Thu Hằng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thưa Phật! Thế giới đang có cuộc chiến tranh lớn, con người đang vì quyền lực mà bách hại lẫn nhau. Giờ phút này chúng con và các bạn đồng tu nguyện xin chư Phật ban rải thật nhiều năng lượng tình thương Mu A Mu Sa để cho mọi người biết dừng lại, biết nhìn lại, biết yêu thương và biết thiết lập một nền hòa bình cho thế giới. Đặc biệt chúng con hồi hướng cho các vị lãnh đạo các quốc gia có đủ can đảm, có đủ dũng lực buông bỏ cái tôi, ngồi xuống mà bàn thảo, thiết lập nền hòa bình. Xin chư Phật gia trì và chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương, thể nhập vào Chánh niệm của hơi thở, quán chiếu thân tâm chính là nhìn lại để thấy. “Nhìn Lại Là Thấy” chủ đề ngày hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại chính mình để thấy được mình qua hơi thở của Chánh niệm, mang nước tình thương, tha lực Phật điển lãnh nhận được từ chư Phật gội rửa tất cả mọi uế trược trong thân tâm của chúng ta và chúng ta cũng hãy dùng con mắt Trí Tuệ nhìn rõ, nhìn cho rõ để thấy được mình. Chúng ta luôn hồi hướng tới các đấng bậc sinh thành, nguyện cho các ngài tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)
Các bạn thân mến, ở cuộc đời này có những chuyện rất bình thường nhưng sẽ đưa chúng ta đạt được những chuyện phi thường. Điều này có, không phải quá cầu kỳ. Như những nhà họa sĩ pha trộn màu sắc theo ý tưởng rồi phác họa lên những hình ảnh theo cảm xúc riêng của họ và khi chúng ta ngắm nhìn một bức tranh của họa sĩ, chúng ta sẽ bị dẫn dắt bởi màu sắc và ý tưởng để đồng cảm với cái cảm xúc của người họa sĩ kia. Một người họa sĩ chân chính là người họa sĩ đó có thể phác họa lên chân thực bức tranh của cuộc đời, nhưng cũng có những người họa sĩ dạo, mướn, họ thật giỏi, chỉ một vài nét mực họ có thể phác họa nên tất cả những gì bạn mong muốn. Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy rằng tâm của chúng ta như một người họa sĩ, không có một cảnh giới nào, không có một màu sắc nào mà không pha trộn để họa lên những cảnh giới mong muốn. Cái tâm mong muốn của chúng ta thường hướng chúng ta tìm cái ở bên ngoài suốt cả cuộc đời và luôn luôn mở con mắt cho thật to, trợn tròn nhìn và tìm kiếm cái ở bên ngoài.
Chủ đề “Nhìn Lại Là Thấy”, đúng, nếu chúng ta nhìn lại chúng ta sẽ thấy và nếu như chúng ta không mắc kẹt ở những sự thay đổi của cái thấy y như hồi xưa hoặc cái thấy khác biệt, của cái mới phù hợp hay không phù hợp, chúng ta chỉ thấy mà thôi. Một hình ảnh cụ thể để chúng ta chiêm nghiệm điều này là thực: những ai xa quê hương, xa làng mạc, thôn xóm, xa cha mẹ, nơi mình sinh ra vì đi làm hoặc vì một lý do nào đó, khi trở về quê hương họ có cơ hội nhìn lại quê hương và tất nhiên họ thấy nhìn lại là thấy, thấy muôn sự đổi thay. Đổi thay thật là nhiều từ cảnh bên ngoài tới cuộc sống của người thân và những cái công việc sinh hoạt đây đó sẽ thay đổi theo thời gian và chỉ có khi nào chúng ta nhìn lại chúng ta mới thấy. Thông thường chúng ta chỉ nhìn lại vào những dịp cuối năm, trở về quê ăn tết mới có cơ hội nhìn lại, nhưng chẳng thấy là bao vì những cái niềm vui, những cái cuộc chơi của ngày xuân dắt chúng ta đi.
Khi đi làm việc, mỗi một năm người ta thường nhìn lại vào ngày cuối để tổng kết cả một cái chu kỳ làm việc trong năm, để nhìn lại cái thành quả tốt hay xấu để vươn lên, để sửa, đưa đến sự thành công. Nhưng một năm họ nhìn lại có một lần, có thể những nơi làm việc có quy củ hơn thì cứ một quý 3 tháng họ nhìn lại, rõ hơn thì những người kế toán, kết toán họ nhìn lại sổ sách một tuần một lần hoặc mỗi ngày một lần và hình như chỉ có những người kế toán họ mới là người có thói quen nhìn lại.
Các bạn, nhìn lại chính mình là thấy tất cả, Đức Phật đã thấy chúng ta bị lôi kéo quá nhiều, từ buổi sớm tinh sương biết bao nhiêu những ý tưởng, những việc làm ở trong ngày, những sinh hoạt ở bên ngoài lôi kéo dẫn dắt chúng ta chạy rượt đuổi theo và khi buổi chiều hoàng hôn ta lại mệt nhoài, ăn vội miếng cơm với gia đình, với người thân, người yêu thương rồi ngủ rồi, chẳng có cơ hội để nhìn lại chính mình đâu. Nhưng chúng ta có thật nhiều cơ hội để nhìn rõ những người chung quanh. Thật là lạ lùng ở cái chỗ chúng ta ít có khi nào để ý nhìn lại mình, nhưng vẫn luôn luôn nhìn mọi người một cách chăm chỉ, soi cho thật kỹ. Và không biết từ lúc nào chúng ta đã tự biến mình thành những người cảnh sát săn lùng, săn bắt, tìm tòi, moi móc, khám phá những cái hiện trường nơi những con người khác để như là một người thành công trong những phi vụ tìm dấu vết của tội phạm. Thấy cũng hay, chúng ta hình như cứ như vậy, Bảo Thành và các bạn bị cái bệnh này nó là cố tật của đời người khó sửa, sinh ra y như nhau và rồi lớn lên ai cũng muốn làm cảnh sát để đi truy lùng tội phạm của người khác. Tức là nhìn vào người, tìm nơi người những lỗi lầm để đăng cai lên những cái bức tường xã hội của cuộc đời hoặc thị phi đây đó cho cả làng xóm, thành phố, cả tỉnh, cả quốc gia, cả thế giới đều biết. Hay! trinh thám như vậy là hay mà, bất cứ một cái chuyện động tĩnh nào bên ngoài cũng đều biết. Cái hay này nếu nghe theo lời Phật vận dụng để nhìn lại mình, để nhất cử nhất động ở bên trong, ở nơi ta ta đều thấy thì thật là tuyệt vời. Nhưng chúng ta không có thói quen nhìn lại, nhìn lại chính mình.
Phật nói nhìn lại là thấy, “hồi đầu thị ngạn”, quay lại là thấy bờ, nhìn lại là thấy được mình, cái thấy đây chẳng phải là thấy những điều tốt hoặc những điều xấu, mà thấy một cách toàn diện những cái điều tích cực và tiêu cực của chính ta. Tánh thấy thật nhiệm mầu. Nếu các bạn để ý và cố gắng thực tập cái phương pháp nhìn lại mà Đức Phật dạy, nhìn lại mình để thấy mình, các bạn sẽ thấy được công dụng vi diệu. Những ai thường bị trầm cảm mà biết thực tập hơi thở Chánh niệm Mu A Mu Sa (Mu A Mu Sa là Từ Bi, là yêu thương) là nhìn lại chính mình, thắp sáng tự tâm và yêu thương mình, mang năng lượng tình thương của mình khởi nguồn cho nó luân lưu, mang tâm Trí Tuệ gắn kết với mười phương chư Phật để đón nhận nước Từ Bi, thì những căn bệnh trầm cảm hay những căn bệnh trầm kha sẽ được dịu xuống, chuyển hóa và dần dần hết. Các bạn nào thường phiền não mà không biết tại sao ta phiền não, trở về nhìn lại mình trong Chánh niệm hơi thở, tưới tẩm nguồn ân yêu thương, nhất định bạn sẽ được vui và bình an. Những bạn nào bị cùng đường, bí lối, các bạn cũng hãy trở về nhìn lại mình qua hơi thở Chánh niệm cũng với mật ngôn Mu A Mu Sa, lãnh nhận năng lượng Từ Bi của Phật, bạn sẽ nhìn thấu được chính bạn. Thật vi diệu vô cùng, nhìn lại qua Chánh niệm hơi thở và mang nước Từ Bi Mu A Mu Sa gội rửa là thấy được chính mình, rất là hay.
Bảo Thành đã trải qua kinh nghiệm bao nhiêu năm trời học được pháp môn này của chư tổ và cũng giới thiệu tới thật nhiều với các bạn đồng tu. Chánh niệm hơi thở, Thiền mật song tu Từ Bi – Trí Tuệ quán là một phương tiện giúp cho chúng ta tạo thành một thói quen mỗi ngày luôn nhìn lại cuộc sống của chúng ta. Nhìn lại thôi đã thấy vi diệu rồi, khổ mà nhìn lại để thấy được cái khổ là khổ nó sẽ hết, vui nhìn lại để thấy vui cái vui sẽ tăng trưởng. Và trong cái sự nhìn lại chính mình ta có một sự liên kết mật thiết với chư Phật.
Chúng ta đã từ lâu thực tập cái tấm lòng mở rộng để san sẻ yêu thương với muôn người, một cái danh từ mà ta thường sử dụng, một cái câu chữ mà ta thường lặp đi lặp lại là rải tâm từ, ta rải tâm từ đến muôn người bằng Mu A Mu Sa. Nhưng cái rải tâm từ Mu A Mu Sa không phải là cài đặt trên cái thềm tâm thức của cá nhân, mà là một sự liên kết tới tận cội nguồn Từ Bi và Trí Tuệ của mười phương chư Phật. Chúng ta phải nhớ rằng mười phương chư Phật trong ba đời luôn luôn mọi lúc và mọi nơi rải năng lượng tình thương, Từ Bi của các Ngài xuống tới tất cả mọi loài chúng sanh, chúng ta chỉ cần mở lòng khiêm tốn đón nhận là ta đã đầy ắp năng lượng tình thương của Phật.
Bảo Thành nhớ những thuở xa xưa khi còn sống ở miền quê, người dân quê chất phác và thật thà. Ở dưới cái hiên nhà thường có cái lu, cái bình bự hoặc cái thau, cái xô, cái thùng tùy theo cái phương tiện mà người ta có, người ta đặt dưới cái mái hiên với mục đích là khi mưa nước mưa chảy xuống họ hứng vào để sử dụng. Trong tục ngữ có câu cầu trời mưa xuống để lấy nước tưới cho ruộng, để mình cày trên ruộng, lấy nước mình cấy cày. Mưa Từ Bi, pháp vũ tha lực Phật điển từ mười phương chư Phật luôn rải xuống cuộc đời như những cơn mưa và những ai khôn khéo biết đặt để dưới mái hiên của cái thềm tâm thức, dưới mái hiên của cái ánh mắt biết nhìn lại chính mình, người ấy sẽ hứng được thật nhiều năng lượng tình thương của chư Phật.
Hận thù sẽ giết chết con người, và tình thương sẽ làm cho tất cả mọi vết thương lành lặn lại. Có khi nào bạn hỏi bạn quá nghiêng về với năng lượng tiêu cực, hận thù, moi móc mà quên hẳn đi cái năng lượng tình thương vốn có nơi ta. “Nhìn lại là thấy”, Chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta thực tập để biết cách nhìn lại chính mình trong từng giây phút, để trưởng dưỡng và tăng trưởng năng lượng sống tích cực hàng ngày, không đợi đến cái cuối quý, cuối năm mới tổng kết. Một thói quen nhìn lại chính mình trong Chánh niệm hơi thở là một thói quen tích cực, dẫn đưa chúng ta tới sự thành công viên mãn về mọi mặt và giúp cho chúng ta có được một sự bình an, hạnh phúc, giữ được sự cân bằng trạng thái của mọi cảm xúc khi tương tác với cuộc đời, có lợi cho sức khỏe. Chúng ta không nói đến cái nhìn lại là thấy, “hồi đầu thị ngạn” như chớ thấy lỗi người chỉ nhìn lỗi mình, cao siêu trong các pháp thiền, như câu “phản quang tự kỷ” nhìn lại chính mình. Không! Không cần thiết. Phật tử tại gia cứ hỏi lòng mình đi, phải chăng chúng ta chỉ mong sao người thân trong gia đình được hạnh phúc, được bình an, được mạnh khỏe và chúng ta cũng mong sao cho ta được bình an, hạnh phúc và mạnh khỏe. Trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy, chẳng phải vì chúng ta muốn có hạnh phúc, muốn có bình an rồi chúng ta ngồi chúng ta mơ ước, chúng ta cầu cạnh, chúng ta xin xỏ là hạnh phúc, bình an sẽ tới với chúng ta, điều đó không bao giờ đúng. Phật dạy nếu chúng ta muốn hạnh phúc, muốn bình an, muốn mạnh khỏe, rồi đi thực tập những cái phương pháp thiền quán dẫn đến sự bình an, dẫn đến sự hạnh phúc, dẫn đến sự mạnh khỏe, người ấy sẽ có được bình an, hạnh phúc và mạnh khỏe. Câu này nói thật rõ những điều mơ ước không bao giờ thành nếu chỉ là những ước mơ, mong ngóng chờ đợi ở bên ngoài đưa tới. Nhưng ngược lại, những điều chúng ta mong muốn thành tựu đưa vào sự thực tập, công hạnh tu luyện đúng pháp, đúng phương tiện, đúng nhân duyên ta sẽ thành tựu được điều đấy.
Nhìn lại để thấy, nhìn lại là thấy, đúng, trong cái thời buổi hiện tại loạn ly chiến tranh, con người cứ sùng sục rượt đuổi, nắm bắt quyền lực của những cái cảm xúc dâng trào, thiếu đi sự tịch tĩnh, thường là pha trộn với sân hận, và lúc nào cũng hăng say miệt mài trong những cái ý tưởng kiềm chế, làm chủ cả thiên hạ. Điều này đã dẫn đưa chúng ta tới sự chống kình và triệt phá, hủy hoại lẫn nhau. Thì người Phật tử tại gia của chúng ta rất cần phải nhìn lại chính mình, nhìn lại là thấy, thấy được mình có những cái ưu điểm để phát triển và những cái khuyết điểm để sửa đổi. Lời Phật dạy không nằm ngoài hai chữ “sửa đổi”, chúng ta phải biết sửa, biết đổi thay chính mình, chứ không sửa và thay đổi người khác. Công hạnh tu của thiền mật là gắn kết với chư Phật, khởi nguồn cho tình yêu thương được ứng dụng rộng rãi trong cuộc đời và tình yêu thương đó được lan tỏa bằng cái nhìn sáng suốt Trí Tuệ. Nếu bạn thực hành đúng, bạn có sức khỏe, bạn có sự bình an, hạnh phúc và bạn sẽ thấu được chính bản thân của bạn. Chúng ta hãy tránh sống ở trên đời mà cứ đi nhìn người khác, soi mói người khác. Chúng ta hãy giã từ cái cuộc chơi làm cảnh sát đi săn lùng những cái hiện trường xảy ra nơi người khác để kết án, mà hãy nhìn lại chính mình để sống.
“Nhìn lại là thấy” rất tuyệt vời, người không biết nhìn lại cái tâm sân, cái tâm si và tâm tham, và thường đắm mình trong những cái pháp ác thì dù là một hành động nhỏ trong pháp ác, pháp bất thiện đều dẫn đưa người đó đi vào địa ngục tăm tối và đau khổ. Điều này thật đúng, trong kinh Đức Phật dạy như thế. Kinh Trung A Hàm Đức Phật dạy cái phẩm nói về muối, Đức Phật dạy rằng những ai không biết nhìn lại mình và để cho tâm tham sân si dẫn dắt, nhận chìm, thì dù một việc ác thật nhỏ họ tạo ra sẽ đưa và đẩy họ vào trong đau khổ, phiền não, bất an, dù việc ác đó rất nhỏ nha các bạn. Chúng ta cứ nói “Ôi cái việc bất thiện nhỏ đó, bé mà ăn thua cái gì, ăn nhằm cái gì”. Nhưng không đâu, thua thật đó chứ không phải không thua gì, có vấn đề thật đấy bởi vì tai họa sẽ tới, xui xẻo sẽ tới, chướng ngại sẽ tới dồn dập, nhưng điều như vậy thường xảy ra ta không để ý. Người mà không nhìn lại mình mà cứ đắm đuối trong tham sân si, pháp ác nhỏ thôi, dù nhỏ như một câu nói thô ác, thêu dệt một chút, giả dối một chút, thêm bớt một chút cũng đã gặp họa, miệng mở ra là tai họa tới rồi. “Khẩu xuất hoạ tùng”, mở miệng ra là tai họa tới dù rất nhỏ, khởi lên một tư tưởng bất thiện nhỏ thôi là tai họa tới, một hành động thật nhỏ mà bất thiện tai họa tới và rồi khổ lắm.
Nhìn lại là thấy chứ không có cái gì huyền bí đâu, bạn cứ nhìn lại cuộc đời của mình bạn sẽ thấy, cái thấy đó hữu dụng lắm. Chỉ thấy thôi là đã tuyệt vời rồi, cái thấy khi nhìn lại chính mình có một cái năng lượng để chúng ta sửa đổi được chính mình. Tập nhìn lại mình trong từng giây phút rất tốt. Chánh niệm hơi thở là phương tiện giúp cho chúng ta biết nhìn lại chính mình để thấy được chính mình trong từng giây phút của cuộc sống, thấy rõ. Chánh niệm hơi thở như cái máy quay phim, máy camera 24 tiếng đồng hồ luôn quay tất cả những suy nghĩ, lời nói và hành xử của chúng ta, hay lắm. Ngàn năm xưa Phật đã khám phá ra, chỉ cần thực tập Chánh niệm hơi thở, nhìn lại chính mình là đã thấy mình và có thật nhiều cơ hội phối hợp nhịp nhàng trong cuộc sống của từng giây phút, là hạnh phúc, bình an sẽ tới với chúng ta.
Người biết tu tập Chánh niệm hơi thở, biết tu tập cái tâm của mình, biết quán chiếu tâm Từ Bi, tâm Trí Tuệ, biết Chánh niệm hơi thở thì dù có tạo ra một cái nghiệp ác nhỏ hay nghiệp ác lớn đều dẫn đưa họ tới sự nhìn thấu để sửa, mà tìm được bình an, thoát khỏi cảnh địa ngục. Kinh A Hàm nói như vậy trong phẩm Muối, Đức Phật dạy ví như một cái biển nước mênh mông thì một giọt nước thả xuống cũng không vơi đi vị mặn, người thực tập Chánh niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ có vị mặn của sự giải thoát thì một giọt nước của ác nghiệp rớt xuống cũng sẽ bị hòa tan, không có lăn tăn một chút sóng nào. Nhưng nếu chỉ một chén nước nhỏ bỏ vô một muỗng muối thì nó sẽ mặn đắng, mặn chát. Người không thực tập Chánh niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán thì dù một việc ác thật nhỏ thôi cũng như một chút muối bỏ vào cái ly nước sẽ mặn. Những người thực tập Chánh niệm hơi thở biết nhìn lại để khởi nguồn yêu thương và nhìn thấy bằng Trí Tuệ, tâm người đó sẽ mênh mông như biển, để dù một chén mực tàu cũng chẳng làm đen được cái biển nước mênh mông kia và họ sẽ có cơ hội dung thoa màu đen của ác nghiệp khi họ tạo ra. Trong đời chúng ta thường nói “Tôi chỉ làm sai có một chút thôi tai họa đã tới, nhìn kìa cái người ấy làm việc ác sao chẳng có gì”. Chính vì cái người ấy làm việc ác nhưng họ thường xuyên biết nhìn lại, biết Chánh niệm, biết Từ Bi, biết Trí Tuệ từ kiếp trước cho tới kiếp này, nay việc ác họ có khởi lên thì chẳng khác gì như một giọt mực tàu thả vào đại dương mênh mông. Còn ta dù việc ác nhỏ chẳng khác gì giọt mực tàu nhỏ vô cái ly nước của chúng ta nó đen thui.
“Nhìn lại là thấy”, thấy để sửa, người thường xuyên biết nhìn lại bằng Chánh niệm, người ấy khi tạo tác những cái pháp ác họ luôn nhìn thấy và chuyển hóa kịp thời và pháp ác đó dẫn đưa họ tới cái nhìn viên dung để thành tựu. Còn người không thực tập nhìn lại bằng Chánh niệm hơi thở, khi pháp ác họ tạo ra năng lượng tiêu cực sẽ đẩy họ vào phiền não và đau khổ, như trong kinh nói sẽ đọa họ xuống địa ngục, điều này thật đúng.
Các bạn, trong cái thời buổi mà con người thường bị lôi kéo thật nhiều bởi những cái cảnh ở bên ngoài và trong cái thời buổi mà những người thương gia biết khai thác cảm xúc và những hiện trạng tâm lý để lôi kéo chúng ta mà làm giàu cho họ, thật khó để cho chúng ta được bình yên, tự tại nhìn lại mình, bởi người ta biết tạo ra thật nhiều cảnh hấp dẫn để moi móc tài trí, sức lực và tịnh tài của chúng ta cho tới khi cạn kiệt và chết đi. Chết rồi mà những cái người làm ăn còn biết khai thác để làm ra tiền, các bạn thấy chưa? Đừng nghĩ rằng khi còn sống họ mới lợi dụng, họ tìm đủ mọi muôn cách, đủ mọi muôn cách để lấy tiền của ta, ta chết rồi họ vẫn lấy tiền được của ta và của người yêu thương. Hay lắm, quyền lực và đồng tiền luôn luôn là cái động lực thúc đẩy cho họ tìm đủ mọi phương kế để kéo ta đi. Chánh niệm hơi thở là giúp cho chúng ta như con thuyền được thả neo ở ngoài đại dương, sóng có đập vào vẫn đứng yên chẳng di dời, để từ đó ta có thể định hướng, minh định lại cuộc đời của chính mình.
“Nhìn lại là thấy”, thấy được chính mình sẽ có được bình an và hạnh phúc, công hạnh tu tập Chánh niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán nhiệm mầu vô cùng, bởi mỗi người chúng ta sẽ có thật nhiều những cái lu, có thật nhiều những cái thùng thật lớn, những cái bể thật lớn, thật lớn đặt ở ngay hiên nhà của chánh tâm, để đón nhận mưa ân điển từ mười phương chư Phật luôn rải xuống cho chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ thiếu nước, chúng ta không cần phải cầu trời mưa xuống bởi từ cõi trời mênh mông vô tận kia, các chư Phật, các chư Bồ Tát luôn luôn rải năng lượng tình thương xuống cho chúng ta. Nếu chúng ta biết nhìn lại là chúng ta thấy được các Ngài luôn chiếu cố đến mọi chúng sanh. Và chúng ta biết cách Chánh niệm là chúng ta biết hứng nước năng lượng tình thương của Phật, để chữa lành mọi vết thương lòng của ta và của người, để cuộc sống của chúng ta bình an và hạnh phúc, để chúng ta ngừng hẳn những cuộc chiến của nội tâm, soi mói những người ngoài, để chúng ta giải ngũ bản thân không còn làm cảnh sát để truy sát, đuổi cùng giết tận những người ở bên ngoài, soi mói tìm bới rồi thì chúng ta quên chính mình đi, trở thành con sâu chui vào bụng người.
Các bạn, hãy nhìn lại chính mình qua Chánh niệm hơi thở để thấy. Chủ đề “Nhìn Lại Là Thấy” nó rất thực dụng trong đời sống của Phật tử tại gia, không nhất thiết phải trở thành một vị thiền gia cao siêu như trong kinh Bảo Đàn. Bảo Đàn kinh, các bậc tổ nói: phản quang tự kỷ là phận sự, là công việc của mỗi người, là nhìn lại để thấy, là công việc của mỗi người chúng ta hàng ngày. Chánh niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán giúp cho chúng ta có một cái nhìn lại để thấy được mình, chỉ cần nhìn trong Chánh niệm hơi thở, nhìn suy nghĩ, nhìn cảm xúc, nhìn hành động, thực tập thường xuyên ta sẽ có được cái tánh nhìn lại và tánh nhìn này sẽ giúp cho chúng ta bình an lắm. Bạn thử thực tập đi, khi một ai đó họ đang chửi bạn bạn tập Chánh niệm và nhìn họ chửi, nhìn thôi mới đầu bạn nhìn sẽ thấy tức giận, nhưng một lúc sau bạn sẽ thấy bạn biết mỉm cười khi nghe người ta chửi bạn. Tánh nhìn vi diệu lắm, khi bạn sân lên bạn cố gắng Chánh niệm hít vào thở ra, nhìn cái sân của mình bạn sẽ có được một sự trải nghiệm rằng cái sân đó nó mất luôn nó không còn nữa. Khi bạn phiền não mà bạn không biết hôm nay tại sao phiền não, tại sao buồn, tại sao đau khổ, bạn chỉ cần hít vào thở ra nhẹ nhàng, nhìn lại cái phiền não, nhìn vào cái phiền não, cái khổ, cái khó chịu, cái bực bội nó đang xảy ra đó với cái hơi thở Chánh niệm, là bạn thấy những cái cảm xúc đó nó lặng yên, biến mất. Còn nếu như bạn tự giác tác động khởi nguồn Từ Bi Mu A Mu Sa và bật đèn Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì bạn lại có cơ hội nhìn thấu được cội nguồn của sự phiền não, đau khổ, khó chịu kia, nhìn thấu nó sẽ chẳng bao giờ trở lại với chúng ta, chỉ nhìn thôi nó đã mất, mà nhìn thấu thì nó sẽ được chuyển hóa toàn diện.
Thiền mật song tu Chánh niệm hơi thở là một pháp quán chiếu Từ Bi – Trí Tuệ cần phải được thực hiện hàng ngày qua sự đồng tu, để chúng ta không ngồi cầu, ngồi mong, ngồi chờ mà chúng ta thực hành pháp nhiệm mầu này một cách rất bình thường bằng hơi thở, để thành tựu được những điều phi thường. Hãy đồng tu, hãy cho mình một cơ hội để có sự trải nghiệm nhìn lại là thấy, thấy là hết khổ, là lìa khổ, thấy là hết phiền não, là lìa phiền não. Và thấy khi nhìn lại chính ta, cái thấy ấy sẽ giúp cho chúng ta thành được tựu được sự bình an, hạnh phúc, và cuộc sống của chúng ta nhất định sẽ có ý nghĩa như một bông hoa thơm dâng hiến cho cuộc đời.
Các bạn, mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta cùng trở về Chánh niệm hơi thở Từ Bi, Trí Tuệ quán. Thưa Phật! Xin Phật gia trì cho chúng con luôn biết Chánh niệm tỉnh thức Từ Bi Trí Tuệ quán để nhìn lại chính mình, để thấy được chính mình.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay, nếu tạo được một chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới.