Kim Oanh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy hướng tâm của mình về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con giữ được Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng thành tâm nguyện cầu cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Hồi hướng cho tất cả các chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành. Xin Chư Phật chứng minh!
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi! Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy Từ Bi để nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Hãy luôn luôn hồi hướng cho nhau năng lượng vi diệu từ sự tu tập trong hơi thở Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ quán. Nguyện cho muôn người luôn tinh tấn vượt qua chướng ngại để thành tựu sự an lạc trong cuộc đời.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu toàn thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, (07 biến)
(15:18) Mô Phật! Các bạn ơi, chủ đề hôm nay khó quá: “Ươm Mầm Tội Căn”, nhưng để Bảo Thành dắt các bạn đi về ngành địa ốc trước khi nói đến cái tội tình gì đó mà chúng ta ươm vào các căn của chúng ta mà không biết. Có một anh chàng kia được thừa hưởng sáu miếng đất nền đẹp lắm, ở ngay trung tâm thành phố, nơi gọi là đắc địa. Sáu miếng được thừa hưởng của gia đình, của người xưa. Sáu miếng đất này thật đẹp, hầu như đều có long mạch, cái gì đó mà tả Thanh Long hữu Bạch Hổ, cát tường, cát tường. Nhiều người tới muốn mua mà anh ta không chịu bán. Tuy nhiên, anh ta không có đủ thời gian và chẳng bao giờ quan tâm đến sáu miếng đất đắc địa. Nhiều nhà địa ốc muốn dụ anh ta bán để kiếm lời, bởi đất đây là đất ở địa thế tuyệt vời. Anh ta không có màng, anh ta đi lên thành phố, anh ta học những chuyện gì đó để mưu cầu làm sao thành công trong cuộc sống, có tiền nhiều để đáp ứng những cái nhu cầu anh ta mong muốn.
Một thời gian anh ta thành công, tiền nhiều lắm, nhưng trong sự va chạm của xã hội, sự thành công đó không có bền bỉ. Cuối cùng, bởi sự hơn thua, tranh chấp mà anh ta bị những người có thế lực, quyền lực, gọi là người có bàn tay to lớn hơn đè bẹp, sự nghiệp tan nát, trở về. Nhưng khi anh ta trở về sáu miếng đất chưa bao giờ được một lần chăm sóc, cỏ hoang mọc lên, gai góc đầy hết, anh ta không còn nhìn thấy những miếng đất đẹp và chẳng còn ai tới hỏi để mua. Đất lâu ngày, dù ở địa thế đắc địa, phong thủy thật hay mà không chăm sóc, bỏ đi bên ngoài, đeo đuổi những thứ khác, cỏ hoang tự nhiên mọc, anh ta mới than lên rằng: “Trời ơi! Tôi đâu có trồng cỏ, tôi đâu có trồng gai mà cỏ gai, các loài dơ dáy kia ở đâu tự mọc lên đất của tôi? Đất đắc địa, đất đẹp, thế cỏ và gai ở đâu mà mọc?”.
Các bạn, đây là câu hỏi rất thường tình! Có lẽ các bạn và Bảo Thành nghe mà tự thân than rằng: “Trời ơi! Ông trời ơi! Tôi có làm gì nên tội nên tình? Người đó có làm nên tội tình gì đâu mà phải mắc bệnh? Mắc cái căn bệnh trầm kha, tìm hoài bác sĩ, chữa hoài không xong, phải đợi cái chết?”, “Tôi có làm cái gì, tội tình gì? Tội tình gì trời ơi? Để rồi cho vợ cho chồng tan nát, cho con cái không nghe, cho cha mẹ buồn lòng?”.
Cách đây khoảng chừng một tháng, Bảo Thành có một người bạn gọi tới chia sẻ rằng: “Có một người anh trai còn trẻ lắm, độ chừng 40 mấy tuổi thôi, có vợ và ba đứa con, bất chợt thấy mệt mỏi, ho ra máu, đi khám thì bị ung thư. Ung thư gọi là cái tầng thứ ba rồi, các khối u đã lan tỏa lên tới cổ, chạy dài hết. Ung thư phổi!”.
Bảo Thành hỏi: “Vậy có hút thuốc, uống bia rượu, có làm gì không?”.
Người bạn trả lời: “Không, không bao giờ!” và người bạn đó than rằng: “Ông trời không công bằng Bảo Thành ơi! Anh của tôi chưa bao giờ sử dụng những chất độc hại, còn trẻ lắm, mấy đứa con còn nhỏ, có làm tội gì đâu, sao bị bệnh ung thư?”.
Bác sĩ nói: “Thôi chữa qua ngày, chờ ngày cuối tới để rồi ra đi!”.
Giọng của người bạn hình như trầm lắng xuống trong sự nức nở than trách. Thật là khó chia sẻ khi nỗi đau của một con người chỉ nhìn thấy rõ ràng cái kết quả hiện tại mà không thấy cái nhân của tiền kiếp. Cho nên muôn sự ở đời tới không như ý, Bảo Thành và các bạn cũng như những người quen của chúng ta, thường hay than. Than trời, rồi nếu tin Phật, lúc khổ như vầy lại chê trách Phật.
Trong những mùa dịch vừa qua, bao nhiêu con người đã hỏi rằng: “Chúa đã chạy đi đâu, trốn đi đâu trong những lời hứa của Kinh Thánh thương yêu và che chở?”, “Chư Phật đã trốn đi đâu khi con người thảm khốc trong đại dịch mà chẳng có một ông Phật nào xuất hiện để cứu rỗi?”. Thậm chí ngay thời đại dịch lan tràn thật nhiều và dữ dội ở bên Ấn Độ, nhiều người thờ thần mà cả cuộc đời bao nhiêu ngàn năm qua, họ tôn vinh những vị thần; bởi vì chúng ta biết, Ấn Độ họ có cái đạo thờ thần – thần để ban cho mùa màng thành công, thần để ban cho sức khỏe, thần để ban cho vàng bạc, ôi họ có nhiều thần lắm,…, cái giáo phái thờ thần. Mỗi một cái điều gì con người đều thờ một vị thần để cầu cạnh. Trong mùa dịch, họ đã cầu thần để chống lại dịch bệnh. Nhưng không có một vị thần nào xuất hiện an ủi. Dân Ấn Độ chết quá trời. Và thế là trên dòng sông Hằng, ngoài cái xác chết con người bỏ xuống dưới đó bồng bềnh thì những tượng thần cũng được quăng xuống đó như trôi theo những xác chết. Con người đã mất niềm tin, vì sao? Vì như anh bạn kia có sáu miếng đất đắc địa đã bỏ đi, tìm kiếm thứ bên ngoài, sao lãng sáu cái thế mạnh đắc địa của cha ông để lại, để cỏ gai đã mọc khi mình bỏ đi hoang.
Các bạn ơi! Ươm mầm tội căn, Đức Phật nhìn thật rõ từ muôn đời và vô lượng kiếp, người mẹ và người cha kính yêu của chúng ta là những thiện căn lành, đã sinh lại cho chúng ta ở cuộc đời này với sáu miếng đất đắc địa tuyệt vời đó chính là sáu căn. Ý căn, nhãn căn, nói đúng hơn là sáu giác quan: ý, mắt, mũi, tai, lưỡi rồi thân. Nếu chúng ta tách rời ra ý căn thì năm căn kia – năm giác quan kia vốn nó luôn luôn được sinh ra ở trong tư thế đắc địa.
Mỗi các bạn đang nghe đây chắc có lẽ có được năm giác quan đắc địa. Bởi vì mắt ta sáng nhìn thấy rõ, tai ta thính nghe thật tỏ, hãy thử cái mũi của mình ngửi bao nhiêu thứ vẫn phân biệt được, cái lưỡi kia dẻo quẹo nói gì cũng xong, ăn gì cũng ngon, phải không? Rồi cái thân, cái thân cảm giác được lạnh, nóng và năm giác quan này đã tương tác để cho cái giác quan đầu tiên gọi là ý – ý căn của chúng ta. Cái ý đó là ông vua, sử dụng năm vị đại thần tức là năm giác quan: mắt, tai, mũi, miệng và thân để tiếp xúc với mọi cảnh ở bên ngoài. Và chính cái ý kia, chúng ta đã bỏ hoang, để năm vị đại thần kia chẳng bao giờ chăm sóc. Cỏ hoang, tư tưởng hoang đàn, tội lỗi vốn vẫn nằm và ngủ ngầm trong ta, khi không chăm sóc, nó sẽ mọc lên.
Và vậy, mọi sự tương tác ở bên ngoài – nhà Phật gọi là cảnh trần, mọi cảnh ở bên ngoài tương tác qua các giác quan, ý không được tu tập và được làm chủ, không được chăm sóc, liền mượn những cái nhìn đó mà những mầm mống chủng tử bất thiện mọc lên như cỏ hoang, như gai góc. Đó chính là ươm mầm tội căn. Ươm mà không ươm, bởi vốn nơi ta luôn luôn có những cái nhân xấu ngủ ngầm ở trong, bạn không chăm sóc, nó sẽ trồi lên mà thôi.
Vậy thì đừng than: “Trời ơi! Tôi có làm gì đâu?”. Thật là tội nghiệp, tội nghiệp cho ông trời, ông đó có làm gì đâu mà bạn chê trách? Bạn đừng than: “Phật ơi! Tôi có làm gì đâu mà tôi phải chịu khổ?”, như vậy cũng tội cho Đức Phật. Bởi Ngài có làm gì nên tội tình đâu mà ta chê trách, than van? Lời dạy của Đức Phật hướng dẫn cho mỗi một người đệ tử chúng ta phải nhìn tận tường những cái nhân ta tạo ra, gây ra nguy hiểm đi vào qua các giác quan.
Các bạn biết, người bệnh ung thư mà Bảo Thành vừa kể cũng có thể liên quan tới mỗi cá nhân của chúng ta. Có thể ai đó trong chúng ta hoặc ai đó đang nghe Bảo Thành tâm sự đây, vướng mắc vào những căn bệnh trầm kha, chữa hoài chưa hết. Bác sĩ lần 01, kế tiếp lần 02, dài dài tới lần 03 và chưa có sổ đỏ để dừng lại sự đi khám bệnh. Bởi căn bệnh vẫn đó, gây đau đớn và mỗi người chúng ta đều thấy sức khỏe đã giảm dần, bệnh tật tăng trưởng và tuổi đời cũng không còn nhỏ. Và nhìn thật rõ rằng tình trạng này đây, cuộc đời phiền nhiều hơn an, não nhiều hơn hạnh phúc. Vậy mà chúng ta có khi nào nhìn lại thấy rằng những điều ta đã làm gây ra nghiệp hay không? Hay lại than rằng: “Tôi có ươm những mầm mống tội lỗi gì đâu, mà sao ông trời bỏ tôi, mà sao những vị thần đã rời xa?”.
Các bạn nhìn đi! Sáu miếng đất đắc địa, những giác quan tốt đẹp của chúng ta: mắt sáng, tai thính, thân xác này đầy đủ, các giác quan mạnh khỏe, đó là đắc địa đó. Chúng ta đã bỏ hoang và rồi chạy theo những cảm xúc để tạo ra biết bao nhiêu những việc và hành động tác hại, phá giới như sát sanh, như trộm cắp, tà dâm, nói dối, sử dụng các chất say – đó là những hành động ta có thể ngăn ngừa để cho những mầm mống cỏ hoang dại, gai góc kia không mọc lên từ những giác quan của chúng ta tạo ra nghiệp khi va chạm vào ý. Để phát triển những cảm xúc sân giận, tham, si.
Các bạn! Chúng ta cứ than thôi. Bởi thói quen ở đời là chê trách ông trời mà chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nhìn lại mình để sửa đổi. Ươm mầm tội căn, chúng ta thường nói: “Tôi chưa bao giờ làm điều xấu. Ông trời bất công! Ông Phật không có mắt!”, hình như câu đó Bảo Thành nghe quen bởi mình cũng đã từng than khi gặp đau khổ, ngẩng mặt lên trời mà nói rằng: “Trời ơi! Tôi có làm gì đâu? Tại sao tôi phải chịu như vậy?”, thậm chí còn trách Phật: “Phật ơi! Con có làm gì đâu? Tại sao để cho xui như vậy, để cho tai họa nó tới, để cho thân bệnh?”. Các bạn có nghe được những âm thanh như vậy quen quen không? Hay đó chính là những điều bạn và Bảo Thành đã từng than trách hoặc người thân của chúng ta cũng than như vậy? Có!
Nhìn xuống đi! Biết bao nhiêu con người sinh ra, đôi mắt khiếm thị mù lòa, đôi tai bị điếc, bị câm, thậm chí mũi còn không ngửi được, bị lệch tức là tê liệt cảm giác nằm một chỗ, ngoài ra chỉ còn chút xíu cái ý mập mờ trong năm giác quan đã bị tê liệt, khiếm khuyết. Giác quan của chúng ta đầy đủ, khỏe đó là đắc địa, giác quan của họ, biết bao nhiêu những người thiếu may mắn, tật nguyền, khiếm khuyết, cho không ai dám lấy, bán ai dám mua. Chứ đôi mắt sáng của các bạn đó, bán vẫn có người mua, bởi vì biết bao nhiêu những người khiếm thị, mù mua để mà chữa lành. Y học ngày nay có khả năng di dời giác quan của bạn qua những người khiếm khuyết. Vậy mà chúng ta đã bỏ hoang, rượt đuổi theo những điều gọi là âm thanh xôn xao, đẹp, vui ở những nơi ồn ào mà chẳng bao giờ chăm sóc cho các giác quan của mình qua cái ý được làm chủ trong điều thiện.
Các bạn biết, ươm mầm tội căn là thực sự, có nghĩa qua các giác quan, muôn điều tội lỗi, sai lầm tự động mọc lên nếu như bạn không chăm sóc ý căn, tức là tư tưởng, suy nghĩ của mình bằng những ý thiện. Khi bạn không chăm sóc tâm của mình bằng những ý thiện lành thì gai góc, sự dơ dáy và những tạo tác tội lỗi do các giác quan tương tác, va chạm với tâm tạo nên muôn điều ác.
Bạn cứ thấy thật rõ nơi bạn thôi! Con mắt này là bản thân của nó chỉ để nhìn, nếu tâm của bạn không được tu luyện, khi nhìn thấy một người đẹp, bạn có thể khen: “Ôi cha, đẹp quá!” mà bạn cũng có thể chê, và trong đẹp để khen hoặc cái hình dáng nhìn để chê đó, tâm của chúng ta có thể khởi lên những cảm giác, những cảm xúc sân hận, ham muốn. Ham muốn thì có thể liệt kê đủ thứ, sân giận thì có thể liệt kê ra hằng hà sa số cũng chỉ vì con mắt này nhìn có sự phân biệt đẹp và xấu. Khi nghe thấy một điều mà không ưng ý, thì tánh sân giận, gièm pha, đâm thọc nó tác động, cảm xúc dâng trào, tạo nghiệp tại chỗ mà không hay. Cái chỗ là chúng ta chưa bao giờ nhìn thấu các giác quan tương tác với ý của chúng ta để khởi nguồn, tạo điều kiện cho những mầm tội lỗi được ươm vào trong đó, mọc lên như rừng rú.
Khi tâm không được tu luyện, làm chủ, không tác ý thiện lành thì cỏ hoang tội lỗi sẽ mọc lên đầy hết từ các căn. Cuộc đời sẽ tối tăm. Và bạn cũng như Bảo Thành, lại trách chê: “Ông trời, ông Phật, thần thánh sao không công bằng để cho người thân của tôi, để cho người quen của tôi, để cho chính tôi phải bị bệnh, bị đau, bị xui, bị tai họa?”.
Phật dạy, tất cả những điều gì xảy ra cho chúng ta đều do nhân quả. Nhân quả đó tới từ thân – ngữ – ý. Thân – ngữ – ý trên thân của chúng ta, đúng hơn là các giác quan, phân biệt ra ngữ tức là ngôn ngữ, thường sử dụng nhiều lắm trong mỗi ngày. Phật nói tóm gọn, các giác quan của chúng ta tương tác trong hàng ngày nếu như tâm ý không được làm chủ theo điều thiện, thì những giác quan đó là những người gian thương mang rác rưởi vào nhà, tạo khổ cho bạn. Người tu đối với Phật giáo, đặc biệt là đối với Thiền Mật song tu, chúng ta chú trọng tu luyện tâm của mình. Sáu miếng đất đắc địa không được chăm sóc thì cỏ mọc lên, tâm không được chăm sóc thì các giác quan là cửa ngõ cho những mầm tội lỗi lọt vào, và trong Thiền Mật song tu, ta luôn khởi ý từ bi gọi là tâm từ bi Mu A Mu Sa, ta luôn thắp sáng tâm trí tuệ là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để mắt, tai, mũi, lưỡi và thân này nhờ ý, mà những điều nhìn thấy, nghe thấy, nếm được, va chạm được, cái ý đó hiểu thấu rằng muôn sự như vậy đều là vô thường. Cho nên nó tới và nó đi, ta không dính mắc, chẳng tạo ra cái khổ và rồi tạo ra cái ngã. Đừng bỏ lên thành phố bon chen một thời, thành công đó đó, rồi những bàn tay quyền lực hơn đè bẹp bạn, bạn chạy về. Những giác quan bao ngày chẳng tu luyện, tâm ý kia chẳng có thiện lành, tội lỗi vô số sẽ mọc lên, ai có thể nhận được? Và khi điều xui xảy ra, ta sẽ trách trời, trách Phật thay vì hiểu được lời Phật, ta trân trọng mạng đời này sinh ra tứ chi lành lặn, giác quan tốt đẹp, chăm sóc tâm của mình để có một đời sống bình an, hạnh phúc.
Lời Đức Phật dạy, đặc biệt qua Thiền Mật song tu, hướng dẫn cho chúng ta trở về chứ không vươn ra bên ngoài, bò như con sâu róm. Để rụng lông đây đó, tạo sự ngứa ngáy cho mọi người, họ khó chịu, họ đạp một cái chết liền. Hãy trở về lột xác con sâu róm đó ra, để trở thành một con bướm màu sắc rực rỡ, bay lên trời dù một giây, một phút cũng là cái đẹp. Hơn là là sâu, bò đây bò đó, tạo nên những điều chướng tai gai mắt cho thiên hạ, rồi tâm của mình lại lọt vào rác rưởi, ươm mầm tội căn. Các căn của chúng ta – các giác quan của chúng ta là những cửa khẩu để cho tội lỗi lọt vào qua cái tâm không được tu luyện và làm chủ. Nếu bạn tu Thiền Mật song tu, trong từng giây phút, ta biết trở về để chăm sóc cho tâm của mình. Tâm gì? Tâm từ bi. Tâm gì? Tâm trí tuệ. Người khôn ngoan là người biết làm chủ tâm và để làm chủ tâm thì ta phải khởi lên từ bi, và ta phải luôn luôn thể nhập vào cái trí tuệ vốn có nơi ta.
Các bạn, các bạn có biết không? Khi một miếng đất tốt đẹp ở một chỗ đắc địa, không những các nhà địa ốc có thể tới muốn mua mà bạn không bán, thì sẽ có những nhà kiến trúc sư đại tài có thể tới hướng dẫn cho bạn xây dựng trên nền đất đắc địa đó, thành những tòa lâu đài đẹp đẽ, có giá trị. Và khi bạn biết chăm sóc các giác quan một cách rõ ràng do cái tâm làm chủ, và bạn đặt các giác quan của bạn vào một chỗ đắc địa hơn – là tâm ý thiện lành và trí tuệ, bạn sẽ có được một vị kiến trúc sư đại tài tới để hướng dẫn trên năm nền đất đó, trên sáu nền đất đó, xây dựng nên tòa sen vi diệu, thoát khỏi luân hồi; vị kiến trúc sư đó chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Như Lai, vị kiến trúc sư đó chính là các vị Bồ Tát, Thánh Hiền. Các Ngài tới vẽ lên những lập lăng để xây dựng trên nền tảng giác quan mà tâm ý của bạn được làm chủ bằng tâm từ bi – trí tuệ những tòa sen vô thượng vi diệu, để cuộc đời bạn được hạnh phúc và bình an, để cho muôn người chung quanh bạn, gần gũi bạn và có duyên đi vào cuộc đời làm cha mẹ, làm anh em, làm vợ chồng đó, nương và thừa hưởng cái năng lượng bình an của bạn để sống hạnh phúc.
Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền không lấy của bạn một đồng. Mà Phật tới như nhà kiến trúc sư tuyệt vời nhất, để kiến tạo những nền đất giác quan của bạn thành những nền đất tuyệt diệu thần thông. Không phải là đắc địa nữa mà trở thành Phật địa các bạn ơi! Đắc địa là đối với thời gian của con người, định lượng của tiền bạc, Phật địa là đối với sự thẩm định của bậc giác ngộ thoát khổ. Có còn bỏ đi hoang, chạy trốn những giác quan của mình nữa hay không? Đừng sợ! Con mắt có thể nhìn muôn sự ở đời trắng đen thật rõ, chỉ cần cái tâm yêu thương luôn ở đây, đôi tai có thể nghe muôn sự ở đời dù sắc như dao, dù ngọt như mật ong, như đường phèn thì tâm mà được làm chủ bằng cái sáng của trí tuệ, thì luôn luôn an. Bồ Tát sẽ tới, Phật sẽ tới, những vị kiến trúc sư giác ngộ tuyệt vời sẽ tới để giáo dưỡng, giúp đỡ cho chúng ta xây dựng trên các giác quan tầm thường của kiếp người thành những tòa sen vi diệu vô cùng.
Tu đạo Phật không khó! Khó là bởi vì ta không chịu nghe và nắm bắt để vận hành một cách bình thường. Để rồi lăn xả vào những con đường mà thật ra không có, để biến mình thành dị thường. Hay ra đời ít nhất cũng vỗ ngực, ta đã gặp được những vị dị nhân, học những điều quái dị, làm tổn hại đến mình mà không hay. Để khi chuyện xui xẻo, xúi quẩy xảy ra, ta kêu: “Trời ơi! Phật ơi!”. Kêu để làm gì? Tội nghiệp cho Phật, tội nghiệp cho trời. Bởi chúng ta bao nhiêu năm tháng qua, các giác quan – các căn của chúng ta đã bị bỏ hoang. Để cho những mầm tội từ những giác quan đó, nó đã mọc lên như cỏ hoang, như gai góc và cũng từ các giác quan đó, rác rưởi, tội lỗi tràn đầy, uế trược, hôi thối.
Tất cả những điều gì xảy ra, Phật đã nói đều là do nhân quả. Nhân quả của chúng ta! Nhìn thấy cái thân bệnh để hiểu rằng như Đức Phật dạy, nếu bạn đang bị bệnh tật nhiều, bệnh gì? Bệnh đau, bệnh ung thư hay là bệnh nguy hiểm gây ra chết đấy, bác sĩ bó tay đầu hàng, chờ thần chết tới gõ cửa, đưa đi hoặc là căn bệnh đó sẽ muôn đời không chữa được. Thì bạn phải nhớ như Đức Phật dạy, nghiệp sát sanh tạo bệnh vô số, bởi năng lượng sân giận của chúng sanh ta giết để thỏa mãn cảm xúc qua cái lưỡi là ngon đó, chúng ta phải quán chiếu lại. Ở một cái tuổi nào đó, con người khi theo Phật, chúng ta phải biết dừng. Bởi những căn bệnh là những dấu chỉ tác động vào, để ta thẩm định rằng những ngày tháng trôi qua của một thời tuổi trẻ ham mê cảm xúc sung sướng gì đó, mà ta đã tàn sát quá nhiều những sinh mạng của những chúng sanh khác. Nay bị bệnh đương thời như thế, nhận ra thật rõ, ta từ bỏ nghiệp sát sanh, cộng thêm phóng sanh nữa, và nhất tâm giữ sự tỉnh giác, khởi tâm yêu thương tới muôn loài, thì nhất định bệnh tật sẽ tiêu tan, gọi là phước chủ may thầy. Còn nếu không, bệnh dù có có mãi mãi cuộc đời không chữa được, thì tâm của ta vẫn luôn thiện lành, an lạc, sống an vui, bởi sẵn sàng trả những nghiệp báo nhiều đời nhiều kiếp hay trong cuộc sống ngày hôm nay, trong kiếp này, ta đã tạo ra bởi nghiệp sát. Đó là cách nhìn tinh tế, diệu mầu nơi Pháp Phật! Nhìn những gì xảy ra cho ta để nhận thấy đó là những mầm mống tội ta đã ươm vào đó vô lượng kiếp hoặc trong kiếp này qua các giác quan mà tâm không được làm chủ.
Các bạn! Đạo Phật và lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú là tâm phải được làm chủ. Làm chủ không phải là thuê cảnh sát, vệ sĩ lúc nào cũng canh canh để rồi không để cái gì lọt vào. Như vậy tốn công sức, mệt lắm! Bạn có khi nào thấy có những con người thuê vệ sĩ chưa? Họ đi đâu, họ thấy ai sai, họ nói: “Sai rồi!”, cũng chỉ trỏ. Nhưng họ không thấy họ sai! Họ không thuê vệ sĩ mà họ biến cuộc đời của họ thành vệ sĩ đi soi mói những lỗi lầm của người khác, ngược lại, chẳng nhìn thấy sai trái của mình.
Các bạn! Năm giới của nhà Phật gia hộ cho chúng ta được an trú trong sự thanh tịnh. Và tâm của chúng ta luôn luôn khởi lên bằng sự quán chiếu từ bi và trí tuệ qua Thiền Mật song tu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – trí tuệ đó và Mu A Mu Sa – từ bi ấy, chính là chúng ta không ươm mầm tội lỗi vào căn, mà chúng ta đang ươm mầm thiện lành, ươm cái mầm thiện lành, những phước duyên vô thượng vào trong các giác quan – các căn của chúng ta. Bởi cái ý – ông vua ấy đã biết điều khiển năm vị đại thần, tức là năm giác quan còn lại: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân này, làm việc một cách tích cực hơn để phục vụ cho điều gì? Để phục vụ cho tâm từ bi và trí tuệ, để lan tỏa và có một cái nhìn yêu thương, bao dung hơn, năng lượng từ bi chia sẻ tới muôn người.
Hạnh phúc thôi, bạn sẽ an lạc thôi! Đừng như chàng thanh niên kia, có sáu nền đất nằm ở nơi đắc địa mà bỏ đi. Chúng ta có sáu giác quan từ ý đến tai, mắt, mũi, lưỡi, thân lành lặn, sung mãn, khỏe, đừng bỏ phí, đừng bỏ hoang. Hãy chăm sóc ý căn của mình, chăm sóc cái tư tưởng, suy nghĩ của mình bằng hai luồng năng lượng siêu việt đó là từ bi và trí tuệ. Để tâm của chúng ta được làm chủ, tâm của chúng ta trở thành vị minh vương chứ không phải là bạo chúa. Để biết điều khiển năm vị đại thần là giác quan, năm giác quan khác, phục vụ một cách tích cực, hướng thiện theo lời Phật. Để rồi ta không còn than trách ông trời, ông Phật mà ta biết tri ân Phật, trời, ta biết tri ân các đấng bậc sinh thành cho ta vào đời với tứ chi và các giác quan lành lặn.
Người biết tri ân, biết tri ơn, người biết nhìn lên Phật, lên trời để thấu rằng các Ngài là những bậc kiến trúc sư kiến tạo lên những cái lập lăng vô giá, sẵn sàng hiến tặng cho chúng ta. Để xây dựng trên các nền đất giác quan những tòa nhà tuyệt vời thì chúng ta có phước báu vô lượng. Còn không, chỉ là kẻ ăn xin, bới rác nơi các giác quan để thỏa mãn những cảm xúc của Phàm phu và đay nghiến nhau trong sự đau đớn, phiền muộn.
Thật tội nghiệp cho chính mình! Đừng chê trách ông trời, đừng khiển trách ông Phật mà hãy tự khiển trách bản thân của mình. Bởi đã không biết chăm sóc cho cái tâm, không biết làm chủ các giác quan. Để cả một cuộc đời lành lặn do Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, đấng bậc sinh thành tạo cho chúng ta, có tứ chi lành lặn mà ta bỏ hoang, để rác rưởi lọt vào và từ đó, ta thật sự là kẻ tội lỗi bởi chính ta là người ươm mầm tội căn.
Đó là chủ đề chia sẻ! Hãy trở về tu tập, làm chủ tâm ý bằng cách Thiền Mật song tu, tâm từ bi, tâm trí tuệ, nhìn vào trong từng hơi thở, mạng sống của chúng ta trôi qua từng giây phút, với tâm từ bi – trí tuệ, trưởng dưỡng thì muôn sự lành tới với ta. Để chúng ta trở thành người giàu phước báu mà mang cái phước đó trao tặng cho những người ta kính trọng, yêu thương. Hãy biết tri ân trời, Phật! Đừng than trách! Muôn sự tới với ta đều do những mầm tội ta đã gieo vào đó do sự vô ý hoặc chưa hiểu. Nay đã thấu, hãy ngừng ngay nghiệp sát sanh, hãy ngừng ngay những nghiệp ta đã tạo ra, để thân bớt bệnh hoặc để giảm bệnh hoặc để hết bệnh. Nếu không, thì tâm luôn an vui, bởi chấp nhận rõ ràng vô thường tới lui, ta nhất định không tạo nghiệp sát nữa. Tâm sẽ an và hạnh phúc!
Chúng ta chia sẻ chủ đề này, để trở về với cội nguồn của chân tâm trí tuệ và từ bi, để không trở thành tội nhân của chính mình, ươm mầm tội nơi các căn – các giác quan mà cha mẹ, ông bà đã sinh ra ta một cách lành lặn, tốt đẹp. Đừng biến mình đang sống mà trở thành những phế binh, đừng biến mình đang sống mà trở thành những nhà liệt sĩ nằm trong cái mồ hoang của giác quan tội lỗi. Hãy sống hãnh diện, bởi ta được thừa hưởng cái đẹp nhất, cao quý nhất từ ông bà và các đấng bậc sinh thành mà hiện hữu trong cuộc đời này, thành nhân thành tài như ngày hôm nay hay ít nhất, là thành một con người lành lặn, có suy nghĩ và biết làm chủ thân!
Đặt bàn tay phải – Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – Từ Bi!
Thưa Phật! Chúng con nay đã biết, không gieo những mầm thiện, không làm chủ tâm, không tu luyện tâm từ bi – trí tuệ, bỏ phế các giác quan lăn trôi theo những điều ham muốn của cuộc sống, để từ ý khởi lên những tư tưởng bất thiện chính là do mình. Vậy là chúng con đã trở thành những người ươm mầm tội nơi các căn của mình. Nay hiểu thấu, nguyện một lòng tu dưỡng Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Từ Bi Mu A Mu Sa, Chánh Niệm hơi thở. Nguyện xin Chư Phật gia trì để cho chúng con trở thành những con người chân thật nhất với chính mình. Để đón nhận những nhà kiến trúc sư kỳ diệu nhất là Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền vào cuộc đời, giúp đỡ chúng con xây dựng tòa pháp bảo nơi tâm ý thiện lành.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, (07 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Phật ơi! Chúng con nguyện ươm những mầm thiện vào cuộc đời qua các căn, để không trở thành tội nhân thiên cổ đối với các đấng bậc sinh thành. Công đức đồng tu nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.