Search

Bài 2120. Hoàng Hôn Tan Dần | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Ý đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy nhất tâm, thanh tịnh thân ý, quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ trong Chánh Niệm quán chiếu vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Luôn luôn khắc ghi, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi lan tỏa và nuôi dưỡng tình yêu thương.

Nghĩ đến các đấng sanh thành, gia đình, xã hội, cộng đồng, nhân loại, nguyện mang ân điển từ bi – trí tuệ của Phật ta rải tới khắp muôn nơi. Nguyện cho đại dịch mau qua, thế giới thái bình, muôn người an lạc.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(15:46) Mô Phật!

Các bạn thân mến! Bảo Thành đã mấy ngày qua và ngay bây giờ đang ngồi ở Chánh điện Chùa Xá Lợi tiểu bang Minnesota miền Bắc của xứ Hoa Kỳ. Ngẫm nghĩ lại mới mấy ngày trước còn ở tiểu bang Pennsylvania Chùa Xá Lợi bên đó, rồi trở về Tổ Đình Chùa Xá Lợi tiểu bang Maryland, rồi cưỡi mây về gió trên máy bay, đi tới tiểu bang này. Thời gian lặng lẽ trôi qua và những tháng ngày dù đã không còn nữa, ta vẫn còn dư âm của những ngày đã trôi qua, đã không còn.

Chủ đề “Hoàng Hôn Tan Dần”. Trên đời, khi mỗi người chúng ta có cảm thọ và biết trân quý cảm thọ của mình. Con người mà, cảm xúc mà! Thì hoàng hôn là một hình ảnh thật đẹp. Chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng dùng chữ “hoàng hôn” để diễn tả những cảnh đẹp trong cuộc đời và thật nhiều trong chúng ta cũng có những buổi chiều tà ngồi bên bờ sông hay bờ ruộng hay ngồi nơi thành phố hay ngồi giữa cuộc đời này đây, nhìn ngắm hoàng hôn của một buổi chiều tà tan dần như ru hồn vào cõi mộng hay thầm khóc cho phận đời tùy theo cảm xúc của mỗi người trong lúc đấy. Nhưng dù khóc hay dù vui, hoàng hôn vẫn để lại dấu ấn đẹp của một sự kết thúc đẹp, của một ngày đã ra đi thật đẹp, của một cuộc đời rạng rỡ trong ánh hoàng hôn chiều tà tuyệt mỹ.

Nếu nói khi sinh ra và chết đi là một cuộc đời, nếu nói khi buổi sớm và buổi tối là một ngày, và nếu nói như một kiếp nhân sinh như bình minh và hoàng hôn thì ở quãng giữa giữa bình minh và hoàng hôn, khi sanh và tử, khi sáng và tối là những chuyện gì trong cuộc đời của chúng ta. Dù chỉ một ngày, một năm hay một đời thì biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, mấy ai trong chúng ta có thể nhớ được tất cả những chuyện linh tinh của kiếp người lộn xộn trong một ngày hay một đời. Nhưng tựu trung, một ngày qua đi từ khi sinh ra cho đến tử, bình minh hay hoàng hôn, buổi sớm hay buổi tối, hơi thở vào hay ra để kết thúc một kiếp người thì đó đã đủ chứng minh một kiếp luân hồi ở trong vòng xoay của vô thường chẳng bao giờ tồn tại, chẳng bao giờ thường hằng, tới đi thật nhẹ, chẳng níu kéo được đâu. Nếu tinh tế trong cuộc sống, ta sẽ nhận ra vô thường ngay chỗ ấy. Nhưng giữa hai khoảng cách để nhận biết vô thường là bình minh và hoàng hôn tan dần, là một ngày bắt đầu từ buổi sớm cho đến tối, là một hơi thở hít vào và thở ra một kiếp người sanh rồi tử, ta sẽ nhận rõ từng giây phút kiếp vô thường sanh – diệt luôn hiện hữu như người mẹ hiền nhắc nhở chúng ta thức canh tỉnh giấc để học, để làm việc để thành tựu. Còn nếu như quên, ta sẽ vùi đầu vào trong giấc ngủ, chẳng thể thành tựu được điều gì.

Các bạn! Có khi nào hoàng hôn mang lại cho các bạn một ấn tượng cao quý trong đời sống tâm linh hay không? Hoàng hôn đẹp! Kết thúc một ngày mà có hoàng hôn thì thật đẹp. Kết thúc một đời mà như hoàng hôn chiều tà tan dần thì ánh hừng dương hay ánh hoàng hôn đều chỉ là một kiếp người trong cõi nhân sinh, đẹp lắm. Nhưng không phải ngày nào cũng có hoàng hôn, các bạn! Dù biết mặt trời mọc, mặt trời lặn, bình minh có, hoàng hôn có đấy, nhưng không phải ngày nào bạn cũng có thể nhìn và tận hưởng được hoàng hôn đẹp đâu. Bởi có những ngày u ám, dù bình minh có lên, ta cũng không nhận ra. Và rồi kết thúc một ngày đó, hoàng hôn có đó, nhưng trời đen xám xịt, ta cũng chẳng có cơ hội nhìn thấy hoàng hôn. Và như ngày đó là một ngày vòng xoay trong cõi u ám, xám xịt của cuộc đời.

Nhất định các bạn và Bảo Thành đã có sự trải nghiệm của những ngày không thấy bình minh và của những ngày chẳng thấy hoàng hôn thì làm sao có sự trải nghiệm của tan dần nơi mặt trời vắng bóng ở cõi đời? Và nếu thực sự như vậy thì chúng ta cũng có thể suy nghĩ rằng trong cuộc đời của chúng ta, nếu như để cho mọi sự quay cuồng mòng mòng chóng mặt để tâm trí đen tối trong bất thiện thì làm sao ta có thể thưởng lãm được ánh hừng dương của buổi sáng và chiêm ngắm ánh chiều tà hoàng hôn?

– Chẳng có đâu! Mà kết thúc cả ngày lẫn đêm trong u tối, vô minh, tận diệt, đau khổ.

Cũng là một đời, cũng là một ngày nhưng sẽ đẹp làm sao khi ta có cơ hội ngắm ánh hừng dương khi bình minh tới, và ta lại có sự trải nghiệm thở nhẹ nhàng hòa quyện vào với ánh hoàng hôn tan dần nơi chân trời góc bể. Ta chọn một sự kết thúc một ngày, ta sắp xếp một cuộc đời như thế nào để hưởng trọn ánh bình minh hoặc ngắm chiều tà hoàng hôn đẹp, hay chỉ quẩn vòng quanh vùng tối giữa sanh – tử mà thôi? Đó là sự tự do của mỗi một con người. Nhưng nhìn theo gương của Đức Phật thuở xưa khi sinh ra cho tới khi Đức Phật kết thúc một đời người, ở giữa hai bờ sanh – tử của chính Đức Phật là cả một đoạn đường Ngài tinh tấn để sắp xếp cuộc đời của Ngài hiện diện trong thế gian, mang lại lợi lạc cho muôn loài chúng sanh. Từ những hơi thở đầu tiên chào đời cho tới hơi thở tận diệt Niết Bàn luôn luôn là một sự sinh hoạt tuyệt mỹ trong ánh sáng của tâm linh tịch tĩnh để soi đường dẫn lối cho muôn người. Không bao giờ ngừng nghỉ, không bao giờ giải đãi, bởi Ngài luôn thương xót chúng sanh.

Còn nhớ trong Kinh Đại Bát Niết Bàn nói về một câu chuyện rằng, tại trong khu vực giữa 02 cây Long Thọ, Đức Phật đang nằm chuẩn bị ra đi, tịnh diệt, sắp chết, hơi thở cuối chẳng còn là bao. Nhưng tâm của Ngài vẫn tỉnh, trí tuệ vẫn bừng sáng và tình thương vẫn bao trùm gửi đến muôn loài chúng sanh. Và đó là một sự thể hiện tuyệt vời của một kiếp người đã can qua muôn trùng những thử thách, thậm chí đôi khi có thể bỏ mạng. Vu khống, hàm oan, kẻ thù đầy hết, bởi vì họ ghen tuông với sự thanh tịnh, với sự cao cả của bậc giác ngộ. Cho nên, trên đường đời tu, nhất định sẽ luôn phải trả những nghiệp quả của vô lượng kiếp mà chúng ta cộng nghiệp cùng với muôn chúng sanh khác. Nhưng Ngài vẫn chẳng thể để cho những điều đó chi phối để Ngài không nghĩ tới những chúng sanh. Ngài thương chúng sanh vô cùng! Bằng chứng là trong những giây phút cuối cùng, Ngài vẫn nghĩ tới một người, đó là ông Tu Bà Đà La đã 120 tuổi, mà những giây phút cuối, Ngài vẫn nghĩ tới để sắp xếp làm sao đó, để cho ông A Nan có thể mời ông Tu Bà Đà La tới để Đức Phật khai thị, truyền giới, nhận đệ tử.

Chỉ có hình ảnh đó thôi thì nhất định ngày đó, ánh hoàng hôn tuyệt đẹp. Bởi từ một bậc minh tuệ thương chúng sanh, hơi thở ra cạn dần như hoàng hôn tan dần trong một buổi chiều, vậy mà chẳng thể quên được những chúng sanh đang cần tới Ngài khai thị. Ngài, trong giây phút chót đó, đã khai thị, truyền giới và nhận đệ tử. Và các bạn ơi! Chúng ta, trong buổi chiều tà của cuộc đời có phải là một ánh hoàng hôn tuyệt đẹp hay là một vùng tối trong vô minh đều phải do chính ta xếp đặt. Và trong cái lạng quạng của vùng tối vô minh đó, ta làm gì trong hơi thở cuối? Và trong ánh hoàng hôn tuyệt mỹ tan dần, ta đã sắp xếp gì cho cuộc đời của ta và cho những người ta yêu thương?

“Hoàng Hôn Tan Dần” là một dấu chỉ nói đến sự vô thường luôn luôn xảy ra biến động trong cuộc sống. Có bình minh, phải có hoàng hôn. Có buổi sớm thì phải có buổi chiều, buổi tối. Có sanh phải có tử. Thật rõ lắm, không ai trốn tránh được. Nhưng người học Phật như chúng ta, nhất định phải noi theo những điều Đức Phật dạy để luôn tỉnh giác và phải biết làm gì trong từng giây phút. Làm gì để lợi lạc cho chúng sanh, làm gì để lợi lạc cho cuộc sống của tâm linh nơi ta và mọi người.

Tu là biết sai để sửa, biết tốt để tinh tấn. Tu là thổi bay những áng mây mù xám xịt, những đám sương mù quặng đặc để cho mặt trời trí tuệ có thể hiển lộ như bình minh và buông thư nhẹ nhàng ngắm chiều hoàng hôn tan dần trong cõi vô thường mà chẳng một giây, một phút, một mảnh mai lơ là, sao lãng, sợ hãi trong trầm luân. Chúng ta thực sự đã bước từ bình minh đến hoàng hôn trong sự thảnh thơi của pháp Phật nhiệm mầu, dù giữa bình minh và hoàng hôn, hơi thở cuối và hơi thở đầu, kiếp nhân sinh vần xoay thế đó, ta vẫn luôn tịch tĩnh, vẫn biết phải làm gì.

Đức Phật thể hiện thật rõ trong Kinh Niết Bàn là biết. Biết sắp sửa đi nhưng vẫn biết ai đó cần đến Ngài và cần sự khai thị nên đã mời ông Tu Bà Đạt La tới và thị giả của Ngài là ông A Nan đã làm điều đó.

Chúng ta biết, giữa cuộc đời sanh – tử là cuộc sống hiện hữu của phương tiện thân người vốn khó tìm được. Vậy thì phương tiện thân người này, chúng ta phải nhớ phải vận dụng như thế nào. Phải noi gương Phật thôi! Phải luôn luôn giữ cho nó có một sự tỉnh thức đặc biệt để nhìn thấu và biết được hoàng hôn hay bình minh, biết được giữa cuộc trần tối – sớm, có – không sẽ tái sanh như thế nào thì tùy theo ta vận hành giữa bóng tối và ánh sáng của mặt trời trí tuệ.

Các bạn! Cần phải rất tu và cần tu để tỉnh. Tỉnh để nhận thức, để biết, để thấu. Không thể tu một cách mù mờ với niềm tin để cầu mong một điều gì đó bên trên ban xuống cho chúng ta. Dù một ngày đã qua, nhưng nhớ, bình minh không bao giờ phôi pha. Dù hoàng hôn đã tan dần nhưng hoàng hôn không bao giờ vĩnh biệt chúng ta. Nó chỉ là một chu kỳ của một ngày và mỗi một chu kỳ của cuộc đời sẽ không bao giờ tan biến mất mà vẫn vận hành theo năng lượng của phước báu, của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp do ta tạo ra. Vậy nói cho hay hơn, ta chính là thượng đế của cuộc đời chính mình, bởi vì sao? Ta là thượng đế của chính mình là bởi vì ta làm chủ được sự vận hành của cuộc sống chúng ta. Ta có thể xây dựng được mặt trời và ta cũng có thể tạo ra hoàng hôn. Giữa khoảng trống của mặt trời, hoàng hôn, ta là thượng đế của cuộc sống chính mình. Ta có thể an bài cho chúng ta một cuộc sống thảnh thơi, hạnh phúc, an lạc. Vì đó là thượng đế mà! Còn không, ta sẽ là ác quỷ, phá vỡ tất cả những công trình tuyệt mỹ để giam hãm chúng ta vào địa ngục đen tối, biến mặt trời thành hầm lửa, biến hoàng hôn thành vùng tối.

Bạn muốn làm quỷ vương hay thượng đế? Đó là sự lựa chọn của các bạn! Đây chỉ là một cách ứng dụng ngôn ngữ, chớ lầm rằng ta là thượng đế. Cái câu Bảo Thành sử dụng, nói rõ hơn là ta có thể làm chủ quyền cuộc đời của mình để vận hành kiếp sống trong cuộc đời. Người có thể làm chủ được cuộc sống là người thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở. Người thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở để luôn tỉnh giác, biết và hiểu thấu vô thường để vận hành cuộc sống mỹ mãn hơn, đó chính là thượng đế của chính mình.

Chẳng ai tự nặn mặt trời lên bằng những ánh lửa treo trên không trung. Chẳng ai thổi cho nó tắt lịm đi biến thành hoàng hôn phút cuối của cuộc đời. Mặt trời của buổi bình minh hay mặt trời trong lúc hoàng hôn đều do chính ta. Hay chẳng có mặt trời, chẳng có hoàng hôn cũng là do chính ta. Vô thường sanh – diệt luôn tới lui, ta phải tự học làm chủ mình để có thể đặt bàn tay thiện lành vào vòng xoay của kiếp sống để xoay vần theo năm tháng từ lúc bình minh xuống hoàng hôn, hầu hết và luôn luôn là chúng ta phải tỉnh giác trong sự tu luyện. Bởi là chúng sanh dễ mê, nên chúng ta có được giây phút nào tỉnh giác là đã tốt rồi.

Thông thường, mỗi buổi sáng, khi thức dậy, ta thường uống một tách cafe như giữ cho sự tỉnh trong ngày để làm việc. Và thói quen tốt, nếu như chúng ta thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán thì năng lượng vi diệu đó sẽ giữ cho chúng ta có một sự tỉnh giác viên mãn trong cả một ngày để biết ta đang làm gì đúng và đang làm gì sai. Tánh biết rất quan trọng! Tánh biết rất quan trọng, bởi vậy biết để có thể sống an lạc và hạnh phúc chứ đừng lầm lũi như người đời thường nói: “Biết cũng chết, không biết cũng chết”. Đó là cách nói của những người thiểu trí. Cách nói của người đại trí: “Biết cũng chết nhưng chết trong sự an lạc để tái sanh cảnh thiện, còn hơn không biết để chết trong tăm tối luân hồi khổ đau”.

Các bạn nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, có phải chăng nó là bình minh hay hoàng hôn? Ai dám nói các bạn đang ở trong trạng thái bình minh, tức là mới, mới cáu cạnh? Chẳng thế đâu! Bởi bình minh và hoàng hôn chỉ nằm trong một sát na, tới đó rồi đi, bình minh đó rồi hoàng hôn liền liền. Vậy nên, đừng khi nào nghĩ rằng tuổi tôi còn trẻ, mới chỉ là ánh hừng dương hừng hực sự sống, còn buổi chiều tà hoàng hôn chắc có lẽ cả trăm năm, 80, 70, 60, 50, 40 và ở con số nào đó bạn định mặc rằng vẫn còn. Chẳng phải như vậy! Bởi ai biết được con số hay số mệnh của ta khi nào kết thúc. Hoàng hôn đôi khi tới thật nhanh, và nhanh hay chậm chẳng phải là do ta sắp đặt, bởi chung quy cũng chỉ là sự vận hành của vô thường, quan trọng là trong vòng xoay của vô thường đó, chúng ta có tỉnh giác, có biết, có Chánh Niệm hay không mà thôi.

Và nếu chúng ta Chánh Niệm được và chúng ta biết được trong sự tỉnh giác đó, thì nhất định như Đức Phật, có thể sắp xếp mọi chuyện một cách an ổn để trọn vẹn trong một vòng xoay từ bình minh đến hoàng hôn, từ hơi thở đầu cho đến hơi thở cuối của kiếp sống này.

Trong thời đại dịch, chúng ta nhận biết rõ, hoàng hôn chưa tới đã tắt lịm, bình minh chưa lên thì đã đen tối rồi. Kiếp sống con người mong manh mà chúng ta ngày nay thấy thật rõ. Chính trong lúc này là lúc mà mỗi người chúng ta phải hiểu thấu được vô thường. Thế thì mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang với sự thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, chúng ta có thể phát huy đến tột bực trí tuệ viên mãn của Phật tánh để đột phá vượt qua vùng tối, thấy thật rõ được sự vô thường.

Vô thường rất quan trọng! Vô Thường, Khổ và Vô Ngã rất quan trọng trong toàn bộ giáo lý và sự khai thị của Đức Phật để giúp cho chúng sanh thoát khổ. Trong Tam Pháp Ấn tức là 03 điều Đức Phật dạy chúng ta cần phải nhớ: “Vô Thường, Khổ, Vô Ngã”. Dù cho vô lượng kiếp sau, Kinh Phật không được nhắc tới, lời giáo pháp của Phật không được lưu truyền, nhưng bao lâu vẫn còn có những người được thừa hưởng sự khai thị và hướng dẫn về Vô Thường sanh – diệt trong từng sát na, về Khổ và Vô Ngã thì sự khai thị của Đức Phật vẫn còn trong thế gian để cho chúng sanh nương vào chân lý Vô Thường, Khổ, Vô Ngã này, quán chiếu cho thấu, cho rõ để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Chẳng phải giáo lý của Phật được màu mè hoa lá bằng những văn tự cao siêu huyền bí mà chỉ đơn giản trong cảnh giới Vô Thường được nhận rõ, Khổ được hiểu thấu, Vô Ngã được tỏ tường. Chỉ có thế! Gọi là Tam Pháp Ấn. Thoát khổ!

Mật ngôn số 02 giúp cho chúng ta thật nhiều bởi nhắc nhở cho chúng ta hãy trở về trong Chánh Niệm của hơi thở, hãy hít vào và thở ra, thể nhập với Phật tánh vốn có nơi ta như viên kim cương nằm sâu dưới lòng đất, moi nó lên, đào nó lên, dùng tất cả mọi phương tiện diệu dụng để có thể đưa viên kim cương Phật tánh hiển lộ giữa cuộc đời để nó tỏa sáng. Phật tánh rất quan trọng! Các bạn đừng coi thường Phật tánh. Nhưng có lẽ chúng ta đã quá mê vào pháp này pháp kia, cách này cách kia để rồi quên rằng giữa chúng ta, giữa mỗi người chúng ta và trong chúng ta có một điều tối quan trọng đó là Phật tánh, trí tuệ Kim Cương Bát Nhã và trí tuệ đó nhất định sẽ hiển lộ trong hơi thở Chánh Niệm quán chiếu, suy nghĩ, tư duy, Chánh Niệm thật rõ về vô thường.

Hiện trạng của cuộc đời đại dịch giúp cho chúng ta nâng tầm sự quán chiếu để thấu rõ được kiếp nhân sinh là vô thường. Thấy rõ được cuộc đời như một buổi hoàng hôn đang tan dần. Hoàng hôn đang tan dần, thời gian đang trôi qua, mệnh của cuộc đời đang biến mất. Chỉ trong chớp nhoáng thôi các bạn ơi! Nhưng chúng ta nhất định phải chọn lựa một cách làm thật tuyệt vời như Phật dạy để có một buổi hoàng hôn tuyệt mỹ. Cũng là kết thúc một đời người nhưng kết thúc trong buổi hoàng hôn tuyệt đẹp. Dù một ngày trôi qua mà có ánh hoàng hôn thì tuyệt lắm. Đời người mà có thể nằm xuống trong Chánh Niệm và trí tuệ – từ bi, tánh biết thì chẳng khác gì hoàng hôn đang dần dần xuống nhưng vẫn đẹp. Cuộc đời đẹp ở chỗ là đẹp trong sự tỉnh giác, trong tánh biết, trong Chánh Niệm và yêu thương. Kết thúc một ngày trong tình yêu thương, kết thúc một ngày trong ánh hoàng hôn là kết thúc của một đời người viên mãn.

Chúng ta hãy nhớ rằng, mỗi người chúng ta có khả năng chuyển vần xoay bánh luân hồi nghiệp chướng của mình từ bất tịnh thành thanh tịnh, hoặc ngược lại, từ thanh tịnh thành bất tịnh. Nếu chúng ta biết Chánh Niệm hơi thở, biết quán chiếu từ bi và trí tuệ thì ta xoay vần vòng pháp luân thường chuyển nghiệp chướng của chúng ta từ tối thành sáng, từ bất tịnh thành thanh tịnh, từ khi hừng dương mọc lên cho tới khi hoàng hôn lặn xuống đều là những ánh sáng tuyệt mỹ, đẹp.

Hãy làm chủ cuộc sống của mình! Trong mùa đại dịch, ai làm chủ được hơi thở Chánh Niệm là làm chủ được cảm xúc, là làm chủ được cuộc sống, là làm chủ được sanh tử luân hồi. Người đó luôn biết phải làm gì trong từng giây phút. Người đó luôn thường trú trong Chánh Niệm và hưởng được sự an lạc của cuộc đời, đồng thời có thể lan tỏa tới muôn người yêu thương.

Trong mỗi một bối cảnh của từng giai đoạn lịch sử thì bối cảnh lịch sử của quá khứ chưa bao giờ có được bối cảnh như ngày hôm nay để nhắc nhở cho chúng ta quay trở về đời sống tâm linh, dừng hẳn những thị phi, đâm thọc, tranh chấp, hơn thua, đào bới lông lá những vết thẹo cuộc đời của những người khác mà hãy trở về với chính mình, làm trọn lành cuộc sống của chúng ta trong sự tu, sửa những cái sai. Bởi trên đời, ai mà không sai. Nhưng nếu sai mà không sửa chất chồng theo năm tháng chẳng khác nào ta đang chui xuống hầm sâu của địa ngục. Còn nếu sai mà nhận biết, sửa từng ngày thì khác nào ta đang tiến về phía Đông để đón ánh hừng dương đang mọc lên và rồi có thể nhẹ bước chiều tà về hướng Tây để rồi duỗi cánh hạc bay về thềm Tây với Phật Di Đà khi hoàng hôn tan dần trong cõi đời mong manh vô thường.

Các bạn! Phải chủ động tu. Tu là phải chấm dứt mọi ánh mắt, suy nghĩ, hành động bới moi vào những người khác để tìm những lỗi lầm của họ. Tu là đi ngược vào bên trong, dọn sạch căn nhà Tâm, rửa cho sạch những cấu uế, những ô nhiễm nhiều đời ta đã đổ. Tu là đào bới trong bên trong để tìm ra viên kim cương ngàn đời của tánh Phật mà ta đã quên, rửa cho thật sạch để nâng lên cao cho nó tỏa sáng. Tu là Chánh Niệm tỉnh giác, là trí tuệ, là từ bi, là yêu thương, là tha thứ, là bao dung. Tu không nói lỗi của người, chỉ nhìn rõ lỗi của mình.

Trong thời đại dịch, người ta hoảng loạn, người ta hay bêu xấu nhau. Người ta hay than trách, người ta hay thị phi và đó chính là những âm thanh gào thét của phút cuối nơi những con người nghiệp chướng quá nhiều. Còn như Đức Phật, ngày cuối cuộc đời của Ngài là một ngày tuyệt vời, một ngày nhẹ nhàng, một ngày tỉnh giác viên mãn để luôn nhìn thấy mọi chúng sanh trong muôn cõi và có sự xếp đặt để mang ánh sáng tuệ giác gieo duyên, khai thị cho muôn người. Chính như ông Tu Bà Đạt La đã được Đức Phật mời gọi dù tuổi đã 120 để đón ánh minh tuệ, khai thị giáo pháp, chứng đắc quả Thánh thì chúng ta trong cuộc đời, dù cho hoàng hôn hoặc thọ mạng của cuộc đời đang tan dần mà ta biết đó (ý nói tánh biết biết hoàng hôn hoặc thọ mạng của cuộc đời đang tan dần), ta vẫn có thể làm chủ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi tư tưởng, mọi lời nói để xếp đặt cuộc sống của chúng ta tự tại an nhiên và có thể để mang tới niềm vui cho muôn người mà ta có nhân duyên chung với họ hiện hữu trong cuộc đời này.

Đừng để cho sự thống khổ của cuộc đời che mất ánh sáng trí tuệ nơi tâm và đừng để cho sự bận rộn hỗn loạn của đại dịch làm cho chúng ta xoay mặt với mặt trời trí tuệ, vùi đầu trong tăm tối. Hãy cố gắng tịch tĩnh, suy nghĩ thật rõ bởi 08 con đường Thánh đưa chúng ta chứng đắc đạo quả có một con đường mà ta cần phải vận hành thường xuyên, đó gọi là Chánh Tư Duy.

Đi vào học Phật phải có Chánh Tư Duy. Phải tư duy cho thật rõ và phải tôn trọng sự tư duy của mọi chúng sanh. Đừng mang tư duy của ta không Chánh, gọi là Tà Tư Duy để phủ lấp lên những người khác để áp chế, rập khuôn, bắt bẻ những người khác noi theo. Mà hãy hiển lộ thật sáng như bình minh. Hãy đẹp, thật đẹp như hoàng hôn trong cả một kiếp người. Và giữa bình minh và hoàng hôn của một kiếp người, thân giáo ngay chỗ đó. Nếu đẹp, nếu tốt, người ta sẽ nhìn thấy mà noi theo.

Hãy sống và hãy sống trong sự tỉnh giác. Hãy sống và hãy sống trong Chánh Niệm hơi thở. Hãy sống và hãy sống trọn vẹn một ngày có bình minh và hoàng hôn thật đẹp. Đừng vùi đầu trong những màn đêm xám xịt, u tối của sương mù quạnh lại quặng đặc để chẳng thấy ánh sáng của chân tâm, để chẳng thấy lời Phật khai thị. Đặc biệt, trong sự thử thách hiện thời của đại dịch, chúng ta lại càng cần phải trở về với Chánh Niệm hơi thở và dùng tâm Chánh để tư duy mọi hiện tượng đang xảy ra, khế hợp chặt chẽ với những lời Đức Phật khai thị mà các bạn có thể nghe qua được từ băng dĩa hoặc đọc trên Kinh sách hoặc nghe giảng để chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình từ tối thành sáng, từ mất tự chủ thành tự chủ và làm chủ được. Để trong kiếp nhân sinh vận hành từ bình minh đến hoàng hôn, từ hơi thở vào đến hơi thở ra, từ khi sanh đến khi tử, ở giữa đó là cả một khung trời cao rộng, tuyệt mỹ, đẹp cho ta và muôn người cùng chung vui trong cuộc sống.

Rất cần, rất cần sự chú ý! Đời của một con người không dài cũng chẳng ngắn, nhưng dù ngắn hay dù dài thì chúng ta, nếu học được Chánh Niệm hơi thở thiền trí tuệ và thiền từ bi thì nhất định sẽ làm chủ được cuộc sống ngắn dài. Để dù dài hay ngắn, cuộc sống của chúng ta cũng toàn diện một cõi sáng trong trong Chánh Niệm, trong tư duy, trong tịch tĩnh, trong trí tuệ, trong từ bi.

Các bạn! Phải luôn luôn tự đánh thức mình. Và để có thể tự đánh thức mình, chúng ta cần phải rất khiêm tốn, chúng ta cần phải nương vào đại hùng đại lực của Chư Phật và chúng ta cần phải nương vào sự khai thị của Thế Tôn truyền lại mà ta có thể nghe được qua Kinh, qua băng, qua dĩa, qua sự hướng dẫn của các bậc tôn túc, Tăng Ni hay những bậc thiện tri thức. Ta cần phải gieo duyên thật nhiều bằng các pháp thiện lành: từ thiện, bố thí, phóng sanh, giữ giới và tích cực hơn, đừng giải đãi. Bởi các bạn biết, những gì đã đi qua trong cõi vô thường chẳng bao giờ trở lại. Dù chỉ một giây, trong cõi vô thường, nếu bạn biết, vẫn làm lợi lạc vô cùng. Dù cả một đời, bạn chẳng nhìn rõ vô thường thì coi như đã xong, chẳng có lợi lạc gì đâu. Bởi vậy Đức Phật mới nói rằng, dù sống trong một giây phút mà biết rõ được vô thường, tin sâu vào nhân quả còn hơn là sống trong vô lượng kiếp tăm tối không biết được vô thường, chẳng thấu được nhân quả. Ta chọn cách sống nào, đó là tùy theo các bạn.

Như hiện thời, chẳng còn thời gian mà đấu đá, thị phi, hơn thua, đúng sai, nhưng rất còn thời gian cho mỗi người chúng ta dù ngắn chỉ là một sát na hay một giây, thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, thắp sáng đuốc tuệ và khai mở yêu thương. Trí tuệ và từ bi, phép thiền quán chiếu trí tuệ – từ bi, từ bi – trí tuệ quán, pháp Thiền nhiệm mầu cao cả của Mẹ hiền Quan Âm. Nếu các bạn thực tập được, các bạn sẽ tự chuyển hóa cuộc đời từ tối thành sáng, từ xấu thành tốt, từ đau khổ, phiền não thành hạnh phúc và an vui. Sự lựa chọn là do các bạn. Không ai ép buộc!

Phật chỉ khai thị. Quý thầy, quý tôn túc là chỉ nhắc lại sự khai thị của Phật, còn có thành tựu được hay không đều do tất cả các bạn. Cho nên lời khuyên chân tình trong mùa dịch là gì? Là hãy sống tỉnh thức, tỉnh thức để chúng ta mang lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc đời để nhận biết rằng Đức Phật luôn yêu thương chúng ta. Ngài luôn mang trí tuệ của Ngài soi chiếu vào vùng tăm tối để hướng dẫn cho chúng ta thoát khổ.

Giây phút cuối trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, thở hơi thở cuối trước khi lìa cuộc đời mà Ngài còn truyền dạy cho Tu Bà Đạt La giới của Ngài, pháp của Ngài để được chứng đắc đạo quả, thì trong phút cuối của cuộc đời chúng ta, nhất định Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền luôn kề cận, chẳng phải quỷ ma đâu. Bởi chúng ta đã có phước báu nghe được lời Phật, làm được pháp thiện, giữ giới tịnh tu thì nhất định trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi giây phút, mọi sát na của cuộc đời, ta luôn có Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền kề cận để khai thị. Chỉ cần mỗi người chúng ta mở lòng ra, khiêm tốn hạ mình xuống thì nhất định chúng ta sẽ có một buổi hoàng hôn tan dần trong cái cảnh đẹp nhất của sự tĩnh lặng nơi tâm Chánh Niệm từ bi và trí tuệ của ta. Và ta lúc đó đã là thượng đế của đời mình, biết làm chủ vận mệnh và cảm xúc, biết an bài cho chúng ta một cảnh giới đẹp nhất của một chiều hoàng hôn tan dần trong cái đẹp viên mãn của kiếp nhân sinh.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi.

Thưa Phật! Xin hãy gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán để làm chủ cảm xúc, vận mệnh của cuộc đời để luôn luôn có một buổi hoàng hôn thật đẹp trong kiếp người.

Xin Chư Phật gia hộ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Trong buổi đồng tu này, nếu chúng con có tạo được chút công đức nào, xin hồi hướng cho chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho quê hương Việt Nam của chúng con cũng như toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch và cho mọi người trở lại sự sống bình thường, an vui.

Con xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn