Search

Bài 2205. Hố Sâu Tội Lỗi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta trong ngày cuối của năm 2021, hãy thành kính quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi, năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thể thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Chúng con đồng nguyện cho tất cả mọi chúng sanh đều thành Phật và đệ tử chúng con tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành của mình.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Hôm nay ngày cuối năm, một lòng thành kính hướng về ba ngôi Tam Bảo, thể nhập vào ánh sáng Trí Tuệ của bậc toàn giác, gắn kết với nguồn suối năng lượng vĩnh cửu Từ Bi của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta hãy lãnh nhận và rải tới cho tất cả những người yêu thương của chúng ta. Nguyện xin chư Phật luôn chúc phúc cho chúng ta và ban tràn đầy hồng phúc xuống cho cuộc đời nhỏ bé trong từng hơi thở vào ra của chúng ta.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(15:09) Mô Phật! Các bạn! Hôm nay ngày cuối của năm 2021, ở bên Mỹ Bảo Thành đang sống là buổi sáng thứ sáu ngày 31 tháng 12 năm 2021, ở Việt Nam là tối thứ sáu. Chỉ vài tiếng nữa, các bạn ở Việt Nam và nói chung trên toàn thế giới sẽ bắt đầu tưng bừng đón năm mới. Nhưng vẫn còn ở năm cũ các bạn ạ! Năm cũ nói chuyện cũ theo chủ đề, theo chủ đề một cách thật tích cực, không có tiêu cực đâu! Nếu chủ đề làm cho các bạn sợ và tiêu cực, cùng nghe với Bảo Thành để chúng ta được giải tỏa và nhận thấy chủ đề tuyệt vời như là một sự tổng kết của một năm, của một đời người.

Chủ đề “Hố Sâu Tội Lỗi”, ý thức về tội lỗi, khái niệm về tội lỗi đã hình thành từ thuở rất xa xưa khi con người thời tiền sử đứng trước những nguy biến của thiên nhiên như bão tố, lũ lụt, đại hồng thủy, núi lửa, hỏa hoạn, bệnh dịch, các chướng ngại xảy tới trong cuộc đời mà thời đó con người không hiểu được, cũng chẳng biết tại sao, và nhìn thấy cái sức mạnh của thiên nhiên được dùng thuở xưa cũng như ngày bây giờ vẫn dùng, tức là sức mạnh của tạo hóa. Hai chữ “tạo hóa”, sức mạnh của thiên nhiên dần dần hình thành một đấng – một đấng tạo ra tất cả. Đó là lẽ tự nhiên của sự hiểu biết thời sơ khởi. Và là thụ tạo, là con người, là vạn vật được tạo bởi đấng tạo hóa. Mọi hiện tượng xảy ra thời đó, người ta đều nghĩ rằng do tạo hóa tạo ra. Nếu tạo hóa tạo ra con người và rồi để cho đại hồng thủy, núi lửa phun, hỏa hoạn, các tai biến xảy ra giết hại con người, thì con người chỉ nghĩ rằng có lẽ vì chúng ta tội lỗi quá nhiều, chẳng nghe lời tạo hóa, cho nên bị tạo hóa trừng phạt. Cứ từ những khái niệm nhỏ như vậy hình thành những hệ thức tôn giáo, những ý thức hệ tôn giáo, những giáo lý, những định nghĩa về tội lỗi của các tôn giáo hình thành. Cũng theo điều đó, thời xưa từ những bậc gọi là trưởng thôn, trưởng lão, trưởng làng rồi đến quan quyền, vua chúa, họ mặc định họ thay trời để tế nhân độ thế. Quyền lực của họ có thể trừng phạt, giết, và khi họ trừng phạt, giết hại ai, những người đó đều được vua chúa, quan quyền cho là có tội. Nó cũng hình thành từ cái tư tưởng rằng không thể hiểu và bị khuất phục bởi một cái sức mạnh mà con người chưa hiểu, chưa thể tránh.

Dần dần khái niệm và định nghĩa về tội lỗi của Tây phương hòa nhập vào tôn giáo được khởi sinh từ Trung Đông. Người ta nhận định và định nghĩa rằng tội lỗi đã có trước khi chúng ta sinh ra. Bởi khi chúng ta sinh ra, là sinh ra bởi tội lỗi, tội nguyên tổ. Rồi tội đó liên kết với những tội bất tín, không nghe lời của tạo hóa, của thượng đế, không làm theo để rồi bị trừng phạt. Cứ lưu truyền mãi gần 15 thế kỷ, con người sợ hãi và bị tội lỗi ràng buộc, bị tội lỗi kềm chế, vì nhìn thấy tội là phạm đến thượng đế, phạm đến ơn trên và trên sẽ trừng phạt, sợ sự trừng phạt cho nên tội lỗi như là một điều gì đó làm cho con người thật hoảng sợ. Đó là về Tây phương, còn về Đông phương của chúng ta, tội lỗi cũng hình thành như thế, khái niệm định nghĩa cũng như thế nhưng nền giáo dục nó khác biệt và tôn giáo khai sinh cũng khác biệt. Chúng ta thường có tội, có lỗi, nếu nói đến người Việt Nam thì là tội lỗi đối với gia tiên, với ông bà, cha mẹ, đó là cách nhìn thật bình thường, nhận thức trong nền giáo dục của Đông phương chúng ta. Rồi các bậc thầy lớn dần tổng hợp lại như thầy Khổng Tử gom lại những khái niệm tội lỗi và tổng hợp thành một nền giáo dục tội lỗi của con người. Và dần dần những tôn giáo được khai sinh mang cái ý nghĩa tội lỗi đó.

Sau thế kỷ 15, vào thế kỷ 16 và 17, khi các nhà bác học khám phá ra thế giới của vũ trụ mênh mông vô tận. Như bác học Galileo đã tìm ra trái đất hình cầu, vũ trụ là mênh mông vô tận, các tinh cầu xoay quanh nhau, không còn như khái niệm thuở ban sơ trời và đất là mặt phẳng, ở dưới là hố sâu, là địa ngục và nước, để rồi khi con người phạm tội, thượng đế sẽ phạt xuống địa ngục và biển lửa thiêu đốt đời đời. Những khái niệm đó được sáng tỏ và nhận thấy những cái tín lý cổ xưa, sự văn tự kết lại đã không còn phù hợp nơi con người bắt đầu mở rộng, hay nói theo danh từ hiện tại là giảm giá khái niệm tội lỗi, xả kho khái niệm tội lỗi và tội lỗi không còn cứng ngắc như xưa mà nó nhẹ hơn, nhẹ hơn, nhẹ hơn. Và mỗi một thập kỷ sau đệ nhị thế chiến cho tới bây giờ, người ta đã lột dần, lột dần, khoa học phát triển quá nhanh, người ta lột dần khái niệm và định nghĩa về tội lỗi, để rồi tội lỗi chẳng phải là cái đáng sợ bị trừng phạt ở bên trên nữa, theo hai chữ gọi là “tự do” và “nhân quyền”, sống và sự quyết định riêng tư của mỗi người, chúng ta có quyền sống và quyết định.

Chuyện bao nhiêu thập kỷ trước thời ông bà mình, nói đến chuyện sát sanh thí dụ như phá thai, tội đó thật không bao giờ ai dám nghĩ tới. Nhưng ngày nay, đó như là một quyền sống tự quyết của người phụ nữ, của người đàn ông, của những người đang sống. Những khái niệm gọi là đánh tráo ý thức về tội lỗi được thay đổi theo đà khoa học phát triển và sự tự do nhân quyền đôi khi đã xả kho quá đáng về ý thức tội lỗi của con người trong đời sống. Và ngày nay, làm sao chúng ta có thể thấy được sự thanh thoát nhẹ nhàng của thời 50, 45, 30 trước, ông bà, cha mẹ sống thong dong và tự tại, hiền hòa và an yên, ý thức được từng cái suy nghĩ tạo ra tội, từng cái ngôn ngữ trong giao tiếp, từng cái hành động trong xử thế? Ông bà, cha mẹ ta rất cẩn trọng và dạy dỗ cho chúng ta phải luôn luôn ý thức được điều đó, nghĩ ngay, nói ngay và hành động của chúng ta phải ngay thẳng. Nhưng ngày nay, sự tiến bộ của khoa học mang Tây phương và Đông phương hòa nhập với nhau, và qua nhiều thế kỷ, người Tây phương đã tới Việt Nam – Đông phương của chúng ta. Và rồi nền văn hóa của Tây phương đã hòa trộn quá mạnh quá nhanh, ý thức tội lỗi của Đông phương ngày nay mờ dần, không còn nữa, mà hòa nhập vào với thế quyền của con người tự do, dân chủ, nhân quyền, để rồi tội lỗi như một điều không còn tồn tại thực sự mà con người hãy sống thỏa thích cho cái quyền tự do của kiếp này. Những chuyện gây ra đau lòng, đau khổ, phiền não cho người khác, ta chẳng bao giờ ý thức tới, bởi khoa học phát triển, người ta thấy hình ảnh của thượng đế mờ dần thì đâu có ông trời nào trừng phạt nữa đâu mà sợ. Và người ta cứ nói rằng nếu có ông trời trừng phạt tội lỗi, thì biết bao nhiêu kẻ đại tội, đại gian, đại ác trong thế giới này phải bị trừng phạt rồi. Không trừng phạt! Thì thượng đế đã lẩn trốn không trừng phạt những kẻ có tội như thế thì những kẻ tội nhẹ nhẹ như chúng ta, thượng đế sẽ khoan dung hoặc thượng đế chẳng có. Từ đó mà con người xả giàn tạo tội, chẳng lo lắng.

Chúng ta không đào sâu vào góc độ đó để đi vào nền triết học của tội lỗi xuất khởi từ khái niệm hoặc từ nhóm dân tộc nào, tôn giáo nào. Nhưng cách đây 2560 mấy năm Đức Phật đã nói về tội một cách hoàn toàn khác biệt, chẳng phải là chúng ta làm mất lòng thượng đế để rồi thượng đế trừng phạt bằng phun lửa, lở đất chôn chúng ta, dìm xuống địa ngục bởi không nghe theo Ngài, không làm theo lời của Ngài dạy mà Phật định nghĩa tội lỗi chính là nghiệp. Cũng sinh ra có tội trước và chúng ta sinh ra cũng có nghiệp, nhưng không trọn vẹn là nghiệp ác để gọi là tội mà còn lẫn lộn giữa nghiệp thiện, thiện – ác lẫn lộn. Và nghiệp tức là tội của chúng ta đó, chẳng phải là có lỗi với ông trời, với Phật, với ai hết, mà là lỗi với chính chúng ta. Tội đó chẳng phải ông trời trừng phạt vì ta không nghe mà bởi vì chúng ta khởi lên từ suy nghĩ, từ lời nói và từ hành động, mọi tạo tác từ thân – ngữ – ý, định nghĩa về tội thật là sớm cách đây 2560 mấy năm trước. Và nếu như để ý, thì ngay trong giây phút đó, con người thời đó và ngay bây giờ đọc được những định nghĩa như vậy về nghiệp, về tội thì chúng ta đã thoát ly ra khỏi sự trừng phạt và ràng buộc giữa thượng đế và chúng ta. Và hiểu thấu rằng tội lỗi là do chính ta tạo ra, trách nhiệm chúng ta phải chịu, chẳng phải là thượng đế trừng phạt để rồi ta gán ghép cho thượng đế là hung hăng, là hung tàn, là sân, là giận, là ác.

Bao nhiêu thế kỷ rồi, thượng đế đã bị hàm oan bởi cái hiểu sai lầm về tội lỗi của con người và sự nhìn thấy thiên nhiên hùng vĩ biến đổi của nhân duyên. Cho nên thượng đế hầu hết đã trở thành tội đồ của nhân loại vì luôn luôn trừng phạt, luôn luôn cầm trịch để có thể phán xét, hành hạ con người. Nhưng Đức Phật đã giải phóng, đã giải thoát chúng ta, bởi Ngài nhìn thật là rõ tội là do mỗi người chúng ta tạo ra, tội lỗi do ta tạo ra từ thân – ngữ – ý. Ý thức được tội lỗi như vậy trong suy nghĩ, trong lời nói, trong việc làm là chúng ta đã tăng trưởng cái trách nhiệm đối với bản thân, để không đánh mất hoặc làm mờ đi một phần sự sống linh thiêng quan trọng hơn ở trong chúng ta đó chính là đời sống của tánh Phật và phẩm cách của con người hòa trộn trong tội lỗi, và phẩm tánh của Phật là trong sáng, là an lạc. Chúng ta đang sống trong tội lỗi với phẩm cách của con người chất chứa tham – sân – si để phải đương đầu với bệnh hoạn, với phiền não, với đau khổ mà quên đi phẩm tánh cao cả của Phật là kết tinh của sự an lạc, là năng lượng của tình yêu, là trí tuệ và hạnh phúc. Ý thức được ý nghĩa của tội lỗi là chúng ta nhận ra thêm rằng đời sống của con người vẫn còn một phần sự sống tối quan trọng mà xưa đến giờ chúng ta hoàn toàn không phát huy được, đều lệ thuộc vào đấng ở bên trên ban bố hoặc trừng phạt, thương xót, cứu vớt. Nay hiểu thấu được tội lỗi là do ta làm từ thân – ngữ – ý, thượng đế không trừng phạt chúng ta, Phật không trừng phạt chúng ta mà chính chúng ta đã tự trừng phạt mình bởi tạo ra tội lỗi. Sự trừng phạt do tội lỗi ta tạo ra chính là những hành vi, suy nghĩ và lời nói làm cho chúng ta bị chia lìa, bị cách xa phẩm tánh cao siêu nhiệm mầu của Phật nơi chúng ta. Ý thức được tội lỗi do ta tạo ra để chúng ta có trách nhiệm không phạm tội lỗi để ngăn ngừa sự cách ly giữa ta và Phật tánh, để ta có thể tiếp cận với Phật tánh, thể nhập vào với Phật tánh, dung thông vào với Phật tánh để sống an nhiên và tự tại, hạnh phúc và bình an để không còn hoảng sợ bởi những tội lỗi vu vơ mà thượng đế sẽ trừng phạt chúng ta.

Chính sự hiểu biết về tội lỗi như vậy do Đức Phật truyền dạy, chúng ta chẳng cần phải tuân thủ theo những luật lệ của nhà nước, của quốc độ, của xã hội tạo ra mặc định, bởi Phật đã nói tội là do thân – ngữ – ý tạo ra. Hiểu được điều đó, ai trong chúng ta cũng tự hiểu và biết để có trách nhiệm sống phù hợp trong sự tương tác đối với mọi người trong sự xử thế trong kiếp nhân sinh. Rất quan trọng! Đâu cần luật của quốc gia, của xã hội đâu, luật nhân quả mà Phật đã nhận, đã nhìn, đã thấu, đã hiểu, đã giác ngộ và mọi tội lỗi nguyên căn đều tới từ thân – ngữ – ý do chính chúng ta tạo, ông trời, thượng đế không nhồi nhét tội lỗi vì ta không nghe, vì ta không tuân thủ theo những lời Ngài dạy. Chúng ta nói: “Thượng đế đâu có nói cho tôi biết”, những câu chuyện như vậy vẫn được chế tạo ra để đi ngược lại sự chấp nhận thượng đế hiện diện trong đời sống bởi mấy ai nhìn thấy thượng đế? Không ai nhìn thấy thượng đế và không nghe được thượng đế thì thượng đế nói cái gì để rồi cho rằng ta không nghe, ta không tuân thủ để phát tán?! Nhưng chúng ta có khả năng nhìn rõ được tư tưởng, lời nói và hành vi của chính mình. Cho nên chúng ta nhận thức ra được những cách nói, những sự ứng xử của chúng ta qua những hành vi và suy nghĩ của chúng ta có lỗi, có tội với tha nhân, với mọi người, với chính mình hay không? Đều biết hết! Để từ đó chúng ta không thể khoả lấp rằng tôi không biết. Ai trong chúng ta cũng biết! Từ nguyên khởi, ai cũng có ý thức về tội lỗi rằng nói như vậy là sai, làm như vậy là có lỗi, suy nghĩ như vậy là không đúng và cái cho chúng ta biết rằng cái sai, cái lỗi, cái tội không đúng đó, chính là tiếng nói theo cách gọi bình thường: “Tiếng nói của lương tâm”.

Lương tâm của mỗi người đã nói cho chúng ta thế nào là sai, thế nào là đúng. Nếu chúng ta tiếp cận được với phần mềm của tiếng nói lương tâm ấy, chúng ta luôn luôn được nhắc nhở để hình thành một cách sống cao đẹp hơn đúng như lời của Đức Phật cẩn trọng trong từng lời nói, từng suy nghĩ và từng hành vi mà chúng ta tương tác hằng ngày trong đời sống để không tạo ra tội và để không có lỗi với ông bà, với cha mẹ, với vợ chồng, con cái, với người thân và bạn bè, với xã hội. Ý thức được cách sống đó, là ta làm tròn trách nhiệm, ý thức được cách sống đó, ta sống có trách nhiệm hơn và ta là sản phẩm của chính ta. Tốt hay xấu, phúc hay họa đều là sản phẩm của mỗi một con người tạo ra. Nếu không hiểu thấu được tội lỗi từ thân – ý như lời Phật dạy mà cứ nghĩ rằng chúng ta sinh ra đã có tội vì ông bà hồi xưa hoặc nguyên tổ đã tạo tội để rồi ngày nay không tìm thấy một đấng thượng đế trừng phạt nữa thì ta xả giàn, xả kho làm những việc gì đó không còn cần phải suy nghĩ, thì chẳng khác gì chúng ta đang đào một hố sâu tội lỗi để nhảy vào trong đó kết liễu cuộc đời.

Cái nhận thức về tội lỗi ngày nay con người coi quá nhẹ! Để giữa tình ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, nhân loại đối xử với nhau người ta coi quá nhẹ, bởi người ta không thấy rằng những điều họ nói, những điều họ làm, những sự suy nghĩ của họ là có lỗi, là có tội. Họ không thấy! Trong giới nhà Phật, sát sanh là tội nguy hại. Nhưng ngày nay sát sanh hình như đã được mờ dần, mờ dần bởi sự tôn vinh quyền làm chủ sự sống của cá nhân mà sát sanh hình như được phổ biến rộng rãi theo chiêu bài tự do, tự quyền, tự chủ. Cho nên thế giới ngày nay sát sanh hàng giờ, hàng giây, hàng phút. Người ta còn tuyên truyền cho cái quyền được sát sanh. Không nói đến sự sát sanh thú vật đâu, mà sát sanh giữa con người với con người xảy ra từng giờ, từng giây, từng phút và người ta đã không cho chuyện sát sanh đó là có tội, có lỗi mà cho họ có cái quyền làm chuyện đó, có quyền giết hại người khác, bởi họ nghĩ đời sống của chính họ là quan trọng và để bảo vệ đời sống của họ, nhân phẩm của họ, cách sống tự do của họ, khái niệm về tội lỗi của sự sát sanh đã mờ dần, mờ dần và được sao chép lại bằng những ngôn từ “tự chủ”, “nhân quyền” và “quyền sống của cá nhân”.

Bảo Thành nói sơ qua là các bạn đã hiểu, vậy nên thật nhiều các bạn trẻ bị lầm lẫn trong sự đánh tráo khái niệm về tội lỗi, phạm tội mà không hay, coi rất là nhẹ, cho đến khi những nghiệp ác, nghiệp sát đó, nó trổ quả mang lại tai họa cho đời sống thì chúng ta mới nhận ra từ từ, thì lúc đó hình như đã quá muộn màng. Có nhiều bạn trẻ không ý thức được hành động sát sanh là tạo tội, tạo nghiệp kinh khủng cho nên họ làm như cơm bữa, họ coi thật là nhẹ. Nền văn minh của sự sống, sống vội, sống cho vật chất, sống cho quyền tự do, cho quyền tự chủ quyết định và mình làm chủ đời sống của mình, chẳng có thượng đế trừng phạt và cũng chẳng thấu được nhân quả, hiểu được nghiệp sát, cho nên nghiệp sát như là trò chơi để các bạn trẻ ngày nay đùa giỡn để xiển dương một cách sống mới, cách sống của phương Tây, cách sống của sự tự do, của sự làm chủ, nhưng thực ra những cách sống như vậy là những cách sống thiếu kiến thức. Tây phương hóa và cập nhật cách sống quá vội vàng, không thẩm định bằng một nền giáo dục vững chắc của thánh hiền, của ông bà, của người xưa, của Phật, chúng ta nhất định sẽ bị cái ý thức hệ mới của những phong trào tự chủ, tự quyền đánh tráo khái niệm về tội lỗi, để chúng ta lại đào cho cái tội lỗi một cái hố sâu hơn, để tội lỗi sinh sôi nảy nở và ta lại nhảy xuống đó hoà mình sống chung với chúng.

Các bạn thân mến! Hôm nay ngày cuối của năm 2021, chủ đề “Hố Sâu Tội Lỗi” không phải là một chủ đề tiêu cực, đè nặng lên cuộc đời của chúng ta mà là một chủ đề như cánh cửa của thiên đường mở rộng để thấu rõ được tội lỗi là gì, để chúng ta hiểu, chúng ta có trách nhiệm hơn với cuộc sống và ta làm chủ hơn cuộc sống của chúng ta bằng cách thấu rõ được tội lỗi do chính chúng ta làm và tội lỗi là nghiệp, trong cái tội lỗi tạo ra nghiệp ác đó, thì chúng ta cũng tạo ra biết bao nhiêu những thiện nghiệp để có được phước báu. Chúng ta đều 42:18 có quyền lựa chọn làm hai việc đó, một là tội lỗi tạo ra ác nghiệp xui xẻo tai họa, hai là thiện nghiệp để tạo ra phúc đức cho chúng ta. Không phải thượng đế trừng phạt, cũng chẳng phải thượng đế ban phát, mà mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm sống như vậy.

Chúng ta sẽ được hưởng phúc báu nhiều hơn. Phúc cho những ai biết sống đời thiện lương. Bởi hành pháp thiện, sống thiện lương, chư Phật, chư Bồ Tát và thượng đế sẽ sẵn sàng chúc phúc và ban cho chúng ta. Mà cái câu tàng ẩn trong dân gian gọi là “phù thịnh chứ không phù suy”, thịnh ở đây là thịnh con đường thiện lạc, thiện pháp nên trời đất sẽ phù cho chúng ta những phước báu, còn ác quả ác báo, chúng ta tạo ác thì phúc báu chẳng có, trời đất tránh xa, Bồ Tát chẳng thấy. Hiểu được tội lỗi theo lời Đức Phật dạy chính là nghiệp ác do chính chúng ta tạo từ thân – ngữ – ý, trong mọi hành xử, lời nói của giao tiếp, suy nghĩ của bản thân trong tương tác hằng ngày với mọi người, chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn với mình, để mình nhìn và phân tích thật kỹ trong sự quán chiếu, quyết định một sự hành động thiện lương để tạo được phước, được phúc và được ơn trên, chư Bồ Tát, chư Phật, chư Thánh Hiền chúc phúc cho chúng ta.

Đây là một cách nhìn thật tích cực khi hiểu thấu được hố sâu tội lỗi theo sự đánh tráo của xã hội hiện thời làm cho chúng ta tạo tội mà không hay. Nhất định hiểu được điều này, thì năm cũ đi qua, biết bao nhiêu xui xẻo tai họa đều do nghiệp của chúng ta cộng chung lại với nhau gọi là cộng nghiệp, được ý thức trong một cách sống mới ngay cái ngày cuối của năm này, chúng ta dừng tạo nghiệp, thay đổi cuộc sống và có trách nhiệm sống thiện lương hơn với chính mình, có trách nhiệm với mình, với tha nhân, với ông bà, với cha mẹ, với người thân để cùng nhau hùn phước báu xây dựng một đời sống thiện lương hơn. 45:07 Để có được những sự chúc phúc của ơn trên và chúng ta có thể nương vào đại hồng phúc đó, gội rửa, chuyển hóa cuộc sống để mọi sự xui xẻo tai họa, thiếu may mắn sẽ giảm bớt trong năm mới mà chúng ta đang chuẩn bị tận hưởng.

Đừng để cho khái niệm tội lỗi như ngày xưa là phạm đến ai hoặc không hài lòng, đấng ở trên trừng phạt cho chúng ta, cũng đừng để cho khái niệm về tội lỗi được đánh tráo bởi sự gọi là nhân quyền, tự chủ, cách sống mới, để rồi ta không còn cái định nghĩa sáng suốt về nghiệp sát sanh, để các bạn trẻ và thật nhiều người trong chúng ta đã phạm giới sát sanh. Trong năm cái tội lớn nhất – ngũ nghịch, tội sát là nặng vô cùng! Hầu hết sát sanh ngày nay được đánh tráo bởi cái ý nghĩa khác biệt lắm, làm mờ hết cái nhân cách của con người và người ta sẵn sàng sát sanh mà không thấy rằng mình có tội.

Các bạn! Ngày cuối này hãy quán chiếu để nhìn thấu, thấu năm điều Đức Phật dạy trong năm giới, cấm sát sanh dưới mọi hình thức! Đừng tôn vinh chủ nghĩa cá nhân, tự quyền, tự chủ bản thân và đời sống của mình để rồi can tâm sát hại một chúng sanh. Chúng sanh bên trong cũng như chúng sanh ở bên ngoài! Hãy sống thiện lương hơn, trách nhiệm hơn và có sự quyết định sáng suốt hơn ngay từ thuở ban đầu trước mọi suy nghĩ, mọi lời nói, mọi hành vi để từ đó ta như một nhạc trưởng biết khơi nguồn cho những khúc giao hưởng từ thân – ngữ – ý, phổ âm thiện lương và phổ quang trí tuệ, đời sống của chúng ta sẽ hạnh phúc lắm, hố sâu tội lỗi sẽ được san bằng bởi phước báu do thiện nghiệp ta tạo dù chỉ là một giây dừng lại tất cả mọi ác nghiệp từ thân – ngữ – ý, và trong chỉ một giây phút đó, một sát na đó chánh niệm, an trú trong trí tuệ và từ bi, thì hầm sâu núi thẳm của tội lỗi ngàn kiếp lưu đày trong luân hồi sẽ được san lấp hết, bằng phẳng hết!

Các bạn! Các bạn đang chờ đợi gì? Chờ đợi một ai đó làm một cuộc cách mạng thay đổi cuộc đời xã hội của các bạn sao? Mình chính là người làm cách mạng cho cuộc đời của mình, làm thay đổi cho chính mình. Hãy đứng dậy như Đức Phật dạy: “Té ở đâu vịn đó đứng dậy! Đứng lên, đứng lên!”, Phật dạy: “Đứng lên, đứng lên con! Ngẩng cao đầu mà làm người giữa đất trời mênh mông vô tận này, tự thắp đuốc mà đi!”, nhận rõ được nghiệp ác gọi là tội lỗi ta tạo ra, chính ta tạo ra từ thân – ngữ – ý, thượng đế không phạt, thượng đế không trừng phạt và tội lỗi không phải do thượng đế tạo ra mà do chính chúng ta. Như vậy chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn, chứ không phải vì sợ thượng đế mà phải sống và bị tội lỗi kềm cặp, đến khi không nhìn thấy thượng đế thì chẳng còn sợ gì nữa, tội gì cũng dám làm. Chính vì điều đó mà biết bao nhiêu tai họa tới cho thế giới, tới cho mỗi một cá nhân chúng ta, vì chúng ta đã bị cách sống mới đánh tráo khái niệm về tội lỗi và mọi cái hình thức tội lỗi của ông bà, cha mẹ hướng dẫn cho chúng ta thời nguyên sơ đã bị phá vỡ toàn diện. Phá vỡ toàn diện và đắp lên người những sự hào nhoáng của một cách sống vô trách nhiệm đối với bản thân. Làm lu mờ tánh thiện, làm xa rời đi Phật tánh của chúng ta.

Tích tắc tích tắc thời gian trôi qua, năm cũ sẽ vĩnh biệt và năm mới sẽ tới, một năm mới tràn đầy hồng phúc, một năm mới ý thức được với cái trách nhiệm của bản thân, hiểu thấu được tội lỗi và nhân quả ta tạo từ thân – ngữ – ý để chúng ta sống trọn vẹn và tác động vào một phần gia tài vô giá của đời người mà ta đã lãng phí và lãng quên trong bao ngày tháng qua đó là phẩm tánh 50:33 thiện lương vốn có nơi chúng ta. Hãy chạm tay vào đó, hãy đi vào và sống với cái phẩm tánh thiện lương vốn có đó, để biết bao nhiêu sự cộng nghiệp của tội lỗi, bao nhiêu xui xẻo và tai họa của thế giới, bao nhiêu tai ương đại dịch của thế giới sẽ được thuyên giảm và dần dần biến mất và hiển lộ một cách sống bình an hạnh phúc hơn, và chúng ta sẽ có cơ hội đón nhận được sự chúc phúc của trời cao, của Phật, của Bồ Tát, Thánh Hiền, phù thịnh chứ không phù suy. Ai có tấm lòng thiện lương, trời Phật sẽ tới và chúc phúc cho chúng ta, ai có tánh gian ác, tội lỗi, trời Phật sẽ tránh xa, tai họa sẽ cận kề, xui xẻo sẽ tràn đầy, bệnh hoạn sẽ không bao giờ dứt hết.

Chúc các bạn một năm mới ý thức được tội lỗi để không còn đào hố sâu tội lỗi để chôn chúng ta, mà dùng hồng phúc của chánh niệm từ bi và trí tuệ để san bằng mọi hầm hố tội lỗi mà nhiều kiếp qua Bảo Thành và các bạn đã không hiểu thấu được ý nghĩa của tội lỗi, của nghiệp chướng mà tạo ra vô số. Nguyện cho muôn người ý thức được điều này, để cái thềm năm mới được trải hoa – hoa vô ưu để chúng ta tận hưởng một năm mới – năm 2022 không còn những vướng mắc của hận thù, của phiền não, của đau khổ, của đại dịch, của bệnh hoạn, mà tràn đầy sự tự tại, an nhiên, sự hạnh phúc và an lạc trong cuộc đời!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền chúc phúc cho chúng con hiểu được ý nghĩa của tội lỗi do chính thân – ngữ – ý của mỗi một cá nhân tạo ra, để chúng con có trách nhiệm hơn với đời sống của chính mình, để hòa nhập và sống với thể tánh thiện lương vốn có nơi tâm Phật, chuyển hóa mọi nghiệp thức đau khổ, tai họa, bệnh hoạn và dịch bệnh, để năm mới tới, chúng con, ông bà, đấng bậc sinh thành, gia đình, cộng đồng, xã hội, nhân loại sẽ tăng trưởng phước báu, sống bình an và hạnh phúc!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo. Và chúng con cũng nguyện xin chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền chúc phúc cho tất cả chúng con trong thềm năm mới này.

Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn