Search

Bài 2246. Tự Cho Mình Lương Thiện

Thu Hằng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta với một lòng thành kính hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa Phật! Chúng con một lòng thành kính nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, để xoa dịu đi sự phiền não, đau khổ và chuyển hóa sự sợ hãi, giúp cho tất cả những vị lãnh đạo các quốc gia có được sự bình tĩnh, khởi nguồn yêu thương, ngồi lại với nhau bàn thảo để chấm dứt chiến tranh, kiến lập nền hòa bình trật tự cho thế giới. Nguyện cho tất cả chư vị hương linh vì chiến tranh vừa qua mà phải ra đi hãy theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Nguyện cho những người còn sống trong sự sợ hãi tìm được sự bình an nơi tự tâm.

Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Như người nông dân chăm chỉ, biết tưới nước cho những mầm mống đã gieo trồng vào lòng đất, đồng tu chúng ta cũng chăm chỉ lãnh nhận nguồn nước Từ Bi tình thương, tha lực Phật điển siêu thế từ mười phương chư Phật tưới tẩm vào trong tâm của ta và tất cả mọi người ta yêu thương. Nguyện cho hơi thở Chánh Niệm vào ra với sự sáng suốt bằng Trí Tuệ, quán chiếu năng lượng Từ Bi, nhìn thấu vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Bảo Thành kính chào các bạn! Các bạn đồng tu thân mến, trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi mỗi một ngày ban sáng có sự đồng tu, ban tối có những bài giảng được gắn vào để nhắc nhở và sách tấn các bạn cũng như bản thân của Bảo Thành đừng có giải đãi, mà siêng năng tu tập. Cuộc đời rất cần sự miên mật liên tục trong sự tu, bởi nhiều đời chúng ta đã tạo ra quá nhiều những ác nghiệp, không thể tu một chút, tu một ngày là có thể gội rửa, chuyển hóa hết phiền não, đau khổ và ác nghiệp, không thể. Dĩ nhiên sự đồng tu của Bảo Thành các bạn đã thấy thật khác biệt, chẳng phải bật cái YouTube lên là chúng ta nghe được những cái lời chia sẻ gọi là giảng pháp. Không! Dĩ nhiên đó là một phần ở giữa, nhưng khúc đầu và khúc cuối hoàn toàn khác, bởi Bảo Thành và các bạn đã phát nguyện lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, thắp sáng trên con đường đi từ mê đến giác, lấy Từ Bi làm năng lượng tình thương của chư Phật để gội rửa, để nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Do vậy mà chúng ta có 7 biến của hai mật ngôn để quán chiếu tâm đại từ đại bi là Mu A Mu Sa và trí tuệ để thấu được vạn pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Từng hơi thở trong Chánh Niệm chúng ta hít vào, trước nhất hơi thở Chánh Niệm nhẹ nhàng dịu dàng trầm xuống dưới huyệt đan điền và khí hải, bụng dưới, dưới rốn của chúng ta theo cơ thể học, hay nói thêm một chút nó tác động vào luân xa số 1 ngay đại huyệt của mạch nhâm đốc, từ đó nó vận hành lên số 2, số 3, số 4, số 5, số 6, số 7, liên kết với nhau thành một mạng mạch năng lượng của thân. Do sự tự lực Chánh Niệm của hơi thở tiếp cận với tha lực Phật điển của mười phương chư Phật mà cơ thể mỗi người chúng ta có sự cảm ứng đạo giao với năng lượng đó. Chính vì sự cảm ứng đó, ta có cái đề mục quán chiếu năng lượng của Từ Bi và năng lượng của Trí Tuệ. Chỉ là đề mục, chỉ là phương tiện nhưng mang lại sự lợi lạc cho thân được khỏe. Nhất định những ai tập Thiền Mật Song Tu thân dần sẽ khỏe lên, những chứng bệnh lâu đời sẽ lộ ra để ta tăng trưởng phước báu mà chuyển hóa, mà phòng ngừa, tâm của chúng ta sẽ sáng hơn, nhìn rõ được mọi tạo tác của chính mình. Từng hơi thở Chánh Niệm vào ra, từng mật chú trì thật trầm bổng, sự chấn động của thân và tâm, đề mục miên mật được quán chiếu, chúng ta dần dần như phù sa dạt vào bờ, kết tụ lại tạo thành một miền đất trù phú sẵn sàng cho ươm mầm mống của những chủng tử thiện lành gieo trồng vào những việc phước hạnh, thiện đức.

Các bạn, sự tu như vậy thật tuyệt vời, ta không chỉ nghe để nhận thức thêm về nhiều góc độ khác biệt trong cuộc đời mà mỗi người Phật tử tại gia thường va chạm để chúng ta hiểu thấu và có sự đồng cảm cùng với nhau. Thực tu thực chứng vẫn song song với sự đồng tu, đó là kết quả rất tuyệt vời. Mỗi người chúng ta phải trực diện với thật nhiều những nhân duyên khác biệt của cuộc đời mỗi ngày, vì nghiệp duyên của chúng ta kết tụ nhiều đời. Mỗi một chủ đề gửi về của các bạn, khi mỗi sớm mai thức dậy chủ đề đó được hiện hình trên màn ảnh do các bạn gửi về là sự chứng tỏ chúng ta đồng hành với nhau, mang những cái thổn thức trong tâm để gợi ý chia sẻ.

Chủ đề các bạn gửi về ngày hôm nay “Tự Cho Mình Lương Thiện”. Ở trên đời này, Bảo Thành và các bạn ai ai cũng thế, cái gì của mình đều tốt, cái gì thuộc về mình đều tốt và dĩ nhiên ta mà, lúc nào không lương thiện, người nhà của ta lúc nào không lương thiện, hành động của ta lúc nào không lương thiện, suy nghĩ của ta lúc nào không lương thiện. Hai chữ “lương thiện” như cái mác được gắn lên cuộc đời của chính mình. Do đó khi nhiều việc xảy ra với ta, những cái chuyện trái ý không phù hợp, ví dụ như đau khổ, phiền não, thất bại được gán cho sự xui xẻo, tai họa, chúng ta liền thốt lên “Trời ơi! Cả cuộc đời tôi làm việc thiện không à, cả cuộc đời tôi sống rất hiền lành mà không hiểu sao những cái chuyện xui như vậy còn tới, tai họa như thế còn ập tới cuộc đời”. Các bạn để ý đi, Bảo Thành và các bạn vướng vào cái cố tật đấy, chuyện gì xảy ra không như ý, thất bại, đau khổ, phiền não, liền than “Tôi tốt như thế, tôi hiền như thế, tôi lương thiện như thế, tôi có làm gì đâu nên tội nên tình, người ta chửi tôi, người ta chê bai tôi, người ta đâm thọc tôi, người ta nguyền rủa tôi, người ta từ bỏ tôi”. Cứ thế mà liệt kê không biết bao nhiêu những cái sai lầm không thích, để chứng tỏ rằng ta là người lương thiện, là người hiền lương, là người lành. Nếu chuyện xảy ra với người thân, ta cũng nói “Trời ơi! Người anh, người em, người chị, người vợ chồng của tôi hiền như vậy, lương thiện như vậy mà gặp những cái chuyện xui, gặp người ấy vu oan giá họa, gặp người ấy đối xử thậm tệ”.

Có phải chăng cái cách suy nghĩ này quá quen thuộc đối với chúng ta? Bởi có, Bảo Thành suy nghĩ như vậy, các bạn cũng từng suy nghĩ như vậy, chuyện xảy ra đối với mình, với gia đình người thương, ta liền mang cái chữ ta rất lương thiện, rất hiền lương, rồi gán ghép một cách gượng ép, người lành, người thiện, người hiền lương, thường hay gặp xui xẻo, còn gắn thêm một cái mác thật hài hước: những người hiền thường hay chết sớm, vậy dữ một chút để sống được thọ. Hình như cách lý luận nó ngược ngạo, trái với chân lý kia nghe nó ngọt ngào, nghe nó êm ái. Để rồi chân lý chẳng cần tư duy, cứ thế mà tạo ác để sống thọ, bởi đời thường nói người hiền chết sớm, người lương thiện thường gặp xui, nên sống ác một chút mà sống thọ, sống ác một chút để thành công. Thật là tội nghiệp cho mỗi người chúng ta, khi đã nghe và thấu hiểu được lời của Phật nhưng những cái lý luận như kia xiên xẹo không vững, chẳng đúng, hoàn toàn sai vẫn lọt vào lỗ tai. Thật tội nghiệp cho bản thân của Bảo Thành và các bạn!

Các bạn, có khi nào các bạn suy nghĩ như vậy không? Bảo Thành chắc chắc các bạn đã từng suy nghĩ như vậy. Bởi suy bụng ta ra bụng người, Bảo Thành đã làm như vậy, suy nghĩ như vậy, tư duy và nhìn vào bản thân của mình thì cũng thấy các bạn như thế. Trong quá khứ nhiều lần sự việc xảy ra như bị vu khống thì Bảo Thành cũng tự thốt lên “Tôi rất hiền, tôi đối xử tốt mà, tôi có làm gì đâu sao họ vu khống”. Đây là cái phản ứng tất yếu của mọi người, Bảo Thành nói là tất yếu bởi khi đụng như vậy ta luôn luôn nhìn thấy mình lương thiện, mình tốt, mình hiền, mình tử tế mà sao người ta đối xử thậm tệ, vu khống, hàm oan với ta. Các bạn có thấy nhột nhột không? Là bởi vì nó đúng quá mà, chính ta đã từng suy nghĩ như vậy. Nếu các bạn không thấy nhột, không thấy rằng các bạn có suy nghĩ như vậy, luôn tư tưởng như vậy, các bạn chắc có lẽ là những bậc dị nhân, ngoại lệ, sống ở ngoài những chân lý bình thường phàm phu. Còn những người bình thường như Bảo Thành và những người bình thường như các bạn chắc hẳn dưới nhiều góc độ luôn luôn suy nghĩ như vậy. Tự cho mình lương thiện là một cái tật không có tốt đâu, bởi khi chúng ta tự cho mình lương thiện là chính chúng ta đã tạo điều kiện cho cái chủng tử của cống cao ngã mạn, của sự tự đại có đầy đủ những dữ kiện để hiện hình, để tác yêu, để tác quái.

Cái mầm mống này nó xuất hiện từ thuở rất nhỏ, chắc có lẽ trong chúng ta đã có cái gen di truyền của sự bảo vệ một cách rất hiển nhiên rằng chúng ta luôn đúng và lương thiện. Trở ngược lại thời còn rất nhỏ, Bảo Thành nhớ trong gia đình các anh em của Bảo Thành khi còn nhỏ, khi có một chuyện gì đó sai trái, sai quấy bị cha mẹ rầy la thì luôn luôn ấm ức ở trong lòng, không dám nói đâu, ấm ức thôi và nghĩ ở trong bụng, ở trong bụng nó có cái tiếng nói “Con có làm gì sai đâu mà sao cha mẹ lại mắng lại chửi?”. Rồi khi lớn lên ở cái tuổi mà vị thành niên 13, 14, 15 đó các bạn, tuổi đó thích chứng tỏ cái bản lĩnh của mình, khi cha mẹ rầy la hoặc cô giáo trong trường thấy mình sai mà khiển trách, chúng ta lúc đó không còn nghe tiếng nói trong bụng nữa mà chính miệng mình thốt lên “Con có làm cái gì đâu mà cha mẹ chửi, con có làm cái gì sai mà thầy cô nhắc nhở”. Chắc chắn câu này các bạn và Bảo Thành đã lặp đi lặp lại thật nhiều khi tuổi trẻ cũng như cái tuổi vị thành niên. Và khi lớn lên cũng vậy mà, khi xích mích vỡ nhặt ta cũng từng nói “Tôi có làm gì đâu, tôi có làm cái gì đâu, tôi rất hiền đó nha, tôi lương thiện lắm đó, chứ còn mà tôi không có hiền, tôi mà không lương thiện là có chuyện lớn rồi, tôi hiền đó nên tôi chịu, tôi mà dữ dữ như người bình thường tôi dọng một cái là chết”. Hình như dù từ ngữ dân dã nhưng mà nó có.

Người học Phật phải chân thật, phải nhận ra rằng chúng ta thường tự bảo vệ mình và cái sự bảo vệ đó được che chở bằng những cái mỹ từ “mình lương thiện”. Trong cái suy nghĩ mình lương thiện và luôn luôn tự cho mình lương thiện đó, chúng ta dễ bị những cái âm thanh, những cái tiếng vọng của cô hồn nó cám dỗ, của bất thiện nghiệp nó dẫn, của những năng lượng tiêu cực nó nhập vào, nó gá vào, nó điều khiển chúng ta. Đi vô chùa tụng kinh, chuyện bất như ý xảy ra kể cho bạn nghe, bạn nói “Tôi đã nói rồi, đi tu là nghiệp nó đổ đó, nó đổ xuống đầu đó, tu đi”. Nghe chột dạ sợ ngay, nghĩ tới “Ờ ha! Xưa giờ mình không tới chùa, không có tu, không nghe pháp, không Chánh Niệm hơi thở chẳng thấy chuyện gì xảy ra. Mà từ cái thuở nghe kinh, nghe tiếng chuông, tiếng mõ, nghe tiếng hơi thở Chánh Niệm vào ra, đồng tu, sao mà nhiều chuyện xui quá”. Khởi lên sự suy nghĩ như vậy ma vương liền nhập vào trong tâm, thì thầm thì thầm lôi kéo, thế là chùa vắng bóng một người, tiếng chuông tiếng mõ ta chẳng còn nghe, đồng tu ta cũng bỏ luôn, việc thiện chẳng làm bởi người đời ghép cho: “đổ nghiệp đấy cứ đi từ thiện đi, xui xẻo nó xảy ra rồi khó đỡ”, sợ.

Chúng ta không có Chánh Niệm để nhận định khi ai đó nói với chúng ta rằng vào chùa tu, đọc kinh, tiếp cận với các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc, hoặc đọc kinh nhà Phật nghe để hiểu, tụng kinh để mà thấu, đồng tu để Chánh Niệm nhìn rõ nghiệp nó đổ mà tin theo là tin theo ma vương và chấp nhận để cho ma vương đẩy và xô chúng ta xuống địa ngục. Chính vì trong ta luôn luôn có cái sự tự cao, tự đại và tự hào cho mình là luôn lương thiện, nó đã làm mù lòa đôi mắt Trí Tuệ, không nhìn thấu được những bất thiện nghiệp đã tạo ra, lúc nào cũng khư khư, ư ư ôm lấy ta đây mà. Các bạn nhìn kỹ coi đúng không? Mà những cái tiếng thì thầm “Đi tu là đổ nghiệp đó nha, tụng kinh là đổ nghiệp đó nha”, sợ thật, thôi ác một chút, bất lương một chút mà sống thọ, mà không gặp xui xẻo, mà không gặp tai họa, từ từ tính sau. Thế là chẳng thèm tu. Tự cho mình lương thiện nguy hiểm lắm. Chưa kể đến cái chuyện lúc nào cũng cho mình là lương thiện, dương oai tự đắc, vỗ ngực xưng tên, từ thiện thì ít nhưng xưng danh thì nhiều, bố thí thì ít nhưng khoe khoang cho cả làng cả xóm biết, tu chẳng bao nhiêu mà đánh chuông đánh trống cho rình rang cả thiên hạ, chuyện này có.

“Tự cho mình lương thiện” là một loại vi khuẩn gặm nhấm làm sụp đổ cái tiếng tăm vào Tam Bảo, bào mòn đi phước báu và công đức, và làm biến mất toàn bộ cái niềm tin vào chính bản thân của chúng ta, và thả cửa tạo cơ hội cho ma vương hiện hình, dẫn dắt tạo nghiệp. “Tự cho mình lương thiện” luôn luôn có trong chúng ta và chính vì cái tánh này mà chúng ta đã không có cơ hội để có được con mắt Trí Tuệ, nhìn thấu được tinh thần Vô Ngã để nhận diện ra sự có mặt của bất thiện nghiệp nhiều đời ta đã kết lại để chuyển hóa. Con đường tu của Phật tử tại gia là một con đường chuyển hóa song song với sự bề bộn của cuộc đời. Người xưa dạy đó, thứ nhất là tu tại gia, nếu các bạn tại gia, Phật tử tại gia mà tu được, các bạn là đệ nhất võ lâm. Nếu các bạn tại gia mà tu được là các bạn tu được tuyệt kỹ võ lâm, các bạn là minh chủ cái thế tự trị nơi bản thân. Các bạn phải nghe cho thật rõ, các bạn là minh chủ cái thế tự trị cho bản thân, chứ không phải tự trị gia đình, xã hội, bạn bè đâu nha. Thứ nhất là tu tại gia, ai muốn ngồi lên cái ngôi minh chủ tự trị bản thân của mình mà sửa, tự trị đó, Bảo Thành nói cho đúng kinh chút xíu là làm chủ được cái tâm của mình đấy, thì tại gia là môi trường thuận lợi nhất. Ai muốn làm chủ cái tâm, ai muốn tự trị bản thân, ai muốn quản lý chặt chẽ chính mình thì tại gia là môi trường thích hợp. Chẳng phải là cao sơn, rừng sâu, núi thẳm, thiền viện u uất ở trong cái cõi sương mù hoặc tới những bậc cao nhân chứng đắc, tóc bạc phơ, chân mày bạc trắng. Không! Mà chính là nơi gia đình có ông bà, có cha mẹ, có vợ chồng, con cái, anh chị em, bà con, sự chung đụng hàng ngày với những người yêu thương đó như cái hòn ngọc được mài dũa càng ngày càng sáng, “ngọc bất trác bất thành ngọc”. Tâm không va chạm trong cuộc sống của gia đình chẳng thể hiển minh tánh Phật, cho nên người có thể làm chủ được tâm, môi trường phù hợp chính là gia đình. Người xưa đã nói thứ nhất là tu tại gia, do đó Bảo Thành từ những buổi đồng tu đầu tiên và mãi mãi luôn hướng tới Phật tử tại gia, bởi Bảo Thành thấy rằng trong gia đình của chúng ta, trong thế gian này mỗi một gia đình có quá nhiều những viên ngọc cao quý, những phẩm hạnh tuyệt vời. Bởi Bảo Thành thấy mỗi một gia đình và trong thế gian này có quá nhiều những viên kim cương lóng lánh, không vẩn đen, sáng lắm, cho nên thích đi vào cõi nhân gian nơi gia đình để tầm kiếm những viên ngọc quý.

Nếu các bạn đừng cho mình lương thiện thì các bạn nhất định sẽ ở một cái thế đứng vững chãi, để mài dùi viên ngọc kia cho sáng mỗi ngày khi va chạm vào những góc cạnh của cuộc đời tại gia. Đừng khi nào cho mình lương thiện, để chúng ta có một sự bình tĩnh trong Chánh Niệm, nhìn thấu được tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời, dù thuận hay nghịch, dù hài lòng hay không hài lòng, dù tốt hay xấu đều thấu rõ rằng nó tới là bởi tất cả các nhân quả thiện ác nhiều đời do chính ta và trong ta có sự lẫn lộn như vàng thau lẫn lộn giữa ác và thiện. Do đó khi sự việc xảy ra không như ý, đừng vội cho mình là lương thiện để oán trách trời đất, để rồi bị mê hoặc vào những cái từ ngữ mà dân gian nói: tu đổ nghiệp, người hiền chết sớm, người ác sống thọ, người gian manh thì có lợi về tiền tài, thành công nhiều, người hiền lương mấy ai làm ăn được đâu. Đó là những cái lời thì thầm của ma vương, nguy hại vô cùng, cần phải được nhận định thật rõ mà nó thường thì thầm thủ thỉ thật gần với ta “Ôi! Kẻ hiền chết sớm, vậy thôi sống thọ một chút bằng cách làm ác”. Các bạn có nghe cái câu nói rằng: người hiền chết sớm không? Có, Bảo Thành nghe nhiều lắm, cứ ai mà chết sớm là nói người hiền chết sớm đó. Cái câu mà người hiền chết sớm là một thông điệp ma quái, ngầm dẫn ý cho chúng ta hãy làm ác đi để được sống thọ, mà đời ai cũng muốn sống thọ, rồi đời để sống thọ ai cũng muốn làm ác, sai, hoàn toàn sai.

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy, dù sống một giây hay một ngày mà biết được nhân quả thiện ác, làm được việc thiện còn hơn sống cả trăm năm, cả ngàn kiếp mà không biết nhân quả, tạo ác. Đấy, đấy là chân ngôn của Phật dạy: thà sống một giây, một ngày mà thấu hiểu được nhân quả thiện ác để làm thiện, còn hơn sống một trăm năm, vô lượng kiếp mà chẳng hiểu được nhân quả, tạo ác mỗi ngày. Bạn lựa chọn cách sống nào? Phật dạy như thế, người đời thì nói ngược lại ở hiền chết sớm, ở ác sống thọ. Thích quá! Hai chữ Thọ hình như thường chúc cho nhau tăng long phước thọ hoặc đi tới những khu chợ lớn có chữ gọi là Phước Lộc Thọ, ở bên Huê kỳ có khu Sài Gòn gọi là Little Sài Gòn bên Orange County đặt tên là Phước Lộc Thọ. Người ta muốn Thọ phải làm ác đó các bạn ơi, bởi người hiền chết sớm mà. Cái Thọ đó chẳng ưa, bởi người ta quên cái chữ Phước ở đầu để được Thọ, người ta đã tráo trở đánh tráo đi. Phước thì mới tạo ra Lộc, làm phước, làm từ thiện, sống thiện lành mới tạo ra cái lộc, mà cái lộc do cái phước thiện ta tạo mới tăng được tuổi thọ. Nhưng ở đời những người thường bị ma quỷ cám dỗ, không có cái niềm tin vững vào Tam Bảo, đánh tráo cái chữ Phước đi, chỉ còn chữ Lộc, Thọ và gắn vào điều đó là làm ác thì có lộc. Bởi vì kẻ buôn bán với cái tâm ác thường tạo được tiền, giàu có nhiều và kẻ thiện, kẻ lành chết sớm, nên kẻ ác có lộc mà tăng thêm tuổi thọ. Trời ơi là trời! Tráo trở như thế mà nghe, nghe nó xuôi tai, nghe nó xuôi buồm mát máy, nghe nó sướng quá, nó thích. Chữ Phước chẳng còn, ác thì giàu có, người càng thủ ác càng giàu, người hiền chết sớm, ác đi, nó khích như vậy, nó khích tướng như vậy đó. Vậy mà cứ làm bởi người hiền thường chết sớm, dân gian cứ đồn, cứ đãi. Đãi vàng thành cát chứ ai đãi cát thành vàng, đãi lời vàng ngọc của Phật thành rác rưởi. Có Phước mới có Lộc, mới có Thọ, nay đãi cái Lộc, Thọ kia thành rác rưởi là ác, nghe thấy rùng mình mà vẫn thích. Lạ kỳ trong cõi nhân gian! Lạ kỳ trong cõi nhân gian! cứ điều mà thánh thiện thì chuyển thành ác nhân, người hiền chết sớm, ác đi cho thọ. Các bạn, đó hoàn toàn là sai.

Hôm nay chủ đề “Tự Cho Mình Lương Thiện” dễ dẫn cho chúng ta tới cái bờ vực thẳm của lòng tự cao, tự mãn, sai lầm, mê lầm, mù lòa để làm sai và làm ngược lại chân lý Phật dạy. Thiện là tốt bởi Đức Phật dạy hãy làm những việc thiện, từ bỏ những việc ác để tâm ý thanh tịnh thì ta phải từ bỏ những việc ác. Siêng năng lương thiện là đúng. Siêng làm việc thiện bởi chúng ta hiểu lời Phật dạy: thà sống ở trên đời một giây, một ngày mà biết được nhân quả thiện ác, nương theo pháp thiện mà hành, còn hơn sống một trăm năm, vô lượng kiếp làm ác không biết nhân quả. Bởi Phật đã dạy: nhìn rõ những hiện tượng xảy ra để thấu được nhân quả tiền kiếp đã tạo mà chuyển hóa, nay thấy những chuyện bất như ý xảy ra đừng vội vàng, đừng vội vàng than rằng ta lương thiện mà sao ghê gớm xảy ra như thế, mà hãy bình tĩnh hít vào thở ra, nhìn cho thấu để nhận ra những cái ác nghiệp nhiều đời, những cái nhân xấu nhiều đời ta tạo nay trổ quả. Có gì đâu, như người nông dân sớm tối biết chăm sóc vườn ruộng của mình để bắt sâu, khơi nước cho nó vào. Hoặc những người trồng cây kiểng, trồng bông biết chăm sóc, tưới tẩm, cắt tỉa. Nhìn thấy những chuyện không như ý thì chúng ta là những người nghệ thuật chăm sóc cho cái cây kiểng tâm linh được tốt, thì cần phải tỉa chứ có gì đâu phải sợ. Cây càng được chăm sóc sẽ đẹp sẽ, sẽ khỏe, người càng lương thiện và càng chăm sóc cho sự lương thiện sẽ sống thọ.

Bởi thật rõ ràng, người lương thiện là tạo được Phước, người làm việc thiện là tạo được Phước, có Phước thì có Lộc, có Thọ. Không tin ra Little Sài Gòn ở California chúng ta sẽ thấy Phước Lộc Thọ, không tin ta cứ hỏi các bậc trưởng lão, cha mẹ ông bà, hoặc không tin ta cứ mở sách ra đi, ba chữ đó chữ Phước đứng đầu Phước Lộc Thọ. Mà để có Phước rõ ràng Phật dạy, các chư tổ dạy, các bậc cổ đức dạy, cửu huyền thất tổ dạy, ông bà cha mẹ dạy, nền giáo dục chính nghĩa đều dạy lấy cái đức làm đầu. Đức thì bằng những cái việc phước. Việc phước thật rõ là từ thiện, bố thí, phóng sanh. Từ thiện, bố phí là tạo phước, người biết phóng sanh, từ thiện, bố thí người đó sẽ có lộc trời ban cho, chẳng cầu xin ai hết, người đó sẽ trường thọ, bởi chính vì mình tạo phước bằng bố thí, từ thiện và phóng sanh, đây là 3 pháp để làm phước. Bố thí, từ thiện, phóng sanh là ba cái phương tiện thiện xảo để tạo phước. Người tạo phước được ba cái phương tiện là bố thí, từ thiện và phóng sanh này người đó sẽ có được lộc của Phật, của Bồ Tát, của chư Thiên, của trời ban tặng, của Hộ Pháp bảo vệ cho chúng ta, người ấy sẽ trường thọ với trời đất. Nhớ, các bạn, người hiền thì có lộc và trường thọ. Đừng quá gượng gạo ép ra cái chữ “người hiền chết sớm” để thủ ác là sai, sống chết ở trên đời đều do cái thọ mạng và hạnh nguyện của mỗi người, chẳng phải do hiền mà chết sớm, ác mà sống thọ. Các bạn nhớ phải xóa sổ những cái câu thành ngữ gian trá của ma vương lồng vào cái tiếng nói thì thầm ở trong đời. Kẻ hiền chết sớm, thủ ác sống thọ là sai, lời đó là lời của ma. Lời của Phật là hãy làm thiện bỏ việc ác, thấu nhân quả mà sống hiền lương, dù một giây hay một ngày còn tốt hơn sống cả trăm năm, vô lượng kiếp mà làm ác, không thấu nhân quả.

Các bạn, chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Thưa Phật! Chúng con đã thấu hiểu và từ nay phát nguyện sẽ không tự cho mình lương thiện nữa, mà luôn ghi nhớ lời Phật dạy hãy làm việc thiện, từ bỏ việc ác, giữ tâm thanh tịnh. Chúng con lại nhớ tất cả các cái lộc và sự sống trường thọ với thọ mạng lâu dài từ khởi nguồn bởi cái chữ phước, phước báu. Phước báu chúng con nhất định sẽ có bằng ba pháp phương tiện thật rõ: từ thiện, bố thí và phóng sanh. Xin chư Phật, chư tổ gia hộ cho con, cho tất cả các bạn đồng tu hiểu thấu mà thực hành.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình thế giới. Xin chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn