Search

Bài 2254. Dâng Lễ To Dễ Xin Xỏ

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo với một lòng thành kính để chuẩn bị đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng Trí Tuệ cho tất cả các vị lãnh đạo cấp quốc gia trên thế giới để họ có thể từ bỏ cái tôi, nhìn nhận tình yêu thương lẫn nhau mà thành lập một nền hòa bình mới cho thế giới.

Mời các bạn đặt bàn tay phải và lòng bàn tay trái, chúng ta hãy lấy Từ Bi nuôi dưỡng và khởi nguồn yêu thương, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát. Trong thế giới ngày nay, chiến tranh đang lan tràn, chúng ta hãy nhất tâm hồi hướng cho các vị lãnh đạo cấp quốc gia để họ được soi sáng, nhìn rõ và có những quyết định mang lại sự hạnh phúc cho nhân loại. Chúng ta cũng nghĩ tới các đấng bậc sinh thành là cha mẹ, ông bà, người yêu thương trong gia đình cộng đồng và xã hội, hồi hướng cho nhau luôn được bình an và hạnh phúc.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, chúng ta đồng tu Chánh niệm hơi thở, quán chiếu mật ngôn, thể nhập vào ý nghĩa của mật ngôn để nhìn rõ vạn pháp. Có nhiều bạn mới nghe qua sẽ thắc mắc: Chánh niệm hơi thở thì biết, còn Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang nghĩa là gì? Gọi là mật ngôn hay gọi là Phật chú? Đơn giản là những câu chú thích ngắn gọn như những cái đề mục để chúng ta quán chiếu qua âm từ mà Chư Phật, Chư Tổ ngày xưa đã ứng dụng để nhắc nhở cho hàng đồ chúng, lấy cái đề mục đó quán chiếu thật rõ giúp cho chúng ta có một nhịp cầu nối giữa sự tư duy, sự suy nghĩ và những hiện tượng đang xảy ra trong cuộc đời.

Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là Đại Từ, Đại Bi, quán chiếu tâm đại từ đại bi, hiểu đơn giản cho dễ hơn là quán chiếu tình thương. Con người sống thiếu tình thương, con người thiếu sự đối xử với nhau bằng tình thương, xã hội sẽ loạn và đau khổ sẽ nhiều. Và đã là người, tình thương có sức mạnh chuyển hóa và chữa lành mọi sự rạn nứt trong cộng đồng, xã hội và gia đình, làm cho thân xác được khỏe mạnh và tinh thần trong sáng. Trong mật ngôn này, Chánh niệm của chúng ta luôn luôn thể nhập vào và quán chiếu công dụng của lòng đại từ đại bi, sự ứng dụng của tình thương đối với chính mình và mọi người. Nhờ sự quán chiếu đó, ta sẽ thẩm nhập vào cái tự tánh viên thông của Chư Phật.

Câu số hai là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có ý nghĩa là Trí Tuệ, quán chiếu sâu vào các pháp đều Vô Thường tạo ra Khổ và là Vô Ngã. Trì mật chú bảy biến hít thở nhẹ nhàng xong, chúng ta để cho thân tâm tự tại, hơi thở vào ra giữ tâm ở đó, quán chiếu tâm Từ Bi và Trí Tuệ để soi sáng cho tự thân như một ốc đảo tự sáng để tự thắp đuốc lên đi vào những vùng tăm tối nơi tâm; nhìn thấu mà tháo gỡ những ràng buộc nhiều đời hoặc ngay trong cuộc sống này ta đã ràng buộc tự thân của mình và cột chặt những người yêu thương lại để bị mắc kẹt trong đau khổ phiền não. Cần phải gỡ, gỡ từ những chỗ khúc mắc mà ta đã tự ràng buộc và cột chặt lẫn nhau. Sự Chánh niệm hơi thở và tu như vậy giúp cho chúng ta làm chủ cái tâm, làm chủ đời sống của mình và làm chủ được nhân quả thiện ác. Bảo Thành khuyên và luôn sách tấn mọi người cũng như khuyến khích hãy đồng tu để có bạn, có bè, có thầy trò, có người cùng với cái duyên phước hợp với căn cơ của mình, để mỗi khi ta bị thất thối hoặc bị thối chuyển, lung lay tinh thần, chúng ta có sự hỗ trợ nhắc nhở để vượt qua. Trong cái thời đại mà muôn sự ở đời không có vững chắc, dễ bị vỡ, dễ bị thay đổi mong manh rất cần liên kết với các bạn hiền, các bạn đồng tu, mà nhà Phật gọi là gần gũi với các bậc Thiện Trí thức. Sự liên kết mật thiết như vậy sẽ giúp cho chúng ta giữ vững thân tâm của mình mỗi khi thử thách tới.

Các bạn! Chủ đề hôm nay là một chủ đề nói về sự thực tế trong cái thực trạng của Phật giáo ngày nay. Ngày xưa cũng như vậy nhưng ngày nay nó nổi bật hơn dễ thấy, dễ nhìn hơn. Nó hơi tế nhị và nói ra sẽ đụng chạm thật nhiều. Tuy nhiên, người học Phật như chúng ta là những người đã chuẩn bị cái tâm thật vững, thật mạnh, thật dõng mãnh để đương đầu với sự thật của chính mình và môi trường ta đang sống để nâng tầm cao hơn, sống hạnh phúc hơn hoặc để chuyển hóa và thay đổi. Tu là nhìn rõ những lỗi lầm để chuyển, để thay đổi.

Chủ đề “Dâng lễ to dễ xin xỏ” nghe hơi hóc búa, nghe có vẻ xiên xẹo, đâm người này thọc người kia, nghe ngứa, khó chịu, nhưng nó là hiện trạng rõ ràng. Nó không nói bằng văn tự, viết rõ ràng, nhưng nó âm thầm như một cái điều lệ, một cái luật để rồi chúng ta cứ cúi mặt làm theo, “Dâng lễ to dễ xin xỏ”. Chúng ta nhớ, Đạo Phật khi tới với tất cả mọi quốc gia, mọi nhóm dân tộc vùng miền đều hòa nhập vào với văn hóa tâm linh, cũng như văn hóa của đời sống dân bản địa. Điều đó tốt là bởi vì nó sẽ hòa nhập từ từ, hòa nhập rồi bắt đầu chuyển hóa, không phá vỡ những cái gì hiện hữu nơi đó khi đạo Phật tới nhưng hòa nhập rồi chuyển hóa. Bởi đạo Phật là đánh thức cái sự nhận biết đúng và sai và giúp cho chúng ta hiểu thấu được chân lý để vận hành đời sống và thay đổi những cái gì không phù hợp theo từng giai đoạn của thời gian, tùy thuộc vào cá nhân cũng như tập thể nhận thức ra. Trở về đời sống của Đức Phật ngày xưa 2560 mấy năm trước, xã hội Ấn Độ thời đó tràn đầy các cái tục lệ văn hóa tâm linh của Bà-La-Môn. Dĩ nhiên thời đó con người có cái tầm nhìn về đời sống tâm linh khác biệt, phù hợp với cái nhận thức của những thế kỷ phong kiến thời ấy, và những cái quy trình tu tập cũng như hướng dẫn đời sống tâm linh của con người được đặt để, cũng nằm trong cái sự nhận thức thời đó. Thời ấy những vấn đề dâng lễ thật to để xin xỏ là chuyện rất thường ở Ấn Độ. Ngày nay vẫn còn chưa hết, bởi quan niệm thời đó tới với thần Phật, tới với trời đất, tới với thần linh là phải dâng lễ. Và đã là con người thì yếu đuối, không làm chủ được thiên nhiên, làm chủ được vận mệnh, làm chủ được những điều xảy ra trong cuộc đời, nên chỉ còn có một cách duy nhất là phải xin thần linh trời đất phù hộ.

Chẳng phải từ Ấn Độ đâu mà đó là truyền thống nhiều đời của con người trên toàn Trái Đất này. Bộ tộc nào, dân tộc nào, cũng có cái khái niệm dâng lễ và xin thần linh phù hộ. Điều đó ở trong những cái giai đoạn lịch sử xưa chẳng có gì là sai, không có gì sai bởi nó phù hợp với tầm nhìn và nhận thức. Nhưng chúng ta theo Phật, chúng ta học lời của Đức Thế Tôn dạy, Ngài là bậc giác ngộ, cho nên khi giác ngộ Ngài đã nhận ra có những cái văn hóa dân tộc, có những nền văn hóa tâm linh, có những cái tục lệ không cần thiết và nó có thể gây ra tai hại, dẫn đưa vào vô minh, mê tín dị đoan hoặc có thể hại đến sức khỏe, tổn hao tinh thần và tài vật cho con người. Từ đó, Ngài mang cái chân lý vào dạy, dạy rất từ từ, hướng dẫn rất từ từ để chuyển hóa. Điều này thật tuyệt vời! Và Đức Phật là thầy, Ngài là bậc giáo dục, là nhà giáo dục, rất kiên nhẫn đi từ từ, không phê bình, không chê bai, nhưng hướng dẫn cặn kẽ để nhìn thấy những điều không cần thiết, buông bỏ và thể nhập vào chân lý.

Nay nói về cái chủ đề “Dâng lễ to dễ xin xỏ” của cái thời đại ngày nay của người Việt chúng ta, nó rầm rộ hơn, nó lên cơn sốt và nó có từng cái cơn làm cho bàng hoàng người Phật tử của chúng ta. Và những cái cơn sốt của sự dâng lễ to dễ xin xỏ, nó tạo ra một cái tệ nạn nguy hại, làm tổn thương đến văn hóa dân tộc và làm cho biến tướng tất cả những cái đẹp của con người trong những cái nét văn hóa của mình cũng như văn hóa tâm linh. Chúng ta đi sơ qua điều mà ai cũng biết, Đức Phật mang chân lý của nhân quả thiện ác, khuyến tấn mọi người tu thiện bỏ ác, ngõ hầu đừng tạo ra sự khổ đau cho nhau, và rửa sạch những cái điều ô uế, chuyển hóa những uế trược để tâm được thanh tịnh nhẹ nhàng, để bình an và hạnh phúc luôn có trong cuộc sống, biết trân quý trong sự kính trọng đối với mọi người. Tới với Phật là tới với vị thầy để học cách sống như thế. Nhưng trong cuộc sống, con người thường trải qua những cái giai đoạn lịch sử của một quốc gia, hàng bao nhiêu ngàn năm qua chiến tranh quá nhiều, kinh sách về Phật giáo ít được in ấn rõ ràng và chuyển dịch bằng những cái ngôn ngữ hiện đại, dễ hiểu cho mọi tầng lớp trong xã hội. Có chăng là những bậc Tôn Túc cao mới có thể liễu thông được Kinh sách ngày xưa và dạy lại. Cho nên người ta vẫn mịt mù trong các cái nghi thức “Dâng lễ to dễ xin xỏ”, bởi ảnh hưởng một cái nền phong kiến cũng như văn hóa các quốc gia sở tại.

Chúng ta nhớ Việt Nam thời xưa cũng như các nước trên thế giới, trải qua cái thời phong kiến và quan niệm của người Việt Nam đi tới nhà quan là phải xin lễ, thường đụng chuyện tới nhà quan là để xin xỏ việc này việc kia và kèm theo cái đó là phải có lễ vật to mới xin được. Điều đó là thực tế của cuộc sống ngày xưa, tới cửa quan phải như vậy. Rồi khi các quan thần liêm khiết tốt đẹp hoặc những vị quan bảo vệ đất nước chết, được vua chúa thời đó phong quan. Có thể là Thần Hoàng hoặc Bà Chúa hoặc những vị này vị kia, thành thần. Rồi dân chúng cũng thờ lạy các vị đó để thể hiện sự kính trọng và nhớ công ơn khai quốc công thần, dựng nước và bảo vệ quốc gia. Nhưng khi tới với những cái lễ nghi lễ hội thì vẫn mang và áp dụng cái phương thức của loài người. Hồi xưa vị đó là thần là quan trọng triều nên bây giờ tới đình tới miếu cũng cúng, cũng kiếng, rồi cúng lễ cho thật to. Và khi Phật giáo hòa nhập vào thì những cái phong tục như vậy nó là sự hiển nhiên vẫn có ở trong chùa, trong đình, trong miếu.

Ngày nay Kinh sách phật giáo đã được in ấn nhiều, chuyển dịch thành ngôn ngữ của thời đại. Không cần nghe giảng, chúng ta đọc qua ở trên mạng, kinh sách có đủ hết. Và trong các thư viện cũng như nơi các chùa có cả các quỹ Phật giáo in ấn, sẵn sàng phát miễn phí cho mọi người. Nếu có cơ hội đọc kinh của Phật ai cũng hiểu được. Và một điều Bảo Thành và các bạn phải công nhận, nếu đã học Phật, chúng ta học Phật là học theo những điều gì Đức Phật đã dạy và Đức Phật đã thể hiện trong cả cuộc đời khi giác ngộ cho tới khi viên tịch tròn bốn mươi năm năm trời. Trong suốt những năm đó, chưa có một cuốn kinh nào nói rằng Đức Phật có những cái bài kinh nói về “Dâng lễ to dễ xin xỏ”. Có chăng cũng chuyển dịch qua hơi nhẹ nhẹ về những cái phương thức nhưng đó là theo tinh thần Đại Thừa. Còn đúng ra thì Đức Phật thường nhắc nhở mọi người hiểu thấu được cái thiện – ác và hướng dẫn cho từng tầng lớp nhân sĩ hoặc dân dã thời đó, với những cái ngôn ngữ phù hợp với họ, để làm sao họ có thể nhận ra nhân quả mà tu. Cho nên kinh sách giúp đỡ chúng ta thật nhiều để dần dần lần từ bỏ những cái phong tục không cần thiết.

Văn – Tư – Tu, Văn tức là Kinh sách của nhà Phật nhiều. Chúng ta ngày nay thật dễ, chỉ cần dùng một cái phone đơn giản gõ trên Google tìm bất cứ một thể loại Kinh nào, chúng ta đều có thể thấy hoặc muốn nghe giảng về Kinh đó thì cũng có các bậc hòa thượng Tôn Túc giảng, hoặc những bậc Thiện Tri thức. Rất dễ! Do đó mà các bạn ngày nay chúng ta cần phải nghe Kinh, nghe hướng dẫn để từ từ lìa xa những cái phong tục tập quán, những cái nghi lễ rườm rà không cần thiết nữa. Bởi những nghi thức như vậy có thể gây ra tai nạn, có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Ví dụ như Bảo Thành nói về những cái tục lệ mà chúng ta cần phải bỏ càng sớm càng tốt. Nếu các bạn để ý những cái lễ hội lớn tuy là không phải của Phật giáo, nhưng vẫn được các bậc Tôn Túc đứng đầu chủ lễ, dễ gây hiểu lầm cho các tôn giáo bạn khi nhìn vào Phật giáo chỉ là như vậy. Những cái lễ hội như ở đền Trần ở ngoài Bắc để lãnh Ấn chúng ta thấy hàng trăm ngàn người đổ dồn vào, chẳng phải là người dân bình thường, có những bậc trí thức, kinh doanh, có những người là thương gia, có những người mặc com-lê, cà-vạt, đi xe hơi, biển số xe đủ màu. Nhưng vẫn tranh giành, vẫn chà đạp để lấy được cái Ấn của Đức Thánh Trần làm sao trong năm đó để công danh sự nghiệp bền vững. Và trong những cái lễ hội như vậy, người ta chà đạp, người ta chửi bới. Có những cái năm mà có sự chen lấn đã đưa đến sự chết chóc. Rồi cái văn hóa đó nó kéo dài, nó lại thể hiện rằng: Dâng lễ càng to dễ xin thần linh, trời Phật ban ơn.

Có một lần vào năm 2005 Bảo Thành dắt một người Phật tử ngoại quốc đó là anh Jack, về Việt Nam đi thăm các chùa chiền. Chuyến đó có ghé ngang các chùa lớn, thì anh ta rất ngạc nhiên bởi phong tục là người ta đổi tiền chẵn thành tiền lẻ, rải từ chân núi tới chùa. Tiền rải đầy hết mặt đất. Rồi đi thăm chùa Yên Tử lên chùa Đồng Yên Tử. Anh này rất là cao người Việt thì thấp mà, nhưng nếu bạn đã một lần du lịch về Yên Tử chùa Đồng sẽ thấy sự ồn ào chen lấn như thế nào, đặc biệt vào ngày rằm tháng Giêng. Người ta chen lấn và người ta cố gắng thảy tiền vào tượng Phật, kẹp tiền vào tay, vào đủ mọi chỗ. Và bởi vì anh ta cao đứng gần chùa Đồng để nhìn cái văn hóa, thật là nhiều người Việt đã nhờ anh ta cầm tiền ném vào bên trong hoặc cài lên các cái tay của các tôn tượng hoặc bất cứ chỗ nào, bởi quan niệm rằng nếu có thể dâng cái lễ bằng tịnh tài, tiền bạc vào các tôn tượng, vào những nơi chùa chiền linh thiêng nhất định sẽ dễ xin xỏ về đường công danh, sự nghiệp, tình cảm và tất cả. Rồi biết bao nhiêu những cái hình thức văn hóa như đốt vàng mã, đốt hương, nghi ngút hết. Nơi chùa Đồng đó có cả một cái chỗ họ xây một cái lò rất lớn tưởng là hỏa thiêu. Nhưng không! là đốt vàng mã. Người chen thì đông đúc, lấn chiếm, có thể rơi xuống núi nữa, nguy hiểm, mà khói thì mịt mù, tiền vung vãi. Đợt đó anh ta hỏi về Phật giáo như vậy hả? Thật là khó giải thích cho anh ta. Bởi vì anh ta chứng kiến được nhưng Bảo Thành cũng nói với anh ta như nói ngày hôm nay: đó chỉ là văn hóa, Phật giáo không như vậy. Nhưng hoàn cảnh, thông tin, Kinh sách của Phật giáo chưa được lan truyền và hướng dẫn rộng rãi, cho nên một số vẫn mang cái văn hóa đó lồng vào Phật giáo tưởng chừng như đó là tín ngưỡng, nhưng không!

Các bạn! Những cái hiện tượng như vậy dần dần nó thay đổi, đi tới sự cúng kiếng “Dâng lễ to dễ xin xỏ”. Có những cái buổi lễ dần dần nó biến tướng mặc dù nó là vô hại theo một cách nhìn nào đó, nhưng rất tai hại. Bởi chúng ta thường học bằng cách nhìn và bắt chước theo. Con cái, cháu chắt của chúng ta, những thế hệ trẻ, chúng nhìn và bắt chước theo để học. Nhưng ngày nay chúng rất thông minh có đầy đủ những cái dữ kiện thông tin để thẩm định những việc cha mẹ làm đúng hay sai. Bởi trên mạng ngày nay quá dễ, mọi đứa trẻ đều có thể có phone và đều có thể tìm kiếm thông tin dữ liệu để hiểu về những điều gì chúng ta nhìn thấy. Sự học hỏi được lan truyền rộng rãi như thế nên cái điều sai của những vị lớn tuổi và những điều không cần thiết của những vị lớn tuổi thường làm cần phải xem xét cẩn trọng, buông bỏ dần dần để không ảnh hưởng đến sự suy nghĩ cũng như làm sai lệch tư tưởng của giới trẻ hiện nay.

“Dâng lễ to dễ xin xỏ” biến tướng rất là tinh vi. Chúng ta thấy có những cái lễ mà người nghèo làm không có tiền đâu, nhưng họ phải bỏ ra cả trăm triệu để xin lễ. Bảo Thành quen với một số bạn ở trong miền Nam, khi họ gặp những cái chuyện không phù hợp, họ đi vô các cái đền thánh gọi là “Tứ Phủ” – Đạo Mẫu để xin. Người đó phải cúng đến bốn cái phủ (tứ phủ) mà. Mỗi một lần cúng xin lễ thánh để có lộc làm ăn hoặc thay đổi cuộc đời có giá cả hàng trăm triệu. Tính ra lễ cúng bốn phủ hết cũng phải mấy trăm triệu. Rồi nó nhập nhằng trong cái đời sống tâm linh của Phật giáo, hòa trộn vào trong cái tín ngưỡng văn hóa dân tộc ngày xưa làm cho anh ta hiểu lầm đó là Phật giáo. Như chúng ta cúng kiếng trong các nghi thức văn hóa, thay vì rất đẹp bởi vì đó là văn hóa, thể hiện cái nét văn hóa của âm nhạc, văn hóa của cái niềm tin, của cái vùng lúa nước thời xưa của ngày lễ cầu thánh cầu thần, đã biến thành những cái nghi thức lấy tiền tung ra, lễ cho thật lớn để xin xỏ đủ điều. Nhang đèn nghi ngút, vàng mã đốt đầy. Ngày xưa có những câu chuyện mà mình không thể tin được như ngày nay ta chứng kiến, người ta có thể đốt thành từng tấn tiền để cúng cho người âm, hàng xe tiền. Nghe chữ tiền tấn và mang xe tiền ra để cúng không ai tin nhưng mà thực sự là có. Tiền vàng mã thôi mà tiền tấn. Nhưng không phải tiền vàng mã là đơn giản đâu, ngày nay rất là mắc. Người ta đốt như vậy rất nguy hại bởi khói mịt mù ảnh hưởng môi trường, dễ gây hỏa hoạn. Mà người âm hoặc cha mẹ ông bà đã tịch rồi, đi theo nghiệp tái sanh, còn đâu đó mà sử dụng tiền của dân gian. Tuy nhiên đó là một cái nét văn hóa. Đức Phật nhìn rõ bởi vì ngày xưa nơi Ấn Độ đã có những thứ đó rồi không phải tới ngày nay. Cho nên Ngài mang cái chân lý của thiện – ác, Ngài rất là kiên nhẫn giáo dục để hiểu thấu được tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đều do nhân quả của thiện – ác. Chẳng phải đến để dâng lễ cho to để xin xỏ được cho ta hoặc cho những người đã khuất.

Do đó, Bảo Thành khuyên tất cả mọi người chúng ta cố gắng đọc kinh Phật nhiều và dùng cái Trí Tuệ quán chiếu những cái phong tục tập quán, những cái nghi thức không phù hợp nữa ta nên chuyển hóa từ từ bằng cái chân lý nhân quả thiện – ác, bằng những hành động suy nghĩ và lời nói rất cụ thể trong Thập Thiện (tức là 10 cái pháp thiện Đức Phật giảng) ứng dụng hằng ngày, thì đó chính là cái lễ to nhất, chẳng phải là xin xỏ. Cái lễ to ấy Đức Phật dạy giúp cho chúng ta thành tựu được phước báu và công đức lớn. Rất hay! Phương tiện dân gian không phù hợp nữa cần phải bỏ. Người đứng đầu trong gia đình là cha mẹ, phụ huynh, cần phải nhất thiết nhận định ra việc này và phải bỏ. Người đứng đầu trong các tôn giáo như các chùa, tịnh thất, Phật giáo ta, các vị Tôn Túc, các Sư Cô cần phải có cái trách nhiệm nhìn rõ và chuyển hóa nhanh. Đừng vì cái tục lệ văn hóa của ngôi chùa, cái thói quen của Phật tử mà ta giữ. Ta có thể có những cái lớp Pháp hội hướng dẫn cặn kẽ rõ ràng và giúp đỡ để chuyển hóa những phong tục không cần thiết đó.

Chúng ta tu đạo Phật là phải hiểu được lời Phật dạy và cần phải thật dũng cảm bỏ đi những điều không cần thiết nó đã hòa trộn vào Phật giáo qua cái sự lưu chuyển của Phật giáo tới đất nước của chúng ta. Phong tục tập quán ấy chẳng phải Phật dạy. Chư Tổ ngày xưa không phá vỡ để hòa nhập từ từ. Nhưng ngày này nó nâng cấp đến chóng mặt, đến phát khủng hoảng luôn. Bởi vì quyền lực và sự sống ngày nay thật mong manh dễ mất, và lòng tham của con người tăng trưởng, muốn giữ được cái quyền lực đó, tiền tài đó, tài lộc đó, sẵn sàng hòa nhập vào với những cái tư tưởng sai lệch “có kiêng thì có thiêng”, có cúng thì sẽ có được đấy. Cho nên người ta cứ như vậy sai lệch đi cái chân lý của Đức Phật.

Các bạn! Đây là một sự rất tế nhị nói ra sẽ có nhiều người buồn, nhưng chúng ta nhất định là các bạn đồng tu có nhân duyên tu Thiền Mật Song Tu, “Dâng lễ to dễ xin xỏ” hoàn toàn là sai. Cái lễ to nhất trong Phật tử là hành Thập Thiện, là làm việc thiện, dù nhỏ, nhỏ như thế nào cũng phải làm và không thể ngừng, liên tục mà làm việc thiện. Đó là cái lễ to nhất để tăng trưởng công đức và phước báu cho hàng Phật tử tại gia chúng ta. Còn những cái nghi thức lễ lạy bình thường ta tiếp cận được do truyền thống gia đình, vùng miền, nhớ cần phải thẩm định lại và chuyển hóa càng nhanh càng tốt. Bạn có thấy không? Thí dụ như vấn đề đốt nhang. Đốt nhang nó là một cái nghi thức mà không cần thiết. Ngày xưa thì phù hợp bởi vì ngày xưa nhà còn rộng, đất còn rộng nhang còn tinh khiết là trầm hương. Nhưng nhang ngày nay trộn những cái chất hóa học rất nguy hại, ngửi hại đến sức khỏe. Ngay cả những bạn không hút thuốc mà ngồi gần những người hút thuốc cũng bị bệnh. Bảo Thành mà ngồi gần những người hút thuốc thì bị chảy nước mắt và bị dị ứng. Nhang mà tẩm các chất hóa học, làm bằng các chất liệu dơ dáy, bẩn thỉu, chúng ta dâng cho Phật, Phật không có ngửi đâu nhưng mà chúng ta sẽ ngửi. Những cái ngôi nhà kín hương khói sẽ không bao giờ tan biến hết được, gây bệnh hoạn ung thư. Các bạn có thể lên Google để tìm hiểu về cái khói nhang, hương mà các nhà khoa học đã chứng minh rất hại cho phổi. Thời xưa, Phật không có dâng hương các bạn ạ. Sau này hòa nhập vào Á Đông của chúng ta, Trung Hoa và Việt Nam. Phong cách đó đã được đưa vào áp dụng trong các nghi thức, đó là nghi lễ và đó là phong tục. Nhưng ngày nay nó hại cho sức khỏe, chúng ta cần phải ngưng. Những phong cách như đốt vàng mã cần phải ngưng, bởi nguy hại dễ gây hỏa hoạn. Những cái nghi thức như: “Dâng lễ to dễ xin xỏ” không tốt bởi có những gia đình nghèo khổ, một năm tần tảo chẳng có tiền dư, mỗi khi đụng chuyện phải dâng lễ to thật là khổ, phải vay mượn đó các bạn. Ngày xưa, đám giỗ thì đơn giản là một cái lễ mời thầy tới cúng kiếng bữa ăn đạm bạc. Ngày nay, đám giỗ là phải mời thầy về cúng tế. Thầy là phải năm sáu thầy và có cái giá định mức tiền bạc, tốn nhiều lắm. Chúng ta cần phải bỏ tất cả đi và để bỏ được điều ấy nhất định các vị lãnh đạo tinh thần cũng như các bậc Tôn Túc phải làm gương. Những nghi thức cúng kiếng đốt vàng mã nhang đèn sính lễ, cúng dường trai tăng cả trăm triệu, cả tỷ, hoặc cúng Tứ phủ hoặc cúng khi nhập vai đồng cốt tốn quá nhiều tiền. Văn hóa đó không cần thiết, gây hiểu lầm và các tôn giáo bạn thường có cái nhìn mất đi sự tôn trọng về Phật giáo bởi nghĩ rằng: Phật giáo chỉ là như vậy. Trong khi Đức Phật, Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta một cái chân lý mà tất cả các tôn giáo khác tin hay không tin cũng đều phải chịu cái sự xoay vần của nó, đó là chân lý nhân quả và thiện ác. Thế mà ngày nay chúng ta đã để cho những cái hủ tục văn hóa không cần thiết nữa hoà trộn vào nơi các chùa sinh hoạt của Phật giáo gây sự hiểu lầm và tạo ra mê tín và dị đoan.

Khuyến khích mọi người hãy cố gắng đọc Kinh thật nhiều, tìm hiểu về đời sống của Đức Phật. Chúng ta là người học Phật cần phải biết đời sống của Đức Phật khi xưa có cúng kiếng, có xiển dương cái cách dâng lễ to để dễ xin xỏ hay không, có đốt nhang, có đốt vàng mã, có nhét tiền vào tay như cái cách hối lộ xin lễ hay không. Khi mà chúng ta đọc và hiểu được thì chúng ta sẽ dễ bỏ những phong tục đó đi. Và nếu như các bạn mạnh dạn hơn thì hãy tới hỏi các bậc Tôn Túc một cách nghiêm chỉnh thì chúng ta cũng sẽ được những cái lời rất chân thành. Rất cần sự phối hợp rõ ràng bằng kiến văn do các Phật tử tại gia nghiên cứu học hỏi và sự hỗ trợ một cách nhiệt tình đồng bộ của các vị Tôn Túc để dần dần chuyển hóa những cái phong tục, những cái lễ nghi không còn phù hợp được hoà trộn lẫn lộn khó phân biệt trong Phật giáo ngày nay. Để chúng ta làm sạch cái đời sống tâm linh và dần dần đưa đến một cái đời sống văn minh theo đạo Phật, không mê tín dị đoan nữa. Đây là một vấn nạn tế nhị. Nhớ! Đức Phật là bậc giác ngộ. Ngài đã tìm ra phương tiện để chuyển hóa. Phương tiện bằng Trí Tuệ, hướng dẫn rõ ràng về chân lý, để mang chân lý ứng dụng trong nhân quả. Chúng ta cần phải được nghe, cần phải được hiểu, cần phải được nghiên cứu và truyền dạy, để nơi mỗi một gia đình Phật giáo của chúng ta phải bắt đầu chuyển hóa từ trong gia đình.

“Dâng lễ to dễ xin xỏ” là sai trái với lời Phật. Những nghi thức đốt vàng mã, dâng hương hoặc mỗi một lần lễ cả hàng trăm triệu bỏ ra để mua hoa, để mua nhang, mua vàng mã, để mà cúng dường trai Tăng, có những buổi cúng dường trai Tăng lên đến vài tỷ, có những cái lễ giỗ ông bà đến cả trăm triệu, những nghi thức như vậy không cần thiết, bởi chỉ là nghi lễ do chúng ta tạo ra hoặc những cái tục lệ nhưng không cần. Cốt lõi vẫn là người nhân quả, thiện ác. Nghi lễ mà Bảo Thành nghĩ rằng lớn nhất, cái lễ vật lớn nhất để dâng lên cho Phật (nếu gọi là dâng lên cho Phật) đó chính là mười cái pháp thiện ta cần phải thực hành mỗi ngày. Chẳng phải tiền tấn đốt đâu, chẳng phải là của cải cho nhiều, hàng trăm triệu hàng tỷ đâu. Nếu các chùa chiền quý thầy cần tịnh tài để xây dựng chùa, tháp, để xây dựng những cơ sở, chúng ta có thể mang tiền tới cúng dường một cách đặc biệt bằng lòng thành kính để ủng hộ cho quỹ xây dựng đó. Nhưng không nhất thiết phải bày trong các nghi thức cúng dường trai Tăng rải tiền trên bàn. Những nghi thức đó cũng nên suy xét lại, thay đổi cho nó phù hợp hơn để không còn gây sự gai con mắt cho những tôn giáo bạn khi nhìn vào nhận thức sai lầm về Phật giáo của chúng ta.

Chủ đề hôm nay: “Dâng lễ to dễ xin xỏ” Bảo Thành muốn nhắc cho chúng ta cần phải học và cần phải đọc Kinh của Phật nói về đời sống của Đức Phật khi xưa. Trong 45 năm trời Đức Phật giảng pháp, Ngài có khi nào dạy cho chúng ta có những cái nghi thức như chúng ta từng áp dụng vào Phật giáo ngày nay hay không? Lấy ngay cái gương của Ngài để chúng ta thay đổi. Không phải Bảo Thành nói, hoặc ai nói, chính đời sống của Đức Phật và lời dạy của Phật để thay đổi. Bảo Thành có nói cũng chỉ nhắc lại lời Phật mà thôi, không phải là lời suy nghĩ, suy diễn của Bảo Thành, nhắc lại lời Phật theo những hình thức ngôn ngữ khác biệt. Chúng ta thời đại Kinh sách có sẵn dễ đọc, dễ hiểu, dễ tìm. Hãy cố gắng dành chút thời gian để đọc. Và chúng ta cũng cần phải sàng lọc để dâng lễ cho Phật là dâng lễ bằng việc thiện, chẳng phải bằng tiền. Các bạn biết rằng có những nghi lễ ta dâng ngày nay không những bằng tiền thật nhiều, thật lớn, mà bằng nghi lễ mà chúng ta dâng lên cho Phật mà phải sát sanh: cúng heo cúng bò, cúng gà thật nhiều. Sai đấy! Suy nghĩ lại và nhìn vào đời sống của Phật để chúng ta thay đổi.

Mong rằng bài chia sẻ ngày hôm nay giúp cho chúng ta suy nghĩ lại và tư duy cho rõ. Không nhất thiết bỏ hết ngay lập tức, nhưng cần phải bỏ ngay những gì không cần thiết. Những gì gây ra sự hiểu lầm tạo ra mê tín dị đoan và những gì làm phỉ báng Đức Phật, Đức Thế Tôn. Và làm cho lời dạy của Phật càng ngày càng rẻ rúng, không còn đúng nghĩa như Đức Phật dạy nữa. Ta phải làm một cuộc thay đổi thực sự ngay chính trong gia đình của chúng ta, trong đời sống của chúng ta. Và đặc biệt khi chúng ta tu tập Thiền Mật Song Tu quán chiếu bằng cái tâm đại từ đại bi và Trí Tuệ, nhất định chúng ta cần phải thay đổi.

Các bạn hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Thưa Phật, Chủ đề hôm nay: “Dâng lễ to dễ xin xỏ” chúng con chia sẻ để khuyến khích và sách tấn nhau hãy nhìn thẳng vào triết lý Phật đã dạy mạnh dạn từ bỏ, thay đổi những điều không phù hợp bởi những tục lệ văn hóa hoà trộn vào Phật giáo ngày nay. Xin Chư Phật gia trì để chúng con dõng mãnh biết thay đổi.

Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay của chúng con được nếu tạo ra được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới. Xin chư Phật chứng minh!                                                                              

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn