Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Giờ đồng tu đã tới, kính mời mọi người thanh tịnh Thân – Ngữ – Ý của mình và đồng quy hướng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ, thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở quán chiếu để nhận rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.
Chúng con cũng thành tâm hồi hướng cho quê hương Việt Nam quốc tổ của chúng con và trên toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.
Con xin Chư Phật chứng minh.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.
Đồng trở về với Chánh Niệm hơi thở, gắn kết với Chư Phật mười phương. Khiêm tốn đón nhận sự gia trì của Chư Phật thắp sáng trí tuệ, quán chiếu thân tâm.
Luôn luôn nghĩ về các đấng sanh thành, gia đình, bạn bè, cộng đồng và xã hội. Nguyện cho muôn người an lạc, bớt bệnh, bớt phiền, bớt não, thân tâm thường an lạc, tinh tấn trên con đường tu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật!
Các bạn thân mến! Hôm nay là ngày thứ năm, tại tiểu bang Minnesota nắng ấm, trời rất đẹp làm cho tinh thần cảm thấy nhẹ nhàng.
Đúng! Môi trường bên ngoài có sự cộng hưởng với sự thanh tịnh của tâm. Nếu tâm của các bạn thanh tịnh thì môi trường xung quanh chúng ta đang sống sẽ có một sự cộng hưởng thật tốt và tích cực. Dù cho như ngày hôm nay trời không sáng, không đẹp, với tâm tịnh, dù nó u ám, ta vẫn vui, bởi tâm tịnh, muôn sự đều lành, tâm tịnh vạn sự đều vui. Sự cộng hưởng ở chỗ tâm ta thanh tịnh mà dù trời nắng, trời mưa, trời sáng hay u ám, ta đều nhìn thấy cái dụng của bầu trời để hòa mình tận hưởng sự hiện diện trong ngay giờ phút này. Hiện tại, những gì chúng ta thấy, cảm nhận và cho là đang ở với chúng ta nơi hiện tại chính là những cái đẹp nhất nếu tâm bạn thanh tịnh. Còn nếu tâm không thanh tịnh thì muôn điều ta ước mong có cận kề ngay trước mắt cũng biến thành cấu uế, cũng biến thành uế trược và rồi làm cho chúng ta thêm nhiều chuyện phiền não mà thôi.
Chủ đề hôm nay các bạn gửi về “Đánh Mất Bản Thân”. Có khi nào các bạn và Bảo Thành tự hỏi mình, hỏi chính mình rằng: “Ta có khi nào đánh mất bản thân chưa?”. Câu hỏi đó không biết có ai hỏi không, nhưng chắc chắn đã nghe được từ bạn của mình hoặc từ chính mình nói với những người khác rằng: “Đừng bao giờ đánh mất bản thân!”. Nhưng câu “Đừng bao giờ đánh mất bản thân” mang một ý nghĩa để thể hiện mình, để thể hiện cái tôi, để thể hiện chỗ đứng, chỗ cứng, chỗ chịu chơi hay chỗ mà ta cho rằng đó là mình. Mỗi khi ai chạm vào tự ái, mỗi khi ai đụng vào chỗ ngứa của ta, mỗi khi ai nói tới điều gì mà ta ưa thích thì hình như nhóm bạn bè hoặc chính ta lại văng vẳng trong tâm rằng: “Đừng đánh mất bản thân! Đừng đánh mất mình!”, và cứ thế, ta chẳng bao giờ nhận ra giá trị hiện thực của mọi sự việc, nhưng cứ lấn ướt để cho cảm xúc dâng trào, thể hiện bản thân để cái tôi, cái ngã của mình đẩy lùi ta về phía sau.
Định nghĩa “Đánh mất bản thân” như thế nào không biết! Mỗi người chúng ta đều có một quan niệm, một khái niệm về đời sống. Bởi vậy, bản thân của mình là gì thì tùy theo cảm hứng, cảm xúc, tùy theo môi trường tác động, tùy theo hoàn cảnh sống, chúng ta lệ thuộc vào những điều đó, và như vậy, bản thân được định nghĩa khác biệt.
Có người hỏi: “Bản thân của mình là gì?”. Đôi khi ta định nghĩa bản thân của tôi là một ông vua, là vị tổng thống, là thủ tướng, là dân thường, là người giàu có quyền lực, là giám đốc, là công nhân, là nông dân hay là một người bình thường, có thể là một vị xuất gia hay là một người không có một địa vị gì trong xã hội, tùy theo. Nay ta không bàn tới những chuyện trong dân gian định nghĩa bản thân của ta và của họ như thế nào.
Trở về một câu chuyện thực tế thời Đức Phật. Thời Đức Phật có một vị Tỳ Kheo tức là đệ tử của Phật. Vị Thầy này đã bảy lần, bảy lần hoàn tục, tức là vị đó đã đi theo Phật tu rồi, thọ giới Tỳ Kheo. Lần một, lần hai, lần ba, lần bốn, lần năm, lần sáu và bảy lần từ bỏ để hoàn tục tức là hoàn y, gỡ áo ra, không giữ giới nữa, không theo Phật nữa, đi về nhà. Câu hỏi: “Điều gì anh ta có ở nhà để hấp dẫn đến mức đã đi theo Phật mà phải bảy lần từ bỏ Phật rồi trở lại, bỏ rồi trở lại, bỏ Phật rồi trở lại, không tu, đi về nhà rồi trở lại đến bảy lần?”.
Thưa các bạn! Câu trả lời: “Vị Thầy này chỉ có một cái cuốc và một mảnh ruộng!”.
Gia tài của anh ta chỉ có một cái cuốc và một mảnh ruộng thời đó. Vậy mà cái cuốc đó, thửa ruộng đó đã làm cho anh ta không thể bỏ được. Dù đã thọ giới Tỳ Kheo, miên mật giữ giới, tu kề cận với sư huynh, sư đệ, với bậc giác ngộ mà phải bỏ đến bảy lần hoàn y trở đi trở lại và cuối cùng lần thứ bảy, anh ta cũng trở lại. Nhưng cũng cố giấu cái cuốc ở bên mình đâu đó để khi cần lại sử dụng, tiện bề cho vấn đề cuốc xới ruộng nương.
Rồi một hôm anh ta mới suy nghĩ mình là ai? Sao phải bỏ Phật, bỏ Tăng thân đến bảy lần để trở về ôm lấy cái cuốc và thửa ruộng? Ai là ta mà sao bảy lần phải trở về ôm thửa ruộng, cầm cái cuốc? Cái cuốc và thửa ruộng kia có giá trị gì và ta là ai? Và rồi vị Thầy đó đã ngồi xuống thiền và quán chiếu về tự thân của mình là gì, là ai và ý nghĩa của cái cuốc, thửa ruộng, cũng như bản thân. Cuối cùng vị Thầy đó giác ngộ ra tấm thân này và mọi sự chiều chuộng tấm thân này đều sẽ trở về hư không. Cái cuốc kia chẳng là gì, chỉ là vật dụng để làm ruộng. Thửa ruộng kia cũng chẳng thể mang theo. Quán chiếu và thấy được sự vô thường trong đời sống, nhận rõ được lời Phật dạy, lúc này vị Thầy đó mới liễu ngộ và mừng vui vô cùng. Vị Thầy này đi tới bờ sông, quẳng cái cuốc xuống dòng sông và la thật to, rung động cả góc trời là “Ta đã chiến thắng! Ta đã chiến thắng! Ta đã chiến thắng!”. Tiếng nói “Ta đã chiến thắng” vang rộng khắp mọi nơi, vọng vang khắp mọi cõi, chỗ nào cũng nghe thấy bởi đó là lời mừng vui, nhận ra được giá trị của bản thân và bản thân là gì, cho nên anh ta – Thầy đó đã quăng cái cuốc xuống dòng sông và la to lên như vậy.
Đồng một lúc đó, Vua Ba Tư Nặc và đoàn quân vừa chiến thắng một trận chiến hãi hùng, trở về ngang dòng sông, thấy vị Thầy kia la thật to: “Ta đã chiến thắng” thì Vua Ba Tư Nặc tự vấn lương tâm và hỏi mọi người: “Này các binh sĩ! Có phải chăng ta là vua đã mang quân đi đánh vừa chiến thắng, sao lại có người nói rằng họ đang chiến thắng?”.
Vua lại gần hỏi vị Thầy đó: “Thưa Thầy! Thầy chiến thắng là chiến thắng gì?”.
Vị Thầy đó nói với vua rằng: “Tôi đã chiến thắng bản thân vì đã bảy lần bỏ Phật đi về ôm cái cuốc và thửa ruộng, nay mới liễu ngộ và thông được rằng vạn pháp vô thường sanh – diệt, giá trị trân quý nhất chính là cái tâm, chẳng phải thửa ruộng và cái cuốc kia”.
Các bạn! Thầy đó đã nhận ra giá trị của bản thân và thấy rằng đã bao nhiêu lâu nay đánh mất bản thân. Còn Bảo Thành và các bạn, có phải chăng khư khư ôm lấy cái cuốc, nắm cho thật chặt? Cái cuốc của Tham – Sân – Si đào bới trong thửa ruộng tham ái của kiếp người để bới moi quyền danh chức vị, tiền tài, danh vọng, địa vị, những thú vui của cuộc đời thỏa mãn những cảm xúc và cảm giác của những giác quan hay không?
Vị đó bảy lần bỏ Phật về ôm cái cuốc, ta đã bảy lần hay bảy kiếp hay vô lượng kiếp bỏ Phật, trở về ôm cái cuốc của Tham – Sân – Si, đào bới trong thửa ruộng của tham ái, tham dục của Ngũ Dục tìm kiếm gì đây? Sao đã nhiều đời Bảo Thành và các bạn đã từ khước sự khai thị của Phật, hoàn tục trở về đắm mình trong thửa ruộng nhỏ bé của Ngũ Dục chỉ để làm thỏa mãn những cảm giác của giác quan mà thôi. Như miệng ăn cho sướng, mắt nhìn cho đã. Những cảm xúc từ tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý đó là thửa ruộng. Thay vì đó là ruộng báu có kho tàng của sự thanh tịnh, lục căn thanh tịnh thì ta lại đắm chìm trong cái cuốc Tham – Sân – Si đào bới, vùi mình ở trong Ngũ Dục của cuộc đời. Để không một lần đến bảy lần như vị Thầy kia bỏ Phật mà đã một đời, nhiều đời và thật nhiều đời, vô lượng kiếp qua, Bảo Thành và các bạn đã xoay lưng lại với Phật, trở về nắm chặt cái cuốc của Tham – Sân – Si, đào bới trong thửa ruộng của Ngũ Dục để thỏa mãn cảm giác, cảm xúc của riêng mình.
Ta chẳng đánh mất bản thân bởi những cảm xúc bởi sự cô đơn, bởi sự trống vắng, bởi sự phản bội, bởi thất bại, bởi đại dịch hay bởi muôn phần các bạn có thể liệt kê ra!
Nhất định đã có nhiều lần các bạn và Bảo Thành cảm thấy mình đánh mất bản thân trong bữa họp bạn vì cuộc tranh luận, đuối lý rồi cãi càng: “Tôi như vậy!”. Chắc có! Ai không từng đi qua một thời tuổi trẻ và ai không nhiều lần phạm vào chỗ muốn tự chứng tỏ bản thân nhưng không được nên gọi là đánh mất bản thân. Để cuối cùng chúng ta làm sao? Chúng ta chẳng sợ những tai hại, nguy hại ta đang hành, ta đang làm mà cứ thế lao đầu về phía trước.
Đánh mất bản thân là những sự trống vắng, cô đơn, phiền muộn. Là tất cả mọi sự tương tác thành bại trong cuộc đời, những sự sân giận, những cảm thọ tới bởi va chạm qua giác quan và mọi người, xã hội. Chúng ta cảm thấy khó chịu và tưởng như mất. Bởi mỗi người chúng ta luôn luôn muốn chứng tỏ bản thân hay nói đúng hơn là bản ngã của riêng mình. Và mỗi khi chúng ta đuối lý hoặc chúng ta không thể chứng tỏ được, cảm giác rằng chúng ta mất bản thân, nên cương cứng trong sự suy nghĩ một chiều. Một chiều chỉ bảo thủ cái tôi, để rồi cứ thế chẳng sợ điều gì sẽ xảy ra, lấn tới phía trước làm bậy, tổn thương muôn người.
Đánh mất bản thân là chỗ không nhìn thấy rằng những điều đó chỉ là cái bóng phản ảnh tâm thanh tịnh của ta, để rồi cho những cái bóng đó bao trùm, che kín, không còn thấy đường để mà đi. Đánh mất bản thân là bởi vì ta không thấy đường mà đi bởi không quán chiếu thật sâu như vị Thầy kia đã thấy giá trị của cuộc đời, của cái cuốc và thửa ruộng, cuốc Tham – Sân – Si và thửa ruộng của Ngũ Dục. Ôm ấp mãi, hoàn y trở về, bỏ Phật ra đi đến bảy lần rồi cuối cùng mới sẵn sàng quăng cái cuốc và thửa ruộng xuống dòng sông để nhận biết được một giá trị cao quý hơn.
Ta đã bao nhiêu lần làm cho cha mẹ buồn, ta đã bao nhiêu lần làm cho vợ chồng phải đau khổ, ta đã bao nhiêu lần làm vợ, làm cho chồng đau khổ bởi những suy nghĩ không chín chắn hay những hành vi không tốt đẹp? Ta đã bao nhiêu lần là chồng mà đã làm cho vợ khổ vô cùng, đến tận cùng, đến khốn cùng bởi vì ta suy nghĩ sai, ta hành động lỗ mãng, thô bạo, ác độc?
Trong những mối quan hệ giữa người và người, giữa cộng đồng, xã hội, gia đình và bản thân, chúng ta đã bao nhiêu lần làm cho những người đó, người thương yêu quý kính như cha mẹ, ông bà hay vợ chồng, con cái hay chỉ là người trên con đường ta đi gặp đau khổ? Nhưng ta chẳng sợ! Bởi ta không nhìn thấu đó là cái bóng của cảm xúc để nhìn rõ bản tánh chân thật, tịch tĩnh của mình. Để rồi phủ lấp bằng sự chẳng thấu nhân quả, chẳng sợ nghiệp chướng, nhào mình vào phía trước, tiếp tục tiếp tay cho những hành động sai trái đó, và luôn luôn, luôn luôn có những lời lẽ thật ngọt ngào để tiếp bước ta sa đà vào ruộng của Ngũ Dục, đắm chìm trong cái cuốc của Tham – Sân – Si, đào bới, đào bới, đào bới từ đời này qua đời kia chẳng biết mệt mỏi. Như con giun, con dế, con sâu, con bọ chui vào đống phân, đống phân của Ngũ Dục, ngửi mùi xú uế, vậy mà tận hưởng thật vui.
Đó là đánh mất bản thân! Mất bản thân là không hiểu, không thấu được nhân quả, chẳng sợ nhân quả!
Những ai cứ nghĩ rằng cuộc đời này chết là hết, chẳng có gì phải sợ, chẳng có nhân quả. Chết là hết! Quan niệm đó vẫn còn ở trong thật nhiều người ngày hôm nay. Không tin nhân quả và nói rằng: “Chết là hết!”. Họ chẳng tin vào một tôn giáo, một chân lý, một sự hướng dẫn, khai thị của những bậc giác ngộ. Họ nói: “Chết là hết!” để rồi khuyến khích, thúc đẩy mọi người muốn làm gì thì làm đi. “Chỉ có một đời để sống, tận hưởng đi, sung sướng đi, sai trái, được mất có ý nghĩa gì đâu, một đời để sống!” và như vậy họ lăn xả vào để thỏa mãn những cảm xúc, những cảm thọ, và rồi họ đã đánh mất bản thân bởi vì sự quan niệm sai trái rằng: “Chết là hết!”.
Các bạn thấy không, có thật nhiều quan niệm sai lầm! Quan niệm rằng có một đấng ban ơn, cứu độ chúng ta để rồi cứ ở đó để đấng đó cứu thì cũng là đánh mất bản thân. Bởi không sống thật với chính mình trong hiện tại khi mang thân kiếp làm người. Sống lãng phí, sống lệ thuộc, sống nô lệ cho một đấng nào đó để thi ân bố đức, giúp ta thoát.
Còn có những con người tin vào chân lý của vật chất, chân lý của niềm tin này,…, ôi đủ thứ hết, chẳng thấu được nhân quả do chính ta tạo để nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh – diệt, làm cho tâm tham ái của cuộc đời lấn áp để chúng ta hoàn tục. Hoàn tục như vị Thầy kia, có nghĩa là đâu lại hoàn đó. Bỏ tất cả những chân lý cao đẹp của Phật khai thị, của những đấng giác ngộ trong tôn giáo mình dạy dỗ để lại lao mình vào trong sự đắm chìm bởi cái cuốc Tham – Sân – Si, nắm thật chặt trong bàn tay, cuốc, bới, đào nhưng đâu có hiểu rằng cái cuốc Tham – Sân – Si đó, chúng ta đang đào bới trong cái ruộng Ngũ Dục của mình.
Bạn nhớ câu chuyện vừa kể lúc đầu là vị Tỳ Kheo đó chỉ có một cái cuốc và một thửa ruộng thôi mà hoàn tục bỏ Phật đến bảy lần, sau mới giác ngộ và quẳng nó đi. Thì chúng ta nhớ rằng đã muôn đời chúng ta, Bảo Thành và các bạn đã cầm thật chặt, giữ thật chặt cái cuốc của Tham – Sân – Si đào bới trong thửa ruộng Ngũ Dục của kiếp người, của kiếp thú, của ngạ quỷ, của lục đạo luân hồi. Cứ đào, cứ bới mà chẳng thể hiểu rằng sự đào bới đó là đào bới cho mình một cái mồ sâu để chôn xác kẻ tham dục, tham ái mà cứ ngỡ rằng ta đánh mất bản thân nên không thể buông bỏ.
Các bạn nhớ! Chữ “bản thân” cần phải được định nghĩa chín chắn, đúng với Chánh Kiến, Tư Duy của nhà Phật. Bản thân của ta là gì? Là trí tuệ và từ bi, là thanh tịnh tuyệt đối, là Phật tánh. Chẳng phải là tiền tài, danh vọng, địa vị, Ngũ Dục của cuộc đời mà ta chưa có. Chẳng phải là cái cuốc của Tham – Sân – Si đào bới để chôn thân vào lòng đời ô nhục, uế trược đâu. Chúng ta có phẩm tánh cao quý hơn những điều ta nhìn thấy đó chính là trí tuệ – từ bi, Phật tánh.
Các bạn! Trong thời gian thế giới đang loạn về những điều tuột khỏi tầm tay có thể kiểm soát được, chúng ta có cơ hội thẩm định lại cuộc đời bởi nhìn rõ sự vô thường đây đó ngay trước mặt. Ta có cơ hội thẩm định lại giá trị của bản thân như vị Tỳ Kheo kia lần thứ bảy đã ngồi xuống quán chiếu và tự hỏi: “Ta là ai? Phải chăng cái cuốc và thửa ruộng là điều hấp dẫn để bỏ Phật trở về hoàn tục?”. Ta phải tự hỏi như vậy một lần nữa như vị Tỳ Kheo kia rằng: “Ta có cái cuốc cầm chặt ở trong tay không muốn bỏ hay không?”.
Cầm chặt như vậy nè các bạn! (Thầy diễn tả bằng hành động)
Vậy thì cái cuốc đó là cái cuốc Tham – Sân – Si. Bảo Thành và các bạn có tham không? Có. Có sân không? Có. Có si không? Có. Có nghĩa là ta có một cái cuốc Tham – Sân – Si, ta có thửa ruộng của Ngũ Dục không? Ta tham tiền, ta đắm đuối trong ái dục, tình cảm, trong danh vọng và quyền lợi, trong nhà cao cửa rộng, trong tiền tài, ăn uống. Các bạn và Bảo Thành có thửa ruộng Ngũ Dục đó không? Có. Và đã muôn đời Bảo Thành và các bạn như vị Tỳ Kheo kia, chỉ có cái cuốc của Tham – Sân – Si đào bới, đào bới, đào bới trong thửa ruộng Ngũ Dục, vậy mà sẵn sàng chứng tỏ bản thân bản lĩnh, từ bỏ Chư Phật về miền đất tăm tối, ô nhục, uế trược, đào lỗ, đào mồ chôn thân.
Các bạn! Thời đại dịch chẳng phải là đáng sợ như muôn người đang nghĩ như thế. Đáng sợ nhất trong cuộc đời chính là ở chỗ không phải dịch, không phải bệnh, không phải chết, không phải thế giới điêu linh trước những cảnh không thể kiềm chế được, mà sự đáng sợ nhất là ở chỗ không thấu rõ được nhân quả. Đây không phải là Bảo Thành nói, mà đây là chính lời của Chư Phật khai thị, cái đáng sợ nhất trong cuộc đời là chúng ta không thấu rõ được nhân quả, tạo nghiệp vô số, chẳng thể biết dừng, đắm chìm trong Tham – Sân – Si, đào bới trong Ngũ Dục.
Các bạn! Chúng ta chỉ là xác chết Ai Cập được ướp bởi hương vị của Ngũ Dục, tẩm ba thứ độc dược nguy hại mà mối mọt, những thứ vi khuẩn khác không dám đi vào để cho xác ướp của cuộc đời cứ như thế tồn tại, ba độc được đó chính là Tham – Sân – Si.
Chúng ta đã đánh mất bản thân bởi không thấu được nhân quả, nghiệp Phật dạy thật rõ. Phật dạy cho chúng ta khi hiểu rõ được nhân quả thiện – ác thì chúng ta mới nhận ra tất cả những gì trên đời này, các pháp trên đời này đều là vô thường sanh – diệt, chẳng có để mang theo ngoài trí tuệ và từ bi tạo ra thiện nghiệp hoặc ác nghiệp mà thôi.
Do đó, đánh mất bản thân đúng theo như lời Phật dạy là mỗi khi chúng ta không hiểu nhân quả hoặc không muốn hiểu nhân quả để làm bừa bãi, để cứng đầu cứng cổ chứng tỏ bản lĩnh bản thân để nâng cao bản ngã, lòng tự tôn để khi chạm tự ái một chút xíu thôi là nổ đùng đùng đùng giết chết biết bao nhiêu con người không bằng bom, không bằng đạn, không bằng súng mà bằng những hành động tạo tác, những ngôn ngữ ác độc, thô ác, hung dữ.
Bảo Thành và các bạn đã nhiều kiếp trải qua, đắm chìm trong những tư tưởng chẳng thấu nhân quả, tạo ác vô cùng. Đây chính là lúc mà không phải Bảo Thành và các bạn mà tất cả chúng ta hãy tự ngồi xuống như vị Thầy kia, vị Tỳ Kheo kia, sau bảy lần bỏ Phật dám ngồi xuống trực diện tham vấn, quán chiếu và tự hỏi: “Có phải chăng ta đã chỉ vì cái cuốc của Tham – Sân – Si và vì mảnh ruộng của Ngũ Dục: tiền tài, danh vọng, địa vị, nhà cao cửa rộng, ăn uống và ngủ nghỉ để rồi trốn tránh sự khai thị, không đồng hành với bậc minh tuệ là Phật. Bỏ Phật mà đi, chôn vùi cuộc đời bằng cuốc Tham – Sân – Si và ruộng Ngũ Dục hay không?”.
Vị Tỳ Kheo kia bỏ Phật đến bảy lần quán chiếu rõ mới quăng cái cuốc xuống dưới ruộng, vua Ba Tư Nặc hãi hùng khi nghe ông ta nói ông ta đã chiến thắng. Chúng ta cứ nghĩ rằng đánh hằng trăm, hằng ngàn quân địch cho họ chết, cho họ chạy để chiếm được quốc gia này quốc gia kia như Vua Ba Tư Nặc mới là người chiến thắng. Chiến thắng đó là chiến thắng sai định nghĩa của nhà Phật, mà chỉ là chiến thắng của tâm Tham – Sân – Si đắm chìm trong Ngũ Dục mà thôi. Chiến thắng chính xác nhất của vị Tỳ Kheo kia là chiến thắng được Tham – Sân – Si, Ngũ Dục. Chiến thắng được bản thân của sự đắm chìm, không thấu rõ nhân quả đã thả mình bồng bềnh trên những cảm xúc, cảm thọ của các giác quan. Chiến thắng được điều đó mới xứng đáng là Vị Tỳ Kheo theo Phật. Quăng cái cuốc Tham – Sân – Si xuống lòng sông để trôi mất. Quẳng cái ruộng Ngũ Dục đi chẳng ôm ấp làm gì. Bởi vạn pháp ở trên đời này là vô thường sanh – diệt, chẳng tồn tại mãi đâu!
Bạn có nghe được Bảo Thành đang nói gì không?
Và bạn ơi! Những điều Bảo Thành nói có làm cho bạn suy nghĩ một chút gì không? Tư duy một chút gì không? Hay bạn lại muốn trở thành vị Tỳ Kheo kia? Vị Tỳ Kheo kia có phước là bảy lần giác ngộ và quăng đi bởi chiến thắng được bản thân, thấu rõ được nhân quả, hiểu thấu được vô thường, còn đã vô lượng kiếp qua, chúng ta không thấu được nhân quả, chẳng nhìn rõ vô thường, đắm chìm mãi mà thôi.
Sao cứ phải như vậy? Nay học Phật, Thiền Mật song tu, lấy trí tuệ làm gốc, làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng, thắp sáng trí tuệ và lan tỏa tình yêu thương. Mật ngôn Mu A Mu Sa rất quan trọng bởi vì đây là thiền từ bi, Mu A Mu Sa là từ bi, nghĩa là từ bi. Thiền từ bi là quán chiếu tâm từ, tâm bi, đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ, chính ta là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm trở về với chính mình. Thiền trí tuệ như Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi nhìn rõ là bậc đại trí, ta phải trở về với trí tuệ và thắp sáng nó bằng từ bi. Thiền trí tuệ và thiền từ bi là pháp thiền viên mãn phù hợp, đơn giản cho mọi người trong mọi tầng lớp của xã hội. Bởi chỉ có trí tuệ mới từ bi mới có thể giúp cho chúng ta chuyển hóa mọi nghiệp ác nhiều đời và thoát khỏi sanh tử mà thôi. Ngài Quán Âm đã tu tập pháp đó, Ngài Địa Tạng Bồ Tát đã thực hành mà bước vào địa ngục chẳng sợ hãi bởi lòng từ bi rộng lớn vô lượng thế giới như tận mãi hư không, lửa địa ngục chẳng làm cho Ngài sợ hãi bước vào trong đó để cứu độ chúng sanh, khai thị, dạy dỗ.
Chúng ta! Trong biển đời bồng bềnh những sự sợ hãi, đặc biệt là mùa dịch này, cần phải trở về để quán chiếu như vị Tỳ Kheo kia, một lần dõng mãnh ngồi xuống nhìn rõ xem ta có đang nắm chặt cái cuốc của Tham – Sân – Si, đào bới, đào bới, đào bới trong tiền, trong danh, trong vọng, trong quyền lực, trong tình ái, sắc dục, trong nhà cửa, đồ ăn thức uống. Ta có đắm chìm, đào bới mãi những thứ đó hay không?
Tất cả những thứ đó đều là những thứ hư mất, vô thường, tới lui, chẳng có, chẳng bền vững. Vậy sao không một lần quẳng chúng xuống dòng sông của cuộc đời như vị Tỳ Kheo kia và la cho thật to: “Ta đã chiến thắng!”? Chiến thắng ở đây là chiến thắng bản thân đắm chìm trong những cảm thọ, cảm xúc của những pháp vô thường biến hiện, của những điều không thấu nhân quả.
Các bạn! Nếu bạn một lần ngồi xuống tịch tĩnh trở về với Chánh Niệm hơi thở, ngay trong lúc này, rất tốt. Bởi vì muôn sự hoang mang, sợ hãi đang lan tràn ngoài kia và xảy ra trước mặt các bạn, trong tâm của các bạn cũng đang như vậy. Nếu bình tĩnh trở lại, chỉ ngồi xuống thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, trì mật ngôn từ bi Mu A Mu Sa, trì mật ngôn trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, các bạn sẽ được đại hùng đại lực, sự gia trì đặc biệt của bậc có trí tuệ là Phật. Tha lực vô biên đó giúp cho bạn thấu rõ được vạn pháp là vô thường, nếu bám víu vào cái cuốc của Tham – Sân – Si và ruộng vô thường của Ngũ Dục thì sẽ tạo ra muôn trùng khổ đau đầy ắp, chất chồng. Bạn sẽ hiểu được tinh thần vô ngã để từ đó buông bỏ, quăng vào dòng sông kia để la thật to: “Ta đã chiến thắng!” làm cho muôn người như Vua Ba Tư Nặc phải hãi hùng, bởi ông ta nghĩ rằng ông ta là kẻ chiến thắng bởi đã dẹp hàng trăm vạn quân lính. Nhưng chiến thắng đó chẳng phải là chiến thắng. Bởi dù bạn có chiến thắng hàng trăm, hàng vạn kẻ thù trên chiến trường thì đó vẫn là sự thất bại, bởi tăng trưởng lòng Tham – Sân – Si. Kẻ chiến thắng là chiến thắng chính bản thân, chiến thắng chính bản thân là nhìn thấu vô thường sanh – diệt, chiến thắng chính bản thân là nhìn rõ nhân quả thiện – ác.
Như vậy, các bạn và Bảo Thành đã thấu rồi! Chúng ta chưa một lần chiến thắng bởi chưa thấu được nhân quả để dừng những nhân ác. Bởi chưa hiểu và nhìn thấu được vô thường nên vẫn khổ, khổ dài dài. Chẳng phải bảy lần bỏ Phật như vị Tỳ Kheo kia mà vô lượng kiếp qua, ta đã bỏ Phật ra đi, chẳng một lần trở lại. Ôm chặt cái cuốc của Tham – Sân – Si đào bới mãi trong ruộng Ngũ Dục của tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục, nhà cửa, ăn uống, vật chất của thế gian. Những điều hư mất, chẳng còn, chẳng có, vậy mà cứ đắm chìm, ái nhiễm, chẳng thể thoát!
Phải một lần ngồi xuống để quán chiếu, phải thẩm nhập vào Chánh Niệm của hơi thở, phải thiền từ bi và trí tuệ, phải hỏi lại mình: “Ta là ai?”. Và phải có lòng dõng mãnh nhìn thấu được vô thường, vạn pháp như thế. Để quăng cái cuốc Tham – Sân – Si, thửa ruộng Ngũ Dục kia đi thì mới chính là kẻ chiến thắng bản thân. Và như vậy, ta mới không đánh mất bản thân của mình.
Suy ra, Bảo Thành và các bạn đã, đang và sẽ luôn luôn đánh mất bản thân nếu như không hiểu được nhân quả và thấu được vô thường bằng pháp thiền từ bi và trí tuệ!
Các bạn đợi chờ gì nữa?
Bao nhiêu lần vỗ ngực xưng tên nhắc nhở bạn bè hoặc nói với bản thân rằng: “Đừng bao giờ đánh mất bản thân!” để rồi lại lao đầu đắm chìm trong những sự ô nhục của cuộc đời? – Những điều đó thật sự là đánh mất bản thân đấy! Bởi vì nhân quả không thấu.
Bao nhiêu lần bạn đã làm cho cha mẹ đau lòng, phiền não, bao nhiêu lần bạn đã làm cho vợ, cho chồng đau khổ tang thương, bao nhiêu lần bạn đã làm cho con sợ hãi, hoang mang, phải bỏ nhà ra đi, và bao nhiêu lần bạn đã làm cho bạn bè, người thân, cộng đồng, xã hội phải hoang mang, sợ hãi, phiền não, muộn phiền, đó là những lúc bạn đánh mất bản thân nhưng bạn cứ lặp đi lặp lại bởi không thấu được nhân quả, chẳng sợ nhân quả bởi tôn vinh chủ nghĩa rằng: “Chỉ có một đời để sống. Chết là hết!” để rồi vùi đầu vào trong những việc ác mà không sợ. Nên hết đời này đời sau, kiếp này kiếp sau, bạn luôn luôn thọ khổ, Bảo Thành luôn luôn thọ khổ.
Bao nhiêu lần bạn trông chờ bởi một đấng nào đó có quyền bính, sức mạnh để cứu rỗi, cứu độ bạn, để bạn cứ như vậy, chẳng sống xứng đáng với thân kiếp làm người là phương tiện vi diệu, bỏ phí nó đi, thì bạn đã đánh mất bản thân. Còn bản thân và có được bản thân, không mất bản thân là thấu được nhân quả, tự mình đứng dậy theo lời Phật, thắp đuốc mà đi, biến thành ốc đảo tự sáng. Té chỗ nào, vịn chỗ đó đứng dậy như bài hát “Mẹ Dặn Con”: “Hãy đứng lên! Đứng lên làm người. Bởi cuộc đời ngắn lắm con ơi!”.
Đức Phật là người mẹ hiền thường nhắc nhở chúng ta hãy đứng dậy để làm người, té đâu vịn đó đứng dậy, tự thắp đuốc mà đi. Biến thành ốc đảo của tự thân, tự sáng, và Đức Phật như người mẹ dạy: “Đời người ngắn lắm con ơi! Hãy đứng lên, đứng lên mà làm người!”. Đó! Là chúng ta không bao giờ đánh mất bản thân. Còn ngoài ra, không thấu được nhân quả, chẳng nhìn rõ vô thường, cầm chặt cái cuốc của Tham – Sân – Si, đào bới mãi trong Ngũ Dục là bạn đang đào mồ chôn thân và bạn đang đánh mất cuộc đời, đánh mất bản thân của chính mình.
Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau.
Thưa Phật! Chúng con từ vô lượng kiếp qua đã đánh mất cuộc đời bởi cầm chặt cái cuốc của Tham – Sân – Si như vị Tỳ Kheo kia, đào bới trong ruộng Ngũ Dục để thỏa mãn những cảm xúc, cảm thọ, cảm giác của giác quan mà thôi.
Nay một lần ngồi xuống lắng đọng thân tâm, quán chiếu từ bi bằng trí tuệ, thấu rõ được vô thường lời Phật dạy, hiểu được nhân quả do sự khai thị của Ngài, chúng con nguyện không đánh mất bản thân nữa.
Xin Chư Phật gia hộ, gia trì cho chúng con trên con đường thể nhập Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Chúng con xin hồi hướng công đức trong buổi đồng tu nếu có tới mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho quê hương Việt Nam chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh.