Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!
Hãy một lòng thành kính hướng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhận diện rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Đồng nguyện cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Hồi siêu cho tất cả chư vị hương linh đều theo thiện nghiệp nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư mà tái sanh cảnh thiện lành. Chú nguyện cho tất cả những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu trong công hạnh thực tu để gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, thân tâm thường lạc.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!
Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mỗi một giây phút Chánh Niệm, chúng ta với mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, sẽ gắn kết mật thiết với Chư Phật mười phương qua năng lượng Từ Bi và được thắp sáng Trí Tuệ để nhận được năng lượng vi diệu, thấy rõ vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nguyện mang năng lượng này hồi hướng và rải tới tất cả mọi người thương yêu của chúng ta.
Chúng ta bắt đầu đón năng lượng! Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(16:03) Mô Phật! Các bạn ơi, chủ đề hôm nay đầy ý nghĩa; nếu như chúng ta suy nghĩ, tư duy đúng thì thật là tuyệt vời – chủ đề “Phật Không Lấy Khổ Đi”. Những cái khổ của cuộc đời thì chúng ta thông thường đi tới Phật qua hình thức quỳ dưới bàn Phật, tới chùa, các cơ sở thờ tự của Phật giáo, chúng ta quỳ xuống thành kính và cầu nguyện; có thể đọc những bài kệ, bài kinh hoặc dông dài gì đó cho nó văn tự thật hay theo cách tế tụng, nhưng đôi khi cũng thật giản đơn: “Phật ơi, con khổ quá! Phật có thể lấy đi một chút khổ để cho con được nhẹ nhàng hay không?”. Hầu ai đã là người như Bảo Thành và các bạn, trong tâm ý của mình khi tới với Phật đều có tư tưởng như vậy. “Phật ơi, xin cứu khổ con!”. Vậy ta mới có Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.
Câu hỏi mà Bảo Thành muốn đặt ra ở đây để mọi người suy nghĩ rồi trả lời rằng: “Đức Phật có lấy khổ của chúng ta đi hay không? Có làm cho những nỗi thống khổ của cuộc đời nhẹ dần, có xóa tan đi mọi khổ ách trong cuộc đời của con người hay không khi chúng ta đi tới với Ngài? Và nếu chúng ta niệm Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Từ Đại Bi Quan Âm Bồ Tát thì cái khổ mà ta niệm hồng danh của Ngài Quan Âm có tiêu biến hay không?”. Suy nghĩ, tư duy!
Xưa cho tới nay, ai dù là một đấng nào có thiền định thâm sâu, có gọi là liễu ngộ được nhân quả và nghiệp chướng thì cũng từng trải qua một thời hoặc cả cuộc đời luôn hướng đến Đức Phật như một vị cha lành, che chở và lấy đi sự thống khổ đang tồn tại, đè nặng lên cuộc đời để cho chúng ta được nhẹ nhàng.
Trước khi chia sẻ trong một vài góc cạnh về ý nghĩa “Phật có lấy khổ đi không?” như chủ đề nói rằng: “Phật không lấy khổ đi!”, chắc có lẽ chúng ta nghe giảng, nghe kinh, nghe kệ thấy đúng; Phật không phải là một đấng mà khi chúng ta tới với Ngài như một ông trời, một thượng đế để rồi Ngài lấy mọi sự thống khổ của ta đi; đó là chủ đề, đó là suy nghĩ của các bạn, nhưng Bảo Thành khẳng định đây là sự thật, rồi chúng ta sẽ cùng nhau tư duy để coi đúng hay sai. Nếu chủ đề nói: “Phật không lấy khổ đi!” thì Bảo Thành ngược lại, nói rằng: “Không những Phật lấy hết mọi khổ ách của chúng ta đi mà Phật còn xóa sổ luôn mọi sự thống khổ trong cuộc đời của chúng ta!”. Suy nghĩ đi các bạn!
Xưa đến giờ ta nghe: “Phật không bao giờ tha tội, Phật không bao giờ lấy khổ, lấy nghiệp của chúng ta đi”, nhưng Bảo Thành khẳng định rằng: “Khác! Phật lấy mọi sự khổ ách của chúng ta đi, và hơn nữa, Phật còn xóa sổ toàn diện mọi sự thống khổ vốn tồn tại nơi ta bởi bất thiện nghiệp!”. Nghe hơi nghịch lý nhưng ít nhất cũng cứ nghe, tư duy, suy nghĩ để cho chúng ta thấy rõ hơn về một mặt thật tích cực nơi Đức Phật.
Các bạn! Mỗi khi phận làm con sai lầm bởi những tạo tác gì đó gây ra khổ tâm, phiền não cho chính mình, chúng ta về với cha mẹ nếu như tin tưởng vào cha mẹ, kính trọng cha mẹ; phận làm con chúng ta đã từng một thời tâm sự với cha mẹ về nỗi khổ của mình và rồi mẹ đã ôm ta vào lòng, xoa tay vào đảnh đầu hoặc cha nhìn ta với ánh mắt thương mến thì mọi sự thống khổ của ta tiêu biến, cộng thêm sự khuyên răn, dạy dỗ, ta lại tìm lại được chính mình; và thế, cái khổ của ta không những hết mà bị xóa, bị xóa mờ, bị xóa sạch bởi sự dạy dỗ của cha. Như bài nhạc ta vừa nghe, lời mẹ dặn: “Hãy đứng lên, đứng lên làm người, bởi cuộc đời ngắn lắm con ơi!”, lời khuyên của người mẹ đã làm cho sự khổ của con cái tiêu tan mà còn chuyển hóa mọi cái khổ bởi sự giáo dưỡng của mẹ. Thế nên trong cuộc đời, có biết bao nhiêu người con gái khi đi lấy chồng, lỡ mà cái nghiệp tạo ra kiếp nào không biết, về nhà chồng khổ quá, thì đôi khi chạy về với mẹ, kể lể cho mẹ nghe những cái khổ của người ta đối xử với mình; mẹ cũng chắt chiu tình thương qua ánh mắt tràn đầy, tràn đầy tình thương đến mức mà ôm ấp con vào, xoa dịu nỗi khổ, che chở và khuyên; thế là người con gái lại hết khổ, lại đoạn khổ và trở về với nhà chồng.
Bao nhiêu cảnh trong cuộc đời con cái đều tới với cha mẹ khi khổ, và rồi cha mẹ hầu hết đều xoa dịu cái khổ đó, đồng thời chỉ, hướng dẫn, dạy dỗ, giáo dục để con cái có thể lìa xa cái khổ, xóa sạch cái khổ, không tái phạm nữa. Vậy khi chúng ta tới với Phật, nói một câu tâm tình thật đơn giản như thầy với trò, như Phật với con, tuỳ theo danh xưng với lòng thành kính, ta nói: “Phật ơi, con khổ! Phật ơi, con khổ!” rồi chúng ta kể ra biết bao nhiêu sự khổ ở đời: làm ăn thất bại, thất tình, mất công danh sự nghiệp, bạn bè phản bội, đối xử không có tốt đẹp, khổ đủ thứ,… Trong đời nhiều thứ linh tinh tạo khổ cho ta, ta kể cho Phật.
Có khi nào bạn kể cho Phật biết bao nhiêu sự khổ của bạn dù là ngồi ở trước chánh điện hoặc trước bàn thờ, trước tôn tượng của Phật, kể những cái khổ của ta ra, bạn làm chưa? Nếu bạn đã làm, sau đó bạn có thấy nhẹ lòng hay không? Đối với Bảo Thành kinh nghiệm, ngồi trước tượng Phật thôi, chỉ là một cái tượng bằng đất sét, bằng gỗ, bằng đá, nhưng quy tâm mình về với sự giác ngộ của Phật, nhớ đến những bài học của Đức Phật và nói: “Phật ơi, con khổ!”. Mà Bảo Thành cũng từng kể biết bao nhiêu cái khổ của mình cho tượng Phật nghe với lòng thành kính rằng tượng này là tượng pháp, qua tượng pháp này thấy rõ giáo pháp của Phật hướng dẫn. Từ đó mà quán chiếu rằng tôn tượng này đại diện cho sự giác ngộ Đấng Bổn Tôn, từ đó bao nhiêu cái khổ kể cho Ngài xong, lòng nhẹ nhõm và hình như nghe được lời Phật dạy y như bài hát: “Con ơi, hãy đứng dậy mà làm người!”. Khổ hết, hết khổ!
Người ta cứ kích bác rằng Phật không phải là đấng có thể ban bố, gánh khổ, lấy khổ của bạn đi, cho nên đừng bao giờ tới với chùa, tới với Phật, tới với sự tu mà cầu nguyện bởi không bao giờ thành. Điều đó có lý, nhưng cái lý thật phiến diện theo cái nhìn thật là cạn cợt. Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu hơn, tới với Phật cầu nguyện theo ý nghĩa chân thành như người con trở về với cha mẹ trong những cơn khổ đang giày vò, đều nhẹ nhõm và hết khổ.
Có câu chuyện kể thời Đức Phật, khi các đệ tử của Phật hỏi với Phật rằng: “Thưa thầy, nghiệp là gì?”.
Đức Phật mới ngồi xuống nói với chúng đệ tử rằng: “Nghiệp là gì ư?”; Phật hỏi như vậy và Phật bắt đầu kể một câu chuyện:
“Xưa kia có một ông vua cưỡi voi đi dạo trong vườn thú nơi kinh thành cùng với một vị quan đại thần. Khi vua đi tới một cửa hàng bán trầm hương, bán hương chiên đàn, bán những loại gỗ quý để xông hương thơm lắm, bán đàn hương đó các bạn; Việt Nam mình gọi là những loại trầm hương quý báu. Thì vua nói với quan đại thần rằng: “Trẫm không biết làm sao mà khi đi ngang cửa hàng này, chỉ muốn treo cổ và giết ông chủ hàng này mà thôi”. Và rồi nói như thế xong, vua lại được voi tiếp tục đưa đi. Quan đại thần sững sờ bởi không biết sao đi ngang tới đây, một vị minh vương lại tỏ thái độ ác như vậy, muốn giết người, muốn treo cổ người ta.
Sau khi kinh hành xong về, vị quan đó mới mặc quần áo giả người dân bình thường, tới tiệm bán trầm hương, chiên đàn đó gặp người chủ, hỏi sơ qua về công ăn việc làm. Người chủ đó mới than: “Tôi là người duy nhất trong kinh thành bán hương chiên đàn, trầm hương gỗ quý, bao nhiêu người tới đây đều ngửi thích thú lắm; ngửi lâu, khen là trầm hương, chiên đàn thơm, tốt, nhưng rồi chẳng ai mua, ế ẩm, sắp sửa phá sản”. Và rồi ông chủ nói với vị quan thần giả dạng kia rằng: “Tôi chỉ ước sao, nếu nhà vua băng hà, nhà vua chết đi, chắc là dân chúng sẽ tới mua hết trầm hương, chiên đàn của tôi mà vào cúng cho vua, dâng trong ngày lễ đấy. Thì tôi mới có thể lời nhiều, còn không chắc là phá sản thôi”.
Vị quan thần lúc này mới suy nghĩ ra và thấy rằng: “À, hóa ra vua đi ngang đây, muốn giết ông chủ này, muốn treo cổ ông ta chính là bởi vì ông ta luôn luôn nghĩ rằng và mong rằng ông vua chết, phải chết để người dân tới mua gỗ chiên đàn, trầm hương để đốt cho vua”. Thấy vậy, quan đại thần mới mua một số gỗ chiên đàn, trầm hương thật đẹp của ông chủ, trả tiền xong rồi đi.
Khi trở về gặp vua, thì vị quan thần này mới tới nói với vua: “Tâu hoàng thượng, lúc nãy người chủ bán chiên đàn, trầm hương kia có gửi cho thần một món quà trầm hương, chiên đàn về dâng cho hoàng thượng”.
Vua nghe thấy mừng lắm, mở ra thấy gỗ chiên đàn vàng óng, thơm, thơm ngát cả cung đình, trong lòng hoan hỷ vô cùng mới nghĩ: “Ôi, ông chủ thương gia đó có ý thật tuyệt vời mà ta nghĩ sai. Trong sự hoan hỷ vui vẻ như vậy nên vua nói với quan đại thần: “Thôi, ta ban cho ngân lượng, vàng bạc. Hãy tới mà tặng cho ông chủ!”.
Quan đại thần mang tới tặng cho ông chủ ngân lượng của đức vua ban cho, nhận xong và hiểu thấu được câu chuyện vị đại thần nói: “Tặng cho vua rồi vua tặng vàng”, ông ta hối hận vô cùng. Lúc này mới nhận ra vua chính là một vị minh vương thật tốt mà bấy lâu nay ta luôn nghĩ và trù rằng vua chết đi, băng hà để ta có thể làm ăn được.”
Kể xong, Phật mới nói với các đệ tử rằng: “Vậy nghiệp là gì?”.
Các đệ tử đều nói về mọi hình thức về nghiệp, lý giải đủ thứ, nghiệp là lời nói và hành động tạo ra khổ.
Phật mới nói với chúng đệ tử rằng: “Lời nói và hành động chưa hẳn đã tạo ra nghiệp, nhưng chính những suy nghĩ của chúng ta mới tạo ra nghiệp và tạo khổ cho chúng ta. Vậy nên, nếu làm chủ được suy nghĩ của mình thì chúng ta sẽ không tạo ra nghiệp và chẳng tạo ra khổ”.
Các bạn! Câu chuyện đơn giản, ngừng ở đó để thấy rằng làm sao mà người chủ bán trầm hương, chiên đàn kia và vua có thể hóa giải được trong hai mối hận thù và tại sao họ hận thù nhau, muốn giết hại nhau; chỉ vì ở trong ý khởi lên thôi, ý mới khởi lên thôi đã tạo nghiệp vô số, dù chưa có lời nói, ngôn ngữ tương tác với nhau, chưa có hành động đối xử với nhau, ý thôi đã tạo ra nghiệp lực, tội rồi và tạo khổ cho nhau, gặp là muốn giết nhau rồi. Cái chỗ làm sao câu chuyện này đưa chúng ta thấy và đi tới cái đích rằng: “Phật có thể lấy khổ cho chúng ta!”. Chúng ta thấy sẽ khổ lắm, ông chủ quán kia và vua sẽ giết nhau đấy, nếu không có quan đại thần. Quan đại thần dùng cái gì? Dùng trí tuệ suy nghĩ mối hận thù của hai người tới với nhau là chính vì trong chí nguyện của ông chủ quán phát và khởi tâm muốn vua phải chết tạo thành nghiệp lực chiêu cảm sự hận thù của vua và từ đó vua muốn giết ông ta. Và ông ta đã mua trầm hương, chiên đàn về tặng lại cho vua nhưng nói rằng người kia đã tặng; ngay chỗ này là chìa khóa.
Các bạn! Phật đã tới với cuộc đời của chúng ta khi chúng ta tới với Ngài và than khổ, và Ngài đã lấy khổ đi cho chúng ta bằng cách mang cái hương, hương đàn hương, hương chiên đàn, hương trầm hương vi diệu nhất đó là hương từ bi Mu A Mu Sa. Và trong hương từ bi Mu A Mu Sa đó lấp lánh màu hoàng kim thật đẹp, thơm ngát bằng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, vị quan thần đã mang món quà tặng cho vua và vua đã nhận ra giá trị của tặng phẩm đó mà đã nhận ra mình nghĩ sai, hiểu sai, và ngược lại mang vàng của vua tặng cho ông chủ quán và chủ quán nhận được món quà đó mới nhận diện ra cái sai trái của lòng mình.
Trong cuộc đời này chúng ta gặp biết bao nhiêu những cái khổ do oan gia trái chủ, do bất như ý, do sự thành bại trong cuộc đời đều có nguyên nhân sâu xa từ vô lượng kiếp bởi ta khởi ý ác độc, bất thiện đối với người. Để rồi không biết sao ra ngoài đường mới gặp nhau lần đầu, họ chửi như tát nước vào mặt. Không biết sao khi suy nghĩ thật kỹ và biết rằng ta có khả năng làm điều đó, nhưng khi làm việc lại thất bại. Để rồi không biết sao đụng đâu hư đó, đi đâu cũng gặp bao nhiêu chuyện rắc rối, oan gia trái chủ không biết từ đâu tới gây phiền não. Ta không biết, ta không biết… nhưng thật ra, chính là bởi vì trong tâm ta đã khởi lên những tư tưởng bất thiện, nó chiêu cảm, nó tạo thành năng lượng, tạo thành từ trường, tạo thành những nguồn lực của nghiệp, tác do ý bất thiện tạo ra, chiêu cảm, và rồi cái người, cái đối tượng mà chúng ta luôn luôn nghĩ xấu bị ảnh hưởng và họ nghĩ xấu về chúng ta.
Nhất định Bảo Thành và các bạn đã thật nhiều lần như ông chủ quán, vì mục đích danh lợi, tiền tài, tình cảm, những ước vọng riêng tư của mình mà mình từng nghĩ một đối tượng nào đó, một con người nào đó phải bị bệnh hoặc là chết đi hoặc là thất bại hoặc bị như vầy bị như kia, tức là theo chiều hướng xấu, không tốt cho họ. Ta có, ta từng nghĩ như vậy! Ta từng ước người ta bị thất bại, bị đụng xe, bị chết, bị thương, bị này bị kia, bị bệnh, đủ hết. Có! Không to thì nhỏ, không nhỏ thì vừa. Là người, ai cũng có nhiều lúc nghĩ xấu về người khác. Thì hôm nay câu chuyện đó đã nói cho chúng ta rằng mọi sự thống khổ trong cuộc đời đều khởi lên bởi ý bất thiện. Vậy khi tới với Phật, Phật như một sứ giả, như ông quan thần thật khôn khéo, đã mang hương từ bi vốn có nơi cõi lòng thiện lành của chúng ta trao gửi tới những người thù địch, những người có ý hại ta. Đấy, hương chiên đàn được tặng cho người muốn giết ông ta chính là vua và rồi hóa giải được, thì Phật là sứ giả, khi tới với Phật không những Phật lấy khổ mà Phật còn xóa sổ cái khổ bằng cách hòa giải. Nhưng không phải lấy khổ bằng cách là ta khổ quá, Ngài đưa bàn tay vào lấy khổ quăng đi chỗ khác mà Ngài chỉ cho chúng ta một phương tiện vi diệu đó là hương từ bi. Hãy khởi ý và để cho hương từ bi của chúng ta luôn luôn hướng tới muôn người!
Trong Thiền Mật song tu, Mu A Mu Sa tức là rải tâm từ bi – tâm từ bi có tha lực vi diệu gắn kết với mười phương Chư Phật để khởi nguồn năng lượng từ bi nơi chúng ta, và từ đó ta rải tới, ta hiến tặng, ta trao, ta luôn luôn nghĩ tới muôn người bằng tâm từ bi. Năng lượng từ bi đó thật vi diệu; nếu chúng ta nghĩ sai, nghĩ xấu thì chiêu cảm, mà nếu chúng ta mang tâm từ bi rải tới muôn người, hướng tới muôn người, thì cảm ứng được năng lượng từ bi đó, những đối tượng kia, những con người kia sẽ cảm ứng được năng lượng từ bi nơi ta, mà từ đó giao thoa trở thành bạn chí cốt, chí thân và không tạo khổ cho chúng ta nữa. Không những như vậy, nó còn xóa sổ căn nguyên cội nguồn của những bất thiện ý do ta hướng tới họ mà tạo ra khổ. Vậy, Phật thực sự lấy khổ và xóa khổ cho chúng ta, nhưng bằng phương pháp hướng dẫn cho chúng ta khởi lên tâm từ bi, hồi hướng cho muôn người. Đây là phương thức siêu đẳng, thần kỳ, linh diệu bởi ai cũng làm được và làm như người mẹ dặn: “Đứng lên, đứng lên để làm người!”. Phật đã nói: “Hãy đứng lên con ơi và khởi tâm từ bi, mang trí tuệ mà chiếu vào tâm từ bi tỏa sáng kia!”, để rồi muôn người ta hồi hướng tới, thì những người đó dù muôn đời ta đã tạo nghiệp thành oan gia trái chủ, là kẻ thù muốn bách hại ta, thì khi hồi hướng, tâm từ bi và trí tuệ chiếu tỏa đó, những con người ấy sẽ cảm ứng được hương từ bi vi diệu và ánh sáng trí tuệ linh thông của chúng ta. Và rồi, bao nhiêu hận thù, nghĩ sai về ta sẽ được đoạn diệt nơi họ và họ sẽ không bao giờ gây khổ cho ta nữa. Vậy, thực sự, Phật đã lấy khổ và xóa sổ cái khổ cho chúng ta bằng một phương pháp – một phương pháp tuyệt vời các bạn, một phương pháp siêu thế và Ngài muốn chúng ta chính là sứ giả của hòa bình, lan tỏa lòng từ bi và chiếu sáng ánh tuệ quang tới muôn người.
Mỗi một người trong chúng ta phải là ông quan đại thần kia, lắng nghe những sự khổ ải đang tuôn ra từ trong lòng và nhận thức thật rõ nó có là bởi vì ta đã tác ý bất thiện, luôn luôn nghĩ xấu, nghĩ sai về tất cả những người chung quanh ta một cách thật tiêu cực và bất thiện. Để từ đó tạo ra nguồn từ trường tiêu cực, chiêu cảm lẫn nhau, gây ra sự hận thù, tạo khổ cho nhau. Tới với Phật là Phật lấy khổ của chúng ta đi bằng phương pháp hướng dẫn cho chúng ta trở thành quan đại thần, sứ giả của tình yêu, sứ giả của trí tuệ, biết hiến tặng, biết trao cho nhau. Để hóa giải và đoạn diệt đi những khổ ải trong cuộc đời mà ta đã tác ý bất thiện tạo ra với muôn người.
Bạn sẽ hết khổ! Phật sẽ lấy đi cái khổ của bạn bằng phương pháp đó. Bạn sẽ đoạn khổ! Phật sẽ đoạn khổ của bạn bằng phương pháp đó. Bạn không nhảy vào cái kho chứa toàn là khổ, bất thiện nghiệp của bạn như một người công nhân hốt sạch đi và lau sạch đâu. Bởi nếu hốt sạch và lau sạch mà bạn vẫn mang vào đó những cái khổ, những cái bất thiện chất chồng, thì có lấy đi rồi, có lau sạch, nó cũng sẽ đầy, sẽ dơ nữa. Chi bằng bạn hiểu được nguyên nhân và mang hương từ bi như hương trầm, hương chiên đàn, xông vào trong tâm thức của mình, thì nó sẽ xua đuổi đi tất cả mọi mùi khổ vốn có ở trong đó do ta mang chất chứa vào. Và rồi mang ánh sáng trí tuệ để nhìn thấu, từ đó ta không chất chồng những ý bất thiện khởi lên trong tâm khi hướng về những người ta tương tác trong cuộc đời. Như vậy khổ hết mà còn đoạn khổ, mà còn lấy toàn bộ khổ đi bằng phương pháp vi diệu.
Hôm nay chúng ta nghe thấu để thấy rằng, ta tới với Phật để Phật lấy khổ của ta đi và Phật còn xóa sổ những sự khổ ải của chúng ta bằng một phương pháp vi diệu là chỉ cho mỗi người chúng ta tu tập, khơi nguồn lòng từ bi. Lòng từ bi của chúng ta là hương chiên đàn, là hương trầm thơm ngát mười phương, ngược gió cũng bay. Hương từ bi này sẽ làm cho muôn người đối nghịch tạo khổ cho ta cảm ứng được; chỉ cần khởi từ tâm thôi, họ sẽ cảm ứng được.
Vậy trong từng giây phút tu tập Thiền Mật song tu, Bảo Thành và các bạn tịnh tâm chánh niệm hơi thở, tác ý từ bi Mu A Mu Sa để hương từ bi lan tỏa tới muôn cõi, muôn người. Biết bao nhiêu những oan gia trái chủ nhiều đời do ta tác ý bất thiện đối với họ trong vô lượng kiếp qua, họ liền cảm ứng được và nhận ra ta là người đã nhận thức được lời Phật dạy, ứng dụng thật đúng, khởi ý từ bi, thắp sáng đuốc tuệ, họ nhận ra. Thì bao nhiêu những ý bất thiện nhiều đời ta tác ý đến họ, họ chiêu cảm gây ra hận thù đó, nương vào hương từ bi và trí tuệ thực hành viên mãn trong từng giây phút nơi mà chánh niệm được hiển lộ và Thiền Mật song tu được thực hành qua Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, thì mọi phiền não liền đoạn diệt nơi người ấy, để rồi họ sẽ không tạo khổ, gây khổ cho ta và thế là ta hết khổ. Hình thức này là hình thức Phật đã lấy khổ và xóa sổ khổ cho ta.
Hãy thực tập để có một sự trải nghiệm viên thông, hãy thực tập để có một sự trải nghiệm thực tế trong cuộc đời! Nỗi khổ của bạn khi tới với Phật và nói rằng: “Phật ơi, con khổ lắm!”, Ngài liền trở thành quan đại thần và Ngài sẽ hướng dẫn cho chúng ta thành sứ giả của hòa bình, của tình thương, của sự tha thứ, của lòng từ bi, của trí tuệ. Cho nên chỉ có trí tuệ và từ bi khởi lên ở nơi tâm mới có thể xóa sổ mọi khổ ải tới với bạn, mới có thể lấy đi mọi sự thống khổ đang hiện hữu trong cuộc đời.
Hãy luôn luôn tác ý từ bi và trí tuệ soi chiếu mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi lời nói trong cuộc sống để chúng ta có thể cảm ứng được đạo giao vi diệu, năng lượng tới với muôn người, xóa sổ mọi sự chiêu cảm của những nguồn từ trường tiêu cực, gây hại cho nhau!
Phật không lấy khổ đi đối với những con người không chân thành tới học hỏi để trở thành một vị quan thần, hóa giải mọi sự tiêu cực do tâm ý khởi lên bởi sự bất thiện trong tương tác, nhưng Phật sẽ lấy khổ của chúng ta đi và xóa sổ mọi sự thống khổ của ta đi bằng cách nếu như tới với Phật bằng lòng thành kính, chân thành và nói với Phật: “Phật ơi, con khổ!”, thì Phật nhất định sẽ gửi một vị quan đại thần là Hộ Pháp, Long Thiên, là Như Lai, là sự tỉnh giác, là Bồ Tát, là đấng đại từ đại bi, là bậc đại sĩ tới để hướng dẫn cho chúng ta biết mang hương trầm từ bi nơi cõi lòng và ánh sáng trí tuệ để hiến tặng cho muôn người, xóa sổ mọi thống khổ của cuộc đời và lấy khổ đang gây tạo trong chúng ta, trong mọi con người ta yêu thương trong cuộc đời. Nếu bạn khổ dưới mọi hình thức, hãy tới với Phật bằng tâm ý như thế thì bạn nhất định sẽ được Phật lấy khổ và xóa sổ mọi cội nguồn của cái khổ gây ra do bạn.
Các bạn thấy không, và tóm lại phương pháp để chuyển hóa khổ đau ở chỗ là luôn luôn chánh niệm từ bi và trí tuệ nơi ý của chúng ta, nơi tâm của chúng ta. Ông bán gỗ trầm hương đó chỉ tác ý bất thiện rằng mong muốn cho vua chết để người ta tới mua trầm hương thôi, thì nhất định trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn cũng đã không những một và nhiều lần tác ý, nghĩ đến người nào đó với một tư tưởng xấu, thậm chí có thể nghĩ rằng muốn cho họ chết, muốn cho họ thất bại, muốn cho họ đau khổ, muốn cho họ bệnh hoạn. Có! Nhất là những người ta không thích, không ưa hoặc là những người mà nếu họ bị như vậy sẽ có lợi cho chúng ta về tiền tài, danh vọng và địa vị. Nếu như trong quyền lực đó, sếp lớn của ta, đôi khi chúng ta cũng muốn nghĩ rằng họ bị đuổi, bị sa chân vào điều gì đó, để rồi ta thừa kế, lên ngôi, lên chức. Trong làm ăn cũng như thế, trong tương tác của cuộc đời, thật nhiều lúc chúng ta thường khởi lên những ý bất thiện, mong muốn những đối tượng làm ăn của ta hoặc những đối thủ của ta, hoặc những người có thể mang lại lợi nhuận cho ta, phải bị cái này bị cái kia như ông bán trầm hương, chiên đàn kia. Vốn là người, ai trong chúng ta cũng có tâm ý như ông ta!
Đức Phật là sứ giả, là quan thần thật khôn khéo, bởi tình thương của Ngài đối với chúng ta, nên Ngài đã nghiên cứu thật kỹ và thấy rằng mọi nỗi khổ của chúng ta đều khởi lên và do ta tạo. Khởi lên từ đâu? Từ tác ý bất thiện. Do đó, Phật sẽ lấy khổ cho chúng ta bằng cách dạy cho chúng ta tác ý thiện từ bi và nhớ rằng cái tác ý từ bi đó, nó còn thơm hơn gỗ chiên đàn và trầm hương. Hương từ bi thơm ngát mười phương và hương từ bi đó được thắp sáng bởi đuốc tuệ thì nó còn sáng long lanh, huyền ảo, vi diệu lắm. Để rồi từ đó muôn người mà có sự hận thù, ghen ghét, trái chiều, oan gia đều có thể cảm ứng được hương từ bi và trí tuệ của các bạn mà họ thay đổi cách suy nghĩ, hành xử đối với chúng ta. Từ đó, khổ của họ đoạn, khổ của ta hết.
Vậy chăng có phải khi tới với Phật học hỏi một cách chân chính, thực hành một cách đúng đắn, thì Phật thực sự đã lấy khổ và xóa sổ mọi khổ ách của cuộc đời nơi chúng ta hay không? Hãy suy nghĩ!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Thưa Phật! Chúng con đã hiểu, tác ý bất thiện chiêu cảm oan gia trái chủ và kẻ thù tạo khổ cho nhau, tác ý thiện lành Từ Bi thì hương Từ Bi và Trí Tuệ sẽ cảm ứng năng lượng vi diệu, xóa đi mọi thống khổ của cuộc đời và những mối thù hận nơi con người. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con trong từng giây phút Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ quán. Để năng lượng của Từ Bi và ánh sáng của Trí Tuệ khởi lên do gắn kết với mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền có thể cảm ứng tới muôn loài chúng sanh, để xóa tan đi mọi sự khổ, phiền não nơi nhau.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.