Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu để thấy rõ các pháp là Vô thường, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện cầu cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Hồi hướng cho tất cả chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh. Và nguyện xin cho tất cả chúng đệ tử thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!
Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Thiền Mật song tu, Chánh Niệm hơi thở từng giây từng phút, chúng ta trải nghiệm qua sự gắn kết mật thiết với ba ngôi Tam Bảo để đón nhận hồng ân và năng lượng Trí Tuệ – Từ Bi lan tỏa vào thân tâm.
Chúng ta hãy thanh tịnh, chí thành, chân thật đón nhận năng lượng!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(14:44) Mô Phật! Thật là hoan hỷ và hạnh phúc lắm, mỗi một ngày các bạn đồng tu cùng với Bảo Thành, chúng ta ngồi xuống tĩnh lặng thân tâm, một lòng thành kính với tâm chân thật ngưỡng cầu lên ba ngôi Tam Bảo, tịch tĩnh trong chánh niệm hơi thở, trì mật âm từ bi – Mu A Mu Sa và trí tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mọi người chúng ta, các bạn đồng tu và tất cả những ai nhìn qua đoạn video này, nếu lắng đọng tâm tư, không còn dính mắc, nhất định sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng vào thân tâm – năng lượng thanh tịnh của những bậc giác ngộ. Đây là điều chúng ta luôn luôn thực tập để mỗi một ngày tới và mỗi một ngày qua, ai trong chúng ta cũng tràn đầy năng lượng để sống.
Các bạn! Các bạn nhìn lên trên màn hình, các bạn thấy cái gì? Các bạn nhìn lên trên màn hình của cái phone (điện thoại), của máy vi tính hoặc của những cái phương tiện bạn đang đồng tu với Bảo Thành, hoặc ngay bây giờ bất chợt lướt qua, các bạn nhìn đi, các bạn thấy cái gì? Có phải chăng các bạn thấy một chủ đề thật là tình tứ, lãng mạn: “Mắt Lá Vương Giọt Sầu”?
Trên màn hình chủ đề “Mắt Lá Vương Giọt Sầu”, cũng trên màn hình, Bảo Thành nhìn kỹ đôi mắt của Bảo Thành nó là thuộc đôi mắt gì đây? Và trên đôi mắt của Bảo Thành có vương giọt sầu đâu, thì làm sao có được cảm hứng nói về ý nghĩa hoặc chia sẻ tản mạn về chủ đề “Mắt Lá Vương Giọt Sầu”?
Mắt Bảo Thành không biết là mắt bồ câu, mắt ti hí, mắt một mí hay mắt hai mí? Còn cái mắt này, nó có hiền hay ác cũng không biết nữa. Bởi vì chúng ta không bao giờ nhìn rõ được đôi mắt của mình. Mà người xưa nói: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, thế, mà Bảo Thành, các bạn nhìn kỹ đôi mắt của Bảo Thành nó thuộc dạng tâm hồn gì đây, để trong cái khung cửa sổ đôi mắt của Bảo Thành đang nói lên điều gì? Khó lắm!
Ai cũng soi gương để nhìn, ai cũng nhìn vào đôi mắt, mà xưa giờ không nghe thấy từ “Mắt lá vương giọt sầu”. Đang suy nghĩ đây, đang cầu cứu với chư Phật, chư Bồ Tát, với chư vị nào đó đưa một cái ý tưởng để chia sẻ về “Mắt lá vương giọt sầu”. Đang bí đó! Bảo Thành đang bí bởi không biết phải nói gì.
Các bạn!
Tương tư mắt lá vương sầu
Vần xoay trong cõi mộng đầu huyễn không
Hãy nhìn cho thấu để buông
Nhất tâm thiền định liễu thông hồng trần
Chắc có lẽ là bốn câu thơ này có thể đi vào để chia sẻ đây. Bảo Thành đọc một lần nữa, các bạn nghe kỹ cùng với Bảo Thành. Bởi vì mình cũng lung tung. Thôi, lấy bốn câu thơ chợt tới trong tâm, đọc cho các bạn nghe về mắt lá là mắt gì, mà tại sao nó lại vương giọt sầu? Bởi đây chắc chắn là chủ đề của một bạn thật trẻ đang vương vấn mộng đầu trong cõi sầu nghìn năm. Các bạn nghe:
Tương tư mắt lá vương sầu
Vần xoay trong cõi mộng đầu huyễn không
Hãy nhìn cho thấu để buông
Nhất tâm thiền định liễu thông hồng trần
Thôi, bốn câu thơ nghe được đấy! Phóng tác sơ sài, chợt tới trong tâm, chia sẻ thật rõ. Bây giờ chúng ta nghiên cứu thử coi các bạn có nghe qua mắt bồ câu chưa? Các bạn có nghe qua đôi mắt bồ câu – mắt hiền đó? Rồi mắt một mí, mắt hai mí, mắt nhiều thứ lắm. Mắt hiền, mắt dữ. Nhưng các bạn biết không, trong nhân tướng học tức là trong tướng học nhìn về khuôn mặt, người xưa nói: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn“ thì mắt bồ câu là một dạng đôi mắt hiền, đẹp, trong suốt, sáng, long lanh, hiền dịu, hiền thục, dễ thương, ai sở hữu được đôi mắt bồ câu, người đó sẽ có được nhiều bạn. Chúng ta không nói đến những đôi mắt tiêu cực theo như định nghĩa của tướng học. Tướng học nghe các bạn! Sau bài nói ngày hôm nay, các bạn đừng lần mò trong tướng học để trở thành một nhân tướng học đi coi mặt để bói nghe, coi chừng sai!
Ngoài đôi mắt bồ câu rồi đủ loại mắt hết, nhiều lắm, Bảo Thành không liệt kê những thể loại mắt đó, mà bây giờ nói đến mắt lá. Nói đến mắt lá thì có bao nhiêu loại mắt lá? Tướng học nói rằng mắt lá liễu, rồi mắt lá khoai, mắt lá răm. Tướng học nói về ba loại mắt này, định nghĩa thật là rõ, ai sở hữu mắt lá liễu thì tình cảm sướt mướt, sầu đông vẫn ấm nhưng buồn não trong lòng. Ai sở hữu mắt lá răm cương nghị, dõng mãnh, độc đoán, thành tựu được việc, nhưng cũng nguy hiểm cho nhiều người. Còn ai sở hữu mắt lá khoai thì nhẹ nhàng, khoan thai, tâm hồn rộng mở, thư thái trong mọi hành động. Nhưng ba cái mắt lá: lá liễu, lá răm hay lá khoai là thuộc về nhân tướng học. Chúng ta tu Phật mà, đâu có học về tướng học, sao Bảo Thành lại lạc vào trong cái tướng học nói về đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, rồi dẫn chứng mắt bồ câu, mắt lá liễu, mắt lá răm, mắt lá khoai? Không nói về tướng học nữa nghe các bạn! Chúng ta nói về Phật học, không phải tướng học!
Vậy thì trong Phật học có mắt lá gì? Mắt lá gì của Ngài Quan Âm Bồ Tát? Mắt lá gì của chư Phật nói tới? Mắt gì mà để rồi khi:
Tương tư mắt lá vương sầu
Vần xoay trong cõi mộng đầu huyễn không
Những mắt này là mắt lá răm, mắt lá liễu, mắt lá khoai đó, mắt của phàm phu tục tử cho nên cứ tương tư để mà “vương sầu” rồi “vần xoay trong cõi mộng đầu huyễn không” đó. Đó là về tướng học, còn về Phật học thì mắt gì? Đôi mắt lá gì để có thể nhìn cho thấu, “Nhìn cho thấu để buông”, để mà “Nhất tâm thiền định liễu thông hồng trần”? Phật học gọi đôi mắt đó là mắt lá bồ đề!
Hôm nay chúng ta học về Phật học, hiểu về mắt lá bồ đề. Mắt lá bồ đề không vương giọt sầu của tục thế. Mắt lá bồ đề không vương những giọt sầu trong trầm luân, tương tư, mộng ảo của tình cảm. Mắt lá bồ đề không vần xoay, trầm luân trong cõi mộng đầu huyễn không, giả dối. Nhưng mắt lá bồ đề là mắt nhìn thấu được cõi hồng trần, nhìn thấu vạn pháp hư không sanh diệt, nhìn thấu cái khổ, cái vô ngã. Nhìn thấu để buông! Rồi từ đó mắt lá bồ đề đó giúp cho chúng ta biết nhất tâm thiền định, liễu thông cõi hồng trần, chẳng còn vương vấn trong cõi hồng trần đâu. Mắt lá bồ đề, các bạn lấy viết ghi xuống!
