Search

Bài 2166. Mây Trời Không Ai Giữ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Ngân đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Hãy cùng nhau hướng tâm về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật hãy ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện một lòng xin Chư Phật gia trì cho tất cả các bạn đồng tu, những ai đang lâm bệnh đầy đủ phước báu gặp thầy, gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ. Và nguyện hồi siêu cho tất cả chư vị hương linh nương bóng từ ân của Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Từng hơi thở vào ra, Chánh Niệm thiền Trí Tuệ và Từ Bi qua hai mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Từ Bi – Trí Tuệ quán giúp cho chúng ta thể nhập vào Phật tánh chân như để chuyển hóa mọi phiền não, khổ đau, để thấy rõ vạn pháp mà buông bỏ. Đón nhận năng lượng Từ Bi vi diệu từ Trí Tuệ mười phương Chư Phật, chúng ta hãy cùng mang năng lượng này rải tới những đấng bậc sinh thành, người thân trong gia đình, cộng đồng, xã hội và nhân loại.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến) 

(15:37) Mô Phật! Các bạn thân mến, nhìn trên màn hình thấy chủ đề tuyệt đẹp và thấy hay bởi trong cuộc đời chúng ta, ai ai cũng mơ ước như mây trời lang thang đây đó, thong dong, tự tại và không chịu sự kềm chế, ngăn cản, nắm bắt, giữ chặt của ai – chủ đề “Mây Trời Không Ai Giữ”.

Mà đúng vậy, nào ai trong cuộc đời này có thể giữ được mây trời? Tâm thái của con người quyết định đời sống mạnh khỏe, hạnh phúc, an vui, vui vẻ, trẻ trung hay cằn cỗi, phiền muộn, đau đớn. Tâm thái đó luôn ràng buộc với cảm xúc của mỗi người trong chúng ta. Và trong hàng trăm ngàn sự cảm xúc khác nhau, với mối tương tác giữa ta và cuộc đời và con người, hình như nhìn lên trời thấy mây bay thong dong cuối trời quên lãng, ta thích thú và mơ ước rằng ước gì cuộc đời của chúng ta, cảm xúc của chúng ta cũng tự tại, thong dong như mây trời không ai giữ, không ai làm chủ.

Hầu hết Bảo Thành và các bạn đều nhiều lần thả hồn về cõi mộng để mơ, mơ một lần hay mơ cả cuộc đời được như mây trời tuyệt vời. Có phải chăng chỉ là ước mơ? Chúng ta có thực sự trở thành mây trời hay không? Và mây trời ấy nào ai muốn có kẻ làm chủ, nắm giữ và kềm chế đâu, đúng không các bạn? Tự tại, thong dong, hạnh phúc khôn cùng.

Nhưng rồi làm sao đây? Các bạn nhìn lên bầu trời thấy mây đen, thấy mây trắng, mây xanh, mây vàng, đủ màu sắc mây khi hòa quyện với thiên nhiên, mây ngũ sắc, thậm chí biến thể sau cơn mưa, biến thành cầu vồng bảy sắc màu đẹp. Mỗi một màu sắc của những áng mây khác trên bầu trời, ở trên nền trời mang lại vẻ đẹp hài hòa mà hầu hết chúng ta khi nhìn thấy, đều yêu thích.

Dù cho những cục mây đen, đen gọi là đen quá trời đen, u ám xám xịt nhưng biết bao nhiêu con người vẫn vui mừng nhảy múa, đón những cục mây đen ấy, như những nhà nông canh tác, cần mây đen để rải mưa xuống ruộng đồng; những người đang đi vào vườn hoa mộng, thích mây trời xanh, mây trời tím, mây trời vàng, thích cầu vồng, thích ngũ sắc. Mỗi một chúng ta đều chọn lựa cho mình một áng màu mây khác biệt trong những thời gian tùy theo cảm xúc.

Mây ở trên trời đôi khi còn sa xuống dưới đất hóa thành nước, mang lại muôn sự sống cho nhân loại của hành tinh này. Chúng ta nhất định phải trở về với mây trời. Đừng biến đó chỉ là một ước mơ, mà sự thực mỗi người chúng ta, tâm của chúng ta như mây trời không ai giữ được, ngoại trừ các bạn.

Cuộc đời này có bao nhiêu ước mơ, mỗi người đều muốn tung đôi cánh đó, bay lên vòm trời cao, chạm vào những tinh tú, lướt nhẹ như mây trời để được phúc, được lộc, được những điều ta nghĩ tới. Nhưng vì sao những cái rất bình thường, chân thật đó chết dần theo năm tháng để trong cõi lòng của mỗi người u ám, đau đớn và phiền não? Có lẽ là bởi vì chúng ta đã quá coi trọng hoặc để cho cảm xúc, cảm giác của mình dìm ta xuống (dìm hàng đó các bạn), để không một lần ngóc đầu lên tự tại trong cuộc đời. Vì sao? Vì chúng ta đã để cho cảm xúc của mình không bay bổng như mây trời mà lệ thuộc vào những người chung quanh.

Chúng ta coi trọng sự đối đãi giữa người và ta, và sự coi trọng đó ảnh hưởng đến cảm xúc. Chúng ta cứ luôn luôn nghĩ rằng phải làm sao, phải sống như thế nào, với nhân cách như thế nào, và cách sống như thế nào để cho những người bên ngoài như cha mẹ, ông bà, như người thân, như người trong xã hội đánh giá về ta là người tốt, để từ đó ta đã dần thành nô lệ cho người ta và cảm xúc của mình hoàn toàn lệ thuộc, cột chặt vào cái nhìn, cái đối xử ở bên ngoài. Ta đánh mất quyền tự do, tự chủ của chính mình. Và lâu dần, ta không còn tìm được mình nữa, không còn sống với chính mình. Sự tự tại như mây trời không ai giữ, không ai cột mà ta tự cột mình vào những cảm xúc, mà cảm xúc đó lại lệ thuộc vào người ở bên ngoài. Để suốt cuộc đời ta trăn trở, chui vào trong hầm cầu của cảm xúc, biến mình thành tự ti, nhỏ nhặt, tù túng, khó chịu, và rồi sân hận trỗi dậy, sống buông thả, sống chết dần theo sự lãnh cảm. Để cảm xúc xơ cứng, vỡ vụn, rồi lần mò trong những mảnh vỡ vụn của cảm xúc xơ cứng ấy, mang nước mắt và tủi hận, cố ghép lại nên những hình hài mò mẫm, mà nào được an vui.

Mây trời có màu sắc khác nhưng cũng nằm trong cả một vòm trời của hư không vô tận. Mỗi một chúng ta đi vào cuộc đời là một ánh màu khác biệt của nghiệp thức mà tái sanh trở lại, chẳng đồng nhất với ai. Nhưng cùng nằm trong một phép mầu nhiệm tuyệt vời, đó là hư không vô tận của thể tánh thanh tịnh.

Đã mơ ước như mây trời không ai giữ thì chúng ta nhất định không thể điều khiển người khác theo ý của mình và không thể biến cảm xúc của người ta lệ thuộc vào sự điều khiển của chính mình. Ta sống bị điều khiển bởi những cảm xúc do những người khác đánh giá, phán xét về ta để ta mất đi sự tự chủ. Và rồi ta đã trở thành thân cận với con cóc, tại sao? Con cóc là cậu của ông trời, con cóc nó thích khiến trời phải làm mưa làm gió. Mỗi khi nó nghiến răng là trời phải đổ mưa. Ta đã biến mình thành cóc để giận dữ, để nghiến răng, để điều khiển, để chỉ trỏ, để xỉa xói, để phán xét, để áp chế cách sống, cách nhìn, quan niệm của ta và bắt muôn người phải theo. Ta làm khổ ta và ta làm khổ người.

Các bạn nhìn kỹ lại cuộc đời của mình đi, sao chúng ta đã vô tình biến mình thành con rối để người chung quanh ta cầm dây giựt, tạo nên những cảm xúc vụn vặt, thô thiển trong đau đớn, quằn quại, biến mình thành tự kỷ, rời xa tình thương chân thật đối với ông bà, cha mẹ, người thân, con cái? Chung quanh trở thành tù túng, khó chịu bởi chúng ta đã trở thành những ông cai tù nhốt mọi người vào trong đó, giết chết đi cái bản thể tự nhiên của họ, để xây dựng lại một con người mới, đúc khuôn y như cảm xúc và tư tưởng sống của chúng ta. Một nhà độc tài nguy hiểm, tổn hại đến sự sống của những người chung quanh và đang tự làm hao mòn cảm giác chân thật và những cảm xúc tuyệt vời vốn có nơi tánh Phật hiện hữu.

Nhìn kỹ lại, mỗi người chúng ta quá lệ thuộc vào người ta nghĩ gì về mình, người ta đối xử với mình như thế nào, chúng ta lệ thuộc quá nhiều. Sao bạn không lột đi tất cả những cảm xúc lệ thuộc bởi những người chung quanh áp chế, quản trị cả cuộc sống, biến ta thành người hầu, nô lệ, thành loài thú như cóc? Họ cứ nghiến răng điều khiển ta, rồi ta cứ nghiến răng chịu đựng đến cằn cỗi tâm hồn, đến phiền não đầy hết, đến mức mà ta không dám bước ra ngoài tự tin vào cuộc sống. Sống cứ co cụm lại, sợ hãi, sợ người ta nghĩ mình như thế này, sợ người ta nói mình như thế kia, gọi là sĩ diện của cuộc đời.

Hai chữ “sĩ diện” thật là hoang tưởng đến mức mà ta cứ tưởng tượng sĩ diện như một vườn hoa mộng để bước vào chăm sóc cho những cảm xúc màu sắc khác biệt của những loài hoa, để dần dần từ cõi hoa mộng đó đi tới cõi hoang tưởng không thực. Sĩ diện giết dần chúng ta, giết dần chúng ta từng ngày từng tháng. Cái sĩ diện đó, biến ta thành tự kỷ, biến ta thành bệnh hoạn, biến ta thành những con rối, biến ta thành người điên người khùng bởi hai chữ “sĩ diện” để đối ứng với người ở bên ngoài, thậm chí là đối với cha mẹ, đối với anh chị em, bà con, cô bác.

Chúng ta đã bị xỏ mũi vào cảm xúc bởi nâng cao cái sĩ diện làm người mà giết chết đi sự sống vốn có khi sinh ra trong cuộc đời này, đó là sự tự tại như mây trời không ai giữ, thong dong, bay vào khung trời mà chẳng có một sự buồn phiền, lo lắng. Dù khác biệt giữa màu đen, màu trắng, màu xanh, màu vàng, ngũ sắc cầu vồng vẫn là sự thể hiện của nhân duyên khế hợp chung giữa cái vòm trời cao rộng này. Nhưng chúng ta, vì hai chữ “sĩ diện” mà đã đày đọa nhau. Chúng ta luôn nghĩ, ta là con thì ta phải như thế này theo sự áp chế của ông bà, cha mẹ, ta là cha mẹ thì con cái phải như thế này. Dần dần ta biến mình thành những ông cai ngục. Tâm và cảm xúc của mình thì không quản trị, không coi được, không điều khiển được, nhưng thích quản chế cảm xúc của người khác. Từ đó mà trong môi trường sống của gia đình biến thành nhà tù, môi trường sống của bạn bè, của xã hội cảm thấy toàn là những thứ ám khí chung quanh, cứng ngắc. Rồi nó biến thành khô, thành sạn, thành chai, thành sần sì mà chạm vào đâu cũng thấy đau ở trong lòng.

Các bạn có thấy, những người trong chúng ta thường hay bị rơi vào trạng thái lệ thuộc cảm xúc khi tương tác? Mỗi khi thức dậy, luôn luôn nghĩ khi ra đường tương tác với ai, họ nghĩ về ta như thế nào, đúng hay sai; đó là sự quyết định của cảm xúc trong mỗi một ngày. Mà nếu như họ hất mắt nhìn ta hoặc chỉ trỏ một chút xíu là đau đớn. Thôi, ngày hôm đó coi như là lỗ toàn diện, sụp toàn diện, vì sao? Vì ở trên đời này, mấy ai biết sử dụng ái ngữ và tử tế trong quan hệ tương tác đâu? Cho nên hầu hết cuộc sống, cảm xúc của chúng ta, nếu lệ thuộc vào người ở bên ngoài hoặc một đối tượng khác, thì hầu như bạn đã chui vào hầm cầu cảm xúc đen tối, nhốt mình vào trong vùng sình lầy hôi thối, cả cuộc đời đang tự giết chính mình.

Hãy một lần lột xác những cảm xúc lệ thuộc vào bên ngoài để trở về cái dáng nguyên trinh tự thể trong trắng, thanh tịnh của mình, như mây trời không ai giữ để có thể bay, bay vào tận hư không pháp giới!

Các bạn! Có những phận làm con sinh ra trong những nhân duyên đặc biệt, chẳng thể một lần tự do tung cánh vào cõi trời bởi cha mẹ luôn áp chế vì cái sĩ diện của gia đình, của cha, của mẹ, để từ đó đã thắt chặt cổ của con. Để con mình ngộp thở, tức giận, vùng vẫy trong đêm tối, và rồi tự kỷ, khó sống. Ngược lại, có những phận làm con sinh ra trong những nhân duyên đặc biệt, chẳng có một môi trường để sống tỏa hương, mang lại lợi ích cho cuộc đời, ít nhất là cho các đấng bậc sinh thành như ông bà, cha mẹ. Bị cái nhìn xỉa xói, bị sự áp chế của những người chung quanh, đâm ra cuộc sống như ngục tù, dồn nén quá mức, trở thành khùng, thành điên. Sống với những ý tưởng phiêu bạt, tổn phước, thất đức, cục bộ, dễ bị sai khiến. Tránh sự sai khiến, áp chế của gia đình, nhưng lại bị sự sai khiến của những tư tưởng lầm lối, đen tối.

Chúng ta nhất định phải cởi trói cho nhau, tôn trọng những màu sắc khác biệt như mây trời để cho mỗi người được tự do tung đôi cánh thiện thần bay mãi, bay mãi. Đừng áp chế một khuôn mẫu rõ ràng để tự mình trở thành một cai tù bắt buộc người khác phải sống theo chân lý hạn hẹp của cái nhìn trong đêm tối. Đừng vì hai chữ “sĩ diện” với họ hàng, bà con, với người đời mà che kín đôi mắt tuệ, không nhìn thấu được sự khác biệt của những nhân duyên là những con người có phước báu đi qua cuộc đời làm cha mẹ, làm ông bà, làm con cái, làm bạn bè, làm người thân.

Chúng ta đừng biến mình thành cóc để điều khiển ông trời khi nghiến răng, hăm dọa người khác. Chúng ta đừng biến mình thành cai tù để quản trị, để quản thúc người khác. Ai ai trong chúng ta cũng thật đẹp với cái thể tánh thanh tịnh từ Phật tánh, Phật đã nhìn thấy điều đó. Phật đã nhìn thấy mỗi người chúng ta là một áng mây trời tự tại không ai giữ, thong dong, đẹp lắm. Lang thang trong cõi vô tận, nhưng hồn nhiên, thanh tịnh. Dù là các màu sắc khác biệt đấy, nhưng cùng chung sống ở cái pháp giới hư không vòm trời cao rộng hơn là tù túng trong sự áp chế của hai chữ “sĩ diện cuộc đời”.

Tại sao chúng ta không thể sống hạnh phúc, an vui với tánh thiện tự thể vốn có để lan tỏa màu sắc, hương thơm, đức hạnh, nhân phẩm của một kiếp người mà phải áp chế những khuôn mẫu trần tục, hòa trộn trong những cái tham dục của sĩ diện? Ta biến những người khác thành những con rối, thành những trò chơi, tạo ra những cảm xúc gọi là bảo vệ sĩ diện cho ta. Bạn đang giết chết bạn nếu bạn đang sống vào cái cảnh đó.

Hãy tự cởi trói cho mình và tự cởi trói cho tất cả những người xung quanh ta! Nhất là nếu chúng ta có những người thân trong gia đình mà đối xử với nhau như thế, thì hãy tự mình cởi trói, thả lỏng ra, để cho những áng mây trong tâm thanh tịnh của mỗi người chúng ta, là cha mẹ, ông bà, là con cái đó, một lần nữa có thể thoát cõi trần đen tối của những cảm xúc sĩ diện đời thường, bay lên trời, bay mãi. Xin đừng giữ lại áng mây trời thong dong kia! Xin đừng giữ ai vào hai chữ “sĩ diện” của cuộc đời để kềm tỏa, để khống chế! Cởi trói cho mình là cởi trói cho người, cởi trói cho người là tự thả mình ra và để được sự tự do hạnh phúc sống. Hãy sống!

Làm sao chúng ta có thể làm được điều đó, các bạn? Trí Tuệ và Từ Bi là năng lượng vi diệu của mười phương Chư Phật, giúp cho chúng ta nhận rõ được sự khác biệt màu sắc của áng mây trời, giúp cho chúng ta nhìn rõ sự khác biệt của căn duyên, nghiệp thức của từng người sinh ra trong đời mà ta đang tiếp xúc có nhân duyên, là gia đình, là ông bà, cha mẹ, con cái hay chỉ là bạn bè sơ giao hay thâm giao. Nhìn thấu được điều đó, thấy sự khác biệt của nhân duyên, ta đều tôn trọng, không khống chế nó, không vì hai chữ “sĩ diện” mà mang còng, mang xích, mang dây cột chặt người ta, kéo về, nhốt trong cảm xúc sĩ diện của mình để biến họ thành người tù nhân tội tình, rồi vô tình ta đã biến ta thành tội nhân thiên cổ, muôn đời khó có thể xóa được.

Bạn có thấy sự đau khổ của người thân không? Họ đau khổ đến cỡ nào khi ta nhốt họ vào trong nhà tù chế bằng sắt cứng, chai sạn của cảm xúc. Đã bị chai sạn rồi, đã bị xơ cứng rồi! Cảm xúc của chúng ta bị chai sạn, bị xơ cứng bởi hai chữ “sĩ diện”, rồi xây dựng nên nhà tù bằng sắt, nóng bức sự sân giận, nhốt người ta yêu thương vào trong đó, nhốt con cái vào trong đó, nhốt cha mẹ vào trong đó, nhốt những người thân vào trong đó. Sĩ diện là gì? Chỉ là sự ích kỷ của con người. Tâm tham, nó sinh ra sự ích kỷ, tâm ích kỷ, nó sản xuất ra sự sân giận và sân giận bùng nổ thành chiến tranh và hận thù, chia rẽ và tàn sát lẫn nhau.

Phước báu vô cùng khi ta còn nhận diện được, để một lần nữa mỗi người chúng ta thấy được giá trị của Trí Tuệ và Từ Bi. Trí Tuệ và Từ Bi là một nhân cách sống cao thượng, thành tựu được qua sự thực hành Chánh Niệm hơi thở để thẩm định được và thẩm định trở lại giá trị cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nếu bạn không muốn ai giữ chặt bạn, kềm toả bạn, khống chế bạn, thì bạn chớ có bao giờ giữ ai, khống chế, kềm toả họ. Nếu bạn không muốn ai nhốt bạn vào trong những cái gọi là sĩ diện của họ để áp chế bạn phải sống như thế nào, thì bạn đừng bao giờ làm như thế với những người chung quanh, nhất là người thân trong gia đình hoặc bạn bè.

Chúng ta thường có cái thói đời tập và ứng dụng một cách quá nghiêm ngặt trong cái tư thế là loài thú, thích phong tỏa, kềm chế người khác. Vậy nên cổ nhân mới nói: “Con cóc là cậu ông trời. Nó nghiến răng để nó điều khiển ông trời”, chúng ta đã nghiến răng trong sự xỉa xói, đâm thọc để kềm tỏa, khống chế những người chung quanh. Đó là một tánh xấu, một tánh sân hiện hình thành ma quỷ của sự ích kỷ để phẫn nộ với những người thay vì yêu thương, ta lại hận thù, chà đạp lên nhân phẩm, ta lại chọn trói buộc họ, thả xuống hầm sâu của sự ích kỷ, sĩ diện và giết dần giết mòn họ.

Nhưng hãy nhớ, dù người ta có trói buộc bạn, dù người ta có cột chặt bạn, dù người ta có nhốt bạn vào cái khung hoặc nhà tù sĩ diện của họ thì nhớ rằng, họ không thể giữ và trói buộc sự thanh tịnh nơi tâm hồn như mây trời của bạn đâu. Cho nên, người ta có thể đối xử sai với bạn bằng hai chữ “sĩ diện”, người ta có thể kềm tỏa, khống chế bạn bằng sĩ diện, nhưng trong bạn, Phật đã dạy, tất cả và tất cả không thể khống chế cái tự tánh thanh tịnh vốn có như mây trời.

Các bạn! Đừng vì ánh mắt của họ, đừng vì nụ cười nghiêng lệch của họ, đừng vì những hành động thô lỗ khi đối ứng với ta, rồi ta phải chạy trốn vào trong căn phòng của sự tự kỷ, kìm hãm, tự giết chết mình. Ta có quyền sống, nhưng nghệ thuật ứng dụng Trí Tuệ và Từ Bi để không đối xử như người ta đối xử với mình, để dần dần xa lánh những người yêu thương như ông bà của mình, như cha mẹ của mình, như con cái, anh chị em, chú bác. Người ta có quyền đối xử với mình một cách thậm tệ bởi vì người ta không nhìn rõ, người ta không hiểu, nhưng chúng ta không thể vì sự đối xử đó và cách nhìn đó của họ mà tự kỷ, mà tự giết hại mình. Ta vẫn có quyền sống thong dong như mây trời không ai giữ, phiêu lãng cùng khắp mọi nơi, thể hiện cái tự tánh của mình, nhưng phải vận dụng Trí Tuệ và Từ Bi để ứng hiện trong mọi nghĩa cử, hành động, suy nghĩ và lời nói tương tác với những người đang khống chế bởi hai chữ “sĩ diện” của họ thật khéo.

Thể nhập vào được Trí Tuệ và Từ Bi, ta sẽ biết được phương thức nâng cao phẩm cách của mình và nghệ thuật sống để đối xử với mọi người bằng tình thương, nhưng chẳng thể gọi là biến thái hành động do sự khống chế của người khác nơi cái sĩ diện của họ. Ta có sự tự do và có năng lượng vi diệu như vậy, nếu bạn thực tập hơi thở Chánh Niệm, quán chiếu cho thấu, thể nhập vào Trí Tuệ và Từ Bi, nương vào ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, giữ giới cho thanh cho tịnh, bạn sẽ như mây trời không ai giữ và bạn thật khéo để đối xử với mọi người. Chúng ta không nói đến kiếp trước và kiếp sau, nói đến kiếp hiện hữu làm người, biết bao giờ mới trở lại làm người nữa đây? Vậy thì chúng ta tại sao phải tự huỷ hoại mình, tự biến mình thành tự kỷ, đau khổ bởi sự đối xử của người khác do họ muốn giữ cái sĩ diện của họ, làm cho ta trở thành biến thái cảm xúc?

Hãy như mây trời không ai giữ, các bạn! Hãy sống tự tại, học nghệ thuật ứng dụng Trí Tuệ và Từ Bi mà Đức Phật khai thị, để chúng ta sống lan tỏa tình yêu thương bằng cái nhìn xuyên suốt, không chấp trược như người ta chấp trược chúng ta, không đối xử như người ta đối xử với chúng ta. Chúng ta có quyền đối xử với mọi người, dù đó là kẻ khắc nghiệt với chúng ta, dù đó là người đang đối xử thậm tệ với chúng ta, thù hằn chúng ta, ghét bỏ chúng ta nhưng không phải vì thế mà ta không thể yêu thương họ. Vốn trong ta có áng mây trời của sự thanh tịnh, thuần khiết, vô nhiễm, trong sáng, tự tại và an nhiên. Dùng Từ Bi và Trí Tuệ thể nhập vào tự tánh thuần khiết, thanh tịnh, vô nhiễm, không cấu trược đó, ta sẽ không bị sự đối xử của người ngoài hoặc người thân trong gia đình để biến mình thành con rối, biến mình thành tội nhân thiên cổ, mà ta được tự tại sống với cảm xúc của mình, nhưng cũng thật khéo trong cái phương tiện ứng dụng đối với mọi sự tương tác hằng ngày nơi gia đình, xã hội, người thân. Để mang yêu thương của ta sưởi ấm trái tim ích kỷ hoặc tự kỷ, hoặc sĩ diện của họ, để một lần nữa, tình thương của ta bằng Trí Tuệ và Từ Bi, tác động, rải lên những tâm hồn cô quạnh, sầu đau, ai oán bởi hai chữ “sĩ diện” mà tạo ra, biến thành bệnh hoạn, đau khổ, tù túng kia, lại một lần nữa bước ra khỏi ngục tù, vươn ra khỏi hầm cầu cảm xúc đen tối, để tỏa sáng, để sống.

Nếu bạn làm được như vậy, bạn sẽ hết khổ, thân bạn sẽ hết bệnh, tâm thần của bạn sẽ sáng ra, tịch tĩnh, và bạn như mây trời không ai giữ. Các bạn nhớ rằng, không ai có thể giữ được mây trời thì cái tự tánh thanh tịnh, thuần khiết, thuần tịnh, vô nhiễm, tràn đầy năng lượng yêu thương và Trí Tuệ của bạn, không ai có thể giữ lại và nhốt vào trong sự gọi là sĩ diện, ích kỷ, cảm xúc của cá nhân.

Chánh Niệm hơi thở mà Đức Phật dạy cho chúng ta là để cho mỗi người chúng ta tự giải thoát mình để sống thật, sống chân thật với tự tánh Phật vốn có. Nương vào pháp thiền của Chánh Niệm hơi thở, nương vào Trí Tuệ của mười phương Chư Phật, nương vào Từ Bi của mười phương Chư Phật gọi là tha lực đại từ đại bi của Chư Phật đó, để khơi dậy cái tự lực nơi tự tánh thuần tịnh, trong sáng, vô nhiễm của chúng ta. Tương tác giữa tha lực của Phật và tự lực cầu đạo giác ngộ giải thoát ta ra, thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ không sống trong vườn hoa mộng để đi đến hoang tưởng, tự kỷ, đau khổ, mà bước vào nền trời cao rộng như mây trời kia, thong dong, tự tại cuối trời quên lãng, không ai có thể giữ và kềm tỏa chúng ta.

Hãy cho nhau tình thương chân thật và hãy cho nhau một khung trời rộng để cùng sống với nhau. Đừng nhốt những người yêu thương như cha mẹ, con cái, ông bà, người thân, bạn bè vào trong nhà tù cảm xúc của chữ “vì sĩ diện”. Người ta nhìn, người ta đối xử, người ta nói với mình như thế nào. Không! Họ có quyền nói, họ có quyền suy nghĩ, họ có quyền phán xét, và ngược lại, ta có quyền sống để được hạnh phúc và an vui. Sao chúng ta tự biến mình thành nô lệ và đặt mình dưới sự khống chế của người khác?

Chúng ta đều có quyền sống tự do để trải nghiệm hạnh phúc và an vui. Rồi khéo phương tiện bằng tha lực Trí Tuệ và Từ Bi phối hợp với tự lực Từ Bi – Trí Tuệ của ta để đối nhân xử thế bằng lòng bao dung, tha thứ, bằng tình yêu chân thật lan tỏa, để hận thù tiêu tan, để ngục tù của những cảm xúc sĩ diện vỡ ra và để rồi chúng ta tự tại như mây trời không ai giữ; để phá vỡ những khung trời mộng, đập tan những suy nghĩ hoang tưởng và tự bước ra từ gian phòng tự kỷ kìm hãm, quản thúc mình trong đó, mở toang cuộc đời, tỏa nắng yêu thương. Ta có quyền sống, sống với tự tánh thuần tịnh, vô nhiễm, vô cấu, an yên tự tại mà Phật đã nói vốn có trong ta. Đó là Trí Tuệ và Từ Bi sẽ giúp chúng ta đi vào được cái thể tánh đó. 

Bảo Thành tuổi đời còn nhỏ nhưng trải nghiệm qua bao nhiêu năm tháng tu tập, có sự trải nghiệm như vậy, muốn chia sẻ với các bạn. Nếu chúng ta không muốn ai khống chế thì đừng khống chế ai, nếu chúng ta không muốn ai đó vì sĩ diện mà áp chế cách suy nghĩ, cách sống của họ lên, thì chúng ta cũng đừng vì sĩ diện mà tự biến mình thành nô lệ cho sự tự kỷ và hủy diệt đời sống của mình.

Mỗi người hiện tại chỉ có một đời để sống tích lũy phước báu cho đời sau, nếu như bạn không sống với cái quyền của tự tánh thanh tịnh, vô nhiễm kia, mà để cho sự mặc cảm, tự ti bởi sự đối xử của những người chung quanh, thì bạn, chính bạn giết chết bạn chứ không phải vì họ. Họ có quyền nhìn sai, họ có quyền phán xét, họ có quyền làm và nói những điều họ muốn, nhưng chúng ta không nhất thiết phải đặt mình dưới sự điều khiển của người khác để đánh mất đi sự cao đẹp, đánh mất đi ánh sáng Trí Tuệ và lòng Từ Bi vốn có trong ta.

Hãy sống và hãy sống bằng cái nhìn viên dung trong sự tha thứ! Hãy sống, sống bằng sự đối xử trong tình thương, tình người! Mặc ai đối xử với ta như thế nào không màng, nhưng ta phải biết đối xử với mọi người một cách chân thành yêu thương. Khi ta biết thay đổi chính mình để sống yêu thương, sống bằng Trí Tuệ, người chung quanh ta sẽ tự thay đổi. Khi ta phá vỡ đi nhà tù sĩ diện để không còn tự kỷ, kìm hãm, giết chết mình, là chúng ta đã giải phóng những người chung quanh chúng ta. Để họ có cái quyền sống trở lại bằng mắt thương nhìn đời, bằng Trí Tuệ để soi chiếu và bằng sự thẩm định lại cuộc sống, giá trị làm người để sống yêu thương. Không bào mòn cuộc đời này ở trong nhà tù dưới hầm cầu của sự sĩ diện đen tối, vô minh, kềm toả lẫn nhau, mà cùng sải bước trên một con đường đầy hoa thơm của tự tánh thuần tịnh, vô nhiễm, của sự tôn trọng, thông cảm, của yêu thương và chia sẻ. Rất cần như vậy các bạn!

Hãy như mây trời không ai giữ! Tự tánh thuần tịnh, vô nhiễm, an nhiên và tự tại, chỉ cần nương vào Chánh Niệm hơi thở, nương vào tha lực Trí Tuệ và Từ Bi của mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, chúng ta sẽ khơi nguồn trở lại cái tự lực của tự tánh thuần tịnh đấy, để một lần nữa sống thật với chính mình, sống hạnh phúc và an vui, sống không ở trong thân xác bệnh hoạn, tự kỷ, bị khống chế bởi người khác, sống tung đôi cánh bay lên như mây trời, không ai nắm giữ, tự do, thong dong và tự tại. Chỉ có Trí Tuệ và Từ Bi trong Chánh Niệm hơi thở sẽ giúp cho chúng ta định hình lại giá trị của cuộc sống!

Các bạn, hãy thực tập để có một sự trải nghiệm vô giá trong cuộc đời hiện tại! Đừng bỏ qua, bởi thời gian khi trôi qua sẽ không bao giờ trở lại! Đừng ôm quá khứ trong sĩ diện của cảm xúc riêng tư để tự hủy hoại cuộc đời của mình!

Mời các bạn mời đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi!

Phật ơi! Hai chữ “sĩ diện” như màu sắc tuyệt vời nhưng thực ra pha trộn với độc dược của Tham – Sân – Si, đang giết chết cuộc đời của chúng con và những người chúng con yêu thương. Nguyện một lòng Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thật rõ, thể nhập vào tự tánh Từ Bi và Trí Tuệ để mỗi người chúng con giải thoát cho nhau, để trở về như mây trời không ai giữ, thong dong và tự tại, thông cảm và yêu thương, tha thứ để san sẻ.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến).

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn