Bảo Lạc đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng nhau hướng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thật rõ tâm từ bi và trí tuệ để hiểu thấu được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi đại dịch, cho tất cả các chư hương linh trong mùa dịch đã ra đi được vãng sanh cõi Cực Lạc theo thiện nghiệp đã tác thành. Xin Chư Phật chứng minh!
Chúng ta đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi! Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Cha mẹ, ông bà, người thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng, xã hội là đối tượng để tâm chúng ta luôn quán chiếu và hồi hướng công hạnh tu. Khi hít vào thở ra với hai mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng. Hãy giữ tâm thanh tịnh, khiêm tốn để cùng đón nhận năng lượng siêu thế này.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(15:19) Mô Phật! Các bạn, không biết trong cuộc đời của các bạn đã thấy ma chưa? Đã thấy bóng ma chưa? Và không biết các bạn đã rượt đuổi theo bóng ma mà các bạn thấy chưa? Ta vẫn nghe chuyện ma quái ở trên đời, ta vẫn nghe chuyện ma nhập, ta vẫn nghe chuyện ma hiện hình đây đó trên đoạn đường này đoạn đường kia, thậm chí còn có những căn nhà ma. Bao nhiêu ngàn năm qua người ta đã kể chuyện về ma. Rồi lại còn có những vị nói bắt ma, nhốt ma, nuôi ma, tìm ma, đủ thứ hết, mà đôi khi Bảo Thành tiện miệng gặp những vị đó, liền hỏi rằng đã thấy ma chưa và bắt như thế nào, cho nhìn ma tí coi. Chẳng ai mang ma ra để cho mình nhìn và chẳng ai nói rằng đã thấy ma để bắt. Họ nói thấy mà không biết thấy như thế nào.
Chủ đề “Rượt Đuổi Bóng Ma”, chúng ta có thực sự rượt đuổi theo bóng ma chập chờn trong cuộc sống của ta hay không? Chuyện mà bắt ma, bóng ma, ma đè, rượt đuổi theo bóng ma ta đặt qua một bên để nói về ý nghĩa bóng ma mà Bảo Thành muốn nói tới ngày hôm nay. Cái mà Bảo Thành và các bạn thấy thật rõ! Còn chuyện ma mà kể, người ta nói không ai thấy, không ai biết, nhưng bóng ma mà Bảo Thành và các bạn rượt đuổi hằng ngày chúng ta thấy thật rõ! Vẫn biết bóng ma đó không bao giờ đuổi kịp, bắt được, ta vẫn rượt đuổi. Càng rượt đuổi theo bóng ma để bắt nó, ta càng mệt, càng sân, càng giận, càng làm cho mối quan hệ giữa người với người, chúng ta và người xáo trộn, đi tới chỗ căng thẳng, sân hận, thù hằn. Bóng ma đó chính là bóng ma chướng! Ma chướng của cuộc đời có cái bóng thật lớn phủ khắp ở trên môi, miệng, mắt, tai của chúng ta, các giác quan của chúng ta.
Cái bóng ma chướng này nó chướng ình ở trong mắt, nó chướng phình trong lỗ tai, nó chướng phình cả cái miệng, tất cả các giác quan nó chình ình ở đó. Ma chướng trong cuộc đời, biết là ma chướng, biết nó không tốt, biết đó là những chướng ngại do chính ta tạo ra nhưng ta vẫn rượt đuổi hoài. Không nói mập mờ là ma, bóng ma ngày hôm nay Bảo Thành muốn nói tới đó là ma chướng của cuộc đời qua những tạo tác bởi cái tâm chấp trược do cái tôi quá lớn. Thường xảy ra trong các mối quan hệ của cuộc sống giữa anh chị em, vợ chồng, cha mẹ hoặc những người tương tác hằng ngày trong cuộc sống. Chướng tai, gai tận con mắt khó chịu vô cùng, đó chính là bóng ma ta rượt đuổi hằng ngày.
Một câu nói bình thường của ai đó nói vào đúng thời điểm mà ta không có được cảm giác, cảm xúc tốt, đang bực mình. Và rồi người đó nói một câu gì đó thì liền chướng lỗ tai. Ta liền rượt đuổi theo ngay: “Anh nói gì vậy, anh nói với tôi gì vậy?”. Người kia đang diễn giải, phân bua: “À, tôi nói như vầy, tôi nói như kia” thì ta quật lại ngay: “Tại sao nói như vậy?”. Ta cứ truy xét, rượt đuổi theo những chướng ngại bởi những cảm giác của ta được tôn trọng do cái tôi quá lớn. Tôi đó là tôi đúng toàn diện, người đó là người sai hoàn toàn, tôi đúng người sai, nên người nói gì cũng cảm thấy chướng.
Trong gia đình có anh chị em, có sự tương tác với cha mẹ, nhưng phần đông chúng ta vẫn bực bội dữ lắm. Ta khó chịu: khó chịu với anh của mình, khó chịu với em của mình, khó chịu với cha mẹ, con cái bởi những lời từ những đối tượng trong gia đình đó khi giao tiếp nói ra, nó chướng quá, nó chịu không được. Ma là chướng ngại, rượt đuổi theo bóng ma tức là rượt đuổi theo những chướng ngại do chính ta tạo ra. Bởi ta khó chịu, khó chịu bởi những lời khó nghe, những lời gièm pha, những âm thanh ồn ào, những tiếng cười quá lớn, những tạo tác gai mắt quá trời. Ta khó chịu là bởi vì cách giao tiếp, cách ăn nói, cách đi, cách đứng, cách ở. Ôi cha đã khó chịu rồi thì nhìn vào cái gì cũng khó chịu, cũng thấy chướng. Thấy con ma nó chình ình, phình ra ở đó. Nhưng ta không dừng lại ở đó! Ta rượt đuổi theo để truy quét, để tiêu diệt điều khó chịu của ta tạo ra do ta, nhưng ta vẫn nghĩ rằng do người.
Mấy ai tự hỏi mình khi nghe một âm thanh của ai đó nói, một tiếng nói, giọng cười, một hành vi làm cho mình khó chịu lại hỏi: “Có phải chăng bởi vì ta khó chịu?”. Ít ai hỏi lắm! Mà luôn luôn nói rằng người này nói không đúng, thô lỗ. Hành động không phù hợp, họ làm ta bực mình rồi ta bắt đầu rượt đuổi theo truy cứu, truy tìm như truy tìm tội phạm, mất đi sự tôn trọng. Mất đi sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống. Dĩ hoà vi quý không còn nữa, sự hoà hợp không còn nữa. Cuộc sống Đức Phật dạy, chúng ta phải có lòng bao dung, hoà hợp, lắng nghe để thông cảm, ta chẳng thực hiện được lòng bao dung, hoà hợp, lắng nghe, thông cảm, ta chỉ nghe được sự bực bội của mình là nổ tung ra.
Có thể có một người anh trong gia đình nói những chuyện vào đúng thời kỳ ta đang có cảm xúc dâng trào cho những chuyện bực mình, khó chịu gì đó, thì dù lời của anh ta nói cỡ nào đi nữa, người em gái cũng thấy khó chịu. Nhưng khi khó chịu như vậy, mấy khi nào người em gái nghĩ rằng chính là bởi vì trong ta còn có mầm mống của sự sân giận, của sự khó chịu, nó được đưa tới bởi cái tôi: “Tôi như vậy mà anh nói như thế. Có tôi ở đây mà anh nói như vậy”. Cứ cái tôi mang ra đắp lũy, đắp thành cho bự, không ai xâm nhập được. Còn ai mon men tới, ta còn đào hố, gài chông gai cho sập xuống, té chết bằng những ngôn ngữ sắc bén như dao.
Nếu như người em gái tự hỏi rằng: “Tại sao hôm nay ta sân như thế? Cái hạnh bao dung, lắng nghe của ta đâu mất rồi? À, hoá ra nhìn cho kỹ, ta vẫn còn sân, ta vẫn còn giận, ta vẫn còn có cái tôi. Hay nói đúng hơn ta vẫn như bà chằn, chằng chịt đuổi theo bắt bẻ, xiên xỏ những lời của người anh nói”. Nghĩ được như vậy thì tự nhiên trong đầu nói: “Nhất định ta không thể tạo điều kiện cho những mầm mống sân giận rượt đuổi theo những bóng ma chướng trong sự ứng xử giữa anh ruột đối với mình!”.
Ngược lại đôi khi có những người anh đối xử với em không trong hạnh lắng nghe, thông cảm. Để rồi lấn át, tuôn ra rác rưởi, nhét vào trong tai, dồn vào trong mắt làm ứ đọng những cảm giác bực bội. Thế là hai anh em kình nhau. Lúc đó người anh và người em cũng vậy, chẳng bao giờ tự hỏi mình: “Tại sao ta lại sân? Hoá ra bao nhiêu lâu nay ta tưởng ta tốt, ta đẹp, cái sân đã hết nhưng đâu ngờ nó còn ngủ ngầm ở bên trong ta. Mỗi cơ hội ta tiếp xúc với những ma chướng của cuộc đời trong giao tiếp, để rồi sởn gai, sần sùi lên trong đầu, khó chịu đó, là chính lúc ta nhận ra rằng trong ta vẫn còn những chủng tử bất thiện, tâm sân ngủ ngầm, chỉ chờ cơ hội đó trỗi dậy. À, đó mới chính là ma chướng của cuộc đời trong ta, đó chính là ta cần phải rượt đuổi để chuyển hoá, dung thông, chứ không phải đổ thừa cho người khác khi ta bực bội”. Mà hình như đó là thói quen của Bảo Thành và các bạn, dễ trút những chuyện bực bội của ta lên những người khác và ít có khi nào nhìn lại chính mình!
Đó là nói đến tình nghĩa anh em, tình vợ chồng, tình thân hữu cộng đồng, cha mẹ, bạn bè! Đôi khi giữa người với người xử thế trong cách làm ăn tương tác đối tác, chúng ta vẫn đặt nặng cái tôi của mình quá trời. Ông bà nói: “Người ta đứng trước thì mình đứng thứ nhì, người ta hơn nữa thì mình lùi lại đằng xa, lùi cho xa để thấy trời cao đất rộng”. Chúng ta lùi càng xa là để cho lòng bao dung của mình càng lớn càng rộng để có thể thâu nhiếp, dung nhiếp được vạn sự lỉnh kỉnh ở trong đó mà không làm cho đầu óc sởn gai, bực bội, khó chịu. Không tạo cơ hội nhân duyên cho ma chướng nhập vào tự tung tự tác, đánh vỡ hết những mối giao hảo tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, xã hội. Ta cứ muốn hơn người, bởi ta không bao giờ quán chiếu tinh thần vô ngã, luôn luôn đặt cái ngã của mình lên quá cao và nghĩ rằng mọi người phải tôn trọng ta. Nhưng ta lại chẳng tôn trọng chính mình, bởi ta chỉ rượt đuổi, đào bới như con dế nhũi, chúi đầu xuống dưới đất đào bới lung tung, bới lông tìm vết để hạnh thọt người ta chứ ít khi truy tìm lại chính mình.
Đức Phật dạy cho chúng ta những phương pháp của một cuộc đời sống theo cách để giải thoát tâm linh. Cho nên Phật giáo không phải là để tranh luận với cuộc đời. Đời là tranh luận hơn thua, còn tinh thần của Phật giáo là giải hoà, thêm bạn, bớt thù, dung thông. Nhưng ngược lại, khi ta học Phật, ta ít khi nào ứng dụng tinh thần giải hoà, hoà giải để dung thông, tha thứ. Mà ta tranh chấp từng li từng tí trong từng lời, từng hành động, từng nghĩa cử. Ai làm gì, ai nói gì cũng không thấy ưng ý. Phật dạy thật đúng, những điều bất như ý thường tạo cho ta đau khổ. Mà những điều bất như ý tới không phải là do người, do đối tác mà do chính ta còn cái tâm sân, còn trọng vọng cái tôi quá lớn đưa lên bự, chễm chệ ngồi trên không nên con mắt bị mù, lỗ tai bị điếc, chỉ nhìn thấy tâm sân rồi đổ lửa cho nó đốt thêm mà thôi.
Rượt đuổi bóng ma, ai cũng từng chạy theo. Có những tình trạng mà hai vợ chồng cãi nhau, người chồng thấy đã không hay nên bước ra khỏi nhà, đi để một chút nữa trở về cho êm ấm. Nhưng người vợ cứ rượt đuổi theo, kéo vai, kéo tay, kéo chân, nói với theo chửi bới. Thậm chí có những người vợ thấy người chồng đối xử như vậy không hay, bước vô phòng ngồi yên, đóng cửa lại thì chồng rượt đuổi theo, đập bàn, đập ghế, phá gỡ cả cái cửa để kéo vợ ra hành hạ. Những cách hành động như vậy từ vợ chồng, từ anh em, từ mọi người đối xử với nhau giữa đàn ông, đàn bà, phụ nữ, người trên kẻ dưới thường vẫn xảy ra như cơm bữa trong cuộc đời hằng ngày của chúng ta. Bởi ai cũng cho mình cái quyền lực đứng ở chỗ luôn luôn đúng để phán xét những người khác. Và hầu hết những gì người khác nói, ta không bao giờ đồng ý, cho nên luôn gặp những chuyện bất như ý để ta có cơ hội sân giận. Ta là vua, là chúa tể, là thượng đế nên dễ sân dễ giận, còn nếu ta là vô ngã, chẳng là gì, chỉ là cát bụi mà thôi do duyên giả hợp, thấu rõ được điều đó, ta luôn luôn biết khế hợp, thể nhập vào lòng bao dung, thông cảm, lắng nghe.
Một pháp tu mà Đức Phật dạy cho chúng ta qua sự hướng dẫn của Ngài Quan Âm để chúng ta dừng lại, không rượt đuổi theo bóng ma chướng của cuộc đời tạo khổ cho nhau để tịch tĩnh như mặt hồ phẳng lặng không sóng, không gió, trong suốt để nhìn tận tới đáy. Đó là pháp niệm từ bi quán âm lực! Niệm Mu A Mu Sa quán âm lực, niệm tức là luôn luôn ở ngay đó, nhắc nhở tại chỗ đó, nhìn vào chỗ đó nó tạo thành quán âm lực. Mu A Mu Sa quán âm lực là một pháp tu vi diệu. Mu A Mu Sa là gì? Là từ bi! Dùng từ bi để quán âm tạo thành cái lực, Phật lực các bạn à, từ bi lực, mạnh vô cùng. Quán âm là quán âm cái gì? Chẳng phải là Quán Thế Âm để rồi Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Quán Thế Âm Bồ Tát là khổ, khổ, khổ,… ở đời do ta tạo ra đều biến mất. Cái đó có, là khi tâm ta tuyệt đối thanh tịnh trở về vô ngã, thấy được vạn pháp vô thường, chứng được những cái khổ do ta tạo ra, thể nhập vào trong trí tuệ và từ bi thì tạo ra cái đại lực đại hùng chuyển hoá ngay đau khổ cho ta, và ngay lúc đó chúng ta có thể gọi là ứng hóa thân của Mẹ Hiền Quan Âm phổ hiện trong ngay cái niệm Mu A Mu Sa đó.
Nay nói cho rõ để chúng ta thấy rằng cái pháp niệm Mu A Mu Sa quán âm lực này vi diệu ở chỗ tâm từ tâm bi, lấy cái tâm từ bi mà đối xử với nhau. Từ là yêu thương nhất mực mọi chúng sanh. Bi là chuyển hoá tất cả mọi đau khổ của ta và người để được hạnh phúc. Quán âm tạo ra Phật lực, quán âm gì? Quán những âm thanh xé lòng, chướng tai, thêm bớt, những âm thanh nịnh hót, nịnh thần, những âm thanh gièm pha, thêm bớt, những âm thanh chướng tai gai mắt, những âm thanh chống kình, hơn thua, những âm thanh khen và chê, tốt và xấu. Quán âm, quán tức là lắng nghe và nhận ra những âm thanh đó luôn vang vọng trong kiếp làm người của những ai đó vẫn mặc vào cuộc đời nơi thế gian này. Đó là hiện thân của pháp ác nhiều đời như tiếng than, tiếng vọng của cô hồn bất thiện tiền kiếp tuôn ra từ cửa miệng mỗi một con người. Khi nhận được điều đó, ta quán chiếu gọi là tầm thinh cứu khổ. Quán âm, âm thanh khổ của chính ta và người đang tuôn ra những lời bất thiện như vậy. Tầm là tìm cho thấy thật rõ nguyên nhân đó từ đâu. Do sự cộng nghiệp giữa ta và người, oan gia trái chủ khắc khẩu nó tới đấy! Đó gọi là quán âm mà tạo ra lực; đây là Phật lực quán cái âm thanh đó. Không chống, không kình, không tranh, không luận, không hơn, không thua, không khen, không chê. Điều gì tới ta quán, ta nghe, ta thấu. Thấu bằng cái gì? Bằng trí tuệ, nghe bằng tâm từ bi!
Ta nghe bằng tâm từ bi thì mọi hiện chứng của tâm sân, si, bực bội đó, nó biến mất ngay tại chỗ. Và như vậy tạo thành Phật lực oai hùng, oai dũng, oai nghi, oai nghiêm, chuyển hoá hết mọi khổ đau. Để rồi những âm thanh chuyển thành những ngôn ngữ xé lòng, khó chịu, chì chiết, hơn thua, khen chê, trù dập ta, ta nghĩ như vậy đó, từ đối tượng nào không cần biết là cha mẹ, anh em, bà con hay đối tác làm ăn đi nữa, thì ngay khi quán được cái âm thanh đó là do chính ta và người có cái cộng nghiệp nhiều đời, nên tâm sân ta vẫn ngủ ngầm nay trỗi dậy, cho nên ta khó chịu. Hiểu thấu được điều đó, ta mới nói rằng Mu A Mu Sa là từ bi, lấy nước từ bi Cam Lồ Tịnh Thuỷ Mu A Mu Sa đổ vào ngay ngọn lửa sân của những ma chướng ngôn ngữ đang đối diện, đang giao tiếp kia, để rửa nó sạch sẽ. Để biến nước đó thành nước Tịnh Thuỷ Lưu Ly trong suốt, phẳng lặng, không gợn sóng của sự chấp trược để từ đó ta có được Phật lực. Phật tức là tỉnh giác, một cái lực tỉnh giác. Lực trong sự thức tỉnh đó giúp cho chúng ta có trí tuệ nhìn xuyên suốt và tầm truy được cái gốc tạo ra sự khác biệt giữa ta và người để ta luôn luôn khó chịu đó chính là cái tôi của mình.
Cho nên trong mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là niệm trí tuệ quan âm lực. Trí tuệ tạo ra Phật lực! Ta quán mọi âm thanh bằng trí tuệ, ta quán mọi âm thanh tới từ người bằng lòng từ bi Mu A Mu Sa, bằng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – pháp quán trí tuệ và từ bi trong tương tác của mọi âm thanh giữa con người đối xử với nhau. Quán như vậy sẽ mở ra lòng bao dung rộng lớn để dung nhiếp vạn pháp vô thường sanh diệt, khác biệt tới với ta để ta luôn tịch tĩnh an vui. Và tạo thành Phật lực tức là một nguồn năng lượng tỉnh giác, giúp ta luôn luôn tỉnh, thơi thới để có được hỷ lạc khinh an. Tức là lòng hoan hỷ, an lạc, bình an luôn tới với chúng ta. Hỷ lạc khinh an tới từ trí tuệ và từ bi quán, quán âm thanh của con người đối xử với nhau bằng ngôn ngữ.
Khoanh vùng lại các bạn, tu có nhiều pháp, quán có nhiều cách, nhưng hôm nay ta khoanh vùng quán âm thanh tương tác hằng ngày khi nói chuyện với nhau. Đối tượng kia không cần biết là ai, là cha, là mẹ, là anh, là em, là vợ, là chồng, là bạn bè hoặc những vị làm ăn với chúng ta, có thể là sếp lớn, sếp nhỏ, không cần biết là ai. Thốt lên những âm thanh bằng ngôn ngữ đối xử mà ta nghe thấy trong lòng bắt đầu sân rồi đó, khó chịu rồi đó và ta thấy tư tưởng ta nghĩ rằng họ đã sai, sai, sai… rồi đó. Thì ngay lúc đó dùng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và từ bi Mu A Mu Sa, quán tức là nhìn cho kỹ để tầm ra cái tâm sân vốn có, cái tôi của ta nó đang bắt đầu được thổi phùng lên, để làm sao? Để thoả mãn cảm giác ta hơn người! Quán chiếu như vậy và nói ngay: “Ta nhất định đã phát hiện ra rồi, rõ ràng đây, tâm sân vẫn còn trong ta. Ta không để cho tâm sân này thiêu rụi mọi phước báu của ta. Ta lấy trí tuệ nhìn thẳng và hiểu được cội nguồn của nó là do cái tôi, cái ta quá lớn và do sự cộng nghiệp giữa ta và người, nay ta bị chướng. Ma chướng nó làm hại, ta không rượt đuổi nó nữa, ta dùng Mu A Mu Sa từ bi, nước từ bi gội rửa cho sạch tạo thành Phật lực, tức là nguồn năng lượng tỉnh giác. Năng lượng tỉnh giác là năng lượng siêu thế, ai cũng có thể đạt được, chứng được và thành tựu được.”
Người biết quán âm, quán âm lực tức là niệm trí tuệ – từ bi quán âm tạo thành Phật lực, là người luôn tịch tĩnh an vui. Người đó biết lướt sóng của bể khổ đi tới bờ an lạc, để có được sự hỷ lạc khinh an, lòng hoan hỷ, an lạc và luôn luôn được hạnh phúc không những trong từng giây phút mà mãi mãi suốt cuộc đời. Khi chúng ta tu tập mà đạt đến sự hỷ lạc khinh an là chúng ta chỉ cần quán trí tuệ – từ bi qua các âm thanh giao tiếp bằng ngôn ngữ đời thường trong mỗi ngày, để tăng trưởng cái năng lượng của sự tỉnh giác, thì ta sẽ chuyển hoá được vạn kiếp bất thiện đã tạo ra từ chính ta và người.
Hãy nhớ, tu không tranh luận, không hý luận, không bàn luận. Tu theo Phật là hoà giải, là dung thông, là yêu thương, là tha thứ, là bao dung, là lắng nghe để thông cảm, để truy tìm cái tôi của mình tạo ra chướng ngại đó. Vậy nên từ nay, chúng ta nhất định không rượt đuổi bóng ma của những chướng ngại giữa ta và người lạ, bạn bè, cộng đồng, xã hội, giữa ta và các đấng sinh thành hoặc giữa ta và anh chị em ở trong nhà. Mọi nghịch cảnh trong cuộc đời, mọi ma chướng chướng ngại trong ngôn ngữ giao tiếp giữa con người với con người chính là miền đất thật tốt để gieo mầm yêu thương. Và cũng chính là nơi ta có thể dùng trí tuệ và từ bi thấy rõ cái mầm sân vẫn còn ẩn tàng, ngủ ngầm trong ta. Và ta lại thấy rõ cái tôi bộc lộ quá lố để khống lên, dựng chuyện. Ta tự khống, tự dựng chuyện, thêu dệt, vẽ vời cho tăng màu sắc của quan trọng hóa vấn đề. Cho nên ta cứ lớn dần như bong bóng. Để lỡ mà có ai nặng tay đánh vào là vỡ tan ra rồi, là tan nát cõi lòng, đau đớn vô cùng. Và hầu hết những vết đau sâu ở trong lòng của chúng ta chính là bởi vì cái tôi ta quá lớn. Và gặp ngay cái người còn chướng hơn ta nữa, họ đập bụp một cái, vỡ toang ra, rồi vỡ òa ra khóc, đau đớn, tổn thương lấy chính mình.
Tại sao ta lại làm khổ ta và tại sao ta lại làm khổ người và tại sao ta lại tạo thêm nhân duyên cho những mầm mống sân hận ngủ ngầm trong ta có cơ hội phát triển để phá tan đi những mối giao hảo trân quý trong cuộc đời? Người ơi, cuộc đời thật ngắn ngủi! Người ơi, cuộc đời thật mong manh! Có được cha mẹ, có được anh chị em, có được những người tương tác trong cuộc sống với tình tri kỷ, thâm giao hay sơ giao hay là người làm việc với nhau, nhớ rằng do những nhân duyên đặc biệt mà ta gặp. Đừng vì để cái tôi quá lớn than vãn, tô điểm thêm màu sắc, rồi chúng ta đệm thêm những âm thanh do lòng của mình luôn luôn mong cầu hơn người, cường điệu hóa vấn đề quá lớn, quan trọng hóa những vấn đề quá lớn bởi cái tôi. Để rồi chúng ta cứ đổ thừa sân giận nó rượt đuổi theo từng câu, từng chữ, từng hành vi của họ, truy cứu cho cùng cho đến khi tay đụng tay, chân đụng chân, cửa nhà tan nát, đồ đạc vỡ hết, rồi tình cảm làm sao còn?
Người tu Phật mượn ngay nghịch cảnh thấy rõ cái tôi, chuyển hoá ngay. Người tu Phật mượn ngay những điều đó để nhận ra mầm mống sân hận còn trong ta và nhất định phải quán trí tuệ và từ bi, dùng trí tuệ – từ bi quán những âm thanh như vậy đó, không rượt đuổi, truy cứu, tranh luận, hý luận, luận bàn hơn thua. Mà hoà giải! Hoà giải ngay, hoá giải ngay để thêm bạn bớt thù, tình thân tăng trưởng, người người biết yêu thương nhau.
Bảo Thành và các bạn thường có cái tật cứ rượt đuổi theo những bóng ma chướng của cuộc đời trong giao tiếp, bắt bẻ từng câu, từng chữ, từng hành động. Người ta có quyền nói những điều người ta nói, người ta có quyền hành động những cái kiểu người ta muốn hành động, bực mình là do ta, khó chịu là do ta, sân giận là do ta, chẳng phải do người! Mỗi một người đều có quyền tự do nói những điều họ muốn nói. Nói theo phương pháp họ muốn nói, hành động theo những kiểu họ thích. Nhưng những điều đó tác động vào ta, làm cho ta khó chịu chính là bởi vì tâm sân vẫn còn. Cho nên trong sự tương tác, nếu ta cảm thấy sân giận, khó chịu thì đó chính là ma chướng của cuộc đời, ta đừng rượt đuổi, đào bới, truy tùng để rồi hai người chúng ta xáp vào lá cà, đấu cho đến một bên bị nốc ao, ngã gục xuống thì bắt đầu hãnh diện. “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”, đó là cách nói của ông bà. Ta cứ rượt đuổi mãi đến hụt hơi té xuống mệt quá, hoá ra ta tự làm khổ ta. Ta không cần phải tranh luận, hý luận, đào bới lung tung. Mà chúng ta cần lấy tinh thần hòa hợp để hoá giải. Biết tầm thinh, tầm thinh tức là truy tầm những âm thanh do chính cái tôi của ta đang làm khổ mình bởi cái sân vốn có. Từ đó, lấy trí tuệ – từ bi chiếu, nhìn, thấu, tự nhiên tạo ra cái năng lượng tỉnh giác siêu thế như mặt trời trí tuệ của Chư Phật hiển lộ giữa cuộc đời này, bạn sẽ được hỷ lạc khinh an.
Tức là hoan hỷ, an lạc và hạnh phúc suốt cuộc đời! Cuộc đời ngắn, tại sao cứ phải để khổ? Cuộc đời ngắn, tại sao cứ tạo khổ, rắc rối? Để rồi uổng phí thời gian, lại phải đi tìm mọi sự quỳ xuống, quỳ luỵ, xin lỗi. Ôi cha, mình biết nó sẽ tạo ra điều đó thì ngừng ngay chỗ đó quán âm niệm trí tuệ – từ bi quán âm lực. Niệm tức là ngay chỗ đó quán chiếu trí tuệ và từ bi, nghe rõ âm thanh đó để hiển lộ cái sân của mình đó là do ta. Và khi quán chiếu nhìn vào tâm sân và nhận ra sân là của ta, sân là của ta. Ta không ngu gì mà rượt đuổi theo bóng ma chướng do cái sân, cái tôi, sự chấp trược, cái thích tranh luận, hý luận, hơn thua với người! Không! Không! Không!
Chỉ nhận thức ra như vậy thôi và dùng trí tuệ – từ bi giữ ngay trong Chánh Niệm hơi thở thì bạn sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tỉnh giác siêu thế gắn kết với Phật để chuyển hoá mọi khổ đau và phiền não. Như Mẹ Hiền Quán Thế Âm quán chiếu ngũ uẩn là không rồi từ đó chuyển hoá được tất cả mọi phiền não trong cuộc đời. Chúng ta cũng lấy tinh thần của Tâm Kinh Bát Nhã, tánh biết của Lăng Nghiêm. Biết là gì? Biết tâm sân còn ngủ ngầm. Bát Nhã là gì? Là thấy tất cả vạn âm thanh trong sự tương tác đều là không. Có là do cái tôi, có là do cái tôi quá lớn để rượt đuổi, tranh luận hơn thua. Nếu không có được điều đó thì ta hình như thấy rằng ta mất đi sĩ diện làm người, ta thua, ta lép vế. Đó là suy nghĩ sai! Ta phải nhớ rằng lòng ta rộng thênh thang, rộng lớn như cái bụng của Đức Phật Di Lặc đổ mọi thứ lỉnh kỉnh mà không nghe thấy một sự phiền não. Bởi vậy chỉ có niệm trí tuệ – từ bi quán âm, âm thanh đau khổ của chúng sanh đang dày vò nhau trong cuộc đời này. Quán như thế, thấu được, truy tìm do cộng nghiệp của ta và người, do tâm sân ta vẫn có. Thấy, nhận diện ra, liền biến thành năng lượng siêu thế tỉnh giác hộ trì cho ta trên con đường tu.
Nhớ, học Phật là không tranh luận, hý luận, đàm luận, hơn thua. Học Phật là hoà giải, bao dung, lắng nghe, thông cảm và yêu thương. Cho nên cái pháp tu niệm trí tuệ – từ bi quán âm lực tức là luôn luôn niệm niệm trong Chánh Niệm của ta trí tuệ và từ bi, quán chiếu mọi âm thanh của chúng sanh tương tác hằng ngày đối với ta, quán chiếu nó và nhận ra tâm sân, cái tôi của tôi còn có. Tức là quán tinh thần vô ngã thì tạo ra năng lượng siêu thế tỉnh giác trong từng giây từng phút.
Các bạn, đây chính là chủ đề “Rượt Đuổi Bóng Ma” mà mỗi người chúng ta thường vấp té vào trong đó thật nhiều. Nên Bảo Thành và các bạn nhất định phải tu cái pháp niệm trí tuệ – từ bi quán âm lực để có được năng lượng tỉnh giác hiện diện trong từng sát na của cuộc đời!
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!
Thưa Phật! Chúng con nhất định sẽ không tranh luận, phiếm luận, bàn luận, nhưng thực tập phép niệm trí tuệ – từ bi quán âm lực để tăng trưởng năng lượng tỉnh giác trong từng sát na. Nhìn rõ tinh thần vô ngã, chuyển hoá cái tôi để thấy các pháp vô thường sanh diệt, đoạn diệt mọi phiền não khổ đau.
Xin Chư Phật gia trì!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Trong buổi đồng tu hôm nay, nếu chúng con tạo được chút phước báu nào, xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.