Phật học, không phải tướng học! Tướng học nói về ba, bốn thể loại mắt lá mà Bảo Thành không nhớ rõ là mắt lá liễu, mắt lá răm, mắt lá khoai, các bạn đi vô tìm hiểu mắt lá đó, thì mắt lá tục thế đó nhất định không thể vương một giọt sầu đâu mà là chất chứa cả một suối sầu, chảy riết, mòn cả con mắt. Còn chỉ có trong Phật học mới nói đến mắt lá bồ đề.
Đức Phật một thuở đi trong bốn cái thành nơi cung điện, Ngài dùng mắt lá bồ đề tức là mắt thương nhìn cuộc đời. Ta thấy được trong cõi tục đế này, cái đế đầu tiên là khổ. Thấy người ta chết, thấy người ta sinh ra, người ta bị bệnh, rồi thấy người ta già, sinh – lão – bệnh – tử. Đôi mắt lá bồ đề của Ngài đã nhìn thấy bốn cảnh sinh – lão – bệnh – tử, nhưng nó lại phát ra tia sáng của tình thương, lòng thông cảm và tràn ngập ánh sáng của trí tuệ để nhìn thấu vào trong sinh – lão – bệnh – tử đó, nhìn thấu, nhìn thấu rõ, để rồi từ đó Ngài buông.
Hãy nhìn cho thấu để buông! Mắt lá bồ đề của thái tử Tất Đạt Đa nhìn thấu trong cõi sanh – lão – bệnh – tử rồi buông. Buông cung điện, ngọc ngà, châu báu, quyền lực, buông vợ đẹp con khôn, buông vạn sự ưu đãi… buông hết. Bởi vì Ngài đã nhìn thấu cái khổ bằng mắt lá bồ đề và rồi những tia sáng tình thương nhân loại, chúng sanh đã soi đường cho Ngài vượt thành ra đi để tìm một chân lý làm sao đó giúp cho mọi người có thể thấu được như Ngài. Từ đó nhất tâm thiền định để liễu thông cảnh hồng trần, không vấn vương luân hồi trong sáu nẻo, để rồi sanh, rồi bệnh, rồi già, rồi chết. Mắt lá bồ đề tỏa sáng từ bi chẳng vương giọt sầu. Mắt lá bồ đề nhìn thấu cõi trần huyễn giả vô thường sanh diệt. Mắt lá bồ đề nhìn thấu được nguyên nhân của đau khổ. Mắt lá bồ đề nhìn thấu được cái ngã tướng cống cao,… Rồi buông hết, buông hết! Buông hết để nhất tâm, nhập vào thiền định của chánh niệm hơi thở, để mắt lá bồ đề đó tỏa những tia sáng trí tuệ và tuôn nguồn suối từ bi ấm áp, tưới tẩm tới mọi miền chân tâm khô cằn bất thiện của chúng sanh để ươm mầm sống mới, mầm sống của sự giải thoát.
Chúng ta thấy, nếu như các bạn có một lần quỳ xuống thành kính nhìn lên đôi mắt của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, các bạn sẽ nhận ra đôi mắt lá bồ đề của Ngài, mắt thương nhìn đời, mắt từ bi, mắt thấu hiểu cõi trần. Đôi mắt lắng nghe tỏ rõ, đôi mắt bao dung rộng lượng, mắt đó gọi là mắt lá bồ đề, mắt đẹp khôn cùng. Nếu chúng ta quỳ xuống trong chánh điện, nhìn lên tôn tượng của Đức Phật, thấy đôi mắt lá bồ đề của Ngài khép hờ tịch tĩnh trong thiền định, môi mỉm cười tỏa sáng yêu thương. Và nếu chúng ta thành kính một chút nữa, thì nhất định chúng ta sẽ cảm thấy ấm áp bởi những tia sáng trí tuệ từ Ngài, từ mắt lá bồ đề của Ngài bao trùm xuống chúng ta.
Chúng ta nhất định không đi thẩm mỹ đâu, để mà cắt mí từ một thành hai hoặc đừng đi bác sĩ thẩm mỹ tốn tiền để giải phẫu đôi mắt gì đó để thành đôi mắt gì đó, mà chúng ta hãy tới với Phật, giải phẫu đôi mắt của tục lụy trần ai thành đôi mắt lá bồ đề. Khi giải phẫu này, chúng ta tự giải phẫu được, bởi Phật là nhà bác sĩ thẩm mỹ vi diệu viên thông. Nghệ thuật giải phẫu của Ngài không đau đớn, chẳng tốn tiền mà đẹp vô cùng, đẹp đến mức mà đôi mắt lá bồ đề sau khi ta học cách giải phẫu của Ngài rồi, ta tự giải phẫu, ta nhìn thông tam thiên đại thiên thế giới, nhìn thấu mọi cảnh giới sanh diệt tới lui trong tâm của chúng ta.
Mọi người chúng ta đều cảm chứng được rằng đôi mắt của ta đã được giải phẫu từ từ khi trải nghiệm qua những cái nhìn như thế này. Cái nhìn đầu tiên là cái nhìn thấu được nhân quả. Nếu bạn nhìn thấu được nhân quả, bạn sẽ hiểu được và thấu được khổ, bạn sẽ hiểu được và thấu được vô thường, bạn sẽ hiểu được và thấu được vô ngã. Nếu bạn nhìn thấu được nhân quả chính là bạn đã giải phẫu đôi mắt của tục thế nơi bạn thành đôi mắt lá bồ đề rồi.
Nếu bạn nhìn rõ nhân quả qua NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – đôi mắt trí tuệ lá bồ đề ấy, bạn nhất định sẽ thấu được vô thường, khổ, vô ngã, bạn nhất định sẽ thấu được trong cái nhân quả của sinh – lão – bệnh – tử, thấu được những cái khổ do cầu mà không được, do oan gia trái chủ tới, do ái biệt ly (thương mà bị chia tay) hoặc do ấm xí thịnh tức là những sự thay đổi của môi trường cuộc sống gây ra phiền não, đau khổ. Mắt lá bồ đề đó khi bạn có sự trải nghiệm, nhận diện ra những điều đó, bạn đã có đôi mắt lá bồ đề.
Bạn sẽ có sự trải nghiệm nếu bạn đã giải phẫu xong đôi mắt của bạn thành mắt lá bồ đề, là bạn nhìn thấy nỗi khổ của người thân, của cha mẹ, ông bà, của vợ chồng, con cái và của tự thân, nhìn thấu nó. Nhìn thấu cái nguyên nhân gây khổ, gây phiền, gây não để thông cảm, để đồng hành, để san sẻ, để yêu thương, đó chính là bạn đã có đôi mắt lá bồ đề. Mắt lá bồ đề bạn nhìn thấu, bạn buông được thì bạn hạnh phúc, bạn vui. Còn bạn nhìn không thấu được, không như những điều đó, tức là đôi mắt của bạn đang tương tư, thuộc dạng mắt lá vương sầu, khổ lắm.
Một sự trải nghiệm khác nữa là mắt lá bồ đề khi bạn nhìn thấy muôn cảnh sống bất hạnh, muôn sự khó khăn bất tịnh xảy ra trong ta và người, ta vẫn an nhiên tự tại. Mắt lá bồ đề là mắt không nhìn thấy sự khác biệt giữa người và ta, giữa đúng và sai, giữa khen và chê, giữa thành và bại. Mắt lá bồ đề không bị tám luồng gió chướng (bát phong xuy) thổi vào làm cuống cuồng thân xác, đảo lộn thần trí, phá hại sự an nhiên của tự thân và làm tiêu tan sự bình an của những người chung quanh. Mắt lá bồ đề rất đẹp! Đẹp như mắt của Phật! Mắt Phật là mắt lá bồ đề, mắt của Bồ Tát là mắt lá bồ đề, mắt bậc giác ngộ, mắt trí tuệ yêu thương.
Chắc có lẽ lần đầu tiên trong tướng học, chúng ta nói về mắt lá răm, lá liễu, mắt lá khoai, nhưng các bạn chắc chắn chưa bao giờ nghe trong Phật học nói về mắt lá bồ đề. Mắt lá bồ đề là cái nhìn riêng tư và suy nghiệm của Bảo Thành. Bởi vì chủ đề “Mắt Lá Vương Giọt Sầu” này mà trên đời đâu có vương một giọt sầu đâu?! Cả một bể sầu trên đôi mắt! Cho nên ý tưởng từ “Mắt lá vương giọt sầu” đi tới cái ý tưởng của “Mắt lá bồ đề” mà nói suốt nãy giờ Bảo Thành thấy đúng. Mắt lá bồ đề đẹp lắm! Đó là đôi mắt trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang!
Nếu bạn đồng tu với Bảo Thành, nếu bạn khiêm tốn chánh niệm hơi thở, nếu bạn tịch tĩnh vào ra, nhận rõ trong hơi thở của mình, quán chiếu trí tuệ và từ bi với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, bạn đã trở thành một vị bác sĩ thừa kế nền y học giải phẫu cao siêu của Phật để giải phẫu đôi mắt trần tục, vướng mắc, tranh chấp, tham – sân – si, đôi mắt gièm pha, đôi mắt đâm thọc, đôi mắt sắc như dao thành đôi mắt lá bồ đề. Để đoạn diệt mọi giọt sầu trong cuộc đời lưu vong trong nhiều kiếp đọng lại trên đôi mắt. Để từ đôi mắt lá bồ đề của bạn đó, tỏa sáng tình yêu thương Mu A Mu Sa – từ bi, tỏa sáng trí tuệ. Để từ đây, chúng ta, mỗi khi nhìn thấy sự chết tới với ai, ta thấu được đó là vô thường, ta chẳng màng ham muốn sinh về cõi người để rồi chết. Ta thấy người ta sanh ra, ta sẽ thấy rõ ràng sanh ra rồi đi tới đoạn đường cuối là để chết. Vô thường tới lui trong đoạn đường sanh cho tới chết sẽ có bệnh tật, sẽ có già nua, đau khổ lắm. Ta thấu được sinh ra làm người là vô thường, ta chán sinh ra làm người, ta hướng tới chỗ giải thoát khỏi sanh tử, đó là mắt lá bồ đề.
Ta thấy người ta bệnh, ta hiểu đây là khổ. Đức Phật nói quá đúng! Và ta thấu được sinh ra là người cũng vô thường như vậy, có khỏe, có bệnh, có đau đớn. Ta nhàm chán sinh vào cõi trần làm người, phát tâm, phát nguyện để giải phóng khỏi cõi hồng trần mà thoát khỏi cõi luân hồi, đó là mắt lá bồ đề.
Mắt lá bồ đề là nhìn vào trong sự già cằn cỗi của một thời xuân sắc đẹp, hưng phấn, nay tàn lụi, già nua theo từng giây phút. Ta thấy đó là khổ nếu dính, nếu chấp, nếu bám víu vào. Ta buông, ta buông sinh – lão – bệnh – tử, ta thong dong tự tại bước trên những mảnh đất của địa đàng cuộc đời. Dù ở dưới bàn chân được gọi là địa đàng ta đang bước lên đó, vẫn là hầm hố chông gai của thử thách, ta không đau đớn, bởi ta có đôi mắt lá bồ đề nhìn thấu.
Hãy nhìn cho thấu để buông! Mắt lá bồ đề giúp cho chúng ta nhìn thấu để buông. Mắt lá bồ đề giúp cho chúng ta thấu được vô thường, khổ, vô ngã. Mắt lá bồ đề giúp cho chúng ta trở về với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để từ đôi mắt phàm phu biến thành đôi mắt bồ đề tỏa sáng trí tuệ và yêu thương. Rồi muôn sự ở đời trái ngang, phật ý, không phù hợp với tư tưởng hoặc những sự thử thách, bão giông ở bên ngoài tác động vô, ta vẫn vững chãi như kiềng ba chân, như câu nói: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Chỉ có vững như kiềng ba chân trong ba thế đứng vững vàng bất thối lui Phật – Pháp – Tăng, thì ta mới có thể nhất tâm quy về Tam Bảo mà thiền định, rồi tâm ta liễu thông vạn pháp vô thường trong cõi hồng trần chẳng vấn vương.
Các bạn! Có lẽ bạn nào đó gửi chủ đề này có cái ý rằng Bảo Thành nói về những 39:18 chuyện tình yêu đôi lứa của một thời tuổi trẻ mộng mơ yêu thương. Có thể trở về thời quá khứ của kiếp người, ai cũng từng trải qua những rung động của cuộc đời. Để rồi sau những sự chìm nổi chẳng có và thành tựu được trong những mối tình đấy, từ đó mà ta cứ tương tư, để rồi trên đôi mắt của ta như cái lá cây bị vương vấn giọt sầu của những hạt sương mai rớt xuống, thì bất chợt nắng lên, nó tan biến vào hư không. Và cứ thế nó vần xoay mỗi sớm mai như những cõi mộng đầu một thuở nào đã yêu. Đó chỉ là huyễn không mà thôi!
Nhưng Bảo Thành mượn “Mắt lá vương giọt sầu” đó để giới thiệu “Mắt lá bồ đề – mắt lá trí tuệ, mắt từ bi yêu thương, mắt thương nhìn cuộc đời, mắt của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, của Đại Sĩ Thiên Thủ Thiên Nhãn, của tầm thinh cứu khổ, của lắng nghe thông cảm, của đồng hành trong mọi hóa thân với cuộc đời, của sự tùy duyên và hằng thuận”, để chẳng mảy may một chút tơ hào nào làm cho lòng của ai đó phải vấn vương, phải đau khổ, phải sầu muộn vì ta và cũng chẳng mảy may tơ hào làm cho ta vấn vương, sầu muộn, đau khổ bởi dính mắc với những sự khác biệt không như ý. Bởi ta biết sống tùy hỷ và hằng thuận, bởi ta có đôi mắt thương nhìn cuộc đời, bởi ta có mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, bởi đôi mắt của ta không phải vương giọt sầu mà là suối nguồn từ bi – Mu A Mu Sa.
Với đôi mắt lá bồ đề như thế, Bảo Thành và các bạn nhìn vào cuộc đời, nhìn vào chỗ nào, nhìn vào nơi nào, nhìn vào bất cứ một hiện tượng nào, con người nào, Bảo Thành và các bạn đều nhìn thấy Phật và Bồ Tát, Thánh Hiền hiển lộ, ứng hóa trong pháp đó, trong con người đó, trong hoàn cảnh đó. Và ta có cơ hội liễu thông mọi cảnh giới linh thông huyền diệu của chư Phật nơi ngay cuộc đời của cõi Ta Bà này. Cõi Ta Bà tức là kham nhẫn, trong cõi này, mỗi người chúng ta phải kham nhẫn, phải mổ, phải xẻ, phải khâu, phải khoét, để đôi mắt trần gian, đôi mắt tục lụy, đôi mắt tham – sân – si, hỷ – hộ – ái – ố, đôi mắt đắm chìm trong những vật dụng tham dục của chúng ta, mổ xẻ, khâu nó lại và chuyển nó thành mắt lá bồ đề, để không còn vương giọt sầu mà là tỏa sáng trí tuệ, mà là suối nguồn yêu thương.
Các bạn! Nhất định các bạn và Bảo Thành phải trở thành một bác sĩ giải phẫu cao tay nghề đích thực, được truyền thụ bởi Đức Phật. Nếu càng sớm học cho rõ cái ngành y giải phẫu này và nếu chúng ta bắt đầu tác động vào để giải phẫu tự thân của chính mình, thì từ đôi mắt này của chúng ta không nhìn thấy sự chênh lệch đúng sai, xấu tốt, nghịch ý hay thuận, phù hợp hay không. Bởi mắt này đã là mắt lá bồ đề, nhìn không dính mắc. Đôi mắt này là mắt lá bồ đề biết nhìn một cách tùy duyên tùy hỷ, biết cách nhìn hằng thuận, không chống đối, không phiền lòng.
Có những con người vẫn còn đắm đuối trong đôi mắt ngang dọc của cuộc sống, nhìn luôn luôn có sự phân biệt của đúng và sai, của dữ và hiền, của tốt và xấu, của hợp và không hợp. Từ đó tạo khổ cho mình rồi tác thành những tư tưởng tự kỷ ám thị, luôn luôn nhìn người khác bằng cái tâm phân biệt của mắt tục. Vướng mắc, dính mắc, chấp trược, rồi đâm ra có phân biệt, phỉ báng, chê bai, gièm pha, đâm thọc, làm cho cái não phiền vốn có ngủ ngầm trong ta có cơ hội bộc phát, giết chết sự an lạc của ta.
Tương tư mắt lá vương sầu
Vần xoay trong cõi mộng đầu huyễn không
Hãy nhìn cho thấu để buông
Nhất tâm thiền định liễu thông hồng trần
Các bạn, chỉ có thể nhìn thấu để buông bằng đôi mắt lá bồ đề, mắt trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang!
Thiền Mật song tu, các bạn và Bảo Thành thể nhập vào trong chánh niệm hơi thở, tọa trên tòa sen chánh niệm ấy, gắn kết với mười phương chư Phật qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để mắt lá bồ đề của chúng ta tỏa sáng trí tuệ, nhìn thấu cõi hồng trần, nhìn thấu được vô thường, khổ, vô ngã, nhìn thấu được những sự dính mắc, chấp trược của ta, từ đó ta buông. Buông là bởi vì mắt lá bồ đề là mắt tình thương, buông là bởi vì mắt lá bồ đề là mắt nhìn thấu, là mắt tình thương, mắt từ bi, mắt san sẻ, mắt bác ái, mắt bao dung, mắt không dính mắc, chấp trược, mắt không tham, mắt không sân, mắt không si, mắt không bị tám luồng gió chướng của cuộc đời thổi vào gây mù, mà mắt ấy là mắt của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, mắt của chư Phật, Bồ Tát, mắt của tầm thinh nhìn thấy và nghe được những nỗi khổ của con người. Mắt để mà chúng ta nhận thấy rằng trong cuộc đời này, các bạn và Bảo Thành, nhất định phải nhất tâm ngồi xuống thiền định bằng trí tuệ – từ bi, để từ đó liễu thông cõi hồng trần mà chẳng vấn vương sau này.
Các bạn thân mến! Đi từ “Mắt lá vương sầu” tới “Mắt lá bồ đề” không dính mắc trong mắt lá răm, mắt lá liễu, mắt lá khoai hay những thể loại mắt đẹp, hai mí, một mí, mắt bồ câu hay mắt gì đi nữa. Ngày nay chúng ta nhớ, xã hội, người ta không ứng dụng những mắt lá răm, lá liễu, lá gì đâu, người ta có mắt thần. Tới những trung tâm y tế, thậm chí cái phone của ta cũng có mắt thần, nó quét qua một cái là thấy rõ hết. Mắt thần! Bây giờ khoa học về viễn thông, khoa học về mọi ngành, ngay cả y học người ta cũng dùng mắt thần để quét vô, thấy được những chứng bệnh và thấy rõ những hiện tượng đang xảy ra. Ngày nay người ta đã chế ra mắt thần rồi. Nhưng Đức Phật không chế tạo ra mắt thần bởi mắt thần đó chỉ nhìn thấy trong cõi tục đế, cõi trần này mà thôi. Đức Phật đã tìm ra mắt lá bồ đề, mắt nhìn thông đến hằng hà sa pháp giới tận hư không. Mắt mà có thể nhìn thấy Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, thiện tri thức. Mắt mà có thể nhìn vượt qua vòng chấp trược, dính mắc. Mắt mà có thể tuôn nguồn yêu thương và từ bi. Mắt mà có thể sáng như trí tuệ để tỏa sáng vào mọi cõi vô minh, làm cho muôn chúng sanh thấy đường vượt ra cõi khổ. Mắt lá bồ đề, mắt thương nhìn đời, mắt của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang!
Mời các bạn đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!
Thưa Phật! Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhân tướng học diễn tả về nhiều thể loại của đôi mắt, chúng con chẳng mơ ước những sự mặc định định nghĩa của đôi mắt đẹp nơi nhân tướng học. Chúng con phát nguyện xin chư Phật gia trì, dạy dỗ cho chúng con biết giải phẫu đôi mắt trần này thành đôi mắt lá bồ đề, để tỏa sáng Trí Tuệ, để tuôn nguồn yêu thương, để mắt Từ Bi nhìn cuộc đời không dính mắc, chấp trược. Xin chư Phật gia hộ!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Mô Phật! Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay đã cho chúng con có được đôi mắt lá bồ đề để nhìn thấu mà buông, nhất tâm thiền định để liễu thông cảnh hồng trần. Nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều có đôi mắt lá bồ đề và nhìn thấu để thành Phật.
Xin chư Phật chứng minh!