sợ những ác nghiệp, tôi cần phải sống chân thật, tôi miên mật tu tập quán chiếu, thể nhập vào tâm tỉnh giác, đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn. Để từng giây phút của kiếp này đây, tôi thực sự sống với kiếp này, với giây phút này, với chánh niệm của hơi thở và tôi đang có cơ hội tận hưởng phước báu đó.
Các bạn, chúng ta đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, cùng với Bảo Thành trở về với 03 Mật chú, đón nhận năng lượng tình thương, thắp sáng Trí Tuệ, thể nhập vào tâm tỉnh giác, đón nhận lễ quán đảnh đại thủ ấn Trí Tuệ, an lạc, viên mãn.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa – Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang – Ma Sa Ốp Uê (07 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Chúng con xin hồi hướng công đức, nếu như có tạo được chút nào trong sự đồng tu ngày hôm nay cho sự hòa bình của thế giới.
Chúng con xin Chư Phật chứng minh.