Search

Bài 2150. Có Phải Vậy Không? | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Mời mọi người chúng ta cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ Chánh Niệm, thiền quán chiếu để nhìn rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.

Một lòng thành kính hồi hướng nguyện siêu hương linh:

Trần An Lộc, sinh ngày 01/01/1929, vừa vãng sanh vào 02 giờ 33 chiều, ngày 13/10/2021.

Hương linh Quan Văn Ký, sinh ngày 13/07/1958 vãng sanh ngày 25/08/21.

Hương linh 11:21…(nghe như Cannick Bill Mere nhưng ko chắc) và toàn thể chư vị hương linh ký tự nơi Chùa Xá Lợi đã ra đi ngay trong mùa đại dịch này, nguyện xin Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư tiếp dẫn chư hương linh tái sanh cảnh thiện lành theo nghiệp của mình.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi! Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Một hơi thở vào ra trong Chánh Niệm, thiền Trí Tuệ – Từ Bi quán chiếu thân tâm, tiếp nhận năng lượng vi diệu giải thoát của mười phương Chư Phật. Nguyện một lòng rải tới muôn loài chúng sanh, đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, thân bằng quyến thuộc, cộng đồng, xã hội, nhân loại.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:44) Mô Phật! Các bạn! Truyền thống từ muôn đời mãi tới ngày nay, mỗi người chúng ta vẫn thật êm lỗ tai, khi ta nói một điều gì đó mà người khác luôn luôn tin tưởng, không thắc mắc thì nhìn ưng ý. Nghe người ta nói “Tôi tin” thì mừng, lỗ tai êm. Nhưng nếu trong những cuộc đàm thoại của cuộc sống hoặc chia sẻ với nhau hàng ngày, ai đó sau khi nghe chúng ta nói và nói một câu rằng: “Có phải vậy không?”. Câu này Bảo Thành nghe nhiều lắm! “Có phải vậy không?”, “Phải vậy không ta?”, “Có vậy không nè?”, những câu mà sau khi họ nghe rồi họ nói như vậy, ta cảm thấy họ không tin vào mình, ta cảm thấy họ nghi ngờ mình, ta cảm thấy họ xa lạ và ta cảm thấy không được rồi, không được rồi. Tình nghĩa cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa con cái, bạn bè, người thân, tình đồng liêu chơi với nhau hoặc tình người gặp bên đường, nói qua, nghe chưa rõ, hỏi lại ngay: “Có phải vậy không?”, “Phải vậy không ta?”. Hình như câu “Phải vậy không ta?” quen thuộc lắm, nó là câu thường nhật của tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay nhắc lại như một mệnh đề để nói chuyện. Đôi khi cũng trở thành mệnh đề vô nghĩa bởi họ chỉ hỏi vậy thôi, chứ không có ý nghĩa nghi ngờ. Nhưng ai không quen, nghe câu “Phải vậy không ta?” thì khó chịu.

Các bạn! Chủ đề “Có Phải Vậy Không?”, ta phải suy nghĩ để đi dần vào con đường thực tập tâm linh như thế nào cho đúng. Những truyền thống tôn giáo lâu đời của bất cứ tôn giáo nào, bất cứ tôn giáo nào, đã gọi là một hệ thống tín ngưỡng tôn giáo thì luôn luôn đòi hỏi tín đồ của mình phải có một niềm tin tuyệt đối, không nghi ngờ. Bởi vậy mới có câu “Tin ta thì sống, không tin ta thì chết”, bởi vậy mới có những câu thòng theo nữa: “Tin thì được như vầy, không tin thì bị đày đọa xui xẻo”.

Chắc chắn nếu các bạn lớn tuổi (Bảo Thành nhận được rồi), chúng ta nhận được nhiều lá thư gửi tới mà hồi xưa là thường gửi thư tới bằng bưu điện. Được nhận những lá thư nói về chuyện này, chuyện kia, này là chuyện Thần, chuyện Thánh, chuyện Trời, chuyện đất, nếu bạn không tin mà quăng vào thùng rác thì có người kia không tin, quăng vào thùng rác, ra đụng xe chết liền. Họ hù dọa sợ quá! Còn nếu bạn tin thì chép lại nhiều bản gửi ra cho bao nhiêu người, bạn sẽ được trúng số, được này, được kia, đó là thời xưa mà còn phải gửi thư. Ngày nay vẫn nhận được những tin nhắn, những email dưới hình thức như vậy. Mà thông thường ở đời, nghe nhắn tin như vậy, quăng đi không biết coi chừng xui xẻo, thôi, nhắn đại cho 21 người hoặc viết 21 lá thư gửi đi, biết đâu, biết đâu coi chừng được hên. Và cứ với cái lập luận răn đe sợ hãi như vậy, ta đành phải làm để cầu may, lâu dần trở thành một truyền thống. Và đúng, hầu hết các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh trên toàn thế giới luôn luôn đặt nặng niềm tin là cốt yếu và nếu ai không tin, nghi ngờ, hình như đó là một sự phỉ báng cho tôn giáo đó, người đó đáng xấu hổ và bị loại trừ!

Theo những cách như vậy ta lớn dần lên và từ đó, biết bao nhiêu chuyện liên quan tới đời sống tâm linh hoặc liên quan tới đạo giáo ta theo, là một tín đồ – ta hình như vâng phục tuyệt đối, chẳng hề thắc mắc. Để rồi có biết bao nhiêu con người, họ lột xác thành rồng, thành Thần, thành Tiên, thành Thánh chỉ trong chớp mắt, phán ra những câu như Thánh, nói như Thánh, phán như Thánh, nói như Thần, phán như Thần, nói như Phật, phán như Phật, nói như Bồ Tát, phán như Bồ Tát, các Ngài nói mà chúng ta không nghe, nên bị trừng phạt. Và rồi chúng ta cứ gật đầu; cái xương cổ mềm quá, không đứng thẳng được, nó bị gập xuống đằng trước, lủi thủi đi theo một cách mê mờ trong vô minh, chẳng cần biết là gì, miễn là những người kia nói, khoác trên mình hình hài của tôn giáo, của những bậc đạo sĩ, đạo sư hoặc đưa ra những cuốn sách Kinh dài, dày cộm hoặc những lời nói gọi là Thánh Hiền phán thì chúng ta cứ tuân thủ tin theo, chẳng dám nghi ngờ. Còn nếu như trên con đường học đạo, ta cũng như vậy, thì đó là cách truyền giáo theo dạng phong tục tập quán lâu đời, hệ thống sáng tác, sản phẩm của Phàm phu áp chế khuôn mẫu, không cho người ta thực hành theo lời Phật, chuẩn theo Bát Chánh Đạo. Ai không tin xấu hổ lắm, bị những người khác, những tín đồ khác hoặc những ông đạo nhìn chúng ta, không biết phải cúi mặt đi đâu cho nên đành phải tin. Vậy nên chúng ta thấy sự tin tưởng nó quá lộn xộn và đôi khi chúng ta đã đi theo những con đường sai mà không bao giờ biết!

Riêng chỉ có Đức Phật không hệ thống sự giác ngộ của Ngài thành tôn giáo, nhưng ngày nay chắc có lẽ nhiều ngàn năm trôi qua, những hàng đệ tử đi qua con đường đó, hệ thống lại thành tôn giáo. Nhưng thời nguyên thủy, Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài không bao giờ đi: “Hãy tin ta thì được, không tin thì bị cái này”, Ngài không bao giờ nói. Ngài có một tâm rộng mở, một trái tim vô tận, một tình thương bao la nhìn thấy tận cùng nỗi khổ của chúng sanh trong ba nghiệp Thân – Ngữ – Ý nhiều đời bởi bất thiện tạo ra. Ngài tới và mời gọi: “Hãy tới với pháp của ta, hãy nhìn pháp của ta, hãy nghe pháp của ta, hãy tư duy pháp của ta, hãy tìm hiểu và thực hành pháp của ta, và hãy trải nghiệm những điều ta nói. Nếu, có chữ “nếu”, phù hợp với căn cơ, thích ứng với nghiệp và tăng trưởng được hạnh phúc, chuyển hóa được phiền não, hãy tiếp tục!”. Đó là lời của Thế Tôn! Chưa có một tôn giáo nào, chưa có một tôn giáo nào đưa chúng ta tới một sự rộng mở như vậy. Luôn luôn là đi vào cửa hẹp! Vào đó thì sống, không vào, khép lại, biển lửa sẽ thiêu đốt!

“Có Phải Vậy Không?” là một tâm nghi vấn để cho mình có cơ hội tư duy theo Chánh Kiến, tư duy thật rõ theo Chánh Kiến để tìm hiểu, để thấu, để thực tập trải nghiệm, phù hợp ta tiếp tục. Phật luôn khuyến khích! Tâm rộng lớn mênh mông thì sự nghi vấn luôn luôn đứng đắn, chuẩn mực để tìm hiểu, áp dụng kinh nghiệm trải nghiệm, rồi có sự thực nghiệm rõ ràng. Còn nếu tâm nhỏ hẹp, nghi nhưng mà nghi ngờ, phủ định, gạt bỏ, không tin; tâm đó là cái nghi ngờ, phủ định rồi gạt bỏ, không muốn theo khi những lời nói, khi những pháp hoặc những tôn giáo truyền tới chúng ta, không phù hợp ăn khớp với hệ thống tư duy, suy nghĩ rập khuôn, ràng buộc của truyền thống hoặc là không thỏa mãn cảm xúc của chúng ta, nên chúng ta nghi ngờ, bỏ ngay, đó là sự nghi ngờ phủ nhận bằng tâm hạn hẹp. Còn nếu nghi vấn bằng tâm rộng lớn để dùng Chánh Kiến, tư duy, tìm hiểu, trải nghiệm, thực nghiệm để đi đến một sự kinh nghiệm rõ ràng, hiểu thấu thì đó chính là câu mà ngày nay tuổi trẻ thường áp dụng: “Có phải vậy không?” – một câu thật là hay trong chủ đề hôm nay.

“Có Phải Vậy Không?” là một sự nghi vấn để tăng trưởng học hỏi. Đức Phật luôn nhắc chúng ta, những tín đồ Phật giáo hoặc những tín đồ của tất cả các tôn giáo, chúng ta phải có tâm rộng mở để đặt nghi vấn về những điều ta mới nghe. Đừng dùng khuôn thước của tri thức, của kiến thức, của cảm xúc, của cảm nhận nơi cái tôi, cái ngã của mình để đẩy lùi, phủ định, chê bai, nghi ngờ, gièm pha, không tin, nhưng phải dùng tâm rộng lớn, bao hàm, mênh mông vô tận. Nghi vấn để tìm hiểu với tâm như vậy, tư duy cho chuẩn, cho đúng với tinh thần Bát Chánh Đạo, nhất định chúng ta sẽ thành tựu.

Ngày xưa, có một câu chuyện cổ của người Hy Lạp. Ở trong vị quan tòa đó có một cái giường và cái giường này cho tất cả các tội nhân tới đó phải nghỉ ngơi trên cái giường đó. Trước khi ra quan tòa phán xét, ông quan tòa này cho người tội nhân nghỉ trên cái giường. Nằm trên cái giường mà thấp quá, ngắn quá, không bằng cái giường, ông ta sẽ cho lính kéo chân, kéo tay cho dài bằng cái giường, rồi mới phán xét. Người nào mà chân tay dài lòng thòng ngoài cái giường của ông ta, ông ta sẽ chặt chân tay đi cho gọn vừa cái giường.

Câu chuyện Bảo Thành chỉ kể tới đó thôi, nhưng ám chỉ rằng chúng ta có một cái khuôn mẫu tư tưởng, suy nghĩ khi chúng ta nói chuyện hoặc chúng ta tương tác với mọi người, đặt hẳn như cái giường của ông quan tòa kia, với chiều ngang, chiều rộng y khuôn sự suy nghĩ, cảm xúc, kiến thức, tri thức của ta. Để ai mà như không hài lòng, vừa cái đó thì ta kéo họ ra. Mà các bạn biết rằng, một người lùn, thấp mà nằm vào cái giường đó, không có độ dài bằng, kéo chân tay ra, đau đớn dữ lắm, và một người dài hơn bị cắt đi cũng đau vô cùng.

Khi tiếp xúc với nhau, khi kiến thức của người kia, niềm tin của người kia, sự đón nhận của người kia không rập khuôn to lớn, dài bằng khuôn mẫu, ta nhất định dùng đủ mọi thủ thuật để kéo tư tưởng của họ cho phù hợp với ta, còn nếu họ rộng hơn, lớn hơn, vượt trội hơn, ta sẽ cắt đi. Đó là tư tưởng độc tài; độc tài từ trong cuộc sống, mối quan hệ của loài người, độc tài trong đời sống của tôn giáo. Cắt như vậy gây đau khổ, gây trái ngang, bởi vô tình trong mối tương tác, ta biến ta thành ông tòa xử tội chứ không biến thành một con người yêu thương, biết tới với nhau bằng tâm rộng.

Các bạn! Đức Phật có nhiều đoạn Kinh trong Tăng Chi Bộ nói thật rõ ràng, chúng ta thường bị cái khuôn của Kinh sách truyền lại, của truyền thống, của ông bà, của cha mẹ, của các bậc đạo sư, của những cuốn sách Kinh truyền lưu, của những môi trường sinh sống, để rồi chúng ta cúi đầu lầm lũi, luôn luôn tin, chẳng có một chút nghi vấn để đánh thức sự tư duy, phát triển Chánh Kiến, cứ rập khuôn như thế nên muôn đời chúng ta thường bị vô minh dẫn dắt. Thường bị những anh chàng vô minh, những ông thầy vô minh, những con người vô minh lừa gạt chúng ta vào đêm tối bởi họ chẳng muốn ta mở mắt ra nhìn thấy đường mà đi, họ luôn bịt mắt ta lại bằng sự hù dọa.

Phật khuyên chúng ta luôn luôn phải nghi vấn mọi vấn đề khi tiếp xúc. Nếu chưa được nghe bao giờ phải nghi vấn, rồi tư duy, suy nghĩ để đưa vào. Nếu đã tiếp xúc vấn đề đó mà còn nghe lại nữa, đặt nghi vấn để làm sáng tỏ hơn trong sự truy tìm, mở rộng kiến thức và hiểu biết. Đức Phật rất khoa học và Ngài là một bậc thầy, Ngài sách tấn chúng ta và để cho chúng ta có sự tự học để phát triển trí tuệ.

Con đường tu học tâm linh và con đường giao tiếp trong cuộc sống, các bạn trẻ ngày nay thường đặt câu hỏi đó một cách vô định, vô mục đích. “Có phải vậy không?” như một mệnh đề chỉ là cầu nối nói chuyện với nhau, nhưng thật ra đây là một sự nghi vấn trong mọi vấn đề ta tương tác, để tư duy, tìm hiểu, để trải nghiệm, để tiến lên, ứng dụng phù hợp. Nói như vậy không phải những điều ta đã tư duy, trải nghiệm mà không phù hợp, ta bỏ ra, ta không tập, ta không học là sai. Chẳng qua là tâm của ta chưa rộng để đi tới cái cảm ứng với những trải nghiệm của những đoạn văn, đoạn Kinh hoặc của những ai đó. Và không phải những điều ta nghi vấn, trải nghiệm, ta đặt câu hỏi, ta tìm hiểu rồi thấy nó phù hợp, đưa vào đều là đúng. Bởi đôi khi nghi vấn đó chỉ rập khuôn một cách thật khôn khéo với tư tưởng của riêng ta. Dù là đẩy ra hoặc là đưa vào trong nghi vấn hay không nghi vấn, nghi vấn phù hợp hay nghi vấn không phù hợp, thì phải tránh ở chỗ là vô ngã tướng, tức là dùng bản ngã của mình để đón nhận và tư duy thì bản ngã đó là bản ngã Phàm phu đen tối.

Mật ngôn số 02 thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta quán chiếu vô ngã. Cái vô ngã ở đây phải đúng theo lời Đức Phật dạy là vô ngã, bởi Đức Phật nhìn thấy tất cả những điều ta coi là ta, chỉ là ngã tướng của Phàm phu vô minh. Nhưng dựa trên nền tảng Đức Phật thấy rằng mọi chúng sanh đều có tánh Phật, tức là đều có bản tánh thanh tịnh để nghi vấn và dùng sự thanh tịnh của tâm vô ngã để nhìn thẳng; tâm vô ngã đó là tâm không có chấp trược, tâm không dính mắc vào một thành trì kẹt cứng giữa hai bên của cái đúng và cái sai, của cái có và cái không, cái tốt và cái xấu, cái khen và cái chê. Lấy sự thanh tịnh tuyệt đối của tánh Phật thắp sáng đuốc trí tuệ, gội rửa sạch bằng năng lượng từ bi yêu thương trong mọi vấn đề của cuộc đời, thì tư duy đó sẽ làm sáng tỏ mọi vấn đề, lợi ích vô cùng trên con đường học Phật.

Thiền trí tuệ tức là trí tuệ quán rất quan trọng! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang ta có thể gọi dưới dạng là mật ngữ, là mật chú, là Phật ngôn hay Phật chú, là gì đi nữa, bạn có thể đặt dưới bất cứ một tên gì, nhưng ý nghĩa của câu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang tức là dùng trí tuệ để thấu rõ vô ngã, khổ và vô thường. Hay có thể gọi cho nó xuôi hơn theo Kinh là vô thường, khổ, vô ngã. Nhưng hôm nay chúng ta xoay quanh vấn đề vô ngã tướng.

Thiền trí tuệ để dùng trí tuệ quán chiếu thấu rõ được vô ngã. Tâm vô ngã là tâm thanh tịnh. Phật khi giác ngộ đã nhìn thấy mọi chúng sanh đều có tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm không có chấp trược, dính mắc giữa hai bờ. Bảo Thành nhắc lại, hai bờ đó là hai bờ đúng và sai, tốt và xấu, khen và chê, khổ và hạnh phúc, không kẹt cứng ở hai bờ như vậy. Và trí tuệ đó sẽ quán chiếu cho thấy thật rõ những điều ta nghe, mang vào trải nghiệm, thực hành dưới mắt thương nhìn đời của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, tất cả các uẩn của chúng ta, từ sắc uẩn, tức là từ thân tướng, sắc tướng này tới mắt, tới tai tức là sắc uẩn, chúng ta dùng các giác quan, đến thọ uẩn, đến tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, năm cái uẩn đó, năm cảm giác, kiến thức đi dần dần vào kho tàng tạng thức của chúng ta đó, nếu không bị kẹt, hiểu rõ được đều là không như Ngài Quán Thế Âm quán chiếu năm uẩn đều không, nên đều chuyển hóa và độ tất cả các sự khổ ách trong lòng và của mọi chúng sanh.

“Có Phải Vậy Không?” là một sự nghi vấn bằng trí tuệ Bát Nhã, tìm hiểu, nghiên cứu đúng tư duy và Chánh Kiến để phá nghi bằng sự tiến tới tìm hiểu với tâm rộng lớn, không bị kẹt cứng giữa hai bờ, giữa hai bên, không chấp trược, không dính mắc. Đó chính là một câu nghi vấn bằng tâm thanh tịnh và tâm thanh tịnh như đài gương sáng hiển lộ tánh tuệ để thấy rõ vạn pháp đều vô ngã. Như vậy sung sướng lắm! Nếu các bạn thực tập được như vậy, các bạn sẽ sung sướng vô cùng, bởi bạn nghi vấn để học hỏi với tâm rộng lớn, thanh tịnh và luôn luôn mở rộng trái tim để đón nhận vạn pháp, muôn sự tương tác ở đời vào trong tâm rộng lớn, thanh tịnh đấy mà chẳng có chút lỉnh kỉnh, lung tung, leng teng phiền não, oái oăm!

Ai thực tập được như vậy là người luôn tự tại, hanh thông mọi sự, bởi người đó có trí tuệ. Ai thực tập đúng và đón nhận “Có phải vậy không?” sẽ khởi lên sự hỷ lạc khi tương tác với nhau. Điều này nhắc cho chúng ta thấy rằng trên con đường học đạo, nhất là con đường tâm linh, phải nghe theo lời Phật, đừng vội vội vàng vàng mà tin vào một cách mù quáng. Bởi tất cả những người nói cho ta tin đều dựa trên nền tảng kiến thức của phong tục tập quán, của Kinh sách, của các bậc tổ sư, của truyền thống lâu đời, của những ý thức hệ hiện thời, môi trường sinh sống, thói quen hằng ngày để cài đặt ta vào một vị trí không được khước từ, không được từ chối, không được nghi, buộc phải tin và niềm tin đó nếu bị phỉ báng là có chuyện!

Sống với cách như thế, nên môi trường giao tế hàng ngày giữa những mối quan hệ, mối quan hệ của cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè, người thân, gặp ai nghi vấn, hỏi lại cho rõ để tư duy, ta hay bị phật ý, coi thường những người đó và trách họ: “Anh không tin tôi sao?”, “Cha mẹ nói vậy mà con không tin à?”, “Con nói vậy mà cha mẹ không tin?”, “Vợ nói vậy chồng không tin?”, “Chồng nói vậy vợ không tin?”, “Người thân nói mà không tin?”.

Từ chỗ mà một đối tượng nghi vấn để làm sáng tỏ, ta không đủ kiên nhẫn để trình bày, hướng dẫn để cho người ta có cơ hội tư duy, suy nghĩ, hiểu thấu, nhưng ta tự phủ quyết như một ông quan tòa có cái giường đó. Nếu tư tưởng người đó quá ngắn, kéo họ ra, đau đớn lắm.

Mỗi khi chúng ta cho một ai đó có tư tưởng, kiến thức quá hạn hẹp, quá nhỏ, quá yếu, quá kém, không bằng ta, rồi ta than tội nghiệp cho họ, giống dân này, loại người này, nhóm bạn này, nhóm bạn kia không đủ trình độ, kiến thức, tội nghiệp, tội nghiệp. Như vậy ta thành ông quan toà phán xét có cái giường khuôn mẫu áp chế. Tư tưởng, suy nghĩ, kiến thức họ không như ta, không bằng ta, ta cho như vậy thôi là ta muốn kéo, xé xác cho họ dài ra, đau đớn. Như vậy tình bạn sẽ bị đổ vỡ, quan hệ giữa con người với con người chẳng có một chút gì gọi là yêu thương chân thật, gọi là từ bi. Còn nếu như chúng ta tiếp xúc với ai đó có kiến thức rộng hơn, lớn hơn thì ta chẳng bao giờ chấp nhận. Bởi ta ích kỷ, ta độc tài, ta dùng đủ mọi kế, mọi mưu chước, mọi xảo thuật để cắt đứt họ, tư tưởng, kiến thức của họ để vừa gọn với cái giường kiến thức của ta.

Tư tưởng đó, cái ngã quá lớn, chỉ phán xét người ta một cách cục bộ, đen tối, vô minh, thiển cận. Những người như vậy thường không thể sống chung trong một cộng đồng xã hội lớn, thường không thể hoà mình vào với một cảnh duyên của chúng sanh chung quanh. Mà thường tự ức chế bản thân đi đến sự trầm cảm đau khổ, thường hay gay gắt khó chịu, thường hay bực mình la ó, thường hay sân giận hờn trách, thường hay sống với cái bề ngoài hình thức rập khuôn như cái giường kiến thức của ông kia trong câu chuyện cổ của người xưa. Truyện cổ Hy Lạp đó, người xưa đó các bạn!

Các bạn đừng nuối tiếc cái giường cổ hồi xưa của truyện cổ trong Hy Lạp đó mà cứ canh cánh mang theo cái giường đó để áp chế kiến thức nha các bạn! Các bạn như vậy là các bạn sống lỗi thời, các bạn chưa hiểu về Phật rồi. Phật nói: “Hãy tới để nhìn, để nghe, để hiểu, để tìm tòi, để trải nghiệm, để thực tập!”. Phật mời gọi tất cả chúng sanh bởi Phật thấy chúng sanh đều có đồng và bình đẳng tánh thanh tịnh!

Ngày nay tu Phật, nếu chúng ta tin rằng Phật nói đúng ở chỗ không phải tin vào giáo lý của Ngài mà tin vào ta có cái nhân thanh tịnh. Rồi chúng ta tư duy thử coi, ta có sự thanh tịnh không? Có!. Ta trải nghiệm coi có sự thanh tịnh không? Có!. Và khi chúng ta tư duy, chúng ta trải nghiệm, chúng ta tìm hiểu và thấy rằng đúng, trong ta có sự thanh tịnh nhưng chưa được ứng dụng, thì bắt đầu bạn tin vào lời Phật nói đúng, chuyên chú tìm về sự thanh tịnh của tâm qua thiền Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ và từ bi, gọi tắt là trí tuệ – từ bi quán Chánh Niệm hơi thở. Bạn sẽ thể nhập vào sự thanh tịnh tuyệt đối để có sự nghi vấn vững chãi bằng sự trả lời chắc chắn trong Chánh Kiến về những vấn đề bạn tư duy phù hợp với nhân duyên của bạn, để bạn đạt được sự an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ.

Trong mọi sự tương tác của loài người, của kiếp người, nếu bạn ứng dụng điều này vào được, thiền trí tuệ – từ bi Chánh Niệm hơi thở, bạn sẽ luôn vững chãi, bình an và hạnh phúc, bạn sẽ luôn rộng mở và sự quan hệ của bạn với môi trường, với con người, với chúng sanh, với xã hội ở mọi thời gian, ở mọi ngữ cảnh, bạn đều có tâm rộng lớn, bao dung, yêu thương. Mặt luôn tươi, niềm vui luôn dâng trào, hạnh phúc luôn đầy đủ và sự an lạc luôn lan tỏa. Rất cần trong thời hỗn loạn, đau khổ, đại dịch tang thương như vậy, trở về thiền trí tuệ – từ bi quán Chánh Niệm hơi thở là một sự khởi đầu và hỏi rằng: “Những điều tôi đang tiếp xúc trong Thiền Mật song tu có phải vậy không?”.

“Có phải vậy không?” để rồi dùng Chánh Khiến tư duy cho rõ rồi đưa vào sự thực tập, trải nghiệm, tìm hiểu để củng cố niềm tin nơi Đức Phật đã nói chúng ta có tâm thanh tịnh. Và rồi chúng ta sẽ thấy rằng Thiền Mật song tu, phước huệ song tu, trí tuệ – từ bi là một pháp phương tiện Chánh Niệm tuyệt vời vô cùng! Đưa mỗi người chúng ta đạt đến cứu cánh an vui hạnh phúc mỗi giây mỗi sát na trong cuộc sống.

Đừng vội tin và đừng chê trách, đừng buồn, đừng gạt bỏ, đừng khinh thường những ai đặt nghi vấn với những vấn đề tương tác trong cuộc sống, tình bạn, kinh tế, tâm linh, mọi thứ. Bởi sự nghi vấn đúng sẽ đưa đến sự thành tựu đúng. Còn nghi ngờ, phủ định, chê bai với tâm hạn hẹp, với tâm hạn hẹp như người có cái giường kiến thức kia, là ngắn kéo cho dài, dài lại chặt cho đứt, vừa đó, thì tâm đó là tâm độc tài, tâm đó nguy hiểm, tâm đó không tiến bộ được, tâm đó là đang tự sát bản thân của mình. Tội sát sanh chính mình! Phạm giới sát sanh! “Ơ, tôi không sát sanh ai nhưng tôi sát sanh bản thân” cũng là phạm tội vô cùng!

Các bạn! Phải tỉnh thức! Trong thời đại này mỗi người chúng ta phải tỉnh thức! Đừng để các bậc tổ sư, các bậc thầy, bạn bè, đừng để các tôn giáo, đừng để trong mối giao tiếp của nhau, đừng để trong tất cả mọi sinh hoạt vừa tâm linh, tinh thần và vật chất được áp chế bởi cái giường kiến thức vuông vức, không bằng thì kéo ra, dài quá thì chặt gọn. Điều đó đau khổ lắm, tạo muôn trùng đau khổ cho nhau, bởi chúng ta vẫn còn kẹt vào ở giữa hai chỗ dính mắc, chấp trược của cái đúng và cái sai, của cái tốt và cái xấu, của các khen và cái chê, của cái đau khổ và hạnh phúc. Rồi chúng ta luẩn quẩn như nhảy vào thùng bột quậy bới lung tung, rồi cuối cùng chẳng thành hình hài của cái gì, bởi chẳng biết công thức làm bánh. Bột đã quậy vào nước, nhưng không biết phải làm gì, chỉ thành một khối đông cứng như vậy, không làm được gì.

Đừng để cho tâm tưởng đông cứng như khối bột được nhào nặn trong tâm chấp trược của mỗi người. Trước khi nhào bột phải biết mục đích ta nhào bột để làm gì. Học rõ công thức, hít thở chậm chạp, tự tại khoan thai, nhìn thẳng trí tuệ, rải lòng yêu thương, đó gọi là Thiền Mật song tu, công thức thật rõ, hít vào thở ra, quán chiếu trí tuệ và từ bi, gắn kết với mười phương Chư Phật, thể nhập vào tự tánh thanh tịnh, để làm sao? Để trả lời được câu hỏi “Có phải vậy không?” trong môi trường tương tác của kiếp người để học hỏi mọi thứ kiến thức ở đời để sống, có đầy đủ để phục vụ cho đời sống tinh thần, đời sống vật chất và đời sống tâm linh.

Chúng ta cúi đầu thành kính nhưng không cúi đầu vâng phục bởi sự hù dọa. Nhưng chúng ta cúi đầu chấp nhận sau khi đã nghi vấn, tư duy bằng Chánh Kiến, tìm hiểu, thấy rõ, nhất tâm đảnh lễ, y pháp mà hành. Thành tựu vô cùng!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ – Từ Bi vào với nhau!

Mô Phật! Chúng con đã hiểu rõ, Phật dạy với tâm rộng lớn, đặt nghi vấn để tư duy bằng Chánh Kiến, hiểu rõ cội ngành để thực tập. Đừng với tâm hạn hẹp, ích kỷ, độc tài, nghi ngờ, đả phá, chê bai, trách móc, gièm pha.

Xin Phật gia hộ cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!Thưa Phật! Chúng con nguyện hồi hướng công đức nếu có được trong buổi đồng tu hôm nay, tới tất c

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn