Bảo Lạc đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết quán chiếu trong Chánh Niệm để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn. Chúng con cũng đồng cầu nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Và hồi hướng cho tất cả các chư hương linh vì đại dịch mà ra đi, nương bóng từ ân của Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư và thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành. Xin Chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi! Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi lan tỏa và nuôi dưỡng tình yêu thương. Hãy nghĩ đến các đấng sanh thành, gia đình, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, cộng đồng và xã hội, nhân loại. Hồi hướng năng lượng yêu thương trí tuệ tới cho muôn người.
Hãy hít vào bằng mũi, chúng ta đưa xuống dưới bụng, phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật!
Các bạn! Chủ đề ngày hôm nay: “Điểm Hẹn Phút Cuối”. Ai trong chúng ta biết được phút cuối đâu?! Và giả sử nếu chúng ta biết có phút cuối thực sự, chúng ta sẽ hẹn hò ai đây, và tại điểm hẹn của phút cuối đó, ai là người ta muốn gặp? Có lẽ hỏi như vậy để chúng ta tư duy một chút. Để thấu hiểu rằng trong cuộc đời, ai, chúng ta muốn gặp ở phút cuối nơi điểm hẹn!
Cuộc sống là luôn hẹn hò; hẹn hò trong tình yêu, hẹn hò trong công ăn việc làm, hẹn hò để gặp bạn gặp khách, hẹn hò để gặp nhau. Có biết bao nhiêu sự hẹn hò, ai cũng từng có thật nhiều sự trải nghiệm của bao nhiêu sự hẹn hò và mỗi một sự hẹn hò, điểm hẹn đều khác biệt. Nhưng đều chung một mẫu số là một khi đã hẹn hò rồi, thì chúng ta luôn luôn bồn chồn, chờ đợi, ngóng trông. Mà đâu phải chờ đợi, bồn chồn, ngóng trông trong cái gọi là vui đâu. Đã gọi là bồn chồn sao vui, đã gọi là ngóng trông rồi thì trong lòng mình lao đao, sợ hãi, buồn và không biết khi tới lúc hẹn đến điểm đó, người ta có tới hay không. Hẹn hò là chờ đợi, là đau khổ. Có chút hứng khởi vì sẽ gặp, nhưng trong sự hứng khởi vui vui đó, luôn luôn là một sự sợ hãi. Nếu ai đã từng hẹn hò thì càng gần tới giây phút để đi tới điểm hẹn đó, càng tới giây phút cuối, càng sợ hãi. Bởi chỉ sợ rằng người ấy không tới bên ta tại điểm hẹn phút cuối của cuộc đời!
Chúng ta chẳng phải trèo vào vách tường của sự ngăn cách giữa con người Phàm và các bậc Thánh để tìm hiểu Thánh là gì, Phàm là gì bởi ta đang là Phàm phu. Chúng ta cũng chẳng cần phải bò qua cái bờ bên kia của sự chết và sự sống để hiểu cái chết là gì? Hay người ta gọi là thời trung chuyển, có những giai đoạn cảm giác. Để sợ hãi, để thấy đau đớn tận cùng!. Không! Không nhất thiết như vậy!
Trong Phật giáo, người ta thường lấy sự chết như một điểm hẹn cuối của cuộc đời. Ngày nay, các bậc Tổ hoặc nhiều quý Thầy hoặc sự giáo lý đặt trọng vào sự chết và những hiện tượng xảy ra khi đang chết hoặc giây phút cuối của cuộc đời để làm cho người ta sợ hãi. Bởi nói rằng “Đau đớn tột cùng!”; có những hiện tượng này xảy ra, hiện tượng kia xảy ra. Nhưng hỏi ngược lại, tất cả những lời nói như vậy về cả quá trình trung chuyển, đang đi dần vào sự chết, những hiện tượng xảy ra và hiện tượng không xảy ra, nào có ai thấu rõ được đâu. Bởi thực sự chết rồi, sao có thể trở lại để báo tin cho chúng ta? Vậy mà cái lý thuyết của sự chết đó, nó trở thành sự răn đe, sợ hãi vô cùng. Bởi chết là một sự đau khổ tột cùng. Cho nên cả cuộc đời khi còn sống, sự sống của kiếp người đã bị lãng phí bởi đào sâu vào sự chết.
Điểm hẹn phút cuối của cuộc đời nơi sự chết chẳng cần phải đào bới, hiểu biết để làm chi. Bởi nếu cần phải biết và thấu thì Đức Phật đã nói thật rõ trong bài pháp đầu tiên của Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đạo là con đường đi đến sự giải thoát. Phật dạy cho ta quán chiếu điều gì đi đến sự giải thoát trong Bát Chánh Đạo. Không có nói đến sự chết cần phải quán chiếu! Đây là cốt lõi mà cả 45 năm trời Đức Phật giảng, Ngài luôn sách tấn chúng ta thực hiện theo Bát Chánh Đạo, và một trong Bát Chánh Đạo luôn giúp cho chúng ta tận hưởng được cuộc sống của kiếp người ngay bây giờ, tại đây đó là Chánh Niệm!
Chúng ta không dừng lại để sống trong Chánh Niệm mà cứ miên man về những miền tương lai sau khi chết. Để đào bới tâm trí, nghe theo những thuyết của sự trung chuyển đang chết, sẽ chết như thế nào rồi quên phải sống làm sao. Do đó mà điểm hẹn phút cuối của cuộc đời là sự chết, thường là sự dằn vặt, lo sợ và hãi hùng.
Phút cuối khi Đức Phật ra đi là ra đi trong sự bình an. Bởi cả cuộc đời của Ngài giảng dạy cho chúng sanh Chánh Niệm và Ngài luôn sống trong Chánh Niệm, từng giây từng phút tịch tĩnh. Chúng ta – người Phật tử đừng sợ khi nói đến sự chết, và cũng đừng để cho ai đào bới trong sự chết như một cái gì đó to lớn quá để hù dọa, để răn đe, để làm cho ta sợ mà theo Phật.
Dĩ nhiên trong cuộc sống này có nhiều tôn giáo, mỗi một tôn giáo có cách giáo dưỡng, hướng dẫn, dạy dỗ theo giáo lý riêng biệt của họ cho các đồ chúng, cho các tín chúng. Hầu hết các phương pháp của các tôn giáo đó là đưa tới sự sống sau khi chết, đọa đày vào địa ngục, và thường nói về địa ngục, nói về sự chết để gây ra sự sợ hãi mà con người khi sống phải suy nghĩ, để giảm bớt những cái tội. Đây cũng là một góc cạnh tâm lý thật tốt! Thấy được hậu quả để lo sống!
Nhưng Đức Phật lại đầu tư thật nhiều thời gian trong Chánh Niệm để cho chúng ta nhớ rằng đời sống của con người ngắn lắm, chỉ là một hơi thở vào ra. Trong một niệm ấy, chẳng thể nghĩ được hai điều sống và chết, quá khứ, tương lai, hiện tại. Mà chỉ trong một niệm của hơi thở vào ra, ngay bây giờ, tại đây sống tịch tĩnh, Chánh Niệm. Thì nhất định đó là những điểm tụ, là điểm hẹn để khi phút cuối tới, ta có đầy đủ tư lương nhẹ nhàng bước vào một cảnh giới mới. Chẳng chi mà chui đầu vào làm việc cho kiếp sau để rồi không sống ngay trong kiếp này!
Có ai ở cuộc đời mà thường làm việc cho tương lai sáng lạng, giàu có, sung túc. Để rồi thắt lưng buộc bụng, ăn khổ dữ lắm, đến khi gần chết, tiền thì như núi, đồ ăn thì nhiều, nhà cao cửa rộng, mà mồ sâu đang đợi. Xuống hố đó rồi, ta hỏi thử mang theo được gì?
Thật là uổng phí cả cuộc đời chắt chiu, dồn vào cho đầy đủ, có được những điều mơ ước. Nhưng điểm hẹn của phút cuối cuộc đời là mồ sâu, là nước mắt của những người tranh giành cái của cải ta còn để lại! Hơn thua, đâm chém, sân hận. Chẳng phải là điểm hẹn tối ưu cần nghĩ tới!
Chánh Niệm là một pháp thiền phương tiện vi diệu tới từ Đức Phật để nhắn nhủ cho chúng ta rằng: “Hãy sống và hãy sống trọn vẹn một kiếp người. Bởi kiếp người là phương tiện vi diệu để thành tựu. Chẳng phải cho tương lai sau khi chết, chẳng phải sửa chữa những quá khứ, mà là ngay hiện tại sống như thế nào!”. Quan trọng vô cùng!
Người ta cứ như những hoạ sĩ mù, vẽ về những cảnh giới trung chuyển của sự chết. Nhiều bậc đạo sư còn vẽ, viết thật rõ chi tiết lắm. Và khi hỏi làm sao biết, câu trả lời duy nhất là: “Bởi vì họ là Phật, là Bồ Tát, là Thánh Tăng, là người giác ngộ nhìn thấy!”. Thật là nhiều sách vở, Kinh điển, không những của Phật giáo mà tất cả các tôn giáo, niềm tin, tín ngưỡng đều thường nói ra những cái chủ thuyết mà vị đó khi nói ra, đều chứng tỏ họ đã thấy, đã thấu. Và dĩ nhiên “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, dù dưới bất cứ một hình thức nào thì cũng có người đồng căn cơ, nghiệp thức chiêu cảm tới để tập trung vào với nhau.
Chúng ta là người Phật tử, điểm hẹn cuối của cuộc đời chẳng phải là giây phút chết ta đi về đâu. Mà là điểm hẹn cuối của cuộc đời chỉ trong hơi thở vào ra, chính là Chánh Niệm. Nếu Chánh Niệm được từng hơi thở, từng giây phút trong mọi tạo tác việc làm khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ăn, khi nói. Tất cả mọi chuyện tương tác của các giác quan đối với bên ngoài và bên trong, cẩn cẩn từng giây phút, Chánh Niệm, nhận rõ, biết và sống trong sự thanh tịnh. Thì chẳng có điểm hẹn cuối của cuộc đời đâu. Bởi là sự nối tiếp nhau trên con đường để thành Phật tương lai!
Một vị Phật tương lai chẳng để cho tương lai của sự chết ở trong ngục tù đau đớn, dằn vặt, mà luôn luôn quán chiếu ngay trong hiện tại để thành tựu. Bởi kiếp hiện tại đây mới là giá trị tuyệt vời của phương tiện ta có thể sử dụng để thành tựu. Thành tựu ngay bây giờ và tại đây. Không thành tựu cho ngày mai, tương lai sau khi chết. Để hình như người ta đã lập trình một hệ thống trung chuyển chết thì thần thức đi như thế nào, gặp cái gì, đau đớn như thế nào, vẽ ra như một bản đồ của một cõi mà chưa ai nhận thấy rõ ràng, chỉ có niềm tin mà thôi. Rồi chúng ta, chúng ta tự cài đặt hoặc để cho những vị có những thuyết như thế cài đặt vào trong tâm, để nó lưu hành, để nó chuyển biến trở thành một lộ trình tâm của cõi trung chuyển. Chết là như thế! Sợ! Từng giây từng phút sợ, không dám làm cái gì hết. Rồi quên luôn sống trong Chánh Niệm! Người ta lúc đó bắt đầu đi tìm những chuyện cao siêu nhiệm mầu để làm việc. Làm việc lớn, việc lớn! Để làm gì? Chết được tái sanh cảnh lành!
Kinh Pháp Cú Phật dạy, ngay cái việc thật nhỏ, việc thiện thật là nhỏ, nhỏ bé đôi khi như hạt bụi thôi, ta cũng đừng bỏ qua. Ngay trong Chánh Niệm, thực hành những việc thiện nhỏ bé như hạt bụi và gạn lọc những việc ác dù nhẹ như tơ hồng cũng phải bỏ đi. Đó là Chánh Niệm pháp thiện từ bi quán chiếu bằng trí tuệ. Chỉ có như vậy thôi, thì ta không bao giờ sẽ phải tiếp cận với điểm hẹn cuối của cuộc đời nơi sự chết mà phải rơi vào sự khủng hoảng của những thuyết trung chuyển thần thức phút cuối, sát na cuối cùng, cận tử nghiệp. Để rồi cứ hoang mang, sợ hãi mà quên ứng dụng cuộc đời Chánh Niệm hơi thở ngay trong hiện tại để thành tựu được Niết Bàn an vui ngay chỗ này, tại đây.
Bạn có biết rằng sự chết, nói về sự chết đáng sợ lắm. Và nói về sự trung chuyển của thần thức sát na cuối cận tử nghiệp, người ta sợ lắm. Bởi vì biết bao nhiêu các bạn đã hoang mang, sợ hãi vô cùng bởi có những thuyết nói rằng cận tử nghiệp, giây phút đó là tối ưu quan trọng, quyết định cả một quá trình sanh tử, tái sanh. Những cách nói hù dọa quá đáng như vậy thường tạo ra hoang mang, sợ hãi và phủ định cả một công trình Chánh Niệm hơi thở thực tập trong từng giây, trong từng phút, trong từng sát na.
Người có sự tu tập vững chãi, giây phút cuối hay giây phút đầu đều luôn tự tại, an nhiên trong Chánh Niệm. Không có sự tu tập, thực tập hằng ngày, chẳng có được kết quả là sự thành tựu an tịnh trong từng sát na. Thì phút cuối cận tử nghiệp kia, ta lại nhờ vào đâu? Bởi những chủ thuyết cận tử nghiệp, những cái thuyết về trung chuyển, thần thức đi vào cõi chết từ giây phút cuối ấy, thường là làm cho chúng ta cuối cùng lệ thuộc vào một bậc đạo sư thật lớn, một bậc Tổ Sư, một giáo đoàn, quý bậc xuất gia, nam nữ hoặc tại gia hộ niệm. Tới nhờ sức của họ mà cận tử nghiệp khi ta chết đó, được họ dẫn đưa ta về cảnh giới an lạc.
Nhưng thử hỏi trên đời này, có bao nhiêu người trong những giây phút cuối của cận tử nghiệp được gặp Tăng thân, những bậc đạo sư lớn hoặc những người được gọi là tu chứng, tu đúng để đưa về cõi an lạc trong cái gọi là hộ niệm, cầu Kinh, siêu độ, bạt độ đâu? Nếu nói như vậy, Phật giáo của chúng ta tính theo phần trăm cũng chẳng phải là số lớn trên thế giới. Tất cả những tôn giáo khác giây phút cận tử nghiệp họ có gặp được Tăng thân đâu, những ban hộ niệm đâu. Vậy họ đi về đâu? Xuống địa ngục hết sao?
Cách nói cận tử nghiệp quyết định giây phút cuối trung chuyển thần thức, giáo thuyết đó hình như nó vẫn tôn vinh, tự hào quá đáng. Xuất hiện sau này của các chi nhánh Phật giáo, mà nó lâu quá rồi thành thói quen, ta lười biếng tìm kiếm, nên đặt niềm tin để bị cài đặt cái ứng dụng đó vào trong tâm, bị nó điều khiển, lúc nào cũng sợ, sống mà như chết. Bởi cứ lo về cõi chết xa xôi, mà hiện tại Chánh Niệm bây giờ chẳng thành tựu được sự an lạc.
Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là 08 con đường Thánh để chúng ta tu tập theo Phật mà thành tựu được sự an lạc. Trong đó có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tám cái Chánh đó là để tu, là để tạo ra Niết Bàn, là để thành tựu được sự an lạc. Chẳng nói đến những cái gì hé mở ra một khung trời về sự chết, điểm hẹn của cận tử nghiệp, của sự trung chuyển! Không!. Nếu có, đó là con đường giải thoát thì trong Bát Chánh Đạo sẽ trở thành Cửu Chánh Đạo, Thập Chánh Đạo. Thêm vào đó những cách tu!. Nhưng Bát Chánh Đạo không có điều đó!
Tuy nhiên, người ta vẫn cứ đào bới như vậy để hù dọa về sự đau khổ trong cái chết. Điều đó hình như là đúng; đúng với cái thời xa xưa đó! Người ta cứ làm tiên tri phỏng đoán về sự chết như thế. Nhưng ngày nay khoa học tiến bộ, dù không tu nhưng để có một cái chết nhẹ nhàng, êm đẹp. Thậm chí có những giấc mơ vào thiên đàng, khoa học gia cũng có thể tạo được cho ta, chỉ bằng trước khi chết, ta ký một tờ giấy để các bác sĩ chích cho liều thuốc an thần không cảm giác đau khổ mà còn tạo ra những cảm giác hạnh phúc. Vậy thì cái tu để quyết định sự chết có quan trọng hay không? Không quan trọng!
Cái quan trọng là hiện tại, bạn có sử dụng được thân phương tiện này để thành tựu được điều gì hay không! Cho nên ta chẳng có điểm hẹn phút cuối của cuộc đời là sự chết, đau khổ trong cái thần thức ở giai đoạn trung chuyển qua những cảm giác đau khổ tột cùng để hù dọa. Phật giáo không hù dọa! Chỉ khai thị, hướng dẫn những điều tốt đẹp mang đến hạnh phúc. Bởi Phật thấy cuộc đời là đã khổ trong Sinh – Lão – Bệnh – Tử rồi, nên Ngài không cần thiết đào bới vào những cái khổ đó nữa, mà chỉ chỉ cho chúng ta cái này tạo ra khổ, Sinh – Lão – Bệnh – Tử tạo ra khổ, để rồi cái nguyên nhân tạo ra khổ là chấp vào. Ta là có, thân này là thường cửu, cái ngã là có, nên khi nó chết, nó không có trường cửu, cái ngã chẳng có, ta khổ!
Có nguyên nhân tạo khổ thì có nguyên nhân tạo ra hạnh phúc và Niết Bàn, đó chính là 08 con đường Chánh Đạo Đức Phật dạy. Chánh Niệm rất quan trọng! Nếu bạn không Chánh Niệm, bạn không thể làm được gì trong cuộc sống! Chẳng phải Chánh Niệm là chỉ có làm việc này và việc này mà thôi. Nhưng sự thực tập Chánh Niệm giúp cho chúng ta có trí tuệ, có từ bi và đẩy lùi mọi chấp trược trong cuộc đời ái nhiễm, chấp thủ, để được tự do, thành tựu những pháp lạc qua thiện pháp hiện hữu ngay bây giờ, tại đây.
Quá khứ đã qua đừng đào bới, tương lai chưa tới đừng kiếm tìm, hiện tại bây giờ hãy Chánh Niệm đi! Đừng như những hoạ sĩ mù vẽ vời về những cảnh giới mà ai đó, họ đã đi, họ thiếp đi, họ nào chứng ngộ theo cách họ nói, để vẽ lên cả một cảnh giới đau khổ của sự trung chuyển, sự chết, sự cận tử nghiệp để rồi chúng ta sợ hãi quá. Ôi cha bao nhiêu công sức tu tập, phút cuối cận tử nghiệp, không có quý Thầy ban hộ niệm, không có ban bệ này chẩn tế, cầu Kinh thì làm sao mà siêu thoát về cảnh lành? Sợ hãi, sợ hãi!
Tâm sợ hãi đưa đến sự chấp, bám víu vào những thế lực ở bên ngoài do Tăng thân, do các ban hộ niệm, do các bậc đạo sư, do những cái chủ thuyết đã ghi thật rõ cả một lộ trình trung chuyển trong sự chết, để rồi cứ hoang mang từng giây từng phút, chẳng Chánh Niệm được. Những người tập trung vào đó quá, thường hay than khổ, thường hay than về cái thời gian trôi qua chưa làm được gì. Nếu bạn thấy thời gian trôi qua mà bạn không làm được gì, có nghĩa là bạn chưa Chánh Niệm mà thôi. Còn người đã Chánh Niệm rồi, chẳng nuối tiếc chuyện đã làm, chưa làm và sẽ làm. Bởi vì họ sẽ hoàn thành tất cả mọi điều ngay trong giây phút Chánh Niệm ấy!
Từ công việc của cuộc đời, của xã hội, người giữ được Chánh Niệm tràn đầy năng lượng yêu thương. Tập trung trong sự tịch tĩnh, chẳng phải tập trung cao độ mà tập trung trong sự tịch tĩnh, an lạc, để làm việc, để đối xử, để giao tiếp trên con đường đạo. Họ cũng luôn luôn có trí tuệ hiện tiền, từ bi lan tỏa, nhìn thấu, rõ để buông. Như tinh thần Tứ Đại Tâm: Từ – Bi – Hỷ – Xả, xả tất cả để tâm hoan hỷ, xả luôn cả những sự lo lắng của sự trung chuyển khi chết thần thức phải đi qua như người ta vẽ vời. Như trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như hoạ sĩ, vẽ muôn màu muôn sắc. Cảnh ngũ ấm thế gian, không sắc nào mà không hiện”. Vậy thì có gì đâu phải trở thành hoạ sĩ để vẽ vời theo những ngũ ấm ở trong thân ẩn hiện? Chẳng cần lưu tâm mà Chánh Niệm hơi thở sẽ giúp cho chúng ta tịch tĩnh, an vui, hạnh phúc!
Ngày nay, người ta không đưa Phật giáo ứng dụng vào đời sống con người để cho mỗi người chúng ta là Phật tử tại gia hoặc những người chỉ nghe qua, biết về Phật giáo, có thể ứng dụng được lời Phật làm hữu ích cho cuộc sống của xã hội hiện tiền, lợi lạc cho đời sống của họ và của muôn người. Mà hình như đã tập trung quá vào sự chết, cận tử nghiệp trung chuyển của thần thức trong lúc chết, gọi là điểm hẹn phút cuối của cuộc đời là sự chết đó. Để rồi sống không có lạc quan, sống tiêu cực, sống mà cứ lo cho sự chết. Ta đang sống mà không sống trọn vẹn, lo chi cho sự chết chưa tới?
Nếu mỗi một giây phút trong hiện tại, ta thắp sáng được trí tuệ, lan tỏa được yêu thương, Chánh Niệm trong từng hơi thở khi đi, khi đứng, khi nằm, khi làm việc, khi tương tác, khi ngủ, khi thức. Thì từng giây phút trôi qua, mỗi người chúng ta sẽ thành tựu được sự an lạc của cuộc sống. Có chi mà cứ quảng cáo, quảng bá về cận tử nghiệp để người ta sợ? Phật không hù dọa như các tôn giáo: “Theo ta thì sống, không theo ta thì chết!”! Phật chỉ tới nói thật rõ trong Tứ Thánh Đế khổ! Khổ là gì? Sinh – Lão – Bệnh – Tử là khổ, cầu bất đắc là khổ, không như ý là khổ, oan gia trái chủ là khổ, ngũ ấm thịnh suy là khổ. Rồi dạy cho ta nguyên nhân mà tạo ra cái khổ đó là bởi vì chấp!
Cho nên trong câu số 02, Thiền Mật song tu, chúng ta tập và quán chiếu về vô thường để phá vỡ cái chấp đi. Vô thường, hiểu được vạn pháp vô thường sanh diệt trong từng sát na để Bảo Thành và các bạn không còn bám víu vào những cái gì gọi là tôi, gọi là tôi có được cái này mãi mãi, có được cái kia mãi mãi. Sinh ra với cái sắc đẹp trọn hảo, để cuối cùng khi nó nhăn thì buồn, khi nó bệnh thì khổ, khi nó chết thì đau đớn, khi sống thì hồi hộp lo sợ.
Hiểu được vô thường như thế là thấu được vô ngã, vô ngã tức là bởi vì cuộc sống hiện hữu theo duyên lúc này lúc kia, nên chẳng có một ngã tướng nào trường tồn. Nhưng hiểu như thế thì nó quá sâu, chỉ hiểu đơn giản rằng vô ngã là đừng bám víu để tự xưng cái tôi của mình, từ đó mà lấn át kẻ khác hoặc lấn át sự an lạc vốn có trong ta để tìm, vùi đầu trong đau khổ, lo âu và sợ hãi.
Đừng hù dọa nhau! Thế Tôn tới để mang sự hạnh phúc, an bình cho chúng ta. Sự khai thị của Phật là giúp cho chúng ta sống bình an và hạnh phúc, không qua cái cơ chế hù dọa của những nền triết học, giáo lý học, tâm lý học vẽ vời như những hoạ sĩ mù vẽ cảnh trời mênh mông vô tận trong cái cõi tưởng tượng quá lớn của họ, để rồi chúng ta sợ lắm.
Người ta viết ra đủ mọi lý thuyết và ứng vào đó những ngôn từ phù hợp, ta nghe riết rồi thấy nó đúng, rồi ta bị cài đặt. Chúng ta cài đặt cái phương pháp nào thì cũng sẽ có hacker vào đánh sập mà thôi. Nếu các bạn không cài đặt mọi phương pháp mà chỉ dùng Chánh Kiến, tư duy, suy nghĩ trong Chánh Niệm để có một đời sống Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, có được sự tinh tấn cho đúng, và có được Chánh Định rồi, Định trong Chánh Niệm. Thì điểm hẹn phút cuối của cuộc đời chẳng có gì phải lo lắng. Bởi mỗi một điểm ta hít vào thở ra là ta đang sống. Dù cái thân này còn hay cái thân này tan rã theo nhân duyên của Tứ Đại giả hợp là Đất, Nước, Gió, Lửa của Tứ Đại hay của những nguyên tố hình thành nên thân này, cách nói nào không quan trọng, chỉ cần hiểu rằng cuộc sống kiếp này, ta đang mang thân người – pháp phương tiện vi diệu như Phật đã khai thị, ứng dụng ngay trong lúc này Chánh Niệm hơi thở, để thành tựu được an lạc. Đây là điều rất quan trọng cho chúng ta!
Đừng nghe theo những phương pháp hù dọa để làm cho sợ hãi rồi biến chúng ta không còn tự đứng dậy thắp đuốc mà đi. Nhưng lệ thuộc vào những chủ thuyết, những giáo thuyết của những bậc Tổ Sư, những bậc Thầy, của những vị luôn luôn mang sự hù dọa về cả một cảnh giới đau đớn tột cùng. Phật đã nói vạn sự ở đời các pháp hiển hiện đều do nhân quả. Do duyên tạo bởi nhân quả thiện và ác. Vậy nên nếu trong từng Chánh Niệm hơi thở, chúng ta tạo ra nhân thiện, thì phút cuối của cuộc đời nó tới, cũng chỉ là một điểm hẹn trong hơi thở nhẹ nhàng, để chúng ta thong dong như mây trời, vững chãi như núi xanh, chẳng sợ hãi gì. Chẳng cần Tăng đoàn, chẳng cần ban hộ niệm, chẳng cần kèn trống, chẳng cần Kinh kệ, chẳng cần những nghi thức đâu. Bởi chết theo nghiệp mà đi, nghiệp ai người đó chịu, Phật không xen vào nghiệp của chúng sanh thì chẳng có một bậc tôn túc, Tăng đoàn, ban hộ niệm hoặc một ai đó cầu Kinh, cúng kiến, nghi thức, tống táng, chẩn tế rình rang hương khói, đồ ăn cho đầy. Để rồi ta gọi là giây phút trung chuyển của cuộc đời 49 ngày cận tử nghiệp đó, nương vào Tăng thân, ban hộ niệm để được giải thoát. Vậy thì còn chi là nhân quả?
Chẳng cần phải tu các bạn ơi! Nhân quả không có, tức là Phật nói đã sai! Bởi nay chúng ta lệ thuộc, vậy thì cần viết một cái bài gì? Di chúc để lại cho con cháu khi chết, đây là số tiền ta có được, nhớ thỉnh 100 vị Tăng hoặc Ni, làm 49 ngày cho rình rang, cầu cúng tế đi. Thế là rồi đi về cảnh giới an lành, có chi đâu mà phải tu?
Nhân quả là chân lý mà không ai có thể phá vỡ được khi Đức Phật khai thị! Mà tất cả mọi tôn giáo đều phải tuân thủ theo luật nhân quả này. Dưới các hình thức của ngôn ngữ tôn giáo của họ, dù có khác nhưng đồng một ý nghĩa thiện và ác rõ ràng. Hành thiện thì sống thiện lành ngay kiếp này, và nếu như điểm hẹn phút cuối của hơi thở cuối cùng có tới, ta cũng thiện lành mà ra đi. Nghiêng về bên phải, nghiêng về điều phải thì đổ về bên phải, sanh về lẽ phải, cảnh giới thiện lành. Nghiêng về bên trái thì đổ về bên trái, cả cuộc đời làm những chuyện trái ngang, khi chết ai có thể cứu được ta? Chỉ có nghiệp của ta tạo được phước mới là điểm tựa cho ta tái sanh cảnh lành! Chỉ có nghiệp của ta tạo ra hoạ là lửa địa ngục thiêu đốt chúng ta! Điểm hẹn phút cuối chẳng cần phải lo nghĩ! Cận tử nghiệp chẳng cần phải tư duy! Chết như thế nào chẳng cần phải biết! Ngay bây giờ phải biết sống! Tại đây, trong Chánh Niệm, phải biết sống như thế nào mới là quan trọng! Bạn đã quá lo lắng về sự chết mà quên đi sống như thế nào trong hiện tại. Điểm hẹn phút cuối của cuộc đời chẳng bao giờ tới, chẳng bao giờ đi. Nếu như chúng ta Chánh Niệm hơi thở thì điểm hẹn phút cuối đó trở thành bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm bởi ta tịch tĩnh trong từng hơi thở của Chánh Niệm nơi Tứ Đại cũng như khi Tứ Đại tan rã, thân xác kiếp người không còn nữa, ta vẫn tự tại, thong dong bởi luôn Chánh Niệm.
Các bạn! Đây là lời dạy của Đức Phật! Cần phải chú trọng sống thật với kiếp người hiện tại ngay trong Chánh Niệm, nghĩ đến pháp thiện mà thực hành từng giây từng phút. Đừng đắm mình trong những chủ thuyết lệ thuộc vào Tăng thân và ban hộ niệm, vào một bậc đạo sư cao cả hoặc những bậc thầy gọi là tu đúng để dẫn đưa thần thức của bạn qua những câu Kinh, tiếng kệ, nghi thức, cúng kiếng mà con người như những hoạ sĩ mù vẽ vời ra để cứu chuộc chúng ta. Đạo Phật dạy không ai cứu được chúng ta, không ai cứu chuộc được chúng ta, chỉ có nghiệp của ta mà thôi! Điểm hẹn phút cuối của cuộc đời chính là trong hơi thở của hiện tại thành tựu được pháp lạc. Thành tựu được pháp lạc thì không bao giờ có phút cuối! Chẳng cần phải hẹn hò để lo lắng, bồn chồn, sợ hãi về những điều ta đang hứa hẹn của ngày sau. Mà hãy sống hiện tại Chánh Niệm từ bi – trí tuệ ngay tại nơi đây, chỗ này!
Hãy đặt bàn tay phải – bàn tay tượng trưng cho Trí Tuệ vào bàn tay trái – bàn tay tượng trưng cho Từ Bi!
Thưa Phật! Bát Chánh Đạo; 08 con đường Thánh dẫn đưa chúng con trong an lạc, tịch tĩnh. Thành tựu được Niết Bàn ngay đây, chỗ này trong kiếp người vi diệu bởi có thân này. Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ bi – pháp phương tiện vi diệu. Nguyện Chư Phật, Chư Bồ Tát, Thánh Hiền gia trì để chúng con luôn tinh tấn để có được Chánh Định trong sự thực hiện tu tập để thành tựu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Hôm nay chúng con đồng tu với nhau để thấu rõ Chánh Niệm hơi thở là pháp bảo vi diệu để không còn lo lắng, sợ hãi cho cận tử nghiệp, phút trung chuyển nơi cuối cùng của sự chết. Mà là sống an vui, Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ để thành tựu ngay bây giờ và tại đây pháp thiện lành an lạc.
Có được chút phước báu nào, xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Hồi hướng cho tất cả các hương linh vì đại dịch mà đã ra đi tái sanh cảnh lành do thiện nghiệp đã tạo. Hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới thoát khỏi cảnh đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh!