Search

Bài 2256. Tu Không Hành Tan Tành Đời Tu

Công Minh đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi.

Mời các bạn cùng với Bảo Thành quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chuẩn bị đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương, và soi sáng trí tuệ cho tất cả các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, để họ không còn sợ hãi và sáng suốt, để cùng ngồi lại với nhau thành lập nền hòa bình cho thế giới. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta cùng nhau thể nhập vào hơi thở của chánh niệm, gắn kết với mười phương Chư Phật, rải tâm từ bi tới muôn người. Trong từng hơi thở của Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương, với một lòng thành kính chúng ta hãy cùng nhau đón nhận

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta đi vào chủ đề “Tu Không Hành Tan Tành Đời Tu”. Các bạn biết không, mỗi một ngày các bạn trẻ gửi về cho Bảo Thành một chủ đề để chia sẻ, đây là một sự tu rất đặc biệt đối với Bảo Thành và các bạn. Bởi chúng ta không lập trình theo một giáo án nhưng tản mạn với những suy tư ở đời thường các bạn trẻ thường hay va chạm; hoặc những thổn thức mà chúng ta thấy ở trong đời. Cốt lõi của đạo Phật vẫn là sự tu hiện diện trong thực tại qua chánh niệm hơi thở, để thể nhập vào tánh thấy, làm chủ được tâm, sống an vui và hạnh phúc, đó là cốt lõi ai cũng dần dần phải được thành tựu. Tuy nhiên, trong cuộc sống của Phật tử tại gia, chúng ta còn có biết bao nhiêu chuyện phải lo âu, phải suy nghĩ và phải có trách nhiệm hàng ngày. Các bạn cứ nhìn thẳng vào đời sống của cha mẹ, chúng ta thấy các ngài đã hy sinh quá nhiều cho các con. Học theo gương của các ngài, khi các bạn lớn lên trưởng thành lập gia đình, cũng lại đi vào con đường hy sinh cả cuộc đời lo lắng cho các con của mình. Và trong đời sống gia đình của Phật tử tại gia, chúng ta nghe về giáo lý của nhà Phật đều là chân lý đưa đến sự giải thoát, và đều là những pháp phương tiện hướng dẫn để chúng ta tu. Nhưng hình như cuộc đời của người Phật tử tại gia và lời chân lý của Đức Phật cũng như các phương tiện nó sao sao ấy, nó không có hòa nhập vào. Và trên con đường tu khi gặp thấy những điều như vậy ta phải kiểm tra lại bằng Chánh Kiến, phải tư duy cho đúng để nhận ra gì sao sao không đúng ta sửa. Lời Phật là lời chân thật, là lời để cho chúng ta như cái gương soi vào để sửa những lầm lỗi, thì không thể vì tu Phật mà ta không thể hành được trong cuộc sống, phải chăng ta đã hiểu lầm về con đường của Đức Phật dạy? Những gì Đức Phật dạy còn lưu truyền lại trong thế gian qua kinh văn, qua kinh điển, qua lời hướng dẫn của các bậc tôn túc, các bậc thiện tri thức; hoặc ngay cả qua ông bà, cha mẹ, người thân, nếu ứng dụng cho đúng đều có kết quả mỹ mãn, mang lại hạnh phúc cho đời người. Dù các bạn là Phật tử tại gia hay xuất gia, thực hành đúng lời Phật đều có kết quả. Ngoại trừ chúng ta như chủ đề, chúng ta khoác áo nhà tu, mặc lên trên con người danh phận là Phật tử, đi theo Phật giáo có quy y rõ ràng, tới chùa tụng kinh dữ lắm. Ta tu đó nhưng ta lại không hành được lời Phật, nghĩa là không mang được những lời của chư Phật dạy ứng dụng vào trong cuộc đời, mà chúng ta tu chỉ tích lũy kinh điển kiến thức vào trong đầu, lẩm bẩm làu làu không sót một chữ, nhưng từng chữ ấy chẳng nghiền ngẫm tư duy, mang vào thực hành trong cuộc sống. Chuyện này thường xảy ra với mọi người chúng ta.

Chúng ta có câu chuyện kể để bổ túc cho chủ đề “Tu Không Hành Tan Tành Đời Tu”, mà đúng đấy ở trên đời không hẳn chỉ có tu, bất cứ việc gì từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ nếu chúng ta học mà không thực hành thì không bao giờ thành tựu những điều học, uổng phí cả cuộc đời. Có những con người ngồi trên ghế nhà trường học hết năm này qua năm kia, học cả cuộc đời mà chẳng thể ứng dụng kiến thức đã học ở trong học đường vào cuộc sống. Học được kiến thức là điều đáng quý, mang kiến thức đó vào thực hành ứng dụng trong đời sống mới là điều trân quý, là điều tuyệt vời. Đừng học như một kho chứa, như một kho chứa Phật bảo ở bên trong, mọt và những con mối của thời gian sẽ làm cho tàn phai pháp bảo của Phật.

Câu chuyện kể thuở xưa thời Đức Phật Ca Diếp, có hai huynh đệ tới đảnh lễ Ngài và đi tu cùng với Ngài. Hai anh em họ mỗi người chọn một pháp môn phương tiện khác nhau để tu, người anh chọn pháp phương tiện là thiền và trì giới, người anh tu tập rất miên mật, hình như buông bỏ tất cả vạn sự trong sinh hoạt của nhà chùa, chỉ lo thiền định trong am thất và trì giới mỗi ngày. Còn người em chọn pháp môn phương tiện pháp thiện lành để hành, cho nên người em thường làm từ thiện, bố thí, phóng sanh, tiếp cận với Phật tử tứ chúng tại gia, sống an vui, sống hằng thuận với mọi người, mang tất cả sức lực bình sinh để giúp đỡ mọi người, khai thị cho mọi người và tinh tấn trong pháp thiện hàng ngày. Hai anh em tu như vậy cho tới ngày mãn đời, cả hai đều tái sanh. Người anh tu thiền và trì giới có đầy đủ phước báu tái sanh trở thành một vị Sa Môn, tức là một vị xuất gia đời sau chứng đắc. Tuy nhiên kiếp trước chỉ tu thiền và trì giới, chẳng khi nào tu thiện pháp từ thiện, bố thí giúp đời, cho nên kiếp sau tái sanh thành vị Sa Môn, được mọi người cung kính đảnh lễ nhưng chẳng mấy ai cúng dường vật thực để ăn uống. Nên vị Sa Môn này dù chứng đắc được mọi người kính trọng nhưng thiếu hụt về phần lương thực, khi đi thất thực chẳng mấy ai cúng dường. Ngược lại, người em kiếp sau thì tái sinh trở thành một con voi, con voi ấy được nhà vua cưng và chiều chuộng, tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, cho ăn uống dư dả, lại còn trang điểm những vòng hoa kiệu thật đẹp. Và được vua ngồi lên trên lưng dạo quanh cung đình và thăm viếng thần dân. Con voi lúc nào cũng được người ta kính trọng bởi vua ở trên, được ăn no đầy đủ, được tắm rửa, mọi người chăm sóc, được tràng hoa đeo cổ, thương mến.

Đây là câu chuyện thời Đức Phật Ca Diếp, kết thúc ở đó nhưng nói tới hai công hạnh hành, hành đạo đó các bạn. Hai vị này có tu nhưng cũng có hành đạo, một người hành thiền và trì giới nên tái sanh kiếp sau thành vị Sa Môn, một vị xuất gia được kính trọng, được yêu thương nhưng không đủ phước bởi ít có làm từ thiện kiếp trước, nên không được cúng dường về phần thực phẩm mỗi khi đi khất thực, nhưng có trí tuệ, có đầy đủ, có oai nghi. Còn người em tu từ thiện dù chưa đến chứng đắc giác ngộ, nhưng khi tái sanh cũng được đầy đủ sự sung sướng, trở thành con voi trắng mọi người yêu thương. Đó là công hành đó các bạn. Một người tu công đức là thiền và giới, một người tu phước báu, phước đức là hành thiện. Người tu phước hóa thành voi có đầy đủ phước báu, đó là một hình ảnh chứng thực trong vấn đề tu phước. Tu phước sẽ có phước, tu công đức là công phu tu tập tạo được đức hạnh qua thiền và trì giới thì có trí tuệ, oai nghi. Nhưng nếu chúng ta phối hợp vừa tu công đức và phước đức thì nhất định chúng ta sẽ thành tựu được thật nhiều những thành quả, không hẳn để đợi đến kiếp sau mà ngay trong kiếp này. Chỉ có điều chúng ta không phải là người huynh, người anh tu thiền giữ giới, ta cũng chẳng phải là người em tu pháp thiện bố thí. Ta tu, ta tu thành ông chủ, ta cũng tu tới cửa chùa, ta tu thành luật sư, thích các chức vị cao thôi, tại sao làm chủ? Bởi tới chùa tu nhưng làm chủ mọi người, làm chủ chùa luôn, làm chủ nhà bếp, làm chủ mọi sinh hoạt ở trong chùa, ràng buộc mọi người, khắt khe với mọi người, soi mói đủ thứ, lúc nào cũng tỏ ra rằng ta là người làm chủ ngôi chùa. Lại có người tu để làm luật sư, tới chùa cứ phán xét kẻ đúng người sai, lạ lẫm. Chẳng tu phước báu cũng chẳng tu công đức, lỡ chết đi rồi không biết sẽ về đâu. Chữ “không biết” là nhẹ, còn nói rõ ràng hơn chắc chắn chúng ta sẽ đọa vào Tam Đồ Khổ”.

Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta dễ bị lầm vào tu mà không hành nhưng chẳng biết. Nhất là Phật tử tại gia quá bận rộn bởi nghĩ sự hành đạo nó khó là phải xuống tóc, phải xuất gia, phải nhập thất, bởi chúng ta cứ nghĩ hành đạo khó quá, tu thì dễ còn hành khó. Nào chồng, nào vợ, nào con, muôn sự ở đời để dành cho ai đây, tôi còn phải làm nhiều thứ tôi hành sao được? Bởi mỗi người chúng ta đã bị người khác đánh tráo khái niệm về hành đạo, cứ nghĩ chữ hành đạo cao siêu như thế nào ấy, chỉ dành cho những bậc xuất gia mà thôi. Cho nên chữ tu được gắn vào đầu của những vị xuất gia, còn hàng Phật tử tại gia tu thì cảm thấy tù túng, khó chịu. Và rồi người ta đánh tráo khái niệm tu hành thành ngược lại hành người tu. Điều này có xảy ra thật nhiều. Chúng ta tới chùa không để tu hành học từ những bậc tôn túc, ta tới chùa để hành những người tu, điều này có xảy ra thật là nhiều nơi, đừng tới chùa tu để hành người tu mà tới chùa tu để được học hỏi, được trao truyền kiến thức để vận hành đúng trong cuộc sống dù là hàng Phật tử tại gia. Nếu bạn không thể tu, tu thiền, tu trì giới để thiết lập công đức cho riêng mình, thì ít nhất cũng tu các pháp thiện, tạo được phước báu. Chúng ta nhớ rằng khái niệm sinh thành con voi trắng thời xưa là rất cao quý, là thể hiện ở mức đẳng đẳng cao quý, đầy đủ mọi phước báu. Đó chỉ một cách nói, bất cứ ai tu thiện pháp đều sinh về cõi thiện lành, cõi trời, điều này đã được khẳng định. Cho nên, chúng ta người Phật tử tại gia đừng để cho người khác hoặc để cho chính mình thấy đời sống quá khó khăn, muôn sự rối rắm, đánh tráo khái niệm về sự hành đạo, rồi mặc định chỉ người xuất gia mới hành còn người tại gia không cần.

Cốt lõi lúc đầu Bảo Thành nói trong đạo Phật là tánh thấy và tánh biết, tánh thấy biết rõ, rõ được thực tại. Chúng ta không tu để bới cho tới đời sau để thành gì, chúng ta không tu để đào quá khứ để thay đổi. Các bạn nhớ, là Phật tử tại gia chúng ta không tu để bới, bới tới tương lai để thành tựu cho tương lai gì đó. Kệ! Ai muốn dán mát sao cũng được, chỉ là hảo huyền không thực tế. Chúng ta cũng chẳng tu để dùng cuốc xẻng đào bới vào quá khứ, để thay đổi quá khứ. Tu, hành ở đây chính là chánh niệm trong thực tại, chánh niệm trong thực tại để thấy được, thấy rõ được, thấy thông được những suy nghĩ, những ngôn từ, những hành động chúng ta đang vận hành trong từng giây phút. Khi thấy rồi, ta hòa nhập vào với chánh niệm để làm chủ tánh thấy đó cho mọi tương tác từ thân ngữ ý. Khi bạn giao tiếp nói chuyện với mọi người, bạn phải biết được ngôn ngữ của mình sử dụng là ngôn ngữ dễ thương, là ngôn ngữ ái ngữ; hoặc là thể loại ngôn ngữ thô ác, đâm thọc, thêu dệt, gian dối, gian trá. Thấy được như vậy nó rất hay các bạn! Khi bạn thấy được những cách ngôn ngữ bạn đang sử dụng trong thực tại, vốn ở trong tâm của chúng ta đã có Phật tánh, đây là thật sự. Bạn đang nói chuyện, chánh niệm hơi thở, bạn thấy được ngôn ngữ đó thì thể loại ngôn ngữ đó nếu là thô ác, là gian dối, là thêu dệt, là thêm bớt, thì Phật tánh của chúng ta sẽ bắt đầu vận hành và chúng ta làm chủ được ngôn ngữ đó dừng lại ngay. Còn nếu bạn thấy được những ngôn ngữ bạn sử dụng là ái ngữ, là ngôn ngữ dễ thương, là những thể loại ngôn ngữ bằng tâm yêu thương từ bi, thì Phật tánh sẽ tương tác vận hành để tăng trưởng. Đây là sự tự nhiên, chỉ cần nhận biết thực tại trong từng giây phút bạn đang sống, trong ứng xử bằng ngôn ngữ, bằng hành động và những tư tưởng nó khởi lên. Làm sao có thể có được tánh thấy biết này? Chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta. Làm sao ta có thể thể nhập vào tánh thấy biết này? Quán trí tuệ và từ bi. Từ Bi tức là tình thương, ncó mặt trong mọi góc độ của cuộc sống, ở trong gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, bao nhiêu con người tương tác hàng ngày, ngoài xã hội nữa, luôn luôn phải thể hiện bằng tình thương và luôn luôn có tình thương đối với nhau.

Từ Bi quán tức là thiền quán tình thương, giúp cho chúng ta tăng trưởng được tánh thấy biết. Và tánh thấy biết đó càng rõ hơn nữa khi có đèn, đèn Trí Tuệ soi sáng qua thiền trí tuệ. Và khi chánh niệm hơi thở sống ngay trong thực tại, bởi sự soi sáng của trí tuệ và sự lan tỏa của tâm từ bi yêu thương, đó chính là hành đạo. Chẳng phải là chui vào gốc cây như con ong vò vẽ để ngồi thiền, chẳng phải chui vào hang động ẩn thân không gặp ai, nhịn đói quanh năm để tu thành thây ma. Cũng chẳng phải ngồi ở trong chùa tụng kinh râm ran sáng tối, chuông mõ rình rang tối ngày, không! Phật tử tại gia chúng ta có phước duyên vừa tu phước vừa tu công đức. Thiền chẳng phải ngồi như một cục đá, như các tôn tượng. Mẹ Hiền Quan Thế Âm tu thiền trí tuệ và từ bi, thiên biến vạn biến, hóa thân khắp mọi nơi. Chúng ta chưa có hóa thân như Đức Bồ Tát Quán Thế Âm nhưng chúng ta hiện thân khắp mọi nơi trong cuộc đời. Từ nhà bếp, từ công xưởng xã hội, từ bàn ăn đến mọi nơi, các bạn thấy đi nơi nào mà không có mặt của các bạn? Cà phê, trà sữa, bờ đường, góc chợ, hội quán, chỗ nào cũng có. Quán Thế Âm thì hóa thân còn chúng ta thì hiện thân ở mọi nơi, chính những nơi ta đang hiện thân dù rất đời, nếu giữ được chánh niệm biến thành hóa thân của Mẹ Quan Âm. Còn nếu không chánh niệm thì chỉ là hiện thân tạo nghiệp ở mọi chỗ trong cuộc đời, khác ở chỗ chánh niệm mà thôi. Cho nên tu mà không giữ được chánh niệm, không mang trí tuệ và từ bi soi sáng cho mọi lời nói, hành xử và suy nghĩ của mình, thì tu đó là tu thâu gom, kiến văn chữ nghĩa của nhà Phật bỏ vào trong kho, mà các bạn biết người thâu gom nhiều đó gọi là tích trữ. Những người tích trữ như vậy thường làm khổ người khác và làm khổ bản thân, đừng tích trữ kinh điển mà không hành được một câu, một chữ, một từ ở trong kinh dạy.

Phật tử tại gia có phước báu vô cùng bởi ta có điều kiện, ta có điều kiện hiện diện trong mọi cảnh của cuộc sống. Chỉ cần chánh niệm hơi thở, chỉ cần nhìn thẳng vào thực tại qua chánh niệm, mang yêu thương đối xử với mọi người, mang Chánh Kiến, Trí Tuệ để nhìn rõ mọi tạo tác khi chúng ta đang đối xử, đó chính là tu hành. Ta có điều kiện va chạm nhiều lắm và trong mỗi sự va chạm như vậy như người xưa nói “ngọc bất trác bất thành ngọc”. Trong sự va chạm có chánh niệm, có tình thương, có chánh kiến thì mọi góc cạnh thô thiển của cuộc đời do ác nghiệp ta tạo ra sẽ được gọt giũa, mài giũa để trơn tru thật đẹp như viên ngọc quý.

Thiền trí tuệ tức là giữ được chánh kiến trong chánh niệm. Mật hạnh này thực hành trong mọi nơi, mọi chỗ của Phật tử tại gia. Chẳng phải ngồi, đi, đứng, nằm, ngồi, trong mọi tương tác đều có Chánh Kiến, bởi giữ được chánh niệm, người ấy có công đức như người sư huynh tu thiền và giữ giới. Bởi người giữ giới mới có trí tuệ, không ai không giữ giới mà có trí tuệ. Cho nên khi thiền trí tuệ là gắn kết mật thiết với năm giới của nhà Phật. Người Phật tử tại gia thấy rõ, khi chúng ta chánh niệm và tu pháp môn Từ Bi quán, tức là tu quán tình thương thì trong đó đều có Giới, Định và Huệ, đều có phước báu. Tu phước và tu công đức ở đó, đều có phước báu và công đức hết các bạn, đơn giản lắm. Những phần cao siêu để cho kiếp sau thành Phật, thành Bồ Tát, để cho những vị nào đó nghĩ tới như vậy, họ cứ bơi bơi vào tương lai để về cõi tịnh độ, tịnh thổ hoặc là cõi gì đó kệ họ. Còn những vị tu, tu mà cứ muốn biết quá khứ, nhìn thông đó để rồi tìm cuốc xẻng đào bới quá khứ của người khác; hoặc quá khứ của mình để thay đổi, kệ! Ta không màng, ta tu theo Phật, người Phật tử tại gia chỉ cần quán chiếu trong chánh niệm để thấy được thực tại của cuộc sống qua từng giây phút. Chỗ nào dơ bẩn ta mang nước từ bi, là tình thương đó các bạn, mang tình thương, bao dung, tha thứ gội rửa tẩy uế nó sạch ngay. Chúng ta có nhớ được những ai là mẹ và những bậc cha mẹ chưa? Lúc nào cũng lau nhà, lau giường, lau mọi chỗ trong căn nhà của mình cho sạch sẽ để cho con cái được sống khỏe. Người xưa nói là nhà sạch thì mát, chúng ta về nhà mát lắm, muốn ngã kềnh ra ở trên nền nhà bởi lúc nào cha mẹ cũng lau sạch. Chánh niệm hơi thở là mẹ của các pháp lau sạch thềm chân tâm, để từng cen-ti-mét của thềm chân tâm của ta được sạch sẽ, được mát mẻ, được tươi và bất cứ một cen-ti-mét nào trên thềm chân tâm của ta, ta cũng có thể ngã kềnh ở đó để nghỉ ngơi, chẳng bao giờ mệt.

Chánh niệm hơi thở mà quán chiếu trí tuệ nữa là mẹ của các pháp, để dẫn ta từ vô minh đến trí tuệ. Cội nguồn của đau khổ, của phiền não là vô minh tức là không thấy, nay quán chiếu trí tuệ ta sẽ thấy, thấy gì? Thấy được thực tại trong cuộc sống, thấy cái sai và cái đúng, thấy nhân và quả, thấy được thiện và ác. Đừng tô điểm cho tánh thấy huyền bí, thấy thực tại của nhân quả thiện ác ngay bây giờ, tại đây, chỗ này, chẳng tương lai, chẳng quá khứ, ngay đây, chỗ này. Qua chánh niệm hơi thở giữ chánh kiến, nhìn rõ thực tại nhưng luôn luôn mang tình thương quán chiếu. Sai đâu sửa đó, dựa theo năm giới mà sửa, đó gọi là thiền, đó gọi là giới. Đó gọi là pháp thiện luôn bởi ta đang làm pháp thiện cho chính ta, ta đang làm điều lành cho chính ta, ta đang bố thí cho chính ta. Nếu ta chưa thể bố thí cho ta, nếu ta chưa thể giữ giới cho ta, nếu ta chưa thể thiền thẩm nhập vào trí tuệ qua chánh niệm làm sao ta có thể san sẻ? Mà nếu có san sẻ mà không có tâm thiện lành, không có trí tuệ, không có tình thương, không có giữ giới thì sự san sẻ đó chẳng khác gì làm ô nhiễm người khác. Bởi người không có trí tuệ tức là vô minh, ta làm ô nhiễm, mang sự tăm tối, mê lầm nhiễm vào người khác, nếu người không có tình thương là người ác, ta lại làm ô nhiễm tâm của người khác thành ác.

Đạo Phật là phải thấy mới sửa được, không thấy không sửa được, thấy tốt để xiển dương, thấy sai để sửa đó gọi là hành đó các bạn. Hãy phá vỡ đi những định nghĩa về sự tu hành quá cao siêu, pháp hành quá cao siêu để thành tựu cái này cái kia. Người Phật tử tại gia không cần phải thành tựu những cái hão huyền mà người ta mặc định trong ngôn ngữ, mà Phật tử tại gia chỉ cần sống thật với tâm thiện lành vốn có bằng chánh kiến qua hơi thở chánh niệm. Ngay trong thực tại của cuộc sống là cha, là mẹ, là con cái, là ông bà, là người trong xã hội đang tương tác ở mọi nơi, mọi lúc với các công việc ta có nhân duyên đang hành trong mỗi giây, mỗi phút của cuộc sống. Người ở chợ chúng ta tu pháp hành bằng sự tương tác qua ái ngữ, qua lời nói chân thật. Người ở đời, người trong trường học, người trong nhà chùa, người trong gia đình, người ở mọi nơi, mọi chỗ, thì mọi nơi, mọi chổ đều là phương tiện để chúng ta hành chánh niệm hơi thở, để nhận rõ thực tại của cuộc sống nơi ta đang tương tác bằng chánh kiến và tình thương. Trí tuệ và tình thương là hai pháp bảo cao siêu nhiệm màu được thể nhập qua chánh niệm hơi thở, công dụng vô cùng, hữu hiệu vô cùng, chẳng thành tựu tương lai mà xiển dương được tánh thấy của thực tại trong từng giây phút ta đang sống. Rất quan trọng! Đừng để ai đó hứa hẹn với bạn về một tương lai tươi sáng rồi quên đi cuộc sống bởi cứ mơ mơ màng màng, mà nếu như ai đó tới để đánh thức bạn dậy để bạn có thể tỉnh thức trong giây phút này, đó chính là bậc thầy của các bạn. Đức Phật đã tới để đánh thức bởi Ngài là bậc tỉnh giác, Ngài đã tỉnh, Ngài đã thức và Ngài tới với chúng ta để đánh thức chúng ta ngay trong giây phút này. Mà để giữ được sự tỉnh thức đó Chánh Niệm hơi thở, Từ Bi, Trí Tuệ quán sống bằng chánh kiến, bằng tình thương chính là để giữ cho chúng ta luôn tỉnh thức trong từ giây, trong từng phút, thấy rõ bản thể của mình trong thực tại của cuộc sống. Tu cao siêu là đúng, tu thành tựu là đúng, nhưng trong thực tại bạn không biết bạn là ai, bạn không biết bạn đang làm gì thì cái cao siêu, những hàm ý cao siêu nhiệm màu của sự chứng đắc mai sau; hoặc những câu chuyện kể tô điểm để tăng thêm phần phấn khích cho bạn nó chỉ là chuyện cổ tích hồi xửa hồi xưa không thực tế.

Bạn đang tu mà nghĩ đến một kiếp nào thành Phật nhưng bây giờ con nó đang khóc kìa, vợ chồng đang khổ cực kìa, thì một mai thành Phật, thành Thánh kia nó có nghĩa lý gì đâu? Đức phật không dạy cho chúng ta tu mơ mơ màng màng kiểu đó gọi là vô minh, Phật dạy cho chúng ta tu hành ở chỗ con khóc phải biết con khóc và con khóc phải biết làm sao nó khóc để cho con khỏi khóc. Vợ chồng đau khổ, buồn vui, mọi cảm xúc tương tác trong cuộc đời, trong xã hội, trong gia đình, mọi nơi ta đều phải biết được cảm xúc nó xảy ra như thế nào, diễn tiến như thế nào, nhận diện đó ngay trong thực tại. Để thêm ngũ giới vào, năm giới vào để cho nó có hương, hương của Giới, hương của Định, hương của Trí Tuệ. Chứ đừng thêm năm cái mùi ngũ dục của tiền tài, danh vọng, địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ, nhà cửa, xe hơi vào để tăng trưởng những cục đá lớn, tảng đá lớn tròng vào cổ chìm xuống biển sâu, rơi vào trong tăm tối, mê lầm khổ đau.

Các bạn, hôm nay chúng ta tự nhắc nhở bản thân,cảm xúc người tu Phật không góp, không tích trữ kho kiến thức của mình mà phải biết Chánh Niệm hơi thở, Từ Bi, Trí Tuệ quán trong từng giây phút. Nhận diện rõ thực tại ta đang tương tác trong cuộc sống, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, từ tối cho tới sáng, bất cứ lúc nào giữ tâm Tỉnh giác, Chánh niệm, Từ Bi và Trí Tuệ đó gọi là hành. Trong cái tu hành này có cả Giới, Định, Huệ. Từ lúc đầu, hai năm trước khi tu Thiền Mật song tu Bảo Thành luôn nhắc, pháp tu của chúng ta có 06 chữ, mà mỗi người chúng ta đều phải giữ đó là căn bản, Giới–Định–Huệ là ba chữ, các bạn phải luôn luôn nhớ. Hôm nay nói đến Giới–Định–Huệ nó nằm thật rõ trong Chánh Niệm hơi thở, Từ Bi, Trí Tuệ quán. Tín–Nguyện–Hạnh, nếu chúng ta không có niềm tin vào Tam Bảo, vào pháp môn chúng ta tu, ta đã tu tức là có tín rồi thì phải phát nguyện và giữ hạnh, hạnh gì? Mười cái hạnh thiện. Tín–Nguyện–Hạnh, Giới–Định–Huệ thật rõ ràng.

Trong Thiền Mật song tu, Trí Tuệ và Từ Bi quán, có đầy đủ Tín–Nguyện–Hạnh và Giới–Định–Huệ để ta tăng trưởng phước báu và công đức. Không phải cho ngày mai, tương lai hay quá khứ đã qua, mà ngay trong thực tại của từng giây phút chánh niệm. Và dĩ nhiên khi bạn hành được như vậy không cần biết bạn là ai, là Phật tử tại gia hay mang thân xuất gia trong mọi tương tác, mọi góc cạnh đi đứng nằm ngồi, mọi nơi mọi chỗ bạn đều có thể thể nhập vào tánh thấy của chánh niệm để làm chủ và nhận diện được cái ác và cái thiện, để chuyển hóa, để tăng trưởng, để hạnh phúc và bình an. Nếu hành được như vậy bạn đã thay đổi cuộc đời trong từng giây phút, bạn đã tái sanh trong từng giây phút của cuộc sống, không đợi đến khi chết. Nếu trong từng giây phút bạn không giác ngộ, không thể nhập vào chánh niệm, không thể tái sanh trong từng giây phút lấy gì để tái sanh khi chết đi? Chữ “”tái sanh”” ở đây tức là chuyển hóa để sống tốt đẹp hơn trong từng giây phút, mà bạn không chuyển hóa để sống tốt đẹp hơn trong từng giây phút của thực tại lấy gì để tái sanh khi chết đi về kiếp sau? Đạo Phật rất thực tế ngay trong thực tại của cuộc sống, Thiền Mật song tu Chánh Niệm hơi thở, thiền Trí Tuệ và Từ Bi dẫn đưa chúng ta sống thật trong thực tại của bây giờ, tại đây, chỗ này. Để tánh thấy biết biết được ở ba cội nguồn tạo thiện nghiệp và ác nghiệp đó là thân ngữ ý. Để tánh biết đó nhìn rõ và làm chủ, chuyển hóa và tăng trưởng trong mỗi giây, mỗi phút ta đang được sống trong cuộc đời. Như vậy bạn chính là người tu hành thành tựu được phước báu trong thực tại chứ không phải là tu không hành tan tành đời tu. Chúng ta tu mà không hành tan tành đời tu. Ít nhiều gì cũng phải như người sư huynh tu thiền giữ giới hoặc người sư đệ tu pháp thiện phước báu. Thiền Mật song tu có cả Tín–Nguyện–Hạnh, Giới–Định–Huệ, hãy thực tập mỗi ngày thì bạn sẽ trở thành ruộng phước, ruộng công đức, có thể gieo trồng thật nhiều những chủng tử thiện lành vào cuộc đời của mình và cuộc đời của những ai có nhân duyên tiếp cận với chúng ta trong thực tại của cuộc sống.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào bàn tay trái, chúng ta hãy trở về với chánh niệm hơi thở, với từ bi và trí tuệ để nhìn rõ thực tại trong giây phút này. Và nguyện muôn người đồng trở về với thực tại, tại đây, chỗ này qua hơi thở chánh niệm để thực sự sống và hành lời chân lý của Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới.

Xin chư Phật tác đại chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn