Search

Bài 2142. Buông Bỏ Từ Từ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy đồng tâm quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ và lòng Từ Bi để trong Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thấy thật rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng nguyện cầu cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.

Thành tâm nguyện xin Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật tiếp dẫn hương linh Nguyễn Song Nguiên sinh ngày 25/05/1972 vừa viên mãn cuộc đời. Nguyện hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh Cực Lạc.

Xin Chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Luôn lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Từng giây phút trong cuộc sống, luôn hướng về các đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, cộng đồng, xã hội, nhân loại. Chúng ta hồi hướng cho tất cả năng lượng vi diệu Từ Bi – Trí Tuệ của Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:05) Mô Phật!

Các bạn, chủ đề hôm nay Buông Bỏ Từ Từ! Cuộc sống cứ luôn tiếp diễn, biết bao nhiêu chuyện không như ý, biết bao nhiêu chuyện ta không hài lòng, những chuyện đó có thể từ thân mình tạo ra, hoặc môi trường cuộc sống, những người xung quanh; ta không thấy hợp đâu, ta không thích. Và một lời phán từ trong tâm hay từ bạn bè nói với chúng ta: “Thôi, buông bỏ đi!”. Và có những sự việc xảy ra, ta buông bỏ cái rụp nhanh lắm, chẳng nuối tiếc. Có những sự việc xảy ra, ta buông bỏ một cách từ từ.

Chắc ai cũng hiểu được chữ “buông bỏ” rồi! Buông bỏ ở trong đời cũng như buông bỏ trong đời sống Phật học, tức là phải buông bỏ. Buông bỏ như thế nào, buông bỏ làm sao các bạn đều biết, nhưng có lẽ nó hơi sai. Bởi đó không phải là cách buông bỏ mà Đức Phật dạy cho chúng ta!

Hôm nay, chúng ta đi về một góc cạnh cao hơn của nghệ thuật sống tâm linh về hai chữ “buông bỏ từ từ”. Buông bỏ gấp cũng hơi khó đó!

Đức Phật thời xưa, Ngài cũng trăn trở nhiều lắm, từ bỏ lại đằng sau vương miện của một thái tử, tiền tài, danh vọng, cung điện, sắp sửa lên vua, vợ con đủ hết để đi. Nhưng không phải buông bỏ mà các bạn nhìn thấy của thái tử Tất Đạt Đa thời đó theo như ý nghĩa của các bạn đâu! Từ từ chúng ta thấy sự buông bỏ của Đức Phật và sự buông bỏ mà chúng ta cần phải hiểu thấu để công hạnh tu thành tựu được nhiều phước báu.

Tình bạn của con người ở đời va chạm gay gắt, khó chịu, buông bỏ cái rụp, hết tình bạn. Tình vợ chồng xảy ra những chuyện rắc rối, buông bỏ luôn; đi ra ly dị, xé giấy. Cha mẹ đối với con cái buông bỏ luôn; nói nó không nghe, dạy nó không chịu học, buông bỏ. Rồi con cái đối với cha mẹ mất lòng vì một chuyện gì đó không hợp cũng buông bỏ, ngoảnh mặt ra đi. Bao nhiêu sự buông bỏ ở đời hầu như nằm rập khuôn trong ý nghĩa buông bỏ tức là bỏ rơi, tức là cắt đứt, tức là chia ly, tức là vứt bỏ, không còn có một chuyện gì gọi là luyến ái, nhớ nhung, thương tiếc thật nhanh, thật gọn. Nhiều người hành được sự buông bỏ này, dần dần trái tim của họ thành Bắc Cực băng giá. Nhưng hầu hết khó buông bỏ! Bởi đã là tình mẫu tử hoặc tình cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè, tình thân rồi, miệng nói buông bỏ nhưng trong khó có thể buông.

Bạn có khi nào nghe ai nói: “Thôi bạn ơi, buông bỏ đi cho nó nhẹ lòng!”, nghĩ nghĩ một hồi rồi cười lên nói: “Thôi buông, thôi bỏ cho nó nhẹ lòng. Ôm chi cho nó nặng bụng khó chịu. Bỏ luôn!”? Bỏ để rồi chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ, xoay lưng lại với nhau, chơi kiểu tình bơ vơ, gặp nhau chẳng nói một lời, nhìn đó mà đôi mắt chăm chăm, sắc ngạnh như lưỡi dao. Hoặc chúng ta ơ hờ với mọi người xung quanh, bởi có chuyện gì không như ý thì “Thôi bỏ!”. Bỏ luôn cả tình bạn, tình cha, tình mẹ, vợ chồng, con cái, tình người, ta bỏ hết!

Đó là nói về đời thôi! Có nhiều người đi làm, đụng chuyện một chút xíu với sếp lớn rồi bỏ luôn. Bỏ công ăn việc làm, bỏ hết! Cái bỏ đó là cái bỏ bứa bởi vì cái tôi; không như ý, tôi bỏ, tôi buông, tôi bỏ rơi, tôi cắt đứt, tôi quẳng nó đi, tôi không giữ nữa, tôi nhất định phải chia ly với điều đó.

Trên con đường đi tầm về hướng đi giải thoát, nhiều người tu nghĩ sơ sài quá! Nghĩ rằng tu là phải buông bỏ như Đức Phật. Liền bỏ vợ bỏ chồng, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ của cải vật chất, bỏ tất cả nhà cửa vào rừng sâu núi thẳm, vào am, vào thất, vào chỗ nào đó tịnh tu một mình, niệm Phật rốt ráo để đi đến chữ “Vô Niệm”, chứng đắc quả Thánh. Bỏ luôn cách sống bình thường, bỏ ăn, bỏ uống, bỏ cả thuốc khi bị bệnh, bỏ sự chăm sóc của tự thân, bỏ luôn sự ngủ nghỉ, gắng quá sức. Tiếng Phật niệm thật là to, tiếng Kinh tụng thật là lớn, dần dần nhẹ dần, nhỏ dần, sức yếu, cạn kiệt rồi đâm ra trọng bệnh.

Không hẳn chỉ có Phật tử tại gia mà các hàng tôn túc, có những chư vị nghĩ đến vấn đề phải bỏ hết, đi vào con đường khổ hạnh. Cho tới một lúc nào đó thân xác tiều tụy, bệnh tật nhiều rồi lúc đó mới nghĩ ra ta đi vào con đường khổ hạnh từ bỏ quá nhiều một cách quá đột ngột đi đến đột biến để rồi cơ thể không còn khỏe, hối hận. Nhiều vị hối hận, bởi tuổi trẻ tu khổ hạnh hoặc là buông bỏ quá nhiều, ỷ vào sức trai hoặc sức trẻ đột phá để bay một phát nhún chân như Tề Thiên bay tới cảnh trời nhưng rồi bị rớt xuống. Thảm bại, thảm bại!

Nhìn lại một chút xíu đi, các bạn có khi nào buông bỏ chưa? Và các bạn buông bỏ gì?

Có lẽ chúng ta đã từng buông bỏ những khối tình vụn vặt hoặc buông bỏ những sự xích mích với nhau để làm hòa. Mà hầu như chữ “buông bỏ để làm hòa” nó hơi ít, mà chúng ta buông bỏ là để cắt đứt, là để từ ly, là để xoay lưng, là để gạt ra, là để không bao giờ cần phải quan tâm đến con người đó nữa. Sự buông bỏ như vậy là một sự buông bỏ để nâng tầm ngã tướng của mình lên cao, vì rằng người ta không phục vụ ý tưởng của mình, người ta không tuân thủ theo và chiều chuộng những điều ta ưa thích, từ đó ta bỏ. Cách bỏ đó là người không biết tri ân, người không biết lắng nghe để thông cảm mà chỉ để cho cái mầm của ngã mạn vươn lên quá cao, để rồi phá vỡ tất cả những quy luật sống một cách thanh nhàn theo tinh thần của Đức Phật.

Chữ “buông bỏ” của nhà Phật chẳng phải là gạt bỏ, là bỏ rơi, là tránh xa, là xoay lưng lại với thế thái nhân tình, từ bỏ những cảm niệm hạnh phúc hoặc từ bỏ những cảm giác không vui, trái nghịch. Buông bỏ trong nhà Phật phải nằm ở trong hai chữ “Từ Bi” mới gọi là đúng hạnh buông bỏ. Trí Tuệ và Từ Bi chính là buông bỏ! Vì sao? Trong những mối quan hệ trong cuộc đời, ta thường hay buông bỏ tức là cách ly, bỏ rơi, bỏ rớt, gạt hẳn ra cuộc đời thì sự buông bỏ đó là trốn tránh trực diện với thực tế đang xảy ra. Để nhìn rõ những sai lầm của ta, xây dựng lại mối quan hệ đó. Và sự buông bỏ đó chẳng qua là vỗ ngực xưng tên: “Tôi như vậy, không thích là tôi bỏ ngay”. Hóa ra suốt cuộc đời, nhìn vậy mà cô đơn riết. Mai mốt lỡ có chết cũng thành con ma cô đơn, lang thang vỉa đường, góc phố than khóc, khó chịu lắm; còn sống thì chắc cũng hay cằn nhằn, cau có.

Buông bỏ là Trí Tuệ và Từ Bi!

Tại sao gọi buông bỏ mà còn có Trí Tuệ – Từ Bi?

Trong hạnh Bồ Tát, buông bỏ là Trí Tuệ – Từ Bi tức là nhìn thấu được những gì ta đối xử với cuộc đời, với con người và với chúng ta tạo ra đau khổ. Trí Tuệ, chỉ có Trí Tuệ mới nhìn ra được nguyên nhân tạo khổ cho nhau và cho mình! Và ta buông bằng Trí Tuệ nhìn thấu như vậy để ta buông bằng tâm Từ Bi, có nghĩa là ta phải học cách lắng nghe, cách nhìn, cách thấy để thông cảm, biết ơn, tri ân. Để rồi nhận ra những điều ta làm tạo ra sự khổ đau, phiền não cho người và cho ta. Để rồi từ đó tăng tầm yêu thương, tăng tầm Từ Bi lên cao hơn để ta biết đối thoại với chính mình và để ta trong sự tương tác với mọi người luôn có sự quan trọng ở chỗ biết tôn trọng, yêu thương, không tạo khổ mà khơi mầm hạnh phúc cho nhau. Đây mới chính là sự buông bỏ bằng Trí Tuệ và Từ Bi!

Thấy một người chồng làm cho mình khó chịu nhiều ngày, nhiều năm thì bỏ ngay, ly dị. Đó không phải là buông bỏ đâu. Bởi bạn tìm đâu ra được những con người có thể chiều chuộng, ưu ái bạn theo cái ý, cái tôi của bạn?

Nếu gặp một người chồng, một người vợ, một người bạn, cha mẹ, con cái hoặc sự tương tác trong cuộc đời mà chúng ta muốn bỏ thì chúng ta phải bỏ theo tinh thần của nhà Phật. Nghĩa là biết dụng Trí Tuệ nhìn thấu vào mối quan hệ; chuyện gì đã tạo ra khổ đau cho ta, chuyện gì ta đã làm cho họ khổ đau, phiền não, chuyện gì ta đã làm cho ta khổ đau, phiền não và mang Trí Tuệ nhìn thấu, hiểu được nguyên nhân, mang lòng Từ Bi để yêu thương họ bằng cách lắng nghe, thông cảm. Lắng nghe, thông cảm để chữa lành mọi vết thương mà mỗi người do ta đã tạo ra cho họ bằng Trí Tuệ quán chiếu, nhìn thấu nguyên nhân. Đó chính là sự buông bỏ!

Buông bỏ đúng hơn theo nhà Phật là dùng Trí Tuệ và Từ Bi để nâng tầm yêu thương, để nhìn thấu những gì ta tạo khổ cho nhau để ta chuyển hóa phương thức đó, cách ứng xử đó để mọi ứng xử, mọi hành động từ ngôn ngữ đến sự suy nghĩ, sự tương tác luôn luôn làm cho nhau hạnh phúc; bởi ở nơi đó không có sự dính mắc của cái tôi. Cái tôi áp đặt họ vào khuôn mẫu, vào quy luật riêng của mình như một tư tưởng độc tài, dồn ép mọi người vào một cái thùng của chính mình gò ra, nhốt họ đúng khuôn mẫu ấy.

Cho nên buông bỏ mà cách lìa, mà bỏ rơi, mà tách biệt là cái buông bỏ sai! Buông bỏ từ từ ở đây có nghĩa là chúng ta phải bình tĩnh, từ từ theo hơi thở Chánh Niệm bằng Trí Tuệ quán chiếu thật rõ, bằng tâm Từ Bi nhìn thấu, nhìn rõ vào tất cả mọi hiện tượng của cuộc sống, những mối tương quan giữa người với người, giữa người với vật và giữa người với môi trường chung quanh. Để làm sao chúng ta chuyển hóa tất cả những sự tương tác với nhau mà tạo ra khổ bằng phương thức nhìn thấu, yêu thương, thông cảm, lắng nghe. Để không phải xoay mặt làm ngơ, xoay lưng bỏ nhau mà để bước lên một cung bậc mới cao hơn trong sự thông cảm, lắng nghe để yêu thương một cách trọn vẹn, mang lại hạnh phúc cho nhau.

Xưa giờ buông bỏ tức là đụng chuyện không thích, bỏ ngay. Cái bỏ đó là cái bỏ, bỏ gì? Chẳng bỏ, mà đó là thêm phần gồng gánh cho cái tôi của mình lớn! Buông bỏ ở đây tức là không dính mắc bằng cách nhìn Trí Tuệ, bằng tâm Từ Bi!

Như cục nam châm, chúng ta rà rà ở trên đất, nó hút những mảnh sắt vụn vào, bám đầy hết. Hồi nhỏ chúng ta thường nghịch với cục nam châm. Nếu bạn chưa nghịch, hãy dùng cục nam châm rà rà một hồi là nó hít những vụn sắt vào đầy, dơ dáy lắm. Bởi vì cục nam châm có lực hút, dính. Tâm của chúng ta vì cái tôi, ta chưa quán chiếu pháp vô thường, vô ngã nên cái tôi đó tạo ra cái lực để hút nó thâu dính vào trong sự chấp trược, cứng ngắc đối với sự suy nghĩ, hành xử của riêng mình. Tưởng là buông bỏ nhưng mà không, như cục nam châm mà thôi. Hút vào, hút vào! Cái lực đó quá mạnh! Ta cứ tưởng rằng ta xoay lưng, ta bỏ, ta bỏ nhưng mà không, ta hút những cái tầm thường, rác rưởi, vụn vặt ở đời để tạo cho mình cái gì? Phiền não hơn, đau khổ hơn và đôi vai nặng trĩu những sự lo âu hàng ngày.

Cái buông bỏ đó là bởi vì cái tôi nên nó còn dính. Buông bỏ đúng mức là bằng Trí Tuệ – Từ Bi để không còn lực hút, không còn có sự dính mắc để đi vào giữa lòng đời này, ta không hút những vụn vặt của nhau mà ta buông ra, buông gì? Ta buông thư nhẹ nhàng. Buông bỏ gì? Buông bỏ sự dính mắc một cách từ từ, nhả nó ra để Trí Tuệ được bừng khai, để tình yêu được lan tỏa.

Trong mọi mối quan hệ của cuộc đời, đây là cách buông bỏ đúng với lời Đức Phật dạy để chúng ta tăng trưởng phước báu. Còn cách buông bỏ mà cắt đứt, rời bỏ, quẳng nó đi, xoay lưng lại, bỏ hết tất cả thì cách đó là cách giận lẫy, cách đó là cái tôi, không tạo được phước đâu. Mà trong sự tu cũng như vậy! Chúng ta buông bỏ hạnh phúc, buông bỏ phước báu, buông bỏ tất cả những gì mà ta có, để đi tìm một cái gì đó thì cái đó chẳng phải là buông mà chúng ta đang dính vào cái ngã của chính mình để thành tựu; những người như vậy không bao giờ thành tựu được.

Bây giờ trở về vấn đề Đức Phật buông bỏ. Đức Phật buông bỏ cha, buông bỏ vợ con, của cải, danh vọng, địa vị và muôn người trong kinh thành không phải là buông bỏ mà là Ngài yêu thương cha nhiều hơn, yêu thương mẹ nhiều hơn, yêu thương vợ con nhiều hơn, yêu thương dân làng, kinh đô của mình, dân chúng của mình nhiều hơn. Không phải Ngài xoay lưng lại! Cái buông của Ngài không phải là bỏ mà cái buông của Ngài là buông sự dính mắc vào phương tiện, vật chất, quyền danh vốn có để đi tìm một chân lý giải thoát khỏi sự dính mắc đó. Để phước báu mỗi người vốn có sẽ được thành tựu để thoát khỏi luân hồi sanh tử hơn là ứng dụng vào cuộc đời để tổn phước mà xoay vần trong sanh tử luân hồi nhiều đời nhiều kiếp khó thoát.

Một tình yêu lớn! Cho nên Ngài đã đi lắng nghe tâm của mình, lắng nghe tiếng đau khổ của dân chúng, thông cảm với mọi con người một cách bình đẳng để rồi khi Ngài giác ngộ, Ngài mới nhìn thấy và ngỡ ngàng vô cùng bởi tất cả chúng sanh đều có tánh trí của một vị Phật. Ngỡ ngàng như thế, Ngài đã tìm ra! Cho nên Ngài không phải buông bỏ là xoay lưng, chạy trốn mà Ngài đi tìm một chân lý để những gì chúng ta có, chúng ta ứng dụng đúng để thoát khỏi sanh tử luân hồi, còn không ta ứng dụng sai lại trầm luân muôn kiếp, khó bề thoát ra.

Các bạn, tại sao trong cuộc sống các bạn buông bỏ không được? Là bởi vì bạn cứ nghĩ rằng buông bỏ theo cách của cuộc đời để tô điểm cho cái tôi của mình. Buông bỏ đúng mức là buông bỏ từ từ. “Từ từ” ở đây tức là phải rất chậm chạp nghiên cứu ở trong Chánh Niệm hơi thở, thắp sáng Trí Tuệ, nương vào Từ Bi của Chư Phật, lấy Trí Tuệ để làm sự nghiệp giải thoát khỏi mọi khổ đau, lấy Từ Bi nuôi dưỡng Trí Tuệ để lan tỏa và yêu thương. Trong hai chữ này không nói đến sự bỏ rơi, tách rời, xoay lưng làm ngơ để cho người nào đó hoặc cho chúng ta bơ vơ giữa lòng đời. Buông bỏ từ từ là nhìn thấu, lượng sức mình, quán chiếu căn cơ, hoàn cảnh, phước báu của mình, sắp xếp gọn gàng như người mẹ hiền biết ủi áo, xếp ly để cho cái áo nó thẳng thớm, đẹp mỗi khi ta mặc. Cái áo của chân tâm cũng như vậy! Phải biết ủi một cách từ từ; vội vã, vội vàng thì nó có thể bị cháy, nó không bằng phẳng, thẳng thớm nữa mà nó nhăn nheo, khó chịu lắm.

Nhiều người quá vội vàng rồi với sự thúc giục ở bên ngoài: “Thôi bỏ đi, giữ làm gì cho khổ?”, thúc riết rồi theo ý người ta, buông bỏ cái rụp, sau này hối tiếc. Mà bỏ có được đâu?! Cho nên thuật ngữ “buông bỏ từ từ” chẳng phải là ta cứ chậm chậm như con rùa. Mà chỗ “buông bỏ từ từ” là nhìn bằng Trí Tuệ trong Chánh Niệm hơi thở để khởi nguồn Từ Bi yêu thương, để chấm dứt mọi tạo tác giữa ta và muôn người gây khổ cho nhau. Bằng hạnh lắng nghe, thông cảm!

Lắng nghe để thông cảm như Mẹ Hiền Quan Thế Âm Tầm Thinh Cứu Khổ. Chúng ta tầm thinh là hạnh lắng nghe thật là sâu. Lắng nghe bằng Trí Tuệ, bằng Từ Bi để thấy được mọi nguyên nhân, cội nguồn tạo ra đau khổ cho ta và cho người. Để ngõ hầu từ đó, mọi sự tương tác của chúng ta luôn khởi nguồn yêu thương.

Và để có được điều đó một cách viên mãn thì chúng ta phải thiền Từ Bi, Từ Bi quán Mu A Mu Sa. Để mỗi một khi chúng ta không hài lòng, chúng ta phật ý trong mọi mối quan hệ, ta không vội vàng nhảy vào hai chữ “buông bỏ”, cắt đứt sự liên hệ với người đó hoặc là mặt lạnh, lạnh như tiền hoặc lạnh như băng. Cách buông bỏ như vậy không đúng! Buông bỏ như vậy chẳng qua là như con ễnh ương phình cái bụng lên cho to, tạo ra chướng ngại cho ta và cho người.

Con ễnh ương như con cóc, ta đụng vào cái bụng của nó, nó phình, phình, phình ra. Chúng ta cũng như vậy, ai đụng đến ta là cái tâm của ta phình ra hơn bụng của con ễnh ương, con cóc. Ễnh ương mà, ễnh nó ra cho nó to. Nhưng mà rỗng lắm, không làm được gì! Đó không phải là cách buông bỏ!

Buông bỏ từ từ là chúng ta mỗi một ngày phải tinh tấn thiền Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ để nhìn thấu mọi sự tương tác của mình trong cuộc đời. Nhìn thấy cái sai, sai ở đây tức là những sự dính mắc của ta vào cái tôi, vào cái chủ ngã tạo khổ cho nhau, ta bắt đầu chuyển hóa.

Một câu thật đơn giản để có thể trả lời gọn gàng, nếu như ai đó mà ta muốn từ bỏ, thay vì cắt đứt mối quan hệ với họ thì ta phải nhìn lại xem ta đã làm gì để tạo cho họ sự khó chịu đó? Xét lại sự tương tác của ta và thay đổi sự tương tác đó để từ đó sự tương tác tạo ra tình yêu thương, trân quý và tôn trọng. Chứ không phải nghiên cứu những điều gì làm cho hạnh phúc để rồi cứ tuôn tuôn vào cái ngõ làm cho họ hạnh phúc. Đó chẳng phải là buông bỏ! Buông bỏ mà cứ cung cấp những gì họ thích thì chưa phải đâu, đôi khi trở thành nịnh thần. Buông bỏ cái chỗ là nghiên cứu ta đã làm gì để tạo ra chướng ngại đau khổ cho người khác, ta thay đổi ta. Khi thay đổi ta và ta thay đổi sự tương tác, mối quan hệ không tạo ra khổ và phiền lòng cho người nữa chính là sự buông bỏ tột cùng, cao cả để thắp sáng Trí Tuệ và khơi nguồn Từ Bi cho mỗi người chúng ta.

Con đường Đức Phật dạy cho chúng ta chẳng phải thăng tiến để thành Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền ở kiếp sau đâu, mà con đường giáo lý của Phật hướng dẫn cho chúng ta giúp cho chúng ta thay đổi được mối quan hệ trong cuộc sống để tạo được phước báu nhãn tiền hiện thời. Để cho những mối quan hệ giữa gia đình, giữa người, giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, người thân hay bạn bè, cộng đồng và xã hội luôn luôn ở chỗ biết thông cảm trong sự lắng nghe, biết tôn trọng, biết yêu thương và không bao giờ cho phép mình tạo khổ bởi chỉ vì cái tôi của mình. Tạo khổ cho nhau bởi chỉ vì cái tôi!

Nhiều người vỗ ngực xưng tên: “Họ cần tôi thì cần, không cần thôi, tôi bỏ ngay”. Hoặc nhiều khi nâng giá quá cao, khống giá lên quá cao, khống giá trị, tầm quan trọng của mình lên quá cao để cho người khác phải phục tùng, phải quỳ lạy, phải sợ hãi, phải năn nỉ. Khi bạn khống giá trị của bạn lên quá cao tức là bạn lầm tưởng cái tôi quá lớn. Như vậy bạn chưa thấu được tinh thần vô ngã, bạn đang tạo khổ cho chính bạn và cho mọi người. Chướng ngại của cuộc đời càng ngày càng lớn, càng dày, khó có thể vượt qua được.

Buông bỏ từ từ là chúng ta tĩnh tọa trong mọi cảnh giới khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi làm việc luôn luôn giữ tâm trong hơi thở Chánh Niệm. Mà Chánh Niệm Từ Bi, Chánh Niệm trong Trí Tuệ để nhìn thấu mọi tạo tác ta đang tương tác, ta đang hoạt động trong cuộc sống. Và luôn luôn, luôn luôn chú trọng đến tâm Từ Bi, nương vào Từ Bi của Chư Phật để những cái tâm sân hận, bực bội, khó chịu, ghen tuông, chà đạp lên nhau không có cơ hội trỗi dậy. Bởi các bạn có biết không, những Tham – Sân – Si, Hỷ – Nộ – Ái – Ố nó ngủ ngầm ở trong cuộc đời của chúng ta, nếu chúng ta không tăng trưởng tâm Từ Bi, những mầm mống kia sẽ mọc ra như cỏ dại, nó lan tỏa khắp thềm chân tâm của chúng ta và rồi chúng ta thật là khó khi ngồi xuống nhổ cỏ hoang cho cuộc đời của mình mấy mươi kiếp, mấy mươi năm chẳng lo dọn dẹp ngay lúc đầu. Thay vì cứ đi nhổ cỏ, chúng ta phát triển tâm Từ Bi. Tâm Từ Bi càng lan tỏa thì cỏ dại dần dần không có chỗ để đứng. Những cái tâm khác, tâm ác, tâm bất thiện không có chỗ để phát triển. Cho nên đừng đầu tư quá mức vào vấn đề xua đuổi, cắt đứt, từ bỏ mà hãy đi vào hướng lắng nghe tự tâm của mình, lắng nghe nhau, thông cảm nhau. Và trong Chánh Niệm hơi thở của mọi tạo tác, trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, ta dùng Trí Tuệ soi chiếu vào để lan tỏa tình yêu thương. Từ Bi là chất liệu cao cả nhất để rửa gội hết mọi ưu phiền, sân giận, đau khổ, trái ngang, nghịch ý và nó làm xẹp đi cái tôi của mình để ngã tướng chẳng còn ở giữa để từ đó vứt bỏ mọi mối quan hệ chỉ bởi vì ưu ái hay ưu đãi cho cái tôi của chính mình.

Người biết buông bỏ từ từ bằng Chánh Niệm hơi thở Từ Bi và Trí Tuệ là người biết lan tỏa yêu thương. Người đó có phẩm hạnh của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, biết tầm thinh cứu khổ ngay trong cuộc đời của chính mình và lan tỏa yêu thương tới muôn loài chúng sanh. Người đó đi tới đâu cũng như hương thơm của giới đức, hương thơm của Giới, của Định, của Huệ lan tỏa khắp mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Long Thần, Hộ Pháp, Chư Tôn đều hoan hỷ tiếp cận và gia hộ cho chúng ta.

Điều này đúng, nếu các bạn thực hiện được, các bạn sẽ thấy cuộc đời của bạn hoan hỷ nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn, bệnh tật sẽ tiêu trừ, bởi vì sao? Ta không ôm trong mình một cái khối sân hận của cái tôi nữa, ta không cách ly ta với những người làm nghịch ý ta mà ta xả thân bước tới chuyển hóa cuộc đời của chính mình bằng sự tương tác trọn vẹn hơn, làm sao mang lại hạnh phúc cho người và cho ta.

Buông bỏ từ từ là gì? Buông bỏ từ từ là thăng tiến sự lắng nghe, thông cảm để yêu thương nhau hơn. Vượt qua chướng ngại của biên giới nơi cái tôi quá lớn của mình, phá vỡ bức tường thành đó để không còn chia rẽ, phân ly mà bước tới để giao thoa trong tình yêu chân thật bằng Trí Tuệ và Từ Bi qua Chánh Niệm hơi thở.

Nếu thực tập được như thế, thế giới này sẽ hòa bình, mọi người sẽ an lành và chính mỗi người chúng ta sẽ tự tại và thong dong. Cho nên quan niệm buông bỏ là cắt đứt, là vứt bỏ, là chấm dứt, là xoay lưng, là làm ngơ, là liếc một cái sắc như dao, là để cho họ bơ vơ lạnh lùng thì quan niệm buông bỏ đó là quan niệm đang tự giết chết chính mình và tạo ra thật nhiều nghiệp, tổn phước báu vô cùng. Quan niệm buông bỏ như thế tai hại, không tốt!

Buông bỏ tức là biết lắng nghe, thông cảm trong Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ để thay đổi cách tương tác, hành xử của ta đối với người và đối với mình thường tạo ra đau khổ, thay đổi để không tạo ra khổ nữa, thay đổi để khởi nguồn yêu thương, kính trọng, tôn quý lẫn nhau. Đây là cách buông bỏ vi diệu mà càng buông bỏ theo cách này, bạn càng tiếp cận được với Trí Tuệ và Từ Bi.

Buông bỏ theo cách này, chúng ta sẽ hàn gắn được mọi mối hận thù, rạn nứt trong trái tim của ta, trong gia đình của ta, trong tình bạn của ta, trong mối tương tác, tương quan giữa ta và người trong xã hội, nhỏ bé nhất là nơi tại gia đình. Hạnh phúc giữa ta và cha mẹ, bạn bè, anh em, huynh đệ, cô chú bác đều sẽ tốt đẹp bởi không còn cái ngã là ta nữa, mà giữa ta và người chỉ còn sự lắng nghe, thông cảm và yêu thương.

Sự buông bỏ từ từ như vậy có nghĩa rằng chúng ta phải nhìn, đừng có vội vàng quá! Như người ủi áo phải nhìn ta ủi từ đâu, ủi chỗ nào để đừng có lấn cấn, ủi tầm bậy tầm bạ rồi nhăn nheo, thậm chí nóng quá nó còn cháy cả cái áo nữa. Công sức bỏ ra không thành công mà hư hết!

Từ từ là nói đến sự thong dong, bình tĩnh, đừng vội vàng, hấp tấp. Trong mọi mối quan hệ, ta phải rất từ từ và Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta thong dong, tự tại từ từ lại, để làm gì? Để phát huy được khả năng thắp sáng Trí Tuệ và phát huy được khả năng khởi nguồn Từ Bi yêu thương vô tận. Chỉ có Trí Tuệ và Từ Bi mới chuyển hóa được mọi khổ đau do chính ta đã tạo ra cho người và do chính ta tạo ra cho ta.

Chuyển hóa mọi khổ đau bằng sự lắng nghe thật là sâu như hạnh của Mẹ Hiền Quan Âm Tầm Thinh Cứu Khổ. Và như Hải Triều Âm Từ Bi dâng cao lên, gội rửa và làm sạch hết tất cả rác rưởi bất thiện của tâm và thắp sáng Trí Tuệ để đi vào giữa dòng đời ngổn ngang bất thiện mà tâm ta vẫn tự tại bởi giữa tâm ta có hoa tâm. Hoa tâm của Từ Bi và Trí Tuệ luôn luôn nở rộ ở trong đó.

Buông bỏ theo cách này thật là tuyệt vời!

Các bạn hãy xóa sổ định nghĩa, cách hành xử, ý nghĩa của sự buông bỏ là vứt bỏ, là cắt đứt, là quẳng nó đi, là chia ly, không hẹn ngày tái hợp. Bỏ, bỏ, bỏ, bỏ tận hết, cái bỏ đó là cái bỏ sai, cái bỏ đó là cái bỏ vào trong tâm những sự đau khổ, dằn vặt nhiều đời nhiều kiếp để ôm khối hận truyền kiếp trở thành oan gia trái chủ đeo đuổi nhau mà trả thù. Coi chừng trở thành tình hận, không hay!

Cho nên cái buông bỏ đó, ta phải suy nghĩ lại, đừng định nghĩa như vậy nữa! Hoán chuyển tư tưởng của mình, thấu rõ rằng trong sự buông bỏ của nhà Phật là buông bỏ bằng Từ – Bi – Hỷ – Xả. Mà tóm gọn bốn chữ “Từ – Bi – Hỷ – Xả” đó là phải thông qua con đường Trí Tuệ của Chánh Niệm hơi thở, thông qua con đường Từ Bi của Chánh Niệm hơi thở. Bạn sẽ buông bỏ được cống cao ngã mạn và nhìn thấu được mọi điều bạn và trong sự tương tác với xã hội, nhân quần tạo khổ cho nhau. Để thay đổi một cách tương tác, hành xử khác biệt để luôn luôn được lắng nghe, tôn trọng, yêu thương. Đó là cách buông bỏ tuyệt diệu để tiếp nhận được năng lượng vi diệu siêu thế của Phật qua mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chuyển hóa mọi sự khổ đau đang có ở trong đời và hàn gắn lại mọi sự rạn nứt trong các mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái, giữa vợ chồng, bạn bè, xã hội với muôn người. Rất cần!

Đây mới là pháp buông bỏ cao tột! Chẳng phải buông bỏ là xoay lưng nha các bạn! Chẳng phải buông bỏ là cắt đứt, chẳng phải cắt bỏ là ly dị, chẳng phải buông bỏ là gạt ngang qua, mà buông bỏ là gì?

Chư Phật buông bỏ không phải là bỏ cha bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ con, bỏ tất cả mà Ngài đi tìm con đường làm sao cho cha mẹ, vợ con, quốc độ của Ngài, dân chúng của Ngài hạnh phúc hơn. Đó là nói riêng, nói chung là cho toàn bộ mọi chúng sanh hạnh phúc hơn. Ngài bỏ sự ưu đãi của chính mình để tăng trưởng sự yêu thương, để khai mở Trí Tuệ cho muôn người, để không đắm chìm trong vật dục của phước báu nhân thiên, thỏa mãn những cảm xúc của giác quan, mà nâng tầm để vượt qua sanh tử. Ta chưa đi tới buông bỏ như Ngài được! Nhưng ít nhất ta có thể buông bỏ bằng cách lắng nghe, thông cảm và yêu thương nhau. Để cuộc sống là những Phật tử tại gia tương tác bận rộn trong những mối quan hệ phức tạp của cuộc sống, ta không còn tạo khổ cho nhau. Bớt đi một chút Tham – Sân – Si và thêm vào Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ để buông bỏ từ từ như vậy là ta thêm một chút yêu thương, thêm một chút Trí Tuệ nhìn thấu để xoa dịu đi những vết thương lòng mà ta và người đã tạo ra cho nhau. Để giữa ta và người có được hòa khí. Hoà khí sanh tài, hòa khí làm cho tâm được hiền lành, tươi mát. Hòa khí sanh ra tất cả những phước báu.

Hãy học cách buông bỏ như vậy để được hạnh phúc hơn! Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Từ xưa chúng con thường nghĩ rằng buông bỏ là quăng bỏ, là vứt bỏ, là dứt bỏ, là chia ly, là phân ly, là xoay lưng, là không cần đến nhau. Đó là cái tôi tạo nghiệp!

Nay hiểu thấu, buông bỏ bằng Trí Tuệ và Từ Bi, lắng nghe và thông cảm, thay đổi mọi sự tương tác, hành xử của mình từ Thân – Ngữ – Ý để không tạo khổ cho nhau chính là ý nghĩa buông bỏ cao tột.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn