Bảo Diệu Tịnh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Tới giờ đồng tu, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ thiền quán chiếu trong Chánh Niệm để thấu rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.
Chúng con cũng đồng thành kính nguyện xin Chư Phật gia hộ cho quê hương Việt Nam của chúng con và trên toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.
Xin Chư Phật chứng minh.
Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.
Hãy trở về với hơi thở Chánh Niệm trí tuệ – từ bi. Một lòng thành kính, khiêm tốn, chân thật đón nhận năng lượng của Chư Phật gia hộ cho chúng ta qua thân và tâm. Luôn luôn nghĩ tới cha mẹ, ông bà, người thân yêu còn trên thế gian này, cộng đồng và xã hội. Hồi hướng cho muôn người bình an, hạnh phúc, phiền não và đau khổ tiêu tan, tinh tấn trên con đường cầu đạo giải thoát.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn trong ngày thứ hai đầu tuần! Trong 07 biến chúng ta thanh tịnh tâm ý, hòa nhập vào với hơi thở Chánh Niệm nhẹ nhàng khi ra và khi vào, quán chiếu tâm từ bi, nhìn rõ vào bản thể tự tánh trí tuệ nơi tâm Phật để rồi từ đó Bảo Thành và các bạn gắn kết mật thiết với Chư Phật, Bồ Tát, Chư Tổ, Thầy, hòa mình vào trong năng lượng vi diệu, thoát khỏi những phiền não, ưu tư của cuộc đời và có sự trải nghiệm an lạc, hạnh phúc thật sự ngay trong hiện tại. Tất cả mọi sự trong cuộc đời này, dù là việc to hay việc nhỏ, dù là đại sự hay tiểu sự, chúng ta đều phải có sự hành động thì sự đại sự tiểu sự, sự to sự nhỏ mới có cơ hội hình thành thật sự. Còn không thì chỉ là ngồi dệt mơ dệt mộng trong cõi hương khói của mê tín dị đoan, chẳng đúng tinh thần của Đức Phật truyền dạy cho chúng ta.
Chủ đề “Cho Mình Cơ Hội” đã nhắc nhở cho mọi người thấy, chúng ta thật sự vẫn luôn có những cơ hội rất đặc biệt ưu đãi cho mỗi người để có thể thay mình hoặc còn gọi là thay hình đổi dạng, chuyển biến để có thể ứng hóa kịp thời, chạm vào thềm an vui, hạnh phúc vốn có ở bên trong, chẳng xa vời thực tế, chẳng xa vời vợi mà phải lao đầu vào trong mê muội để tìm kiếm mông lung mà chỉ cần quay trở về nhìn thật rõ những dòng tư tưởng, những sự vận hành ngôn ngữ, hành động của chúng ta hàng ngày sẽ thấy được bến bờ an lạc ngay chỗ đó để chúng ta thường trụ, để chúng ta trú ở nơi đó, để chúng ta dừng ở nơi đó mà nghỉ mát an lạc.
Đã biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, không nói về con đường tâm linh mà nói về cả cuộc sống của kiếp nhân sinh, chúng ta thường bỏ lỡ thật nhiều cơ hội bởi cứ chần chừ suy nghĩ. Có các bạn có những luồng tư tưởng khởi lên trong tâm, thấy chính xác, sau khi tư duy thấy đúng nhưng không có đủ niềm tin để biến tư duy, suy nghĩ đó thành hành động và rồi cứ ngấm ngầm nhìn, nghĩ, suy, thời gian trôi qua, nhìn lại thì đã mất cơ hội bởi những suy nghĩ của chúng ta đã phù hợp. Thấy đâu đó trên thế giới này, những người thành công vẫn ứng dụng những chiều sâu của suy nghĩ và tư duy, họ thành công là bởi vì có hành động, ta thất bại, mất cơ hội là bởi vì ta không bao giờ hành động.
Pháp hành là một trong những pháp sau khi nghiên cứu lời của Đức Phật dạy, tư duy cho thật rõ, mang vào ứng dụng, thực tập. Thực tập chẳng phải ở trong câu Kinh tụng đi tụng lại lời của Đức Phật dạy cho Phật nghe. Các bạn nhớ, thực tập không phải là đọc đi đọc lại lời của Đức Phật dạy cho chúng ta rồi chúng ta cứ tụng lại cho Phật nghe. Mà tụng kinh Phật, tụng là đọc một cách nghiền ngẫm, tư duy thấu rõ để có thể thấm vào trong tâm, từ đó mở mang trí tuệ rồi mang ra ứng dụng trong cuộc đời.
Ai trong chúng ta cũng có cơ hội như nhau và ai trong chúng sanh cũng đều có cơ hội để thành Phật. “Thành Phật” không có gì là ghê gớm để cho chúng ta bị dị ứng rằng: “Ôi! Sao mà cao quá”. “Thành Phật” thật ra chỉ là tỉnh giác, hiểu được, thấu được cái ác và cái thiện, buông bỏ việc ác, tăng trưởng việc thiện. Đơn giản! Nếu chúng ta bỏ bớt đi. Lấy cái quạt của tâm tịch tĩnh tư duy, thổi bay đi những lớp sương mù huyền ngữ tối tăm người ta phủ lên thì nó chỉ còn lại trơ trọi có thiện và ác. Làm điều thiện, bỏ điều ác, tâm ý thanh tịnh là thành thôi. Phật là tỉnh giác. Bỏ ác, hành thiện, tâm tỉnh giác hiện tiền. Không hẳn là chỉ có con đường tu Phật mà tất cả mọi sự vận hành từ việc to việc nhỏ sinh hoạt về kinh tế, tình cảm, xã hội, lĩnh vực về âm nhạc, tinh thần, lĩnh vực về khoa học, không gian, vật lý, tất cả những môn học mà con người đã tìm, khám phá, ứng dụng vào cuộc đời để tăng sự thuận lợi cho đời sống đều có thể thành tựu được. Mọi chuyện đều có thể thành tựu được và như vậy thì hiển nhiên thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc để tăng trưởng những sự thành tựu khác trong kiếp con người là những cơ hội thường tới với chúng ta. Nhưng có điều chúng ta thường vì sĩ diện, ta như vậy không lẽ tu, ta như vậy không lẽ đi thực tập. Đường đường là một anh hùng hảo hớn, là một người dõng mãnh trong cuộc đời, trong xã hội, có bằng cấp, có hàm vị, có tiền, nổi tiếng, giàu để muốn nói gì thì nói chứ ai mà để cho người khác nói cho mình nghe. Và từ chỗ ta cho mình là đã đạt đến mức có danh thế ở đời rồi, dù là danh thế đó nằm bên lề đường xin ăn cũng vẫn sĩ diện đàng hoàng hẳn hoi. Dù danh tiếng đó là vua chúa ngồi trên cao cũng một chữ “sĩ diện” hẳn hoi, rõ ràng. Để từ đó khước từ những điều thật hay mà bản thân dù là vua hay dù là những người ở ngoài đường, nghèo giàu, thấp cao, kiến thức hay không kiến thức đều luôn luôn giữ sĩ diện khi hiểu thấu một điều gì biết là đúng, vẫn luôn luôn bảo thủ, cố chấp, chẳng trở mình lật ngược lại để có thể tiến lên, cho nên thường mất đi thật nhiều cơ hội.
Vậy rồi phần cuối của cuộc đời, phần cuối của mọi sự việc thường than thở: “Biết thế, hồi xưa tôi hành động thì đâu có lỡ bỏ qua cơ hội”. Chữ “biết thế” hoặc “biết như vậy”, biết nhưng mà biết thế, biết là biết vậy, biết thế, biết vậy đó, là cả một thời quá khứ đã trôi qua mà mỗi người trong chúng ta đánh mất cơ hội, nay hối tiếc. Chẳng phải khi chúng ta lớn tuổi rồi hối tiếc và cứ hối tiếc và nghĩ rằng không có cơ hội để thay đổi. Không! Trăm tuổi vẫn còn có cơ hội, cực ác vẫn còn có cơ hội huống chi là những người thiện lành, chưa đến trăm tuổi, lớn thì cũng lớn, trẻ thì cũng trẻ, yếu thì cũng yếu, khỏe thì cũng khỏe, mỗi người một cảnh nhưng đều đồng cơ hội để thành tựu được sự an lạc trong cuộc sống.
Bảo Thành lấy ví dụ trong Kinh về hai nhân vật. Hai nhân vật cực ác! Một nhân vật ác nhưng mà tầm thường, một nhân vật cực ác nhưng ở trên cao nhưng cả hai cũng vì sĩ diện của cuộc đời khi chưa gặp được những ánh sáng của trí tuệ khai thị bởi bậc giác ngộ nên cứ tăm tối, khổ hoài. Người rất tầm thường mà cực ác chỉ là một kẻ cướp giết người vô số, tư tưởng chắc không có kiến thức gì bởi là hạng thứ dân cướp ở trong rừng. Kẻ cướp này ác dữ lắm! Giết người, cướp của, hành hung như là một thú vui giết người vậy thôi. Và thật sự, nếu như chúng ta nhìn thấy một con người như ông Vô Não thời Đức Phật thì chúng ta thấy rằng, kẻ đó là cực ác, chẳng còn cơ hội để tu, chẳng còn cơ hội để trở về thuần tâm của Phật tánh thanh tịnh, an lạc, thiện lành. Ác quá mà! Làm sao trở về? Và có lẽ, chúng ta nhìn thấy những đối tượng như ông Vô Não ở đời này, ta khinh thường họ lắm, ta cho họ: “Thôi! Thế là hết rồi, là đồ bỏ trong xã hội, cặn bã trong xã hội”. Ông Vô Não cũng như thế! Ác mà không có trí tuệ, không có kiến thức, không có học và sĩ diện là bởi vì người khác luôn luôn gạt bỏ, coi thường, phỉ báng, chê bai, ông ta càng sân hận và mang sân hận đó biến thành hành động, sức mạnh để đi giết người, thỏa mãn thú hận thù. Nhưng khi gặp Đức Phật, lời nói của một bậc giác ngộ y như mọi người biết, y như mọi người vẫn nói nhưng nó chứa đựng năng lượng vi diệu là: “Ta đã buông, đã dừng. Sao ngươi chưa dừng, chưa buông?”. Cũng âm thanh đó, nghe quen phải không các bạn? Ai không biết và ai cũng nói nhưng nó khởi nguồn từ một bậc giác ngộ, nó mang năng lượng vi diệu toàn giác thấm vào trong tâm của ông Vô Não. Ông ta giật mình nhìn thấy bản tánh cực ác của bản thân, nơi đó, ở bên trong, ông ta vẫn có tâm tánh thiện lành biết nhìn rõ, biết buông và biết sám hối, quay đầu hướng thiện mà không vì sĩ diện của một kẻ cướp, của một người giết người. Năng lượng vi diệu gặp được bậc giác ngộ như Phật đó, năng lượng của trí tuệ và tình yêu đó đã đánh thức ông Vô Não khởi lên được cảm giác rằng hận thù với hận thù là không bao giờ xóa bỏ được, chỉ có tình yêu mà thôi. Và từ đó, ông ta thấm thía câu: “Chỉ có tình yêu thương, chỉ có tình yêu thương mới chữa lành mọi vết thương”, và từ đó ông khởi lên tâm yêu quý mọi loài. Tâm yêu quý mọi loài đó, là chìa khóa để cho ông ta tiếp cận một cơ hội mới để thay đổi toàn bộ cục diện là một kẻ cướp, một kẻ giết người thành một đệ tử của Phật chứng giác sự an tịnh, sự an lành với tâm thiện lành sẵn sàng bưng bình bát mỗi ngày thọ thực, sám hối, thiền định, trí tuệ – từ bi.
Còn chúng ta, có lẽ trong chúng ta cũng đã nhiều lần lầm lỗi lắm. Chưa tới mức như ông Vô Não cực ác, giết người nhưng ít nhất chúng ta cũng tội lỗi vô số khi nhìn lại bản thân. Chúng ta nghe được lời chân lý từ các tôn giáo, các bậc lãnh tụ trong các tôn giáo ta theo và nghe được lời khai thị của Đức Phật rõ ràng ràng nhưng vì sĩ diện hay tự ái về tự tôn, cho nên lời của các Ngài, chúng ta nghe qua, không lắng đọng tâm, còn nếu chúng ta trực diện như ông Vô Não gặp Phật thật sự thì năng lượng vi diệu của Phật sẽ thấm vào trong tâm để ta nhìn thấy trong giếng sâu của tội lỗi, vùng tối của tâm thức, ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo vẫn còn mầm mống thiện lành, lương thiện, để từ đó khởi lên tâm biết yêu thương muôn loài và sẵn sàng nắm bắt cơ hội đó để thay đổi cuộc đời cho tốt hơn. Nếu chúng ta có phước báu diện kiến chân ngôn của Đức Phật truyền lại cho đời này, nếu chúng ta có lòng nhiệt huyết muốn thay đổi cuộc đời khi nghe thấy những điều chân lý khai thị bởi các bậc tôn túc trong Kinh sách, trong băng dĩa giảng hoặc vô tình nghe được đâu đó mà thấm vào thấy đúng thì đừng vì sĩ diện tự tôn, tự ái mà hãy thương yêu mọi loài và mọi loài trong đó ta yêu thương, ta thương yêu đó, có ta. Thương yêu mọi loài chính là thương yêu ta để có được một cơ hội tuyệt vời nhất thay đổi cuộc đời của chính mình.
Ông Vô Não đã nắm bắt được điều đó, ông đã biến mình từ một kẻ cướp, một kẻ sát hại, một kẻ cực ác, giết người vô số trở thành đệ tử của Phật. Thiện lành vô cùng, cao quý vô cùng từ giây phút ông ta quỳ xuống lạy Phật và xin Phật hãy nhận con làm đệ tử, học hỏi theo những gì Phật hướng dẫn, ông ta đã gội rửa hết mọi phiền não, đau khổ, ác nghiệp nhiều đời và ngay trong kiếp đó để có sự trải nghiệm an lạc và hạnh phúc. Để rồi sau này người ta đánh, người ta đập chảy máu, người ta ném đá, người ta sỉ vả, người ta coi ông ta như một kẻ cướp thời quá khứ nhưng ông ta vẫn an lạc, mỉm cười, đứng giữa cuộc đời, giữa biết bao nhiêu chống kình, phỉ báng, đánh đập cho tới chết mà vẫn luôn luôn an lạc và hạnh phúc.
Còn chúng ta, chúng ta là ai? Để rồi khi ta có vô số điều sai, thấy được một chân lý đúng, ta thực hành. Bạn bè chỉ có nói: “Anh như vậy mà cũng học sao, anh như vậy mà cũng tu sao?”, “Bạn thế mà cũng học, học đòi học đạo, học đòi như vậy, học đòi như kia?”, thế là vì sĩ diện, tự tôn, tự ái, ta lùi lại không cho mình cơ hội để thay đổi cuộc đời. Đó là nói những hạng tầm thường như Bảo Thành và các bạn thường sĩ diện, tự ái, tự tôn, cho nên gặp đúng điều đúng, ta không bao giờ nắm bắt cơ hội để thay đổi. Vẫn biết là tư duy, suy nghĩ thấy điều đó là đúng rồi, nhưng vẫn bảo vệ, cố chấp về những điều ta đã làm gọi là sai bởi vì sợ bạn bè coi rằng mình như thế mà cũng học: “Hồi xưa tưởng anh như vậy mà bây giờ cũng làm lành sao?” và cứ ngại ngại, chấp chấp, bám víu vào những điều sai trái như cái thế đứng vững chãi trong cuộc đời để thể hiện cái ta ngông cuồng trong cuộc thế. Vậy rồi làm mất cơ hội, không biết cho mình cơ hội để hồi đầu hướng thiện.
Một nhân vật nữa cũng ở trong Kinh cũng cực ác các bạn ơi! Ác vô cùng, ác đến mức mà ngày nay chúng ta thật sự thấy người như vậy thì chúng ta sợ lắm. Nhất là kẻ ác này nắm trong tay quyền lực của một vị vua, một vị vương đế, nói giết là giết, nói diệt là diệt, miệng nói ra câu nào là phải được thực hành, đây là một cái ác nguy hiểm cho mọi người. Có quyền lực nhưng cực ác, đó là ông vua A Xà Thế thời Đức Phật. Các bạn biết không? Bởi vì ông ta giết hại chính cha của mình là vua để cướp ngôi mà lên ngôi vua. Giết chết cha để cướp ngôi vua thì là cực ác rồi phải không các bạn? Cực ác như vậy cũng chưa xong đâu! Ông ta còn ác độc vô cùng và giết hại vô số người, chiếm đất người khác, chiếm đoạt của cải người khác và rồi một cái ác nữa là ông ta phối hợp với ông Đề Bà Đạt Đa để muốn bách hại Phật, muốn giết Phật. Giết người, giết cha mà còn phối hợp với kẻ thù là Đề Bà Đạt Đa để giết Phật, hại Phật nữa thì có phải là cực ác mà kêu trời rằng không thể nghĩ được là quá ác, và ông ta còn là vua thì các bạn thử hỏi xem sĩ diện, tự ái, tự tôn của ông ta cỡ nào? Nhất định không đón nhận cơ hội. Thế mà khi ông ta có sự trải nghiệm đau đớn vô cùng khi hạ sinh một người con và người con đó bệnh nặng. Từ đó, hỏi thân mẫu rằng: “Hồi xưa, vua cha có thương con như con thương con của con bây giờ không?”. Thân mẫu mới nói: “Hồi xưa, cha của con thương con còn hơn như vậy”. Kể cho biết về tình cha như thế, ông vua A Xà Thế đau khổ, hóa khùng hóa điên, điên dại, chạy ngược chạy xuôi và rồi ông ta không tìm được một sự giải thoát nào khi ông ta đi tới tất cả các bậc học cao, những bậc học đạo cao siêu thời đó, những ông đạo, những nhà gọi là tâm linh cũng không thể nào có thể chuyển hóa phiền não, đau khổ của ông ta. Rồi một vị cận thần giới thiệu ông ta hãy đi tới Phật.
Nếu như người thường thì nhất định là không bởi ông Phật là vị mà ông vua này đã muốn hại, bắt tay với ông Đề Bà Đạt Đa để hại thì còn mặt mũi nào nữa để tới mà thọ pháp, mà nghe giảng phải không các bạn? Nhưng trong cơn đau tột cùng đó, ông ta tư duy và thấy rõ biết bao nhiêu con người đã được chuyển hóa, có được cơ hội thay đổi và sống hạnh phúc là nhờ sự khai thị của Đức Phật. Ông ta đã dõng mãnh nhất định một chuyến đi, chuyến đi thay đổi cuộc đời, chuyến đi để có lại cơ hội và khi tới với Đức Phật, 1250 đệ tử ngồi trong khu rừng im lặng, im lặng đại hùng, lực của những bậc giác ngộ và các bậc tỳ kheo đang thiền định, ông ta rụng rời tay chân, phiền não đoạn diệt và khi tiếp cận được với Phật, Phật khai thị, ông ta đã giác ngộ và trở thành một Phật tử thuần thành, thiện lương. Ông ta đã nắm bắt được cơ hội, bỏ qua sĩ diện là một vị vương đế, biết cúi mình chân thành, thành kính, khiêm tốn gặp Phật, dù đã từng hại Phật.
Hai tấm gương này để chúng ta thấy rằng trong cuộc đời của chúng ta, nhất định khi suy nghĩ, chúng ta đã thấy rằng chân lý của Phật, chúng ta đã từng được nghe qua, nhưng chúng ta vì tự tôn, vì sĩ diện, vì tự ái, xem mình như thế, làm sao có thể quay lại mà học chân lý này? Nhưng hãy nhớ, dù là ai đi nữa thì chúng ta vẫn luôn luôn có cơ hội để thay đổi cuộc sống. Dù cực ác như ông Vô Não hay ông vua A Xà Thế thì họ vẫn biết khi nhận ra chân lý từ Thế Tôn và họ đã cho họ cơ hội để chuyển hóa. Nắm bắt được cơ hội khi đón nhận được chân lý, nếu chúng ta bỏ qua sĩ diện, sự tự tôn, tự đại thì nhất định chúng ta sẽ thành tựu thật nhiều.
Có khi nào các bạn đã bỏ qua cơ hội chưa? Nhất là cơ hội học đạo, cơ hội đi vào nguồn suối an lạc của Chư Phật?
– Có! Bảo Thành và các bạn đã bỏ qua quá nhiều cơ hội.
Trong hiện trạng hiện thời, đại dịch tràn lan là một cơ hội vi diệu cho những ai trong chúng ta dù chưa có đau khổ từ bản thân nhưng có sự trải nghiệm nhìn thấy sự đau khổ từ muôn người trên thế giới. Không khác gì ông vua A Xà Thế, sự đau khổ ngày nay do đại dịch, ai trong chúng ta mới thấy được cơ hội để thoát ra? Chưa ai thấy hết! Dù tại nước Mỹ và các nước y học tạo ra vắc xin (vaccine) cũng chưa thấy màu ánh sáng của hy vọng thoát ra khỏi đại dịch. Những nước kinh tế bậc nhất, y tế bậc nhất vẫn phải học cách sống chung với dịch. Đức Phật đã tới trong cuộc đời khi mà mọi người có sự trải nghiệm đau khổ tột cùng như thế thì chính là cơ hội cho chúng ta tiếp nhận ánh sáng giải thoát từ Đức Phật. Lời chân lý của Đức Phật sẽ giúp cho chúng ta thoát khổ trong đại dịch nếu đừng vì sĩ diện, tự tôn, tự đại, biết khiêm tốn như vua A Xà Thế trong tận cùng của đau khổ, hồi xưa một thời đã định giết Phật, nay không để cho điều đó che khuất để rồi từ bỏ cơ hội chuyển hóa phiền não và đau khổ, ông ta đã dõng mãnh tới gặp Phật. Nếu các bạn và Bảo Thành dõng mãnh trong đại dịch này, diện kiến Phật qua chân lý, qua giáo lý, qua những phương tiện, các pháp phương tiện vi diệu Đại Thừa hoặc các pháp phương tiện vi diệu trong Kinh tạng mà có phước duyên học hỏi, nghe qua, thực tập, tư duy thấy đúng, thể nhập vào trong đó, tiếp cận được năng lượng vi diệu của bậc giác ngộ để cho mình một cơ hội nữa đứng vững trên cuộc đời đại dịch đang lan tràn trên thế giới. Cho mình cơ hội trong mùa dịch khi mọi người phải ở nhà giãn cách đau khổ bởi vì thiếu ăn thiếu uống, đau khổ bởi vì không đi làm được, đau khổ bởi vì sự sinh hoạt đời thường hình như chẳng còn, đau khổ vì dịch tới bất ngờ, không biết đâu mà có thể ngừa được, đau khổ vì biết bao nhiêu người đã nằm xuống mà dịch vẫn lan tràn mỗi ngày một tăng trưởng. Có lẽ ông vua A Xà Thế đã trải nghiệm qua nhưng ông ta chẳng vì thế mà dừng chân tại chỗ để than khổ. Trong trái tim, trong thâm sâu của ông ta vẫn thôi thúc một con đường đi tầm cầu sự giải thoát, tìm kiếm tới biết bao nhiêu vị đạo sư thời đó, không ai giải được và hóa độ cho ông ta. Ông ta đã dõng mãnh tới gặp Phật dù đã bao nhiêu lần muốn giết Phật. Chúng ta cũng đã bao nhiêu lần lầm lỗi, nay nghe được lời của Phật, hãy dõng mãnh lên, xoay đầu trở lại, nắm bắt cơ hội trong mùa đại dịch, trở về với chân tâm, tiếp cận với tâm tánh thiện lành, đi vào thể tánh Phật trong ta để diện kiến Phật và nói rằng: “Phật ơi! Xin hãy hóa độ con. Xin hãy nhận con như ông Vô Não khi xưa Ngài đã nhận, như ông vua A Xà Thế khi xưa Ngài đã nhận. Vì cuộc đời trong đại dịch, chúng con đau khổ vô cùng, đau khổ khôn chừng. Xin hãy nhận con làm đệ tử, xin hãy khai thị và xin hãy dắt dìu tất cả chúng con cùng có thể bơi qua bể khổ đại dịch này để cập bến an lạc trong cuộc sống, vững niềm tin nơi Tam Bảo, có một hướng đi rõ ràng là muốn thay đổi cuộc đời, quay ngược trở lại tìm kiếm Phật bên trong trong mùa đại dịch là chân lý vi diệu”.
Thời gian trôi qua thật nhanh, muôn sự ở đời là vô thường tới lui chẳng bao giờ tồn tại nhưng nếu như bạn không nắm bắt cơ hội này để trở về với Phật tánh ở trong tâm, tìm kiếm và diện kiến Phật thì chúng ta thực sự đã mất toàn diện cơ hội để thay đổi cuộc đời. Ông Vô Não, ông vua A Xà Thế đã gặp Phật và đã thay đổi hoàn toàn, trở thành đệ tử thiện lương vô cùng của Phật chứng được được sự an lạc. Chúng ta chưa đến nỗi cực ác như ông Vô Não hay cực ác như ông vua A Xà Thế. Có nghiệp, nghiệp ác nhiều lắm nhưng ít nhất trong u tối, ác độc nhiều đời ta tích lũy lại vẫn còn ánh sáng của tự tâm, mầm mống chủng tử Bồ Đề khơi dậy tâm tánh thiện lương để mà thay đổi.
Hãy tới với Phật trong mùa đại dịch, hãy nói với Phật rằng: “Phật ơi! Con luôn tin tưởng nơi Phật, nay con quay trở về với Phật qua bao nhiêu kiếp đen tối trong bất thiện nghiệp. Đại dịch đã tới, đau khổ triền miên và vô tận. Đại dịch đã tới cướp đi biết bao nhiêu mạng sống của con người trên thế giới. Đại dịch đã tới và chứng minh cho chúng con thấy rằng cuộc sống là vô thường và đại dịch đã tới đã chứng minh rằng dù thông minh, trí tuệ, y học cao, kinh tế có giàu có đi nữa cũng không thể khuất phục được. Xin Ngài hãy nhận chúng con làm đệ tử để chúng con một lần nữa có cơ hội thay đổi tư duy, suy nghĩ để sống chung với dịch trong sự an lạc”. Bởi vì vạn sự ở đời xảy ra đều do nhân quả thiện – ác và nếu quay về với Phật, tăng trưởng pháp thiện, có được phước báu và công đức vô lượng thì nhất định năng lượng của phước báu, của công đức thiện pháp chúng ta tu tập, quán chiếu từ từ bi – trí tuệ, hành động một cách cụ thể, rõ ràng thì nhất định chúng ta sẽ có an lạc và đại dịch kia chẳng qua là một cơn gió độc thổi qua và rồi chúng ta vẫn tồn tại trong sự hạnh phúc hiện diện trong cuộc đời với thọ mạng của phước báu, công đức ta có được do sự tu tập thiện pháp.
Đừng để cho thời gian trôi qua trong thời gian giãn cách mà không nắm bắt cơ hội để tu tập rồi nhảy lung tung, múa may với những thông tin nhàm chán của cuộc đời để cho tư duy, suy nghĩ, năng lượng của chúng ta nghiêng về điều bất thiện, nghiêng về điều tiêu cực. Tại sao lại tiêu cực và bất thiện? Hãy nghiêng về điều tích cực hơn, lành thiện hơn đó chính là cơ hội để thoát dịch, đó chính là cơ hội giãn cách phân ly nhưng tịch tĩnh nhập thất tu để tìm về với Phật. Phật ở trong tâm, cần phải có hành động cụ thể, không phải chỉ có nghe, suy nghĩ, tư duy mà phải hành động. Đừng để sự tư duy, suy nghĩ đúng của chúng ta vuột mất khỏi tầm tay để không còn cơ hội nữa. Khi đã tư duy, suy nghĩ đúng rồi, dõng mãnh lên, quay trở lại diện kiến Phật như ông vua A Xà Thế, dõng mãnh quỳ xuống lạy Phật, nhận Phật là bậc Thầy.
Phật luôn luôn ứng hóa nhiều thân trong cuộc đời này để khai thị, nhắc nhở chúng ta. Trong mùa Vu Lan, một trong những ứng hóa thân của Phật đó chính là cha mẹ của chúng ta. Nhớ, hãy yêu thương muôn loài và để thể hiện tình yêu thương muôn loài đó, đó là yêu thương chính mình và yêu thương chính mình là phải thực hành được hiếu hạnh thương yêu cha mẹ mình thì vườn hoa tâm sẽ nở, hương giới hạnh sẽ thơm ngát mười phương và chúng ta sẽ luôn luôn an lạc và hạnh phúc.
Hãy cho mình cơ hội nữa các bạn! Để nắm bắt thực tế cơ hội tuyệt mỹ này, tìm về với Phật trong trái tim sau khi đã tư duy, suy nghĩ thật rõ, đưa vào sự thực hành, thiền quán chiếu trí tuệ và từ bi, hành động rõ ràng bằng những thiện nghiệp, chúng ta lại một lần nữa có cơ hội thay đổi cuộc đời để có thể giảm thiểu những tác hại gây ra phiền não, đau khổ cho ta và muôn người. Mỗi một người tự trở về tịnh tu. Mỗi một người tự trở về Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ, hành thiện tích đức ngay bây giờ trong thời đại dịch thì cùng với nhau góp, hùn được phước báu để tăng trưởng trí tuệ cao hơn nữa mà tìm ra cội nguồn nhân quả của đại dịch này chính là do những ác nghiệp nhiều đời. Chúng ta phải thay đổi bằng phước báu và thiện nghiệp để rồi từ đó, nhất định, ứng hóa thân của Phật sẽ có ở trong đời, mang những phương tiện vi diệu nhất để chuyển hóa đại dịch và nó sẽ ngừng mà thôi.
Các bạn ơi! Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, ngày mai sẽ là một ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi người chúng ta nếu như chúng ta ngày hôm nay, trong thời đại dịch phân ly ngăn cách này, biết nắm bắt cơ hội và cho mình một cơ hội nữa để trở về với giáo lý của Phật, quy y với Phật – Pháp – Tăng, nhận Phật làm Thầy như ông Vô Não, như ông vua A Xà Thế thì nhất định chúng ta sẽ chứng đắc và có sự trải nghiệm hạnh phúc và an lạc, và nhất định đại dịch sẽ hết, ngày mai sẽ tốt đẹp thôi.
Chúng ta hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.
Thưa Phật! Khi xưa, ông Vô Não đã khiêm tốn thành kính đón nhận Phật làm Thầy. Khi xưa, ông vua A Xà Thế cả một đời tìm mọi cách để bách hại Phật, giết cha nhưng vẫn quay lại đón nhận Pháp Bảo của Phật để trải nghiệm an lạc và hạnh phúc. Chúng con hiện thời trong mùa đại dịch, nguyện xin Chư Phật, Chư Bồ Tát, Thánh Hiền Tăng gia hộ để chúng con biết quay trở về với miền đất chân tâm ở bên trong, nhận Phật làm Thầy, tu tịnh pháp trí tuệ – từ bi, biết thương yêu cha mẹ, chuyển hóa nghiệp chướng, đánh tan đại dịch bằng đức độ, bằng thiện nghiệp.
Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Thưa Phật! Chúng con xin hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho quê hương Việt Nam của chúng con cũng như trên toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.