Search

Bài 2115. Thấy Gì Trong Màn Đêm | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tuệ Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và gia trì thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu thấy thật rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, Vô Ngã.

Chúng con cũng đồng hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và trên toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.

Thành kính hồi hướng cho chư vị hương linh vì đại dịch mà ra đi, nương bóng Từ Bi Đức A Di Đà Phật mà tái sanh cảnh thiện lành.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và từ bi thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa yêu thương.

Hãy gắn kết tâm thức thanh tịnh của mình với muôn loài muôn vật, đặc biệt hồi hướng cho những đấng bậc sinh thành, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn thân mến! Hôm nay thứ sáu, Bảo Thành đồng tu với các bạn sớm hơn 02 tiếng đối với chương trình ấn định bởi vì chút nữa Bảo Thành phải đi làm Phật sự đưa tiễn một Phật tử thương yêu đã tới Chùa Tổ Đình Xá Lợi tiểu bang này từ những thuở hoang sơ khi vẫn còn chỉ là một nông trại bỏ hoang với chuồng bò. Do đó, chúng ta đồng tu, dù như vậy cũng không bao giờ bỏ. Sự tu rất quan trọng! Khó khăn tới đâu, thử thách tới đâu, chúng ta cũng phải xê dịch cho phù hợp để vẫn tiếp tục đồng tu với nhau.

Ngọn đèn được thắp sáng không thể giãn cách để rồi tắt đi rồi bật lại, bởi giữa khoảng cách của sáng và tối, biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Giữa sáng tối, biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Mà chuyện xảy ra trong vùng sáng tối đó, ở giữa đó, hầu hết là những điều ta không thể xác định, xác minh được đúng hay sai. Để khi nhận ra được rồi thì nó quá trễ, quá muộn. Bao nhiêu đau khổ, phiền não lại ập vào trong tâm thức.

Chủ đề hôm nay: “Thấy Gì Trong Màn Đêm”, trong màn đêm u tối, ta thấy được gì hả các bạn? Có khi nào các bạn đã bị nhốt vào trong màn đêm u tối bao trùm tất cả? Và nếu như ở trong trường hợp đó, nay nghĩ lại, các bạn thử hỏi các bạn đã thấy gì trong màn đêm u tối ấy? Có chăng cũng là cái thấy trong bóng đen để rồi sờ mó quờ quạng, lần mò.

Cái tối của màn đêm 30 trong tháng 10, cái tối của những ngày cúp điện, cái tối của những đêm trường thao thức trong những nỗi thống khổ của cuộc đời, lần mò những bước chân, in dấu, khắc sâu vào trong trái tim những đau đớn, dằn vặt. Cái tối của sự phản bội trong tình yêu, trong tình cảm. Cái tối của sự tranh giành quyền lực, cái tối của sự sát hại nhau bởi tiền bạc. Cái tối của sự thành công hay mất mát, suy sụp. Cái tối của có và được, và hiện thời là cái tối tăm mù mịt của đại dịch đang bao trùm trong tâm thức của mỗi người.

Trong mỗi một cái cảnh tối đen đó, các bạn thấy được gì? Thấy gì trong màn đêm u tối? Thấy gì các bạn? Có khi nào các bạn tự hỏi bản thân của chúng ta là thấy được gì trong màn đêm u tối?

Cuộc sống giữa tình nghĩa vợ chồng, bất chợt nghe tin vợ hoặc chồng phản bội, có người yêu, có người tình, ăn ở với người khác thì tâm thức của chúng ta như mặt trời sụp xuống. Hình như cả kiếp người còn lại đắm chìm trong màn đêm uất ức, khó có thể thoát ra.

Trong cuộc buôn bán ở đời, nếu có kẻ lừa gạt hoặc ta vì thất bại, mất tiền, thậm chí đôi khi còn mất mạng thì những sự đen tối trong suy sụp như vậy nhất định sẽ luôn luôn ám ảnh mãi. Có những người công danh lên cao tột đỉnh, chức tước, công hầu lớn lắm, chỉ một chớp mắt té xuống, chẳng còn gì, tay trắng trắng tay, phải bỏ nhà, bỏ chỗ ở, bỏ tất cả để đi đến một vùng đất mới tìm lại sự sống và suốt cuộc đời của họ sau đó, chẳng thấy ánh mặt trời.

Cứ liệt qua từ người lớn đến người nhỏ, mỗi một người chúng ta đều có những hoàn cảnh tang thương mà làm cho cuộc đời cứ mãi mãi sống trong màn đêm.

Nay nói đến tinh thần của đạo pháp, của con đường giải thoát, chẳng phải là không nói tới những góc cạnh mà chúng ta bị bao phủ trong màn đêm u tối của những thứ vừa nói tới. Đạo không khác, y chang như vậy, nhưng thấu được thì những hoàn cảnh xảy ra mà đã đẩy chúng ta vào màn đêm u tối của tâm thức đau khổ, giận hờn, căm phẫn kia sẽ được nhìn thấu một lần. Để từ trong màn đêm đó chẳng còn tăm tối che phủ mà có một ánh sáng lóe lên để dẫn đường cho chúng ta bước ra.

Đức Phật khai thị cho thế gian, cho chúng sanh một ngọn đuốc tuệ viên mãn để đánh thức, để nhắc nhở chúng ta thấy rằng, trong bóng đêm hoặc ánh sáng, mỗi người chúng ta vẫn còn tồn tại được tánh thấy ở trong tâm. Dù mắt không thể nhìn thấy rõ những cái cảnh trần ở bên ngoài, nhưng tâm nếu lắng đọng thì từ trong chân tâm đó, ta đều có thể nhìn thấu xuyên màn đêm. Chữ “đen” trong nhà Phật gọi là Vô Minh, chữ “sáng” trong nhà Phật gọi là Trí Tuệ.

Một thuở nọ ở trong vườn trúc, Đức Phật, Thế Tôn và các hàng đệ tử đang ngồi ở đó. Có một bậc Đại Sĩ hỏi Ngài Xá Lợi Phất rằng: “Thưa Ngài! Thế nào là Vô Minh?” Có nghĩa là thế nào là đen tối trong tâm thức?

Ngài Xá Lợi Phất mới chia sẻ với Ngài Đại Sĩ đó rằng, vô minh, đen tối trong tâm thức, Đức Thế Tôn dạy có nghĩa rằng, những cái gì mắt ta thấy, ta cho nó là thật và ta cho nó tồn tại mãi mãi. Những cái gì tai ta nghe, mũi ta ngửi, lưỡi ta nếm, thân ta cảm giác, ý ta suy nghĩ, ta đều cho nó là thật và nó tồn tại mãi mãi, bất biến thì đó gọi là vô minh. Vô minh là như vậy!

Ngài Xá Lợi Phất nhắc lại lời Phật để cho đại chúng và các bậc Đại Sĩ đều nghe. Nay chúng ta cũng nghe lại lời đó. Có lẽ trong hàng Phật tử chúng ta thường suy nghĩ, những bậc tôn túc cao chắc có lẽ tu điều gì cao lắm. Đạo pháp cao siêu nhiệm mầu, bí pháp gọi là bí ẩn vô cùng, chứ đâu ngờ một bậc thượng thủ như Ngài Xá Lợi Phất vẫn trả lời những câu rất ư là dễ nghe, bình thường trong đời sống, mà Đức Phật đã dạy dỗ cho ông và muôn người.

Định nghĩa của chữ “vô minh” đơn giản là vậy, định nghĩa của màn đêm tăm tối trong tâm thức là vậy. Là những điều gì mắt ta nhìn thấy, ta luôn cho nó là hiện hữu thật và tồn tại muôn đời. Những điều ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta cảm giác, cảm xúc, rồi ta suy nghĩ, tư tưởng bên trong ý của ta, ta cho là thật, là thực tướng, là tồn tại, không bao giờ mất là vô minh.

Các Ngài cũng tu từ chỗ đó để đi đến sự chứng đắc. Để chuyển hóa khổ đau, phiền não thành hạnh phúc và an vui. Nay chúng ta, chúng ta nhìn vào cuộc sống hiện tại của mỗi một con người, của mỗi một cá nhân, những vấn nạn trong cuộc đời chúng ta đang đương đầu mà trái tim đau, nước mắt cứ chảy dài, trên vành môi như biển mặn cay đắng, như ở trong tim gươm giáo đâm vào. Các bạn cứ thử hỏi, phải chăng những điều đang xảy ra với các bạn đã chứng tỏ rằng các bạn và Bảo Thành đã là những người đang lần mò trong màn đêm u tối của tâm thức. Hay nói rõ hơn, chúng ta thuộc loại vô minh?

Vì sao tim ta đau? Vì ta cứ cho những mối giao cảm tình người giữa vợ chồng, giữa người này với người kia là thật, là tồn tại mãi mãi. Cho nên khi người đó không chung tình với ta, người đó phản bội ta thì ta không chấp nhận được, ta nghĩ rằng tình đó là tình yêu giữa vợ chồng, giữa huynh đệ, giữa cha mẹ, giữa những người thân, giữa bạn bè, giữa xã hội phải như vậy và là sự thật, tồn tại không bao giờ hư mất. Nay người ta phản bội, chồng đi theo vợ bé, vợ đi theo chồng mới, rồi tình cảm giữa anh em, chị em xích mích vì những mối tình vụn vặt, ta không chấp nhận, ta đau, ta đau và tim ta đau tột cùng.

Ngài Xá Lợi Phật nói rằng, chính vì cảm xúc ở nơi thân và cảm giác cũng như những cảm xúc nơi ý của chúng ta, ta chưa quán chiếu, nhìn rõ, vẫn cho nó là thật và tồn tại mãi mãi, không có sanh – diệt, nay nó thay đổi, nó vỡ toang, mộng của chúng ta chẳng còn nữa. Những cái ước định của tình yêu hay tình cảm muôn thuở bền vững, nay đã tan nát như bọt bèo, trôi bồng bềnh trong tâm thức, ta đau khổ. Nếu bạn cảm thấy đó là sự đau khổ đang dằn vặt trong tâm, bạn và Bảo Thành đang chìm đắm trong vô minh. Nếu bạn không thể nở được nụ cười, môi tím ngắt, nước mắt cứ chảy dài vì ai đó thị phi hoặc nói một lời gì đó thật nặng làm cho cảm xúc từ hồi đó cho tới hồi này ta cũng chưa nguôi được. Nghĩ lại là thấy đau quá, buồn quá, khổ quá. Nếu còn cảm giác đó và cứ vịn vào cảm giác đó cho qua ngày đoạn tháng để nước mắt chảy dài, bờ môi cay đắng thì Bảo Thành và các bạn thật sự là vô minh. Sẽ mãi mãi đau khổ như thế!

Biết bao nhiêu thứ từ những giác quan của chúng ta trực diện với hình ảnh bên ngoài, đối tượng bên ngoài mà giác quan nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm được, cảm giác được, suy nghĩ được trong tương tác mà từ xưa đến giờ ta cho nó là thật, tồn tại, không bao giờ mất, để rồi khi nó thay đổi, ta đau khổ. Ta chính là người đau khổ. Cái kết cay đắng đó vẫn chồng chất theo tháng ngày và mỗi người chúng ta cứ như thế tự đày đọa. Những điều như vậy gọi là vô minh. Mà đã trong vô minh, trong màn đêm tăm tối kia, ta nhất định sẽ khổ, khổ, khổ cả ba đời, cả muôn đời, khổ từ Thân, Ngữ và Ý.

Nếu bạn nhận diện ra rằng bạn đang đau khổ, bạn khao khát cho hết khổ nhưng sự khao khát cho hết khổ đó lại vẫn đắm chìm trong vô minh. Bởi để hết khổ, bạn lại mơ ước rằng người kia phải chung thủy trở lại, phải bỏ tất cả để trở về với cái định mặc mà bạn đã cho rằng người đó phải như vậy. Để xứng đáng với tình yêu, với sự đối xử của các bạn thì chúng ta đã tự xiềng xích chân tay, tròng vào cổ những khối nặng hơn, nhảy xuống vũng sình đen tối của vô minh và chết ngay tức khắc.

Trở về câu chuyện của bậc Đại Sĩ kia hỏi ông Xá Lợi Phất vô minh là như thế. Rồi ông ta lại hỏi Ngài Xá Lợi Phất rằng: “Vậy thưa Ngài! Thế nào là Trí Tuệ, là có ánh minh, có Trí Tuệ nhìn thấu?”

Ngài Xá Lợi Phất dạy rằng, như lời Đức Thế Tôn truyền dạy, người có trí tuệ, có ánh minh, có cái nhìn xuyên suốt là người mà những gì lọt vào mắt, thấy rõ được vô thường sanh – diệt, không cho nó là thật và chẳng bao giờ công nhận nó tồn tại mãi mãi, và biết rằng nó sẽ tới lui trong từng giây phút có và không. Những gì lọt qua lỗ tai từ âm thanh, từ những hương vị ngửi hoặc những hương vị nếm, từ những cảm giác do va chạm hay những suy nghĩ do tâm tưởng đều là vô thường sanh – diệt, có đó rồi đi, không bao giờ tồn tại mãi mãi. Đó gọi là trí tuệ. Người thấu được như vậy đã là thoát khổ, hết phiền não. Đơn giản! Trí tuệ là như vậy.

Từ xưa đến giờ, khi chúng ta nói tới vô minh thì chữ định nghĩa của “vô minh” nó lan tràn, cao, cao lớn, khó mà đạt được. Hình như dần rồi chúng ta thừa nhận rằng chỉ có bậc giác ngộ mới thấu được vô minh, rồi cũng chỉ có bậc giác ngộ mới gọi là trí tuệ như Phật, như Bồ Tát, A La Hán thôi. Còn hạn thường dân như Bảo thành và các bạn sao có tầm với tới để hiểu được vô minh và trí tuệ. Nhưng đối với Ngài Xá Lợi Phất, bậc cao minh thượng thủ hàng đệ tử cao lớn của trí tuệ cũng nhắc lại lời Phật dạy thật đơn giản, giữa vô minh và trí tuệ chỉ có vậy, chỉ là sự tương tác của giác quan chúng ta. Ý, mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, sáu căn đó tiếp xúc với những sinh hoạt hàng ngày gọi là cảnh trần, mà ta cho chuyện tiếp xúc đó là thật, là bền vững thì đó gọi là vô minh. Còn nếu ta hiểu thấu nó không thật, nó không bền vững, nó là vô thường tới lui, nó là sanh – diệt trong từng giây phút thì đó là trí tuệ.

Bởi vô minh cho nó là thật, tồn tại muôn đời, ta bám víu vào để rồi khi nó mất, ta đau, ta khổ, ta sầu, ta muộn. Để cho trong trái tim thầm kín này, vậy mà như nhà kho chất chồng những lớp bụi của đau thương, những giọt máu đã khô tím vẫn còn đọng ở trong đó, làm cho đau, đau thắt từng cơn trong từng giây phút. Còn người có trí tuệ thấu rõ những điều thấy, điều nghe, những điều ngửi, điều nếm được, cảm giác của loài người qua thân xác, qua tư tưởng đều tới lui vô thường sanh – diệt, chẳng bền vững, thì nó tới do nhân duyên, nó đi thì hết duyên, giả hợp chẳng còn, mới gọi là thong dong tự tại. Hạnh phúc tới từ chỗ đó! Có trí tuệ có hạnh phúc, vô minh là đau khổ. Nếu bạn xét lại rằng bạn vẫn còn đau khổ về một chuyện gì đó thì bạn và Bảo Thành đang đắm chìm trong vô minh.  Còn nếu bạn suy nghĩ lại, cảm nhận lại mà thấy ta hoan hỷ, hạnh phúc thì bạn và Bảo Thành đang sống trong những giây phút có trí tuệ.

“Thấy Gì Trong Màn Đêm” có nghĩa là trong vô minh, ta thấy gì?  Câu trả lời theo Ngài Xá Lợi Phất thật rõ, trong vô minh, ta thấy tất cả các pháp là thường hằng, là có, những hiện tượng là thật, là tồn tại, không bao giờ hư mất. Trong vô minh, trong màn đêm của tâm thức, ta thấy điều đó. 

Góp tiền mua được một chiếc xe mới, cho nó là tồn tại muôn đời. Để một thời gian sau, nó cũ, nó hư thì buồn thấu canh thâu, đó gọi là thấy trong màn đêm, thấy được như vậy đó. Cho nó là tồn tại để khổ, nhưng mà không thoát được khổ, cái thấy đó là cái vô minh. Còn cái thấy chiếc xe này có thời hạn, khi hết hạn thì nó hư, nó hư thì bỏ, dù bỏ tiền ra mua, chuyện tới chuyện lui, phương tiện sử dụng, nay tốt mai xấu, nay còn mai mất, nay sử dụng được mai hết sử dụng được, tâm thái lúc nào cũng thong dong, đó là trí tuệ.

Chủ đề rất hay trong mùa đại dịch. Nói dông dài trong những cảm xúc bởi sự tương tác giữa các giác quan và những hiện tượng của cuộc sống, vô minh tức là không thấu được rằng trong Vô Thường, vạn pháp, mọi hiện tượng là Vô Thường nên ta tự tôn cái ngã mình có được thụ hưởng, ta khổ. Còn trí tuệ là nhìn thấu Vô Thường, từ đó thấy rằng ta cũng chẳng còn có tồn tại mãi nên không có bản ngã để hưởng dụng những cái cho là có đó, nên ta lúc nào cũng tự tại và an vui.

Từ điều đó, trong đại dịch ngày hôm nay, một cách thực tế đã xảy ra mà dĩ nhiên là người như Bảo Thành và các bạn vẫn còn những dòng cảm xúc rất người, đau đớn vô cùng khi nhìn thấy người dân Việt Nam của chúng ta, khi nhìn thấy những người thân của chúng ta, khi nhìn thấy cha mẹ của bạn bè, khi nhìn thấy con cái của người quen biết bị dịch, bị chết một cách quá đột ngột, ta rất đau. Nhưng chính vì hiện tượng đại dịch đưa đến sự chết chóc đó mà ta không nhìn thấu, mà ta không mang lời Phật ra ứng dụng, Bảo Thành và các bạn có lẽ suốt kiếp này sẽ đau khổ, và sự đau khổ đó sẽ đày đọa chúng ta tái sanh trong cảnh luân hồi đau khổ nhiều hơn, dài hơn và lâu hơn, kiếp này qua kiếp sau.

Đây chính là lúc giữa cái màn đêm u tối của đại dịch đang đày đọa nhau trong vô minh, ta cần phải quán chiếu lời của Đức Phật dạy qua sự dẫn nhập của ông Xá Lợi Phất cho bậc Đại Sĩ kia. Giữa vô minh và trí tuệ, giữa màn đêm và ánh sáng, giữa cái đúng và cái sai mà Đức Giác Ngộ đã dạy cho chúng ta, thì mỗi người chúng ta sẽ hết khổ và hạnh phúc bình an, đồng thời tăng trưởng được phước đức vô lượng để có thể gửi gắm, hồi hướng cho những người mà hợp đồng tồn tại trên trái đất này đã mãn, và kiếp người của họ đã viên dung và ra đi vì dịch. Họ sẽ đón nhận được những tặng phẩm cao quý từ cái tâm an lạc nơi mỗi chúng ta để tái sanh về cảnh thiện lành.

Trong mật ngôn số hai ta tu tập, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là rèn luyện cho mình có trí tuệ viên mãn như ngọn đèn giữ, đừng để nó tắt. Để với cái trí tuệ sáng đó, ta nhận thật rõ các hiện tượng, các pháp là vô thường tới lui sanh – diệt từng giây phút để từ đó thấu được rằng không có một vật nào, không có một pháp nào và chính ta cũng chẳng có ngã. Phá tan đi ngã tướng của vạn pháp của chính ta, của mọi hiện tượng, thấu rõ được vạn pháp, mọi hiện tượng và của ta, thân này, xác thân này đều là không, vô thường sanh – diệt, tới lui thì chính sự nhìn rõ thấu đó gọi là trí tuệ, sẽ đưa chúng ta thể nhập vào Phật tánh nơi an lạc, nơi hạnh phúc, nơi không có đau khổ và phiền não ngay trong phút này, ngay trong cuộc chơi, cuộc hồng trần, cuộc đời này. Dù cho ta có phải chết, ta cũng an vui, dù cho muôn người phải ra đi vì đại dịch, ta vẫn tịch tĩnh để tích phước, tích đức gửi gắm cho họ trên con đường từ giã cuộc đời.

Người ta đi, đã là đi. Người ta chết, đã là chết. Người thân từ bỏ ta đi, đã là đi. Người yêu phản bội ta, đã là phản bội. Nếu cho rằng cuộc tình đó vẫn phải chung thủy mãi mãi, nếu cho rằng người đó vẫn phải sống mãi mãi, nếu cho rằng người đó sẽ tồn tại mãi mãi thì sai rồi. Đức Phật nói vạn pháp vô thường, nay yêu mai có thể trở thành kẻ thù, nay tốt mai có thể phản. Tất cả những chuyện đó là luôn luôn ở trong quỹ đạo sanh – diệt vô thường, nên đừng chấp, đừng bám víu. Chỉ có tình thương được lan tỏa bằng trí tuệ mới có thể chữa lành tất cả mọi vết thương lòng ở trong tâm. Dù là vết thương do sự phản bội tình nghĩa vợ chồng, bạn bè, huynh đệ, con người với con người hay vết thương của sự thành bại, thịnh suy trong cuộc sống hay vết thương của sanh mạng chẳng còn, phải chết thì chỉ có trí tuệ và tình thương tức là lòng từ bi của chúng ta tu tập rõ ràng mới có thể chữa lành được mọi vết thương đó, mà ta đang cưu mang trong tâm thức, dằn vặt từng đêm thâu.

“Thấy Gì Trong Màn Đêm”, đây là một cách nói để gợi ý chúng ta, trong vô minh, ta thấy sắc thân này là thật, ta thấy các pháp, các hiện tượng là thật và cho nó là tồn tại, đó là cách thấy trong vô minh.  Cách thấy đó là cách thấy đau khổ, luân hồi sanh tử. Còn thấy gì bằng trí tuệ? Thấy bằng trí tuệ là thấy rõ được các pháp, các hiện tượng qua các căn của chúng ta tiếp nhận vào đều là vô thường sanh – diệt, không thật và chẳng tồn tại. Đó là cách thấy của trí tuệ. Thấy gì trong trí tuệ? Thấy vạn pháp vô thường sanh – diệt, không bền, không vững. Thấy được như vậy là có hạnh phúc và an vui.

Cũng là thấy, thấy trong vô minh, trong màn đêm. Cũng là thấy, thấy trong ánh sáng và trí tuệ. Cũng thấy những điều đó, nhưng nhận rõ rằng nó là vô thường sanh – diệt, không bền, không vững thì trí tuệ là đây. Còn cái thấy trong vô minh, trong màn đêm là thấy các pháp,  các hiện tượng là thật, là bền vững nên khổ. Ta phải chuyển hướng cái thấy để tự chuốc khổ và cái thấy có an lạc. Ta chuyển hóa cái gì? Cái thấy trong vô minh thành cái thấy trong trí tuệ để không chuốc khổ vào thân mà có hạnh phúc. Nếu các bạn đang đau khổ về một điều gì đó, các bạn hãy chuyển hướng, cũng là tánh thấy, nhưng hãy thấy trong trí tuệ để thoát khổ mà an vui, hạnh phúc.

Thời đại dịch này, màn đêm trong tâm thức bao trùm tất cả. Nếu chúng ta không tu trí tuệ và từ bi để có cái thấy thật rõ các pháp là vô thường sanh – diệt,  chẳng bền, chẳng vững, chẳng có dài lâu, tồn tại mãi mãi thì nhất định chúng ta sẽ là một thế hệ sản sinh ra muôn trùng sự đau khổ. Để rồi dồn nén trong tâm thức, đày đọa những thế hệ sau và chính mình sẽ bị tái sanh vào địa ngục đau khổ lắm.

Các bạn! Nhất định, trong hoàn cảnh này, chúng ta phải thật bình tĩnh Chánh Niệm hơi thở. Trong Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta bình tĩnh lại, vì sao? Vì hơi thở ngắn hay dài tùy theo thân của chúng ta, cơ địa của mỗi người để hơi thở đó mang đầy đủ Oxy, giúp cho thân của chúng ta cường tráng, máu huyết lưu thông, tịch tĩnh. Và trong sự tịch tĩnh bởi hơi thở đầy đủ đó, ta quán chiếu thắp sáng trí tuệ và nhớ lời ông Xá Lợi Phất nhắc lại lời Phật rằng: “Tất cả các pháp đều là vô thường sanh – diệt, không bền vững”. Các pháp đều là vô thường sanh – diệt không bền vững!

Chúng ta phải niệm đi niệm lại, nhắc đi nhắc lại, quán chiếu nhìn cho thấu được lời ông Xá Lợi Phất nhắc lại lời khai thị của Phật rằng hãy nhìn bằng trí tuệ, mà trí tuệ là gì? Trí tuệ là người nhìn thấy rõ các pháp, các hiện tượng là sanh – diệt trong từng giây phút, không bền và không vững. Thấy được như vậy là đã thoát khổ, thoát phiền não và hạnh phúc an vui. Thấy được như vậy là chúng ta thấy được biết bao nhiêu người yêu thương đang chết vì đại dịch, ta biết phải làm gì trong sự tịch tĩnh và trong cái thấy của trí tuệ để mình được an lạc và hạnh phúc, để thấu hiểu được cuộc trần, để hồi hướng cho người ra đi.

Còn nếu ta không thấy được như vậy, lần mò trong vô minh, trong màn đêm đen tối của tâm thức hiện thời bao phủ bởi sự chết của đại dịch thì không lợi ích gì cho ta, chuốc khổ vào thân mà còn nhốt những người yêu thương hoặc những người chết vì đại dịch vào trong sự đày đọa của đau khổ. Cả nhóm sẽ luân hồi trong địa ngục. Đó là cái kết của những người thấy trong màn đêm, trong vô minh. Thấy các hiện tượng, các pháp là thường, là thật, là bền, là vững, không bao giờ mất.

Đức Phật dạy không phải những lời quá cao siêu, vượt tầm tay, ta không thực hiện được. Lời Đức Phật dạy thật đơn giản! Đơn giản như ông Xá Lợi Phất, một bậc thượng thủ cũng chỉ thực tập như vậy để có trí tuệ. Để có trí tuệ phải quán chiếu, để mình nhận ra các hiện tượng, các pháp tương tác với các giác quan của chúng ta là sanh – diệt vô thường, là không bền, không vững. Mà Ngài là bậc có trí tuệ hạng nhất trong các đại đệ tử của Phật thì ta vẫn có khả năng là người có trí tuệ.

Nếu ta biết Chánh Niệm hơi thở, nếu chúng ta biết thiền trí tuệ và từ bi. Mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta có một cái thấy trong trí tuệ viên dung rõ các pháp, các hiện tượng là vô thường sanh – diệt, không bền vững. Cái thấy đó thì chúng ta đã tràn ngập yêu thương, an lạc và hạnh phúc. Dù cho màn đêm của đại dịch có bao phủ, dù cho biết bao nhiêu sự đau đớn nhiều đời của kiếp trước hoặc hiện kiếp này đang xảy ra. Nếu bạn thấy rõ được bằng trí tuệ các hiện tượng đó, các pháp đó, các mối giao hảo trong tình cảm của vợ chồng, của con người với con người, của tất cả những gì xưa giờ bạn cho là sẽ tồn tại, sẽ bền vững, nay thấu rõ rằng nó chỉ là vô thường tới lui sanh – diệt trong từng giây phút và chẳng bền vững thì bạn sẽ luôn luôn an vui và hạnh phúc. Và tất những sự sầu muộn chất chồng trong trái tim liền tan, rụng rơi hết và bạn đã trả lại cho bản thân của mình niềm vui, hạnh phúc, an lạc. Để mỉm cười, để sống và để, để luôn luôn vững chãi trên mỗi đoạn đường mà muôn trùng thử thách dù có ập tới cũng chỉ là hương hoa lót đường cho bạn bước lên tới cung trời cao rộng của tình thương, đón nhận ánh sáng của mặt trời trí tuệ. Để Đức Phật và Bồ Tát, Chư Long Thần, Hộ Pháp đồng hành dìu bước chúng ta đi về cõi Niết Bàn.

Hãy nhớ, hãy nhớ! Hãy nhớ lời Phật, ông Xá Lợi Phất đã nhắc lại. Vô Minh tức là vùi đầu trong màn đêm của những nhận biết không rõ, luôn cho rằng các hiện tượng, các pháp là có thật, là tồn tại, là bền vững. Cách nhìn đó, cách thấy đó sẽ tạo ra muôn trùng đau khổ, không tốt. Còn Trí Tuệ là thấy gì? Là thấy được các pháp, các hiện tượng là vô thường sanh – diệt từng giây phút, là không bền, không vững, chẳng có. Từ đó, như Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn trong Chú Đại Bi, Mẹ Hiền Quan Thế Âm quán chiếu ngũ uẩn đều là không. Tức là Ngài đã nhìn thấy các pháp đều vô thường sanh – diệt, chẳng có, đều là không nên Ngài đã hết khổ và cứu chuộc được sự đau khổ của chúng sanh.

Chúng ta để chuyển hóa đau khổ của mình, cần phải có cái nhìn như vậy. Mà để có cái nhìn bằng trí tuệ thì cần phải thực hành. Sự thực hành đó là Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Các bạn! Mời các bạn đặt bàn tay phải, bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái, bàn tay Từ Bi.

Thưa Phật! Trong Vô Minh, chúng con thấy gì trong màn đêm của tâm thức? Thấy các pháp là thật, các hiện tượng là thật, là tồn tại, là bền vững. Do đó, từ muôn đời chúng con đã khổ và mãi mãi sẽ luôn khổ. Nay thấu được lời dạy của ông Xá Lợi Phất nhắc lại sự khai thị của Thế Tôn, chúng con nhận ra rằng chúng con cũng là những người có khả năng đạt được trí tuệ bằng Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ để nhìn thấu và nhận ra các hiện tượng và các pháp đều là vô thường sanh – diệt, không bền, không vững để thể nhập vào chân lý của Mẹ Hiền Quan Âm thấy rõ rằng các uẩn đều là không. Từ đó chuyển hóa mọi đau khổ, tận hưởng hạnh phúc, an lạc và dìu nhau vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta cùng hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có, tới tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và tới quê hương Việt Nam của chúng con cũng như trên toàn thế giới mau thoát khỏi đại dich.

Xin Đức Phật, Chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn