Search

Bài 2163. Tâm Đăng Bừng Sáng | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, thanh tịnh thân tâm để chúng ta bắt đầu đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con tinh tấn Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nguyện một lòng hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Hồi hướng cho tất cả các chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành.

Xin Chư Phật từ bi chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng và lan toả tình yêu thương. Mỗi một giây phút thở ra hít vào, chúng ta quán niệm gần gũi với mười phương Chư Phật. Luôn luôn nghĩ tới các đấng bậc sinh thành, gia đình, xã hội, cộng đồng, nhân loại, và hồi hướng cho muôn người đều đón nhận được ân điển vi diệu này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn thân mến! Chỉ trong bảy biến, chúng ta thể nhập vào năng lượng từ bi và thắp sáng trí tuệ qua hai mật ngôn, gắn kết với mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, định tâm trong Năm Giới. Năng lượng đã tràn đầy trong lòng của chúng ta, nơi thân của chúng ta. Chỉ có vậy! Nhìn thấy đơn giản nhưng hữu dụng vô cùng. Bởi cái càng đơn giản thì càng xa những màu sắc của trần gian tác thành, càng gần với sự thanh tịnh bản thể của Phật tánh. Dần dần mỗi một ngày, ta xoá mờ đi những sắc tướng của cuộc đời vun đắp cho những điều cao cả để trở về những điều bình dị và bình thường. Đặt chân lên những dấu chấm phá phi thường bước vào con đường đạo.

Ta thường nghe “Trời ơi, người đó tốt như vậy! Họ chuyên làm từ thiện, họ chuyên giúp người mà họ không gặp may mắn.” Tiếng than đã vang lên là người tốt thường gặp xui, người tốt thường phải gặp những người vô ơn và chúng ta liệt kê ra biết bao nhiêu chuyện tốt mà người ta đã làm để định nghĩa rằng đó là người tốt. Nhưng đối với con đường đi vào Phật pháp, cái chuyện có làm mà ta định nghĩa là tốt thì chưa hẳn là người tốt đâu. Bạn có làm từ thiện, bạn có giúp đời, bạn có làm nhiều thứ lắm, chưa phải là điều tốt bởi những việc đó bạn làm chỉ là tăng trưởng phước báu cho bạn mà thôi. Còn điều tốt là điều không phải là làm, mà là những điều không làm. Đa sự chưa phải là tốt dù làm việc đó có lợi ích cho mọi người. Vô sự mới là tốt!

Phật dạy cho chúng ta có năm điều không được làm mới trở thành người tốt. Còn nếu không, ta cứ làm, như là lấy tất cả những phước báu tốt đẹp đưa vào một cái giỏ mà cái đáy bị thủng, thì đi vô lượng kiếp, cái giỏ kia không bao giờ đầy, dù phước báu ta gặt hái thật nhiều, bỏ vào trong cái vỏ hoặc cái giỏ, cái bình, một cái gì đó mà nó bị thủng lỗ.

Có năm điều ta không làm mà trở thành người tốt đó các bạn! Cái tốt của con người là ở chỗ không làm, chứ không phải tốt là bởi vì ta làm nhiều chuyện mà người ta để ý, người ta thấy. Nghe có vẻ hơi nghịch, không làm mà trở thành người tốt sao? Vậy thì ta sẽ không làm để trở thành người tốt!

Phải hiểu được cái gì không làm theo như Phật dạy mới trở thành người tốt bạn ơi!

Cái không làm đầu tiên mà Đức Phật dạy đó là không sát sanh. Chỉ cần không sát sanh, bạn đã trở thành người hoàn mỹ rồi.

Các bạn, nhìn lại đi! Bạn làm biết bao nhiêu việc thiện, bạn làm biết bao nhiêu việc được gọi là tốt với cái định nghĩa ở đời nhưng bạn vẫn sát sanh thì bạn chưa phải là người tốt. Người tốt là người không sát sanh. Người không sát sanh tâm hồn rộng lớn bởi chẳng bao giờ sân hận. Người đó có lòng yêu thương, bao dung, có lòng độ lượng và luôn luôn mở rộng để đón mời tất cả đi vào trong trái tim đầy ắp năng lượng biết san sẻ.

Hỏi thử lòng mình có khi nào bạn không làm chuyện đó không, hay bạn vẫn sát sanh song hành với từ thiện, thì phước báu của từ thiện kia, cái hành động sát sanh đã thiêu rụi hết rồi, còn đâu nữa mà mang vào để có được những cái đẹp trang điểm cho cái hình hài, danh tiếng được gọi là người tốt? Không có! Tốt là không sát sanh! Người tốt là không sát sanh. Vậy thì từ xưa đến giờ, chúng ta định nghĩa người tốt chưa hẳn đã tốt. Phật nói người tốt là người không sát sanh, không làm việc sát sanh.

Người tốt là người không làm chuyện trộm cắp các bạn ơi!

Ta cứ đi bố thí cho thật nhiều, giúp đỡ cho thật nhiều, nhưng song hành với việc đó, ta lấy của người, lấy dưới mọi hình thức: buôn một bán mười, có nói không,… muôn điều như thế để tạo cho đầy những điều ta thích thú. Mặc dù làm phước như thế, nhưng cái tâm không làm chuyện trộm cắp thì không hành được, mà cứ trộm cắp dưới mọi hình thức thì bạn chẳng là người tốt. Nói đúng ra, người tốt theo Đức Phật dạy là người không làm, không làm chuyện sát sanh, không làm chuyện trộm cắp, không làm chuyện tà dâm, không làm chuyện nói dối các bạn ơi, không làm chuyện mà các cái chất say mê trong cuộc đời gây tác hại đến thần kinh rồi chúng ta làm bậy.

Vậy có phải chăng vô sự mới là người tốt? Vô sự theo Năm Giới!

Nếu bạn giữ được Năm Giới không như thế, bạn đã là người tốt, là người hoàn hảo, là người đầy đủ phước báu rồi. Và bạn giữ Giới như vậy, tâm bạn sẽ có được Chánh Định. Người giữ Giới có tâm Chánh Định thì Chư Thiện Thần, Hộ Pháp luôn cận kề với bạn. Chẳng khác gì ngọn đèn luôn đầy dầu và có bóng đèn che chở, và dù ở bất cứ một cõi nào, ta cũng thấy đường để đi.

Chủ đề Tâm Đăng Bừng Sáng, vậy chúng ta tu, tu như thế nào để tâm của chúng ta bừng sáng? Tâm vốn đã có tim đèn rồi (đăng là tim đèn mà), tâm đã có cái điều để bắt sáng, còn làm như thế nào để nó bừng sáng lên thì chỉ cần giữ Năm Giới, có được Chánh Định thì tâm đăng bừng sáng, Thiện Thần kề cận, cuộc đời coi như gọi là đã đầy đủ phước báu. Chết về cõi trời ngay! Đâu cần phải làm gì để gọi là chứng đắc, để thành tựu đâu (?)

Nếu gọi Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi thì ta làm cái gì để có được từ bi, ta tu cái gì để có được trí tuệ? Thưa các bạn, chẳng cần! Chẳng cần tu cái gì để có từ bi, chẳng cần làm cái gì để đạt được trí tuệ. Năm Giới nói là không mà, đâu có nói là làm đâu?! Nói là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống và sử dụng các chất say khởi đầu bằng chữ “không”. Vậy để đạt được trí tuệ và khai mở từ bi cũng phải đạt được bằng chữ “không”! Nhưng từ xưa đến giờ, ta nghĩ rằng tu trí tuệ và từ bi là phải làm cái gì dữ dội lắm, phải tu nghiêm ngặt dữ lắm, phải từ bỏ, phải buông, buông, buông, buông, buông… Không! Không mới có thể để cho tâm của mình, tâm đăng của mình bừng sáng! Mặt trời kia luôn tự sáng, nhưng có lúc ta không thấy đường bởi mây mù, mây mờ, mây đen che. Tâm của ta là thể tánh thanh tịnh của Phật, luôn luôn sáng, nhưng ta không thấy bởi những lớp mây mù của những cái có: có sát sanh, có trộm cắp, có tà dâm, có nói dối, có uống và sử dụng các chất say. Có đó các bạn! Mặt trời có sáng nhưng nó đen tối là bởi vì có, có cái gì? Có mây đen bao phủ, có sương mù. Có nên không còn sáng!

Tâm, thể tánh là thanh tịnh, là sáng. Trí tuệ là Phật tánh vốn thường hằng, bất sanh diệt, sáng tỏ, nhưng có, có cái gì? Có sự sát sanh, có sự trộm cắp, tà dâm, nói dối, có sự sử dụng các chất say mà từ đó, cái tâm thanh tịnh của Phật nơi ta đó, bị che khuất, mờ như mặt trời bị mây mù, mây đen che. Còn có những điều như thế thì cả cuộc đời bạn có tu pháp môn nào đi nữa, chẳng có Chánh Định! Trí tuệ chẳng thể có, từ bi chẳng thể khơi nguồn! Nhưng nếu bạn “không”, “không” theo Năm Giới thì nhất định như mây đen, mây mù đã tan biến, mặt trời bừng sáng!

Có khi nào các bạn bước ra khỏi nhà trong một khung cảnh u tối, mù mịt, rồi bất chợt mây đen, mây mù tan đi, bạn thấy mặt trời bừng sáng? Thực ra mặt trời đã sáng, luôn sáng nhưng mây che thì nó tối, mây tan thì bừng sáng. Khi bạn còn có sát sanh, còn có trộm cắp, tà dâm, nói dối, còn có sử dụng các chất say gây mê thì cái tâm Phật, thể tánh thanh tịnh của bạn bị che mờ, bị che ngại, bị che chắn, do đó bạn không thấy đường. Còn nếu như bạn không, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và sử dụng các chất say như đã xua đi được lớp mây đen, mây mù che chắn thì cái tâm thanh tịnh đó liền bừng sáng. Do đó để có được trí tuệ và từ bi theo Thiền Mật Song Tu nghĩa là không cần phải làm bất cứ một cái gì! Nói như vậy có lẽ là sai, nhưng “không” cần làm theo Năm Giới nha các bạn, tức là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, nói dối và sử dụng các chất say.

Hôm nay chúng ta nói đến Tâm Đăng Bừng Sáng tức là trí tuệ của chúng ta sẽ tự sáng nếu như chúng ta giữ được Năm Giới. Người giữ được Năm Giới, đặc biệt là Phật tử tại gia trong cuộc sống bề bộn công ăn việc làm, trong cơm ăn áo mặc, trong tiền tài, địa vị của cuộc sống bon chen. Biết bao nhiêu chuyện Đức Phật dạy thật khó thực hiện, đó là vì bạn đã bị rơi vào tư tưởng mù mịt, thành thử ra bạn tiêu cực không thấy rõ, gán ghép cho con đường Phật giáo là con đường xa vời thực tế. Không! Lời của Phật rất thực tế, hữu dụng và tích cực! Nếu bạn dám nhìn thẳng vào năm cái không Phật dạy và không làm năm chuyện đó; tinh thần nhà Phật gọi là Ngũ Giới, giữ được Ngũ Giới thì tâm đăng bừng sáng, trí tuệ bừng khai, từ bi như suối nguồn tuôn ra không bao giờ cạn và bạn luôn luôn được định vị rõ ở trong tâm là con người tốt, bởi không sát sanh, không trộm cắp, tà dâm, nói dối và sử dụng các chất say.

Cho nên đừng mang cái thùng không có đáy mà đi đựng nước thì sẽ không bao giờ có nước. Các bạn, đừng không chịu giữ Năm Giới mà làm muôn sự ở đời thì chẳng bao giờ tạo được phước báu đâu. Phước báu có thể có từ chỗ người Phật tử tại gia chúng ta biết giữ Năm Giới! Người biết giữ Năm Giới đó thì tâm đăng bừng sáng, Thiện Thần tới Hộ Pháp cho chúng ta, che chở cho chúng ta, mà người đời gọi là có quý nhân phò trì. Quý nhân đó là một danh từ trong đời thường, còn Chư vị Thiện Thần, Hộ Pháp là ngôn ngữ của Phật giáo. Mà nói như Bảo Thành thì khi chúng ta biết giữ Giới, chúng ta có được tri kỷ, có được bạn thân, có được những người thiện tri thức sẵn sàng tới dưới mọi phương tiện để tiếp cận với ta như những người tâm giao biết san sẻ, chia sẻ trên con đường vượt qua chướng ngại để trải nghiệm sự yêu thương và hạnh phúc.

Phải chăng từ những thuở qua chúng ta tu là cố gắng đủ mọi thứ để có được trí tuệ, để đạt được trí tuệ? Hãy nhớ, trí tuệ của Phật ta vốn có, chỉ cần giữ Năm Giới tức là “không” thì ta sẽ tiếp cận được với trí tuệ đó. Trong ta vốn có tánh Phật, trong ta vốn có cái thể tánh thanh tịnh bình đẳng tánh trí. Đó chính là lời khai thị và là Pháp Ấn chân truyền mà chúng ta đã thọ được cái quán đảnh đó khi Đức Phật giác ngộ gọi là thọ ký, nghĩa là tuyên cáo rõ ràng: “Phật là Phật, trong chúng sanh đều có Phật tánh và thể tánh thanh tịnh sẽ thành Phật!”. Khẳng định được điều đó và chúng ta làm chuyện Phật dạy, nhất định ta sẽ thành Phật!

Phật dặn trong Năm Giới không làm những điều như vậy, mây mù của vô minh, sương mù của lầm chấp sẽ tan biến ngay để mặt trời trí tuệ, để tâm của chúng ta sẽ bừng sáng bởi vốn nó là luôn sáng. Hôm nay nhắc nhở điều này để chúng ta thấy rằng ở mọi tình huống, hoàn cảnh trong cuộc sống, ai trong chúng ta đều có khả năng giữ Năm Giới một cách thuần thục. Nếu hiểu đúng nghĩa thì Năm Giới của nhà Phật tích cực! Chẳng cần đặt mình vào một hệ thống tôn giáo một chức vị gọi là Phật tử hay không, dù bạn là Phật tử theo tôn giáo nhà Phật hay theo các tôn giáo khác, bạn giữ được Năm Giới – đây là những điều căn bản, được gọi là nền tảng đạo đức căn bản mà tất cả các tôn giáo được hình thành trên thế giới này đều phải tuân thủ dưới mọi dạng ngôn ngữ để dạy và hướng dẫn chúng ta giữ đó. Phật nói thật gọn trong Năm Giới, bao trùm tất cả những hành động cần phải ngăn ngừa để cái đạo đức của chúng ta được hiển lộ mà muôn điều phước báu tự tìm tới để ta tận hưởng cuộc sống trong an lạc.

Tâm của bạn sẽ bừng sáng thôi, bạn sẽ nhìn thấy! Do vậy, trong Thiền Mật song tu, chúng ta an trú trong Chánh Niệm hơi thở, chúng ta luôn quán chiếu trí tuệ – từ bi và giữ Năm Giới thì tự nhiên ta sẽ thấy rõ. Trí tuệ là thấy rõ cái đúng và cái sai theo nhân quả của nhà Phật, thấy rõ cái đúng và cái sai theo nhân quả ý nghĩa của thiện và ác. Từ đó ta có thể bỏ được những điều ác mà xưa giờ ta không thấy nó là ác, và ta có thể chọn lựa cho mình một hành động tốt đẹp hơn đó là thiện, để ta làm việc thiện. Và cứ như vậy khi bỏ ác làm thiện thì ta đã trưởng dưỡng cây đèn trí tuệ của ta đầy dầu để không bao giờ tắt trước muôn trùng phong ba bão tố của cuộc đời.

Các bạn, sự tu không khó! Khó là bởi vì chúng ta không có rõ, mò mẫm riết. Còn sự tu như một bậc giác ngộ là một vị giáo sư của trời đất, đó là Đức Phật. Ngài là một vị thầy, một vị giáo sư tài ba vô song, cách dạy của Ngài thật đơn giản, dễ áp dụng, dễ hiểu, nhưng vì chúng ta quá lằng nhằng như con lăng quăng quay vòng vòng rồi biến tướng, lột xác lăng quăng thành con muỗi đi hút máu người mà thôi. Chứ còn nếu như chúng ta cứ trở về thuần tánh nơi thanh tịnh của Phật, nhìn thật rõ thì chẳng cần gì để xây dựng nên cái được gọi là trí tuệ. Bởi trí tuệ thật ra chỉ là sự sáng nhìn rõ đúng sai, nhân quả thiện ác!

Chúng ta cứ ngỡ rằng trí tuệ là có thể hiểu thấu trời, mười phương pháp giới tận mãi hư không. Chúng ta cứ tưởng trí tuệ là phải trở thành bác học chế tác ra những điều này điều kia. Trí tuệ của nhà Phật đơn giản ở chỗ chính là sự sáng để nhận ra thiện ác để buông để hành. Thấy ác để bỏ, thấy thiện để hành, đó chính là trí tuệ. Nếu không khởi đầu từ cái định nghĩa đó mà tu tập giữ Giới thì muôn trùng những cái điệp ngữ, những cái văn ngữ ta chế tác ra để tô điểm cho hai chữ gọi là trí tuệ của nhà Phật cũng chỉ là rác rưởi của cuộc đời được xây dựng trên cái tâm ham muốn cầu cạnh của chúng ta mà thôi. Và càng như vậy thì mặt trời kia càng thêm mây mù, càng thêm sương mù, càng thêm mây đen che phủ, thì dù trời có sáng ta cũng chẳng thấy đường mà đi, dù tâm có thanh tịnh ta cũng chẳng có cơ hội để chạm vào. Năm Giới trong nhà Phật rất quan trọng! Các bạn có khi nào giữ Giới không?

Đó, từ đó mà ta nhận thức thấy rằng ở trên đời này, biết bao nhiêu con người tốt ta đã định nghĩa cho họ, bởi những hành động người ta làm mà ta thấy, nhưng thực ra họ chẳng giữ Giới. Vậy là cái tốt đó chỉ là cái tốt do định nghĩa của con người mà thôi, để tự tán tụng cái gọi là tốt, cái gọi là đẹp. Cái tốt đẹp nhất mà theo như Phật nói tức là không: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống và sử dụng các chất say. Nếu bạn không làm năm điều như vừa nói trong Năm Giới đó, bạn không cần người ta tán tụng thì bạn đã trở thành người tốt đẹp nhất trong thế gian này! Bạn sẽ phát hào quang thôi, hào quang đó là thể tánh thanh tịnh, là tâm đăng bừng sáng vốn có nơi chúng ta!

“Tu hoài mà mặt mày tối, tu hoài mà cuộc đời u tối, làm việc thiện hoài mà sao muôn sự ở đời xui xẻo cứ xảy ra?”, “Ô, tốt mà!”, “Thấy không, tu mà gặp xui là đổ nghiệp!”,… toàn là đổ thừa bởi ta thực sự chưa là người tốt. Đã là người tốt thì không bao giờ gặp những chuyện xui quấy! Cho nên cái tốt của nhà Phật là không, tức là không sát sanh, trộm cắp, không tà dâm, nói dối và không sử dụng tất cả mọi thể loại các chất làm cho say mê và loạn thần loạn óc. Không như thế chính là trở thành người tốt đẹp nhất! Và từ đó, những sự việc khác bạn làm như từ thiện, bác ái, yêu thương, san sẻ, phóng sanh… mới có thể mang cái phước về. Còn không chẳng khác gì muôn sự như ta đổ nước lên lá môn hoặc đầu con vịt, không đọng lại một cái chút gì cả.

Vậy ta mới thấy rằng biết bao nhiêu người làm phước mà chẳng có phước chính là bởi vì không giữ Năm Giới. Còn những người giữ Năm Giới, tuy không làm phước vẫn có phước các bạn ạ! Bạn thử đi! Và nếu bạn giữ Năm Giới mà bạn làm phước nữa thì bạn có dư dả phước báu. Và người mà giữ Năm Giới đó, cái phước đầu tiên là cái tâm được thắp sáng, là trí tuệ hiển lộ để thấy rõ đâu là ác, đâu là thiện, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là hầm hố cạm bẫy của cuộc đời để tránh, đâu là trải thảm xanh của những đám cỏ thật tươi mát để ngả lưng, ngắm những tinh tú ở trên trời. Chúng ta khi đi theo Phật sẽ có được sự hiểu biết đó bằng cách giữ Năm Giới!

Người giữ Năm Giới thì có Chánh Định. Người có Chánh Định thì có Long Thần, Hộ Pháp, có quý nhân tới để phò trì, giúp đỡ cho chúng ta. Nếu bạn thiếu may mắn ở đời về phương diện vào đó, bạn chỉ cần giữ Giới thôi, có quý nhân tới gõ cửa. Bạn thử đi, rồi sẽ có quý nhân tới gõ cửa ngay thôi!

Bạn nói: “Ủa, tôi chỉ không sát sanh, tôi chỉ không trộm cắp, tôi chỉ không tà dâm, tôi chỉ không nói dối và sử dụng các chất say, tôi chỉ không năm điều đó mà có quý nhân sao?”. – Có! Có! Bởi Phật không bao giờ lừa dối. Phật là đấng chân thật, Ngài nói rất chân thật, lời chân thật của Ngài, giữ Năm Giới không đó, chứ không phải là có nha các bạn! “Không” thì bạn sẽ có quý nhân gõ cửa mọi lúc mọi thời và trao cho bạn đầy đủ phước báu nhân thiên sống trong cuộc đời!

Phật tử tại gia, sự bận rộn như thế, mỗi một bước chân đi, Năm Giới hiện rõ, giữ cho thật đúng, đừng để sai, bạn sẽ thành tựu. Trí tuệ của bạn sẽ có ngay! Đừng cầu kỳ đi tìm cái trí tuệ như người ta diễn tả trí tuệ Bát Nhã, trí tuệ này trí tuệ kia, thứ lớp…vẽ lên bằng những ngôn từ con người đặt ra cho nhau để phiêu bạt vào miền ngôn ngữ đó rồi cuối cùng chết chìm mà không được gì. Phật dạy thật rõ, tâm Phật vốn có, luôn luôn sáng, nhìn rõ được cái ác và cái thiện để thành tựu trên con đường an lạc chỉ cần không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống và sử dụng các chất say thì bạn sẽ trở về được với cái tự tánh thanh tịnh, với cái ánh sáng của mặt trời trí tuệ nơi tâm Phật vốn có nơi chúng ta. Và từ đó, quý nhân từ tận hư không đều bay tới gõ cửa nhà bạn để trao tặng cho bạn những tặng phẩm vô giá trên con đường hành thiện. Các bạn nhớ là những tặng phẩm vô giá trên con đường hành thiện chứ không phải là những tặng phẩm thuộc về vật chất tinh thần trên con đường sống của kiếp người để thoả mãn những cảm xúc ham muốn nơi ta. Hiểu thấu như vậy bạn mới vui, bạn mới an và con đường tu của bạn mới thấy sáng ra. Chỉ cần giữ Năm Giới các bạn ơi, hằng hà sa quý nhân sẽ tới gõ cửa, trao tặng cho bạn những tặng phẩm vô giá để có thể ứng dụng, ứng hoá trên con đường hành thiện!

Những ai có cái tâm muốn hành thiện, hãy giữ Năm Giới! Phương tiện luôn có, những ai muốn thấy được tâm đăng của mình luôn luôn sáng, hãy giữ Năm Giới!

Thật dễ giữ Giới, không khó! Khó là bởi vì chúng ta không nhìn thấy cái giá trị để có thể chạm vào cái tự tánh thanh tịnh vốn có nơi ta. Rồi hùa và chạy theo những phong trào trong cuộc sống để tìm cầu những điều huyễn hoặc, tự làm mê đắm trong vùng đó, khó có thể thoát, khi nhận ra rồi thì đã chết. Đừng đợi đến giây phút cuối cùng mới ngộ ra, mà ngay bây giờ trong từng sát na, hãy tỉnh thức trong Chánh Niệm, nhìn thẳng vào cái vốn vốn có nơi ta, đó là trí tuệ và từ bi. Trí tuệ và từ bi là vốn vốn có, không phải mua, không phải tìm. Nói theo đời là chẳng phải đóng thuế bởi vì ta vốn có. Vậy thì tìm chi khi ta đã có? Chỉ cần giữ Năm Giới là tự động nó lộ ra. Và điều đó có thể chứng nghiệm được bởi vì khi ta giữ Năm Giới, ta thấy muôn sự ở đời của ta gọi là thuận buồm xuôi gió. Khi nghịch cảnh tới, cơn gió nhẹ của sự an bình nơi từ bi và trí tuệ thổi một cái, nó biến mất. Cái gọi là xui và tai hoạ nó ập tới, Chư Thiện Thần tới chắn ngang, che chở và thế là ta an toàn đi trên con đường.

Đây là sự thật! Người giữ được Năm Giới luôn luôn gặp được Chư Hộ Pháp, Chư Thiên. Người giữ được Năm Giới, tâm Chánh Định, đứng trước muôn trùng thử thách, không bao giờ có một chút sợ hãi và lo lắng. Nếu bạn chột dạ sợ hãi một chút thì trong Năm Giới đó, nó vẫn còn mỏng manh dữ lắm. Hãy xây dựng Năm Giới đó cho nó dày thêm, nó lớn ra và nó đủ để có thể làm sao đó ngăn ngừa mọi tâm ác xâm nhập vào, thì bạn nhất định sẽ là một con người luôn luôn sống hoan hỷ. Và thực tế cái tâm thanh tịnh của bạn sẽ phát quang phát sáng, để đi tới đâu, trong từng dấu chân của bạn vẫn còn in ánh sáng của sự thanh tịnh giữ Giới. Để muôn chúng sanh, muôn con người kề cận nơi đó có thể thấy được cái gương sự sáng nơi hành đạo của bạn bằng chính cuộc đời, bằng mọi hành động, bằng mọi lời nói, suy nghĩ của bạn.

Mọi suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta trong sự giữ Giới đó có cái năng lượng tự sáng, nó phát quang để soi tỏ cho ta thấy rõ đường mà đi và cho muôn người khác cũng nương vào đó để thấy đường, không bị vấp té, sa ngã vào hầm chông gai cạm bẫy của cuộc đời. Thương người ở chỗ chẳng phải là cho người tất cả, giúp người chẳng phải ở chỗ mang tất cả cho người, mà thương và giúp người ở chỗ là ta phải giữ Năm Giới mới chứng tỏ thực sự là tình thương, mới chứng tỏ thực sự là cho đi và hiến tặng.

Giới rất quan trọng trên con đường nhà Phật bởi đó là ba điều cần phải nhớ thật rõ, trong nhà Phật gọi là Giới – Định – Huệ. Bạn giữ Giới có được Chánh Định thì trí huệ của bạn bừng khai. Chữ “trí huệ” đó có thể tạm gọi là tâm đăng bừng sáng. Vậy chẳng cần phải tìm gì ở đâu cả, chỉ cần giữ Giới sẽ có Chánh Định, tâm đăng sẽ bừng sáng, giữ Giới sẽ có Chánh Định để có trí huệ hiển lộ!

Giới – Định – Huệ, Tam Pháp học này cao siêu nhiệm mầu nhưng rất bình dị, dễ ứng dụng trong cuộc đời. Dù là xuất gia hay tại gia, dù là người Phật giáo hay thuộc các tôn giáo khác, chỉ giữ Năm Giới này thôi, bạn đã là người chứng đắc. Bởi khi chứng đắc được điều mà do giữ Giới đó, bạn sẽ chứng minh được quý nhân sẽ tới, muôn điều xui quấy tới rồi sẽ đi, muôn điều thiện lành tới sẽ ở lại. Thật là rõ! Phước báu nhân thiên luôn tới với các bạn!

Hãy giữ giới ngay bây giờ! Hãy chọn con đường giữ Giới, Giới – Định – Huệ! Giữ Giới thì có Định, có Định thì Trí Huệ bừng khai. Cho nên khi chúng ta giữ Giới thì tâm đăng bừng sáng, tâm đăng bừng sáng thì Thiện Thần sẽ tới, quý nhân sẽ phò trì. Bạn đi tìm ở đâu, phải chăng là ở những ống lắc xin sâm để cầu may vớ vẩn, để đạt được một cái gì đó hay sao? Phải chăng ta lại biến mình thành con rối để rồi rối rắm đầu óc, mơ hồ trong những điều mê tín dị đoan? Hay chúng ta trở về với cái nguồn Thánh điển của Chư Phật dạy cho chúng ta bằng cách giữ Giới để có thể thể nhập vào Phật tánh, đón nhận được những điều vốn có nơi ta bị che mờ bởi vô minh và lầm chấp?

Giới rất quan trọng! Hãy giữ Giới để có được một đời sống an lạc! Hãy giữ Giới để chúng ta có thể tiếp cận được với sự sáng của Phật tánh! Hãy giữ Giới để thể nhập vào bước chân an lạc của Phật, để nhìn quanh trong chúng ta, đời sống này, đều thấy dấu chân an lạc của những bậc giác ngộ còn in hằn ở trên đó. Để trong sự chập choạng của cuộc đời tham dục của kiếp nhân sinh, ta có thể đặt bàn chân Phàm phu in vào dấu chân an lạc của các bậc giác ngộ mà vững bước trên con đường đời, để muôn sự khổ sẽ thăng hoa thành cõi phúc lạc ngay nơi đây, chỗ này, trong từng hơi thở của Chánh Niệm!

Các bạn, hãy giữ Giới!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Ở đời người ta dạy chúng con phải làm quá nhiều để chứng tỏ cái tôi của mình, nhưng đối với Phật, hôm nay con hiểu, Phật dạy cho chúng con không làm năm điều để trở nên tôn quý, tốt đẹp, trong sáng, đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng các chất say.

Nguyện một lòng không làm những điều này, giữ đúng Năm Giới để trí tuệ hiển lộ, tâm đăng bừng sáng, thấy rõ thiện ác để trên con đường thiện lành biết san sẻ tới muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay nếu như chúng con có kiến lập được chút phước báu nào, nguyện xin hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn