Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện hồi hướng cho tất cả chư vị hương linh đã quá vãng theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh lành.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!
Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Thiền Mật song tu là Chánh Niệm hơi thở trong hai mật ngôn vi diệu, mỗi người chúng ta trong từng giây phút tĩnh toạ, sẽ đón nhận được tha lực Phật điển tác động vào thân; đấy là tha lực Từ Bi và Trí Tuệ. Với tự lực cầu đạo giác ngộ, chúng ta cùng nhau hồi hướng năng lượng này tới với các đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, người thân, cộng đồng và xã hội.
Chúng ta cùng hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Các bạn! Hầu hết mọi người trong chúng ta, ở bất cứ một tôn giáo nào cũng thường nghĩ sự tu là dành cho mấy ông Sư, mấy Sư cô, mấy vị Linh mục, mấy vị Giáo sĩ thuộc về các tôn giáo họ theo, còn hàng Phật tử, giáo dân hoặc tín đồ của các tôn giáo chẳng qua là ăn ké, ăn theo hoặc là tham dự vào mà thôi, chứ không thực sự chủ động đứng vào nơi đó để thực tập.
Câu nói hằng ngày quen lắm, chúng ta là người còn ở trong xã hội, phải đi làm, lo cơm ăn, áo mặc, tiền tài, lo cho vợ chồng, con cái, rồi báo hiếu cha mẹ, bận rộn như vậy, tu cái gì? Làm sao mà tu? Con đường tu có lẽ xa vời và các tín đồ hoặc là Phật tử thật khó có thể nghĩ rằng mình làm sao để hòa nhập vào con đường tu ấy, thôi để dành cho các bậc xuất gia. Và như vậy, ta làm mỏng sự tu, dần dần quên lãng cho tới khi đau khổ, tuyệt vọng mới tới chùa, tịnh thất, thiền viện hoặc những nơi có những bậc tôn túc, để tỏ lộ như nhờ các vị đấy cứu vớt đi những phần phiền não và lược bớt sự đau khổ cho chúng ta thật là thụ động. Có lẽ đây là một cái cách quen, nghe qua thấy phù hợp, bởi ngày nay khi xã hội phát triển quá nhiều, nền công nghiệp hiện đại đủ mọi thứ hết, chạy ngược xuôi may ra đủ miếng cơm manh áo trong cuộc sống, còn thời gian đâu mà tu. Sáng sớm thức dậy lo cơm nước vội vàng, con cái đi học, chắt chiu từng chút thời gian, vội vàng mang cơm nước tới sở, tới hãng, tới xưởng để làm. Tối về mệt nhoài rồi, nằm ra đó, tu gì nữa? Thôi, có chăng là viết vài dòng tâm sự trong cuộc đời để một mai lỡ có chuyện gì xảy ra, biết chạy tới chùa, các bậc xuất gia hoặc các bậc đạo sĩ, xin họ cầu nguyện; đó là cách suy nghĩ rất bình thường và sự suy nghĩ như vậy đã hình thành một cái hệ thống hình như là chân lý, lẽ phải cho mọi người.
Hôm nay chúng ta nói về chủ đề “Trí Tuệ Bừng Sáng”. Trí tuệ bừng sáng trong đạo Phật không dành riêng cho các bậc xuất gia, không loại trừ các tín đồ hoặc Phật tử tại gia. Dù bạn ở một hoàn cảnh nào, xuất gia hay tại gia, bận rộn hay không bận rộn, có đầy đủ các căn hay không có đủ các căn, dưới mọi hình thức, chúng ta đều bình đẳng, đều bình đẳng (hai câu này phải nhớ cho rõ) và đều có khả năng thể nhập trong sự tu để cho trí tuệ của chúng ta bừng sáng.
Đức Phật, nếu nói rằng chúng ta học theo Đức Phật, Ngài buông bỏ tất cả để đi tu, bởi Ngài là thái tử có thể lên làm vua và cung điện, ôi cha đủ thứ vật dụng, tiền tài, danh vọng, tình cảm, muôn thứ dục ở đời có đầy hết, nếu mà nói rằng bỏ như vậy mới là tu thì thực ra, Ngài chỉ cần bỏ, đâu cần tu. Vậy Ngài đã bỏ rồi, sao Ngài còn phải dùng đến 45 năm trời để đi giảng, để đi khai mở trí tuệ cho người ta bằng những phương thức phù hợp căn cơ từng người? Loại bỏ tất cả những điều ưu ái do phước báu nhiều đời tích lũy cũng chưa phải là con đường thoát khổ đâu, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong phương tiện mà thôi. Đức Phật dạy phương tiện thiện xảo, vậy tất cả những phương tiện phước báu ta có được đều cần phải thiện xảo tức là cần phải sử dụng một cách thật hay, để làm lợi lạc trên con đường chuyển hóa khổ đau, tiếp cận và trải nghiệm hạnh phúc, an vui trong cuộc sống.
Từ đó mà nhớ rằng sau 06 năm tu khổ hạnh, Đức Phật đã tu nhiều pháp thiền của thế gian thời kỳ đó, nhưng chưa đi tới sự giải thoát. Sau cùng Ngài đã ngồi dưới gốc cây bồ đề ở chung quanh đó thôi, trong 49 ngày thiền định, thiền định nha các bạn, thì trí tuệ của Ngài bừng sáng. Qua thiền định, trí tuệ Ngài bừng sáng! Và rồi Ngài đã đi trong suốt 45 năm trời để trao truyền cái pháp môn tu thiền định của Ngài; Ngài đã áp dụng để có được trí huệ bừng sáng, ngõ hầu chúng sanh thấy rõ được căn cội của sự phiền não, đau khổ từ đâu, mà chuyển hóa, sống an vui, hạnh phúc.
Các bạn! Nay phước báu vô cùng Bảo Thành và các bạn có nhân duyên tiếp cận với Phật giáo, và chúng ta phước báu hơn nữa là đã quy y Phật – Pháp – Tăng, giữ năm giới, hành thập thiện; đó cũng là quá phước báu rồi. Nay nghe thấu những điều Đức Phật dạy, ta lắng nghe, ta lắng lòng nghe trong sự thanh tịnh, nhất định sẽ phước lạc vô biên cho cuộc đời của ta. Thật là nhiều các pháp môn tu của Phật giáo, ngày nay nếu như chúng ta không có một cái căn bản, được sự hướng dẫn và đặt mình trong một khuôn mẫu thực tập hàng ngày, mà chỉ biến thân mình thành con mọt để gặm nhấm sách vở kinh điển, thì chúng ta cả cuộc đời dù là thân mọt cũng không gặm nhấm hết được kinh của Phật đâu. Bởi Phật giảng đến 45 năm trời, tam tạng đại kinh nhiều vô số, một đời, một kiếp, nhiều đời, nhiều kiếp, mọt kia cũng không thể gặm nhấm hết được kinh của Phật.
Cho nên các môn như Kinh Cang Thừa, Mật Tông Tây Tạng, Tịnh Độ của Trung Hoa, thiền Vipassana, thiền Tứ Niệm Xứ, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, Thiền Mật song tu như chúng ta đang học, tất cả, tất cả mọi phương tiện mà ai đó trong chúng ta có phước báu nghe, tin và thực hành đều mang lại sự lợi lạc. Nếu như thực tế hiểu thấu và đưa sự hiểu của pháp môn đó hành trì trong miên mật, thì ai trong chúng ta cũng theo phước duyên của mình mà thành tựu. Tuy rằng sự thành tựu của mỗi người có khác biệt nhưng ít nhất sự thành tựu đó cũng đã tốt đẹp.
Tất cả những pháp môn phương tiện như vừa nghe qua hoặc ngày nay có nhiều cái danh từ tôn xưng mới cho các pháp môn tùy theo tông phái của Thiền, tông phái của Tịnh Độ, tùy theo môn phái và tông phái, từng thứ lớp của các nền Phật giáo nơi quốc độ mà ta tin theo. Ví dụ Phật giáo Đại Thừa có biết bao nhiêu pháp môn tu, Nguyên Thủy cũng như vậy, Kim Cang Thừa của Tây Tạng cũng nhiều vô số, chia ra từng ngành chi tiết nhỏ, nhưng tất cả cũng luôn luôn phải dựa trên nền tảng của hai chữ gọi là Phước Huệ song tu.
Người Phật tử tại gia của chúng ta cần phải tu phước, người xuất gia dù thiền định như một vị thiền na ở trong rừng cũng cần phải tu phước. Phước Huệ song tu cần cho mọi con người thực hành giáo pháp của Phật trong mọi pháp môn, trong mọi pháp phương tiện. Phước Huệ song tu. Phải tạo phước để tu tập khai mở huệ giác của chúng ta.
Đức Phật khi Ngài giác ngộ rồi, Ngài dạy cho chúng ta có hai phương thức là tu phước và tu huệ qua sáu bước hành trình. Bốn bước để tăng trưởng phước báu, hai bước để khai mở huệ của chúng ta. Phước Huệ song tu rất cao quý và cần hiểu để tu. Nó không xa vời thực tế để từ bỏ hết, đầu tròn áo vuông như một nhà tu, lìa xa thế tục, đi vào cửa thiền môn, đóng kín cửa lại, nhốt mình trong đó mà tu. Giữa cuộc trần bồng bềnh, giữa hồng trần nhiều cám dỗ, Phật tử tại gia vẫn tu được. Hoặc là trong thiền môn khép kín, buông bỏ tất cả cũng tu được. Bởi giữa cuộc đời và đằng sau cánh cửa của thiền môn cũng chỉ là phương tiện – phương tiện để tạo một cái hoàn cảnh tu phù hợp với nhân duyên.
Lời của Đức Phật dạy và pháp tu của Đức Phật chẳng phân biệt cho người xuất gia và tại gia đâu. Có điều theo truyền thống lâu năm, mỗi người Phật tử tại gia là tín đồ Phật giáo, chúng ta đã lầm tưởng tu là dành riêng cho mấy người cạo tóc, rồi thọ giới Sa di, Tỳ kheo gì đó, nghe mênh mông vô tận, người Phật tử bận rộn sớm chiều vợ chồng, con cái lấy gì tu? Đó là sự hiểu lầm lẫn biến thành thói quen và phong tục được hình thành, ta cứ thế mà đi theo. Nhưng không đâu, Đức Phật là bậc thầy, là nhà mô phạm, là người tài giỏi, nói theo ngôn ngữ mà dễ hiểu, Ngài là một vị rất thông minh, thông thái, hiểu được và nhìn thấy trong mọi hoàn cảnh, chúng sanh đều có thể tu. Bởi mục đích của Ngài từ bỏ tất cả đi tu là để chuyển hóa và giúp cho chúng sanh thoát khổ, thoát luân hồi sanh tử. Cứu cánh của Ngài là tu để thoát luân hồi sinh tử và mục đích của Ngài là cứu chúng sanh bằng cách trải nghiệm đời sống thực sự, để tự thân mình thoát khỏi luân hồi sanh tử, rồi mang cái bài học đó, hướng dẫn cho tất cả chúng sanh để thực tập, và cuối cùng thoát ra như Ngài nhưng không lệ thuộc vào Ngài để tri ân, bố đức, ban phước cho chúng ta.
Vậy sáu con đường tu gọi là Phước Huệ song tu, bốn cái là phước, hai cái là huệ kia là gì? Danh từ Phật giáo gọi là Lục Độ Ba La Mật. Lục là sáu, tức là sáu con đường để mỗi người tự độ, tạo được phước, tạo được huệ. Sáu cái đó dễ lắm mà hàng Phật tử tại gia chúng ta, bốn cái đầu tiên là tu phước đó, ai cũng làm được và các bạn đã từng làm tức là đã từng tu phước rồi.
Bảo Thành nói ra thì có lẽ mọi người ai học mà gọi là thuần chủng Phật giáo, nghe thấy Lục Độ Ba La Mật, sáu con đường tu là hiểu, nhưng đối với các bạn còn trẻ và các bạn bận rộn trong cuộc đời, nghe nói năm chữ “Lục Độ Ba La Mật” ôi cha sao nó cao siêu. Đó là ngôn ngữ Hán Văn dịch ra, còn theo như Bảo Thành thì gọi là sáu bước tu hành để thành Phật. Sáu bước thôi. Bốn bước đầu tạo được phước báu vô số, mà phước báu vô số của bốn bước đầu này có cái phước báu về tịnh tài, về danh vọng, về địa vị của tất cả trong ngũ dục. Có đó các bạn! Nhưng khi chúng ta có rồi, chúng ta ứng dụng như thế nào để tạo nền tảng vững chắc hơn cho hai bước kế tiếp để khai mở được huệ giác mới là quan trọng. Tu phước mà làm tổn phước bởi tiêu hao phước trong những việc bất thiện, thì cái tu đó chẳng khác gì nhào đầu xuống vũng sình, tròng thêm cục đá, chết ở trong đống sình hôi thối mà thôi. Tu phước là phải lấy chí nguyện giải thoát làm đầu để tăng trưởng phước báu, hỗ trợ cho khai mở huệ giác.
Bốn bước mà tu phước đó là bố thí. Cái đầu tiên là bố thí, các bạn từng bố thí rồi, đôi khi bố thí chỉ một chai nước, một bó rau, một cân gạo, một mảnh áo, một viên thuốc, thậm chí bạn đã bố thí qua lời an ủi những người bệnh hoạn, những người già nua, những người thiếu may mắn hoặc bạn đã thực hiện hạnh bố thí bằng cách thăm hỏi, gọi phone (điện thoại), nhắn tin trong những phương tiện tràn đầy năng lượng yêu thương, thì đó đã gọi là bố thí. Khi hiểu chữ “bố thí” rộng như vậy, ta đỡ bị bó buộc trong cái định nghĩa bố thí là phải mang tiền đi cho.
Bố thí đa dạng lắm! Thấy một người làm việc tốt, bạn hoan hỷ hồi hướng; đó là tùy hỷ bố thí đó các bạn, công đức vô lượng, chứ chẳng cần thiết phải nhào vô để làm việc như họ, mà chỉ khởi tâm hoan hỷ rằng: “Tôi thấy người này đi giúp đời, tôi hoan hỷ quá, tôi tán thán công đức đó và tôi hồi hướng cho người đó đủ phước báu để tiếp tục làm” thì bạn đã thực hiện bố thí gọi là tùy duyên, tùy hỷ mà bố thí.
Bố thí đa dạng lắm! Bạn nghĩ về những điều tốt đẹp và hồi hướng cho muôn người luôn nghĩ về những điều thiện lành cũng là bố thí. Chưa kể bố thí tịnh tài, trí lực, sức lực, bố thí dưới mọi hình thức, bố thí Ba La Mật hay chỉ là bố thí sơ sài thì chúng ta đều hưởng được phước báu.
Đó là một bước đầu tiên, bước thứ hai là bố thí, trì giới. Các bạn thọ năm giới của nhà Phật: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống hoặc sử dụng các chất say. Năm giới này, trì tức là giữ, nếu bạn giữ được năm giới này thì bạn đã thực hiện được hai bước rồi. Người giữ giới, các bạn biết đó, tốt đẹp lắm! Nếu bạn biết bố thí thì bạn sẽ giải được tất cả các nghiệp ki bo tức là bỏn xẻn, keo kiệt, thì giúp cho bạn tăng trưởng phước báu, dư giả tịnh tài, tài phú. Nếu bạn biết giữ giới, bạn sẽ tăng trưởng được sự trang nghiêm của con người mình, của tâm mình, và người biết giữ giới thì người đó luôn luôn có Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Long Thần, Hộ Pháp, Chư Thiên cận kề, gia trì cho. Rất hay, rất hay!
Nhẫn nhục! Bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Nếu bạn biết nhẫn nhục, kham nhẫn để mở rộng lòng yêu thương, thì đi tới đâu, bạn cũng được người ta thương.
Tinh tấn tức là siêng năng, đừng giải đãi, bốn bước này tạo được phước báu vô cùng; đó gọi là tu phước đó các bạn.
Vậy, chúng ta thấy, người Phật tử tại gia có khả năng tu phước thật là nhiều, bố thí, trì giới, kham nhẫn và tinh tấn. Bạn có thể đọc theo thể loại nào cũng được. Theo thứ tự bố thí, kham nhẫn, trì giới, tinh tấn hoặc bạn có thể gọi là tinh tấn, bố thí, trì giới, kham nhẫn. Không quan trọng cái nào trước cái nào sau, bốn bước đó, bạn thực hiện được bước nào, đều tăng trưởng phước báu. Nếu bạn thực hiện được cả bốn thì phước báu vô lượng.
Vậy hỏi rằng các bậc xuất gia có thực hiện được bốn bước tu phước này không? Được! Các Phật tử tại gia, các tín đồ Phật giáo có thể tu được nhiều phước báu qua bốn bước này không? Được! Đâu có phân biệt xuất gia hay tại gia. Ta làm được mà, ta bố thí được!
Trong thời gian qua, đại dịch, biết bao nhiêu con người Việt Nam và trên toàn thế giới đã thực hiện hạnh bố thí mà không hay rằng mình đã thực hiện hạnh bố thí. Bởi chúng ta đã tiếp tay cùng với nhau, mang lương thực, mang nước uống, mang tiền tài, tịnh tài, mang thuốc để giúp đỡ tất cả những ai đang bị cách ly trong những xóm nhỏ hoặc những nơi thành phố, thôn quê bị kẹt; đó là hạnh bố thí đó các bạn. Có cả những người không thể đi, không thể làm, nhưng lúc nào cũng cầu nguyện hồi hướng; đó là hạnh bố thí đó. Cả thế giới và trong sự bố thí đó, tu phước đó, thì tôn giáo nào cũng đã từng làm, ngay cả những người không tôn giáo, vô thần, vì tình thương đối với cộng đồng và xã hội cũng đã tu hạnh bố thí mà không hay.
Các bạn thấy không? Và trong thời giãn cách đó, chúng ta đã bị kiêng cữ đủ thứ bởi vì xã hội, luật đã cấm. Chẳng thể mua những con vật còn sống về giết ăn được, chợ búa cấm, như vậy là ta giữ giới sát sanh, dù không phát tâm nhưng hoàn cảnh đã ngăn ngừa ta sát sanh. Không đi đâu được! Và sự trộm cắp khó có thể xảy ra trong thời đó, cho nên vấn đề trộm cắp cũng được ngăn ngừa. Tà dâm cũng như thế. Nói dối cũng khó có thể tụ họp để nói những lời thêu dệt, nói dối, nói đâm thọc, nói hung ác. Bớt thật là nhiều, chưa trọn vẹn đâu, nhưng mà bớt lắm. Và rồi ai cũng phải nỗ lực đi theo những điều của bộ y tế, nhà nước sở tại, cơ quan chính quyền để tự trị, quản lý thân của mình ở nhà, thì đó cũng gọi là sự tinh tấn.
Cho nên nói về đại dịch vừa qua, ai trong chúng ta cũng đã tu phước rồi, mức độ nhiều hay ít là tùy theo cái tâm có hiểu biết để thể nhập vào đó hay chỉ làm theo cảm xúc mà thôi. Dù theo cảm xúc của con người hoặc là dù hiểu được bằng cái tâm để thực hành thì phước báu đều được hưởng. Phân lượng của phước báu có khác, nhưng tựu trung, đã thành tựu được phước báu.
Hai bước để khai mở huệ đó là thiền định và trí tuệ. Thiền của Chư Phật dạy trong pháp môn Thiền Mật song tu, chúng ta thiền là lấy chánh niệm hơi thở làm đề mục, làm nền tảng để giữ tâm trong sự thanh tịnh. Và chánh niệm là một trong những cái pháp của Bát Chánh Đạo. Thiền Mật song tu lấy chánh niệm làm căn bản để điều phối thân tâm, nhìn rõ bản thể thanh tịnh cũng như bất thanh tịnh của chính mình trong từng giây phút; đây gọi là thiền. Trong cái thiền này, ta định được, bởi đều có trí tuệ. Vì sao? Trong Thiền Mật song tu, ngoài bốn cái tu phước kia, chỉ trong Thiền Mật song tu thôi, ta đã có tu phước rồi, ta đã có tu trí tuệ rồi, thì nhất định ta sẽ bừng sáng nếu tu đúng.
Phước báu là đâu? Tức là Mu A Mu Sa, ta tu hạnh từ bi, trong hạnh từ bi ta phải theo gương của Mẹ Hiền Quan Thế Âm. Bảo Thành nhắc đã nhiều lần, từ bi quán là hạnh Quan Thế Âm. Nếu các bạn đọc phẩm Phổ Môn trong những buổi tụng kinh, cầu an, thấy được hạnh đức của Ngài Quan Thế Âm, ta mới thấy rằng từ bi quán có đầy đủ phước báu, có hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn. Cho nên khi các bạn chánh niệm hơi thở và trì mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu lòng từ bi, niệm niệm liên tưởng tới Mẹ Hiền Quan Thế Âm, gắn kết tới Ngài để có thể thực hiện được bốn bước đầu tiên tăng trưởng phước báu, phước báu vô lượng trong Mu A Mu Sa. Nếu thể nhập vào năng lượng ấy, biến thành hành động, biến thành những hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp, tư tưởng tốt đẹp, thiện lành, thì phước báu vô số.
Và trong Thiền Mật song tu, ta còn thiền trí tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Thiền định của chánh niệm hơi thở để tăng cường trí tuệ bằng cách quán chiếu, nhìn thấu vạn pháp vô thường sanh diệt, để từ đó không bám víu, chấp trược, chấp thủ, tạo ra khổ đau. ta còn quán chiếu để nhận rõ tinh thần vô ngã, để không cống cao ngã mạn. Đây là pháp quán của của Tam Pháp Ấn mà Phật đã kết lại cho Ngài A Nan, để thấy rằng ai tu mà quán chiếu về Tam Pháp Ấn tức là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, thì người đó sẽ dứt trừ được phiền não, trị được mọi lậu hoặc.
Và nếu trong Thiền Mật song tu, chánh niệm hơi thở làm nền tảng để tu và nương vào Mu A Mu Sa – năng lượng từ bi Mẹ Hiền Quan Âm, Chư Phật nhiều đời, thắp sáng trí tuệ, quán chiếu vô thường, khổ, vô ngã, thì bạn sẽ có trí tuệ bừng sáng, để thấy rằng bạn đang sống có ý nghĩa trong từng giây từng phút.
Khi bạn được nghe những lời này, mang vào ứng dụng cho rõ cho thuần, thì bạn sẽ có được sự lợi lạc là bạn sẽ bớt đi được sự tham muốn quá đáng trong cuộc đời để tổn phước. Bạn bớt chấp trược, bớt chấp thủ, bớt đắm chìm, thân tướng oai nghi thanh tịnh, đi tới đâu cũng được nhiều người thương mến. Sống nhẹ nhàng, tự tại, không bị ràng buộc, khủng bố. Sống yêu thương, mở rộng, sống thông cảm và san sẻ.
Nếu bạn tu, bạn sẽ thấy được và nhận ra bạn đã bắt đầu đi vào con đường chuyển hóa và lìa xa phiền não, khổ đau. Thân tâm của bạn sẽ thong dong và tự tại, đời sống của bạn sẽ như nụ hoa đã đủ nắng đủ mưa, nở ra thơm ngát cho đời. Trí tuệ bừng khai là nói đến chẳng phải ta ngồi đó để chờ đợi một ai đó như anh cuội chờ sung rụng, mà trí tuệ bừng khai trong Thiền Mật song tu là thực hành theo lời của Đức Phật. Ta lấy cái tự lực cầu đạo giác ngộ, ta tu pháp hành, ta hành trì pháp tu Thiền Mật song tu, tu trí tuệ, tu từ bi trong chánh niệm hơi thở mỗi một ngày và luôn luôn quán chiếu cho thuần thục từng giây phút khi tu. Để rồi trong từng giây, từng sát na, từng phút của cuộc đời, ta quen dần với sự quán chiếu đó, để nhận rõ chánh niệm chẳng còn ở trên cái tọa cụ, nơi ta đang ngồi hoặc trong pháp tòa, chùa chiền nữa, mà chánh niệm được liên hành ở trong mọi tạo tác của cuộc đời chúng ta.
Ở chợ, ở đời, ở nhà, ở chùa, mọi nơi mọi lúc, ta dần dần quen với chánh niệm. Và khi chánh niệm quen như vậy thì chẳng khác gì đèn dầu có cái bóng. Chúng ta nhớ rằng từ bi là cái bóng, quán từ bi tạo thành cái bóng; chánh niệm hơi thở là dầu và cái tim đèn; trí tuệ là ánh sáng được thắp vào. Như đèn dầu đầy đủ từ bi là cái bóng đèn; nguyên liệu là chánh niệm và rồi trí tuệ kia được thắp vào đó, sẽ không bị gió tức là tám luồng gió chướng, ma chướng, cám dỗ ở đời thổi tắt đi. Và bạn, bạn sẽ thấy rõ khi ngọn trí tuệ, khi ngọn tuệ đăng được bảo vệ bởi Mu A Mu Sa, năm giới và chánh niệm, bạn sẽ thấy rõ cuộc đời của bạn sẽ có ý nghĩa. Khi thấy rõ được ý nghĩa sống trong cuộc đời, sống bằng tâm từ bi, sống và thắp sáng trí tuệ để hành xử, bạn chính là người đã có trí tuệ bừng khai, có trí tuệ bừng sáng theo đúng tinh thần tu Phước Huệ song tu qua sáu bước Đức Phật đã dạy: thứ nhất là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn – là bốn bước tu phước và hai bước cuối cùng là thiền định và trí tuệ.
Mu A Mu Sa là thiền định qua chánh niệm hơi thở từ bi, Mu A Mu Sa là thiền định để thắp sáng trí tuệ – trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Làm sao có trí tuệ? Quán chiếu vô thường, khổ, vô ngã, thấy rõ được thực tướng đó, thì trí tuệ sẽ bừng sáng qua sự tiếp sức của thiền định chánh niệm hơi thở, quán chiếu từ bi và qua sự hỗ trợ của tu phước: bố thí, trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn.
Như vậy sáu con đường tu Lục Độ Ba La Mật, sáu bước thực hành mỗi một ngày đó, chẳng dành cho những người ở trong chùa gọi là bậc xuất gia, mà mỗi một chúng sanh nếu muốn chuyển hóa những phiền não, đau khổ thường nhật ta gặp được, thường ngày ta đối diện, thì bạn hãy bắt đầu vào sáu cái bước này!
Bảo Thành có cơ hội tiếp xúc, một thời Bảo Thành ở bên chùa Xá Lợi tiểu bang Minnesota, thấy Sư cô Bảo Tịnh cặn kẽ dạy cho Sư cô Quảng Nguyện những phương pháp nấu ăn gọn, lẹ, chất lượng cao, không có chất bảo quản và rồi nó lại thơm, sự thanh tịnh, mà để có được điều đó thì cần phải thuần thục các bước. Và thấy Sư cô Quảng Nguyện ghi xuống từng bước bỏ cái gì. Khi cô Bảo Tịnh dạy, thì bắt đầu Sư cô Quảng Nguyện ghi xuống từng bước, từng bước phải làm như thế nào. Và rồi thực sự, các món ăn Sư cô Bảo Tịnh và Sư cô Quảng Nguyện nấu ra tại chùa Xá Lợi tiểu bang Minnesota có đầy đủ hương vị của Phước Huệ song tu, nhưng phải theo cái trình tự của từng bước. Nay nhìn điều đó để thấy Đức Phật cũng cho chúng ta sáu bước – sáu bước để nấu được món ăn trí tuệ bừng sáng; đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Sáu bước này đều có ở trong Thiền Mật song tu, bởi Thiền Mật song tu dựa trên nền tảng của hơi thở chánh niệm trí tuệ – từ bi quán, nói đúng hơn là thiền trí tuệ và từ bi. Thiền từ bi – Mu A Mu Sa sẽ tăng trưởng được sự hiểu biết, để mỗi người có thể ứng dụng được bốn bước đầu tiên mà tu phước, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn. Mu A Mu Sa gắn kết với đức hạnh, với đạo đức, với giới hạn của Mẹ Hiền Quan Âm, để chúng ta sẽ có nhĩ căn viên thông, nghe được mọi sự đau khổ, lỗi lầm của chúng ta để sửa, từ đó lan tỏa yêu thương.
Cho nên tu mật ngôn Mu A Mu Sa chẳng phải ngồi đó để cứ đọc Mu A Mu Sa mà là thấm nhập vào. Cũng như hạt giống chẳng phải ôm nước vào bên trong mà là thấm nước vào trong hạt giống, để rồi hạt giống sẽ bừng trỗi dậy thành cây. Chúng ta thể nhập, thấm vào năng lượng đại từ đại bi Mẹ Hiền Quan Thế Âm – Mu A Mu Sa, cứ như vậy và tư duy, lấy từ bi làm gốc trong chánh niệm hơi thở, khi chủng tử bồ đề – hạt giống thiện của chúng ta đủ năng lượng đó, nó sẽ trổ thành cây bố thí. Và rồi cây bố thí đó sẽ có cành giữ giới, rồi trổ ra lá là nhẫn nhục và rồi trổ bông, trổ trái qua sự tinh tấn. Rõ ràng lắm! Và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang gọi là thiền trí tuệ chánh niệm hơi thở, tuyệt vời tuyệt vời. Bởi ai tu qua cái pháp này một thời gian, trí tuệ được sáng, bởi hiểu thấu được vạn pháp là vô thường, không chấp trược, dính mắc, thì đoạn được mọi khổ đau và phiền não tức là khổ, và rồi thấu rằng thân xác này là vô thường, vạn sự ở đời đều vô ngã, chẳng bám víu. Nhẹ nhẹ như pháp vũ vần xoay trong cõi hồng trần mà chẳng vấn vương lụy tình, để rồi luôn luôn an hưởng, trải nghiệm hạnh phúc ngay trong cuộc đời với cái thế đứng làm người trong gia đình có thể làm bà, làm ông, làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng, làm con cái, làm bạn bè, là con người hoặc ở trong cửa thiền môn là những bậc xuất gia, bất cứ một cái thế nào bạn đang có phước và đang đứng ở đó, bạn đều có thể có được sự trải nghiệm qua cái trí tuệ bừng sáng, tu Lục Độ Ba La Mật tóm gọn trong Thiền Mật song tu, trí tuệ – từ bi quán chánh niệm hơi thở.
Các bạn! Hãy thực hành để tận hưởng qua sự trải nghiệm an vui trong cuộc đời. Dù các bạn chỉ là tín đồ hoặc dù là Phật tử tại gia bận rộn vẫn có thể tu và thành tựu được điều đó để có trí tuệ bừng sáng trong cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!
Thưa Phật! Chúng con đã hiểu, lời Phật dạy chẳng phân biệt dành riêng cho ai mà cho tất cả chúng sanh, mọi pháp môn tu đều dựa trên nền tảng của Phước Huệ song tu. Phước Huệ song tu – Thiền Mật song tu là phương pháp tu dựa trên nền tảng của Chánh Niệm hơi thở, tu Trí Tuệ và Từ Bi, thực hành Lục Độ Ba La Mật, thành tựu được để có Trí Tuệ bừng sáng. Nguyện xin Chư Phật gia hộ cho mỗi người chúng con hiểu thấu, mang vào hành trì để thành tựu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu có tạo ra được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho chúng sanh đồng thành Phật đạo.