Bảo Tịnh Hương đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ để chúng con trong Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thấu rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt trong từng sát na là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Xin Chư Phật chứng minh.
Chúng con cũng đồng tâm nguyện xin cho quê hương Việt Nam quốc tổ thân yêu của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch để muôn người trở về với đời sống bình thường của kiếp người.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái trái tượng trưng cho Từ Bi.
Hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng trí tuệ và lan tỏa tình yêu thương.
Hãy Chánh Niệm hơi thở, thể nhập vào trong tự tánh, nghĩ đến đấng bậc sinh thành, ông bà, gia đình, người thân, cộng đồng, xã hội, nhân loại. Rải năng lượng tình yêu thương, năng lượng trí tuệ tịch tĩnh của Chư Phật tới với mọi người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú. Mỗi một chu kỳ như vậy, chúng ta trì một mật chú khác nhau. Chúng ta đang tu tập hai mật chú là từ bi chú và trí tuệ chú.
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(16:52) Mô Phật!
Các bạn! Với một sự tu tập gọi là công hạnh bình thường hít vào phình bụng, thở ra từ từ và quán chiếu tâm từ bi và trí tuệ qua hai mật chú ta vừa tổng trì với nhau, tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu các bạn chú tâm vào tu tập, những thời khắc nhiệm mầu sẽ xuất hiện. Bởi lúc đó, bạn trở về với chính bạn, thể nhập vào tự tánh. Tự tánh của tâm từ bi, tự tánh của trí tuệ. Chỉ đơn giản như thế nhưng tràn đầy năng lượng như một chuyến xe dài cần đổ thêm xăng, như một đoạn đường thật dài cần phải nghỉ ngơi. Từ bi và trí tuệ, hai mật ngôn này nhắc nhở cho chúng ta đoạn đường dài đi từ sanh tới tử để thoát khỏi luân hồi rất cần những nhiên liệu siêu nhiên tự thể vốn có trong ta đó là từ bi và trí tuệ.
Chủ đề ngày hôm nay: “Ta Đang Ở Đâu”. Nếu được đặt câu hỏi: “Bảo Thành đang ở đâu?”, câu trả lời thật tự nhiên và rất hồn nhiên: “Bảo Thành đang ở tiểu bang Minnesota, Mỹ quốc”. Và mỗi người chúng ta nếu được hỏi thì sẽ trả lời tôi đang ở địa phương nơi mình cư trú. Đó là sự trả lời hiển nhiên, rất máy móc.
“Ta Đang Ở Đâu” là một chủ đề để cho chúng ta tham thoại với chính mình, giúp ích cho chúng ta có thể định hình rằng ta đang ở đâu để ứng dụng được tánh biết nhắc nhở mình đừng để cho tâm của ta như là mây lang thang cuối trời quên lãng. Ta thường để cho tâm đi như con khỉ, phóng như con ngựa, gọi là phóng tâm. Mà thực sự, nếu không định được tâm mà minh định mình đang ở chỗ nào, có lẽ ta thực sự như mây lang thang cuối trời quên lãng. Để khi ngày cuối tới hay cuối cuộc đời, ta chẳng biết ta về đâu bởi ta có biết ta đang ở đâu đâu mà định được phương hướng ta về đâu.
Trong những thời gian khoảng chừng thời kỳ đầu, trẻ con được coi phim người dơi. Chúng đi chợ, chúng thích mua áo của người dơi mặc vào để thể hiện cá tính của người dơi, như bay, như nhảy, như người hùng cứu độ mọi người. Bảo Thành từng gặp những đứa trẻ khi tới chùa, các em đó đóng vai người dơi nhảy múa lung tung những động tác y như phim người dơi hoặc họa vậy. Và Bảo Thành cũng phải đóng vai người dơi cho nên nói chuyện với mấy em thật là thích bởi vì cùng cá tánh của người dơi.
Rồi cho đến khi phim người nhện bắt đầu xuất hiện, các em lại cứ búng tay phóng tơ nhện. Gặp các em tới chùa, cứ búng tay như vậy là nó thích rồi. Búng tay như vầy nè quý vị (Thầy diễn tả hành động) là phóng tơ nhện ra, sợi tơ ra bay bay bay bay, hấp dẫn quá. Và lúc đó, Bảo Thành lại phải nhập vai người nhện như mấy em đang hiện hữu ở chỗ người nhện.
Có một lần Bảo Thành đi từ thiện ở Việt Nam, tới một trại mồ côi của các Ma Sơ bên Thiên Chúa giáo. Bảo Thành lúc đó cũng đi với một Ma Sơ và một số bạn đồng tu để làm từ thiện. Khi tới gặp các em trong trại mồ côi đó, các em ở trong Dòng Thiên Chúa nhưng gặp Bảo Thành cái đầu trọc như vậy, các em lại nói: “Đường Tăng, Đường Tăng, Tề Thiên” và các em nhảy múa như Tề Thiên khi gặp thấy Bảo Thành. Bảo Thành mới cảm thấy hơi lạ! Ở trong nhà Dòng Thiên Chúa, sao lại có mấy em biết được Đường Tăng và Tề Thiên, thấy được Đường Tăng – một nhà sư như Bảo Thành, nhảy múa như Tề Thiên – con khỉ? Hỏi cho rõ, các Sơ nói rằng bởi vì các em thích coi phim Tề Thiên Đại Thánh, bật phim lên coi trong giờ giải trí nhưng mà không ngờ nó nhiễm vào trong đầu, nó nhập vai luôn.
Người lớn của chúng ta, thuở mà trước năm 1970, thuở đó một số bạn trẻ chưa có thể hình dung ra được, thời hoàng kim của Kim Dung, kiếm hiệp, ra từng tập truyện, cũng chưa đóng thành phim. Thật là nhiều người thuở đó mê truyện kiếm hiệp đến mức mà đi làm thì trốn vào gốc cây hoặc dưới những cầu thang, đọc truyện, nghiền ngẫm cả ngày, tối chưa về. Rồi đôi khi nhập vào cốt truyện của những vai anh hùng hảo hớn của kiếm hiệp, múa may quay cuồng, rồi đôi khi tưởng mình có thần thông cái thế, đưa tay chưởng một cái là có thể di sơn dời hải, đánh một phát là có thể đã phá hoặc là bay lùi mấy trăm trượng, người ta sợ hãi mình.
Rồi thật nhiều lúc ngay ngày hôm nay, các bạn đọc được một mẫu chuyện, một câu chuyện nói về huyền bí xứ Phù Tang hay xứ Tây Tạng, hay những xứ tuyết xa xôi ta chưa thể đặt chân tới. Thì trong đầu nhập vào vai của những nhân vật ta yêu thích để rồi cả cuộc sống cứ bồng bềnh trôi nổi trên những giai thoại của những câu chuyện huyền bí. Chắc chắn các bạn bị như vậy! Bảo Thành cũng từng bị nhiễm vào như thế cho nên suy bụng ta ra bụng người! Thấy mình nhiễm vào những vai như vậy của những câu chuyện, ngay cả của những câu Kinh được cho là của Phật nhưng lại phóng tác theo chiều sâu tưởng tượng của các nhà văn được mượn danh dưới hình thức ghi chép Kinh, nguyên tác theo sự phóng tác của bản thân. Để rồi chúng ta khi đọc thấy hay quá, bị nhiễm vào những vai chính như vậy hoặc yêu thích những nhân vật để đắm chìm ở trong đó.
Lượt qua một chỗ, một chỗ yếu nhất của con người là dễ thẩm nhập vào những vai của những nhân vật chính hoặc những nhân vật ta yêu thích trong truyện. Truyện được ghi trên sách, trong phim được chiếu ra hoặc trong sự tưởng tượng của chúng ta. Ngay cả khi đọc Kinh, chúng ta cũng thường bị nhiễm vào những vị A La Hán, những bậc Tổ Sư, những vị Bồ Tát, để rồi nhập vai Bồ Tát, Thánh Hiền, A La Hán, Tổ Sư giáng trần gọi là gán vào, gá vào thân, giáng trần, bắt đầu là làm phép để độ chúng. Nhưng có một vai tuồng mà chính Đức Phật dạy cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta nhập vào vai đó bởi vai đó là vai chính của cuộc đời trong kiếp người, mà ta không muốn, ta lại muốn nhập vào những vai gì đó để rồi chẳng biết rằng ta đang ở đâu. Ta đang ở trong vai của những nhân vật ta yêu thích mà quên mất vai chính.
Hiện tượng này có! Ta đang học Phật, các bạn để ý đi! Chúng ta đang học về Phật pháp, Phật pháp do chính Đức Bổn Sư dạy, nhưng chúng ta dễ bị tiêm nhiễm và nhập vào những giai thoại của Kinh nơi các bậc Tổ Sư, các Chư Tổ, các bậc A La Hán, Bồ Tát, Thánh Hiền dạy để rồi chúng ta lại đi theo hướng tu Bồ Tát, tu A La Hán, tu theo pháp của các bậc Tổ Sư rồi dần dần hình như Phật không còn là bậc thầy chính để dạy cho chúng ta.
Thay vì ta luôn luôn phải ghi nhớ, các vị Bồ Tát, các vị A La Hán, Hiền Thánh Tăng, thiện tri thức hay các Chư Tổ đều là nhắc nhở và dạy dỗ chúng ta lời của Phật, nhưng mà dần, chúng ta chỉ theo các vị kia mà quên rằng những vị đó là trung gian, là sứ giả, là nhịp cầu để đưa chúng ta tới với Phật. Nhiều lúc chúng ta chẳng còn nghĩ Phật là ai nữa mà chỉ nghĩ đến các bậc Tổ Sư, Thánh Hiền, Bồ Tát. Thay vì chúng ta noi gương các đấng đó để chúng ta học về Phật, ta lại quên Phật và nhập vai các vị đó.
Có nhiều vị đọc qua Kinh nói về Bồ Tát, nói về vị thần thánh, nói về vị tiên, những câu chuyện gọi là Kinh đó, thì nhập vai vị đó ngay. Có người nhập vai Bà Chúa Xứ, vị thần này thần kia, thậm chí coi phim Bát Tiên lại nhập cảnh tiên. Rồi thì tiên giáng nhập vai, cho nước rửa chân uống vào trị bệnh. Có người lại đọc qua những phẩm Kinh lại nhập vai, nhập vai là Quan Âm giáng trần, tái sanh độ thế, nói lời huyên thuyên để rồi chẳng biết đang nói gì. Hiện tượng đó có nhiều lắm, cho nên mới có trường hợp ông này bà kia, ông này bà nọ. Điều đó có!
Chúng ta từ tuổi thơ hồn nhiên, nhập vai những cốt truyện ta nhìn qua cho tới tuổi lớn, mất hồn nhiên nhưng vẫn nhập vai thường xuyên.
Hiện tại bây giờ, Bảo Thành và các bạn đang ở đâu, nhập ở vai nào trong cuộc sống? Lắng đọng một giây để suy nghĩ: “Ta đang nhập vai gì đây?”.
– Tự trả lời cho bản thân: “Thực sự, mỗi người chúng ta đang chỉ nhập vai mình ưa thích!”.
Ta đang ở đâu? Hãy tự hỏi mình thử: “Ta đang ở đâu?”.
– Thiền Mật song tu trả lời cho chúng ta: “Ta đang ở đây, chỗ này, nơi Chánh Niệm!”.
Tu Chánh Niệm hơi thở, phép Thiền Mật song tu để lấy hai mốc chuẩn giữ tâm ta lại trong Chánh Niệm. Cột mốc đầu tiên là từ bi, cột mốc thứ hai là trí tuệ. Hai cột mốc từ bi và trí tuệ này, ta đứng ở giữa trong Chánh Niệm hơi thở để định hình được ta đang ở đâu. Ta đang ở cõi đất này, chỗ này, tại đây, trên thân người là phương tiện vi diệu Phật đã truyền cho chúng ta. Phải định được điều đó! Để như người thợ mỏ đã tìm thấy kho bạc thì đào bới ở trong đó, mang bạc, mang vàng, kim cương, hột xoàn để ứng dụng trong cuộc đời. Lấy hai mốc của trí tuệ và từ bi, lấy công cụ siêu việt của Chánh Niệm hơi thở để biết ta đang ở đây, chỗ này, Chánh Niệm ngay tại đây, đào bới trong thân người phương tiện vi diệu này để lấy được viên minh tuệ sáng ngời của tự tánh tâm Phật.
Nhưng chúng ta đã không trở về thực tế là người để đào trong kho tàng thân xác người, kiếp người là phương tiện vi diệu tìm viên kim cương to lớn tuyệt vời là tự tánh Phật mà đã bán mình cho những giai thoại của những nhân vật từ trong những câu chuyện phóng tác ở đời cũng như những đoạn Kinh viết ẩn tàng trong những ngôn ngữ cao siêu diệu vời, xa khỏi thực tế, chẳng nằm trong lòng bàn tay của người hướng tới sự giải thoát. Chúng ta đã đi quá xa, xa khỏi lòng bàn tay, xa khỏi tâm Phật của chúng ta mà cứ siêu siêu ở cõi trời nào đó như là mây trời. Ta cứ như mây trời, lang thang như mây trời, vào cuối cuộc đời quên lãng hết, chẳng được gì.
Các bạn thấy thật rõ! Nếu nhìn lại, ta chỉ đang đóng kịch, đóng tuồng, nhập vai mà thôi!
Phật hiểu được con người, thân kiếp của con người là phương tiện vi diệu nhưng tâm của con người là sự tích lũy, thừa hưởng gia tài của vô lượng kiếp lăn trôi trong luân hồi. Cái tâm Phàm phu đó, tuy ở trong kiếp người đa phương tiện, diệu dụng, phi thường nhưng vẫn bị chạy lung tung như khỉ, như ngựa, dễ nhập vai bên ngoài, quên mất đường về, định được tâm để thấy mình là ai, chỗ nào, ở đâu.
Ta đang ở đâu? Ta đang ở đây, trong Chánh Niệm hơi thở. Ta đang ở đâu? Ở trong tâm từ bi Mu A Mu Sa. Ta đang ở đâu? Ta đang ở trong trí tuệ viên mãn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chánh Niệm sẽ giúp cho chúng ta có được Chánh Định. Chánh Niệm và Chánh Định rất quan trọng để chúng ta không lang bạt kỳ hồ như mây trời trôi mãi quên lãng của cuộc đời, nhập vai thế tục nhảy múa lung tung, làm chuyện hài cho thiên hạ cười để quên mất bản thân.
Chánh Niệm hơi thở rất quan trọng! Các bạn đọc thấy một đoạn Kinh hay, các bạn thích ý Kinh đó, các bạn liền nhập vào đoạn Kinh đó. Rồi các bạn thay vì kinh hành theo lời Phật thì các bạn bị Kinh đó hành cái tâm, nhập vào vai đó. Không phải là kinh hành niệm Phật, không phải là kinh hành Chánh Niệm, không phải là kinh hành từ bi – trí tuệ, thiền định mà bị Kinh nó hành tâm của chúng ta đảo lộn hết. Từ đó suy ra, chúng ta nhập vai người nhện, người dơi, Tề Thiên Đại Thánh múa máy lung tung, rút ra ở lỗ tai đầy chướng ngại để đánh phá những người khác.
Ở đời có những con người nhập vai quá đáng để rồi cho mình một quyền lực moi móc lỗi của người khác để như thỏa mãn lòng khao khát danh vọng, địa vị để cho người khác tôn trọng mình. Nhưng ngược lại, lại đánh sập đi nhân phẩm của người khác bằng sự nhìn lỗi người mà chẳng thấy lỗi mình. Có! Trong đó có Bảo Thành, trong đó có các bạn, trong đó có thật nhiều người thường bị như thế nhưng chẳng nhận ra. Đến khi nhận ra thì đã tạo biết bao nhiêu những lỗi lầm, gây ra biết bao nhiêu những ác nghiệp từ môi miệng bởi từng sử dụng những lời thô ác, gây ra biết bao nhiêu ác nghiệp từ tâm bởi đã tuôn chảy những dòng tư tưởng ghê gớm lắm, chưa kể đến thân thì lộng hành trên bàn phím, viết những giai thoại, ngôn từ độc hại vô cùng, làm ô nhiễm môi trường, làm tổn hại môi trường xanh của tâm chân thật nơi con người.
Ta đang ở đâu? Ở vai Tề Thiên, người dơi, người nhện hay ở vai Thánh Hiền, Tổ Sư hay là vai gì? Vai của những câu Kinh thật hay đưa chúng ta siêu xuất về xứ tuyết của Tây Tạng hay của Hy Mã Lạp Sơn, hay của xứ Phù Tang hay ở nơi đâu, Tây Trúc, Thiên Trúc hay những cảnh giới Tây Thiên của Phật Di Đà hay ở cảnh giới Đông Phương Dược Sư hay cảnh giới Trung Thiên Giáo Chủ, cảnh giới gì đây? Ta dễ bị Kinh nó hành, nhập vai cao quá, cao quá!
Phật không dạy ta nhập vai nào hết! Phật không dạy ta mất đi chỗ đứng nơi kiếp người vi diệu. Chánh Niệm hơi thở, Phật giúp cho chúng ta trở về. Trở về bằng Chánh Niệm hơi thở, lấy hai mốc thật chặt cắm hai bên đó là mốc của từ bi và trí tuệ, hai cột mốc này bằng Chánh Niệm hơi thở, định hình thật rõ ta đang ở đâu. – Nơi Phật dạy và khai thị mang thân kiếp người thật khó nhưng là phương tiện vi diệu! Nói cho tỏ thì thân kiếp người là kho tàng vi diệu ẩn ở trong lòng đất tâm đầy những độ cứng của đá Tham – Sân – Si, cần phải có dụng cụ siêu một chút xíu, đó chính là dụng cụ của Chánh Niệm hơi thở mới có thể đào xuống, mới có thể khai quật cái mỏ này để lấy viên kim cương Phật tánh nhiệm mầu soi tỏ vào cuộc đời, thấy rõ mình đang ở đây, chỗ này.
Các bạn! Ta đang là người sống trên trái đất này và ta cần phải ứng dụng hơi thở Chánh Niệm một cách thường xuyên mỗi ngày. Như người thợ mỏ cần cù đào bới cho tới khi nào chạm vào được viên kim cương, chúng ta đang đào bới trong thân người vi diệu quặng mỏ mà Đức Phật đã thọ ký cho chúng ta. Nói thật rõ rồi! Chỉ cần cột thân người vào, cột tâm người vào trong từ bi và trí tuệ để khi chúng ta đi xuống hầm sâu của thân người của kiếp người này, với dụng cụ siêu thế Chánh Niệm hơi thở, ta sẽ đào được viên dạ minh châu lẫn ở trong ruột tượng muôn đời ta đã quên.
Chớ đừng mang kiếp ăn mày nữa! Ta là một kẻ giàu có, giàu gì? Bởi trong Phật tánh, Phật tâm, miền đất tâm đó có tất cả. Chẳng cần phải nhập vai người nhện, người dơi, Tề Thiên Đại Thánh! Chẳng cần phải nhập vai Quan Âm Bồ Tát, Thánh Hiền! Chẳng cần phải nhập vai thần thánh để nói như thánh như thần để độ thế! Chẳng cần nhập vai Phật, chẳng cần nhập vai cõi Tịnh Độ, chẳng cần phải để cho Kinh nó hành ta, miệng cứ tuôn ra Kinh làm nhức đầu thiên hạ, làm cho mọi người trở thành kinh hoàng, sợ hãi để rồi ngược lại, họ nói chúng ta là những con người kinh khủng, làm cho họ đảo loạn tâm thần!
Ta đọc Kinh Phật là để hiểu để hành chứ đừng để Kinh nó hành mình. Ta đang ở đâu? Ở tại đây, chỗ này, nơi Chánh Niệm hơi thở, giữ tâm từ bi hiện hữu, thắp sáng trí tuệ. Hai mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là từ bi và trí tuệ. Thiền từ bi trong Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta xa vời những ảo tưởng, những tư tưởng ảo nhập vai người hùng, nhập vai thánh, nhập vai thần tiên, nhập vai Phật, Bồ Tát. Ta không cần phải là Phật tại thế. Ta không cần phải là Bồ Tát tái sanh. Ta không cần phải đóng vai là những bậc Tổ Sư tái sanh nhiều đời là những vị Phật hoặc là những ứng hóa thân Bồ Tát. Ta chỉ cần là một con người thừa hưởng nghiệp lực đen tối nhiều kiếp sinh lại thế gian này, mang kiếp làm người là đã đủ, bởi thân kiếp làm người có phương tiện vi diệu nếu ứng dụng được Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu từ bi và trí tuệ thì ta sẽ thành Phật. Vậy thì ta có cần gì phải nhập vai ai? Chỉ chấp nhận ta đang là người, quán cho sâu cho rõ để thấy được nghiệp thức giữa bất thiện nghiệp và những điều gì ta hưởng được bởi nghiệp của chúng ta, ác nghiệp hay thiện nghiệp, chỉ vậy và Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ, ta bắt đầu chuyển nghiệp, thanh tịnh hoá thân tâm để trở về với chính tự tánh làm Phật của mình là đủ.
Nhớ, Bảo Thành và các bạn có thói quen khi đọc qua một đoạn Kinh, một đoạn văn, một ý tưởng nào đó trích dẫn trên Facebook, trên lời nói, trên bài giảng, trên những điều hướng dẫn của ai hoặc chia sẻ mà mình thích thì mình thủ đắc tư tưởng đó, mình nhiễm vào tư tưởng đó. Tức là ta đã tự lấy dây xỏ mũi, cột tai, cột chân, cột tay, cột trói ta lại trong ý tưởng đẹp đó để mộng để mơ để rồi lửng lửng lơ lơ bơ bơ ở cõi trời nào đó, chẳng biết mình đang ở đâu.
Ta có khi nào hỏi Chánh Niệm là gì? Chánh Niệm là một trong tám con đường thánh để đi tới chứng đắc đạo quả thành Phật của Tứ Thánh Đế, Phật dạy về Bát Chánh Đạo. Chánh Niệm không có gì xa vời, không có gì gọi là hoang tưởng đâu.
Bài pháp Chuyển Pháp Luân đầu tiên, Phật dạy về Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đạo là Bát Chánh Đạo, Chánh Niệm là một trong con đường Đức Phật dạy đầu tiên đó để mỗi người chúng ta thực tập mà trở thành Phật, thoát khổ, không còn bị tái sanh.
Tại sao tám con đường thánh nói thật rõ, ta không chọn một trong tám con đường đó để thực tập? Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Chánh Niệm là một trong những con đường thánh giúp chúng ta thành Phật, giúp chúng ta trụ vững và hiểu rõ mình đang ở đây, chỗ này, nơi thân kiếp phương tiện vi diệu của loài người, nơi thân kiếp này là kho tàng vô giá, dùng phương tiện Chánh Niệm và hai dụng cụ siêu thế khác là từ bi – trí tuệ để chúng ta định hình được mình và thành Phật.
Nếu vậy, sao các bạn không thực tập mà còn miên man dạo trên những đồng cỏ xanh rì của những loài cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, bươm bướm bay nhảy để rồi bắt bướm, bắt chuồn chuồn, bắt châu chấu, cào cào, đến khi kiệt sức nằm xuống lại bị giun dế đào bới làm cho tan thân xác của Đất, Nước, Gió, Lửa này?
Phải hiểu được giá trị của kiếp người! Phải thấu được giá trị của Pháp Phật và phải định hình được ta đang ở đâu!
Câu trả lời cho gọn ngày hôm nay trong câu tham thoại: “Ta đang ở đâu?”, Bảo Thành và các bạn phải dám khẳng định rằng ta đang ở đây, chỗ này. Làm sao biết? – Qua Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu từ bi và trí tuệ, ta biết ta đang ở đây, chỗ này, chẳng ở quá khứ, chẳng ở tương lai, chẳng ở cõi trời hay địa ngục, chẳng ở cõi thần, cõi tiên, cõi thánh, cõi Phật, cõi Bồ Tát mà ngay cõi trần gian kiếp người Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ.
Phải khẳng định như vậy! Đừng để cho vai người dơi, người nhện, Tề Thiên Đại Thánh, đừng để vai ông thần, ông thánh, đừng để vai bà này bà kia tức là Bà Chúa Xứ Bà Đen, Bà Đỏ, Bà Nâu, không phải ta khinh thường các vị đó nhưng ta không thể biến mình thành ai hết.
Ta, chỗ này, ngay đây, Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ, nói rõ hơn Chánh Niệm hơi thở đưa ta thể nhập vào trong từ bi và trí tuệ để không còn ta đang ở đâu, mà ngay chỗ này, tại đây chỉ có trí tuệ và từ bi. Chính thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở để nhất tâm hiện hữu trong trí tuệ và từ bi, ta phá vỡ tinh thần có ngã tướng, tức là quán chiếu vô ngã. Bởi hiểu tất cả những cái ta ta xây dựng trên những hình hài của những nhân vật đều là vô thường sanh – diệt, bám víu vào những vai đó để cho câu chuyện đó, ý tưởng đó, câu thơ đó, câu Kinh đó, nó hành hạ ta, nhập vào vai của những nhân vật anh hùng ta mơ ước, nhân vật Bồ Tát, Thánh Hiền, Tổ Sư ta thích thú hoặc ngay cả Phật nữa thì ta đã đánh mất ta bằng chính cái ta, cái tôi quá lớn.
Do đó, thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở để nhất tâm với từ bi và trí tuệ là một cách hiểu rõ được tinh thần vô ngã, phá vỡ đi cái tôi nhập nhằng của những vai anh hùng, vai thánh, vai thần, vai tiên, vai Phật, vai quỷ, vai ma để trở về chỉ có hơi thở Chánh Niệm mà thôi. Trong hơi thở đó, là sức mạnh siêu thế. Hơi thở Chánh Niệm là sức mạnh siêu thế để siêu Phàm nhập Thánh, tức là để siêu khỏi cõi Phàm phu uế trược, đi vào cõi Thánh thanh tịnh.
Các bạn! Phương tiện Chánh Niệm hơi thở, Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi cao siêu nhiệm mầu. Trí tuệ – từ bi quán, đó là phương tiện vi diệu của Mẹ hiền Quan Âm đã tu tập và được Ngài Thích Ca nói rằng: “Này Bồ Tát Quan Thế Âm! Nếu thấy phương tiện vi diệu nào, hãy hướng dẫn cho chúng sanh đời sau”. Và Đức Bồ Tát Quan Thế Âm đã dạy về trí tuệ – từ bi quán. Đọc phẩm Phổ Môn các bạn sẽ thấy rõ! Cách tu tuyệt vời!
Qua hơi thở Chánh Niệm để biết ta đang ở đâu, để thanh tịnh hóa thân tâm, không bị thấm vào và ô nhiễm cuộc đời bởi những nhân vật, những vai trò quá nổi tiếng, thần thông trong những cốt truyện phóng tác về những xứ sở huyền bí hay những câu Kinh nhiệm mầu của Kim Cang Thừa hay của Đại Thừa, Nguyên Thủy, A La Hán thần thông, mà trở về với thân kiếp làm người trên thân Tứ Đại này, chính đại địa này hợp từ Đất, Nước, Gió, Lửa đó, có một kho tàng vi diệu đó là tánh Phật. Mà chỉ cần dùng dụng cụ siêu thế Chánh Niệm hơi thở, từ bi – trí tuệ quán, mỗi người chúng ta biết mình đang ở đâu. Biết mình đang ở đây! Biết mình đang ở đâu? Đang ở chỗ này. Biết mình đang ở đâu? Chánh Niệm hơi thở. Biết mình đang ở đâu? Ở trí tuệ và từ bi.
Khổ đau sẽ rụng sẽ tan
Sầu bi ai oán chẳng còn nơi đây
Nơi đây chỉ trí tuệ – từ bi
Chánh Niệm hơi thở thắp sáng đời đời các bạn ơi!
Vậy là ta đã đi qua những câu nhắc nhở để biết mình đang ở đâu rồi!
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau để trở về với Chánh Niệm hơi thở, lấy trí tuệ và từ bi thể nhập vào tự tánh, rời bỏ những vai trò của những ảo tưởng huyễn giả nhân vật cái thế thần thông trong cuộc đời ta đã nhập.
Hãy khiêm tốn, hãy buông bỏ, hãy hỷ xả.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu ngày hôm nay nếu chúng con có tạo dựng được chúc phước đức nào, nguyện hồi hướng cho chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho quê hương Việt Nam của chúng con cũng như toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh.