Search

Bài 2118. Hiểu Và Hành | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Giờ tu đã tới, mời các bạn thanh tịnh thân – ngữ – ý. Quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, khép mình lại trong sự khiêm tốn để chúng ta bắt đầu tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Đức Phật luôn dạy chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Khiêm tốn là hạnh cao cả đưa chúng ta trở về với lòng thành kính chân thật với chính mình và quy ngưỡng tới những bậc đã giác ngộ, thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, đón nhận năng lượng tình thương.

Chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những đấng bậc sinh thành, gia đình, xã hội, cộng đồng, thế giới. Nguyện mang năng lượng từ bi của Phật trong sự trải nghiệm Chánh Niệm Thiền Mật song tu rải tới tất cả mọi người và nguyện cho đại dịch mau qua, thế giới được bình an, muôn người được hạnh phúc.

Hít vào bằng mũi, chúng ta đưa xuống dưới bụng, phình bụng ra, thở ra từ từ, hóp bụng lại, quán chiếu toàn thân tâm của mình và đồng trì mật chú. Mỗi một hơi thở trong chu kỳ như vậy khi thở ra, chúng ta sẽ trì mật ngôn số 01 Mu A Mu Sa, sau đó tiếp tục và trì mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Với mật ngôn số 01 là thiền quán từ bi, với mật ngôn số 02 là thiền quán trí tuệ, gọi chung là thiền trí tuệ – từ bi quán, pháp thiền của Đại Sĩ Quan Thế Âm Bồ Tát.

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Cuộc sống là một đoạn đường dài. Dài từ hai điểm khi sinh ra, đó là khởi điểm của cuộc đời cho tới điểm cuối là khi ta chết. Sanh – tử là hai điểm để cho chúng ta thấy được đoạn đường của mỗi người phải đi. Nhưng đoạn đường giữa hai điểm sanh – tử đó của mỗi người chúng ta ngắn dài tùy thời, phước báu, nhân duyên mỗi người đều khác. Giữa hai giao điểm của sanh – tử, đoạn đường có thể đi tới cả trăm năm ngoài, có người gõn gọn chưa nên hình hài đã vội vàng ra đi, ai mới là người biết trước được rằng giữa hai điểm của sống và chết, sanh và tử này của ta dài bao nhiêu năm? Câu trả lời không ai có thể tìm ra đâu. Vậy mà chúng ta cứ như sấm động ở cõi đất này, chẳng phải ở trên trời, ở cõi đất Phàm phu, miệng cứ oang oang nói những điều ở trên không. Để đến khi kết cuộc của đoạn đường ngắn dài trong đời sanh ra đó, chẳng rõ vì sao, chết đi rồi, ta nào biết về nơi đâu.

Hôm nay, với chủ đề “Hiểu Và Hành” nói riêng về con đường tu đi đến sự giải thoát cho chúng ta. Xưa đến giờ, khi nói đến chữ “hành pháp”, “hành đạo” nó cao tận trời mây, có lẽ chúng ta phải vịn vào thân của Tề Thiên mới có thể bay lên cõi mà gọi là quá cao để hành. Bởi vì hành Phật pháp nó mầu nhiệm, nó cao siêu và rồi nó xa thực tế để cho những người như Bảo Thành và các bạn bận rộn tháng ngày rồi quẩn quẩn quanh quanh trong tư tưởng: “Làm sao chúng ta có thể hành được những pháp vi diệu của những bậc A La Hán thời xưa, nghe Phật khai thị chỉ một lần là giác ngộ chứng đắc?”. Còn ta, ta nghe nhiều lắm rồi! Ta đọc Kinh, ta nghe giảng, ta hiểu thấu mà không biết hành như thế nào. Để rồi cuối cùng, chữ “hành pháp” để giác ngộ đó trở thành hành hạ chính bản thân của mình trong sự khao khát đi tìm chân lý. Tu mà khổ thì đừng nên tu. Hành pháp của nhà Phật mà chật vật, long đong, lận đận thì thôi đừng hành pháp, đừng học pháp của Phật, tốt nhất là cũng chẳng cần phải hiểu. Khẳng định phải như vậy! Bởi chúng ta có khái niệm và có được sự hướng dẫn của nhiều vị luôn luôn nói đến Phật pháp cao siêu, nhiệm mầu và đích đến đó thật khó nếu không buông bỏ tất cả. Nếu không buông bỏ tất cả!

Điều đó luôn đúng mà, không sai. Nhưng trong suốt chiều dài Đức Phật dạy và khai thị cho chúng sanh, Ngài đều quán chiếu, quán chiếu nhân duyên của từng đệ tử, của từng chúng sanh đương thời lúc Đức Phật còn trên trái đất này. Thấu rõ người ở trong bếp thì Ngài khai thị như thế nào để họ trở thành người đầu bếp chính, biết nấu những món ăn có hương vị của giới đức, của hạnh đức, của trí tuệ. Chẳng phải là nấu những món ăn đời thường để cho hết đói, để sống. Mà Ngài sẽ đích thân đi vào nhà bếp dạy cho người thích nấu ăn kia một món ăn đặc biệt, món ăn của sự giải thoát. Còn nếu như Ngài gặp người làm ruộng thì Ngài nhất định cũng sẽ xắn tay áo lên, cũng xắn quần lên, đi xuống ruộng của cuộc đời bất thiện nhiều kia, cày cấy và đích thân làm gương hướng dẫn cho người nông dân biết cày ruộng bất thiện nhiều đời để lượm đi những gai góc, sân si, tham để gieo vào những hạt lúa của thiện pháp. Và nhất định người nông dân khi học phương pháp cày cấy, trồng trọt của Đức Phật thì hương thơm của đồng lúa giải thoát sẽ ngào ngạt mười phương. Đức Phật thật là khéo!

Ngày nay thật nhiều ngành nghề như vi tính, khoa học, y học, xã hội học, nhiều lắm. Bất cứ một ngành nghề nào dù Đức Phật ở thời xưa đó, Ngài đều thấu hiểu và Ngài có thể đi vào từng ngành nghề, sở thích, căn cơ của từng người để chúng ta có thể thấu triệt được những điều ta yêu mến, ta thích, gọi là những thiên tư đặc biệt. Nói đúng hơn là phước báu nhiều đời tích lũy được để khi sinh ra ở đời này, ta có một thiên phú, một năng khiếu đang thực hành những điều ta mong muốn. Phật sẽ tới và chỉ cho các bạn và Bảo Thành ứng dụng những phương pháp cao tột nhất bởi đấng trí tuệ đã thấu hiểu đó để giúp cho chúng ta hoàn thiện mỹ mãn những điều yêu thích. Nhưng lại còn chuyển hóa sự yêu thích đó để thành tựu được sự giải thoát trong cuộc đời mà không đắm chìm vào những sở thích riêng tư của mình để xây dựng ngục tù đen tối trong tôi ngã mạn cống cao.

Hôm nay, ta không nói đến những hành cao siêu, nhiệm mầu, mà ta nói đến sự thực hành pháp của nhà Phật khi có cơ hội, mỗi người chúng ta nghe, đọc, hiểu được lời của Phật và mang ứng dụng, thực hành vào đời sống của Phật tử tại gia hoặc của những con người rất bình thường như Bảo Thành và các bạn. Và sự thực hành cũng rất đơn giản thôi các bạn ơi! Ai không biết nấu cơm, ai không biết nấu những món mình yêu thích, nhưng gặp đúng người khai thị, hướng dẫn thì những món đó sẽ tăng thêm những hương vị tuyệt vời. Bất cứ một sở thích nào của chúng ta, nếu gặp được lời Phật dạy, hiểu cho thấu và được chỉ dẫn rõ ràng, mang vào thực hành thì những điều yêu thích của chúng ta sẽ nâng cấp tuyệt vời. Không khác gì phone (điện thoại), sau mỗi một thời gian, ta phải nâng cấp nó lên để nó ứng hóa phù hợp với từng thời đại.

Các bạn ngày nay quen với phone ở trên tay và mỗi một vài tháng thì hãng phone luôn gửi đến cho chúng ta update, tức là các bạn sẽ cập nhật những phần mềm để cho phone của các bạn được kích hoạt phù hợp và ứng dụng nhiều hơn trong tất cả những điều bạn mong muốn.

Các bạn thấy không, nâng cấp phần mềm. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ học cách nâng cấp phần mềm của hành pháp của nhà Phật. Bởi sự hiểu biết của chúng ta là sự cài đặt tất cả những  gì vào cuộc sống hằng ngày rồi. Am tường lắm, nhưng sự cài đặt đó mà không được nâng cấp để vận hành cho đúng thì sự cài đặt cứng ngắc đó vô tình sẽ biến Bảo Thành và các bạn trở thành những người cứng đầu, bướng, thích cãi, thích tranh luận, thích so sánh với những sở kiến, kiến thức riêng tư của mình thâu lượm được trong những chuỗi ngày qua được gọi là học Phật. Cho nên ai nói tới những  phần mềm được cài đặt của Kinh Phật trong ta vốn có và hiểu thì ta liền mang ra đối đáp chứ không phải là để tham vấn. Ta thường có sự chống kình mặc dù nó rất êm nhưng nó cũng gai dữ lắm. Bởi vì một lời nói rất là nhẹ, không gai góc nhưng khi đã đặt trên Facebook, viết lên trên những  status (trạng thái) của mình hoặc trên những text message (tin nhắn), Messenger đăng tải thì nó gai góc dữ lắm. Bởi vậy, chúng ta cứ mơn trớn những điều mà ta hiểu được đó, tạo thêm những góc cạnh sắc bén để khi ai đó nói về Phật pháp, nói về phương pháp tu không như ý của ta, không như kiến thức của ta thâu nạp vào thì nhất định sẽ có một trận tranh hùng dữ dội. Đôi khi mạnh còn hơn sóng thần, động đất, đôi khi nhẹ nhẹ lăn tăn như những giọt nước trên mặt hồ nhưng cũng đủ có những dư âm khuấy động tâm thức của chính mình và nhiều người. Nhớ, tâm động là tâm phóng túng, tâm động là thể hiện cho sự khơi nguồn từ tâm sân, tranh chấp hơn thua và tâm động đó cũng là một phần của sự hiện thân của tôi, ngã và nó thể hiện rằng ta không thấu được sự vô thường trong cuộc đời. Cho nên khi người ta nói một điều gì thì ta ứng ra để chống kình, để tranh luận. Ở đâu có tranh luận, ở đó có chiến tranh.

“Hiểu Và Hành”, một dẫn chứng thực tế thời Đức Phật, có một vị thị giả gần gũi với Phật nhiều lắm, đó chính là ông A Nan. Ngài A Nan như là một tàng Kinh các như Google bây giờ. Kinh điển, tức là những lời giáo huấn của Phật trong suốt thời gian Đức Phật dạy, Ngài đều ghi nhớ được, thâu nạp vào, Ngài có một trí tuệ ở chỗ là trí nhớ siêu việt. Từng lời, từng chữ của Phật nói ra trong tất cả những cuộc pháp đàm hướng dẫn cho đệ tử, Ngài A Nan đều nhớ. Và tất cả các hàng đồ chúng khác, đệ tử khác khi cần nhắc nhở lại, đều tìm kiếm Ngài A Nan để Ngài nhắc lại những lời Đức Phật đã dạy. Cũng như chúng ta, ngày nay nếu quên thì bấm lên Google tìm. Hoặc bài giảng ngày hôm nay, hoặc chia sẻ pháp đồng tu ngày hôm nay, các bạn nghe một lần chưa rõ, các bạn cũng có thể bấm trở lại để nghe lại. Ngài A Nan chính là như vậy. Rất là giỏi!

Tuy nhiên, ỷ vào chỗ gần Phật thường xuyên, nghe thông, hiểu và nhớ nhưng Ngài A Nan ít có sự thực hành để đi đến chứng quả A La Hán. Ngài cũng không phát hiện ra điều đó, bởi vì Ngài luôn luôn tâm tưởng những lời của Đức Phật dạy và thủ đắc rằng ta là người nhớ, luôn luôn nhắc nhở, đó là tốt rồi, rất tốt.

Ước gì chúng ta có trí nhớ chỉ cần một phần như Ngài A Nan thì chắc có lẽ là diễm phúc của cuộc đời. Tuy nhiên, đạo Phật không phải là gom tất cả những kiến thức vi diệu của Phật nói ra như một tàng Kinh các chứa đựng tất cả các dữ liệu như trên Google để rồi chúng ta tìm. Không! Trong Google không như vậy bởi kiến thức đó là để giữ, còn kiến thức mà cứ ôm cứng, giữ đó là kiến thức chết. Hiểu đạo Phật là một thể loại kiến thức trong phước báu vô tận nhiều đời mới có, nhưng nếu chỉ giữ ở đó thôi thì sự hiểu lời của Đức Phật là sự hiểu trong chết khô, chết cứng, dễ gây ra sự tranh luận. Bởi các bạn cứ để ý, ai thông hiểu nhiều Kinh sách thường hay tranh luận, thường hay đàm luận, thường hay lý luận, thường hay luận bàn. Mà ở trên đời thật nhiều sự tranh luận, lý luận, luận bàn rồi chúng ta đi đến sự biện luận theo ý kiến riêng tư, rời xa khỏi ý của Đức Phật. Cho nên từ xưa tới giờ, ngay từ thời Đức Phật cho tới bây giờ và mãi mãi sẽ luôn luôn có những các bạn tu, các bậc thầy tu luôn luôn mang kiến thức Kinh điển mình học, gò ép những người khác phải rập khuôn như điều mình hiểu. Có lẽ Ngài A Nan không như vậy, nhưng Ngài là người thông hiểu, nhớ.

Cho tới một thuở mà khi Đức Phật đã viên tịch, nhập Niết Bàn, để họp bàn nói về Kinh nhắc nhở nhau thì Ngài chưa chứng đắc nên không được vào và cuối cùng, chính lúc đó Ngài mang ra thực hành và trở thành chứng đắc. Chứng đắc của Ngài A Nan và những bậc A La Hán đó, chúng ta không phải đi vào để tìm hiểu đâu. Sau này tự nhiên sẽ tới. Nhưng ngày hôm nay, trong ba chữ “Văn – Tư – Tu”, văn tức là kiến văn, đọc cho hiểu, cho thấu được lời Phật, tư duy cho rõ rồi đi vào tu tức là hành, tu hành. đó, có lẽ nó cũng miên man vô tận lắm, bởi từ xưa tới giờ biết bao nhiêu những vị đã bàn luận về chữ “Văn – Tư – Tu” cao siêu như thế nào. Hôm nay, ba chữ “Văn – Tư – Tu” được hiểu thấu thật dễ là hiểu và hành.

Phật tử tại gia của chúng ta và những con người bận rộn như chúng ta dù sau này trở thành bậc Thánh, thành Bồ Tát, thành Phật thì không thể bỏ qua nền tảng rất căn bản trong cuộc đời mà Phật dạy đó là thiện, thiện pháp.

Thực hành thiện pháp thật rõ, thật dễ, có công năng vi diệu chuyển hóa đau khổ và phiền não, giúp cho chúng ta tịch tĩnh, tăng trưởng năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ.

Các bạn! Chúng ta nhớ rằng, sự tu ở đời đừng quá cầu kỳ, đừng quá tăng trưởng sắc tướng. Tất cả những gì chúng ta nói với nhau là để gỡ những khúc mắc mà mỗi người tự cột chặt để đi vào đơn giản hóa trong sự thực hành pháp của Phật, nhưng hiệu ứng thành tựu rất mỹ mãn.

Chúng ta nhớ, tất cả mọi nghiệp chướng trong cuộc đời theo đạo Phật đều chi phối bởi nhân quả và nhân quả đó tạo thành nghiệp: Thiện nghiệp, Ác nghiệp. Và trong chữ “nghiệp” đó là thể hiện lực, nghiệp lực, lực nó dẫn, nó trì, nó kéo hoặc nó tạo nhân duyên ta bước thêm những bước dài vươn tới đỉnh cao của trí tuệ hay những bước lùi đọa vào trong địa ngục đau đớn. Chính hành đó mà ta hiểu được nghiệp từ thân – ngữ – ý, và hành của đạo Phật đơn giản cho Phật tử tại gia và đơn giản cho Bảo Thành là ở chỗ hành đạo Phật sau khi đã hiểu, hiểu gì, hiểu rằng Phật dạy phải làm việc thiện, bỏ việc ác, chấm hết. Các bạn quy về mấu chốt đó, các bạn sẽ tu và các bạn sẽ thành tựu.

Nhớ thuở là học trò, học sinh, mỗi khi đi thi, có những bạn có khả năng thâu tóm tất cả những sự học của mình trong cả một cuốn sách dày một môn đó, và những chìa khóa mật ngữ riêng tư của mình để rồi khi chỉ nhìn những chìa khóa của ngôn ngữ đó thôi là nó mở ra tất cả kiến thức trong toàn bộ bộ môn các bạn ấy học. Những bạn có khả năng tóm lại như vậy thì đi thi thường đạt kết quả cao. Và Chư Phật đã tóm lại trong toàn bộ sự hướng dẫn chuyển hóa khổ đau đi đến sự chứng đắc bằng hai chìa khóa: Thiện và Ác. Các bạn cứ học đi rồi các bạn sẽ thấu! Thiện và ác trong Kinh Pháp Cú Phật dạy, làm điều thiện, bỏ điều ác, tâm thanh tịnh, đó chính là hành. Hành đạo Phật như vậy mới thành tựu. Và hành ở chỗ nào? Hành điều thiện, bỏ điều ác. Hành ở đâu? Hành ở ý, hành ở miệng và hành ở thân.

Cuộc sống của chúng ta, gì vận hành chi phối nhiều trong cuộc đời? miệng nói nhiều, thân hoạt động, tư tưởng và suy nghĩ. Ba chỗ đó tạo nghiệp ác hay tạo nghiệp thiện thì khi ta hiểu được Phật dạy làm điều thiện, các bạn có thể nghiên cứu để hiểu hằng hà sa số những phương tiện khác, như về tâm Không, về tánh Không, về diệu dụng, về phương tiện, ôi cha nhiều lắm, nhưng chúng ta hiểu hôm nay là hiểu một cách căn bản, nhưng sự căn bản này là nền tảng vững chắc ai cũng cần phải thành tựu được, đó là nghiệp thiện. Hiểu thấu nghiệp ác sẽ tổn phước, gây ra họa cho ta. họa đó sẽ làm cho sức khỏe, cho tinh thần, cho cuộc sống về kinh tế, về tình cảm, về tài danh trong cuộc đời, mọi sự ở đời đều ảnh hưởng và chi phối bởi điều gì? Điều ác và điều thiện, nghiệp ác và nghiệp thiện. Nếu bạn tạo nhiều nghiệp ác thì muôn sự ở đời sẽ bị chi phối, thường xảy ra tai họa, xui xẻo, không thành công. Cho nên nếu kiểm tra lại trong cuộc đời có một vấn đề gì đó liên quan đến tài chánh, đến sự nghiệp, đến sự học, chuyện tình cảm của gia đình hay của cá nhân, của xã hội. Đến ngay cả mức lương bổng của chúng ta, đến sự ổn định của gia đình, của cuộc sống, đến sức khỏe của thân, của tâm đều chi phối bởi nghiệp ác và nghiệp thiện. Nếu bạn gặp những điều sai quấy nhiều thì đó là ác nghiệp quá nhiều, chúng ta đã lập nên nghiệp ác nhiều. Còn nếu chúng ta gặp những điều may mắn, phước báu là thiện nghiệp. Và hiểu là hiểu thấu rằng bỏ ác, hành thiện. Hành là hành từ thân – ngữ – ý. Đừng cao siêu hoá, thần thánh hóa để rồi xa quá, với không tới, ngồi mộng tưởng, coi phim đạo để rồi nhập vào cứ tưởng mơ mơ, bơ bơ. Nếu đã gọi là bơ thì thôi người đó đơ rồi, thần trí chẳng còn sáng.

Hiểu và hành ở đạo Phật thật đơn giản đối với Bảo Thành và thật đơn giản đối với các bạn Phật tử tại gia bận rộn nhưng sự thành tựu đó, nó nhiệm mầu lắm, các bạn thử đi, các bạn sẽ thấy!

Mỗi một ngày chúng ta thường nói nhiều, các bạn chỉ cần nhìn, hãy dùng trí tuệ quán chiếu. Trí tuệ ở đây đừng có hiểu quá cao, tức là phải phân biệt được miệng, ngôn ngữ ta nói ra từ miệng này là những lời ác hay lời thiện. Chỉ nhìn thấy rõ thôi! Đừng sợ khi ta nói ác mà chỉ cần dùng trí tuệ nhận ra ta đang nói ác, nhận ra rằng ta đang nói ác là bước đầu để chuyển hóa. Chỉ sợ rằng Bảo Thành và các bạn không nhận ra rằng những lời ta đang nói khi giao tiếp với các đấng bậc sinh thành là cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, cộng đồng, xã hội là ác, đó mới là điều đáng sợ. Còn nếu các bạn hiểu được thật rõ và nhận ra những ngôn từ ta sử dụng, ứng hóa trong cuộc đời là ác thì chính là bạn đã hiểu, hiểu đó được gọi là trí tuệ rồi.

Đừng nghĩ tới trí tuệ cao quá. Đạo Phật của chúng ta khi nói đến trí tuệ là nói đến tầm cỡ siêu đẳng rồi riết rồi siêu luôn để rồi phải cầu siêu, tội nghiệp. Có nghĩa là cứ đi tìm hiểu những cao quá, để rồi từ chỗ sanh cho tới chỗ tử đó nó tới cũng chẳng học được điều gì, bởi đắm chìm trong cao siêu. Nay tóm gọn lại, hiểu lời Phật giữa chữ “thiện và ác” để rồi chúng ta nhìn, chúng ta hiểu là trí tuệ của tánh nhìn trong Kinh Lăng Nghiêm. Nhìn ngôn ngữ ta nói, hiểu ngôn ngữ ta ứng dụng ác hoặc là thiện, đó là trí tuệ của Bát Nhã và tánh biết của Lăng Nghiêm.

Trong mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán chiếu trí tuệ của các sự biến hiện trong đời đều vô thường, vô ngã, sanh – diệt, khổ và hiểu thấu được ngôn ngữ của chúng ta, nó cũng vô thường. Tuy nhiên mỗi một sự vô thường xảy ra, nó tạo một lực nha các bạn! Dù sự vô thường đó đã hết, nhưng lực của vô thường ta tạo ra bởi những ngôn ngữ ác, nó vẫn tồn tại.

Hôm nay, chúng ta không thể quán chiếu sự vô thường để bỏ qua tất cả, mà vô thường nhưng lực của vô thường khi ta tạo từ hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ, nó vẫn tồn tại tạo thành lực. Cho nên chính trong vô thường sanh – diệt này, ta vận dụng sự vô thường để tạo ra một nghiệp thường hằng nhưng phải là thiện nghiệp, còn không nó là ác nghiệp. Nghiệp không mất, nghiệp không bao giờ mất, chỉ chuyển hóa nó, dùng thiện chuyển hóa ác. Và hai chữ “hiểu và hành” đơn giản chưa các bạn?

Hành ở đây là hành từ thân – ngữ – ý. Chúng ta hít thở nhẹ nhàng, chúng ta trì mật ngôn số 01 để tăng trưởng lòng từ bi, tình yêu thương, Mu A Mu Sa. Ta trì mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là thiền trí tuệ để thấy được sự vô thường sanh – diệt trong ngôn ngữ này nói ra là hết, nhưng lực, nghiệp lực của ngôn ngữ đó vẫn tồn tại để chúng ta cẩn trọng để không nói rằng: “Ôi, lời nói gió bay, hết rồi”. Không, chưa hết! Một lời nói ác thật sự ra như gió bay thoảng thoảng qua tai rồi hết, nhưng lực của lời nói ác đó vẫn tồn tại và quay ngược lại để bạn phải trả, và lực của lời nói thiện vẫn tồn tại để quay trở lại tạo thành phước, làm nền tảng cho bạn bước đi. Hiểu thấu, bạn sẽ có một sự lựa chọn khôn ngoan hơn, và hiểu này chính là trí tuệ đây. Trí tuệ đơn giản như vậy đó! Và các bạn biết mà!

Trời ơi! Bảo Thành hiểu là các bạn biết. Các bạn hiểu rằng điều thiện, điều ác nó rõ ràng, nó rành rành và chúng ta đều hiểu được lời nói ác và lời nói thiện. Chúng ta có cần phải mang ví dụ ác hay thiện trong lời nói không? Không cần, ai cũng hiểu! Nhưng có điều ta cứ đi tìm một cảnh trí tuệ cao để không thấy rằng hiểu được lời nói ác hoặc lời nói thiện, hành động ác hoặc hành động thiện, tư tưởng ác hay tư tưởng thiện, đó chính là trí tuệ. Và nói rõ hơn đó chính là trí tuệ Bát Nhã. Nếu bạn hiểu được lời nói ác, lời nói thiện, hành động ác, hành động thiện, tư tưởng ác, tư tưởng thiện, bạn đã có trí tuệ của mật ngôn số 02, bạn đã có trí tuệ Bát Nhã thâm diệu vi mầu mà các vị Bồ Tát, Thánh Hiền, Chư Phật đều phải tu về phần trí tuệ Bát Nhã đó.

Các bạn thấy không? Và rồi khi hiểu thấu được như vậy, các bạn hành, hành ở ba chỗ: thân – ngữ – ý, tức là ngôn ngữ, hành động và tư tưởng. Nhìn những hành động để thấy hành động sai, ta sửa. Nhìn những ngôn ngữ để thấy ngôn ngữ sai, ta sửa. Nhìn những tư tưởng để thấy tư tưởng sai, ta sửa. Tư tưởng, ngôn ngữ, hành động sai là những tư tưởng, hành động và ngôn ngữ ác tạo ra đau khổ cho người khác. Rất chuẩn, rất dễ thực hành, ai cũng có thể làm được! Chú tâm một chút xíu thì chúng ta đã đi vào sự tu chánh hạnh của Phật. Chú tâm một chút xíu, ta liền vui mừng vô cùng bởi chúng ta thực sự đã có trí tuệ và Bát Nhã trí tuệ kia đã khai mở trong ta rồi. Đừng thần thánh hóa chữ “trí tuệ” cao siêu, đừng thần thánh hóa chữ “hành” quá lớn để đâm ra hành hạ chúng ta trong kiến thức nhỏ bé của những chú ếch ngồi trong giếng sâu của ngục tối chấp trược, của những ngục tù của tôi quá cao, bản ngã quá lớn.

Các bạn! Hãy hiểu và hành lời Phật đơn giản nhưng vi diệu vô cùng. Sẽ chuyển hóa được đau khổ và phiền não của các bạn và các bạn sẽ lan tỏa được hạnh phúc, bởi trong đó, khi hành được, hạnh phúc của bạn sẽ dâng trào bất tận.

Các bạn có thấy ngỡ ngàng khi sự tu quá đơn giản không? Càng đơn giản, chúng ta càng coi thường. Vậy nên, Phật tóm trong hai Kinh, tu thiện pháp, bỏ ác pháp, tâm thanh tịnh, đó chính là người có trí tuệ Bát Nhã, người biết hành đúng lời Phật dạy. Không một bậc Thánh Hiền, Bồ Tát nào dám bỏ điều này đâu.

Đối với Ngài A Nan thì sự tu chứng của Ngài vận hành tất cả những lời Phật dạy để đi vào sự thiền định sâu thì đó là cung bậc giác ngộ của Ngài. Còn đối với chúng ta, chúng ta đừng bắt chước Ngài ở chỗ là cứ đọc, cứ hiểu. Các bạn có thấy chúng ta bị chướng ma nó hành không? Đó là ngày nay Kinh sách quá nhiều, lời giảng quá nhiều. Mỗi khi chúng ta nghe qua Kinh, đọc qua Kinh, nó phô bày toàn bộ những lời Phật dạy. Ở trên phone của các bạn nhỏ vậy thôi nhưng các bạn đọc được, nhìn được, nghe được mà. Nhưng bởi chúng ta tiếp cận quá nhiều, chúng ta hiểu sơ sài quá hoặc là chúng ta hiểu một cách nâng lên màn khói sương mầu nhiệm, huyền bí để rồi chúng ta cứ tửng tửng tưng tưng, gặp ai cũng đấu.

Một lời nói trên Facebook, một chia sẻ ở trên thông tin đại chúng mà ta đọc được là chúng ta đã sởn gai rồi. Và chúng ta sẽ tác động vào ý để tuôn ra những ngôn ngữ đấu đấu chút. Đời con người có tánh thú, gặp ai cũng muốn hơn như con gà cồ gáy cho to. Nhớ rằng, con gà hơn nhau tiếng gáy, nhưng mà gáy to quá thì dễ chết. Chúng ta thích gáy! Hiểu không biết bao nhiêu, hành thì chẳng được nhưng thích gáy. Bởi khi chúng ta đấu đá với người khác thì chẳng hành bởi đâu thấu được pháp thiện. Đấu đá, tranh luận, phiếm luận, lý luận, biện luận, hơn thua đúng sai, chính là tâm sân. Mà sân nhưng viện cớ là trí tuệ. Cũng như thuốc đắng bọc ở bên ngoài là đường cho ngọt để ta dễ uống, tâm sân được bọc ở bên ngoài hào nhoáng là vùng trí tuệ sáng của ta, nhưng đó chẳng phải là trí tuệ, đó chính là thuốc độc.

Các bạn! Hôm nay, Bảo Thành muốn chia sẻ để đưa chúng ta đừng miên man trong cuộc sống hiện tại quá nhiều bởi những ngôn ngữ của đạo Phật được nâng cấp quá cao mà gạt bỏ những sắc tướng, khiêm tốn một chút xíu, hiểu rõ mọi nghiệp đều tạo từ thân – ngữ – ý. Hiểu thấu được điều đó tức là trí tuệ. Bỏ được việc ác, làm được việc thiện, đó là tu. Sửa được điều sai và làm được những điều đúng, đó là tu. Tu là hiểu được ác và thiện, tu là sửa được điều sai, làm điều đúng. Ông bà nói, cha mẹ nói, người xưa nói là: “Đi cho ngay, về cho thẳng”. Chỉ vậy thôi! Ta đi ngay thì ta về thẳng, còn ta đi cong quẹo, ta về xiên xẹo. Hiểu và hành trong nhà Phật phải đưa tới thật đơn giản như vậy để có thể khế hợp với từng hoàn cảnh của mỗi một Phật tử, thực tập cho thật đơn giản và dễ ứng dụng để làm sao ta an và vui. Nếu các bạn tu đạo Phật mà bạn không hiểu và hành cho đơn giản như vậy để rồi cứ ngạo mạn rằng ta là đấng này đấng kia cứ đấu đá hoài và trong tâm không an. Nếu tu đạo Phật mà không an thì chẳng phải. Tu đạo Phật mà còn sân thì chẳng đúng. Kiểm tra lại bản thân, thấy tâm chưa an là chưa hiểu, chưa thấu, chưa tu. Kiểm tra lại tánh khí của mình còn sân, còn giận, còn tranh luận, còn hơn thua, còn đấu đá, còn biện luận, là chúng ta chưa tới đâu hết. Chúng ta tu Ma đạo chứ không phải tu Phật đạo.

Hiểu và hành trong nhà Phật đơn giản. Tóm lại ngày hôm nay, Bảo Thành muốn nói với các bạn, đừng quá cầu kỳ sắc tướng màu mè chi. Dù là bậc đạo sư, bậc Tổ sư hay các bậc thiện tri thức, hoặc các bậc Bồ Tát mà quá màu mè thì chúng ta cũng phải bỏ. Đừng màu mè nữa! Bởi vì hãy nhớ rằng, Phật không bao giờ màu mè. Các bạn nhìn vào cuộc đời của Phật trong Kinh tạng, Phật rất là đơn giản. Lời nói của Ngài rất đơn giản, thân giáo của Ngài, cuộc sống của Ngài rất đơn giản, nhưng ngày nay thì quá cầu kỳ. Và hàng Phật tử tại gia chúng ta bận rộn trong kế sinh nhai hằng ngày, càng cầu kỳ càng khó tu, càng đơn giản càng dễ thực hành. Phật thấu hiểu được điều đó trước 2560 mấy năm trước rồi.

Hôm nay chúng ta đừng màu mè với chính mình mà hãy đơn giản hơn. Hiểu được điều thiện, ác đó chính là trí tuệ Bát Nhã. Hành được điều thiện, bỏ điều ác đó chính là tu. Cao tột vô cùng! Hiểu được điều thiện, ác từ thân, ngữ và ý đó là trí tuệ Bát Nhã nhìn rõ được từ thân – ngữ – ý. Tánh biết của Lăng Nghiêm, Bát Nhã của Tâm Kinh, hành được từ trong thân – ngữ – ý những điều thiện pháp, buông bỏ ác pháp, đó là tu sửa thì nhất định sẽ chứng đắc sự an lạc. Và nếu các bạn chứng đắc sự an lạc thì các bạn sẽ chuyển hóa được nghiệp từ bất thiện nhiều đời đã tạo ra và bạn sẽ chứng đắc được thật nhiều những điều kỳ diệu sau đó, từ khởi điểm này.

Hy vọng ngày hôm nay chúng ta thấm được để không còn tranh luận, than vãn, đấu đá, lý luận, đè bẹp, hơn thua, so kè từng chữ từng lời. Không! Nghiệp ai người đó chịu, ai sai người đó chịu. Ta sửa là sửa nghiệp của mình, ta tu là tu cho mình. Khi tâm sáng như ngọn đèn đã sáng, người trong tăm tối sẽ nhìn thấy mà nương theo để đi. Còn khi tâm tối ù mà cứ muốn sáng cho người khác, chỉ cho người khác sáng thì chẳng khác gì nhà ai đen tối lại muốn chỉ đường cho người có nhà mà đèn sáng.

Các bạn thấy không? Cho nên nhớ rằng, ở đời đừng cầu kỳ phức tạp. Phương tiện, kỹ thuật về y học, về khoa học, về tất cả mọi sự ngày hôm nay đã tiến tới mức đơn giản hóa để ai nhìn vào, thấy được cũng ứng dụng được. Từ những vật dụng trong gia đình, như những phone chế tạo ra, người ta cũng phải chế tạo ra càng đơn giản để bạn có thể vận hành được chúng. Vận hành ở tầm cao đó các bạn thấy không? Đi đến sự cảm ứng, đụng vào thôi, thậm chí chỉ nói là phone đã ứng dụng rồi. Thế thì Phật đã đi tới sự cảm ứng cao hơn đó nữa. Không cảm ứng bằng vân tay, không cảm ứng bằng âm thanh nói, mà cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

Các bạn thấy chưa? Khi các bạn hiểu được lời Phật, cốt lõi từ thiện pháp và ác pháp, buông bỏ từ thân – ngữ – ý là bạn tu hành. Và khi bạn hiểu đó, là trí tuệ Bát Nhã thâm sâu, huyền diệu trong tánh biết Lăng Nghiêm và Tâm Kinh Bát Nhã. Hành đó là hành cao tột sửa từ thân – ngữ – ý thì bạn sẽ có được cảm ứng và cuộc đời thân xác này, tâm trí này như phone vi diệu cảm ứng được đạo giao, cảm ứng được đạo, cảm ứng được sự sống, năng lượng, trí tuệ của Phật để rồi chúng ta có thể cài đặt xuống phone thân xác cuộc đời, kiếp người này những app, những phần mềm tuyệt vời của Phật. Không cần cày ở trong những chuyện mà xưa tới giờ chúng ta phiếm luận đâu. Đơn giản mà! Bởi vì các nhà chế tạo phone thì cũng có chế tạo ra những phần mềm, khi cần, chúng ta chỉ cần cài xuống. Đức Phật là một nhà đại tài, Ngài đã chế tạo ra những phần mềm trí tuệ và từ bi, chỉ cần các bạn tẩy uế trong phone của kiếp người này cho nó sạch, hiểu và hành cho đúng kỹ năng đơn giản như vậy thôi là bạn có thể cài đặt phần mềm trí tuệ và từ bi của Phật qua mật ngôn số 01 và mật ngôn số 02 mỗi khi Chánh Niệm hơi thở để thăng hoa đời sống của các bạn.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Chúng con nay đã hiểu với phận người lẻ loi trong cõi đời, với kiếp sống bận rộn kế sinh nhai, hiểu và hành lời Phật chính là trí tuệ và tu.

Xin gia trì cho chúng con ứng dụng được từ thân – ngữ – ý, biết sửa tất cả các pháp ác đã tạo và tăng trưởng pháp thiện để chúng con có thể đón nhận được vùng sáng trí tuệ của Phật trong từng giây phút Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Trong buổi đồng tu hôm nay, chúng con nếu có được chút phước đức nào xin hồi hướng cho các chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn