Bảo Diệu Tịnh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facbook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hôm nay ngày lễ Tạ Ơn, chúng con và tất cả các bạn đồng tu nguyện một lòng tạ ơn chư Phật, mẹ hiền Quán Thế Âm, chư vị hiền thánh đã luôn luôn thương và gia trì cho chúng con trên con đường đồng tu. Nguyện xin chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, Chánh Niệm hơi thở thấy rõ vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con thành tâm cầu nguyện xin chư Phật gia độ cho tất cả những ai đang bị Covid, đặc biệt là bạn đồng tu Nguyễn Đức Hạnh sinh ngày 31/ 07/1991 luôn luôn đón nhận được tràn đầy hồng ân và năng lượng để được khỏi bệnh, khỏe mạnh. Đặc biệt hồi siêu cho tất cả các chư vị hương linh theo thiện nghiệp của mình nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật mà vãng sanh về cảnh giới thiện lành. Xin chư Phật chứng minh!
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!
Hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng giây phút hơi thở còn vào ra là từng giây phút ta lãnh nhận năng lượng của chư Phật. Với một lòng thành kính, chí thành, chân thật và khiêm tốn, chúng ta hãy cùng nhau lãnh nhận năng lượng của Phật!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(17:36) Mô Phật! Các bạn thân mến! Tất cả những pháp môn Đức Phật dạy cho chúng ta được truyền thừa từ đời Đức Phật cho tới ngày nay đều là những phương tiện và những phương tiện này đều vi diệu nếu như những ai có đầy đủ phước duyên, căn cơ phù hợp. Dù là vi diệu nhưng không có căn cơ, phước duyên phù hợp thì pháp môn ấy cũng không có tác dụng gì. Chẳng khác gì viên kim cương mà trao vào tay đứa trẻ, chúng sẽ tưởng rằng như mảnh sành, ve chai ném chọi nhau, nghịch ngợm mà thôi. Vậy nên trong nhà Phật, chữ “duyên” và phù hợp căn cơ, đầy đủ phước báu là cốt lõi của sự đồng tu. Chính Đức Phật cũng từng nói Ngài không thể độ được người không có duyên. Và trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài Thiện Tài đồng tử phải đi học thật nhiều từ các bậc Bồ Tát, Thánh Hiền, nhưng cuối cùng nhân duyên phù hợp của Ngài Thiện Tài đồng tử là với Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi nên nhận Ngài Văn Thù Sư Lợi làm thầy. Đây gọi là phước duyên!
Thiền Mật Song Tu, Thất Bảo Huyền Môn cũng chỉ là một pháp phương tiện như đại đa số các pháp phương tiện mà thời nay ai cũng có cơ hội tiếp cận bình đẳng như nhau. Từ những pháp môn Thiền, thể loại Thiền khác biệt, tới Tịnh Độ, Kim Cang Thừa, tới tụng kinh, trì chú, tới tất cả các pháp dù là Định hay là Thiền Chỉ, Thiền Quán. Dưới tất cả các sự định mức của con người nói về pháp môn ấy, nhiều lắm. Như chúng ta ngày nay, sự phát triển của khoa học truyền thông cho nên ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có cơ hội tiếp cận với tất 20:14 cả các pháp môn phương tiện. Nhưng cái để thực hành đó, chưa phải là đạt được kết quả nếu các bạn không có duyên với pháp môn phương tiện đó. Nếu vậy, các bạn cần phải tìm tòi, thực hành, học hỏi cho tới khi phát hiện ra một pháp môn nào đó phù hợp với mình, căn cơ của mình, chúng ta đi chuyên sâu hơn tu tập, nhất định sẽ thành tựu được vô lượng công đức ngay ở trong cuộc đời này.
Nói riêng về Thiền Mật Song Tu, các bạn nào có nhân duyên, có phước báu, có căn cơ phù hợp, thì nhất định trong từng giây phút các bạn thở vào thở ra, chánh niệm hơi thở trì mật ngôn từ bi và trí tuệ, chúng ta, thân này đây, sẽ gắn kết mật thiết với chư Phật qua Mật điển. Bởi vì các bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được năng lượng vi diệu, luồng Mật điển, luồng Phật điển, năng lượng từ bi – trí tuệ của Phật chiếu tỏa và lan tỏa vào thân, đồng thời tác động vào tâm để tâm có cái mốc, có đề mục, có chỗ quán chiếu nhận rõ được giá trị của tình thương và sự vi diệu nhiệm mầu của trí tuệ bừng sáng.
Do vậy mà Bảo Thành thường nhắc, nếu có duyên, nếu hữu duyên, sự đồng tu của chúng ta là một sự lan tỏa, một sự cộng hưởng giữa Bảo Thành và các bạn đồng tu dù là trực tiếp hay gián tiếp. Có nghĩa dù đang trực tiếp các bạn đồng tu hay sau này coi lại, đều có sự cộng hưởng năng lượng đặc biệt. Mà ai đó có duyên, đều cảm ứng được với năng lượng này một cách thật thực tế. Rất tốt cho sức khỏe, tốt cho tinh thần và rất tốt cho sự quán chiếu!
Các bạn! Chủ đề ngày hôm nay là một chủ đề mà ai cũng có đầy đủ chất này, đó là chất cống cao ngã mạn. Bảo Thành và các bạn và tất cả mọi người chúng ta, đều có đầy và có dư dả chất cống cao ngã mạn ở trong tâm. Ngàn ngàn năm xưa và mãi mãi tận về sau, con người luôn luôn có dư dả chất cống cao ngã mạn. Đây là một sự thực tế mà mỗi người chúng ta cần phải nhìn nhận, cần phải nhận rõ rằng ta, ta đây, rất cống cao ngã mạn. Từ cái nhìn rõ đó, ta mới thấu được chính mình và sám hối, thì sự đồng tu hay sự tu của chúng ta mới phát triển tốt đẹp. Mấy ai trong chúng ta cống cao ngã mạn mà dám vỗ ngực nói rằng: “Tôi cống cao ngã mạn” đâu. Luôn luôn ẩn núp ở trong những kiểu lý luận do kiến thức của mình, nhưng thực ra ở trong đó toàn là cống cao ngã mạn thôi. Nhìn cho kỹ thì ai trong chúng ta cũng có!
Trước khi đi sâu vào một căn bệnh truyền nhiễm nhiều đời của mỗi người đó là sự cống cao ngã mạn của tự thân, chúng ta đi ngược dòng lịch sử vào thời Phật, nghe qua một câu chuyện mà trong kinh Pháp Cú nói. Thuở xa xưa, thời Đức Phật, có một nhà trí tuệ, thông minh lắm, ông ta thông minh tột bậc thời đó, dưới trướng của ông ta có đến 500 đệ tử. Giỏi, ông ta là người có trí tuệ! Hình như tên của ông ta theo kinh nói là Tát Già Ni Kiền. Tát Già Ni Kiền là một người trí tuệ. Một hôm ông ta mới nghĩ rằng: “Ta là người trí tuệ thì cần phải bảo vệ trí tuệ của mình”, ông ta lấy đồng đập nát ra thành đồng miếng, miếng đồng mỏng mỏng, quấn chung quanh bụng, cột thật là chặt, quấn chung quanh bụng của ông ta. Rồi ông ta đi đây đi đó, dân chúng mới thấy thật là lạ, một bậc trí tuệ lại mang đồng lát quấn quanh bụng của mình, thì hỏi ông ta rằng: “Này bậc trí tuệ! Việc gì mà phải quấn đồng chung quanh bụng của mình để làm chi?”. Nhà trí tuệ nói rằng: “Tôi là người trí tuệ, có quá nhiều trí tuệ, sợ nó trào ra từ bụng. Cho nên phải lấy đồng quấn chung quanh, bọc và bảo vệ nó”. Đó là cách suy nghĩ của một người có trí tuệ, lấy đồng quấn quanh bụng, bọc chặt lại cho nó khỏi bị chảy ra, rỉ ra.
Nhưng rồi ông ta bất chợt nghe rằng trong thời chỉ có một bậc trí tuệ như ông ấy lại có một người khác sinh ra, đó là Phật. Ông ta bực bội lắm! Nói với đệ tử rằng: “Tại sao trên đời một người trí tuệ như ta lại có một kẻ khác sinh ra, cống cao ngã mạn, nói chuyện điên khùng, dụ dỗ dân chúng và các đệ tử khác?”. Ông ta nói với đệ tử như vậy, nhưng trong lòng lại muốn tới tìm Phật để chứng tỏ trí tuệ của mình, để phân tranh với chư Phật. Sự thao thức đó, cuối cùng ông ta đã tìm đến Phật tại vườn Kỳ Viên. Tên vườn Kỳ Viên – đây là một tên đất gọi là chùa Kỳ Viên – chùa đầu tiên – nơi mà ông Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ Đà hồi xưa đã chung và hùn phước để mua miếng đất ở kinh thành cúng dường cho Phật, lập chùa Kỳ Viên đầu tiên, thỉnh Phật về trụ ở đó giảng dạy.
Tát Già Ni Kiền đi tới đó cùng với 500 đệ tử, thì thấy Đức Phật có tướng hảo trang nghiêm, thật là đẹp. Nhìn thấy tướng hảo của Phật, ông ta và mọi đệ tử đều cảm thấy hạnh phúc, bình an, lòng hoan hỷ khơi dậy và bắt đầu có sự kính trọng đối với Phật. Nhưng vẫn dũng cảm tiến tới, quỳ xuống và hỏi Phật rằng: “Chúng tôi có một số câu hỏi, nếu Ngài giải thích được, chúng tôi sẽ nhận Ngài làm thầy và để cho Ngài hướng dẫn chúng tôi”. Dĩ nhiên trong lòng của bậc trí tuệ này là thử thách Phật. Ông ta đặt ra thật nhiều các câu hỏi. Nhưng có hai câu hỏi mà Bảo Thành chú ý, đó là câu hỏi ông ta hỏi Phật: “Đạo là gì?” và “Thế nào gọi là người trí tuệ?”, bởi ông ta là người trí tuệ, dạy đạo, cho nên ông ta muốn hỏi Phật định nghĩa coi đạo là gì và người trí tuệ như thế nào.
Đức Phật nói với ông ta rằng: “Người có tình thương thật lớn đối với tất cả mọi người – mọi người khổ đau, mọi người bệnh hoạn, mọi chúng sanh trong cuộc đời và người đó luôn luôn hiếu học, không bao giờ chê bai hiếu học, tận tâm tu hành theo những điều chân chánh và biết gìn giữ trí tuệ, đó chính là đạo. Đạo là biết thương người khổ, đạo là biết hiếu học, đạo là người biết thực hành chân chánh những con đường tốt và luôn luôn bảo vệ trí tuệ, thì đó gọi là đạo”. Ông ta nghe thấy ưng ý lắm! Phật lại nói người trí tuệ là gì:
Gọi là người có trí
Không cần biện luận chi
Ai tự tại vô úy
Làm lành là bậc trí.”
Phật dạy cho ông ta rằng người trí tuệ là người không bao giờ nói nhiều, biện luận nhiều, tranh luận nhiều, tranh chấp nhiều. Và người có trí tuệ là người không biết sợ hãi. Người tự tại vô úy không biết sợ hãi, không bị khủng bố, không gặp chướng ngại và thường xuyên làm các hạnh lành, thì đó là bậc trí tuệ. Qua sự giải thích của Phật, ông ta đã nghiêng mình đảnh lễ, quỳ mọp xuống cùng 500 đệ tử nhận Đức Phật làm thầy. Nhận Đức Phật làm thầy!
Các bạn! Ông ta là người trí tuệ mà ông ta lấy đồng bọc bụng để cho trí tuệ khỏi lọt ra. Còn chúng ta là người không có trí tuệ, Bảo Thành và các bạn là người không có trí tuệ. Thế nhưng chúng ta đã mặc gấm ngôn ngữ, mang màu sắc của vàng, bạc, kim cương từ những ngôn từ tranh luận, hý luận để tôn vinh cái ánh sáng mù lòa trong màn đêm tăm tối, thiển cận, ít biết của chúng ta mà khoe với muôn người. Người ta có trí tuệ, người ta bọc bụng, sợ nó rỉ ra, còn ta không có trí tuệ, ta lại bọc vàng, ta lại nạm kim cương, ta lại sơn phết nhiều thể loại ngôn ngữ để phô bày cho mọi người thấy ta là người có trí tuệ; đây chính là sự cống cao ngã mạn mà luôn luôn có trong Bảo Thành và các bạn.
Nhìn lại chính mình trí tuệ có đâu, nhưng từng cách nói, cách ăn, cách ở, chúng ta thường hay chạm tới sự tranh luận, hý luận, trát vàng, nạm kim cương, khoe khoang đủ hết. Nhìn lại đi, các bạn thấy không? Có! Cứ văn hoa như con sáo, văn hoa như con két, con khướu, bắt chước những âm từ chọn lựa được ở đâu đó trong cuộc đời, thế là trét vào trong cái miệng ngôn ngữ tuôn ra. Gọi là ngôn ngữ dát vàng, nạm kim cương, ngọc đó mà. Nhưng mà rỗng tuếch à! Vậy mà vỗ ngực, xưng là người trí. Người trí là người gì? Là người không bao giờ biện luận, nói nhiều, tranh chấp, hơn thua, đúng sai. Người trí là người tự tại, không sợ hãi, không bị khủng bố, không bao giờ gặp chướng ngại giữa sự khác biệt ở cuộc đời. Người trí là người luôn luôn làm lành, làm các pháp lành. Đó là bậc trí. Phật dạy như vậy!
Chúng ta làm lành thì ít, sợ hãi thì nhiều, tranh luận, phiếm luận thì tràng giang đại hải, vậy mà cứ xưng là người trí. Chúng ta là người ngu, người vô minh, không biết, chẳng đúng định nghĩa “người trí” của Phật, vậy mà cứ xưng tên. Thì chúng ta nói đạo này cao đạo kia cao, rồi cứ khoe khoang cái đạo mình theo mà có làm đúng như lời Đức Phật đâu. Đạo là gì? Đạo là tình thương! Tình thương đối với những người nghèo khổ, những người bất hạnh. Đạo là gì? Đạo là một sự hiếu học phát xuất từ tâm chân thành. Và đạo là một con đường chân chánh thực hành miên mật để bảo vệ trí tuệ của mình. Thế nhưng chúng ta đâu có hiểu được đạo như thế. Ta rỗng cái bụng, chẳng bọc nó lại nhưng lại để nó rỉ ra biết bao nhiêu sự phiền não. Ông Bà La Môn kia có trí tuệ, bọc bụng để khỏi rỉ ra, chảy ra. Ta có đầy phiền não không bọc không che, mà còn đục lỗ cho nó rỉ ra, gây phiền não cho muôn người. Chướng thật là chướng, vậy mà cứ vỗ ngực cống cao ngã mạn!
Sống ở trên đời, các bạn và Bảo Thành đã quá hàm hồ! Vô minh mà tự gọi là người trí, chẳng hiểu đạo mà cứ mang đạo ra khoe. Người xưa có trí tuệ sợ nó rỉ ra, cũng trân trọng nhưng đặc biệt là chỗ là chúng ta không có trí tuệ nhưng mà thích khoe. Ông Bà La Môn có trí tuệ có thể là hơi lẩm cẩm, lấy đồng lát bọc bụng. Thế nhưng, khi gặp một bậc kỳ tài, một bậc giác ngộ, dù có ghen tuông, không thích bởi nghĩ rằng: “Trên đời có ta là bậc trí, tại sao lại có một vị Phật nữa?”. Nhưng ông ta được khen ở chỗ là có dũng cảm, sẵn sàng tới trực diện với bậc trí tuệ để đặt vài câu hỏi, nếu giải thích đúng, sẽ sẵn sàng khiêm tốn quỳ xuống nhận làm thầy. Đây là điểm son mà mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ!
Ông Tát Già Ni Kiền có trí tuệ đấy, tự cao đấy, ngã mạn đấy, nhưng khi nghe thấy Phật, tức tối, ghen tuông nhưng cái dũng của ông ta rất đặc biệt. Không phải tới một mình lủi thủi để thử thách Phật để nghe ngóng như chúng ta thường hay nghe rồi tám chuyện. Nghe bậc thầy này bậc thầy kia nói qua nói lại rồi ta nghe ngóng chút xíu, rồi hớp chút tin tức, ghép nó lại như những đoạn phim lâu đời không được chiếu, ghép lại một cách gượng ép nó lại. Vậy mà chiếu đi chiếu lại chứng tỏ rằng người đó giỏi, người đó hay, nhưng không có nghiên cứu. Còn ông ta, ông ta có cái dũng tới với Phật để đối đầu thử thách nhưng thực ra, thực ra là ông ta muốn nhìn coi cái trí tuệ của mình. Nếu được thuyết phục bởi Phật, sẵn sàng quy hàng theo Phật, quy phục theo Phật, hàng phục và được Phật thuần phục để học.
Chúng ta khác với ông ấy nhiều lắm! Chúng ta đã vô minh, bất tài, không có trí tuệ. Nghe thấy ai ở chỗ này chỗ kia, không những đả phá, khinh chê, đâm thọt, hý luận, bàn luận mà chẳng bao giờ có một chút lòng khiêm tốn, sẵn sàng lắng nghe để thẩm định lại cái được gọi là trí tuệ của ta. Và sẵn lòng mở tâm ra để đón nhận những điều hay, là nếu như vị đấy thật sự có những điều cần phải nghe, cần phải học, ta sẵn sàng học. Không! Mầm mống cống cao ngã mạn của chúng ta khác với cái gọi là trí tuệ cao của ông ấy. Ta cống cao ngã mạn, chẳng chịu học của ai. Gặp ai nói, gặp ai hay là phá, là hý luận, là bàn luận, là chê bai, là gièm pha. Còn ông ta nghĩ rằng ông ta có trí tuệ nhưng vẫn còn lòng thành, có lòng dũng cảm và nhận ra sự thiếu sót của mình khi được Phật giải nghĩa và giải thích những câu hỏi của ông ta: “Thế nào là đạo?”, “Thế nào là người trí tuệ?”. Ông ta liền được Phật điều phục tâm, được Phật thuần phục và quy y theo Đức Phật để được học. Nếu như chúng ta thật sự là người cống cao ngã mạn, lại có cái hạnh lắng nghe như ông ấy, lại có cái dũng như ông ấy, sẵn sàng trực diện bằng tâm chân thành để tham vấn, tư duy và suy nghĩ. Nhất định mỗi người chúng ta sẽ gieo trồng được thật nhiều phước duyên tốt đẹp trên con đường cầu đạo giác ngộ. Còn nếu không, chúng ta thùng rỗng mà kêu to đó các bạn! Vô minh mà lắm chuyện, đào bới lung tung!
Thực ra ông Bà La Môn này có trí tuệ đấy, 500 đệ tử theo mà! Mà cái trí tuệ đó Bảo Thành tán thán, là bởi vì người trí biết người trí. Cho nên người thật sự có trí tuệ, nghe thấy điều lạ, dù ghen có (bản tính con người ai không ghen?), dù khó chịu có (bản tính con người, ai không khó chịu khi thấy người khác hơn?). Nhưng thật sự đã là người trí, thì có ghen tuông, có sự khó chịu nhưng vẫn tỏ ra cái dũng của mình, tới để tham vấn, học hỏi. Đó mới là trí tuệ! Còn trí tuệ mà chúng ta lại không có được sự lắng nghe mà chỉ có khó chịu, không có cái dũng để tới tham vấn mà chỉ có ghen tuông, thì cái trí tuệ đó chẳng phải là trí tuệ. Gọi là vô minh cãi càn, gọi là cống cao ngã mạn, tạo nghiệp vô số, tổn phước báu, công đức tiêu hao, khó thành tựu được pháp an lạc trong cuộc đời. Và hạng người như vậy thường dễ sân giận và dễ bộc lộ tính cáu gắt của mình. Thường tự làm tăng trưởng sự giận dữ, hung ác và thường luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chống lại, đánh phá lại tất cả mọi người. Bởi dưới nhãn quang của họ bị che mờ bởi cái chấp trược quá dày, không thấu, không nhìn rõ. Đó không phải là người trí tuệ đâu, mà là người vô minh!
Người trí tuệ trong phận người vẫn còn ghen tuông, vẫn còn tức tối, vẫn còn giận hờn, nhưng luôn luôn biết lắng nghe và có cái dũng dám trực diện, dám tham vấn, bởi người đó có tâm hiếu học, bởi người đó luôn luôn biết thực hành theo chánh pháp. Cho nên Đức Phật dạy đạo là gì? Đạo là tình thương, là tình thương đối với tất cả những chúng sanh đau khổ, nghèo khổ, bất hạnh. Đạo là sự hiếu học. Đạo là một sự tinh tấn trong những cái chánh pháp mà ta nghe qua. Đạo là luôn bảo vệ trí tuệ của mình bằng pháp thiện. Đó gọi là đạo!
Xưa đến giờ chúng ta không định nghĩa như Phật, ta định nghĩa đủ thứ hết. Thôi thì đó là định nghĩa của ta. Nhưng giờ đây nghe sự định nghĩa của Phật, ít nhiều gì chúng ta cũng đã đi vào con đường đạo rồi. Bởi chúng ta cũng biết thương xót những mảnh đời bất hạnh, những con người nghèo khổ, những chúng sanh đang đau đớn dưới nhiều nghịch cảnh khác nhau. Và chúng ta đồng tu tức là chúng ta đã có một chút hiếu học và thực hành theo chánh pháp rồi. Pháp từ bi và trí tuệ là chánh pháp! Không ai dám chối cãi, nói ngược lại! Và chúng ta đang bảo vệ trí tuệ của chúng ta trong chánh niệm hơi thở, đó là chúng ta đang hành đạo. Và chúng ta cũng là người có chút trí tuệ đấy! Bởi chúng ta không bị dính mắc vào những cuộc biện luận, tranh luận, hý luận hơn thua. Ta tịch tĩnh, ta biết lắng nghe các bạn ơi! Và ta đã bớt đi nhiều sự sợ hãi bởi ta không sợ mình thua người, không sợ mình thế này thế kia. Ta đã đặt mình trong sự lắng nghe chân thành, khiêm tốn để đồng tu. Và chúng ta luôn luôn biết làm việc lành cho chính mình. Việc lành cho chính mình, việc lành cho muôn người ở chỗ ta luôn chánh niệm từ bi – chính là việc lành đó. Việc lành thiện, pháp lành thiện chẳng phải là một pháp gì to lớn là phải mang tiền mang bạc, mang công sức ra để hiến tặng cho mọi người. Pháp lành chính là biết chánh niệm từ bi; đây là pháp lành thiện cao cả nhất! Bởi không có một hành động nào mà không xuất phát từ từ bi được gọi là pháp lành hết các bạn! Cho nên khi chánh niệm từ bi và trí tuệ nữa, thì đây là sự hiển lộ của pháp thiện lành!
Do vậy, các bạn và Bảo Thành nhận thấy rằng ta đang đi đúng con đường đạo của Đức Phật định nghĩa. Và chúng ta cũng là một người trí tuệ theo định nghĩa của Phật. Do đó, chúng ta phải thẩm định lại cuộc đời của mình! Nếu là người trí tuệ, ít nhiều gì phải có phẩm cách của ông Tát Già Ni Kiền. Tức là trí tuệ, biết bảo vệ trí tuệ của mình, ông ta biết bảo vệ trí tuệ của ông ta bằng cách mang đồng cột chung quanh bụng. Chúng ta biết bảo vệ trí tuệ của mình bằng cách chánh niệm từ bi! Chánh niệm trong hơi thở từ bi! Chúng ta phải như ông ta, trí tuệ, vẫn còn ghen tuông, vẫn còn tức tối, vẫn còn có chút suy nghĩ hơn thua khi nghe về người này người kia đấy. Nhưng chúng ta cũng như ông ta tức là chúng ta vẫn có lòng khiêm cung, có tâm chân thật, có lòng thành kính và có cái dũng đặt mình trong một khuôn khổ đồng tu với cái hạnh lắng nghe để rồi hiếu học các pháp chân chánh của Đức Phật. Cho nên chúng ta sẵn sàng đồng tu!
Chúng ta ít nhiều gì đó cũng giống như ông Tát Già Ni Kiền trong kinh Pháp Cú nói. Chúng ta chưa đến nỗi tự cao, chưa đến nỗi cống cao ngã mạn đến mức mù lòa. Nhưng ở đời không phải vậy đâu! Thật là nhiều người cống cao ngã mạn một cách mù lòa. Họ hay tạo khổ cho nhau, họ hay như là người nhện, (phim người nhện bạn biết không?), họ nhảy lên các trang mạng xã hội, họ giăng tơ với những ngôn từ lượm lặt đây đó, thêu dệt lại cho mình như một áo giáp để bảo vệ những biên kiến, những tri kiến dưới trướng của họ, rồi họ tung ra như mạng nhện giăng tơ để bắt mồi. Nhưng tự thể bên trong, họ không bao giờ tu. Họ tu văn! Phật pháp qua văn ngữ họ lượm như con nhện giăng tơ đủ mọi cõi. Nhưng sự giăng tơ của họ là thả độc bởi vì luôn luôn khen và chê, gièm pha.
Nếu thật sự muốn giảm bớt sự cống cao ngã mạn, ta phải học cái hạnh của ông Tát Già Ni Kiền. Rèn luyện trí tuệ trong một môi trường đúng đắn, phải thường xuyên nghe chánh pháp, có tinh thần hiếu học và có tình thương xót đối với mọi người nghèo khổ, bất hạnh. Và luôn luôn tránh xa mọi sự biện luận, hý luận, tranh luận. Và phải biết chánh niệm hơi thở thiền trí tuệ và từ bi để không bị sợ hãi, không bị khủng bố, không bị đảo điên điên đảo để đạt được cái được gọi là tự tại vô úy. Và luôn luôn, luôn luôn chánh niệm từ bi để các pháp lành thiện được hiển lộ thật sự trong cuộc đời.
Làm được điều đó, các bạn vào Bảo Thành sẽ càng ngày làm cho cái cống cao ngã mạn. Và chúng ta lột bỏ tất cả cái gọi là dát vàng, nạm kim cương lên môi miệng của ta để tạo ra ngôn ngữ phi hành mọi chốn để chứng tỏ cái dở của mình. Chúng ta lột tả nó ra, chúng ta lột bỏ hết. Không cần dát vàng, nạm kim cương nữa mà chúng ta cần phải chân thật. Sự chân thật như vậy sẽ giúp chúng ta tăng trưởng phước báu, tạo dựng được thật nhiều công đức và chuyển hóa được sự cống cao ngã mạn tự thân vốn có nơi mỗi một con người.
Nếu làm được như vậy thì chúng ta cũng hãnh diện bởi vì mình như ông Bà La Môn Tát Già Ni Kiền. Có trí tuệ, hơi ngớ ngẩn một chút, nhưng vẫn có hạnh lắng nghe. Có trí tuệ, hơi khờ khạo một chút bởi vì lấy đồng lát bọc bụng, nhưng vẫn có cái dũng cảm đi tới diện kiến điều hay lẽ phải, gặp những bậc thiện tri thức, lắng nghe, tham vấn và học hỏi. Có trí tuệ, ghen tuông và bực bội nhưng chẳng bao giờ chùn bước trước những thử thách để mở mang kiến thức cho chính mình.
Các bạn! Hôm nay Bảo Thành chia sẻ như vậy để nhắc nhở cho Bảo Thành và các bạn rằng trong chúng ta dư dả chất cống cao ngã mạn, tự luôn luôn nghĩ rằng mình là người có trí tuệ, học đúng đạo, thường chê bai những người khác, khinh thường những đạo khác. Hôm nay nếu thực sự nhận ra rằng chúng ta cống cao ngã mạn nhiều và hay vỗ ngực xưng tên, thì hãy học thêm phải cống cao ngã mạn một cách hay như ông Tát Già Ni Kiền. Tức là có trí tuệ, tự hào, tự cao vào trí tuệ của mình, có ghen tuông, có giận dữ, có bực bội nhưng luôn luôn phải có hạnh lắng nghe, có cái dũng dám tới diện kiến những bậc kỳ tài hoặc những bậc giác ngộ, thiện tri thức hoặc những bậc có nhân duyên. Lắng nghe bằng tâm hạnh hiếu học chánh pháp và luôn luôn có tình thương đối với mọi người để đạt được sự tự tại vô úy bằng thực hiện các pháp lành. Thì điều đó sẽ giúp cho cuộc sống của các bạn và đời sống nhân loại nói chung, dần dần sẽ bình ổn, tạo được sự hòa bình nơi tự thân, sự an lạc nơi tự thân và thế giới này sẽ tốt đẹp hơn mỗi một ngày.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi!
Thưa Phật! Chúng con từ muôn đời luôn cống cao ngã mạn. Nhưng hôm nay đã học được hạnh của ông Tát Già Ni Kiền. Vẫn một lòng thành kính và có đầy đủ chất dũng cảm, đi tới với Phật, thành tâm học hỏi, lắng nghe. Xin Phật gia trì cho chúng con với tâm hạnh như vậy, đạt được trí tuệ viên mãn và thể nhập vào con đường đạo vi diệu của Phật!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mô Phật, chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Hôm nay ngày lễ Tạ Ơn, chúng con xin tạ ơn tất cả muôn loài chúng sanh từ nhiều đời nhiều kiếp đã hóa hiện làm thân cha mẹ, để đưa chúng con vào cuộc đời gặp được Phật, Pháp và Tăng. Nay sự đồng tu này nếu có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả đồng thành Phật đạo.