Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Những lời chúng ta chúc lành với chánh tâm an nhiên tự tại đã xong. Giờ đây, mời các bạn, chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ quán chiếu hơi thở thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Chúng con cũng hồi hướng và nguyện xin Chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con cùng toàn thể thế giới mau thoát khỏi đại dịch để muôn người trở lại đời sống bình thường trong an lạc.
Xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Phật dạy rằng, hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng trí tuệ, lan tỏa tình yêu thương. Và luôn nghĩ tới các đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, cộng đồng và xã hội. Hãy hồi hướng cho nhau năng lượng siêu thế từ bi – trí tuệ của Phật để mọi người được sống trong sự tỉnh giác. Hãy khiêm tốn và thành kính thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở đón nhận năng lượng của Chư Phật.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(16:51) Mô Phật!
Các bạn! Chúng ta đôi khi coi quá nhẹ về sự thực tập trong hơi thở Chánh Niệm và quán chiếu từ bi – trí tuệ mỗi một giây phút trong cuộc sống. Sự đồng tu là giúp chúng ta nhắc cho nhau mỗi một ngày về từ bi và trí tuệ, thiền quán chiếu thể nhập để luôn luôn tịch tĩnh, an vui trong Chánh Niệm hơi thở và tánh biết nhìn rõ. Tuy nhiên, cuộc sống quá bận rộn, sự nhắc nhở đó vẫn còn rất hạn chế và rồi Phật tử tại gia như chúng ta hình như bận rộn từ sáng cho tới tối, và cứ như vậy, chúng ta không bao giờ liên tục thể nhập vào trong sự biết ta đang làm gì với năng lượng tình yêu thương hiện diện trong cuộc sống.
Chủ đề ngày hôm nay nghe thật gắn liền với cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chủ đề “Đi Tìm Cõi Mộng”, câu hỏi có phải chăng chúng ta là những con người đi tìm cõi mộng và không thể nào thoát ra khỏi cảnh mộng của trần gian hay không?
Cuộc đời là một cõi mộng liên tục từ thuở sinh ra cho tới khi chúng ta chết đi. Chính vì điều đó, Chư Phật, các Bậc Tổ đã liên tục nhắc nhở cho chúng ta tu và hành trì những sự tỉnh thức để chúng ta sống vào cõi mộng hay chúng ta sống trong cõi thanh tịnh, an lành.
Có những phương pháp Chư Tổ và Phật dạy cho chúng ta rất cần lưu tâm thực hành để thành tựu được điều đó. Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời của chúng ta, có những cõi mộng mà chúng ta đi tìm và không có một mộng mị nào, một ước mơ nào trùng với ước mơ và cõi mộng nào hết. Nó khác biệt thật là nhiều.
Có một vị thiền sư ở trên núi cao, vị ấy có một chú tiểu đi tới để học đạo cùng với Ngài, nhưng chú tiểu vì quá nhỏ, ban đêm ngủ thường chìm đắm vào những giấc mộng mơ. Trên núi cao không khí thoáng, cảnh lại đẹp, nhưng mỗi một giấc mộng mơ và tỉnh dậy, bởi là tiểu còn trẻ nên tâm chân thật và kể lại cho thiền sư nghe. Nhưng chú tiểu đó kể những câu chuyện lạ và chú không nhớ, chú kể một cách mơ hồ với thiền sư rằng: “Con tới chỗ này con tới chỗ kia, chuyện này xảy ra, chuyện kia xảy ra”. Những chuyện như vậy được kể cho thiền sư nghe, nhưng những câu chuyện đó không bao giờ có thật.
Xảy ra một thời gian thật dài, vị thiền sư thấy chú tiểu còn rất nhỏ nên không nhắc nhở gì nhiều và chỉ nói chú tiểu rằng: “Trong những giấc mộng, hãy cố gắng nhớ được gì thì nhớ”. Nhưng thực ra, chú tiểu không bao giờ nhớ được tất cả những chi tiết của cõi mộng khi nhập mộng. Và bởi lời của sư phụ thiền sư dặn: “Trong giấc mộng nhớ được gì thì nhớ”, từ đó, chú tiểu vùi mình tìm trong cõi mộng đó những sự việc gì xảy ra.
Và như vậy cho tới khi lớn tuổi, thiền sư mới nói với chú tiểu rằng: “Sau bao nhiêu năm con đi tìm trong cõi mộng để kể cho sư phụ nghe về những hiện tượng trong mộng, nay con có thấy gì không?”.
Chú tiểu nay đã 18 tuổi nói cũng rất chân thật rằng: “Con đã vùi đầu vào tất cả những gì trong cõi mộng, nhưng rất tiếc, con không nhớ được gì trong những cõi mộng đó. Sự thật hay không thật, có hoặc không có, cứ mơ hồ và cứ như vậy cho nên con thấy rằng có cần chăng phải đi tìm những sự mộng mơ trong cõi mộng đó?”
Và rồi thiền sư mới nói chú tiểu rằng: “Ở trong cõi mộng đó, ta đi tìm những mộng mơ thì tại sao cũng trong mộng, ta lại không đi tìm một giấc mộng cao hơn để thoát khỏi luân hồi sanh tử?”.
Chú tiểu thấy tò mò và hỏi: “Làm sao có thể có được giấc mộng như vậy?”.
Thiền sư trả lời: “Không cần phải vùi đầu vào trong giấc ngủ để đi tìm những mộng mơ. Bởi giấc mộng mơ trong cõi ngủ khi chúng ta nằm xuống, mọi hiện tượng đều không thật, chẳng nhớ và chẳng biết. Còn giấc mộng cao hơn là mộng thoát khỏi luân hồi sanh tử ta luôn nhớ và ta luôn biết. Giữ được những điều mà sư phụ truyền dạy thì các con cũng như đệ tử có thể thực hiện được giấc mộng giải thoát, bởi nó là một hiện thực của cuộc đời”.
Thời gian dài, theo sự tu tập của mình, chú tiểu giữ được và hiểu thấu được những lời sư phụ dạy.
Trong cõi mộng của cuộc đời chúng ta, chúng ta vùi đầu vào những giấc mộng khởi thủy khi sinh ra cho tới khi chết, lúc nào cũng nghĩ rằng mình biết, nhưng biết trong sự vô thức bởi chẳng bao giờ có một lề luật nào đó để chúng ta nhắc nhở bản thân tuân theo để có tánh liên tục nhìn rõ và biết. Từ sáng cho tới tối, biết bao nhiêu công việc, đôi khi ngồi nghĩ lại cũng chẳng nhớ dù chuyện đó mới xảy ra ở trong ngày. Nhìn cho kỹ, suy nghĩ cho kỹ thì những việc ta làm trong ngày đó là gì? Bởi những gì ta biết, nó sẽ không bao giờ bị đứt đoạn và những gì chúng ta biết sẽ luôn luôn tồn tại mãi. Nhưng mấy ai có thể nhớ được trọn vẹn một ngày đâu?
Các bạn cứ thử! Vào mỗi một buổi tối trước khi đi ngủ, bạn thử nhớ lại những suy nghĩ gì, những việc gì bạn đã làm trong ngày và những chuyện gì đã xảy ra trong cả một ngày đó. Có lẽ chúng ta không nhớ được toàn bộ. Có chỗ nhớ, có chỗ không. Trí nhớ của chúng ta lẫn lộn một cách thật mơ hồ thì chẳng khác gì chúng ta ở trong cõi mộng, bởi chuyện gì xảy ra trong ngày còn không nhớ, huống chi là mộng mà nhớ hết từ đầu đến đuôi. Và có ai lại nhớ tất cả mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời của chúng ta mỗi ngày?
Như vậy, chúng ta dù đang thức giữa ban ngày thì cũng chỉ là mộng mà chẳng bao giờ ta nhận biết được và nhớ rõ. Hơi thở chánh niệ khởi nguồn cho tánh biết, biết thật rõ không phải những lời mộng mơ trong cõi mộng mà nói về một vấn đề thực tại thật rõ: “Tất cả mọi sự ta tìm trong cuộc đời này đều kết thúc ở chữ “không” mà cuối cùng chỉ là mộng. Chúng ta cứ nghĩ nó là thật mà nó chẳng có thật”.
Bạn cứ nhìn vào mỗi một đời người kết thúc bằng sự chết. Người đó khi còn sống, bao nhiêu điều người ta đi tìm, tưởng là có thì khi kết thúc một đời người, họ có gì để mang theo? Họ không thể mang theo gì? Họ chẳng mang theo được thân. Thân xác bao nhiêu năm trời chăm chuốt cho nó cũng sẽ trở về với lòng đất. Cái đẹp của tướng hảo cũng tan theo mây khói, và rồi nhà cao cửa rộng, tiền tài, danh vọng, địa vị cũng chẳng thể mang theo. Điều đó đã chứng tỏ rằng muôn sự ở đời tìm kiếm khi trong kiếp người chỉ là những thứ chẳng thể mang theo. Và một sự thách đố rằng, nếu như cũng ở trong cõi mộng của kiếp người, sao chúng ta không bao giờ cho mình có một giấc mộng cao hơn bởi vì chúng ta chưa tìm chân lý trong cõi mộng của cuộc đời, một cõi mộng trong sanh tử để rồi thoát khỏi khổ đau.
Để thực hiện được một giấc mộng cao hơn những giấc mộng chẳng thể nhớ, chẳng thể có, chẳng thể mang gọi là giấc mộng thoát khỏi những ác mộng của đời thường thì điều kiện thật đơn giản. Ở trên đời bất cứ gì cũng cần có một điều kiện. Điều kiện theo những quy luật để bảo vệ an toàn cho bản thân mới có thể đi từ điểm khởi đầu cho tới chỗ ta muốn tới. Giấc mộng thoát khỏi luân hồi sanh tử cũng có điều kiện, tuân thủ theo những quy luật của Đức Phật dạy. Đức Phật nhận rõ, để có được một giấc mộng cao hơn để thoát ra khỏi sanh tử luân hồi, giấc mộng đó phải tuân theo quy luật mà Phật đã nhìn thấy, Phật đã thực hành và Phật đã thành tựu được. Mỗi một người trong chúng ta chỉ cần giữ năm giới. Đó là những giới cấm của nhà Phật du hành từ điểm này cho tới điểm kia của sự an toàn là không sát sanh, chẳng trộm cắp, tà dâm, nói dối, sử dụng các chất say trong cuộc đời. Là những điều cần phải giữ trên trục lộ để thành tựu được một chân lý.
Bởi khi giữ giới, bạn sẽ biết bạn làm gì. Biết những điều ác, biết những điều thiện. Và chúng ta thấy trong luật vận hành, lái xe an toàn mà không xảy ra tai nạn thì đối với nhà Phật, giới là những luật giúp cho chúng ta không xảy ra những tai nạn về những pháp ác để ảnh hưởng tới đời sống của muôn người. Giữ giới là hiểu được lối thẳng để chúng ta đi mà đạt được mục tiêu cao cả là thoát khỏi những hầm hố của những ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo, cũng như những pháp ác tới trong cuộc đời.
“Đi Tìm Cõi Mộng”, đời là một cõi mộng dài liên tục và trong mỗi cõi mộng để có được tánh biết thì chỉ cần giữ giới, đó là Giới – Định – Huệ. Giới chẳng phải là nhiều giới trọng, giới cao. Giới như Đức Phật dạy là các giới luật rất bình thường trên lộ trình giải thoát mình đó là phải có tánh biết trong ngay cõi mộng để biết là mê, hết mộng là tỉnh thức. Tỉnh thức là biết. Do đó trong cõi mộng của cuộc đời, nếu tánh biết luôn hiện hữu thì tâm ta không mộng, không huyễn. Khác biệt ngay chỗ đó!
Nếu bạn luôn biết thì bất cứ một cõi nào bạn ở, với tánh biết của tâm đó, bạn thấy rõ tất cả mọi tạo tác, suy nghĩ, lời nói, thì bạn tỉnh thức. Còn nếu như không có tánh biết, dù ở một cảnh giới thanh tịnh đi nữa thì đều chỉ là cõi mộng, nếu không có tánh biết thì chỉ là huyễn giả lập trình để lừa gạt các bạn.
Hôm nay, đối với Thiền Mật song tu, ta thường nhắc nhở nhau về ba chữ Giới – Định – Huệ. Có nhiều bạn cảm thấy phức tạp và nhiều quá, thực ra chỉ có năm giới căn bản đó là năm giới để tâm mình an định trên trục lộ giải thoát, trên lộ trình trở về với sự an lạc. Mỗi một người chỉ cần có tánh biết, biết được ác, biết được thiện, gắn kết với điều thiện thì lộ trình giải thoát luôn luôn thể hiện bởi tánh biết của chúng ta. Chỉ cần làm được điều đó thôi! Mà để tánh biết hiện hữu trong cuộc đời từng giây phút khi đi, khi ngồi, khi nói, khi ăn, thậm chí cả khi ngủ, Đức Phật dạy, chỉ cần đi vào trong Chánh Niệm hơi thở.
Có lẽ khi nói đến hơi thở, mọi người đã coi thường và xem nhẹ, nhưng thở trong Chánh Niệm, các bạn cần phải thực tập. Khi thực tập Chánh Niệm hơi thở sẽ giúp cho chúng ta phát huy được tánh biết mọi nơi, mọi chốn và ở mọi khung cảnh khác nhau, thời gian khác nhau, ngữ cảnh sinh hoạt khác nhau.
Chánh Niệm hơi thở rất quan trọng trong Thiền Mật song tu! Nếu bạn có thể tập luyện được Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi, thiền trí tuệ bằng hai mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì thật sự trong cõi mộng của cuộc đời, bạn sẽ tìm ra chân lý. Tánh biết của bạn vẫn biết, tâm tỉnh thức bước vào trong những cõi mộng huyễn giả của cuộc đời sẽ thấy bản thân có trí tuệ và từ bi.
Chúng ta học Phật là cần phải thực tập để thành tựu chứ không phải nghe cho đầy đầu để như những thứ trang sức khoe cho cuộc đời biết ta biết về Phật. Lời Đức Phật dạy chẳng phải để khoe nhưng là sự khai thị, hướng dẫn như một bậc thầy để chúng ta thực hành. Tánh biết rất cần! Nếu có được tánh biết rồi, người có tánh biết tức là đã giữ giới bởi người giữ giới thì có tánh biết và tánh biết đó giúp cho chúng ta tâm định, an lạc, hạnh phúc và có được trí huệ nhìn rõ được mọi thứ. Và chúng ta lại được phép đi tìm chân lý thực, chân lý giải thoát ngay trong cõi mộng của cuộc đời chứ không cần phải lìa cõi mộng này đâu. Chỉ cần với tánh biết hiện hữu, trong cõi mộng huyễn giả đó, ta vẫn tầm thấy được chân lý giải thoát. Chúng ta chỉ cần thực tập mà thôi!
Hôm nay các bạn đã biết, các bạn đã nghe, nhưng có lẽ thiếu sự tôn trọng đối với chính bản thân của mình. Từ đó, mà chúng ta không bao giờ thực hành. Chỉ nghe, chỉ tập chơi chơi cho vui chứ không chú trọng vào. Tánh biết của chúng ta chỉ lóe lên như một tia sáng rồi ta đóng cửa lại, cửa sổ, cửa chính vây kín cuộc đời, chẳng còn để một tia sáng mặt trời lọt vào nên cứ u tối, vô minh. Vậy chúng ta phải mở toang ra! Sáu căn phải mở toang ra! Chẳng phải phải la to mà chỉ cần mở toang ra để tánh biết hiện diện ngay các căn của chúng ta, các giác quan của chúng ta. Tánh biết đứng ngay mọi giác quan, thì đó là cõi mộng bạn đang đi tìm chân lý và chân lý đó thật sự là thật, dù là cõi mộng.
Hãy thực tập thiền trí tuệ và từ bi để các giác quan là mắt, mũi, miệng, sáu căn biết gì? Biết thiện, biết ác. Biết được đó là tánh biết. Biết như vậy dù trong cõi mộng, bạn vẫn biết để chạm tay vào phước báu. Để xa lìa cõi ác, để giảm đi tối thiểu những tai hoạ tới trong cuộc đời.
Nếu như ngay lỗ tai của chúng ta nghe mà để tánh biết nghe, nó sẽ biết được thiện – ác, và ta cũng nghe được những âm thanh vi diệu trong pháp thiện. Dù trong cõi mộng, tánh biết vẫn nghe thật rõ!
Nói dần đến tất cả mọi giác quan, đi đứng, nằm, ngồi, sự va chạm trong cuộc sống, nếu bạn luôn luôn đặt để tánh biết ở tất cả các cửa ngõ giác quan dù u tối vẫn có thể tìm được chân lý giải thoát ngay trong cõi mộng của cuộc đời. Do đó, để có được tánh biết hiện hữu trong cuộc đời, Bảo Thành và các bạn cần phải nghe theo lời Đức Phật dạy, Chánh Niệm hơi thở, thực tập từ từ, thật là dễ, không khó. Tuân thủ những quy luật trên lộ trình tu tập cho người Phật tử tại gia, nhưng rất tốt. Dù là xuất gia hay tại gia thì đó là nền tảng căn bản vững chắc để cho mỗi người chúng ta khi thực tập sẽ thành tựu được đạo quả ngay trong cõi mộng của kiếp người mà không phải ở kiếp sau hoặc từ bỏ cõi mộng này để đi tới một cảnh giới cao hơn. Dù là mộng hay không mộng, mọi cảnh giới đều thể hiện từ tâm và tánh thấy biết. Vạn pháp quy tâm từ tánh biết mà hiển lộ, mà được giải thoát. Do đó, hôm nay, chúng ta nhớ hãy tự nhắc nhở nhau ở trong đời, hãy cho mình một sự tôn trọng đặc biệt bằng sự từ bỏ thói quen ngày xưa, thói quen là chúng ta chưa biết Chánh Niệm hơi thở là quan trọng, thói quen là chúng ta không bao giờ giữ giới. Người lái xe phải giữ quy luật lái xe, luật vận hành. Người lái xe của cuộc đời vượt qua cõi mộng, hố sâu của đau khổ luân hồi sanh tử cần phải tuân theo luật để vận hành cuộc đời của chúng ta vượt qua cõi mộng, cõi huyễn giả này để tới được đích. Năm giới cấm Phật nói rành rành thật là rõ! Đừng sát sanh, đừng trộm cắp, đừng tà dâm, đừng nói dối, đừng sử dụng các chất say làm điên đảo não bộ. Thì nhất định giữ được năm giới đó, tâm bạn sẽ an định để bạn sẽ tìm thấy chân lý giải thoát ngay cõi mộng của cuộc đời. Năm giới đấy sẽ giúp cho bạn có được Chánh Định thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở và biết được tất cả những gì đang xảy ra ngay trong hiện tại. Để biết những gì lưu giữ ta, kìm giữ ta để vùi đầu vào quá khứ, để không bị tương lai dắt mũi kéo đi mà sống thực tế, sống ngay trong hiện tại hiện hữu, biết. Tánh biết bởi Chánh Niệm ngay trong hiện tại có công năng giải thoát và giữ cho người tài xế của cuộc đời vượt qua cõi mộng là tâm với tánh biết trong từng giây phút, từng thời, từng khắc của cuộc sống. Người lái xe cần phải tỉnh để có thể vượt đoạn đường dài, chặn đường gian khó nơi những mây mù và luôn luôn có đèn của tánh biết chiếu soi. Thế nên sau chặng đường của sương mù, của màn đêm, họ lại thấy đường để vượt qua. Chúng ta cũng như vậy, ta biết suốt màn đêm, thấu được màn sương mù che dày đặc của tâm Tham – Sân – Si. Chỉ có tánh biết mới thấy được điều đó! Và tánh biết đó sẽ có bởi sự thực hành Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi là hai công thức, là hai công năng mà suốt cả chiều dài Đức Phật dạy, Tam Tạng Đại Kinh không nằm ngoài hai chữ “trí tuệ và từ bi”.
Thực hiện thiền trí tuệ và từ bi, Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta lại sẽ tìm ra chân lý để thoát khỏi luân hồi sanh tử. Còn nếu không có trí tuệ và từ bi, dù bạn có làm gì đi nữa thì bạn đã đặt để mình ở một cảnh giới cao, nó cũng chỉ là cảnh của giới trong mộng để rồi chỉ tìm những sự thỏa mãn những giác quan, kích thích những cảm xúc. Tánh biết chẳng bao giờ chạm được, chẳng hiện hữu trong từng thời, từng khắc ta đang sống.
Trong mộng, ta thường không bao giờ nhớ, chẳng bao giờ biết. Thiền trong Chánh Niệm, trí tuệ và từ bi, bạn sẽ nhớ và bạn sẽ biết thật thong dong và tự tại, thật an nhiên và hạnh phúc. Không cần thiết phải tạo nhiều chuyện rối rắm khác như đổ tất cả các màu sắc pha trộn vào con mắt của chúng ta, lỗ tai của chúng ta, giác quan của chúng ta, vẽ vời nhiều màu sắc để cuối cùng không tìm được sắc là không. Tất cả trong cõi mộng, có – không chỉ là mộng. Tánh biết sẽ giúp cho bạn an vui và hạnh phúc, khỏe mạnh, tươi trẻ. Tánh biết thật dễ thực tập! Miên mật giữ năm giới, tâm sẽ định, trí huệ sẽ bừng khai và trong cõi mộng của cuộc đời, bạn và Bảo Thành vẫn có thể đi tìm chân lý thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Có những thứ thật là dễ nhưng chúng ta không được nhắc nhở, hoặc chúng ta bản thân coi thường với chính mình. Nên cứ như chú tiểu kia, phải để đến năm thứ 18, đủ trí khôn rồi mới thấu hiểu rằng đi tìm trong cõi mộng thì chẳng bao giờ nhớ và biết. Và bạn không biết thì chính là cõi mộng. Còn những điều gì bạn nhớ và bạn biết, nhớ gì, nhớ năm giới, biết gì, biết trong tánh biết thì tâm bạn sẽ định và trí huệ sẽ bừng khai.
Trong cõi mộng của cuộc đời, dù dưới mọi hình thức xuất gia hay tại gia, thân tướng ở chỗ nào đi nữa, dù là cõi mộng, tâm vẫn an bởi luôn biết vạn pháp đều do tâm, tâm an là bởi vì biết. Biết là tỉnh, không biết là mộng. Còn biết là tỉnh thì cõi nào dù là mộng cũng sẽ tỉnh.
Hãy tỉnh trong cõi mộng để chúng ta có một cõi mộng thật sự, mộng thoát khỏi sanh tử luân hồi, tốt hơn là mộng đắm chìm trong ngũ dục, thỏa mãn các giác quan của kiếp người này mà thôi.
Hãy tự nhắc nhở mình luôn sống trong Chánh Niệm hơi thở với từ bi và trí tuệ để chúng ta cùng đồng tu với nhau thực sự thoát khỏi giấc mộng này bằng tánh biết, bằng Chánh Niệm hơi thở để mọi thời, mọi khắc đơn giản hóa những sự rườm rà trong câu chữ để chúng ta thực sự lột bỏ tất cả những thứ không cần thiết để đi vào miền đất Phật mà Đức Phật dạy chỉ qua Chánh Niệm hơi thở rất đơn giản bằng thiền trí tuệ và từ bi.
Chân – Thiện – Mỹ và con đường giải thoát khỏi luân hồi sanh tử ngay trong cõi mộng này!
Các bạn! Hãy cố gắng!
Giờ đây, Bảo Thành mời các bạn đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái là bàn tay Từ Bi.
An trú trong Chánh Niệm hơi thở với trí tuệ – từ bi quán để luôn mở các cửa ngõ giác quan, để trong cõi mộng của cuộc đời, chúng ta luôn tỉnh thức và tìm được chân lý thoát khỏi luân hồi.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Trong buổi đồng tu hôm nay, chúng con có được chút phước đức nào, xin hồi hướng cho mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh.