Search

Bài 2137. Nửa Đêm Thức Giấc | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ – từ bi, quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở, thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng đồng nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.

Đồng hồi hướng cầu siêu cho tất cả các chư vị hương linh vì đại dịch mà đã phải ra đi mãi mãi. Nguyện xin Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật tiếp dẫn tất cả các chư vị hương linh trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam quê hương của chúng con nói riêng về với cảnh tịnh lạc.

Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Hôm nay và trong từng giây phút của cuộc sống, chúng ta hãy luôn nghĩ tới các đấng bậc sinh thành, đến gia đình, bạn bè, đến cộng đồng, xã hội, những người có nhân duyên đi vào cuộc đời của chúng ta. Nguyện hồi hướng cho tất cả năng lượng vi diệu của trí tuệ và từ bi để muôn người nhìn thấu vạn pháp vô thường sanh diệt.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú và tiếp đón năng lượng.

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:36) Mô Phật!

Các bạn, chủ đề đã chạm vào trong tâm của Bảo Thành! Chủ đề ngày hôm nay đã chạm vào trong tâm của thật nhiều người. Và chủ đề ngày hôm nay đã chạm vào trong tâm thức của tất cả mọi con người.

Các bạn! Chủ đề “Nửa Đêm Thức Giấc”, chúng ta đã trải qua trong cuộc đời này của biết bao nhiêu những lần nửa đêm thức giấc trăn trở, phiền muộn, đau khổ, chờ đợi, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, mong chờ. Chờ trong đau khổ phiền não, bồn chồn trong sự chờ đợi của hạnh phúc, của niềm vui. Biết bao nhiêu những cảm xúc của đời người đôi khi quá nhiều và quá đầy bất chợt tràn về trong cuộc đời. Để rồi thật nhiều đêm trong kiếp người của chúng ta, nửa đêm thức giấc và nào có ai ngay đó đồng cảm với ta trong sự thao thức của canh trường thâu đêm.

Nhất định các bạn và Bảo Thành đã từng, đã từng trải qua những trải nghiệm riêng tư của đời mình, của những nửa đêm thức giấc!

Từ ngày này qua ngày kia, những nửa đêm thức giấc trăn trở như vậy, thật nhiều người vẫn còn ghi dấu ấn trên quầng thâm của đôi mắt và ẩn hiện trong sự đăm chiêu của khuôn mặt. Là người, mọi cảm xúc đi qua thường để lại thật nhiều những ấn tượng đau đớn, hạnh phúc, an lạc hay phiền não, đa dạng vô cùng, hỗn tạp khó có thể phân, đó là con người.

Nửa đêm thức giấc, đúng! Nửa đêm ngày hôm qua, tại nước Mỹ này, biết bao nhiêu con người cũng đã thức giấc, bàng hoàng vì một ai đó mình yêu thương mến mộ, vì một ai đó mình biết tới, vì một ai đó mình có cảm tình đã bất chợt như một ngôi sao xẹt qua nền trời thật chóng vánh giữa nửa đời mất đi chẳng trở về. Làm cho hàng triệu triệu những con người thổn thức cả nửa đêm hôm qua.

Có những nửa đêm thức giấc của biết bao nhiêu con người chẳng phải là đêm hôm qua mà biết bao nhiêu đêm trường từ khi mùa dịch tràn về. Bởi giữa đêm họ thức dậy, họ nghe tin rằng người thân là cha mẹ, người thân là anh chị em, có thể người thân chính là con cái của họ, là vợ, là chồng, là những người thân quen xẹt một cái, mạng đời đã đi ngang, kết thúc một kiếp người, đau đớn biết dường nào.

Nửa đêm thức giấc! Cũng có những con người nửa cuộc đời mới thức giấc thấy được giá trị của cuộc sống, thấy được những giá trị vốn có trong cuộc sống, nhưng cứ nuối tiếc mãi bởi vì như chúng ta và mọi người, chỉ thức giấc giữa nửa đêm để thổn thức mà thôi. Để đôi khi và nhiều khi giọt lệ cứ rơi, thương cho một người, tiếc vì họ ra đi giữa lưng chừng xuân hay thương cho một điều gì đó, hoặc hối tiếc một chuyện gì trong cuộc sống của ta, của người, bâng khuâng. Có thể là một sự việc, có thể là một công ăn việc làm, có thể là một mối tình, có thể là một người bạn, người thân, có thể về công danh, sự nghiệp, về muôn mặt của cuộc đời tới và đi chạm vào cảm xúc và giữa đêm ta thức giấc thổn thức, băn khoăn. Ai ai cũng phải trải qua những sự trải nghiệm như vậy và nếu ngồi lại uống một tách trà chung gọi là thiền trà. Chúng ta nhất định sẽ chia sẻ được muôn màu muôn sắc của mỗi một cảm giác của mỗi một khung cảnh của từng người khi trải nghiệm thức giấc giữa nửa đêm của chúng ta.

Chủ đề “Nửa Đêm Thức Giấc” đứng trên một góc độ nào ở trong ngày hôm nay thật trùng hợp. Trùng hợp với thật nhiều người, chẳng phải nửa đêm qua thức giấc để nhớ về một người nào đó ta hâm mộ đã ra đi, nhưng trong cả mùa đại dịch hai năm qua, trên thế giới nói chung và Việt Nam quê hương của chúng ta nói riêng, ai ai cũng thức giấc giữa nửa đêm vì lo lắng hoặc vì nhìn thấy biết bao nhiêu cảnh ngang trái trong cuộc đời, thấy rõ mà không thể nào làm chủ được. Thần chết cứ bay bổng trong cuộc đời múa may quay cuồng và nhà ai đó xa hoặc gần, thông tin đưa tới, họ đã đi rồi.

Đêm nay chúng ta thức giấc giữa canh trường để chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình xem, điều gì đã làm cho chúng ta thổn thức đây? Và trở lại lịch sử năm xưa, không phải như chúng ta đâu các bạn à! Không phải như Bảo Thành và các bạn, không phải chúng ta bây giờ lên trên mạng xã hội thấy đầy những thông tin thức giấc nửa đêm bàng hoàng kinh khủng bởi một người ngưỡng mộ vừa nằm xuống thiên thu. Nước mắt có, buồn có, thương mến có, nhưng rồi sao? Chẳng có để lại trong lòng một chút gì đâu! Khi thời gian trôi qua, đều đi vào quên lãng. Bởi đây không phải là lần đầu trong ta mà đã biết bao nhiêu lần mỗi người chúng ta đã nửa đêm thức giấc bàng hoàng kinh khủng vì ai đó ta biết tới đã ra đi. Nhất là những người đã mất cha, mất mẹ, mất anh chị em, người thân, chồng vợ, con cái thì càng thức giấc, không phải nửa đêm đâu, mà cả cuộc đời khó ngủ bởi làm sao quên? Nhưng có ăn nhằm gì đâu, bởi chúng ta chỉ thức giấc nửa đêm nuôi dưỡng cảm xúc vì một sự mất mát nào đó của một con người ta ngưỡng mộ hay con người ta kính trọng, hay con người ta yêu thương nhất trong cuộc đời.

Ngày xưa có một chàng thanh niên muốn đi tu, cha của chàng không cho đi, muốn chàng ở lại để thừa hưởng gia tài, công danh sự nghiệp, quyền cao và chức vị. Chàng thanh niên đó nói với cha rằng: “Thưa cha! Con sẽ không đi tu, con sẽ ở lại nếu như cha có thể không chết, cha có thể không già, cha có thể không bệnh và cha không phải sinh ra để Sanh – Lão – Bệnh – Tử, bệnh, già rồi chết thì con nhất định chẳng đi tu”.

Người cha nói: “Đây là chuyện phải xảy ra, không thể làm chủ”.

Chàng thanh niên nói: “Chính vì thế mà con phải đi tu!”. Nhưng người cha đã cho hàng ngàn những quân lính bao vây khắp cả nơi chốn ở, kinh thành, cung điện và cho tất cả mọi người phải canh chừng chàng thanh niên này. Nhưng rồi nửa đêm ấy, giữa đêm ấy, chàng thanh niên đã thức giấc và vượt thành ra đi tìm một con đường để trả lời cho bốn sự thắc mắc của cuộc đời là Sanh – Lão – Bệnh – Tử làm sao chấm dứt, thoát khỏi điều đó. Chàng thanh niên đó không ai xa lạ đối với những người học Phật, đó chính là thái tử Tất Đạt Đa.

Sau này, khi giữa đêm thức giấc, Ngài vượt thành cùng với ông Xa Nặc và ra đi tìm thầy học đạo. Cuối cùng, Ngài đã giác ngộ thành Phật và có câu trả lời cho sự nửa đêm thức giấc bởi băn khoăn, lo lắng, suy nghĩ, tư duy về sự sinh ra, bệnh, già rồi chết.

Cũng là nửa đêm thức giấc, nhưng nửa đêm thức giấc như chúng ta là để oán trách: “Trời ơi! Ông trời không công bằng với ai đó”, “Trời ơi! Ông trời không công bằng như đã lấy đi một mạng người hoặc như đã đưa đi một con người ở một cái tuổi đang thành công, hoặc đã lấy đi một con người ta yêu thương, mến mộ”. Ta trách ông trời và ta niệm Phật, niệm Bồ Tát như một sự oán trách rằng người ta ngưỡng mộ, người ta yêu thương đã bị cái gì đó lấy đi, không công bằng. Và để cho cảm xúc dâng trào trong những sự xung đột về ngôn ngữ, hành động, tư duy. Chẳng thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở tạo những thiện nghiệp tốt đẹp mà làm xáo trộn tâm thức, tạo nghiệp từ Ý, Thân, Khẩu mà chẳng thể hay.

Chúng ta vì sự mến mộ quá mà nửa đêm thức giấc tạo nghiệp vô số. Còn đối với Đức Phật, nửa đêm thức giấc là tìm một con đường giải quyết cho bốn chữ “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”.

Chúng ta đừng để sự hâm mộ hay một sự thương mến, hay một sự nuối tiếc, bám víu vào tình cảm của cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc bạn bè, người thân, những bậc ở trên hay những người ta ngưỡng mộ để rồi nửa đêm thức giấc bàng hoàng than trách trời đất để thần trí loạn điên, nghĩ những điều sai trái mà phải đặt ra theo như lời Đức Phật dạy làm sao để chấm dứt được Sanh – Lão – Bệnh – Tử.

Đức Phật đã có câu trả lời! Ngài cũng suy nghĩ như chúng ta, Ngài cũng nửa đêm thức giấc vượt thành ra đi tìm con đường đạo để tu, để trả lời cho câu hỏi Sanh – Lão – Bệnh – Tử. Nhưng chúng ta, đâu rồi cũng vào đó, cảm xúc dâng trào, nửa đêm thức giấc cứ hiện đi hiện lại nhưng mà không bao giờ hỏi làm sao chấm dứt?

Ta là người học Phật, ta phải nên nhớ đi theo những gì Đức Phật là người cũng như ta nửa đêm thức giấc và đã tìm ra câu trả lời để rồi không còn phải thức giấc nửa đêm thương tiếc một người mà chúng ta có thể thức giấc nửa đêm để chiêm nghiệm Chánh Niệm hơi thở, hồi hướng phước báu với lòng bao dung.

Các bạn! Chắc chắn nửa đêm qua và trong đêm nay, các bạn cũng sẽ bàng hoàng bởi khi các bạn lên Facebook, các bạn lên những trang thông tin đại chúng, các bạn luôn nhìn thấy sự lập đi lập lại về một sự bàng hoàng kinh khủng vì một con người ta mến mộ đã ra đi. Không hẳn chỉ có một con người đó mà chúng ta phải bàng hoàng theo tâm niệm của nhà Phật là hàng trăm, hàng triệu những con người đã ra đi chung với sự đại dịch đã quét ngang hành tinh này trong hai năm qua. Chỉ thêm một người nữa và vẫn tiếp tục có thêm nhiều người nữa sẽ phải ra đi vì đại dịch. Chúng ta đừng để cho sự bàng hoàng vì một người ra đi để kinh hoàng, động tâm, tạo nghiệp mà phải lấy ngay đó làm điểm tựa cho tâm nhìn thẳng, quán chiếu để thấu được trong mật ngôn số hai chúng ta tu đó là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang với ý nghĩa rằng quán chiếu các pháp vô thường. Thấy được sự chết của một người ta ngưỡng mộ, thấy sự mất mát của cha của mẹ, của anh, của bạn, của những người thân quen hoặc những người trên thế giới hoặc trong nước Việt Nam, ta phải đi ngay vào sự thổn thức giữa đêm trường thức giấc như Chư Phật để quán chiếu làm sao thoát khỏi Sanh – Lão – Bệnh – Tử mà Phật đã đặt để vào trong tâm của chúng ta qua Kinh sách ta đọc, qua lời giảng ta nghe và qua sự tu tập với những bậc thiện tri thức ta có nhân duyên học được. Đó là quán chiếu vô thường bằng trí tuệ và từ bi. Nhất định chúng ta sẽ không còn thức giấc nửa đêm bàng hoàng kinh khủng cho số phận ai đó hay cho số phận của chính mình.

Phật đã thức giấc nửa đêm vượt thành đi tu và Ngài đã giác ngộ, nay quay trở lại dạy Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Và Ngài nhắc nhở cho chúng ta rằng phải luôn luôn tỉnh giác trong Chánh Niệm hơi thở, luôn luôn phải trí tuệ và từ bi để quán chiếu thật rõ các pháp là vô thường. Các pháp là vô thường thì chẳng có một ai trong cuộc đời, trên cuộc đời này sẽ tồn tại mãi mãi. Vô thường sanh diệt trong từng sát na thì đừng để sự sanh diệt trong từng sát na đó tạo thành những cảm xúc đau đớn tột cùng để nửa đêm thức giấc bàng hoàng, khủng hoảng, loạn trí, loạn thần, tạo nghiệp mà phải là trong sự băn khoăn đó, ta thể nhập vào lời dạy của Đức Phật, đón nhận sự khai thị của Phật để một lần nữa dõng mãnh nhìn thẳng vào pháp vô thường quán chiếu qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để ta tịch tĩnh giữa cuộc đời bồng bềnh giữa bể khổ của cuộc đời giữa đại dịch lan tràn, tâm vẫn an, lòng vẫn vui, mở rộng trái tim, thắp sáng đuốc tuệ và rải tâm từ bi của mười phương Chư Phật tới với tất cả những người ta yêu thương, những người còn cũng như những người mất.

Đừng để cảm xúc của con người chúng ta hòa trộn vào cho những sự mất mát giữa cuộc đời của ai đó mà ta ngồi đó than trời than đất mà không phải giữa đêm ta thức giấc vượt thành đi tu. Ta không như Phật giữa đêm thức giấc vượt thành đi tu bởi vì Ngài bị nhốt trong cung điện, nhưng mà ta thật sự có thể nửa đêm thức giấc vượt qua thành trì của chấp thủ bản thân vốn có trong ta, để chạm vào sự khai thị của Phật ta đã được thọ, ta đã được truyền dạy, ta đã được học. Mang ứng dụng ngay! Thắp sáng đuốc tuệ đi các bạn!

Và trong Chánh Niệm hơi thở, đuốc tuệ được thắp sáng, lòng từ bi được lan tỏa, gắn kết mật thiết với ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, gần gũi với các bậc giác ngộ Bồ Tát, Thánh Hiền ở trong tâm, ta đồng nhìn cho rõ các pháp vô thường sanh diệt thì ngộ ra ngay chân lý thoát khỏi luân hồi sanh tử. Thì nửa đêm chẳng thức giấc bàng hoàng, đau khổ nữa, mà đêm đêm hay từng giây phút, từng sát na trong cuộc đời, ta không thức giấc bởi ngủ mê bất chợt tỉnh dậy đau đớn cho một phần đời của ai đó đã mất mà ta luôn thức tỉnh trong từng sát na bởi sự quán chiếu trong Chánh Niệm.

Rất cần nhìn rõ vào những sự đang xảy ra trong cuộc đời. Thể nhập vào Chánh Niệm! Thể nhập vào Chánh Niệm để cho trí tuệ được bừng tỉnh, từ bi được lan tỏa để ta luôn luôn, luôn luôn thức tỉnh chứ không bị thức giấc. Luôn luôn thức tỉnh trong từng giây phút khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thất bại, thành công, khi đau đớn hoặc hạnh phúc, khi phiền não hoặc an lạc. Trong mọi trạng thái sinh hoạt của cuộc đời, ta luôn tỉnh thức, để tánh biết hiển lộ, thấy rõ cái tới lui trong cảm xúc của hạnh phúc, đau, buồn, sướng, khổ cũng vô thường tới rồi đi. Những thành tựu về tài, về danh, về sắc, về tiền tài, về tất cả cũng tới rồi đi. Ngay cả thân mạng này có đó rồi cũng sẽ ra đi. Để ta không bám vào, chấp vào thân này là có, tiền này là có, con người này là hiện hữu và trường cửu, không bao giờ ra đi. Để khi ta mến mộ, thương yêu, chấp vào một mối tình cảm của một điều gì đó để khi sự việc hoặc con người đó ra đi, ta lại nửa đêm thức giấc đau đớn khôn cùng.

Điều đó chẳng giải quyết được vấn đề mà đôi khi vì tâm chấp, tâm mê, ta lại tạo nghiệp bởi kêu trời không công bằng. Ông trời đâu có phán xét đúng hay sai mà công bằng?! Phật dạy thật rõ, nhân quả. Nhân quả của ai người đó phải chịu. Nhân thiện và nhân ác, phước báu sẽ tới hoặc tai họa sẽ tới. Mỗi một con người sinh ra ở đời, chuyện gì xảy ra đối với họ đều do phước báu và nhân duyên. Thọ mạng của một con người ngắn hay dài đều do nhân duyên hết. Thật công bằng, rõ ràng lắm!

Người sống trăm năm mà không biết được nhân quả thiện – ác, không biết được vô thường sanh diệt thì chi bằng sống một giây một phút mà thấu rõ nhân quả, nhìn thấu vô thường thì còn hơn, đó là trong Kinh Pháp Cú nói thật rõ. Thì đừng, đừng vội vàng thương tiếc cho một ai đó ra đi khi tuổi còn ngắn hạn rồi cứ cảm thấy ta cũng còn sống trường thọ mà hãnh diện. Bởi vì dù ta có sống lâu, sống thọ mà không biết được nhân quả thiện – ác, không tin sâu nhân quả thiện – ác, không biết được vô thường sanh diệt thì sống 100 năm, 200 năm hay cả thế kỷ cũng không có lợi lạc gì. Nhưng nếu chúng ta chỉ một giây khắc, một giây phút chợt sáng rồi tắt lịm nhưng thấu rõ vô thường, nhân quả vẫn có giá trị vô cùng trong cuộc đời dù chỉ thể hiện trong sát na mà thôi.

Các bạn, đêm qua thức giấc, mọi người bàng hoàng lắm! Nhưng mà điều quan trọng cho chúng ta là phải nhìn rõ đó là sự thật của chân lý vô thường Phật đã dạy. Để thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở và trao tặng về những ai đó đã bất chợt ra đi trong cả hai năm đại dịch qua cho tới hôm nay, làm cho mỗi người thức giấc nửa đêm thấy đau đớn, nuối tiếc.

Bằng sự thể nhập vào Chánh Niệm, thắp sáng trí tuệ và từ bi, gửi đến họ tình yêu thương. Năng lượng yêu thương và năng lượng trí tuệ là những tặng phẩm vô giá gửi tới tất cả những ai đã vì dịch mà ra đi, vì đại dịch mà ra đi. Trí tuệ và từ bi là tư lương vô giá, là hành trang vi diệu, là phẩm vật cao cả ta có thể trao về cho những ai đã vội vàng ra đi trong mùa dịch khi thọ mạng viên mãn với phước báu của họ sinh ra trong cuộc đời này. Ngắn hay dài chẳng phải là để đo giá trị, già hay trẻ chẳng phải là có giá trị cao hay thấp mà chính ở chỗ trí tuệ và từ bi. Vận mệnh của một con người được gọi theo ngôn ngữ của loài người hay vận số của một con người đều là sứ mệnh sống đã hoàn thành bởi phước báu tích lũy nhiều đời và sự hạnh nguyện trong kiếp này đã phát ra. Chỉ có ta ở ngoài, đứng trong bóng tối chẳng thể nhìn nên thường nuối tiếc để nửa đêm thức giấc bàng hoàng sợ hãi.

Nếu các bạn vẫn còn bị thức giấc nửa đêm vì những trường hợp gì đó xảy ra trong cuộc đời, không phải là bạn khó ngủ mà cũng không cần thiết phải đi tìm thuốc an thần để ngủ hoặc một thứ gì đó uống vào cho dễ ngủ, mà bạn hãy trở về thiền trí tuệ và từ bi, Chánh Niệm hơi thở, hít vào thật sâu, phình bụng, thở ra từ từ, trì mật chú Mu A Mu Sa hoặc NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Có nghĩa là thiền quán trí tuệ – từ bi để nhìn thấu vào cõi vô thường sanh diệt trong cuộc đời, một điều xấu xa nhất xảy ra cho ta, nó cũng nằm trong quy luật của vô thường, rồi cũng sẽ ra đi.

Một người chê bai ta, đánh đập ta, thù địch với ta, ghét ta, một người luôn tìm cách xâm hại, giết chết ta cũng bị quy luật vô thường tới để đi, chẳng tồn tại mãi. Nhìn thấu được điều đó để ta thanh tịnh, ta định được trong cuộc đời.

Của cải tới có thể đầy nhà, có thể có biệt thự, có thể có biệt phủ, có thể có công danh sự nghiệp, có thể có tất cả, giàu sang phú quý, danh sắc, tướng thì nó cũng nằm trong quy luật của vô thường sanh diệt. Nếu ta nhìn thấu được điều đó và để nhìn thấu được điều đó, chúng ta bỏ chữ “nếu” đi. “Nếu” là ta vẫn còn bàn luận. Để nhìn thấu được điều đó, Đức Phật mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở về với Chánh Niệm của hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi, quán chiếu ngay vô thường để ta thấu được, thấu được để hạnh phúc. Sống trong từng sát na của cảnh giới vô thường hiện hữu trong kiếp người để được hạnh phúc, các bạn! Còn không, ta sẽ bị vòng xoáy của phiền não, đau khổ dìm ta xuống để tạo nghiệp mà không biết.

Mỗi khi chúng ta kêu ông trời, than trách ông trời: “Trời ơi, không công bằng!”. Mỗi khi ta để cho cảm xúc xâm chiếm vì một mẫu chuyện, vì một thông tin, vì một điều gì đó ở trên mạng, trên phone (điện thoại) nghe được hoặc là trực tiếp nhìn thấy để cho tâm động, khởi lên những ngôn ngữ, những hành động bất thiện là ta đã bị điều đó lôi kéo tạo nghiệp. Nhớ, chuyện cực xấu hay cực tốt tới và đi đều do vô thường, nhân duyên hiện rõ, phước báu tại tiền, mỗi người đều y như thế mà phải đi. Đừng để điều đó như một sự chấn động, một sự động đất làm cho tâm thức rung chuyển để tạo nghiệp. Mà mỗi một lần như thế, ta lại: “À! Phật đã nói đúng, các pháp là vô thường”.

Chính vì: “À! Phật đã nói đúng, các pháp là vô thường” mà muôn sự ở đời xảy ra, bạn đều luôn hạnh phúc, tịch tĩnh để lòng bạn bao dung hơn, trí tuệ sáng hơn, từ bi lan tỏa xa hơn. Rồi từ đó, ta có sự hồi hướng đặc biệt nhất bởi ta luôn ở trong Chánh Niệm, trong Chánh Định, tư lương của ta hồi hướng trao tặng cho tất cả là trí tuệ và từ bi, một phẩm vật vô giá, vi diệu tột cùng.

Đừng để cho sự bàng hoàng thức giấc nửa đêm làm ta kinh hoàng tạo nghiệp mà để cho sự an tịnh từng giây phút trong cuộc đời, thấu rõ được vô thường, tạo muôn trùng phước báu gửi tới những người ta yêu thương, mến mộ!

Các bạn! Đức Phật đã thức giấc nửa đêm đi đường xa vạn dặm, vượt qua bức tường thành của kinh đô và trải qua biết bao nhiêu năm nhập nhằng của cuộc sống, tu và giác ngộ, đã tìm thấy con đường đưa đến sự giải thoát đó là Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ thì chúng ta ngày nay chẳng cần phải thức giấc nửa đêm để đau khổ. Không cần phải thức giấc nửa đêm để đau khổ nữa các bạn, mà chúng ta chỉ cần noi gương Đức Phật!

Đức Phật sống là tấm gương cho chúng ta noi theo. Đức Phật dạy là bài học vẫn còn đó, và ngày nay, tấm gương của Phật, đời sống của Phật và chân lý Đức Phật tìm ra, lời dạy của Đức Phật vẫn còn mồn một, rõ nét trong cuộc đời. Hãy nương vào đó để ta không còn phải băn khoăn, trằn trọc thức giấc nửa đêm vì những cảm xúc vui buồn, sướng khổ của đời người nữa mà ta luôn an tịnh, hạnh phúc!

Chánh Định rất quan trọng! Để có được có được Chánh Định đó thì Chánh Niệm hơi thở, từ bi – trí tuệ quán sẽ giúp cho chúng ta có được Chánh Định. Không bị dòng xoáy của bể khổ nhận chìm, kéo đi mãi, mất phương hướng mà không định được con đường ta đi.

Nếu ta thực sự là những người tu chân lý của Đức Phật, chúng ta cần phải khẳng định và minh định thật rõ ngay bây giờ và tại đây, trở về với hơi thở Chánh Niệm, thiền trí tuệ và từ bi, nhận rõ các pháp là vô thường sanh diệt để đừng bị lôi kéo vào với những cảm xúc vô thường xảy ra trong cuộc đời!

Mỗi khi thông tin trên mạng hoặc ta biết được thật rõ ập tới, đừng làm cho tinh thần hoảng hốt, sợ hãi, thốt lên những lời oán trách, than van. Mà ít nhất, khi nghe được những thông tin như thế, ta mỉm cười trong Chánh Niệm bởi đã thấu rõ được vô thường, gửi về người ấy chút hương trí tuệ, đóa hoa từ bi như một hành trang cho người đó ra đi khi tiếp cận Phật đài 47:42, diện kiến được Đức Phật A Di Đà, Thánh chúng hoan hỷ và tiếp tục tu trong những kiếp sau.

Nhất định trong thời gian này, cũng vì chuyện nửa đêm thức giấc bàng hoàng kia mà mọi người sẽ bơi, sẽ moi, sẽ bới ở trong đó, nhiều lắm, nhiều lắm. Nhưng người học Phật chẳng vì chuyện đó mà bịt mắt nhảy vào, mò mẫm lung tung, tìm những thứ thông tin đúng sai để như có sự hiện diện của ta cho mọi người biết. Không cần!

Hãy khiêm tốn ẩn mình trong Chánh Niệm hơi thở để từ bi – trí tuệ bừng sáng lên!

Hãy gửi một thông điệp hòa bình tới cho tất cả thế giới này trong mùa đại dịch rằng các pháp vô thường, người ơi thức giấc nửa đêm, giữ tâm Chánh Niệm từ bi mà thiền định nha các bạn!

Chúng ta giữ tâm Chánh Niệm từ bi để thiền định, chúng ta thắp sáng đuốc tuệ để cho cả thế giới này!

Hãy ngồi lại cùng với nhau trong hơi thở, thắp ngọn nến của trí tuệ và từ bi, đêm hoa đăng tuyệt vời! Nửa đêm thắp gì? Thắp trí tuệ – từ bi như hoa đăng dâng Phật chứ đừng nửa đêm thức giấc. Bởi Phật đã thật sự nửa đêm thức giấc vượt thành đi tu và tìm thấy chân lý cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần thực hành thì nhất định sẽ không cần phải thức giấc nửa đêm để đau khổ, sợ hãi mà thức giấc nửa đêm để đốt đèn hoa đăng trí tuệ và từ bi dâng lên cho Phật và hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh.

Mô Phật! Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Hai năm qua, biết bao nhiêu người chúng con yêu thương và biết bao nhiêu những sinh mạng đã phải ra đi vì đại dịch. Trong số đấy, có những người là cha là mẹ, là anh chị em, là con cái, là vợ chồng, là người chúng con kính trọng như những bậc trưởng thượng, thiện tri thức hay những người chúng con mến mộ trong xã hội. Trong lòng bồn chồn đau đớn bởi là cảm xúc con người dâng trào nuối tiếc cho những con người đó đã ra đi vì dịch, vì đại dịch.

Nay hiểu thấu Chánh Niệm hơi thở trí tuệ và từ bi quán sẽ tạo thành những phẩm vật cao quý, vi diệu để chúng con hồi hướng, trao gửi về những người yêu thương.

Nguyện hương trí tuệ và từ bi dâng lên cho Phật, hồi hướng cho muôn hương linh đã ra đi được sự chứng minh của mười phương Chư Phật, Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật để chư vị hương linh đó theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh và để cho những người còn lại như chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, trí tuệ – từ bi quán để luôn an định trong cuộc đời đầy sóng gió vô thường sanh diệt này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Buổi đồng tu hôm nay nếu như chúng con có tạo được chút phước báu nào, xin hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và cũng hồi hướng cho tất cả mọi chư vị hương linh vì đại dịch mà ra đi theo thiện nghiệp của mình thắp sáng trí tuệ, lan tỏa từ bi, tái sanh cảnh lành.

Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn