Search

Bài 2243. Quét Rác Vườn Tâm

Bảo Đăng đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Chúng con cũng xin Phật gia trì cho chúng con luôn tinh tấn tu học, biết thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhận rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh Niệm, hít vào thở ra nhẹ nhàng, quán tưởng đến lòng đại Từ đại Bi của mười phương Chư Phật, quán tưởng tới ánh sáng Trí Tuệ của Chư Phật, nhớ tới những người thương yêu, các đấng bậc sinh thành, rải năng lượng Từ Bi tới muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(14:34) Kính chào các bạn! Hôm nay chúng ta lại gặp nhau để đồng tu với chủ đề “Quét Rác Vườn Tâm”. Chủ đề đẹp quá: “Quét Rác Vườn Tâm”! Rác thì ai cũng biết quét rồi, hồi nhỏ ai cũng được mẹ hoặc những bậc lớn tuổi dạy cho cầm cái chổi để quét rác, điều đó ai cũng biết mà; vườn thì ai cũng biết, nhà mình không có vườn đằng trước cũng sẽ có vườn đằng sau, còn nếu không có vườn thì cũng có cái sân, sân trước và sân sau. Nhưng khi nói chữ “vườn tâm”, không biết nó ở đâu để cho chúng ta có thể cầm được cái chổi mà quét rác. Khi được ấn định quét rác ở sân trước sân sau hoặc vườn trước vườn sau, chúng ta liền xác định thật rõ được chỗ cần phải quét và nhìn thấy thật rõ rác, đồng thời cũng có cây chổi tức là phương tiện để quét rác. Nhưng bốn chữ “quét rác vườn tâm” không biết có cây chổi thể loại gì để có thể quét được rác nơi vườn tâm, và không biết nơi vườn tâm của mỗi người chúng ta có những thể loại rác rưởi như thế nào, chúng ta có nhìn thấy không, có phương tiện để quét không, và vườn tâm kia nó ở chỗ nào để ta có thể quét được? Nếu thật sự thấy được tâm và trong vườn tâm ta thấy rõ thể loại rác rưởi, đồng thời có phương tiện để quét thì cái gọi là tu sự giải thoát quá dễ dàng, dễ lắm; nhưng đâu phải vậy phải không các bạn?

Trong hàng Phật tử tại gia của chúng ta, rác ở trong tâm mà Đức Phật nói, đó là sự chấp; chấp vào nhiều hình tướng, tướng của sắc cũng như tướng của thân, tướng của âm thanh, tướng của cảm giác, tướng của mùi vị, tướng của những điều ta ngửi được, ta hình dung, ta tưởng tượng; ta chấp tướng mà. Mê nên chấp, chấp càng mê và dính mắc vào những điều đó, ôm cho chặt vào chẳng buông, tưởng là vàng bạc châu báu rồi cái tâm chặt cứng, chẳng còn chỗ để thoáng nhìn thấy những đẹp hơn. Phật tử tại gia, ta có hàng trăm hàng ngàn những sự luôn luôn biến động trong cuộc đời và nếu nói bỏ hết, quét sạch hết, làm sao bỏ, làm sao quét? Chuyện phải thức dậy sớm lo cho con cái, rồi đi làm, lật đật cho tới chiều trở về đón con, bếp nước, ăn uống, gia đình, ôi đủ thứ, đủ thứ ở đời khi đi làm, đủ thứ ở đời khi trở về lại mang theo, cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như vậy và cái kết của cuộc đời người Phật tử là gì? Đã không còn tin vào lời của Tam Bảo, không còn tin vào lời của các bậc tôn túc khai thị, dẫn dắt, mang lời bậc giác ngộ để truyền dạy cho chúng ta nữa. Vì sao? Vì chúng ta thấy nói thì ai nói cũng được, nhưng làm không có dễ. Quét rác ở vườn tâm mà, ai nói chẳng được. Ngày nay người có khiếu văn chương nghiên cứu một chút, chịu khó đọc, kinh sách đầy ở trên mạng, lời giảng đầy ở trên mạng, chẳng khan hiếm như thuở xưa, thuận lợi quá, kinh gì muốn, gõ trên phone (điện thoại) là Google cho chúng ta biết ngay. Chẳng nhọc công đi tới chùa gặp các bậc sư phụ, các bậc tôn túc để nghe giảng nghe dạy, bởi lời giảng cũng gắn ở trên mạng rồi, chẳng cần tới chùa, chẳng cần gặp các thầy, gặp ở trên mạng là đủ rồi. Dần dần chùa vắng bóng, chẳng còn Phật tử; rồi dần dần các bậc tôn túc cũng không có hàng đệ tử nữa, bởi phương tiện quá thuận, cần chi đến chùa, cần chi đến ông thầy, các bậc tôn túc nữa, trên mạng đầy kìa, lên đó mà tìm, thích vị nào thì nghe, không thích gạt bỏ qua, chẳng mất lòng; đó là tâm lý chung của thời đại phát triển về kỹ thuật. Về phương tiện đó thuận lợi, rất tốt để mọi người có thể tiếp cận được với những lời giáo dưỡng của Phật trong mọi hoàn cảnh bận rộn của đời sống, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi. Chân lý của Đức Phật ngoài sự hiểu biết qua văn; chúng ta thường nghe tới tam học tức là Văn – Tư – Tu, nghiên cứu về những lời Phật dạy gọi là Văn, kiến thức đó, học cho thông, mang vào tư duy gọi là Tư, tư duy, suy nghĩ, trải nghiệm, cuối cùng thực hành gọi là Tu. Văn – Tư – Tu, ba câu chữ này thường được nghe trong hệ thống Phật giáo gọi là tam học; rất quan trọng!

Bảo Thành chia sẻ để thấy rằng từ khái niệm về cuộc sống và phương tiện hiện đại, chúng ta bắt đầu đã xả rác thật nhiều, xả rác từ tâm chẳng còn biết kính trọng, kính trọng tam bảo. Rác bắt đầu tuôn ra từ sự giải đãi không tiếp cận với các bậc thiện tri thức, từ sự khinh khi những lời Đức Phật dạy bởi đầy rẫy ở trên mạng. Và dần dẫn tới lời Phật như những câu chữ, những luồng văn chương đọc nghe cho biết, phai mờ đi chẳng còn nhận định đó là chân lý thực hành. Thiếu gì những Phật tử tại gia kinh sách thuộc làu, đụng chuyện là có thể diễn thật hay, nhưng nhìn vào đời sống chẳng chút bình an, vườn tâm rác rưởi tràn ngập cả lên. Quét rác vườn tâm ta trở về quét rác vườn tâm thôi, bởi bấy lâu bận rộn chuyện sớm ngày.

Các bạn, có câu chuyện kể về thời Đức Phật. Có hai huynh đệ đều làm đệ tử của Phật, người sư đệ tên là Bàn Đặc, còn người sư huynh tên là Châu Lợi Bàn Đà. Hai huynh đệ đều theo Phật học đạo, nhưng sư đệ Bàn Đặc có lẽ giống tên được dịch ra – cái đầu hơi đặc, học không hiểu, lại không nhớ lời Phật dạy. Còn sư huynh là Châu Lợi Bàn Đà đầu óc lanh lợi, trí nhớ thì tốt, lời Phật dạy đều biết giảng lại cho mọi người nghe và nhắc lại cho đồng môn sư huynh đệ nghe được. Sự khác biệt đó dần dần thì người sư đệ Bàn Đặc bị người ta khinh, học không nhớ, nghe không có hiểu và người ta gọi sư đệ Bàn Đặc là cù lần, còn sư huynh tiếng tăm lẫy lừng trong tăng đoàn, đồ chúng ai cũng mến bởi có trí nhớ, có tài thuyết pháp. Đức Phật thấy thương cho ông Bàn Đặc, một hôm gọi ông ta tới trao cho ông ta cái chổi và nói rằng quét rác, chỉ dạy cái chổi quét rác và khuyên ông ta không cần phải nhớ lời của Đức Phật, chỉ nhớ rằng Thế Tôn giao cho cái chổi, nhiệm vụ là quét rác ở các vườn chung quanh chỗ an trú. Và chỉ có bốn chữ là chổi quét rác thì tay cầm chổi, hành động đi đứng qua lại quét rác, cứ lặp đi lặp lại, ông ta nhớ Đức Phật đưa cái chổi để quét rác. Cũng may đầu chẳng nhớ nhiều nhưng cái tay cái chân cứ phải bước và quét đi quét lại hành động đó mỗi ngày. Cái chổi Phật giáo quét rác sớm ngày. Dần dần tâm tịnh, ý tưởng thanh cao. Và đúng vậy, dần dần ông ta ngộ ra, rác thì nhiều hay ít tùy theo từng mùa, bởi lá cây rụng vào mùa thu nhiều nên rác nhiều. Bốn mùa thay đổi, rác nhiều hay ít tùy thời, chẳng bao giờ hết rác, quét thì cứ quét, vườn sạch rồi lại dơ, rác đi rồi rác lại tới. Hiểu được, dần dần thấu, hiểu rồi đi đến chữ thấu, hiểu được sự vô thường của lá xanh, lá vàng, lá rụng, lá rơi, quét đi cho sạch vườn tâm của mình. Thế là ông Bàn Đặc đã chứng đắc được cảnh vô thường sanh diệt và thành tựu được bậc A-la-hán. Còn người sư huynh năng khiếu diễn kinh, trí nhớ thì nhiều, lại bận rộn quá, chứng đắc A-la-hán chưa tới thời.

Câu chuyện này nhầm nói tới hàng Phật tử tại gia của chúng ta, có lẽ chúng ta không quá dở như ông Bàn Đặc là cù lần không nhớ, nhưng chúng ta quá bận rộn như người sư huynh, bận lắm! Chúng ta giỏi ở đời, giỏi làm ăn, nên vùi đầu vào trong kinh tế thương trường để làm giàu. Chúng ta giỏi về tư duy học nên chăm chuốt cho các kiến thức thật cao, bằng cấp. Chúng ta lại có nhan sắc tướng hảo đẹp, thích se sua cho nó nuột nà. Chúng ta lại có con mắt thẩm mỹ để kiến tạo nhà cửa lộng lẫy như những lâu đài dát vàng, dát ngọc. Chúng ta lại có cái lưỡi, lưỡi hoàng đế để có thể thưởng thức trăm ngàn những hương vị ở đời, (lưỡi hoàng đế là bởi vì ông hoàng đế ngày xưa ăn nhiều, lưỡi quen mùi trần tục thế gian), ngửi qua là biết mùi gì rồi và như thế ngũ dục tràn đầy. Ta bận rộn, ta không như con cù lần như ông Bàn Đặc, nhưng ta như con lật đật cứ lật lên lật xuống, tìm bới cho những điều vừa kể, thì còn đâu, còn đâu vườn tâm một thuở trong sáng kia, thu tới lá rụng lá rác tràn đầy. Chổi không có rác thì quá nhiều, lật đật suốt ngày mệt quá còn đâu để quét, và thế là chúng ta làm sao? Chúng ta thuê người ở để dọn dẹp, người ở đó là gì? Trong đời sống tâm linh người ở đó là thuê tới sự cúng kiến, giải hạn, giải xui. Người ở đó là gì? Là mê tín dị đoan, tu chi cho cực, bỏ tí tiền mua ít chuối, ít hoa, ít quả, bỏ tí tiền thuê mấy vị thầy, mấy vị thầy tu cầu kinh cúng kiếng là xong.

Đấy, chuyện như vậy đấy. Cho nên ngày nay người tu thì ít nhưng rác rưởi thì nhiều, để sạch chỉ cần thuê. Thật đau lòng khi người Phật tử tại gia lại nghĩ rằng các bậc tôn túc xuất gia như một ngành nghề để kiếm tiền, ỉ vào thế mạnh tài giỏi của cuộc đời, có tiền nhiều chẳng còn chữ trân quý thỉnh một vị tăng để tới giảng dạy kinh gọi là cúng dường trai tăng, mà khinh khi các vị như một công việc cần làm, bỏ ít tiền thuê là đủ rồi. Còn đâu, còn đâu chữ ngày xưa đẹp biết bao mà chư tổ, chư thầy, ông bà thường nhắc “Tăng Đáo Phật Lai”. Một vị tăng, một vị xuất gia tới nhà như Phật hiện tiền ở trong nhà đấy, ý nghĩa cao cả tăng đáo Phật lai đã mất, tăng đến nhà, tăng có nghĩa là những bậc xuất gia như Phật ghé qua, hết rồi, hết rồi. Bởi tăng ngày nay đã được Phật tử nghĩ như một chức vị, như một chút việc để bỏ tiền ra thuê quét rác ở trong tâm. Mang ý nghĩa là cúng sao giải hạn, tẩy rửa ô uế trong nhà, chú nguyện gì gì đó cho làm ăn hanh thông. Điều đó hình như đúng.

Các bạn, cái chổi mà Đức Thế Tôn trao cho ông Bàn Đặc để quét rác, dĩ nhiên Đức Phật đã dạy cho ông Bàn Đặc phải nhìn ra được rác và phải dùng cái chổi để quét rác. Chúng ta ở hoàn cảnh Phật tử tại gia cũng được Đức Phật ghé ngang vào cuộc đời, gọi riêng ra nhắn nhủ cặn kẽ: “Con ơi, các con bận rộn quá, vườn tâm rác rưởi nó đầy rồi”. Nhưng Phật lại trao cho chúng ta một cái chổi tuyệt vời, cái chổi của Thiền Mật song tu, cái chổi của tâm đại từ đại bi, cái chổi của trí tuệ bừng sáng. Thiền Mật song tu Từ Bi, Trí Tuệ quán Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là cái chổi siêu thế Phật trao cho chúng ta. Ở đời gặp siêu nhân là mừng rồi, cho nên khi coi những cuốn phim về siêu nhân thấy bay bay bay bay làm muôn chuyện như người hùng ta thích, sao không lãnh nhận chổi siêu thế từ bi, trí tuệ của Phật còn hơn siêu nhân, chẳng cần bay, trụ một chỗ mà vườn tâm sạch rác. Thế mới gọi Phật tử tại gia nếu sẵn lòng thành kính, thấu được tăng đáo Phật lai, thấu được phương tiện Phật trao truyền lãnh nhận thấy. Và lấy đó như phương tiện tuyệt vời để quét rác, thì tâm hồn thanh tịnh lắm, phiền ưu sẽ chẳng còn. Nào là rác chấp tướng, chấp tình, chấp tiền, chấp quyền lực, chấp vật chất, chấp những thứ mà chúng ta hưởng thụ ở trong đời, chấp quá trời, chấp nhiều lắm. Họ nói một câu ta cũng chấp ta vịn vào, ta đào, ta bới, trở thành mồ mả để chôn luôn người ta. Ta nhìn thấy một điều gì qua các cách ăn, cách nói, cách sống ở đời của người khác, ta cũng bới, cũng đào, riết thành mồ mả để chôn sống họ luôn. Mấy ai nghĩ đó chính là mang rác về đâu, rác nhiều nhất mà chúng ta tự nuốt vào ở trong tâm, đó là rác rưởi của những lời gian dối, của những lời thêu dệt, của những lời đâm thọc, của những lời thô ác, gọi là nghiệp dữ, nghiệp ác tới từ miệng, Phật giáo gọi là khẩu nghiệp. Rác ở miệng tuôn ra nhiều lắm, ăn thì muốn ăn thứ ngon, nghe thì muốn nghe lời tốt đẹp. Nhưng từ cái miệng ăn đồ ngon ta lại tuôn ra chẳng phải là châu báu ngọc ngà mà toàn là rác rưởi hôi tanh.

Hãy nhớ ông Bàn Đặc không có trí tuệ siêu xuất để nhớ nhưng rất may mắn được Phật trao cho chổi để quét rác, chổi quét rác thế thôi mà thành A-la-hán. Chỉ có thế, hít vào thở ra chánh niệm từ bi, quán chiếu trí tuệ, chỉ có vậy, chỉ có đơn giản như vậy ai cũng có thể lặp lại lặp đi, ai cũng có thể thực hành. Nhưng bạn biết không, ta sẽ thực sự nhận rõ được các thể loại chuẩn rác nơi tâm, ta tuôn ra che lấp đi ánh minh giác ngộ của chính mình, phủ kín thềm tâm thức, làm cho vô minh bao bọc, chẳng còn chỗ để thấy được chân tướng sự thực của cuộc đời. Chúng ta đồng tu mỗi ngày như ông Bàn Đặc quét rác ở vườn, sự đồng tu của chúng ta là một phép màu cho những ai lắng đọng tâm quán chiếu nghe cho thấu. Chẳng đơn giản như người đời thường nghĩ, để rồi cứ giỡn mặt với tử thần, giỡn mặt với rác rưởi, giỡn mặt với uế trượt. Đến khi tai họa xui xẻo ập tới lại mang tiền đi thuê các bậc thầy về cúng kiến – sai! Đó là đang đào mồ chôn thân. Phải nhìn thật rõ rác nơi vườn tâm là rác của ngũ dục, của ham muốn, của tham dục, của chấp, nhận rõ được rác đó và nhận lãnh phương tiện siêu thế thiền trí tuệ và từ bi Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta sẽ trở nên như ông Bàn Đặc, sẽ trở thành người được đánh thức, được tỉnh giác, để sống an vui và hạnh phúc.

“Quét Rác Vườn Tâm” cần phải có cái chổi của trí tuệ để nhìn thấu các thể loại rác, nhìn thấu được sự vô thường sanh diệt của bốn mùa, sinh lão bệnh tử, xuân hạ thu đông, và cần có phương tiện từ bi như nước để rửa sạch, để tẩy sạch, để làm cho bụi bặm đừng bay lên. Các bạn còn nhớ, thuở còn nhỏ cha mẹ dạy cho chúng ta nếu ai từng quét rác ở cái sân, sân nền đất ở bên ngoài chứ không phải sân mà chúng ta đổ đầy hết những xi măng cốt sắt ngày nay. Hồi nhỏ Bảo Thành thường quét rác ở sân đất, mình cứ ỷ sức chẳng có sự nhìn và suy nghĩ đúng, thấy rác là mang chổi ra quét ầm ầm, ầm ầm, quét càng mạnh bụi đất bay lên càng nhiều, làm sặc sụa hết, rồi sao? Rồi cha mẹ mới ra dạy “Con ơi! Trước khi quét rác con lấy nước tưới lên, rồi khi con quét sân nước sẽ làm cho bụi không bay đỡ sặc sụa và không khí trong lành”. Đúng đúng, những ai từng quét rác của thuở xa xưa ấy đều nhớ lời dạy của mẹ của cha thật đúng, dù chỉ là một lời dạy thật nhỏ, tưới nước lên sân quét thì chẳng có bụi. Nước từ bi Mu A Mu Sa tưới tẩm lên nền tâm thức của mỗi người, thì dù rác rưởi ngàn đời vô lượng kiếp có dày đặc, hôi thối, bụi bặm tới cỡ nào thì cái chổi trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang kia chỉ quét nhẹ thôi nó sạch ngay mà không có bụi bặm. Những ai thường tu Thiền Mật song tu mỗi một ngày trong hai năm qua cùng với Bảo Thành; hoặc là mới tu thời gian gần đây, nhất định đã có sự trải nghiệm khi ứng dụng cái chổi của trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và nước từ bi Mu A Mu Sa. Để trở thành ông Bàn Đặc chẳng nhớ kinh nhiều, chẳng diễn kinh nhiều, nhưng thật khiêm tốn, thật từ tốn quét rác mỗi ngày ở vườn tâm. Chúng ta lại còn có cơ hội nhìn thấu được bốn mùa sinh lão bệnh tử xoay vần, để chẳng sợ trước sự vô thường sanh diệt hàng ngày bởi thấu. Ta đã chuyển hóa được cái ngã cống cao, để trở thành một người rất bình thường, quét rác giữa vườn tâm của chính mình. Rồi lại thấu được chẳng mang rác nơi ta mà đổ vào cuộc đời của người khác. Người biết quét rác vườn tâm sẽ không bao giờ làm nhơ nhuốc tâm của người khác, người ấy biết thúc liễm thân tâm, làm sạch bản tâm của mình. Và luôn luôn giữ cho hương đức hạnh được lan tỏa tới những người sống gần gũi, chẳng chấp. Người ấy khi biết quét rác nơi vườn tâm bằng phương tiện siêu thế từ bi trí tuệ quán, sống đời khiêm tốn nhẹ nhàng, có sự trải nghiệm yêu thương lan tỏa, biết san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, biết chánh niệm và từ bi, biết phóng sanh và từ thiện, biết thúc liễm cuộc đời sống giản dị.

Các bạn, lời của Đức Phật dạy và phương tiện cái chổi siêu thế trí tuệ và nước từ bi để gội rửa đã có sẵn. Nếu các bạn hiểu thấu được điều này đừng cầu kỳ chi như ông Châu Lợi Bàn Đà diễn kinh cho xuất sắc, học cho nhiều. Ta là Phật tử tại gia bận rộn quá, bận rộn quá, mà lại chạy đua theo thể loại gọi là vũ trang kiến thức để đấu đá tranh giành, để hý luận, để bàn luận, thì chẳng khác gì cõng rắn về cắn gà nhà, giết chết bản tâm chân thật của mình. Thôi thôi, khờ khờ một chút như ông Bàn Đặc nhưng được Đức Phật tới thật gần và nói: “Con ơi! Thôi mà quét rác đi, Phật trao cho con chổi quét rác”, cứ quét rác bằng cái chổi Phật trao, nhất định, nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ sạch hết mọi phiền não, sẽ sạch hết. Quét đi sự hận thù, quét đi sự ghen tuông, tranh chấp, hơn thua, quét sạch, quét sạch tất cả những sự dơ dáy từ thân ngữ ý, và mang nước từ bi tưới tẩm rửa sạch. Hữu xạ tự nhiên hương, quét rác rồi tâm sẽ tỏa hương, mười phương Chư Phật, Bồ Tát Thánh Hiền đều hay. Có chi mà xả rác nhà người, rồi đi bêu xấu cho đời bất an?

Các bạn ơi! Chúng ta là Phật tử tại gia xoay vần trong 24 tiếng, ngoài những giờ ngủ nghỉ, đa sự quá, nhiều chuyện quá. Chữ “buông” lặp lại dễ thôi, mấy thời có thể xả buông hả các bạn, mấy thời chúng ta mới có thể đã buông được chuyện đời trong thế sự này? Nói dễ nhưng cũng chính vì cứ nghĩ rằng nói dễ khó làm ta giãi đãi chẳng tu, chứ thực ra nếu nhận được phương tiện siêu thế, cái chổi của trí tuệ và nước từ bi ta sẽ trở thành ông Bàn Đặc chứng đắc Alahán. Tăng đáo Phật lai, đừng giải đãi, đừng lười biếng, đừng không tự mình đứng dậy quét rác vườn tâm mà cứ lao đầu vào trong vườn ngũ dục, kiếm cho nhiều tiền cho có quyền lực, thể hiện uy quyền, thuê mướn các vị thầy về cúng kiếng, đó là sai, đang tự xả rác trong vườn tâm của chúng ta. Hãy như ông Bàn Đặc, biết tri ân Đức Phật đã ghé vào cuộc đời trao cho cây chổi và dạy cho quét rác. Mỗi khi chúng ta tiếp cận với các bậc tôn túc mà ta có căn duyên phù hợp, chẳng khác gì là lãnh nhận được cái chổi để quét rác. Mỗi khi chúng ta thọ nhận được một pháp môn phù hợp với căn duyên tu, thì chẳng khác gì có được cái chổi để quét rác, vườn tâm sẽ sạch, an lạc sẽ tới, hạnh phúc sẽ tràn đầy. Nhớ, rác trong tâm phải tự mình mà quét, phương tiện Phật trao chỉ cần như ông Bàn Đặc chủ động quét rác sẽ chứng đắc. Đừng để cho cuộc thuế trong thời đại phát triển quá nhanh, biến chúng ta có sự suy nghĩ lầm lạc, không còn gắn kết thực hành lời Phật dạy. Đừng để cho những cái miệng trong thế gian này lôi kéo xúi giục, để chúng ta đánh mất đi sự tôn trọng đối với Tam Bảo. Ở đời xàm xí quá nhiều, họ phỉ báng chê bai, lừa gạt chúng ta xa miền chân tâm, té vào sự khinh miệt, coi thường Tam Bảo. Dĩ nhiên trong cuộc đời bốn mùa thay đổi, lá xanh rồi tới lá vàng, lá rụng xuống đất, tràn đầy nơi sân, chỉ cần quét rác sớm ngày, vườn tâm thanh tịnh thì còn gì để cho các bạn mong cầu trong cuộc đời này nữa? Chỉ cần vườn tâm thanh tịnh, an lạc, hạnh phúc sẽ tới, sức khỏe sẽ có, phiền não sẽ sạch, đau khổ chẳng tới được đâu.

Chúng ta nhớ, hãy nhớ rằng Phật không từ bỏ những người bận rộn như chúng ta là Phật tử tại gia, Phật luôn tới với chúng ta và Ngài tìm đủ mọi phương tiện để trao bửu bối cho chúng ta đó. Mà Bảo Thành khẳng định thật rõ, bửu bối mà các bạn lãnh nhận được từ Phật này nôm nay qua Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi gọi là trí tuệ từ bi quán, là một phương tiện siêu thế, là một cái chổi của những bậc siêu nhân, của nhân bậc siêu phàm, sử dụng để quét rác vườn tâm. Nếu bạn lãnh nhận được chổi trí tuệ từ bi thiền quán, hãy cố đồng tu với Bảo Thành; hoặc tự thân tu tập hàng ngày nhất định rác vườn tâm sẽ sạch.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy trở về với hơi thở, để cùng nhau quét rác vườn tâm của mình qua Thiền Mật song tu từ bi trí tuệ quán, qua hơi thở chánh niệm.

Hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Thưa Phật! Chúng con xin lãnh nhận cái chổi thần kỳ của phương tiện từ bi trí tuệ quán, nguyện một lòng quét rác nơi vườn tâm. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con thành tựu được phép quán này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Trong sự đồng tu trở về với phương tiện Thiền Mật song tu, Trí Tuệ, Từ Bi quán để quét rác vườn tâm, nếu chúng con thành tựu được chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn